Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Người kể Chuyện hoa chuyện quả cho rất nhiều thế hệ thiếu nhi VN đã ra đi vào rạng sáng 5-5 sau những cơn đau bệnh kéo dài suốt ba năm nay.

Sinh năm 1926 tại Bình Định, sớm tham gia phong trào Văn hóa cứu quốc rồi tập kết ra Bắc, nhà văn Phạm Hổ là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn VN, và nhất là sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng, tác giả của những tập thơ "Chú bò tìm bạn", "Ngựa thần từ đâu tới", "Nàng tiên nhỏ thành Ốc"... và những truyện dài cảm động "Tình thương", "Cây bánh tét của người cô"...

Cả sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã viết 25 tập thơ, 35 tập truyện, 10 kịch bản sân khấu và phim hoạt hình cho thiếu nhi. Ông đã vinh dự nhận giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật cho những sáng tác trong trẻo và tràn trề tình thương yêu với thế hệ mầm non của đất nước.

Nguồn tin: Theo Thu Hà, Tuổi trẻ online.

Tác phẩm của bác Phạm Hổ trên Thi Viện:


http://www.thivien.net/viewauthor.php?UID=PbFGW5L8tZDpqp1xWemEQw.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Không bạn nào vào đây cùng tớ tưởng nhớ bác Phạm Hổ ư?

Tớ nghe tin này thấy rất bàng hoàng vì bác Phạm Hổ có lẽ đã là người bạn lớn thân thiết của tuổi thơ từ bao lâu nay rồi. Không thể ngờ lại có ngày bác già đi và qua đời... Bác hẳn phải là một người hiền từ, nhân hậu lám. Bác hẳn là một người dịu dàng, kiên nhẫn lắm. Bác hẳn rất hay cười và có cái nhìn trìu mến.

Bác Phạm Hổ ơi, từ nơi xa xôi này, cháu xin gửi vọng về Bác một lời khấn: Mong Bác được thanh thản nơi suối vàng vì tuy Bác không còn trên đời này thì tình cảm và tâm huyết của Bác đối với các thế hệ trẻ thơ của đất nước mình vẫn còn mãi đây, sống mãi...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=194518
http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2005/11/18948/images/images18440_tacgiavaPhamHo.JPG

Hoa lá về trời
Tuổi thơ tôi ở vùng tuyến lửa khu Bốn, những năm chống Mỹ với tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi đạn nổ và những trang sách học trò, trong đó có những vần thơ thiếu nhi của nhà thơ Phạm Hổ.
Cùng với Võ Quảng, Phạm Hổ là người đã gieo vào tâm hồn bé thơ của tôi những rung động của tuổi mới lớn, biết nhìn đất trời bao la mà gần gũi, biết nhìn những vật gần gũi quanh mình mà rộng dài ra những chuyện thế gian, cuộc đời.
Những câu thơ thiếu nhi trong sáng, dí dỏm, vui tươi trong tập thơ Chú bò tìm bạn tôi đọc đầu tiên và những tập thơ khác cho thiếu nhi của ông đã đọng lại rất sâu trong hồn tôi, khiến tôi vui đến mãi về sau với những phát hiện tưởng nhỏ nhoi nhưng bất ngờ của nhà thơ trước mọi biểu hiện bình thường của cuộc sống vạn vật.
Đó là mười quả trứng tròn nở ra mười chú gà con "cái mỏ tí hon, cái chân bé xíu", và khi đàn gà con quây tụ lại bên chân gà mẹ thì "con đông vướng chân, mẹ càng kiêu hãnh". Đó là quả dứa như một chiến binh đứng giữa trưa hè "Đầu xanh mũ vua / Mình vàng áo giáp / Một trăm con mắt / Nhìn quanh bốn bề". Đó là bông sen nở "nhẹ hơn / hơi thở / chậm hơn / trăng đi, sen nở như con trẻ lớn lên từng ngày, không thấy ngay đâu nhưng mà hiện hữu. Đó là chiếc xe cứu hỏa như một người không nề hiểm nguy cứu người bị nạn.
Phạm Hổ đã nhìn đời bằng cặp mắt tươi non của con trẻ, của cái tuổi đang háo hức nhìn ngắm và khám thế giới để cùng các em đi từng bước từ xa đến gần, từ giản đơn đến phức tạp, từ nhìn thấy vạn vật luôn sinh động và vận động quanh mình. Những chuyện hoa chuyện quả ông kể lại dưới hình thức những chuyện cổ tích mới, đã đưa bao tâm hồn trẻ thơ tới những miền hư ảo kỳ thú.
Và tác giả quê Bình Định này nổi tiếng là nhà thơ viết cho thiếu nhi. Nhiều người đọc cũng chỉ biết ông ở lĩnh vực này. Nhưng ông còn có những nhà thơ khác ngoài địa hạt đó, mà những người yêu thơ được nhắc đến là nhớ. Tập thơ đầu tay của ông Những ngày xưa thân ái lấy tên một bài thơ của ông viết về nỗi đau của một tình bạn phân chia hai giới tuyến thời kháng Pháp. Và người này đã bắn chết người kia, bắn kẻ thù bây giờ chứ không phải đứa bạn tuổi ấu thơ, bắn mà lòng tiếc xót.
Một bài thơ khác của ông cũng được đưa vào nhiều tuyển tập là Qua Bạch Đằng: "Qua dòng sông yêu kính tự bé thơ / Tay vốc nước, tôi hỏi cùng bát ngát: / "Những sóng nào xưa theo thuyền đi đánh giặc / Qua nghìn năm còn có mặt hôm nay?" Cảm hứng hùng ca của một thời chiến đã cho nhà thơ thay mặt sông trả lời: "Còn đủ cả, và ngày càng bất tử / Những con sóng đã vỗ vào lịch sử / Vào lòng dân cho dân mãi anh hùng". Rồi sẽ đến lúc mọi dòng sông lịch sử trở lại sống đời sông giản dị, bình thường, nước trôi chảy mãi. Nhưng những bài thơ sông như của Phạm Hổ là dấu tích của một thời sông quên đời sông chỉ để sống đời đất nước.
Ngày 4-5, nhà thơ mang tuổi Dần (1926) nên tên Hổ nhưng yêu thương con trẻ trong những vần thơ hiền hòa đã về yên nghỉ cùng hoa lá cỏ cây đất trời từng thức động tâm hồn ông suốt cả cuộc đời.
Tôi nhớ bài U ốm của ông từng được đưa vào sách giáo khoa mà tuổi nhỏ tôi đã được học để thấm lòng yêu cha mẹ, yêu con người: "Ghét cái bệnh tật / Làm u mệt người / Đừng ai ốm cả / Là vui nhất đời". Lẽ tử sinh là vòng quay tự nhiên. Vĩnh biệt nhà thơ Phạm Hổ nhưng lời thơ ông còn lại như câu cửa miệng yêu đời.
Nguồn: PHẠM XUÂN NGUYÊN - Thể thao và Văn hóa
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoangth66

Bác cho hỏi có phải nhà thơ Phạm Hổ là tác giả bài thơ "Rừng dừa Tam Quan" trong sách giáo khoa lớp 1 những năm 1975 không ạ?

Em sinh ở Tam Quan
Giữa miền Nam ruột thịt
Quê em dù xa tít
Em vẫn nhớ vẫn thương

Nằm sát ở ven đường
Rừng dừa ngủ dưới nắng
Thân cây dừa mọc thẳng
Hắt bóng xuống bên đường

Cơm dừa trắng và ngon
Xa bao năm vẫn nhớ
Em nhớ gian nhà nhỏ
Sáng ngọn đèn dầu dừa

Nhớ cả sớm cả trưa
Mẹ đứng xe từng sợi
Em ngồi bên em đợi
Vòng dây dừa cuộn nhanh

Khi mà nắng trưa tuôn
Ôm trái dừa em núc
Ngửa đầu uống ừng ực
Từng hớp nước dừa ngon

Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Bấm ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Y Như

Nhà thơ Phạm Hổ là nhà thơ duy nhất trong thời thơ ấu của em. Ngày xưa, nói về thơ, em không biết gì ngoài hai chữ "Phạm Hổ". Nhà thơ Phạm Hổ bao giờ cũng duy nhất, nổi tiếng nhất, ai mà không biết là kém lắm đấy.
Đến giờ em vẫn chưa thấy thi nhân nào có những câu thơ trong sáng tuyệt vời như nhà thơ Phạm Hổ cả:
"Hoa bưởi nhờ ai gọi
Hoa nhãn nhờ ai mời
Mà sáng nay, mờ đất
Đã thấy ong đến rồi"
Em đã thuộc rất nhiều thơ Phạm Hổ từ khi mới hơn 1 tuổi. Qua thời gian, em có quên đi ít nhiều, những cuốn sách thơ của ông em đã làm mất hết. Hồi đó em không biết quý trọng, vì em nghĩ em thuộc hết cả rồi, có sách cũng vậy thôi. Bây giờ bài nhớ bài quên, nghĩ lại em muốn khóc quá.
Than ôi, khấp lệ thì có bao giờ muộn, cũng có bao giờ sớm đâu.
Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]