Hôm xưa bạn Diệp Y Như có trao đổi với tôi về bài thơ này, xin phép trích dẫn nội dung trao đổi:
Cháu chào bác ạ :) Cháu viết cho bác là để hỏi về bài thơ "Áo bông che bạn" của nhà thơ Trần Tế Xương.
Trong Thi Viện mình, bài thơ như sau:
"Ai ơi, còn nhớ ai không?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ..."
Nhưng câu thứ 6 lại có một bản khác ghi là: "Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình", gắn với tích vua Thuấn đi tuần phương nam, chết ở Thương Ngô; hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, khóc nước mắt nhỏ xuống những cây trúc thành vết lốm đốm và tự trầm ở sông Tương.
Trên google, nguồn các trang web khá tạp nham. Cháu tìm được hai trang này đáng tin cậy nhất:
http://www.vietkiem.com/f...showtopic=16264&st=40 ~~> cháu tình cờ đọc được ở Việt kiếm nên mới thắc mắc, trong này có một đoạn trao đổi giữa hai thành viên về chữ "Thương Ngô".
http://www.vanhoahoc.com/...&id=112&Itemid=47 ~~> đây là bài viết của Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, cháu thấy cực kỳ đáng tin cậy, trong đó có đoạn:
“Bạch vân” và “Thương ngô”: mây trắng phủ một sắc buồn đầy phương Nam, màu trắng của mây, trắng một màu tang tóc (Thương ngô là điển nhưng Thương cũng là màu xanh. Tương tự như Tú Xương đã chơi chữ tài tình, dùng Thương trong Thương ngô có thêm cả nghĩa thương nhớ: Người đi Tam đảo, Ngũ hồ-Kẻ về khóc trúc Thương ngô một mình).
Ý kiến cá nhân cháu thì "Thương Ngô" đúng hơn. Nếu "Thương Ngô" đúng thì bản ở Thi viện phải sửa lại. Cháu không có quyển sách nào về thơ Tú Xương thật đáng tin cậy cả, bác có không ạ?
Có giai thoại về bài thơ này như sau:
"Trong cuộc đời mình, ngoài bà Tú thì Tú Xương còn có một vài bóng hồng, trong đó có một tiểu thư, con gái của tiến sĩ Vũ Công Độ. Tiểu thư này vốn là hoa khôi nổi tiếng Thành Nam, lấy chồng là một viên quan cỡ tầm tầm có tên là Hai Đích. Từ đó người ta hay gọi bà là bà Hai Đích. Ông Hai Đích mất sớm, khi bà mới ở tuổi 23 và họ có với nhau một mụn con gái, đặt tên là Sính. Cô Sính lớn lên, lấy chồng là một viên quan huyện, người ta quen gọi ông Huyện Thuật. Họ chính là song thân của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Như vậy, bà Hai "nàng thơ thứ hai" của Tú Xương là bà ngoại của Vũ Hoàng Chương.
Bà Hai thân với Tú Xương từ thời họ còn đi học. Nhưng khi đến tuổi dựng vợ gả chồng thì không hiểu sao họ không chọn nhau. Sau ngày ông Hai về cõi, bà Hai vẫn còn xuân sắc lắm, rất nhiều thi nhân tài tử ve vãn, nhưng bà chỉ giữ lòng trung trinh thờ chồng.
Bà Hai đã không tái giá, nhưng chút tình dành cho Tú Xương là điều có thật. Vào cái đêm mưa phùn gió bấc, Tú Xương và bà Hai từ nhà bạn ra phố, ông Tú đã cởi chiếc áo bông của mình che đầu cho bà Hai là chuyện nhiều người biết."
Bài thơ "Áo bông che bạn" có một số dị bản, đặc biệt khi được đăng tải trên mạng thì không còn "tam sao thất bản" nữa mà là "tam sao vạn bản".
Theo bản in
Thơ Trần Tế Xương, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1998 mà tôi có thì nội dung bài thơ là:
Hỡi ai, ai có thương không?
Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!Dị bản khác:
Ai ơi có nhớ ai không?Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu
Rạng ngày, ai biết ai đâuÁo bông ai ướt, khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
Non non, nước nước, tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!
Tôi cũng đồng ý kiến với bạn DYN, câu 6 là "Thương Ngô" thì chỉnh hơn.
"Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ" là hàm ý ông Hai Đích đã sớm về miền tiên cảnh (Tam Đảo, Ngũ Hồ là những thắng cảnh của Tây Hồ, thuộc Hàng Châu, Trung Quốc).
"Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình" là nói về tình cảnh goá bụa của bà Hai, lấy tích trúc Thương Ngô như các bà phi của vua Thuấn khóc chồng.
Thế mới thấy việc lưu trữ "văn bản" của nước ta so với người là vô cùng tụt hậu!
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê