@hoa cỏ:
Chị không hề biết gì về chuyện cỏ Ngu Mỹ Nhân Thảo trong Thành Nội. Nếu biết đã sớm hỏi Xuân Hoàng! Sẽ ghi nhớ để tìm hiểu xem sao...
---------------
Đọc câu chuyện này làm mình nhớ tới một câu chuyện được nghe ông nội kể từ hồi còn bé, về Tương Tư Thảo.
Hồi đó, khu mộ của đại gia đình mình ở một vùng đồi núi cách thành phố Huế chừng 30km. Mỗi lần được gia đình cho theo xe đi thăm mộ, với bầy trẻ nít thành phố là một niềm vui không thể tả!
Tới đó, mặc cho người lớn đi thắp hương, nhổ cỏ quanh các ngôi mộ, tụi nhóc ùa chạy đi tìm các bụi rậm hái sim, móc, nhai tím hết cả miệng! Tò mò chen nhau đứng nhìn các miệng hang thỏ, hang chồn.
Mình có tật vẫn thích vơ vẩn ngắm nghía các cây cỏ mà ở thành phố không bao giờ có thể tìm thấy, thích nhổ các cây cỏ dại rồi hít hít mùi thơm thơm, ngai ngái từ các bụi rễ cây; thích nhổ các dây Hà Thủ Ô - dù rễ của chúng bám rất chắc vào đất sỏi của vùng gò đồi - kỳ cạch nhổ chỉ vì mỗi chuyện thích cái thân dây leo màu đỏ tía của nó.
Một lần như thế, ông nội hỏi: Con có biết cây Hà Thủ Ô còn có tên gì nữa không?
Tất nhiên là mình không thể biết rồi!
Thấy vậy, Ông bảo: Cái cây trên tay con đang cầm còn được người ta gọi là Tương Tư Thảo!
Nhìn cái vẻ ngơ ngác, đầy thắc mắc của cô nhóc ưa tìm hiểu, ông nội giải thích luôn bằng... thực địa:
- Con nhìn đi, có phải hai cây Hà Thủ Ô kia đang quấn lấy nhau không? Và những cây khác nữa? Kể cả những cây còn đứng riêng lẻ, vòi đọt của nó vẫn đang vươn ra, hướng về nhau...
Nhìn và quả thấy đúng như thế thật. Ông cười rồi nói tiếp:
- Những cây Hà Thủ Ô được gọi là Tương Tư Thảo vì thế đó. Dù ban đầu mọc cách xa nhau, nhưng chúng vẫn hướng về nhau, mỗi đêm chúng lại vươn đọt non dài ra thêm cho đến khi bắt gặp nhau và quấn lấy nhau như không muốn rời ra nữa!
Cái tên hay và câu chuyện nhiều huyền hoặc đó của một loài cây cỏ, qua lời giảng giải của ông nội, đã sống mãi trong ký ức mình từ thơ bé đến giờ!
Cảm ơn Nội thật nhiều - người ông đã vẽ nên thế giới tuổi thơ thật phong phú cho con!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"