Hoa lá về trời Tuổi thơ tôi ở vùng tuyến lửa khu Bốn, những năm chống Mỹ với tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi đạn nổ và những trang sách học trò, trong đó có những vần thơ thiếu nhi của nhà thơ Phạm Hổ.Cùng với Võ Quảng, Phạm Hổ là người đã gieo vào tâm hồn bé thơ của tôi những rung động của tuổi mới lớn, biết nhìn đất trời bao la mà gần gũi, biết nhìn những vật gần gũi quanh mình mà rộng dài ra những chuyện thế gian, cuộc đời.
Những câu thơ thiếu nhi trong sáng, dí dỏm, vui tươi trong tập thơ Chú bò tìm bạn tôi đọc đầu tiên và những tập thơ khác cho thiếu nhi của ông đã đọng lại rất sâu trong hồn tôi, khiến tôi vui đến mãi về sau với những phát hiện tưởng nhỏ nhoi nhưng bất ngờ của nhà thơ trước mọi biểu hiện bình thường của cuộc sống vạn vật.
Đó là mười quả trứng tròn nở ra mười chú gà con "cái mỏ tí hon, cái chân bé xíu", và khi đàn gà con quây tụ lại bên chân gà mẹ thì "con đông vướng chân, mẹ càng kiêu hãnh". Đó là quả dứa như một chiến binh đứng giữa trưa hè "Đầu xanh mũ vua / Mình vàng áo giáp / Một trăm con mắt / Nhìn quanh bốn bề". Đó là bông sen nở "nhẹ hơn / hơi thở / chậm hơn / trăng đi, sen nở như con trẻ lớn lên từng ngày, không thấy ngay đâu nhưng mà hiện hữu. Đó là chiếc xe cứu hỏa như một người không nề hiểm nguy cứu người bị nạn.
Phạm Hổ đã nhìn đời bằng cặp mắt tươi non của con trẻ, của cái tuổi đang háo hức nhìn ngắm và khám thế giới để cùng các em đi từng bước từ xa đến gần, từ giản đơn đến phức tạp, từ nhìn thấy vạn vật luôn sinh động và vận động quanh mình. Những chuyện hoa chuyện quả ông kể lại dưới hình thức những chuyện cổ tích mới, đã đưa bao tâm hồn trẻ thơ tới những miền hư ảo kỳ thú.
Và tác giả quê Bình Định này nổi tiếng là nhà thơ viết cho thiếu nhi. Nhiều người đọc cũng chỉ biết ông ở lĩnh vực này. Nhưng ông còn có những nhà thơ khác ngoài địa hạt đó, mà những người yêu thơ được nhắc đến là nhớ. Tập thơ đầu tay của ông Những ngày xưa thân ái lấy tên một bài thơ của ông viết về nỗi đau của một tình bạn phân chia hai giới tuyến thời kháng Pháp. Và người này đã bắn chết người kia, bắn kẻ thù bây giờ chứ không phải đứa bạn tuổi ấu thơ, bắn mà lòng tiếc xót.
Một bài thơ khác của ông cũng được đưa vào nhiều tuyển tập là Qua Bạch Đằng: "Qua dòng sông yêu kính tự bé thơ / Tay vốc nước, tôi hỏi cùng bát ngát: / "Những sóng nào xưa theo thuyền đi đánh giặc / Qua nghìn năm còn có mặt hôm nay?" Cảm hứng hùng ca của một thời chiến đã cho nhà thơ thay mặt sông trả lời: "Còn đủ cả, và ngày càng bất tử / Những con sóng đã vỗ vào lịch sử / Vào lòng dân cho dân mãi anh hùng". Rồi sẽ đến lúc mọi dòng sông lịch sử trở lại sống đời sông giản dị, bình thường, nước trôi chảy mãi. Nhưng những bài thơ sông như của Phạm Hổ là dấu tích của một thời sông quên đời sông chỉ để sống đời đất nước.
Ngày 4-5, nhà thơ mang tuổi Dần (1926) nên tên Hổ nhưng yêu thương con trẻ trong những vần thơ hiền hòa đã về yên nghỉ cùng hoa lá cỏ cây đất trời từng thức động tâm hồn ông suốt cả cuộc đời.
Tôi nhớ bài U ốm của ông từng được đưa vào sách giáo khoa mà tuổi nhỏ tôi đã được học để thấm lòng yêu cha mẹ, yêu con người: "Ghét cái bệnh tật / Làm u mệt người / Đừng ai ốm cả / Là vui nhất đời". Lẽ tử sinh là vòng quay tự nhiên. Vĩnh biệt nhà thơ Phạm Hổ nhưng lời thơ ông còn lại như câu cửa miệng yêu đời.
Nguồn: PHẠM XUÂN NGUYÊN - Thể thao và Văn hóa"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"