http://www.thiv..._2j2am50flsyzrQHịch đánh Trịnh
(Nguyễn Hữu Chỉnh)
Sinh dân phải nuôi dân làm trước, vậy hoàng thiên dựng đất quân sư
Gặp loạn đành dẹp loạn mới xong, ấy vương giả có phen binh cách
Hội thuận ứng thế đừng được chửa
Việc chinh tru lòng há muốn ru
Ta đây: Bẩm khí trời Nam
Vốn dòng họ Nguyễn
Nhờ lộc nước phải lo việc nước, đòi phen Trương Tử giả ơn Hàn
Ăn cơm vua nên nhớ nghĩa vua, chi để Tào Man nhòm vạc Hán
Giận quốc phó ra lòng bội thượng
Nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương
Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp ghé
Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than
Ví lòng trời còn nền nếp Phú Xuân
Ắt đấu cũ lại cơ đồ Hoa Hạ
Nào biết ngôi trời có bảy, giặc họ Trương toan biến phiếm mười phần
Bỗng xui thế nước tranh ba, tôi nhà Hạ phải thu hồi hai nước
Thế bạng duật đương còn đối mặt
Thói kình lang sao khéo lắng tai
Ngoài mượn lời cứu viện làm danh, dân kinh loạn cử binh điếu phạt
Trong mấy chữ thừa nguy để dạ, chốn thừa bình nên nỗi lưu ly
Cung đền thành quách phá lâng lâng
Súng ống thuyền bè thu thảy thảy
Cơn gấp khúc chẳng thương dòng ngoại tộc, đã cùng đường đuổi thú thời thôi
Dấu cưỡi rồng còn nhớ đấng tiên quân, lại khoét lỗ bừa sâu sao nỡ
So chữ bạo lửa nồng quá Hạng
Dò lòng người nước chảy về Lưu
Chúng cùng đường cờ nghĩa đem về đầu, nên quân số mỗi ngày một thịnh
Dân cơ cận cảm lòng nhân ngóng cổ, khiến binh uy càng thấm càng thêm
Quảng Nam đà quét sạch bụi trần
Thuận Hóa lại đem về bờ cõi
Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần
Bắc mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi trông sao tiện
Cảm công đức vua Lê dám phụ
Lộng quyền hành họ Trịnh khó nghe
Ngôi hoàng đế đặt không, há nước thấp lao lung thấy đặng
Tội Hoàng Sào chẳng có, lòng trinh thêu dệt vào bình
Hiệu Đoan Vương càng tỏ dạ vô quân
Mưu soán đoạt nên lòng bội phụ
Trưởng cung vốn xưa nay là đích, quyền cha trót bội bạc sao đành
Điện Đô tuy bé nhỏ nhưng anh, mệnh cha rắp tranh khi sao phải
Tai chẳng đoái đến lời cố mệnh
Mặt nào trông vào chốn tử cung
Khiến một đàn con trẻ đàn bà, đem chữ hiếu nỡ gieo xuống đất
Để những kẻ tôi ngay người thẳng, tiếng kêu oan đã động đến trời
Chí tôn phù ví chẳng mưu mình, thì sắc lệnh ngân tiền nào đợi nó
Gươm ngược cán còn đem xuống dưới, nghĩa lý nào trời đất còn dong
Lưới đứt giềng quân đuổi được quan, ấy sự ấy xưa nay cũng lạ
Vì phế lập muốn mình cho ích
Để khuynh nguy làm nước phải lo
Vả bấy nay thần nịnh chúa hôn, mở bình trị lòng trời hẳn muốn
Lại gặp hội binh kiêu dân oán, sửa mối giềng tài cả phải ra
Chước vạn toàn đã tạc đá Hoành Sơn
Binh tức khắc giương buồm Bắc Hải
Qua sông Mạnh phất cờ Chu Võ, ra tay sử chính dẹp tà
Vào đất Quan thét ngựa Hán Hoàng, quyết chí lấy nhân đổi bạo
Sắp sửa vốn nguyên lòng thật
Giữ gìn phải ngỏ lời ngay
Chữ hướng minh phải mượn ai suy, thương sĩ nữ huyền hoàng là thế
Máy trợ thuận hẳn nhiều kẻ biết, .... nữa ta
Ai biết suy lẽ phải, quyết một lòng hạ chúng hề tô
Ta chẳng phụ dân lành, ắt hai chữ thu hào vô phạm
Thói bội phản chớ quen như trước
Chút thái bình còn để dài lâu
Nước triều đông ví chẳng thuận dòng, lại cự cưỡng rắp giơ tay chắn
Lửa cháy đá lỡ hòa lầm ngọc, dù hiền ngu khôn lọt lưới trời
Ân với uy ngỏ cáo lời hằng
Thuận hay nghịch mặc lòng ai quyết.
Bạn Điệp luyến hoa chua thêm rằng: "Bài hịch này tương truyền của Nguyễn Hữu Chỉnh thay mặt vua Quang Trung soạn ra, nhưng dù vua Quang Trung không làm toàn bộ thì chắc cũng phải tham gia hiệu đính tu sửa rất nhiều vì bài hịch chính thức đứng tên ông, mà vua Quang Trung vốn là người sính chữ Nôm và cũng có học vấn, lại là người thích tự tay làm mọi việc. Đọc đoạn thơ Nôm của vua Quang Trung "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ..." chúng ta thấy giọng điệu khí phách không khác gì bài hịch, nên bảo rằng Nguyễn Hữu Chỉnh làm toàn bộ là không có cơ sở!"
Mỗ cho rằng chính lời bình của bạn mới là không có cơ sở. Hà cớ gì "Bình Ngô đại cáo" thì do Nguyễn Trãi soạn mà "Hịch đánh Trịnh" thì Nguyễn Hữu Chỉnh lại không có công. Mỗ có mấy lập luận sau đây để khẳng định toàn văn bài này hoàn toàn là do Nguyễn Hữu Chỉnh soạn:
1. Nói về học vấn, Chỉnh phải hơn Quang Trung. Xem lý lịch Chỉnh (http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_Ch%E1%BB%89nh), so với lý lịch của Quang Trung (http://vi.wikipedia.org/wiki/Quang_Trung#Th.C3.A2n_th.E1.BA.BF_s.E1.BB.B1_nghi.E1.BB.87p) thì thấy Chỉnh đỗ Hương Cống năm 16 tuổi, còn Quang Trung cầm quân từ khi 19 tuổi, việc học hành trước đó không thấy nhắc (bản thân Mỗ rất ngưỡng mộ Quang Trung, nhưng chỉ có tiếp cận lịch sử khách quan nhất thì mới có thể thấu hiểu lịch sử).
2. Trong giai đoạn lịch sử đó, sự thật là Quang Trung chưa ra Bắc Hà lần nào. Thấu hiểu nhân tình thế thái ở Bắc Hà nhất, biết rõ lòng người Bắc Hà nhất, có thể soạn ra bài hịch làm rúng động nhân tâm ở Bắc Hà, thực chất chỉ có Chỉnh mới làm nổi mà thôi.
3. Giọng điệu bài hịch, mà Thi viện so với bài hịch đánh quân Thanh của Quang Trung sau này, quả thật có giống, nhưng nếu so với Trương Lưu Hầu phú, Quách Tử Nghi phú thì đúng là của cùng một tác giả, không thể nhầm lần được. Đó là chưa nói trong tất cả các tài liệu thành văn, thực ra vua Quang Trung chưa để lại một văn bản xác thực nào có độ dài và tầm vóc như thế này.
Mấy lời trên không khỏi có chỗ mạo phạm Phụng Hoàng, nhưng Mỗ nghĩ đã là lịch sử thì phải khách quan, mong được mọi người chỉ giáo thêm.