Mối tình của biển
Kè chắn sóng Tam Giang – Mỹ Hải vào giai đoạn hoàn thành. Con đường dài gần 3km. Khởi đầu từ đoạn cuối hạ lưu sông Tam Giang, ôm trọn thôn Dân Phước, che chắn hơn nghìn hộ dân khỏi nguy cơ bị sóng biển mang đi. Con đường không dừng lại ở đó, men theo chân núi, trải dài đến Mỹ Thành, hòa vào QL1 dưới chân dốc Găng – một con dốc “dữ tợn” của thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Con đường đi ngang trước đảo Nhất Tự Sơn, thế là dự án Khu du lịch được mở ra. Tôi về Nhất Tự Sơn vào những ngày tháng tám.
Mùa mưa ở miền biển thật buồn, nhất là những nơi xóm làng còn nghèo, còn hoang vắng! Buồn hơn nữa khi một bên là biển, một bên là làng chài dưới chân núi. Trong màn mưa trắng xóa, núi đá thâm u, cây rừng trầm mặc, những hàng dừa rũ rượi, ngã nghiêng theo từng cơn gió. Năm tháng mùa mưa như thế này mà biến một vùng hoang sơ, cây cối, gai góc um tùm thành một khu du lịch: có nhà nghỉ, bến bãi, cầu tàu, nhà hàng, vườn thú thì quả thật…như mơ! Trời vừa tạnh, tôi lang thang qua khỏi bãi Lổ Sâu, con đường ngoằn ngoèo một bên biển một bên núi. Đi chừng hơn hai trăm mét là đến đầu thôn Mỹ Thành, nơi dẫn qua đảo Nhất Tự Sơn. Thủy triều đang rút nên con đường ẩn hiện dưới những đợt sóng “chọi rồng”. Từng cột nước được sóng tạo trồi lên, kéo vồng “chạy” uốn khúc qua bên đảo. Tôi định xắn quần lội qua:
- Anh qua giờ này ướt hết, sóng thế kia…
Tôi quay lại, một cô gái mặt áo mưa phủ kín để lộ khuôn mặt bầu bầu:
- Sóng đẹp ghê!
- Chưa đẹp đâu, khi nào có gió mạnh kìa!
- Nhà…bé ở đâu?
Cô bé chỉ tay về phía đỉnh dốc nghịch ngợm:
- Ở đây nhà nào…cao nhất là nhà em
Thấy tôi có ý định muốn qua đảo, cô bé liếng thoắn:
- Sóng không chỉ làm ướt đồ đâu, nó xô ngã đấy! Tốt nhất anh đi bằng thúng chai…
Tôi bối rối nhìn quanh:
- Anh…đứng đây đợi!
- Đợi nước rút ư? Hai giờ nữa mới đi được, em sẽ chở anh qua đảo.
- Cô bé ?
- Dạ, dân biển mà!
Tôi phụ cô gái khiêng chiếc thúng đang úp gần đó xuống mép sóng:
- Anh leo lên đi.
Một đợt sóng ập vào, hai người nhảy vội vào thúng, chiếc thúng chòng chành rồi nhẹ nhàng lướt sóng thẳng hướng ra đảo:
- Anh tên Nguyên, cô bé tên gì?
- Dạ, là Huyền.
- Huyền đang đi học chứ?
- Dạ…thi rớt!
- Sang năm thi lại?
- Dạ…
Thúng sắp cập vào gành phía bắc của đảo, Huyền ngoáy mái dầm, thuyền thúng đứng yên:
- Chỗ này sâu lắm à anh.
Tôi đưa tay khoáy khoáy vào những con sóng dập dềnh bên mạn thúng, màu nước biển xanh thẩm:
- Rất tốt!
- Tốt gì cơ?
- À! Ý anh muốn nói ở đây nước sâu rất tốt.
- …
- Ở đây tàu nhỏ có thể vào được Huyền nhỉ?
- Dạ được ạ!
Tôi trèo lên bờ tạm biệt cô bé Huyền, chiếc thuyền thúng lại nhẹ nhàng trở về làng. Mưa lất phất gió thổi mạnh, ngôi nhà của anh em công nhân được lắp ghép bằng gỗ nằm nép mình bên gốc Bằng lăng cổ thụ. Trên đảo chỉ có những lối mòn nhỏ, men quanh co theo chân bờ sóng cây cối, dây leo mọc chằng chịt. Trong trại vọng tiếng đàn của Thế Hà, nhạc sĩ đang công tác tại nhà Văn hóa trung tâm: “Nghe dân gian kể lại, bao linh thiêng đồn rằng chuyện huyền thoại giống thật, sóng chọi rồng giống rồng… Nhất Nhất Nhất Tự Sơn, yêu cái tên luôn thèm gọi…”(*). Tiếng đàn, giọng hát trong chốn rừng núi thâm u, ướt sủng nước mưa, nó trầm trầm đậm đặt như từ cây cối, đất đá, hơi núi phát ra: “…thăm bà Vãi lên đỉnh cao tháng năm nắng mưa dãi dầu. Đá xếp tầng đùa biển, biển xanh sóng bạc đầu…”(*). Tôi không muốn đứt đoạn nguồn cảm hứng của Thế Hà nên theo lối đường mòn vào sâu trong đảo.
Một chuyến tàu ra bãi Ôm gồm năm người: Giám đốc Công ty, tôi, nhạc sĩ Thế Hà, lái tàu và một người dân địa phương. Trên đường về ghé lại bãi Than. Cái tên bãi Than đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – đá toàn một màu đen xám của than đá. Từ những tảng đá to bằng ngôi nhà đến hòn nhỏ cỡ nắm tay, được sóng biển khoét, bào mòn thành những “tác phẩm” kỳ diệu.
Tàu được thả neo cẩn thận, ngoài biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới. Tôi và Thế Hà vô bờ sau cùng. Mọi người quần áo ướt sủng nước, một con sóng đưa thuyền thúng và cả bọn chúng tôi lên bờ cát, líu víu những rau muống biển, sóng đập vào gành bãi Than tung bọt trắng xóa. Anh Cự dân địa phương, người đen nhẻm, rắn chắc trạc bốn mươi tuổi lo lắng nhìn chúng tôi:
- Nếu các anh ở đây lâu sợ khó ra lại thuyền, sóng lớn dữ quá!
Anh Việt Giám đốc Công ty du lịch nữa đùa nữa thật:
- Nếu không chèo được, mọi người…sẽ bơi!
Nỗi e ngại sóng to bão lớn không còn làm chúng tôi bận tâm, phong cảnh nơi đây đã thật sự cuốn hút nhóm người mới lần đầu đặt chân lên bãi Than. Nhạc sĩ Thế Hà hát nghêu ngao: “Ra vũng Sứ không thấy sứ ngồi vũng Me không thấy me – A! Đây rồi chân đứng trước vũng Chào, vũng La sao đẹp thế, thấy vũng nào xinh cũng xinh – Bãi Ôm đang đợi tình ta…”(*). Chợt anh Cự đưa tay lên miệng làm loa gọi: “Mọi người nên về thôi, biển có bão nguy hiểm lắm!” Giọng anh mất hút trong từng đợt gió rít, tiếng ầm ào của sóng. Ngoài khơi thấp thoáng hai chiếc tàu cá đang thẳng hướng bãi Than, tôi quay sang anh Cự:
- Hình như tàu đang vào chỗ mình?
Anh Cự không trả lời, vừa chạy vừa hú gọi mọi người trở về tàu. Hai chiếc tàu mới đến thả neo ngoài xa, những người đứng trên tàu vẫy gọi rối rít. Tôi chưa hiểu chuyện gì, anh Cự và mọi người quay trở lại. Như một người chỉ huy, anh hét:
- Tất cả về thuyền, áp thấp đã mạnh lên thành bão, ở đây rất nguy hiểm.Trong làng cử hai chiếc tàu đi tìm chúng ta…
Qủa thật chúng tôi chưa thấy sự nguy hiểm đang ở hướng nào, khoảng cách một trăm mét bơi ra thuyền cũng dễ! Sóng gió dù đang gào thét, những bãi đá lởm chởm nhe ra như răng cá sấu cũng chưa đủ làm chúng tôi sợ, chỉ cần ra tàu, một loáng là về tới bờ, mọi người nghĩ vậy nên chẳng ai lo lắng. Thúng chai được kéo xuống nước, một con sóng ập tới “ào” mọi người ngã nhào, thúng chai to là thế mà sóng “quăng” lên gần cuối bãi cát. Cứ quăng lên dội xuống vài lần, không thể đi bằng thúng ra tàu, chúng tôi quyết định cùng bơi ra. Một trăm mét thì chẳng có gì, nhưng anh Cự lại không yên:
- Gió đang thổi rất mạnh, chếch Tây Nam , các anh đừng để bị đừa vô gành đá, có mấy vụ kiểu này rồi, dập tan hết…!
Giám đốc Việt là người bơi ra đầu tiên, tự tin lắm, mà anh bơi cũng cừ, theo sau hai người nữa – rồi tất cả cùng lao xuống biển. Hơn năm phút ngụp lặn, sóng biển nhồi lên dìm xống bọn tôi đã mệt phờ mà tàu thì vẫn còn xa, chợt anh Cự hét thất thanh:
- Vô lại bờ – tất cả vô lại bờ!
Mọi người chưa hiểu điều gì thì đã thấy anh cố sức quay lui. Đang loay hoay chưa biết có nên bơi tiếp hay theo lời anh thì một con sóng dữ dội lôi vút tôi lên ném “ào”. Những tiếng la thét, tiếng gió gào, tiếng sóng – mớ âm thanh hổn độn không phân biệt được cứ bủa vây, cứ làm tê liệt sức lực gần như cạn kiệt của những người chúng tôi. Nhưng bản năng sinh tồn khiến tôi cảm nhận được cái chết đang cận kề – phải sống, phải vượt qua. Tôi dùng hết sức, những gì còn lại cố tránh những con sóng. Vách đá lởm chởm lờn vờn bên cạnh, chỉ một tích tắc, chỉ một cái lơi tay – chỉ một rủi ro dù nhỏ nhất cũng đủ làm tôi tan xác! Thấp thoáng trong những đợt sóng còn có hai người nữa đang cố vượt qua vùng nguy hiểm. Tôi nhoài người cố tránh bức tường nước đang ập tới và định hướng thật chính xác khu vực bãi cát, lặn một hơi dài – trận đánh cuối cùng, “được ăn cả, ngã…tùy trời! Vừa ngút hơi ngoi lên khỏi mặt nước người tôi bỗng nhẹ tênh, sự bất lực – vâng! Tôi hoàn toàn bất lực. Con sóng khủng khiếp nâng vút tôi lên cao. Chẳng lẽ chết đơn giản đến thế này thôi ư? Tôi sẽ bị đập tung vào gành đá lô nhô ở bãi Than – tan tành! Trong ầm ào của trời biển dường như có cả tiếng người. “Ào” cuối cùng con sóng cũng đến đích của nó – tôi nằm gọn trong đám rau muống biển xác xơ. Giám đốc Việt đang lồm cồm ngồi dậy bên cạnh, Thế Hà xa hơn, cuối bờ cát giáp gành đá. Nếu anh chàng cao hơn hai mét thì cái đầu đã bị đá…lấy mất rồi! Hú vía ba đời cho cái anh chàng nhạc sĩ!
Mọi người lại ở điểm xuất phát. Phương án được đưa ra: anh Cự một mình bơi ra lấy dây thừng, chúng tôi níu theo dây, bơi và tất cả nhanh chóng về tàu. Hai chiếc tàu đánh cá của dân vẫn đang thả neo, mọi người bớt lo lắng khi thấy chúng tôi ra an toàn. Thế là thoát nạn! Cả bọn thở phào nhẹ nhỏm. Anh Hòa cho tàu chạy áp sát chúng tôi:
- Bình yên cả chứ?
- Mỏ neo bị dính đá không kéo lên được, chắc phải cắt bỏ
Anh Việt hét trả lời và cho Long lái tàu nổ máy. Máy vừa nổ anh lại mũi mở dây neo, bên kia Hòa hét lên: “Khoan mở!”. Nói xong anh quăng một đầu sợi dây thừng sang bảo cột chặt. Sợi dây được anh Việt quấn sơ sài vào mũi tàu, còn dây neo thả rơi như sợi chỉ mong manh, mất tăm vào biển cả mênh mông dậy sóng. Chiếc tàu rùng mình hướng mũi ra khơi, bên anh Hòa vẫn cho tàu chạy song song cùng chúng tôi, bỗng như có điều gì đó không bình thường trên tàu. Chiếc tàu khựng lại, chòng chành chao nghiêng hất mọi người ngã nhào trên boong. Tàu anh Hòa vượt lên. Tiếng kêu thất thanh từ dưới hầm tàu: “Chết máy!”. Tôi đang lòm còm ngồi dậy phía đằng mũi, sợi dây thừng được anh Việt quấn lỏng lẻo tuột ra, khúc dây còn lại trườn nhanh dưới chân. Tôi lao tới chụp sợi dây định cột vòng nhanh vào cột mái ở mạn tàu nhưng không được. Không thể được! Không có một sức mạnh nào có thể giữ nổi sợi dây. Nó lôi tôi đi như tên bắn. Những người trên hai chiếc tàu thét lên khủng khiếp. Số kiếp bọn tôi đã được định đoạt ở bãi Than này rồi!. Tôi vẫn bám chặt sợi dây thừng và rơi xuống biển đang dậy sóng. Trong một phút – không! Trong một khoảnh khắc nào đó tôi có nghe ai gọi tên tôi từ trong sóng biển: “Anh Nguyên!” Thảng thốt và vô vọng. Tôi khựng lại một khoảnh khắc. Chính khoảnh khắc ấy cứu được những anh em trên tàu. Tôi ngã chúi qua một bên và sợi dây thừng cong bám vào khe mũi tàu, tạo nên lực ma sát lớn bám vào trụ mũi tàu. Sợi dây run lên bần bật Tôi chới với giữa trời nước mênh mông. Mọi người trên hai tàu kinh hoàng, tất cả nhoài người ra thành boong. Tay tôi vẫn bám chặt sợi dây thừng. Chưa ai có phương án gì khả dĩ giải quyết tình huống trong lúc này. Bên tàu anh Hòa – hay trong biển cả mênh mông, âm vang giọng nói quen thuộc: “Giữ sợi dây! Giữ chặt lấy sợi dây đừng buông anh Nguyên ơi! Chiếc tàu được giữ lại bằng sinh mạng của chính tôi.
Tôi thức dậy vừa chập choạng tối. Trong đầu vẫn còn nghe “ung ung”, choáng váng. Đi một mình ra bãi Lổ Sâu. Bầu trời đêm đầy sao, xa xa, đèn trên những lồng tôm hùm chập chờn theo con sóng. Suốt hai ngày nằm li bì trong trại, tay chân như không còn là của tôi – rã rời, tê dại. Những cú va đập liên tiếp vào mạn tàu mà còn đi được như thế này quả là được…trời nuôi! Đâu đó văng vẳng: “Anh Nguyên!” Tôi bỗng rùng mình nhìn ra khơi xa đen mù thăm thẳm có cả tiếng sóng ầm ào vỗ vào gành đá – “Anh Nguyên!” Tiếng gọi như từ biển cả, tôi vẫn bước tiếp xuống mép nước – từng con sóng ánh bạc, lấp lánh trườn đến sát chân rồi chìm tan vào cát trắng:
- Anh Nguyên!
Tôi sững sờ, giật mình quay lui. Một bóng người từ sau tiến lại:
- Mấy ngày qua anh nằm mê man, em sợ ghê…
- Ôi, cô bé! Anh khỏe lại nhiều rồi. Em ra đây một mình… Không sợ lạnh ư?
- Em vẫn hay ra đây chơi mà. Hôm trên tàu em thấy dễ sợ quá!
- …?
- Nếu không có anh thì tàu du lịch bị sóng đập tan tành vào gành đá.
- Sao Huyền biết?
- Dạ, em cũng có ở trên tàu. Hôm đó biển động mà anh đi biển. Em sợ nên kêu ba đi tìm các anh…
Cô bé bỗng dưng im bặt, dí dí bàn chân xuống cát. Tôi đến bên:
- Cám ơn Huyền.
Cô bé hỏi đột ngột:
- Quê anh có biển không? Anh có…yêu biển không?
- Anh ở đồng bằng, nhưng rất yêu biển. Giờ lại biết thêm một điều rằng: Những người dân làng chài ven biển đáng yêu biết bao – Huyền đáng yêu biết bao!
Cô bé lại im lặng nhìn ra khơi xa:
“…Nhất Nhất nhất Tự Sơn yêu cái tên luôn thèm gọi, ai có đến Tự Sơn xem bức tranh đẹp như tiên…”(*)
Tôi xúc động:
- Huyền hát hay quá! Ai bày em hát thế?
- Dạ! Chú Thế Hà. Mấy hôm nay em tới đây hoài à. Ba cũng tới. Ba đu dây xuống đem anh lên đấy!
- Anh Hòa?
- Dạ!
Trong tôi lúc này thật khó diễn tả. Một luồng gì đó thật nhẹ êm len vào người rồi dồn cả lên ngực, ngạt thở. Tôi lảo đảo định ngồi xuống gành đá bên mép sóng. Cô bé hốt hoảng đỡ lấy tôi:
- Anh Nguyên!
Tiếng kêu như từ muôn trùng biển khơi đưa tới. Tôi mộng mị, chơi vơi. Một bàn tay nào đó thật mềm mại nằm gọn trong tay tôi. Tiếng sóng ầm ào xa xăm:
“…Mũi hòn cỏ thương nhớ ai, bãi Lổ Sâu bấy lâu mong chờ… Đá xếp tầng đùa sóng, biển xanh sóng bạc đầu…”(*)
Phạm Tú Uyên
(*)Nhất Tự Sơn - Nhạc sĩ Thế Anh.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook