Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

karizebato

Võ lâm ngoại sử
Tác giả: Tiểu Ngọc

Ông giăng kia ông ở trên giời
Hỏi ông có biết sự đời cho chăng?
Sự đời nhít nhít nhăng nhăng
Xem ra chẳng biết mần răng nực cười

(Câu hát cổ)

Quyền đả cước thích (tay chân đấm đá) chỉ là thuật nhỏ, chỉ có nhất lý là thông thiên địa.
(Lời người học võ)

Lời giới thiệu

Tiểu thuyết võ hiệp là một thể loại văn học đặc biệt bắt nguồn từ Trung Quốc. Kim Dung - với những bộ tiểu thuyết võ hiệp lẫy lừng đã là một hiện tượng văn học có một không hai trong thời hiện đại. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn băn khoăn liệu tiểu thuyết võ hiệp có phải là "văn học chính danh" không hay chỉ là một thể loại "cận văn học", "á văn học"?

Sự say mê của rất nhiều độc giả với tiểu thuyết võ hiệp và các bộ phim võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp đã là một thực tế phải được nhìn nhận tích cực. Ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của văn hoá Trung Hoa nói chung và văn học Trung Hoa nói riêng với toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của người Việt Nam, chính nó đã là một phần tạo nên tính cách Việt Nam và bản sắc Việt Nam.

Tôi rất thú vị khi biết Tiểu Ngọc viết tiểu thuyết chưởng. Cả tôi và Tiểu Ngọc gần như chưa bao giờ đọc truyện chưởng, vì thực ra cũng... hơi sợ nó! Vì sao vậy? Vì lối viết của các nhà văn viết truyện chưởng rất dễ làm lung lay các quan niệm văn chương "chính thống" (khái niệm văn chương "chính thống" ở đây có phần tương đương đồng nghĩa với các khái niệm cổ truyền, phổ thông mà các nhà lý luận văn học cũng như các nhà văn vẫn thường quen dùng). Tính chất ma giáo, quái dị có phần nào "bác học" kiểu dân dã có thể làm đảo lộn tùng phèo tất cả các trật tự và giá trị "cổ điển". Chỉ khi nào gần như hoàn toàn "vô chiêu", không có thành kiến, lúc ấy người cầm bút mới có thể hoà được vào dòng tâm thức hồn nhiên của thể loại tiểu thuyết này. Tôi và Tiểu Ngọc đã trao đổi với nhau nhiều lần về thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Dưới đây xin ghi lại một đôi điều để giúp cho độc giả có thể hiểu thêm về cuốn tiểu thuyết võ hiệp thú vị và có phần kỳ cục này. Cần nói thêm rằng đây có thể là cuốn tiểu thuyết chưởng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam.

- Anh ký là Tiểu Ngọc, có ý bắt chước Kim Dung chăng?

- Đúng thế! Có rất nhiều thứ ở ta bắt nguồn, bắt chước từ Trung Quốc. Nhưng Việt Nam là Việt Nam. Thực ra tôi thích Ngô Thừa Ân tác giả của Tây du ký hơn Kim Dung rất nhiều.

- Cả tôi và anh đều chưa bao giờ đọc Kim Dung cả.

- Chúng ta đều "sợ" thứ văn học mà Kim Dung sáng tạo ra. Đó là một thứ văn học khác, thậm chí không phải là văn học nữa. Chính Kim Dung đã từng khiêm tốn coi nó là "á văn học" nhưng xét về hiệu quả thì nhiều khi cái mà ta gọi là "giá trị văn học" (mỗi cá nhân) so sánh với các bộ sách chưởng của Kim Dung thì không thể nào so sánh được. Tính hiệu quả trong các bộ sách chưởng của Kim Dung khôn lường.

- Đúng thế!

- Tôi chỉ là một học trò nhỏ từ xa của Kim Dung đại hiệp văn sĩ.

- Việc chúng ta không đọc Kim Dung có thể sẽ có một tác dụng tốt nào đấy khi viết tiểu thuyết võ hiệp chăng?

- Có thể! Chính sự bắt chước không đến nơi đến chốn cũng có thể là một nét nhấn tạo nên tính cách Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Ở trong văn hoá, trong kinh tế, thậm chí trong tôn giáo và chính trị cũng từng có rất nhiều trường hợp như thế. Tính chất nôm na mách qué là một thứ đặc sản đặc biệt Việt Nam. Ở đây chứa đựng rất nhiều yếu tố tự nhiên, dân chủ.

- Tính chất nôm na mách qué có thể làm người ta liên tưởng đến rất nhiều điều, thậm chí văn võ có khi là một.

- Thực ra chỉ có một. Chúa từng nói: "Lời".

- Ý nghĩa tối thượng trong cuốn tiểu thuyết võ hiệp này là gì?

- Vạn pháp quy tâm. Điều đó có ở trong tất cả mọi cảnh giới.

- Vạn pháp quy tâm?

- Nói rõ tức là dung tục nó. Nhưng không sao. Tôi viết tiểu thuyết này chí ít liên quan tới ba cảnh giới, một là viết để viết, để tập suy nghĩ, hai là viết để giáo hoá chúng nhân, hoằng dương võ pháp, sĩ khí, ba là viết để ngộ thiền văn pháp, minh tâm kiến tính. Toàn là những lời lẽ đao to búa lớn nhưng cũng chỉ là "vạn pháp quy tâm" mà thôi.

- Công việc thật chẳng dễ dàng?

- Phải viết trong tâm thức dễ. Làm việc khó trong tâm thức dễ. Võ lâm quyền pháp chủ ý: "Có tinh mới có khí, có khí mới có thần, có thần mới có lực". Tinh, khí, thần, lực thiếu một sẽ không thành.

- Chúng ta đang đi trên con đường của số phận.

- Chắc là như thế!

Hà Nội ngày 30.8.2005
Nguyễn Huy Thiệp
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 1: Điểm mặt anh hùng, thần đồng ló dạng

Về đại lược, trong võ lâm, thường chia ra hai môn phái chính là Bắc tông và Nam tông. Bắc tông tổ chức quy củ, có trường lớp, bài bản. Người của Bắc tông ở trong công sở, trong cung đình, nhiều người giữ chức vụ lớn. Thanh thế của Bắc tông lớn đến nỗi tự coi là môn phái chính thống.

Ngược với Bắc tông, Nam tông tổ chức lỏng lẻo, gần như không có tổ chức, tự phát, hoà lẫn trong dân gian. Nam tông không nệ sách vở, thường ỷ vào trực giác, lấy sự đốn ngộ làm trọng. Trong khi đó, Bắc tông coi trọng phương pháp giáo dục dần dần, tiệm ngộ, có phần nào đề cao lý trí...

Tuy có sự phân biệt môn phái, nhưng giữa Bắc tông và Nam tông vẫn có sự giao thoa, ảnh hưởng đôi khi rất khó phân biệt. Khi lâm sự, một khi cao thủ ra đòn, nhiều khi cũng không thể biết đâu là chiêu pháp của Bắc tông hay Nam tông nữa.

Mỗi một nơi, mỗi một vùng, do phong tục tập quán khác nhau, địa lý khác nhau nên lại hình thành ra những băng nhóm khác nhau. Ví dụ như ở kinh thành, nhóm con ông cháu cha khác, nhóm nha lại đầu sai khác, nhóm buôn thúng bán mẹt khác. Ở vùng biển cũng thế, vùng núi cũng thế, vô cùng phong phú, vô cùng sôi động, hấp dẫn vô cùng. Hết lớp này đến lớp khác, không thể nói đâu là bắt đầu, đâu là kết thúc. Tất cả hoà quyện vào nhau, liên chi hồ điệp, tràng giang đại hải, như sông chảy ra biển, hết nắng lại mưa, năm kế năm, tháng kế tháng, kết thúc lại khởi đầu, khởi đầu lại kết thúc, cứ như thế mãi.

Có thơ rằng:
Võ lâm danh bất hư truyền
Nào ai biết được căn nguyên thế nào?
Dưới đất thấp, trên trời cao
"Quy tâm vạn pháp" dồi dào bấy nay
Chuyện xưa cũng thể chuyện nay
Ngõ quê lời cũ có hay vẫn là?
Vận vào rồi lại vận ra
Kiếp người cũng thể như là gió bay
Thưa rằng văn đấy, võ đây
Thấp cao cũng vẫn một tay anh hùng!


Câu chuyện trong tiểu thuyết này lấy bối cảnh xa thì cũng khoảng 50 đến 70 năm, gần thì sờ sờ trước mặt, như chuyện hôm qua, như chuyện hôm nay, như ông đi qua như bà đi lại, chính ngay tác giả cũng chỉ hình dung mơ hồ để vẽ lên bức tranh vân cẩu như mình vừa trông thấy đấy, thoắt cái lại đi, hiện thực rờ rỡ, ngụ ý tài tình, thực thực đùa đùa, đùa đùa thực thực, gọi là chuyện thế nhân cũng được, chẳng sai, nhưng gọi là chuyện bông đùa cũng có lý.

Trong võ lâm, điểm mặt anh hùng trong vòng mấy chục năm, nhiều thì có đến vài chục nghìn, nhưng nổi lên thực sự cũng chỉ đếm ở trên đầu ngón tay. Võ lâm có minh chủ không? Có đấy! Thường minh chủ võ lâm do đại hội võ lâm bầu ra, định kỳ năm năm một lần đại hội. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, cũng có thể có kỳ đại hội bất thường nhưng cũng có khi tới bảy, tám năm mới có một kỳ đại hội. Trong từng môn phái cũng lại có những đại hội riêng, minh chủ riêng. Ở từng vùng, ở từng địa phương cũng vậy. Nhưng không phải hễ là minh chủ do các đại hội võ lâm bầu ra đã là minh chủ được cả giới võ lâm thừa nhận, biết đến. Nhiều người đi đi lại lại ở trên giang hồ, cũng đao cũng kiếm nhưng phần đông chỉ có hư danh chứ không có thực.

Khoảng hai mươi năm trước các môn phái Bắc tông lúc này rất mạnh, thực sự kiêu hùng, tinh thần chính thống ngặt nghèo, các cao thủ ở trong giang hồ muốn ngoi lên khẳng định danh tiếng khó khăn vô cùng. Minh chủ môn phái Võ Đang Toàn Chân trong Bắc tông bấy giờ là Trương Học Công Thi, ngồi ghế minh chủ qua ba, bốn kỳ đại hội. Môn phái này đứng đầu uy danh lừng lẫy khắp Bắc Trung Nam, chỗ nào cũng có, khuynh đảo thiên hạ.

Trò đời, những cái gì tồn tại lâu năm đã quá ổn định, ắt chứa trong nó nhiều mâu thuẫn. Trong môn phái Võ Đang Toàn Chân cũng thế, trải qua tới năm, sáu thập kỷ mọi sự tưởng như đã đạt tới đại công thành, kỳ tích ngời ngời, đâu đâu cũng là khuôn vàng thước ngọc, không ai dám bắt bẻ một ly một tí, người của môn phái Võ Đang Toàn Chân gần như khóa hết các cửa, không để cho một môn phái nào khác tự phát có thể khởi nghiệp lập danh lên được. Điều ấy khiến cho không phải không có nhiều kẻ uất ức, âm thầm tu luyện võ công, tìm cách nhảy ra thi thố với đời.

Khoảng năm Mậu Thân, ở vùng Hải Dương xuất hiện một thần đồng võ hiệp là Trần Đăng Tài. Nhà này có hai anh em là Trần Đăng Tai và Trần Đăng Tài. Trần Đăng Tai cũng biết một chút võ vẽ, từng thụ giáo mấy cao thủ trong môn phái Võ Đang Toàn Chân ở trên kinh thành. Trần Đăng Tài thấy anh mình hàng ngày luyện tập võ công, hứng lên cũng bắt chước học theo. Khoảng chín, mười tuổi, căn cứ vào sự quan sát những con vật ở xung quanh mình như con kiến, con cua, con giun, con mèo, con chó... - vốn thông minh đĩnh ngộ, Trần Đăng Tài tự nghĩ ra được những thế võ, những chiêu đòn rất kỳ lạ, đánh ngã người nhanh như chớp. Được anh trai Trần Đăng Tai tự đứng ra làm bia đỡ khi luyện tập hàng ngày, võ công của Trần Đăng Tài tiến bộ rất nhanh, ngày thêm thâm hậu. Một đồn mười, mười đồn trăm, tiếng vang ầm ầm cả nước, lên cả tới kinh thành. Bấy giờ bọn trông coi môn phái Võ Đang Toàn Chân thiếu niên là đám Phạm Dần rất lấy làm thích thú bèn cử người về tận Hải Dương xem xét. Các cao thủ đứng đầu môn phái Võ Đang Toàn Chân như bọn Ngô Xuân, Huy Viễn rất lấy làm thích thú, cũng định về xem.

Khi Phạm Dần tìm đến nhà hai anh em họ Trần ở Hải Dương thì trời đã chiều, cả nhà đi làm đồng chưa về. Phạm Dần đi loanh quanh trong sân, ngẩng lên nhìn khoảng trời xanh, chặc lưỡi:
- Chỗ tầm thường này mà nảy sinh ra nhân tài ư?

Y vừa nói xong thì xuất hiện một đứa bé trai chừng độ 10 tuổi, người thấp bé, chắc nịch ở đâu bỗng chạy về vung nắm đấm, quát to:
- Lão tặc kia, tên là gì, ở đâu ra, lải nhải gì ở cửa nhà ta?

Phạm Dần cười to, thích chí nói:
- Oắt con! Có biết ta không:
Hổ ở triều đình đích thực là ta!
Quanh năm suốt tháng
Đi đứng vào ra
Mua vui thiên hạ
Chẳng sợ tuổi già
Xoa đầu trẻ nhỏ
Kể chuyện quả, hoa
Nơi nào mở hội
Lại đến cho quà
Danh vang nức tiếng
Trong cõi sơn hà!


Đứa bé cười khanh khách, gật gù:
- Hoá ra lão chỉ là một con hổ đã được thuần dưỡng, ăn lộc triều đình, sống bằng cách ăn dỗ mua vui cho đám trẻ con. Chẳng ra gì! Chẳng ra gì!

Phạm Dần tức khí:
- Thằng lỏi con! Hỗn láo! Thế mày là ai, ở đâu ra?

Đứa bé kia quát lớn:
- Hãy nghe ông cụ ngươi nói đây:
Trần Đăng Tài chính thực là ta!
Sinh ra bởi mẹ bởi cha
Hưởng phúc ông bà
Ăn toàn lộc cỏ, nhụy hoa
Khí trời thoả sức hít hà
Xuống sông tắm mát
Đùa với ba ba
Ra đồng mót thóc
Phụ giúp việc nhà
Võ công tập luyện
Tự mình nghĩ ra
Nắng mưa sấm chớp
Tôi luyện thịt da
Thần đồng võ hiệp
Chính thực là ta!


Phạm Dần cười sằng sặc:
- Tưởng mi là ai? Hoá ra mi chỉ là thằng bé con nhà quê lêu lổng, mất dạy, có chút thiên tài, được hít thở khí thiêng trong lành của vùng núi sông kỳ diệu, chưa biết gì về sự đời nên mới huyênh hoang. Ta đến đây chính là muốn để gặp mi, thử xem võ công của mi cao thấp thế nào để nhận mi làm môn đệ, không mở mắt ra nhìn để bái ta làm sư phụ, còn hỗn láo cái gì?

Trần Đăng Tài chẳng nói chẳng rằng thoi ngay nắm đấm vào mặt Phạm Dần. Phạm Dần chủ quan, không thèm đỡ, không ngờ chưởng lực của Trần Đăng Tài mạnh quá làm y ngã quay ra đất. Y vùng dậy, chẳng còn giữ ý tứ gì nữa, giở hết võ công ra đánh nhau với Trần Đăng Tài. Trận đánh to quá:

Một người là cao thủ ở kinh thành!
Một người là thằng bé ở lều gianh!
Một trời một vực
Ra sức đua tranh
Kẻ thì lăn lộn như lính cứu hỏa
Người thì tự nhiên hết sức hiền lành
Chưởng vung như chớp
Lực mạnh như thần
Bụi tung mù mịt
Hoả bốc xung quanh
Tối tăm mặt mũi
Công lực đại thành


Phạm Dần và Trần Đăng Tài đánh nhau tới vài chục hiệp, Phạm Dần có phần núng thế nhưng vốn có nhiều kinh nghiệm trận mạc nên y đều tránh được những đòn hiểm. Y nghĩ bụng:
- Thằng lỏi con này thực đại tài, tiếc là nó chưa được thụ giáo những bậc tổ sư ở trong các môn phái võ lâm. Nếu cứ để tự phát thế này thì phí quá, phí quá!

Hai người đang đánh nhau chưa biết cao thấp ra sao thì vừa lúc ấy anh trai của Trần Đăng Tài là Trần Đăng Tai ở đâu bỗng chạy về. Nhận ra Phạm Dần, Trần Đăng Tai vội quát Trần Đăng Tài lui ra.

Trần Đăng Tai nói với Phạm Dần:
- Thất lễ! Thất lễ! Không biết có sư huynh đến chơi. Thằng em trai tôi hỗn quá!

Phạm Dần xua tay:
- Không sao! Trong giang hồ, nhiều khi phải đánh nhau vỡ đầu rồi mới bái nhau làm huynh đệ! Ta cũng không ngờ thằng em trai ngươi mới tí tuổi đầu mà võ công khá thế!

Trần Đăng Tai đón Phạm Dần vào nhà, dọn cơm rượu, gọi Trần Đăng Tài ra mắng:
- Chú có biết đây là ai không? Sư huynh Phạm Dần nổi tiếng kinh thành mấy chục năm nay, đứng đầu các lò võ nhí, môn sinh có tới hàng nghìn hàng vạn. Sao không quỳ xuống bái lạy?

Trần Đăng Tài nói:
- Đệ sinh ra giữa trời giữa đất, chẳng luỵ phiền ai, ông này ở đâu đến, tự dưng gây sự. Việc gì đệ phải bái lạy?

Trần Đăng Tai nói:
- Chú còn ít tuổi, mới biết một mà chẳng biết hai. Võ công của chú là thứ võ công bản năng, tự phát, loanh quanh chỉ có khoảng độ mười chiêu. Sau này đi ra giang hồ, thiên hạ nhân, thiên hạ tài, chú chỉ ỷ vào trực giác, làm sao chú trở thành một đại võ hiệp kỳ tích lẫy lừng được? Sư huynh Phạm Dần đây, võ công cái thế, có ý muốn thu nạp chú làm môn đệ, sao chú không hiểu lòng thành của người ta?

Trần Đăng Tài bảo:
- Võ công cái thế gì không biết nhưng đánh nhau với đệ, đệ thấy cũng thường. Phải có bí kíp gì nữa thì đệ mới phục!

Phạm Dần cười thích chí, nói:
- Đúng là lỏi con, chẳng biết gì! Bọn ta ở trên kinh thành, vào ra nơi chốn cung đình, ngày ngày luyện tập võ công, bí kíp có đầy, bọn quê mùa chúng bay làm sao biết được? Ta có những bí kíp thần tình như thuật giả kim, bọn các ngươi học hỏi cả đời có khi cũng không biết được!

Trần Đăng Tài bảo:
- Ta không tin! Nếu có bí kíp thực thì hãy thi thố cho ta xem, ta mới phục.

Phạm Dần cười, chỉ con chó nhỏ vừa đi qua sân, hỏi:
- Đây là con gì?

Trần Đăng Tài bảo:
- Đấy là con chó đen, ta vẫn gọi nó là con Mực.

Phạm Dần bảo:
- Trông ta đây!

Nói rồi chạy ra sân, tóm hai cẳng chân con chó Mực tung lên trời. Phạm Dần xoay ba vòng, tung thần chưởng, khói bay mù mịt, ánh sáng chói mắt. Con chó Mực rơi xuống đất, tự nhiên biến thành một đĩnh vàng choé, Phạm Dần thu nó trên tay, đặt lên bàn, cười hỏi:
- Đã thấy công lực thần kỳ của ta hay chưa?

Hai anh em Trần Đăng Tai, Trần Đăng Tài phục lăn ra, bái lạy Phạm Dần.

Trần Đăng Tài hỏi:
- Chẳng lẽ võ công thần diệu đến nỗi có thể biến những thứ vớ vẩn thành tiền bạc như thế được ư?

Phạm Dần bảo:
- Về nguyên tắc là như thế, nhưng phải tuỳ duyên, tuỳ cảnh, phụ thuộc vào thần lực của người luyện chưởng. Vừa rồi, ta chỉ khoe một chút tài mọn, giống như ma thuật, cốt để cho bọn các ngươi thuần phục, cũng không phải là thứ bí kíp gì ghê gớm cho lắm. Phép luyện chưởng chân chính thực ra không cần làm trò đó!

Trần Đăng Tai bảo:
- Sư huynh chớ khiêm tốn! Biến chó thành vàng, đấy cũng là chuyện hi hữu trong giới giang hồ. Nếu sư huynh chịu thu nạp Trần Đăng Tài làm đệ tử thì thật may mắn cho nó!

Phạm Dần bảo:
- Không được! Vừa rồi đánh nhau với nó, ta thấy thực ra võ công của ta chưa chắc gì đã bằng được nó. Để ta nói với sư huynh ta là Ngô Xuân đại hiệp, nếu sư huynh ta chịu nhận nó làm môn đệ thì mới bảo đảm tương lai của nó ngời ngời xán lạn. Trần Đăng Tài mà được thụ giáo ở các lò luyện võ công trong và ngoài nước ắt sau này sẽ là một đại võ hiệp lừng danh ở trong sử sách.

Hai anh em Trần Đăng Tai rất lấy làm vui mừng, ra sức khoản đãi Phạm Dần.

Hôm sau, Phạm Dần trở về kinh thành, gặp các cao thủ ở trong môn phái Võ Đang Toàn Chân, hết sức ca ngợi Trần Đăng Tài là một thần đồng võ thuật.

Bước ngoặt trong cuộc đời Trần Đăng Tài bắt đầu từ đấy.

Thế là:
Chốn quê mùa, thần đồng ló dạng
Lò võ công xếp hạng tài cao


(Muốn biết số phận Trần Đăng Tài thế nào, xin đọc chương 2)
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 2
Thâu đệ tử, anh hùng thêm vây cánh
Lên kinh kỳ, so sánh được tài cao


Trong Bắc tông có một số đại hiệp tham gia sáng lập môn phái từ những ngày đầu, mọi người đều coi họ là tiền bối. Ngô Xuân và Huy Viễn là những người như thế, ngay từ trẻ đã tu luyện được tới thất thập nhị huyền công. Ngô Xuân và Huy Viễn là cặp bài trùng. Họ chơi với nhau, đi đâu cũng cặp kè như một cặp đồng tính, cả hai cùng lăn lộn trên chốn giang hồ để lập công danh. Về tư chất, Huy Viễn giàu thủ đoạn, chưởng lực của y vô cùng thâm hậu, thần diệu. Trong cung đình, y từng được giữ nhiều chức vụ quan trọng, từng đứng đầu và là một trong những bộ óc của môn phái Võ Đang Toàn Chân.

Võ Đang là một trong những môn phái võ được coi là chính thống. Toàn Chân nằm trong Võ Đang, cũng nằm trong cả nhiều môn phái võ khác nữa. Toàn Chân giống như một giáo phái hơn là một môn phái võ. Người của Toàn Chân là người của triều đình nên khi tham gia Võ Đang hay các môn phái võ khác thì bao giờ họ cũng giữ những cương vị chủ chốt. Có thể nói người của Toàn Chân mới thực sự nắm quyền lực ở trong Võ Đang cũng như trong các môn phái võ Bắc tông khác. Có người ví Toàn Chân như trái tim của các môn phái võ. Không phải ai cũng được tham gia vào Toàn Chân. Toàn Chân có những kỷ luật rất ngặt nghèo. Hai người bạn Ngô Xuân và Huy Viễn thân nhau là thế nhưng Huy Viễn ở trong Toàn Chân còn Ngô Xuân thì không, mặc dù họ đều là những người của Võ Đang và của Bắc tông cả.

Ngô Xuân là người tính nết thất thường, ưa tự do bay nhảy. Kiếm pháp của Ngô Xuân rất thần diệu, nhiều người tự nguyện bái Ngô Xuân làm sư phụ, môn sinh của y ở đâu cũng có. Những thanh niên còn trẻ tuổi rất mê kiếm pháp của Ngô Xuân. Y thường dùng một đôi song kiếm mỏng như lá lúa, một khi múa lên thì trùng trùng điệp điệp, biến hoá khôn lường, ai trông cũng thích, có thể lấy tính mạng người ta dễ như trở bàn tay.

Khi tiếng tăm của Trần Đăng Tài bắt đầu nổi lên, lại được bọn Phạm Dần tâng bốc, Ngô Xuân cũng định bụng về xem tận nơi. Dọc đường đi, y gặp trời mưa, lúc đó trời đã tối. Trận mưa to quá:

Từ đằng đông, mây đen cuồn cuộn
Loằng nhoằng ánh chớp
Thoắt cái là mưa
Cá rô rạch ngược
Lao vút lên bờ
Lộp bà lộp bộp
Mưa đúng là mưa!
Phồng mang ếch ộp
Nhảy nhót búa xua
Nước tràn đồng ruộng
Năm nay mất mùa!


Trời tối, gặp mưa, bụng lại đói, giữa đêm khuya Ngô Xuân không biết đi đường nào. Y đang loay hoay thì chợt nhận ra ở bên đường có một khu nhà thấp thoáng ánh đèn, bèn đến gần xem xét. Đến nơi, y nghe thấy ở trong nhà có tiếng huỳnh huỵch như người đang đánh đấm nhau. Ngô Xuân gọi cửa thì có một thanh niên trẻ tuổi đi ra mở cửa. Người thanh niên này rước Ngô Xuân vào nhà. Ngô Xuân ngạc nhiên thấy trong nhà người thanh niên có treo rất nhiều ảnh chân dung của mình. Y hỏi người thanh niên:
- Ngươi là ai? Sao lại treo ảnh người này trong nhà?

Người thanh niên nói:
- Đệ là Văn Nhuận, nhà nghèo, mê võ công từ bé. Đệ theo học qua một vài sư phụ, cũng linh tinh lang tang cả, người thì ở môn phái Võ Đang, người thì ở môn phái Cái Bang... Hàng ngày đệ vẫn luyện công. Đệ rất ngưỡng vọng Ngô Xuân đại hiệp nên vẫn treo ảnh ông ta trong nhà để thờ.

Ngô Xuân lấy làm cảm kích, bèn rũ bỏ nước mưa, hỏi:
- Ngươi thờ Ngô Xuân mà không nhận ra Ngô Xuân sao?

Văn Nhuận nhận ra Ngô Xuân, phục xuống lạy như tế sao, bái lấy bái để, miệng lắp ba lắp bắp:
- Sư phụ! Sư phụ! Thật là may mắn cho đệ tử quá chừng!

Ngô Xuân đỡ Văn Nhuận dậy, bảo y:
- Vừa rồi, ở ngoài cửa ta nghe thấy tiếng huỳnh huỵch như người đang giã gạo, ta đoán là ngươi đang luyện tập võ công. Ngươi thử đi một vài đường quyền cho ta xem thử, để ta xem có thể thu nạp ngươi làm đệ tử của ta hay không?

Văn Nhuận nghe lời, trổ hết tài nghệ biểu diễn các bài tập trong "tứ pháp võ công" của Võ Đang là thủ pháp, chưởng pháp, quyền pháp và bộ pháp, các động tác đều rất thành thục, chuẩn mực.

Ngô Xuân xem xong, lắc đầu nói:
- Tất cả những thứ võ vẽ của ngươi chẳng qua chỉ là những bài luyện công của một anh giáo làng hạng bét. Vứt đi hết! Đi ra giang hồ, ngươi mà nói tên ta ra là sư phụ của ngươi thì thật xấu hổ.

Văn Nhuận khẩn thiết van nài Ngô Xuân thu nạp y, cho y đi theo. Thấy y thành thực, Ngô Xuân bảo:
- Ta xem tướng mạo, quyền pháp của ngươi, biết ngươi là hạng người trung thành, tính tình cẩn thận. Nếu có quan thày, ngươi có thể làm được tới chức tổng quản tại nơi nào đó ở trong một võ đường danh giá. Để ta nói với sư huynh ta là Huy Viễn, ông ấy là người ở trong Toàn Chân rất có thế lực, biết đâu ông ấy có thể thu xếp cho ngươi một nơi nào đấy yên thân chứ ở đây, một nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, khỉ ho cò gáy thế này, rồi ngươi cũng chôn vùi cuộc đời của ngươi một cách vô ích mà thôi. Có điều, khi ra ngoài giang hồ, ngươi chớ có giở võ vẽ của ngươi ra thi thố, nếu không thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ!

Văn Nhuận lạy tạ, sung sướng nói:
- Được đi theo hầu sư phụ, giống như Châu Sương đi theo hầu Quan Công, thực là thoả ý mãn nguyện với cuộc đời đệ! Dẫu có chết đệ cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này!

Văn Nhuận đi làm cơm khoản đãi Ngô Xuân. Sáng hôm sau, y phóng hoả đốt nhà, thề sẽ đi theo Ngô Xuân đến hết đời. Về sau, quả nhiên Ngô Xuân cũng thu xếp cho Văn Nhuận được làm tổng quản ở một trong những võ đường danh giá ở trên kinh thành. Chuyện này sẽ còn kể tiếp về sau.

Lại nói Trần Đăng Tài hàng ngày luyện tập võ công ở góc sân nhà, ai ai cũng coi là thần đồng. Một hôm, có một lão ăn mày đến xin ăn ở cổng nhà của Trần Đăng Tài, lão ăn mày này trông rất hôi hám, bẩn thỉu. Đúng là:

Tóc tai rối bời
Áo quần hôi hám
Xó chợ đầu đường
Loạng chà loạng choạng
Xuân thì đi hội đi hè, chỗ nào cũng một vài đám
Hè lại nhởn nhơ duyên hải du lịch biển khơi
Thu về phố thị nghỉ ngơi
Đông qua nằm khểnh khắp nơi vỉa hè
Đờ-la-hiên có mái che
Ngàn sao thắp sáng
Gió lộng bốn bề
Trải từ thành thị ngõ quê
Cái Bang chính thực ấy nghề xa xưa...


Lão ăn mày nói với Trần Đăng Tài:
- Thằng cu con! Ta đói đã mấy ngày rồi, có gì cho ta ăn với!

Trần Đăng Tài thương hại, vào lục lọi trong nhà nhưng trong nhà y cũng chẳng có gì ăn, vét mãi mới được một nhúm gạo, bèn đem ra cho lão ăn mày. Lão ăn mày loạng quạng, làm đổ nhúm gạo xuống đống phân người cạnh đó. Trần Đăng Tài bực mình, nhưng vẫn cẩn thận chăm chú nhặt từng hạt gạo rửa sạch đi rồi nấu thành một nồi cháo loãng mang ra cho lão ăn mày.

Lão ăn mày nói:
- Thằng cu con, bản tính thật lương thiện, đúng là ngoan quá, vậy có muốn theo học nghề của ta không? Ta sẽ nhận ngươi làm môn đệ.

Trần Đăng Tài cười:
- Học nghề gì chẳng học, học nghề ăn mày thì học làm gì?

Lão ăn mày cười, lắc đầu bảo rằng:
- Thằng cu con! Đúng là chưa trải sự đời:
Ăn mày là ai, ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!
Thành công thì gọi ăn may
Không thành thì gọi ăn mày, lạ chưa?
Ăn mày, ấy cũng có vua
Từ quan tới lính túa tua ăn mày!
Ăn mày, ấy thực ăn may
Võ công môn phái ăn mày lừng danh!


Trần Đăng Tài ngộ ra, bảo lão ăn mày:
- Ta hiểu rồi, ta cũng muốn học thêm vài chiêu của ngươi để phòng thân nhưng võ công của ngươi liệu có ra gì, liệu có đáng để cho ta học hay không?

Lão ăn mày bảo:
- Xem ta đây!

Nói rồi rút cây thiết bổng đi dạo vài đường. Ngay lập tức, cây thiết bổng biến hoá thật khôn lường, kỳ diệu:

Này là cách ăn mày của vua của chúa
Cách ăn mày của lính của quan
Ăn mày cũng có học hàm
Ăn mày tình cảm, tình tang ăn mày
Xô thành, đổ luỹ, ngã cây
Đảo điên đều đã mặt dày lắm phen
Ăn mày cũng có sang hèn
Cõi đời nhân thế đỏ đen ăn mày!


Trần Đăng Tài trông cách biến hoá của cây thiết bổng, vô cùng khâm phục lão ăn mày, bèn sụp xuống lạy. Lão ăn mày bảo:
- Ta biết ngươi là một thần đồng võ công, sau này sẽ còn làm nên nhiều sự nghiệp phi thường. Lại thấy ngươi bản tính lương thiện nên mới cất công đến đây dạy dỗ ngươi. Nhiều người coi Cái Bang là một môn phái võ nằm trong Nam tông nhưng thực ra không hẳn như thế. Tất cả những người thành công ở trong Bắc tông hầu như đều có ít nhiều học hỏi, áp dụng chiêu pháp của Cái Bang. Có điều, đa số người ở trong Bắc tông thường là bọn nguỵ quân tử, giỏi chính trị nên hay tìm cách xoá dấu vết vậy mới có thành kiến coi Cái Bang là thấp hèn, không ra gì. Ở những bậc đại hiệp, đại cao thủ, họ chẳng phân biệt gì cả, tiệm ngộ hay đốn ngộ cũng đều như nhau mà thôi, chẳng qua vì trình độ trí huệ nhận thức khác nhau nên mới phải phân biệt này nọ để phù hợp với từng cảnh giới. Ngươi có hiểu không?

Trần Đăng Tài tuy có quê mùa, chậm hiểu nhưng vốn là người có chân khí nên y cũng nhận ra. Lão ăn mày dạy cho Trần Đăng Tài sáu mươi tư chiêu pháp cơ bản trong võ thuật Cái Bang, sau đó nhặt những hạt gạo sót lại trên đất đặt lên bàn tay, bảo:
- Người học võ phải bắt đầu từ tinh thần. Trời có tam bảo là nhật, nguyệt, tinh; đất có tam bảo là thủy, hoả, phong; người có tam bảo là tinh, khí, thần. Khi phát lực, phải huy động được cả nội công, ngoại lực nhưng đều bắt đầu từ tâm mà ra. Có câu: "Quyền phát động từ tâm". Nếu tâm thành thì một hạt gạo khi tung ra cũng là một hạt linh đan, có năng lực thần chưởng.

Nói rồi cầm nắm hạt gạo tung ra, mỗi một hạt gạo chẳng khác gì như một viên đạn đại bác nổ, làm rung chuyển cả trời đất. Lão ăn mày đặt hạt gạo lên bàn tay Trần Đăng Tài rồi dạy y cách dụng công, tung chưởng, chẳng mấy chốc Trần Đăng Tài cũng làm được như lão ăn mày.

Khi Trần Đăng Tài say mê luyện tập, một lúc sau y quay lại thì không còn thấy lão ăn mày ở đâu nữa, chỉ thấy ở trên bờ rào có mẩu giấy đề mấy chữ "Vạn pháp quy tâm" và dấu ấn triện Cái Bang thì y biết rằng mình đã gặp được chưởng môn của môn phái Cái Bang, y vô cùng mừng rỡ, bèn sụp xuống nhìn lên trời cao mà vái lạy.

Khi Trần Đăng Tài ngẩng đầu lên thì y bỗng thấy Ngô Xuân đứng án ngay ở trước mặt. Y sợ hãi, trợn tròn xoe mắt. Ngô Xuân đỡ y dậy, cười nói:
- Không nhận ra ta sao? Ta là Ngô Xuân đại hiệp đây!

Trần Đăng Tài mừng rỡ, vái lạy:
- Đệ tử đã nghe tên của sư huynh từ nhỏ. Gần như không có ai ở trong giới võ lâm lại không biết đến sư huynh. Đệ tử thật hân hạnh được đón tiếp.

Trần Đăng Tài rước Ngô Xuân vào nhà ngồi ở chiếu trên, nhờ Văn Nhuận pha trà rồi chạy đi gọi mẹ và anh trai về. Bà mẹ Trần Đăng Tài là người thật thà, rất mực thương con nên khi nghe thấy có một vị đại hiệp lừng danh ở kinh thành về thăm thì sung sướng lắm. Anh trai của Trần Đăng Tài là Trần Đăng Tai cũng vậy.

Cơm rượu xong, Ngô Xuân ngồi nói chuyện về kiếm pháp với hai anh em họ Trần một lúc, hai anh em họ Trần cứ nhất định mời Ngô Xuân biểu diễn tài nghệ. Ngô Xuân bèn lấy đôi song kiếm ra múa. Đường kiếm của y thật lợi hại:

Nam bắc đông tây bốn phương tám hướng
Kim mộc thuỷ hoả thổ, năm chất phi thường
Ào ạt như sóng biển
Thâm trầm tựa đại dương
Đắm say như thể xuân hường
Trùng trùng kiếm pháp
Vằng vặc đài gương
Tót một cái, vụt lên ngói mới!
Vèo một đường, sấu rụng cành cao!
Lẫy lừng đại hiệp anh hào
Võ lâm ai cũng kính chào uy danh!


Nhảy từ nóc nhà ngói bên cạnh xuống đất, Ngô Xuân thu kiếm đưa cho Văn Nhuận cất giữ. Hai anh em họ Trần hết lời ca ngợi Ngô Xuân. Ngô Xuân bảo Trần Đăng Tài đi một bài quyền. Vốn trẻ con nên Trần Đăng Tài gật đầu ngay, lấy mấy hạt gạo làm binh khí, đi lại bài quyền mà lão ăn mày vừa mới dạy. Ngô Xuân trông thấy Trần Đăng Tài đi bài quyền, rất công phu, uyển chuyển, hai tay tung hạt gạo, trong lòng vô cùng sợ hãi:

Này là hạt gạo tầm thường làng ta
Phát tâm từ tính thật thà
Qua vòng tôi luyện đúng là linh đan
Chưởng tung thần lực chẳng xoàng
Hạt này cũng thể hạt vàng chẳng chơi!
Phúc điền ngồi mát thảnh thơi
Kìa ai cũng được no xôi chán chè...


Ngô Xuân thấy tài nghệ Trần Đăng Tài phi thường, y tối tăm cả mặt mũi. Tính nết vốn hay ghen tị, y nghĩ bụng:
- Thằng lỏi con này mà lớn lên bọn võ lâm vớ vẩn ở trên giang hồ chắc chẳng còn có đất mà chôn! Nếu không sớm đưa nó vào trong khuôn khổ thì thật gay go. Ta hãy dụ nó đánh nhau với ta, nhân cơ hội này ta ra độc chiêu làm cho nó thui chột tài năng của nó. Thế là đắc sách!

Nghĩ vậy, Ngô Xuân bèn ngăn Trần Đăng Tài lại, rủ y cùng giao đấu. Trần Đăng Tài trẻ con, tính nết lại thật thà, manh động, nên không thể lường được thủ đoạn của Ngô Xuân.

Ngô Xuân đứng tấn, chuẩn bị ra chiêu:
Nhẹ nhàng uyển chuyển
Nắn nót đường quyền
Hấp tinh đại pháp
Rõ ràng độc chiêu
Nhẹ thì cũng tứ chi bủn rủn
Nặng thì sống lưng đau sụn chẳng sai
Mắt mờ, váng mặt, ù tai
Chẳng thui cũng chột đến vài ba xuân...


Ngô Xuân chuẩn bị ra đòn thì ngay lúc ấy bà mẹ Trần Đăng Tài vội vàng ngăn lại. Bà cụ nói:
- Hãy khoan! Không nên đánh nhau giữa người lớn và trẻ con! Trời tối rồi, tốt nhất quý khách hãy nên tạm nghỉ!

May thay! Đúng là linh tính của người mẹ mách thầm, cũng là số mệnh của Trần Đăng Tài còn cao, chứ nếu không Ngô Xuân ra chiêu hấp tinh đại pháp thì ôi thôi sự nghiệp của Trần Đăng Tài đã dừng ngay từ lúc ấy.

Ít lâu sau, Trần Đăng Tài được lên kinh đô, được nhận vào học trong một võ đường oai danh nhất nước. Tại võ đường này, Ngô Xuân cũng hay đến giảng giải về kiếm pháp. Bất đắc dĩ mà Ngô Xuân trở thành sư phụ của Trần Đăng Tài. Trong võ đường, cũng có nhiều cao thủ của môn phái Võ Đang. Một chân trời mới mở ra với cuộc đời Trần Đăng Tài.

Thế là:
Bỏ lều gianh, lên gian díu với kinh thành
Sự nghiệp lớn, phải đua tranh nhiều tài trí


(Muốn biết Trần Đăng Tài học hỏi ở những bậc thầy nào, bạn bè với những ai trong chốn võ lâm, xin đọc sang chương 3).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 3
Chốn võ đường, đánh cho phải đạo
Ngọc kỳ khôi cũng thật kỳ khôi


Lại nói về các võ đường. Thường các môn phái đều có những võ đường riêng. Trong một khoảng thời gian dài, trên giang hồ chỉ độc có những võ đường của môn phái Võ Đang Toàn Chân. Về sau này, một vài cao thủ cũng tự đứng ra lập võ đường riêng nhưng đa số đều thất bại, không tồn tại được lâu dài.

Võ Đang Toàn Chân là môn phái thuộc dòng Bắc tông, chủ trương tiệm ngộ (giác ngộ dần dần) nên trong các võ đường cũng thường hay phân biệt theo độ tuổi và trình độ quyền thuật. Ở kinh thành, nổi tiếng nhất là "Đại học võ đường". Trong Đại học võ đường có nhiều đại cao thủ đến giảng dạy ở đó nhưng cũng có nhiều người không ra gì. Cũng có nhiều cao thủ chỉ loanh quanh kiếm sống trong các võ đường, họ cũng hình thành nên một số môn phái như Võ Đang Hàn Lâm, Võ Đang Hành Quyết hay Võ Đang Cực Đoan v.v... Tất cả đều dưới sự kiểm soát của đám đệ tử Toàn Chân. Tóm lại, võ đường nhiều, môn phái nhiều nhưng bởi sự quản lý chặt chẽ vô cùng nghiêm khắc của đám đệ tử Toàn Chân nên dù thế nào đi nữa không khí võ thuật nhìn chung là tẻ nhạt, không có sáng tạo.

Trong nội bộ môn phái Võ Đang cũng đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Trong nhiều năm, mặc dầu hết sức cố gắng nhưng trình độ võ thuật không có tiến triển gì nhiều, loanh quanh cũng chỉ là "mẹ hát con khen hay", một số cao thủ như bọn Bá Chu được đôn đáo lên là thiên tài nhưng trong võ lâm nhìều người vẫn không tâm phục khẩu phục. Các giải thưởng võ thuật hàng năm trở thành trò hề mua vui cho thiên hạ. Thậm chí, còn có chuyện mua bán các danh hiệu nữa. Đôi khi núng thế, người ta còn trao giải thưởng võ thuật cho bọn đã chết rồi để khỏi có chuyện tranh giành, sinh sự này nọ. Tóm lại, sự hủ bại bế tắc của nền võ thuật nước nhà ai ai cũng nhìn thấy, chỉ có điều không ai muốn nói ra mà thôi.

Khi Trần Đăng Tài vào học ở "Đại học võ đường" thì nơi đây vẫn ở trong thời kỳ còn thịnh. Một số cao thủ từ võ đường này ra cũng đã từng nổi tiếng trong giới giang hồ - như bọn Dương Thu Mạc Sầu nữ hiệp hoặc Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp v.v... Đặc biệt trong số đó có Vĩnh Yên Rụt Cổ cao thủ đại hiệp tuy võ công không ra gì nhưng đã từng giữ chức chưởng môn phái Võ Đang trong nhiều năm trời.

Trần Đăng Tài lên kinh thành được bọn Ngô Xuân, Huy Viễn tiến cử với Tố Hồng Vương gia đại hiệp bấy giờ cũng đã từng giữ chức chưởng môn phái Toàn Chân. Trong buổi gặp mặt Vương gia, nghe theo lời của Ngô Xuân, Trần Đăng Tài biểu diễn tặng cho Tố Hồng xem bài quyền thuật tung hạt gạo. Tố Hồng ngồi xem, rất thích thú nhưng sau đó quay lại nói với Ngô Xuân và Huy Viễn:
- Ta xem bài quyền thuật này, thấy có hơi hướng của các môn phái Nam tông rất rõ, hai người có nhận ra như thế hay không?

Huy Viễn nói:
- Thưa Vương gia, quả đúng như vậy, nhất là ở nửa đầu của bài quyền thuật.

Ngô Xuân nói:
- Đoạn sau thì hoàn toàn là Bắc tông, không còn phải tranh cãi gì nữa.

Tố Hồng gọi Trần Đăng Tài lại hỏi:
- Ngươi phải nói cho thực, ngươi học bài quyền tung hạt gạo này ở đâu, ai là sư phụ của ngươi?

Trần Đăng Tài nói do một lão ăn mày vô danh dạy cho.

Ngô Xuân hỏi:
- Liệu đấy có phải là Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp hay không?

Huy Viễn nói:
- Lão già này bị tẩu hoả nhập ma đã từ lâu rồi, làm sao có thể đi lại ở trên giang hồ được nữa?

Tố Hồng nói với Ngô Xuân và Huy Viễn:
- Không phải ta hẹp hòi gì với người của môn phái Nam tông. Chính ta đây và cả hai ngươi nữa, khởi thủy lúc đầu đi vào võ lâm chúng ta cũng đều chịu ảnh hưởng của môn phái này. Tuy nhiên, trong thiên hạ thì "võ vô đệ nhị", không thể để cho một môn phái bất kỳ nào khác tranh hùng với chúng ta được. Nếu thấy ở đâu có người của Nam tông thì phải vô hiệu hoá nó đi ngay. Có như thế, các môn phái Bắc tông mới độc tôn nhất thống được ở trên giang hồ.

Ngô Xuân và Huy Viễn gật đầu bái lạy.

Tố Hồng nói:
- Về Trần Đăng Tài, ta thấy nó có khí chất nhưng còn phải rèn luyện nhiều. Cái gì gọi là bản năng với ảnh hưởng của môn phái khác phải xoá sạch đi cho kỳ hết. Sau này khi học xong "Đại học võ đường" có thể còn phải gửi nó đi du học nữa. Vứt nó ra ngoài giang hồ sớm cũng không có gì gọi là tốt.

Cả bọn răm rắp nghe theo lời Tố Hồng.

Trong "Đại học võ đường" có Hoàng Lão Quái đại hiệp và Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi đại kỳ hiệp là những người kỳ lạ. Hoàng Lão Quái đi du học về, khi đánh nhau thường bày ra rất nhiều binh khí lỉnh kỉnh mua ở nước ngoài. Nhiều binh khí quá nên cả vợ và hai con gái cũng hay đi theo mang vác vũ khí nên rất buồn cười. Trận đánh nhau của Hoàng Lão Quái với Chế Giáo Đầu đại kỳ hiệp là một trận đánh "kinh điển" trong giới giang hồ.

Lần ấy, Chế Giáo Đầu đại kỳ hiệp có tham vọng nhảy lên làm chưởng môn phái Võ Đang. Ỷ mình là người được các đại cao thủ ở trong Toàn Chân ủng hộ nên Chế Giáo Đầu đi đâu cũng rất nghênh ngang. Khi ấy Hoàng Lão Quái mới đi du học ở nước ngoài về, Chế Giáo Đầu bèn gây sự đánh dằn mặt y để làm gương cho võ lâm ở trên giang hồ.

Chế Giáo Đầu đi đến "Đại học võ đường" gọi to:
- Ta nghe nói ở đây có người mới đi du học ở nước ngoài về vẫn thường hay huênh hoang này nọ, có đúng như thế hay không?

Hoàng Lão Quái biết Chế Giáo Đầu ám chỉ mình, bèn nghĩ bụng:
- Mình không ra đánh nhau với y nhất định sẽ bị mất uy thế ở trong giang hồ, còn mặt mũi nào nữa để lên bục giảng để dạy bảo môn sinh?
Nhưng Chế Giáo Đầu là một đại kỳ hiệp lừng danh, kiếm pháp của y vô cùng sắc sảo lợi hại, không biết bao nhiêu người đã từng chết ở dưới lưỡi kiếm của y. Trận đánh này với Chế Giáo Đầu một mất một còn, ta không thể nào coi thường được.

Hoàng Lão Quái gọi vợ và hai con gái lại hỏi nên hoà hay đánh? Phu nhân Hoàng Lão Quái là người rất giỏi độn toán bảo rằng:
- Nên đánh! Nhưng ông tuổi Ngọ, phải đánh y vào giữa giờ Ngọ thanh thiên bạch nhật. Lại cũng phải đánh đúng vào ngày Ngọ nữa. Tôi và hai con gái sẽ ở bên ngoài ủng hộ, tiếp ứng các thứ binh khí. Có bao nhiêu binh khí ta bày ra hết. Đánh trận này một mất một còn. Tôi và hai con gái buộc khăn tang trắng lên đầu coi như tử chiến.

Hoàng Lão Quái nghe lời ra hẹn ngày giờ đánh nhau với Chế Giáo Đầu. Đúng giờ Ngọ, ngày Ngọ, hai bên đánh nhau. Trận đánh này to quá, đáng ghi chép để lại về sau.

Chế Giáo Đầu hỏi Hoàng Lão Quái:
- Có biết ta là ai hay không?

Hoàng Lão Quái lắc đầu:
- Không biết!

Chế Giáo Đầu bảo:
- Hãy nghe ta nói đây:
Mười lăm tuổi ta đã nổi danh
Khởi nguyên từ đất Chiêm Thành
Dương khí tràn trong huyết quản
Đánh nhau ma chạy xung quanh
Đánh một trận tung hoành tang tóc
Đánh trận sau quỷ khóc như ri
Giang hồ vạch một lối đi
Thông minh nhất đẳng ai bì được ta?


Hoàng Lão Quái cũng bảo:
- Vậy mi có biết ta là ai không?

Chế Giáo Đầu bảo:
- Không biết, ta không thèm biết!

Hoàng Lão Quái bảo:
- Hãy nghe ta nói đây:
Thông minh nhất đẳng ai bì được ta?
Thông kinh vạn quyển
Sách chứa đầy nhà
Các ban binh khí
Ta đều học qua
Tuổi trẻ nổi tiếng hào hoa
Hồng Lam ấy chính quê nhà ta đây!
Đi đâu ai cũng gọi thầy
Trọ trà trọ trẹ đến Tây cũng gờm...


Chế Giáo Đầu bảo:
- Không khéo chỉ có hư danh mà thôi. Hãy xem đường kiếm của ta rồi biết!

Nói rồi múa đôi song kiếm xông vào đánh Hoàng Lão Quái. Hoàng Lão Quái vác thương ra đỡ. Đánh một chập, Hoàng phu nhân vác mâu ra. Hoàng Lão Quái vứt thương đi, cầm lấy mâu đón đánh. Một chập sau lại thay mâu bằng đao, rồi lại thay đao bằng búa, rồi lại thay búa bằng chuỳ, rồi lại thay chuỳ bằng kích... cứ như thế thay đổi liên tục đến mười tám loại binh khí khác nhau. Hoàng phu nhân và hai cô con gái cầm các binh khí chạy xung quanh hò reo ầm ĩ.

Thật là:
Người như sóng dưới con tàu, nửa rồ nửa dại
Lưỡi kiếm vung lên như rắn lượn, rồng bay
Chạy đôn chạy đáo
Nam Bắc Đông Tây
Khi ủ rũ như triết gia mắc bệnh
Khi giỡn chơi như trẻ nhỏ thơ ngây
Đôi khi cũng phải mặt dày
Đôi khi cũng phải loay hoay một mình...


Còn người kia:
Đánh cho phải đạo
Đánh cho âm dương bát nháo
Đánh cho hết vênh hết váo
Mười tám ban binh khí chẳng thiếu thứ nào
Bảy mươi sáu chước đều dùng cho hết
Sát khí đằng đằng oai phong lẫm liệt
Trận đánh này không biết thắng thua!
Nổi danh nức tiếng giang hồ!


Hai bên đánh nhau đến hết giờ Ngọ thì Hoàng Lão Quái không đánh nữa. Chế Giáo Đầu thấy Hoàng Lão Quái thay đổi binh khí liên tục, lại thấy vợ con của y đứng xung quanh bình luận với lại mách nước loạn xị cả lên thì nghĩ bụng:
- Tay này thật khó chơi. Mình đánh một đằng, y đỡ một nẻo. Các thứ binh khí của y lại lạ lẫm, khó hiểu, ta cũng chưa biết rõ hết tính năng của chúng. Thôi thì chờ một dịp khác sẽ đánh nhau sau. Ta cũng chỉ cốt đánh để dằn mặt y chứ không chủ bụng để đánh cho chết! Dù sao đi nữa thì võ đường này cũng vẫn cùng môn phái với ta, cũng không nên cạn tàu ráo máng quá.

Nghĩ như vậy nên Chế Giáo Đầu cũng không đánh nữa. Về sau này, trong giang hồ cũng nhiều người bàn tán về trận đánh này, người thì bảo Hoàng Lão Quái được, người thì bảo Chế Giáo Đầu được, nhưng thật ra đây là trận đánh dở dang, không có ai thua hay được.

Sau khi đánh nhau, Hoàng Lão Quái trở về võ đường, các môn sinh hết lời ca ngợi. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi ra đón y, hai người cùng nhau nói chuyện, luận bàn về kiếm pháp của Chế Giáo Đầu.

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi là một đại cao thủ ở trong giang hồ. Y người thấp lùn, vì vậy mới có tên là Nhất Thốn. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi không bao giờ đánh nhau ở dưới đồng bằng. Ai khiêu chiến, y cũng lùi dần, dụ đối thủ lên đến tận Tây Nguyên đất đỏ rồi mới đánh nhau. Ở vùng đất đỏ, sức lực của y tự nhiên tăng gấp trăm lần ở dưới đồng bằng. Chỉ với một đoạn gậy ngắn, y tả xung hữu đột, đến cả trăm vạn người cũng không thể nào đánh ngã được y. Ngược lại, khi ở dưới đồng bằng, y như bị rút kiệt sức lực, đi lại khó khăn, đến một tên nha đầu vớ vẩn cũng có thể đánh ngã y dễ dàng như bỡn. Bởi vậy, ở dưới đồng bằng, đi đâu Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi cũng phải cẩn thận giữ gìn. Y không giao du quảng đại. Kiếm pháp của y uyên bác, tính tình lại cương trực thẳng thắn, trong giang hồ mọi người khi nhắc đến y vẫn một mực có sự kính trọng.

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi có tham vọng cải tổ Võ Đang Toàn Chân. Y nói với Hoàng Lão Quái:
- Hiện nay, tình trạng nghiệp dư, không có số má ở trong môn phái Võ Đang thật kỳ cục. Không khí võ thuật ngột ngạt, cá mè một lứa, rất đáng tồi tệ!

Hoàng Lão Quái nói:
- Biết làm sao được? Muốn làm gì đó ắt phải có thời. Ngay đối thủ của ta là Chế Giáo Đầu cũng là người giỏi, nhưng cái thời của y chỉ cho phép y thi thố đến thế mà thôi. Thật tiếc!

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
- Nếu trong võ lâm chỉ toàn là một lũ giá áo túi cơm thì nền võ thuật của nước nhà nguy mất. Đã đến lúc phải thay đổi nó đi!

Đúng là:
Chốn võ đường, anh hùng bế tắc
Ngoài giang hồ, vằng vặc trăng soi


(Tham vọng thay đổi giang hồ của Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi rồi sẽ ra sao, hãy đọc tiếp sang chương 4).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 4
Chốn giang hồ vừa khóc vừa luyện chưởng
Nơi chùa chiền nhận thức nhận chân như


Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi là người của Toàn Chân, của Võ Đang nhưng y cũng là người trong cấm quân. Bọn cao thủ trong cấm quân được triều đình nuông chiều, lâu ngày thành kiêu binh, lúc nào cũng vỗ ngực công thần. Bọn này tâng bốc nhau, tự đặt ra các danh hiệu, giải thưởng để phong tặng cho nhau rất kỳ cục. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi rất bực bội bọn này nhưng do thân cô, thế cô y không làm gì được, nhiều khi bực quá y chỉ còn cách phàn nàn với dăm ba người bạn thân có liêm sỉ là bọn Minh Tâm đại hiệp và Mã Khởi đại hiệp. Hai người này đều là những người giỏi ở trên giang hồ. Minh Tâm hai tay cử hai búa, còn Mã Khởi sử dụng đại đao cực kỳ điêu luyện.

Minh Tâm nổi tiếng là người hiền lành, tử tế, sâu sắc. Thấy tình hình Võ Đang Toàn Chân xuống dốc, lại thấy bọn cấm quân kiêu binh giễu võ giương oai không ra một thể thống gì, Minh Tâm đóng cửa luyện chưởng, vừa luyện vừa khóc tu tu. Tiếng khóc của y to quá, vang cả trời đất:

Khóc cho công bất thành, danh bất toại
Một mình ngồi khóc giữa lúc luyện công
Hai hàng nước mắt ròng ròng
Vì sao nên nỗi khổ tâm thế này?


Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi và Mã Khởi đến thăm Minh Tâm thấy y đang ngồi dụng công thái quá, người xám xịt lại hết sức sợ hãi. Mã Khởi hỏi:
- Vì sao sư đệ dụng công thái quá như thế?

Minh Tâm nói:
- Đệ cảm thấy võ công của bản thân đã không tiến triển gì được thêm nữa. Mặc dầu hai tay hai búa nhưng không hiểu tại sao khi đánh xuống đệ không thể nào đánh nổi được một con bò. Chưởng lực yếu tới mức kinh hãi.

Mã Khởi bảo:
- Bệnh của đệ cũng giống hệt như bệnh của ta. Ta cử đại đao như Quan Vân Trường mà đến cái cây cũng không chặt đứt. Đã từ lâu nay ta vẫn giấu diếm điều này mà không dám nói với ai.

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
- Đã nhiều năm nay, bọn võ hiệp ở trong cấm quân đều như thế cả. Không có lẽ đổ tại binh khí?

Minh Tâm nói:
- Không phải thế! Đệ đã suy nghĩ mãi, tất cả có lẽ đều phải xuất phát từ trong tư tưởng quyền thuật. Đệ từng nghe người xưa nói rằng: "Quyền đả cước thích chỉ là thuật nhỏ, chỉ có nhất lý là thông thiên địa". Lý của "nhất lý thông thiên địa" nằm trong đức hạnh, chứ không phải ở trong sức mạnh bên ngoài. Bên ngoài càng uy dũng, linh hoạt, mẫn tiệp bao nhiêu thì tâm bên trong càng phải yên định, thần trí sáng suốt, không một chút vọng niệm bấy nhiêu. Có lẽ chúng ta đã sai từ trong tư tưởng quyền thuật hay sao?

Mã Khởi nói:
- Đến bây giờ mà chúng ta còn bàn chuyện sai đúng thì khó nghe quá. Đã đến bậc thượng thừa cả rồi mà vẫn còn băn khoăn vớ vẩn như thế hay sao? Không bàn chuyện sai đúng gì nữa.

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
- Ngoài 50 tuổi không bàn chuyện sai đúng thì đương nhiên rồi, nhưng ở bọn môn sinh trẻ tuổi trong các võ đường thì phải dứt khoát để cho chúng biết phân biệt thế nào là đúng là sai mới được. Cả một nền giáo dục võ thuật đã sai từ gốc khi lấy những sự hão huyền ra làm mục tiêu phấn đấu. Hơn nữa, các chưởng môn sinh lại không đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không đứng ra làm gương cho họ, tinh thần nghĩa hiệp xuống rất thấp, vậy hỏi tại sao mà nền võ thuật nước nhà tiến bộ lên được?

Mã Khởi nói:
- Ta rất lấy làm cảm kích nghĩa khí của các huynh đệ. Nhưng hiện nay, bọn phàm phu tục tử quá nhiều ở trong môn phái của chúng ta, tinh thần của Võ Đang cực kỳ dung tục, suy đồi. Có câu rằng: "Hãy tự cứu lấy mình rồi trời mới cứu". Tốt nhất là ai lo thân người ấy. Ngay ta đây, mặc dầu là sư phó của môn phái Võ Đang nhưng ta có làm gì được đâu?

Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
- Sư huynh hãy làm theo cách của sư huynh, còn ta sẽ làm theo cách của ta. Nhất định phải tìm cách cải tổ Võ Đang cho bằng được.

Nói rồi y bỏ đi lên Tây Nguyên luyện công, bọn Mã Khởi với Minh Tâm can ngăn thế nào cũng không được.

Sau khi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi và Mã Khởi đi rồi, Minh Tâm lại ngồi luyện công. Nước mắt của y có lẫn máu chảy. Tiếng khóc của y thật là ai oán:

Đầu tiên ấm ức trong lòng
Một là bầm ruột
Hai là nát gan
Vái trời, vái đất thở than
Ròng ròng nước mắt hai hàng
Vì sao nên nỗi dở dang thế này?
Trăm đắng ngàn cay
Giang hồ trăm đắng ngàn cay
Luyện công đâu phải loay hoay diễn hề
Này lời ai điếu ủ ê
Này lời ai điếu dầm dề chứa chan!
Tập sang hàng
Kìa ai đang tập sang hàng?
Trăm năm rồi cũng bẽ bàng hư danh
Tập với chả tành
Sử thi tập với chả tành
Vớ vẩn loanh quanh
Thôi thì vớ vẩn loanh quanh
Ngọn với chả ngành
Bao nhiêu nỗ lực không thành
Vẽ vời minh hoạ tranh giành với ai?
Chặng đường dài
Công phu một chặng đường dài
Hoá ra hão cả
Ai điếu cho ai?
Hỏi rằng ai điếu cho ai?
Nhăng nhăng nhít nhít
Tài chi mà tài?
Cõi trần ai
Khéo mà sống phí sống hoài
Thà rằng:
"Rượu chè, cờ bạc, gái trai
Là thuốc trường thọ ông giời cho ta
Chính trị là thứ tránh xa
Bàn nhiều tổn thọ hoặc là đánh nhau!"
Vỡ cả đầu!
Kìa ai kia vỡ cả đầu
Lý lẽ ở đâu?
Hỏi rằng thiên lý ở đâu?
Đạt thông thiên địa còn lâu mới thành
Tấm lòng thành
Ghi công một tấm lòng thành, thế thôi!


Minh Tâm đại hiệp ra sức luyện công. Một thời gian sau, y lâm bệnh nặng, trong người nảy sinh u chướng. Biết mình sắp chết, Minh Tâm bỏ nhà ra đi, loay hoay thế nào y lạc vào một ngôi chùa vắng vẻ. Đến đây y gặp một hoà thượng. Hoà thượng ấy là người như thế nào?

Đấy mới thực là:
Đầu trọc lông lốc
Ăn đậu ăn rau
Thường thì mềm nhũn
Cử chỉ rầu rầu
Khi nào lâm sự
Mới ngỏng cao đầu
Âm dương hoà hợp
Như có phép màu
Cứng như sắt nguội
Kinh kệ làu làu
Thông thiên đạt địa
Lễ nghĩa trước sau
Nói cười ấm ớ
Chốc lại xoa đầu
Từ bi hỉ xả
Mệt đến phờ râu
Trong nhà phương trượng
Thiếp ngủ còn lâu
Đúng là hoà thượng
Nam mô nhiệm màu!


Hoà thượng hỏi:
- Thí chủ là ai, đến đây làm gì?

Minh Tâm nói:
- Bạch cụ, ta là Minh Tâm đại hiệp, người của môn phái Võ Đang Toàn Chân, từng là một giáo đầu cấm quân. Do dụng công lao lực, trong người nảy sinh u chướng, biết là sắp phải đón một cái chết đau đớn đến gần. Ta đến đây, cốt để xin một nơi chốn dung thân, chỉ làm sao mong chết cho nhẹ nhàng.

Hoà thượng nói:
- Nghe ngươi nói, vậy ngươi xuất thân không phải là hạng phàm phu tục tử mà cũng xuất thân từ trong danh môn đại phái. Ngươi luyện công từ nhỏ, vậy chắc là ngươi hiểu lý đạt tình. Đã là đại hiệp, ngươi hẳn là người không phải tầm thường. Vậy ta hỏi ngươi, việc lớn của đời người ta là gì vậy?

Minh Tâm nói:
- Sống!

Lát sau ngẫm nghĩ lại nói thêm:
- Phải sống.

Loay hoay một lát sau lại nói thêm nữa:
- Phải sống cho sung sướng, hạnh phúc.

Hoà thượng hỏi:
- Làm gì để được như vậy?

Minh Tâm nói:
- Giống như nông phu chăm chỉ gieo hạt giống tốt xuống ruộng đất tốt thì được kết quả, được báo đáp phúc tuệ, được hưởng phúc điền. Vạn pháp quy tâm.

Hoà thượng lắc đầu:
- Thiện tai! Thiện tai! Tâm với chẳng tâm! Đời người ta sống chết mới là việc lớn. Các ngươi suốt ngày cầu mong được sống sung sướng cũng như hạnh phúc mà chẳng bao giờ cầu để ra khỏi biển khổ sinh tử lao lung. Tự tính còn mê như thế, thật tiếc lắm thay! Ngươi mang u chướng chính vì các dục vọng ở trong lòng ngươi không giải toả được. Đại hiệp cái gì, cả đời đánh nhau với toàn những thứ ngoài mình! Chết đến nơi rồi mới biết hãi sợ, có phải không?

Minh Tâm không dám nói gì, cứ gục mặt xuống lạy như tế sao.

Hoà thượng bảo Minh Tâm:
- Ngươi hãy đi một vài đường quyền để cho ta xem ngươi đang ở trong cảnh giới nào, có như thế ngõ hầu ta mới giúp cho ngươi được.

Minh Tâm vâng lời, đi một vài đường quyền.

Rõ ràng y không phải là một tay tầm thường:
Ở cửa sông, cửa rừng ra
Lang thang khách ở quê ra
Dấu chân khắp nẻo sơn hà
Tâm thành, lòng dạ thật thà
Mải mê vọng niệm
Con đường còn xa
Đời vô nghĩa lý
Có hay chăng là?


Hoà thượng xem Minh Tâm đi quyền, chép miệng:
- Công phu luyện chưởng của ngươi thật đáng khâm phục, khâm phục! Có điều, cái chết của ngươi là ở mỗi đường gươm, mỗi nhát kiếm đều như muốn răn đe, giáo huấn người ta. Người luyện chưởng cũng phải là kẻ tu hành, cũng phải là kẻ rong chơi nữa. Ngươi chỉ đuổi theo hư danh, vọng niệm, toàn đuổi theo thứ ở ngoài mình đến nỗi phát sinh lao lực... Bệnh nặng lắm rồi, chữa làm sao được?

Minh Tâm hiểu ra, thờ thẫn cả người, không biết nói gì.

Minh Tâm ở trong chùa với hoà thượng, hàng ngày làm lụng những công việc vặt vãnh như trồng rau, nhổ cỏ, thấy lòng mình thư thái hơn. Một hôm, Minh Tâm bảo hoà thượng:
- Đệ tử sống ở trong chùa, làm một kẻ vô danh, khi thì đi nhổ cỏ, khi thì đi tưới phân, nhớ lại những ngày xách hai búa vất vả đi lại ở trên giang hồ, lòng lúc nào cũng hớn hở đắc thắng cho là mình ghê gớm lắm, thấy ngày xưa mình thật tầm thường, thảm hại.

Hoà thượng cả cười:
- Như thế là ngươi đã giác ngộ được đôi chút về lẽ vô thường rồi đó.

Minh Tâm bảo:
- Đệ tử hiểu rồi, không còn thấy sợ hãi cái chết nữa. Đệ tử xin ra khỏi chùa để về với vợ con ở nhà như một người thường. Sinh tử là lẽ tự nhiên, số mệnh đệ tử có hạn, chỉ tiếc là khi hiểu ra thì muộn quá!

Minh Tâm từ biệt hoà thượng về nhà, vứt đôi búa lại, chắc hẳn thấy mình không còn cơ hội sử dụng nó nữa. Ít lâu sau y chết, để lại rất nhiều tiếc thương cho võ lâm ở trên giang hồ.

Thật là:
Cả đời luyện chưởng, nghiệp thành hay chưa thành, nào ai biết?
Thời gian trôi đi, hữu danh hoặc vô danh, có người hay?


(Muốn xem các anh hùng ở trong Võ Đang lập những kỳ tích, kỳ công gì xem tiếp chương 5).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 5
Đánh nhau với sói
Nữ hiệp nổi danh


Trong giang hồ có bao nhiêu anh hùng là đủ, xếp hạng đánh số ra sao? Câu hỏi này cũng là một công án thật khó giải. Không phải tự dưng người xưa đã vẽ lên bản đồ có 108 vì sao trên giời, trong số 108 vì sao ấy lược đi còn có 64, rồi lược đi nữa còn có 36, rồi lược đi nữa còn có 28, rồi còn 9, còn có 7, còn có 5, còn có 3, còn có 1, số 1 là số nhất vị độc tôn. Trong các đại hội võ lâm nếu đánh trống ghi tên thì có tới hàng nghìn, hàng vạn nhưng thường chỉ kể tên có 108 vị. Trong dân gian, người ta đàm tiếu thì thường kể ra khoảng từ 36 đến 64 vị. Thực tế, trong võ lâm cũng chỉ có khoảng 28 vị gọi là "nhị thập bát tú" mới thực sự đáng kể mà thôi. Chẳng lẽ ở trong võ lâm anh tài ít ỏi đến thế kia ư? Đúng là như thế! Nhưng dù có ở vị trí số 1 độc tôn gì gì đi nữa, được gọi là chưởng môn phái hẳn hoi gì gì đi nữa nhưng chưa chắc người ngồi giữ cương vị ấy đã được cả giới võ lâm thừa nhận, tâm phục khẩu phục đáng được gọi là đại anh hùng cái thế hay là người được truyền y bát tâm ấn. Đồn rằng ở trong giang hồ, từ đời này qua đời khác y bát của võ lâm vẫn được truyền lại một cách hết sức bí mật và cuộc săn lùng kẻ nắm giữ y bát ấy vẫn luôn là một câu chuyện ly kỳ đáng kể lại cho đời sau nghe.

Trước đây, có một nhóm anh hùng cũng định cải tổ Võ Đang, chống lại Tố Hồng vương gia đại hiệp bèn lập ra môn phái "Võ Đang Giai Giai", nói rằng Tố Hồng vương gia cất giấu y bát giả mạo, bọn này bị Tố Hồng nhốt vào "Địa ngục đại lao" tới hơn ba mươi năm trời. Về sau, tình hình võ lâm thay đổi, bọn "Võ Đang Giai Giai" được thả ra nhưng tất cả đều đã già yếu lẫn lộn cả, chỉ trừ có đôi ba người như Hoàng Sông Đuống tiền bối đại kỳ hiệp và Lê Phó Cả Ngựa tiền bối đại kỳ hiệp là còn có thỉnh thoảng đi lại đánh nhau đôi chút ở trên giang hồ.

Trong "Đại học võ đường" có Dương Thu Mạc Sầu nữ đại hiệp là người ghê gớm. Y đã từng thụ giáo nhiều vị anh hùng tiền bối như Trương Học Công Thi, người đã từng giữ chức chưởng môn phái Võ Đang Toàn Chân trong nhiều năm, Lê Phó Cả Ngựa tiền bối đại kỳ hiệp v.v... Vào học tại "Đại học võ đường" y cũng đã thụ giáo được rất nhiều kiếm pháp, chưởng pháp của bọn Hoàng Lão Quái, Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi v.v... nên ai cũng sợ hãi y. Dương Thu Mạc Sầu có thời đã từng khuynh đảo ở trên giang hồ, sau này một mình y đứng ra chống lại Võ Đang Toàn Chân.

Khoảng năm Bính Dần, xu hướng cải tổ, đổi mới Võ Đang Toàn Chân nổi lên mạnh mẽ. Có một vị Vương gia là Trần Công đại hiệp có tư tưởng cấp tíến muốn xoay đổi tình thế bèn tìm cách thống nhất hội tụ các anh hùng ở trong võ lâm. Để làm việc này, Trần Công vương gia đại hiệp cho gọi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi về cai quản Đại Võ Đài ở kinh đô, lại tập hợp xung quanh mình một số các anh hùng như bọn Quảng Nam Lý Sự đại hiệp, Trần Điện Ảnh Cổ Quái đại hiệp, Đặng Nhật Tinh Lão Quái đại hiệp v.v... suốt ngày suốt đêm ngồi họp hành bàn tán. Họp hành nhiều quá, về sau này Trần Công vương gia đại hiệp bị bệnh rụng các đốt ngón chân, đi lại rất khó khăn.

Dương Thu Mạc Sầu bấy giờ cũng được Trần Công vương gia thu nạp vào làm môn khách. Dương Thu Mạc Sầu là người ít học nhưng bù lại rất giỏi tự học. Y thường luyện công vào lúc nửa đêm gà gáy nên âm khí của y rất mạnh. Nơi y luyện công gần một chợ tôm cá nên khi phát công bao giờ cũng có mùi vị của tôm cá nên nhiều người rất sợ y. Nhiều lần Dương Thu Mạc Sầu đến đòi đánh nhau với chưởng môn phái Võ Đang Toàn Chân là Trương Học Công Thi để giành y bát nhưng y bảo đóng cửa lại nhất quyết không ra, chỉ sai bọn đệ tử đứng bắn tên ra mà thôi. Dương Thu Mạc Sầu rất tức giận, về sau y ly khai Võ Đang Toàn Chân, không tham gia đại hội võ lâm nữa.

Một lần Dương Thu Mạc Sầu đi thăm bà ngoại. Trên đường đi y phải đi qua một vùng sông núi hiểm trở quanh co. Đúng là:

Đi một ngày đàng học một sàng khôn
Trên trời mây trắng dập dồn
Nước tuôn thác bạc
Gió luồn trong cây!
Hữu tình sơn thuỷ đẹp thay
Ai trông mà chẳng ngất ngây trong lòng?
Hái hoa bắt bướm dọc đường
Mải mê lạc mấy cung đường như chơi
Núi cao chi lắm núi ơi
Qua đèo vượt dốc mấy người dám qua?


Trên đường đi, Dương Thu Mạc Sầu gặp ai đánh đó, bọn đệ tử của Võ Đang Toàn Chân chết như rạ. Tiếng tăm của Dương Thu Mạc Sầu vang lừng ở trong thiên hạ. Dương Thu Mạc Sầu giỏi khinh công, ít người theo đuổi được y. Bấy giờ trên đường đi, y bỗng nhiên gặp một con sói. Sói hỏi y:
- Dương Thu Mạc Sầu, mi đi đâu?

Dương Thu Mạc Sầu nói:
- Ta đi thăm bà ngoại của ta. Mi hỏi làm gì?

Sói nghe thấy vậy, chạy tắt đến nhà bà ngoại của Dương Thu Mạc Sầu, nuốt bà già vào bụng rồi nằm lên giường, trùm chăn kín lại.

Dương Thu Mạc Sầu đến nơi, thấy sói trùm kín chăn, tưởng là bà ngoại bị ốm, mới ngồi cạnh giường ân cần hỏi thăm:
- Bà ơi, sao mắt bà to thế?

Sói lè nhè trả lời:
Mắt to là bởi mắt to
Mắt để thăm dò, mắt để nhìn chơi
Mắt sùm sụp, mắt lả lơi
Mắt thời ti hí, mắt thời vuốt ve
Đôi khi mắt cũng nhập nhoè
Mắt bà sáng quắc ai loè được đây?


Dương Thu Mạc Sầu ngạc nhiên, lại hỏi:
- Bà ơi, sao tai bà to thế?

Sói bèn trả lời:
Tai to là bởi tai to
Tai bà rất thính không lo nghe nhầm
Ở đâu có tiếng thì thầm
Tai bà cũng sẽ ghi âm rõ rành
Kìa ai yến yến oanh oanh
Kìa ai gian dối loanh quanh tứ bề
Bà đều tai giỏng lên nghe
Mạch rừng tai vách hết chê tai bà!


Dương Thu Mạc Sầu lại hỏi:
- Bà ơi, sao tay bà to thế?

Sói lại trả lời:
Tay to là bởi tay to
Hội bà là "hội tay to" rõ ràng
Của chìm của nổi trong làng
Tập trung vào cả mấy chàng tay to
Bàn tay nhung mượt thơm tho
Nâng niu ve vuốt thăm dò khắp nơi
Còn bàn tay sắt đấy thôi
Lơ mơ bà táng, bà thoi tới cùng
Con ơi chớ hỏi lung tung
Bà mà điên ruột, bà khùng đấy con!


Dương Thu Mạc Sầu lại hỏi:
- Bà ơi, sao răng bà sắc thế?

Sói không trả lời nữa, chồm dậy. Dương Thu Mạc Sầu sợ hãi, vội vội vàng vàng rút kiếm ra đánh. Hai bên đánh nhau to quá, thật là một trận đánh thần sầu, quỷ khốc:

Đánh từ trước lúc rạng đông
Đánh từ trước lúc lấy chồng sinh con
Đánh từ khi vẫn còn son
Đánh cho đến lúc héo hon về già
Bao nhiêu chưởng pháp tung ra
Thiên đường mù mịt quần thoa xéo giày
Chính chuyên nẻo Bắc trời Tây
Xiềng gông chuyên chính bó tay những là
Lung tung ấy võ đàn bà
Dại khôn vận mệnh sơn hà bể dâu
Đánh sao tránh để vỡ đầu
Ngoài kia non nước vẫn màu tang thương...
Trời cao trăng sáng như gương
Bóng hồng lạnh lẽo nửa giường nằm trơ...
Góc nhà con nhện giăng tơ
Chiều hôm bóng vạc bơ phờ trời cao
Trên giời có một vì sao
Đường thôn vắng vẻ thằng nào hát vang:
"Ngày mai nếu chết cả làng
Sông kia vẫn cứ đò ngang mái chèo"
Đường đời lắm đoạn quanh queo
Ta đây miệng ngáp nằm khoèo ngắm trăng...
Sự đời nhít nhít nhăng nhăng
Xem ra chẳng biết mần răng nực cười...


Dương Thu Mạc Sầu đánh nhau với sói nhưng đây không phải loài sói thường nên bao nhiêu võ công của y cũng chẳng làm gì được. Rất may xung quanh lúc ấy có nhiều người hò reo, gõ trống, gõ thanh la ầm ĩ cả lên vì thế sói mới nhả bà ngoại của Dương Thu Mạc Sầu ở trong bụng ra, chạy vào rừng.

Về sau Dương Thu Mạc Sầu bị cấm quân bắt giam vào lò luyện ngục. Ra khỏi tù, y trở nên hung dữ khác thường. Trong giang hồ tiếng đồn thổi về y cũng có nhiều: người khen có, người chê có nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng y không phải là kẻ tầm thường, kiếm pháp của y cũng đáng để cho nhiều bậc mày râu học hỏi.

Cùng với Dương Thu Mạc Sầu còn nổi lên một vài cao thủ đã từng khuynh đảo ở trên giang hồ. Trong số ấy cũng có nhiều kẻ tự xưng là được chân truyền y bát tâm ấn nhưng hư thực thế nào không thể biết được.

Đúng là:
Võ lâm thật rối bòng bong
Hư hư thực thực, anh hùng là ai?


(Muốn xem các vị anh hùng ở trong võ lâm trổ tài thế nào, xem tiếp sang chương 6).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 6
Nháo nhác anh hùng một thuở
Cái thời lãng mạn qua đi


Trong võ lâm, anh hùng cái thế cũng nhiều nhưng cũng không ít bọn bắt gà, ăn trộm ngựa đôi khi cũng xen vào làm ảnh hưởng, mất uy tín võ lâm. Ở một vài tỉnh lẻ, bọn mãi võ bán thuốc cao đôi khi cũng vỗ ngực tự xưng là anh hùng cái thế, rõ thật buồn cười. Có bác thợ may lấy cái kéo cắt vải làm binh khí, sai thợ đục đá treo biển ở trước cửa nhà xưng danh "Đệ nhất kiếm thủ". Lại có những cặp vợ chồng cặp cặp kè kè vào Nam ra Bắc, tự đắc huênh hoang, đi đâu cũng giảng giải về kiếm pháp, lại sai khắc ấn đá "Tài tử giai nhân" để lưu danh tên tuổi cho mình. Nực cười! Nực cười đến thế là cùng! Tuy nhiên, cũng có người chỉ mãi võ bán thuốc rong nhưng lại là một bậc anh hùng thực, cũng có những cặp vợ chồng mà cả hai đều là hào kiệt hẳn hoi.

Ngày ấy, có một bậc đại hiệp là Nguyễn Mạnh cũng đi mãi võ bán thuốc rong nhưng không phải là kẻ tầm thường. Vậy thế nào là mãi võ bán thuốc rong?

Đấy chính là:
Hai thúng hai đầu
Trên vai đòn gánh
Ngược ngược xuôi xuôi
Chỏng chà chỏng chảnh
Lang bạt kỳ hồ
Một mình ăn mảnh
Này là thuốc chữa rắn cắn
Thuốc giải cảm, thuốc đau đầu
Thuốc chữa hôi nách, thuốc chữa răng sâu
Thuốc chữa bệnh lậu, thuốc chữa đinh râu
Thuốc Tào Tháo đuổi, đỡ phải ngồi cầu
Ai yếu sinh lý, phòng the u sầu
Thuốc chữa quai bị
Thuốc cho bà bầu
Lòi dom, bạch tạng
Giun đũa móc câu
Thế gian bách bệnh
Hết sạch làu làu!
Một mình mãi võ
Bến chợ, ga tàu
Sớm khuya chẳng ngại
Nắng mưa dãi dầu


Nguyễn Mạnh đi bán thuốc rong. Chưởng pháp của y lợi hại không thể coi thường. Thấy ở kinh đô quá nhiều anh hùng, y đi tuốt về phía Nam lập nghiệp. Y ra biển, đến cả những cù lao xa xăm.

Đấy cũng là bậc cao thủ của một thời.

Ở kinh thành có vợ chồng Lưu Tài Hoa đại hiệp và Quỳnh Nương Cô Cô nữ hiệp cũng là những người tài giỏi. Hai vợ chồng ở trong một ngôi nhà chật. Khi luyện công, người nọ cứ phải nhường nhịn người kia. Cũng có nhiều lúc, cả hai vợ chồng đều cùng phối hợp luyện công.

Vậy thế nào là hai vợ chồng luyện công ở trong một ngôi nhà chật?

Này nhé:
Một vuông chiếu nhỏ
Cùng duỗi song song
Đêm khuya đèn tắt
Bắt đầu luyện công
Bình tâm tịnh khí
Viên hầu thúc thân
Hai tay rờ rẫm
Lúc xa lúc gần
Thượng bộ giá đả
Chân cọ vào chân
Suỷ thoái ngoạ chẩm
Loay hoay tụt quần
Quỵ bộ định chẩu
Má đỏ hân hân
Hầu tử quan trận
Cứ ấn dần dần
Tẩu bộ trảo nhĩ
Bắt đầu lên gân
Lúc lên lúc xuống
Cuống cuồng dạng chân
Phong quyền tả suý
Mắt trợn, mặt đần
Mồ hôi lã chã
Bắt đầu thu quân
Vọt như tên bắn
Nhũn cả toàn thân
Hợp thập thủ thế
Rút ra dần dần
Miệng cười ngượng nghịu
Chan hoà ánh xuân!


Thế mới gọi là:
Võ công chưởng pháp tài tình thế
Thực tâm hỷ lạc mới toàn chân!


Hai vợ chồng Lưu Tài Hoa và Quỳnh Nữ Cô Cô cũng đáng gọi là anh hùng của một thuở. Chỉ tiếc họ đều chết trẻ. Nhưng thử hỏi ở trên đời, liệu có cặp tình nhân nào khi sinh lại khác ngày khác giờ mà khi chết lại cùng một ngày một giờ như họ? Âu cũng là một cái chết tuyệt đẹp, đáng ghi vào thiên tình sử của muôn đời sau. Đời của một người đi theo nghiệp võ, lúc vui buồn, lúc cay đắng, khi còn sức lực thì đuổi theo lý tưởng nghĩa hiệp phù du, mua vui cho thiên hạ, khi lâm nạn, ốm đau, bệnh tật thử hỏi nào ai biết đến hay không? Chua xót, thực là chua xót lắm thay! Thành danh đã vậy nhưng không thành danh thì cũng như cây lau cây sậy ngoài kia, sống không ai biết, chết chẳng ai hay, vô vị lắm, mủn nát cùng với năm tháng trôi đi vô cùng vô tận.

Một ngày kia, trên đường thiên lý, có một vị kiếm khách vô danh đi lên Nhã Nam. Trời nắng gắt, y rẽ vào quán nhỏ ven đường rồi ngồi gọi rượu thịt.

Chủ quán ra chào, hỏi y dùng gì. Y nói:
- Có cái gì ngon ngon mang ra đây hết!

Chủ quán mang ra ba cân thịt bò, một bình rượu nóng. Vị kiếm khách lơ đãng nhìn ra ngoài đường, thấy có mấy người khách vãng lai đang loay hoay mua lễ vật, vàng hương để mang đi đâu đó, ai cũng tự nguyện chân tình. Y hỏi:
- Các người mua sắm lễ vật vàng hương mang đi đâu vậy?

Chủ quán nói:
- Sư huynh ở xa đến chắc là không biết? Hôm nay là ngày mồng 9 tháng Tư, ngày giỗ của Yên Thế đại hiệp tiền bối. Cứ đến ngày này dân chúng ở khắp nơi lại kéo đến nhà ông ấy thắp hương tưởng nhớ.

Khách hỏi:
- Vị đại hiệp tiền bối ấy là người thế nào?

Chủ quán nói:
Vốn quê ở tận thành Nam
Nhà nghèo, sống cảnh cơ hàn tang thương
Luyện công chẳng có võ đường
Lều gianh xó chợ ngày thường vẫn qua
Tâm ngay, tính thẳng thật thà
Đồi quê cất một ngôi nhà luyện công
Chưởng tung huyết lệ ròng ròng
Giữ nguyên tiết tháo một lòng chẳng sai


Khách thấy vậy lấy làm tò mò bèn cũng mua một ít lễ vật vàng hương đi theo mấy người kia đến ngôi nhà của vị đại hiệp tiền bối. Ngôi nhà giản dị ở trên một quả đồi, có vài cây khế, cây trám mọc hiu hắt. Y vào nhà, thấy tài sản chẳng có gì đáng giá nhưng phảng phất vẫn thấy tinh thần của người xưa rung động ở đâu đấy, rõ ràng không phải là hồn cốt của người tầm thường. Hỏi đến võ công của vị đại hiệp tiền bối thì chẳng ai biết gì nhiều. Ngay mấy đứa con cũng nói lăng nhăng đầu Ngô mình Sở, người thì bảo võ công cái thế phi thường, người thì bảo võ công cũng chẳng khác gì của mấy tay múa dao bán thịt ở chợ. Tuy nhiên, khi hỏi đến tính tình của vị đại hiệp tiền bối thì ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi là người tâm thành, cương trực, có khí tiết. Vị kiếm khách vô danh kia thở dài một tiếng, thắp một nén hương, rồi lấy ra một ít bạc vụn cho người chủ nhà. Sau đó y bỏ đi, vừa đi vừa ngẫm nghĩ:
- Mỗi thời đều có những bậc anh hùng của nó. Lưu danh muôn thuở là hay hay dở. Lợi cũng lợi thay! Hại cũng hại thay! Làm người thật khó! Thà như con chim kia bay ở trên trời, thoáng qua mắt nhìn đã chẳng thấy đâu, vô hình vô ảnh, vô tăm vô tích, chẳng có ai có thể phán xét được nó hay dở thế nào. Cái gì ở lại cùng với người đời, cùng với thời gian? Tình yêu chăng? Mà tình yêu, hỡi ơi, chẳng có gì lại nhiều nhầm lẫn sai lầm hơn nó.

Thật là:
Chốn giang hồ, anh hùng một thuở
Tài thấp cao, xuống hố mới hay...


(Muốn xem trong võ lâm còn có những nhân vật nào, sự tích gì, đọc tiếp chương 7).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 7
Hàn vi làm thợ đấu
Công thành bởi bắn tên


Có người nói:
- Ranh giới giữa thiên tài và thiên tai chỉ là sợi tóc. Qua trên sợi tóc là cảnh giới của bậc anh hùng, qua dưới sợi tóc là cảnh giới của tên lưu manh đầu đường xó chợ.

Nghe thế mà sợ.

Lại có người nói:
- Người ta sinh ra mỗi người một tính. Người hay người dở khi sinh ra Trời đã an bài. Một miếng ăn, một hớp nước uống cũng đã được an bài từ kiếp trước. Có muốn cũng chẳng được, không muốn cũng chẳng được.

Nghe thế cũng sợ.

Ở vùng Hưng Yên có vị anh hùng kỳ lạ tên là Lê Hựu. Y là giáo đầu cấm quân, võ công cái thế hơn người.

Xuất thân nghèo túng, không được học hành, Lê Hựu rất buồn phiền về thân phận của mình. Tuy thế, y lại rất say mê những chuyện anh hùng nghĩa hiệp ở trên giang hồ. Một hôm ra chợ, y thấy một ông già hát sẩm đang ngồi kéo nhị, phong độ trông rất khác người.

Ông già hát rằng:
Cõi nhân thế trăm năm dài ngắn
Nào ai hay tài mệnh tương phùng?
Thế gian kia mấy anh hùng
Gương trong còn để soi chung muôn đời?
Sao lại oán trách giời chẳng tỏ
Mà tự mình chẳng cố vượt lên?
Hơn nhau cốt ở chí bền
Mất công mài sắt nên kim có ngày
Ai đứng đấy loay hoay giữa chợ?
Năm tháng trôi do dự làm chi?
Công danh nào có đợi thì
Hỏi ai đáng mặt nam nhi anh hùng?
Tiếc lỡ để cung tên bỏ xó
Tiếc con thuyền lạch nhỏ nằm trơ
Tiếc không đủ gió phất cờ
Tiếc cho người đẹp bơ vơ một mình
Thôi đừng tiếc linh tinh như thế
Ngày tháng trôi nào có đợi ai?
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng!


Lê Hựu nghe xong bài hát, thở dài một tiếng. Ông già hát sẩm hỏi y:
- Ngươi là ai? Ở đâu đến? Sao lại thở dài?

Lê Hựu trả lời:
- Thưa tiền bối, ta thật chẳng phải là người may mắn. Đúng là:

Xuất thân thợ đấu
Lực lưỡng hơn người
Quê ở Phủ Khoái
Tính tình dở hơi
Mê danh hám lợi
Cũng muốn hơn người
E rằng tài mọn
Không dám đua đòi
Lòng dạ bối rối
Thở dài vậy thôi!


Ông già hát sẩm cười:
- Vậy ngươi gặp ta là may mắn cho ngươi rồi đó. Ta vốn là một đại cung thủ nổi danh trong chốn giang hồ. Ta nay gần đất xa trời đang muốn tìm một đệ tử để truyền nghề lại. Nếu ngươi có tham vọng ta sẽ dạy ngươi các món tuyệt kỹ của nghề cung thuật, chắc chắn sau này ngươi sẽ thành danh có một sự nghiệp phi thường.

Lê Hựu sụp xuống lạy tạ ông lão hát sẩm. Tuy nhiên, y lại nghĩ bụng:
- Sao ông lão nói là đại cung thủ mà chẳng thấy cung tên gì cả? Hơn nữa, hai mắt lại còn mù tịt thế kia thì bắn chác gì?

Ông lão hát sẩm đọc được ý nghĩ của Lê Hựu nhưng không nói gì, chỉ mủm mỉm cười. Lê Hựu bèn hỏi:
- Thưa sư phụ, liệu tập bắn cung một tháng, sau đó, mỗi ngày đệ tử có thể bắn được mười con chim không?

Ông lão bảo:
- Có thể!

Lê Hựu nói:
- Như thế, mười con chim bỏ rẻ quy ra cũng được cân thịt, còn hơn làm ruộng nhiều. Sư phụ! Đệ tử xin học bắn cung!

Ông lão cười:
- Ngươi nhầm rồi! Ta không dạy ngươi bắn chim.

Lê Hựu hỏi:
- Thưa sư phụ, vậy sư phụ dạy đệ tử bắn gì?

Ông già bảo rằng:
- Ta sẽ dạy ngươi bắn công danh, sau đó bắn thông cả thiên địa nữa.

Lê Hựu nghĩ bụng:
- Bắn công danh thì được rồi, còn bắn thông thiên địa thì chẳng cần làm gì.

Ông già hỏi:
- Ngươi đang lẩm bẩm gì thế?

Lê Hựu nói:
- Thưa sư phụ, bắn công danh liệu nhanh hay chậm? Có tới một năm hay không?

Ông già bảo:
- Điều ấy tuỳ thuộc vào ngươi. Nếu ngươi chịu khó học tập, có thể chỉ trong một năm. Còn nếu ngươi tối dạ, không chịu học hành thì mười năm cũng chẳng thành.

Lê Hựu bảo:
- Sư phụ! Đệ tử xin hứa nhất định sẽ học hành sư phụ đến đầu đến đũa.

Ông già bảo:
- Nếu ngươi hăng hái như thế, ta cũng chẳng hẹp hòi gì mà không dạy ngươi đến nơi đến chốn. Ngươi hãy về sắm cung tên, ngày mai mang ra bờ đê sông ta sẽ dạy cho.

Lê Hựu vui mừng về nhà sắm một bộ cung tên rồi sáng hôm sau mang ra bờ sông để gặp ông già kỳ lạ.

Đầu tiên ông già dạy y phép quan sát mà không chớp mắt, nhìn ngắm sự vật cho thật rõ ràng, thấu đáo.

Mắt mở trừng trừng
Nhìn không chớp mắt
Tỉ mỉ, kỹ càng
Vô cùng chân thật
Nhìn thấu tâm can
Nhìn xuyên gan mật
Tính khí thế nào
Cũng nhìn ra tất
Nhìn trước nhìn sau
Nhìn ra quy luật
Công phu khác thường
Đúng là xạ thuật


Lê Hựu học ông già một thời gian, có thể nhìn rõ một con muỗi to như con bò, một người đi qua y nhìn rõ cả bộ xương của họ. Khi đã nhìn rõ như thế thì việc bắn hạ đối tượng không phải là khó khăn gì. Mặc dầu tối dạ nhưng vốn chịu khó tập luyện nên chẳng bao lâu Lê Hựu cũng đã có những sự tiến bộ khác thường. Trong giang hồ, mọi người đều rất khâm phục tài nghệ của y, coi y là một anh hùng xạ điêu hiếm có. Trong cấm quân, có nhiều vị giáo đầu hùng hùng hổ hổ, nổi tiếng kiêu binh ngạo mạn nhưng đều một mực coi Lê Hựu là bậc đàn anh.

Một hôm Lê Hựu xách cung tên đến hỏi sư phụ của y:
- Sư phụ! Công danh của đệ tử nay đã thành rồi! Liệu tài nghệ của đệ tử bây giờ có thể sánh ngang cùng với sư phụ được không?

Ông già mù cười bảo y:
- Khi ngươi đến bái ta làm sư phụ, ta biết ngươi là một tên nông dân vô sản, bản tính lương thiện thật thà nên ta vừa vui vừa buồn. Điều tệ hại ở trong đặc điểm giai cấp của ngươi là chỉ nghĩ đến miếng ăn, thực dụng đến mức nực cười. Ta vẫn còn nhớ như in lời hứa học tập đến đầu đến đũa của ngươi khi học môn nghệ thuật này. Đáng tiếc, chỉ vì thực dụng trước mắt (lạy giời, liệu ta có nhầm lẫn điều gì ở đây hay không? Hoặc là ta sai? Hoặc là ngươi đã đúng?), chỉ vì thực dụng trước mắt mà ngươi đã không đi đến cùng môn nghệ thuật đó.

Lê Hựu hỏi:
- Sư phụ! Điều cuối cùng của nghệ thuật xạ thuật tóm lại là gì?

Ông già nói:
- Với tài nghệ của ngươi bây giờ thì ngươi phải tự trả lời câu hỏi của ngươi rồi chứ?

Lê Hựu nắm chặt cây cung trong tay, mồ hôi vã ra, y khẽ khàng hỏi sư phụ của y bằng một giọng run rẩy như đang cất lên từ ở dưới mồ:
- Sư phụ! Sao bao nhiêu năm trời đệ tử không trông thấy cung của sư phụ ở đâu cả vậy?

Ông già cười ngặt nghẽo:
- Cung của ta ư? Ngươi vẫn chỉ là một tên nông dân anh hùng bắn cung mà thôi chứ chưa bao giờ là một trí thức cung thủ như ta mong muốn. Hãy trông ta đây!

Ông già đưa tay như lắp một mũi tên vô hình vào một chiếc cung tưởng tượng rồi chĩa lên trời. Lê Hựu thất kinh vì thấy ánh sáng của một ngôi sao băng rớt ngay ở trước mặt y.

Ông già cười ha hả phất tay áo bỏ đi.

Sau lần ấy, Lê Hựu cũng bẻ cung tên. Y vẫn đi lại ở trên giang hồ và người ta đồn rằng rất có thể y cũng đã ngộ ra được điều gì đó trong nghệ thuật xạ điêu.

Thật đúng là:
Bẻ cung tên, vô chiêu thắng hữu chiêu
Thời xa vắng, thằng làm thua thằng nghỉ


(Muốn xem trong võ lâm còn có những chuyện kỳ lạ gì nữa, hãy đọc tiếp chương 8).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 8
Bến tiên, khoả thân luyện chưởng
Xác thối, biến hoá thành thơm


Lê Hựu có nhà ở trong khu gia binh cấm quân. Nơi đây được gọi là "phố kiêu binh", rất nhiều các anh hùng trong môn phái Võ Đang Toàn Chân trưởng thành lên từ đây như bọn Sơn Tây Ngũ Quỷ, Nghệ An Tứ Quái v.v... Tại đây cũng mở ra một Tiểu Võ Đài để hàng tháng cho các võ sinh thượng đài đánh đấm nhau khỏi buồn chân buồn tay.

Ở kinh đô có nhiều võ đài nhưng uy tín, chất lượng của mỗi võ đài cũng chẳng giống nhau. Bọn cầm chịch các võ đài nhiều khi cũng thiên vị, nhận tiền đút lót hoặc ngang nhiên đòi người ta hối lộ tiền bạc.

Cùng ở trong "phố kiêu binh", Lê Hựu thường hay đi lại, luyện chưởng pháp với Trần Đăng Tài. Lại nói Trần Đăng Tài sau khi học xong "Đại học võ đường" thì y xung vào cấm quân rồi đi lang thang đánh nhau với bọn hải tặc trên biển, sau đó y lại còn có thời gian đi luyện tập võ công với cả gấu nữa.

Vậy thế nào là luyện tập võ công với gấu?

Như đã nói, trong các môn phái võ Bắc tông thì Toàn Chân là nòng cốt, rường cột, thậm chí còn là trái tim, khối óc. Việc được gia nhập Toàn Chân rất khó. Đây là một giáo phái đặc biệt. Theo lý thuyết, người nào muốn gia nhập Toàn Chân đều phải thiến để không còn có dục vọng và vọng tưởng linh tinh gì nữa. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một thiểu số người thật thà là tự nguyện chót thiến thật, còn hầu hết đều tìm cách để khỏi phải thiến. Cuối cùng, hoá ra chính số không bị thiến này mới lại là những người khuynh đảo Toàn Chân, trở thành trái tim, khối óc Toàn Chân. Bởi vậy mới có thơ rằng:

Cứ Chân quá hoá thành Chân giả
Cứ giả nhiều lại hoá thành Chân!
Toàn Chân có thực Toàn Chân
Hay là toàn giả khổ thân mọi người?


Những cao thủ trong Toàn Chân có những phương pháp luyện công đặc biệt, thường hay được gửi sang du học ở xứ tuyết để luyện công với gấu. Người ta nhốt người luyện công vào chuồng gấu, người thì vài ba tháng, người thì vài ba năm. Sau khi luyện công thành tài, số người này trở về, võ công đều không phải tầm thường. Trong số ấy, ngoài Trần Đăng Tài là người tài giỏi, cũng phải kể thêm đôi ba người nữa, nhất là Vương Trí đại hiệp.

Vương Trí tướng mạo hiên ngang bởi vậy được xếp vào môn phái Võ Đang Hành Quyết nhưng khi gia nhập Toàn Chân y lỡ để cho người ta thiến vì thế về sau tính nết của y trở nên do dự nhu nhược. Vương Trí hay dùng đao ngắn, đao pháp của y điêu luyện nhưng chưởng lực lại rất yếu. Có lần gặp lại gấu, y phàn nàn vì điều đó. Y hỏi:
- Gấu huynh, tiểu đệ không phải là người không hiểu biết, không phải là người không có chí thành, tại sao võ công của tiểu đệ không có tiến bộ?

Gấu nói:
- Ta xem cách đánh của tiểu đệ nhiều khi ta cứ tiếc ngẩn cả người. Thường khi lâm trận, tiểu đệ trống giong cờ mở, sau đó lại xỉu dần đi. Dân làng chơi gọi đây là "chưa đi hết chợ đã tiêu hết tiền". Người luyện kiếm phải giữ được chưởng lực trước sau như một, lúc nào cũng hào hứng, hết sức tiết kiệm tinh lực, lúc nào hơi thở cũng đều đặn như không, còn khi nào không hào hứng nữa thì thôi không đánh đấm gì cả. Thật ra, tiểu đệ phải tìm cách luyện khí công chữa bệnh cho mình chứ không phải chữa về kiếm pháp, đao pháp.

Vương Trí hỏi:
- Gấu huynh, vậy tiểu đệ phải làm gì đây?

Gấu nói:
- Điều cốt yếu của việc luyện công là phải tìm được chỗ nào có môi trường sạch sẽ, trong lành, có món nhắm tốt. Như ta đây, vốn ở trên núi, nơi thượng nguồn của các dòng sông. Hàng năm, bọn cá hồi từ ngoài cửa sông vượt hàng trăm dặm ngược dòng lên đây sinh đẻ, ta cứ ở đấy chịu khó bắt cá chén cho thật kỳ đẫy. Cứ suốt ngày hì hục bắt cá, lại còn thịt với trứng cá hồi xơi, thử hỏi tiểu đệ có cách luyện công nào lý thú hơn thế?

Vương Trí nói:
- Gấu huynh, kinh nghiệm của gấu huynh thật tốt quá. Tiểu đệ phải về học theo mới được.

Nhà của Vương Trí gần một con sông. Y nghĩ bụng:
- Của quý đây rồi mà ta không biết, thật phí quá!

Con sông ấy đúng là lớn thật:
Từ thượng nguồn đổ xuống
Cứ thế chảy về đông
Cuồn cuộn, rập rờn sóng nước
Tôm cá thoả sức vẫy vùng
Bên bồi, phù sa vun đắp
Nông phu ra sức cấy trồng
Bên lở, nước sâu cá lớn
Buông chài, vớ bở ngư ông
Sớm mai, mặt trời toả rạng
Sương khói lờ mờ mặt sông
Chiều về trâu bò tắm mát
Trẻ con cu hĩm tồng ngồng
Mải miết trôi cùng năm tháng
Bốn mùa xuân hạ thu đông


Vương Trí ra sông tắm mát, bơi lội, luyện công, trong lòng khoan khoái. Bởi bị thiến, y cũng chẳng còn giữ ý tứ gì nữa, cứ thế khoả thân như thằng bé con. Nơi y tắm người ta gọi là bến Tiên. Buồn cười cho một đại hiệp nổi tiếng trong giới giang hồ không phải vì sự nghiệp đánh Đông dẹp Bắc mà lại nổi tiếng chỉ vì khi về già là "người cởi truồng tập võ" mà thôi.

Có thơ rằng:
Ai mũ áo xông xênh chi đó
Sắm đao to búa lớn nghênh ngang
Nói năng ra vẻ đường hoàng
Giữ gìn thước ngọc khuôn vàng mà chi?
Bả công danh hay gì mà cố
Để thân mình chịu khổ nhiều phen
Ép thân lâu hoá ra hèn
Như gà mắc tóc rối ren nhân tình
Lòng ấm ức bất bình nhẫn chịu
Suốt ngày dài tiu nghỉu buồn xo
Khác chi bị thiến con cò
Chẳng buồn đánh đấm reo hò với ai!
Ấy cứ việc cởi truồng tắm mát
Kệ dòng sông dào dạt mây mưa
Đêm về một giấc say sưa
Thênh thang thoả sức vui đùa lại hay!
Tháng cũng có tuần chay tuần mặn
Cũng tình trường dài ngắn tinh vi
Vài chung rượu thuốc nhâm nhi
Con cua con cá con gì cũng ăn
Sông cứ chảy, băn khoăn chi tá
Bao anh hùng đi cả còn đâu
Ngoài kia sương khói một màu
Nhập nhoà nhân ảnh dãi dầu nắng mưa
Ta thả sức vui đùa như trẻ
Mặc đục trong cuộc thế được thua
Giang hồ múa hát say sưa
Bóng câu cửa sổ bao giờ chẳng hay...


Đương thời, Vương Trí với Lại Nguyên Bá đại hiệp là cặp bài trùng, đứng canh cửa ở võ đường Võ Đang trong nhiều năm. Lại Nguyên Bá hay đi đào bới các cổ mộ để tìm hiểu bí kíp võ công của người xưa. Y cùng với bọn giang hồ võ lâm trong môn phái Cổ Mộ hay làm các lễ hội mở nắp quan tài người xưa, thường những khi ấy y hay mang theo rất nhiều nước thơm để rẩy vào họ.

Trong võ lâm, thường khi người ta còn sống, chẳng ai tung hô khen ngợi gì đến võ công, nhưng khi vừa mới nằm xuống, đã thấy khối kẻ nước mắt lưng tròng, bù lu bù loa rằng người vừa mới chết là bậc anh hùng tài cao này nọ. Thật nực cười nhưng mà thói đời là thế, biết làm sao được. Vậy có thơ rằng:

Chốn giang hồ hư danh bao kẻ
Sống trên đời huyết lệ đầy vơi
Dẫu rằng tài giỏi mấy mươi
Tránh sao bia đỡ tiếng cười thế gian?
Ai chẳng lúc cơ hàn khốn khó
Ai chẳng khi cơ nhỡ, sa chân?
Nhiều khi cũng phải cù lần
Nhiều khi cũng phải phân vân một mình
Đường thiên lý vô tình lưỡi kiếm
Trách ai đây, ai trách làm chi?
Chết rồi ai cãi làm gì
Mặc cho hậu thế tuỳ nghi xét giùm
Vẩy nước thơm biết công hay tội
Biết bao người bỗng thối thành thơm
Vội vàng quả trứng bát cơm
Thắp quàng một nén hương thơm nửa vời
Chết cũng chẳng yên nơi cổ mộ
Hư danh thời chết cũng hư danh!
Lẽ đời quẩn quẩn quanh quanh
Kìa ai nước mắt lạnh tanh khóc đời?
"Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói quê người cay men"


Cuộc sống vẫn trôi như dòng sông kia vẫn trôi vô cùng vô tận. Mọi sự ở đời xét cho cùng thật vô nghĩa lý.

Thật là:
Luận anh hùng, hậu sinh tìm lẽ sống
Chẳng còn chi, tất cả hoá hư vô


(Muốn xem số phận của các anh hùng trong võ lâm rồi sẽ ra sao mời đọc sang chương 9).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 9
Núi Hoa Đào anh hùng luận kiếm
Ngôi Tam Bảo bóc mẽ công danh


Một ngày kia, trên núi Hoa Đào, Lê Hựu ngồi bàn về kiếm pháp và luận anh hùng với Trần Đăng Tài. Ở bên cạnh hai người có một tiểu đồng loay hoay rót rượu. Lê Hựu hỏi Trần Đăng Tài:
- Theo như cách nhìn của đệ, hiện nay trong võ lâm có ai là người giỏi?

Trần Đăng Tài nói:
- Khoảng mươi, mười lăm năm nay lớp anh hùng tiền bối như Cả Nguyễn Đại Kỳ hiệp, Chế Giáo Đầu, Ngô Xuân v.v... mất đi, khoảng trống họ để lại không có gì bù đắp lại được. Bọn anh hùng về sau đánh Đông dẹp Bắc nhưng kiếm pháp không có gì gọi là đáng sợ. Trong vòng năm mươi năm, đệ cảm thấy bọn anh hùng đều sàn sàn như nhau cả thôi, cũng có vài người nhỉnh lên nhưng đều chưa phải là vô địch tuyệt chiêu kiếm pháp. Bọn múa gậy, múa côn, vác dao bầu ra đâm thuê chém mướn cũng chẳng khác gì phường lưu manh, ta không nên đếm xỉa ở đây làm gì.

Lê Hựu gặng hỏi:
- Trong bó đũa chọn cột cờ. Ta biết đệ là người kỹ tính, đệ thử nêu tên một vài người để cho ta xem có đáng mặt gọi là anh hùng hay không?

Trần Đăng Tài nói:
- Lớp cũ còn lại có Nghĩa Đô đại hiệp tiền bối là đáng kể, về già nhưng kiếm pháp vẫn chưa rối loạn.

Lê Hựu cười:
- Vị tiền bối này hàng ngày mang kiếm báu ra để thái chuối cho lợn, rất khó bình luận. Cùng thế hệ với vị tiền bối này, những người khác đã rửa tay gác kiếm từ lâu rồi. Chẳng lẽ bậc đại anh hùng cứ phải tận tụy lao lung đến chết hay sao? Ta nghe nói: "Muốn tôn trọng một nghề nghiệp, đến một lúc nào đấy phải biết rút lui khỏi nó". Ta nhớ sư phụ ta đã không hề mang vác cung tên ở bên mình, nhưng ngay đến chim chóc cũng không dám bay qua vùng trời nơi sư phụ của ta đang đứng. Đấy mới xứng danh gọi là đại cao thủ.

Trần Đăng Tài nói:
- Ở trên đời có mấy người được như sư phụ của huynh? Ở ta bây giờ làm gì còn có những anh hùng huyền thoại? Tuy thế, trong võ lâm cũng không thể không nhắc đến Nghĩa Đô đại hiệp, cũng giống như ở trong làng nước không thể không ngưỡng mộ một lão tiên chỉ. Vũ Hầu Gia Cát Lượng ngày xưa nói: "Cúc cung tận tụy đến chết mới thôi". Riêng đệ thì đệ thấy Nghĩa Đô đại hiệp tiền bối vẫn còn đủ tư cách nói lại câu này.

Lê Hựu cười:
- Xem trong ý tứ lời lẽ của đệ thì ta thấy đệ không còn là một tay võ hiệp thực thà lỗ mãng nữa rồi mà đệ đã có hơi hướng của một tên lưu manh chính trị khôn ngoan. Ta đoán chắc đệ sẽ kể tiếp ra ngay sau đây tên của hai chục lão già vừa đi vừa đái ra quần để đại diện cho các thế hệ võ lâm. Rồi sau đó đệ sẽ kể tiếp đến hai chục tên đại diện cho các vùng miền, tôn giáo nữa. Quần hùng dưới con mắt của đệ sẽ là một cái chợ công danh giảo quyệt chứ không còn là nơi tụ họp bọn võ hiệp chân truyền, đáng gọi là nguyên khí của nền võ thuật nước nhà. Ta không còn nhã hứng muốn bàn luận anh hùng với đệ nữa.

Trần Đăng Tài nói:
- Sư huynh bớt giận. Cái khó của việc này là thống nhất tiêu chí anh hùng. Không có tiêu chí, không thể biết thế nào là võ công cao thấp trong võ lâm được. Chỉ bằng trực giác, ta sẽ tùy tiện theo cách của bọn Nam tông cổ truyền, thế sao gọi là khoa học với nhân văn được?

Lê Hựu nói:
- Đệ nói như bọn hoạn quan ở trong triều đình, chứ không phải ra giọng của một tay nghĩa khí giang hồ ăn sóng nói gió nữa. Ta hỏi đệ, nếu trong võ lâm bây giờ, chọn ra ba ngôi tam bảo đứng đầu võ lâm thì đệ chọn ai?

Trần Đăng Tài không trả lời, chỉ thở dài, bảo tiểu đồng rót rượu.

Lê Hựu hỏi:
- Sao đệ thở dài?

Trần Đăng Tài bảo:
- Sư huynh hỏi đệ câu ấy, lại làm đệ nhớ đến Tố Hồng Vương gia đại hiệp, ân nhân của đệ. Khi Vương gia còn sống, nghiễm nhiên Vương gia giữ một ngôi tam bảo, còn hai ngôi sau thì thôi để cho bọn khác tranh giành nhau. Nay Vương gia mất rồi, cũng là một thiệt thòi cho võ lâm.

Tiểu đồng rót rượu nghe thấy thế, lễ phép nói:
- Thưa nhị vị tiền bối, nghe nhị vị tiền bối nói chuyện với nhau, hậu sinh muốn chen vào nói một câu có được hay không?

Trần Đăng Tài quát:
- Hỗn xược!

Lê Hựu ngăn lại:
- Cứ để nó nói. Ba chục năm về trước, ít tuổi hơn tuổi nó, đệ cũng đã nổi danh là một thần đồng võ hiệp cơ mà? Chính ta, ta cũng không tán thành ý đệ nói lúc nãy về Tố Hồng Vương gia đại hiệp. Con người ta, sống chết là chuyện thường tình, ai sống mãi được? Con người ta chết đi, cũng giống như con giun, con dế chết đi mà thôi, có gì đâu mà phải tiếc thương bi lụy thái quá. Mỗi anh hùng có thời của họ, giá trị của họ cũng chả ai phủ nhận, có lẽ chỉ có cái chết to chết nhỏ là đáng nói mà thôi.

Tiểu đồng nói:
- Thưa nhị vị tiền bối, đúng là như thế! Nếu nhị vị tiền bối cho phép, hậu sinh xin hát bài hát "Đám ma bác giun" để mua vui cho nhị vị tiền bối nghe khi uống rượu.

Lê Hựu vỗ tay tán thưởng:
- Hay lắm!

Thế là tiểu đồng rót rượu ra rồi gõ trống hát.

Hát rằng:
Bác giun suốt ngày đào đất
Trưa nay chết dưới bóng cây
Cả đời bác giun mềm nhũn
Thằng nào xéo bác giun đây?
Bác là thợ đấu lực lưỡng
Thấy đất bác liền ra tay
Đói bụng thì bác ăn đất
Ăn rồi bác lại ngủ say
Thỉnh thoảng bác với bác gái
Xoay đầu trở đít loay hoay
Con cái bác giống tính bố
Cũng lại đào đất suốt ngày
Bác giun tính hiền lành thế
Sao giờ bác lại lăn quay?
Họ hàng nhà kiến thấy thế
Tin buồn báo cho nhau hay
Kiến con cầm phướn đi trước
Hai bên cờ quạt giăng đầy
Chữ đề "Tây phương cực lạc"
Thế là "tóc gió thôi bay"
Kiến già mấy bác lụ khụ
Run run con cháu đỡ tay
Bọ dọt, Kiến đất xúm xít
Áo xô khăn trắng một bầy
Kiến cánh lăn đùng ngã ngửa
Đúng là con mẹ thối thây!
Kiến kim giật lùi chống gậy
Thất thần như thể thằng ngây
Đô tùy mấy bác Kiến lửa
Vai è mặt mũi đỏ gay
Kiến càng bụng to thỗn thện
Chỉ sợ say nắng ngã quay
Đám ma giun dài dằng dặc
Có nhanh cũng mất nửa ngày
Chiều về xúm đông xúm đỏ
Ngất ngư ngồi uống rượu say
Cả làng Kiến no căng bụng
Thịt giun cũng khoái khẩu thay!


Lê Hựu cười bảo Trần Đăng Tài:
- Đệ nghe ý tứ trong bài hát, có đúng là người chết sẽ là thức ăn cho người sống không? Bọn kiến chẳng ăn thịt giun là gì?

Trần Đăng Tài cười:
- Thôi không đùa nữa! Đệ đồng ý với sư huynh là ta sẽ chỉ bàn đến những tay anh hùng còn sống. Theo thiển ý của đệ, ngôi tam bảo ở trong võ lâm hiện nay thì đệ nhất tam bảo sẽ là Mã Khởi đại hiệp, đệ nhị tam bảo sẽ là Ma Văn Ma đại hiệp, đệ tam tam bảo sẽ là Sáu Lùn đại hiệp. Xem chưởng lực và kiếm pháp của họ, đệ thấy cũng có nhiều phần vì nể...

Lê Hựu lắc đầu:
- Mã Khởi không nói làm gì, chính ta cũng thấy nhiều phần nể y. Nhưng đao pháp của y cũng có chỗ kém, y yêu bản thân mình quá, lối đánh của y khôn khéo, tiếc là không được hào hoa, cũng không thanh đạm. Nhưng quả thật trong võ lâm không ai hơn y.

Tiểu đồng nói:
- Hậu bối có biết bài kệ về đao pháp, xin đọc cho nhị vị tiền bối nghe.

Lê Hựu bảo:
- Đọc đi!

Tiểu đồng đọc:
Nghiêm trang, thanh đạm
Giản dị, ít lời
Trước sau chặt chẽ
Nhẹ nhàng, vui tươi
Bất ngờ sâu sắc
Đạo lý chẳng rời!


Trần Đăng Tài bảo:
- Đệ cũng chưa hoàn toàn tâm phục khẩu phục Mã Khởi đại hiệp nhưng thôi, y cũng xứng đáng giữ một ngôi tam bảo. Thế còn Ma Văn Ma với Sáu Lùn?

Lê Hựu nói:
- Ma Văn Ma cũng dùng đao. Lối đánh của y nặng về sách vở, nhiều âm khí.

Trần Đăng Tài bảo:
- Đệ cũng thấy cách đánh của y nặng nề, nhiều khi đánh để mà đánh, không có hồn cốt.

Tiểu đồng bảo:
- Hậu bối cũng lại biết một bài kệ về đao pháp nữa, xin đọc.

Lê Hựu bảo:
- Đọc đi!

Tiểu đồng đọc:
Thông kim bác cổ
Uyên thâm tuyệt vời
Trong tình có đạo
Thuận theo lẽ trời
Cương nghị dũng cảm
Lòng dạ thảnh thơi


Trần Đăng Tài hỏi:
- Sáu Lùn thì thế nào?

Lê Hựu bảo:
- Sáu Lùn cũng lại dùng đao. Cách đánh của y lộn xộn, lè phè, không bác học nhưng lợi hại, hiệu quả.

Tiểu đồng bảo:
- Hậu bối cũng lại xin đọc một bài kệ nữa về đao pháp.

Lê Hựu bảo:
- Đọc đi!

Tiểu đồng đọc:
Tự nhiên dân giã
Tựa như đùa chơi
Dễ hiểu dễ nhớ
Một mạch một hơi
Vào chốn trận mạc
Như không có người


Trần Đăng Tài bảo:
- Cả ba ngôi tam bảo mà đệ và huynh đề cử đều dùng đao thuật theo lối cổ truyền, điều ấy chứng tỏ sự một chiều hạn hẹp của nền võ thuật nước nhà. Hơn nữa, cả ba người này đều trong cùng một môn phái, không hề có cách tân gì cả.

Lê Hựu bảo:
- Đấy là trong thời điểm mà Minh Tâm đại hiệp đã phải kêu lên rằng muốn ai điếu cho cả một nền võ thuật. Ta cũng mong rằng thời thế thay đổi rồi sẽ có nhiều anh tài mới xuất hiện!

Tiểu đồng nói:
- Thưa nhị vị tiền bối, đêm đã tàn canh, rượu đã hết rồi, nhị vị tiền bối có muốn dùng gì thêm nữa?

Trần Đăng Tài bảo:
- Thôi thôi! Chúng ta cũng về nhà đi ngủ thôi.

Thật là:
Luận anh hùng, như lời con trẻ
Ngôi vị hão huyền bóc mẽ công danh


(Còn những chuyện gì xảy ra ở chốn võ lâm, trên giang hồ, mời đọc tiếp chương 10).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối