Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

hongha83

Hai con bọ xít hạnh

Vatxalap Tsotvratek (Tiệp Khắc)


Con bọ xít hạnh ấy vốn sinh sống trong rừng. Nhưng buổi sáng nọ thức dậy, nó bỗng nảy ra ý định.

- Chuyến này ta ra Praha ở thôi!

Trên đường đi bọ xít hạnh gặp bác coi rừng

- Cô bé bọ xít hạnh đi đâu thế? - bác coi rừng hỏi

- Cháu ra Praha ở đây. Cháu không thích ở rừng nữa. Đêm đêm sương rơi làm ướt cả chân cháu. Trời trên rừng lại sáng đầy sao. mà cháu chẳng hiểu sao là gì, chúng mổ loài bọ xít hạnh chúng cháu. Vì thế cháu quyết định phải ra Praha ở.

Bọ xít hạnh còn chưa đi được bao nhiêu đường đất thì gặp một bọ xít hạnh khác đi lại. Con bọ xít hạnh lại lên tiếng hỏi trước

- Rừng còn xa đây lắm nữa không chị?

- Không đâu - bọ xít hạnh thứ nhất trả lời - ngay kia rồi

- Chà, thật may quá đấy! - bọ xít hạnh thứ hai nói

- Sao vậy? - bọ xít hạnh thứ nhất lấy làm lạ

- Tôi không thích ở Praha. Đêm đêm sương rơi làm ướt chân tôi. Trời trên Praha lại sáng đầy sao, mà tôi chẳng hiểu sao là gì nên tôi bực mình. Với lại ở Praha có nhiều chim lắm, chúng mổ loài bọ xít hạnh chúng ta. Vì thế tôi quyết định về rừng ở.

Thuý Toàn dịch qua bản Nga văn
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Ra trận

Arkady Gaidar (1904 - 1941, Nga)

Đang đêm, một chiến sĩ Hồng quân mang lệnh đến. Ngay sáng sớm hôm sau, khi Anka còn ngủ say, ba em cúi hôn em rất lâu rồi lên đường ra mặt trận.

Tỉnh dậy, Anka cáu lắm: ba đi mà cả nhà không ai đánh thức em dậy! Ngay lúc đó em tuyên bố là em cũng muốn ra mặt trận. Rồi đáng ra là hét tướng lên kia, Anka lại oà lên khóc. Nhưng thật bất ngờ là mẹ em đồng ý ngay cho em được đi theo cha.

Thế là để có đủ sức khoẻ để lên đường, Anka không chờ mẹ phải dỗ dành gì cả, ăn hết ngay cả đĩa cháo bột và uống cạn ngay cốc sữa. Sau đó, cùng với mẹ, em sửa soạn mọi thứ đồ dùng và gươm súng để ra trận. Mẹ khâu cho em chiếc quần bộ đội, còn em ngồi bệt xuống sàn lấy một thanh gỗ ra hì hục hành quân, bởi vì với bài hát như "Có cây thông con mọc trong rừng" thì làm sao mà đi đâu xa được! Điệu nhạc và lời ca bài hát đó, tất cả đều không hợp với chiến trận một tí nào.

Nhưng đã đến giờ mẹ phải đi làm, mẹ và Anka tạm gác công việc sang ngày hôm sau

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, mẹ chuẩn bị cho Anka lên đường ra mặt trận. Mẹ khâu thêm quần áo, may cờ, đan bít tất và bao tay cho Anka. Bên cạnh cây súng gỗ và cái trống nhỏ treo trên tường, riêng kiếm gỗ Anka cũng có tới bảy thanh rồi. Kể ra cái kho vũ khí đó cũng chẳng thừa đâu bởi vì trong chiến trận, cuộc đời của thanh kiếm ngắn hơn cuộc đời của kỵ binh nhiều.

Từ lâu Anka đã có thể lên đường ra mặt trận rồi, nhưng vừa lúc đó mùa đông giá lạnh lại ập đến. Trong băng giá kinh khủng này, tất nhiên khó lòng chống chọi được với bệnh sổ mũi hay bệnh cúm, thế là Anka đành kiên nhẫn đợi chờ đến khi có mặt trời ấm áp.

Và đây mặt trời ấm áp đã trở lại. Tuyết tan ra thành nước. Nhưng Anka chỉ vừa mới bắt đầu định lên đường thì ngoài cửa sổ có tiếng chuông gọi. Ba em từ mặt trận trở về. Sải những bước dài, ba em đi vào phòng. Gương mặt ba đen sạm, dãi dầu mưa nắng, đôi môi nứt nẻ, nhưng cặp mắt đen thì lại ngời sáng vui vẻ.

Tất nhiên ba ôm hôn mẹ và mẹ chúc mừng ba chiến thắng trở về. Tất nhiên ba ôm hôn cả Anka, hôn rất nhiều. Sau đó ba xem xét vũ khí, trang bị của Anka. Ba cười và ra lệnh: "Anka phải giữ gìn tất cả mọi thứ này thật cẩn thận, bởi vì rồi đây trên trái đất còn nổ ra nhiều trận chiến đấu gian khổ và ác liệt".

Thuý Toàn dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Mặt trời
(Tạp văn)

Ba Kim (1904-2005, Trung Quốc)

Con thiêu thân đáng được ngợi khen. Nó vì yêu ánh sáng và sức nóng mà liều thân xông vào lửa đèn, để được chết dưới ngọn đèn, hay đẫm mình trong dầu. Trong giây phút chớp nhoáng cuối cùng của đời nó, nó cũng tìm thấy ánh sáng, và tìm được sức nóng.

Tôi nhớ thương về Khoa Phụ, người của thời thượng cổ xa xưa, đã đói khát chết nơi sườn non hút bóng bởi theo đuổi ánh mặt trời.

Con người, vui lòng bỏ sinh mạng của mình, để mong tìm thấy sức nóng, ánh sáng tự do.

Sống, là đáng quý lắm. Nhưng, nếu sống tẻ lạnh, sống quạnh hiu, thì lại không bằng chết một cách oanh oanh liệt liệt.

Nếu không có ánh sáng và sức nóng, thì cõi trần này há chẳng phải trở thành thế giới đen tối và lạnh lẽo ư?

Giá như tôi có một cặp cánh, thì sẽ nguyền làm con thiêu thân của trần gian. Tôi cần bay lên mặt trời lửa nóng thiêu đốt, để chết trong không hay biết, để biến thành từng làn khói, từng cơn bụi ngay sau khi mắt tôi được nhìn thấy ánh sáng, và trong người tôi được ấm cúng.

Thanh Ngọc Tuyền dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Xe hơi

Nicolai Nosov (1908-1976, Nga)

Ngay từ hồi tôi với Misca còn nhỏ tẹo, hai đứa đã rất thích đi xe hơi nhưng chẳng khi nào được như ý. Bao lần chúng tôi nài các chú lái xe mà chẳng ai cho phép. Một lần, hai đứa đang chơi ngoài sân, bỗng thấy một chiếc xe hơi đỗ ngoài đường, ngay gần cửa nhà chúng tôi. Chú lái xe ở trong xe bước ra, bỏ đi đâu không biết. Hai đứa cứ đứng chờ. Tôi bảo:

- Xe Vôn-ga đấy!

Đến lượt Misca:

- Không phải, đó là Mốt-xcô-vich!

Tôi nói:

- Cậu am hiểu quá nhỉ?
- Tất nhiên! Đúng là Mốt-xcô-vich. Coi cái mũ trùm kia kìa!
- Mũ trùm nào? Bọn con gái mới có mũ trùm còn xe hơi thì là nắp đậy. Cậu trông cái thùng xe ấy

Misca chăm chú nhìn rồi nói:

- Bụng thế kia đúng là loại Mốt-xcô-vich
- Cậu mới có bụng, chứ xe hơi thì làm gì có bụng
- Chính cậu vừa nói là "bụng"
- Tớ bảo thùng chứ không phải là bụng! Ê này, không biết mà cứ ra cái điều!

Misca ra phía sau xe rồi nói:

- Vôn-ga mà có đầu đệm à? Loại Mốt-xcô-vich mới có đầu đệm chứ!

Tôi bảo:

- Cậu im đi thì hơn! Chỉ phịa ra cái đầu đệm ấy thôi. Đầu đệm là của toa xe lửa trên đường ray chứ xe hơi thì chỉ có thanh chắn thôi. Thanh chắn thì cả Vôn-ga lẫn Mốt-xcô-vich đều có.

Misca lay lay cái thanh chắn rồi nói:

- Cái thanh chắn này có thể ngồi được đây
- Đừng, cậu! -Tôi can nó

Nó lại bảo:

- Cậu đừng có sợ, xe chạy một chút, mình nhảy xuống ngay

Người lái xe tới ngồi vô xe. Misca chạy ra đằng sau xe, ngồi lên thanh chắn, khẽ gọi:

- Ngồi lên! Lẹ lên!

Tôi bảo:

- Đừng!

Misca:

- Lẹ lên! Ê, đồ nhát gan!

Tôi bèn chạy đến ngồi cạnh nó. Xe hơi mở máy, chồm lên một cái. Misca tái mặt:

- Tớ nhảy xuống đây! Tớ nhảy đây!
- Đừng! - Tôi cản lại - Bể mặt đấy!

Nó khăng khăng:

- Tớ nhảy đây! Tớ nhảy đây nè!

Nó đã thò một chân xuống. Tôi nhìn phía sau, thấy một chiếc xe trờ tới. Tôi la:

- Đừng nhảy! Coi kìa, xe cán chết bây giờ!

Người đi trên đường dừng cả lại, ngó hai đứa chúng tôi. Chú công an ở trạm gác huýt còi. Misca sợ quá nhảy phắt xuống đường, nhưng tay vẫn bám vào thùng xe, thành ra chân cứ kéo lết trên mặt đường. Tôi hoảng quá, tóm cổ áo nó kéo ngược lên. Xe hơi đứng lại rồi mà tôi vẫn túm chặt nó. Misca lại leo lên thanh chắn. Xung quanh người đông đặc. Tôi la:

- Giữ chặt lấy! Đồ ngốc!

Mọi người cười ầm lên. Tôi chợt nhận ra là xe đã dừng lại, liền tụt xuống đất. Tôi giục Misca:

- Tụt xuống đi!

Nó sợ quá, cứ ngây người ra, chẳng hiểu gì hết. Tôi phải lấy sức kéo nó xuống. Chú công an chạy tới ghi số xe. Người lái xe từ trong buồng lái bước ra. Mọi người tới tấp la anh ta:

- Không thấy ở đừng sau xe có chuyện gi à?

Mọi người quên phắt chúng tôi. Tôi bấm Misca:

-Đi thôi!

Hai đứa lẩn ra ngoài, ngoặt vào một ngã tư, vừa thở hồng hộc vừa phóng một mạch về nhà. Hai đầu gối Misca bị sây sát, máu chảy đầm đìa, quàn áo thì rách toác. Phen này cứ gọi là nhừ đòn:

Misca nói:

- Quần thì không so có thể và được, đầu gối cũng tự lành được. Chỉ tội cho chú lái xe, chắc vì chúng mình mà bị phạt mất. Cậu thấy chú công an ghi số xe không?

Tôi bảo:

- Đáng lẽ phải ở lại mà nói là chú lái xe không có lỗi

Misca bàn:

- Hay chúng mình viết thư cho chú công an vậy!

Hai đứa liền bắt tay vào viết thư. Cứ viết hoài, viết hoài, phải đến hàng chục trang giấy ấy. Cuối thư, chúng tôi viết thế này:

"Đồng chí công an thân mến! Đồng chí ghi số xe là không đúng. À, đồng chí ghi số xe là đúng nhưng nói chú lái xe có lỗi là không đúng. Chú lái xe không có lỗi, cháu và Misca mới có lỗi. Chúng cháu bám sau xe, chú ấy không biết. Chú lái xe tốt và đi đúng luật lắm".

Ngoài phong bì chúng tôi đề:

Gửi đồng chí công an ở góc phố Gorki và Đại Gru-di"

Chúng tôi dán thư rồi bỏ vô thùng thư. Chắc thế nào thư cũng tới nơi.

Hoàng Ánh dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Thầy thuốc bất đắc dĩ

Victor Hugo (1802 - 1885, Pháp)

Ngày xưa có một người nhà quê rất giàu có nhưng keo kiệt. Gã chẳng chịu lấy vợ và bị bạn bè thân thiết luôn nhạo báng. Gã nói gã chỉ lấy vợ khi nào tìm được một nàng ra hồn. Ở một vùng nọ, có một hiệp sĩ già goá vợ sống với cô con gái đẹp và thật có duyên, đúng vào cái tuổi cập kê nhưng chẳng có chàng hiệp sĩ nào đến cầu hôn.

Đám bạn của gã nhà quê giàu có tìm cha cô bé và định mai mối cho gã nhà giàu thứ quê thô lỗ kia, một kẻ lắm vàng, lúa mì thơm và vải lụa..., với cô gái.

Người cha thuận gả và cô gái, vốn là đứa con ngoan, cô đâu dám trái lời cha.

Ngay sau ngày cưới, gã nhà quê xấu trai chợt nghĩ ra rằng việc gì mà mình phải lấy con gái một hiệp sĩ đến nỗi không dứt ra nổi.

Gã nghĩ:

- Ồ nếu như ta đánh đập nàng. Nàng khóc từ sáng tới tối, thế là ta có thể một mình làm lụng được.

Gã đòi ăn sáng. Vợ gã đem bữa đến, cơm chẳng có con chim trĩ mà chỉ có bánh mì, rượu vang, trứng rán và phô-mát. Khi chiếc lồng bàn được mở ra, gã nhà giàu thứ quê bắt đầu nện vợ, đánh đến nơi đến chốn, đánh thẳng tay.

Cô gái rên rỉ:

- Chao ôi! Ta biết làm sao đây? Cha ta đã gả ta cho cái tên cục cằn nàt

Khi cô đang than thở thì có hai sứ giả của Hoàng đế tới. Họ cưỡi trên hai con ngựa trắng. Họ bảo nàng cho họ ăn và cô gái sẵn sàng tiếp đãi họ

Cô gái hỏi:

- Các anh từ đâu đến thế?

- Ồ, chúng tôi từ Anh quốc tới, lo lắng tìm một thầy thuốc cho công chúa nước tôi. Cô ấy đã bỏ ăn bỏ uống bảy ngày bởi một chiếc xương cá đã ngáng ngang họng. Nếu công chúa cưng mà có mệnh hệ nào thì đức vua của chúng tôi sống làm sao nổi.

Thiếu phụ nói:

- Ôi! Các ông nào phải tìm đâu xa! Cứ tìm đến chồng tôi, tôi xin đảm bảo đó là một thầy thuốc thượng thặng. Ông ta thông thái chẳng kém gì thần y Hippocrate đâu!

- Cô đùa đấy à! Hai chàng hiệp sĩ nói

- Tôi không nói giỡn đâu. Nhưng ông chồng tôi chỉ chịu làm khi ai đánh cho anh ta thật đau.

- Cái đó thì cứ tin ở chúng tôi. Anh ta đang ở đâu?

- Anh ta đang ở ngoài đồng. Các anh đi theo con sông này, cứ thấy người nào đang cày đầu tiên thì chính là chồng tôi đấy.

Hai chàng hiệp sĩ nhảy phóc lên ngựa để kiếm được gã nhà giàu xấu xí

- Nào, đến ra mắt hoàng đế ngay!

- Sao lại phải thế?

- Bởi ngươi là một thầy thuốc vĩ đại nhất thế gian và chúng ta từ xa đến đây tìm ngươi

Khi nghe nói mình là thầy thuốc, gã nhà giàu xấu xí bật cười và tuyên bố rằng hắn chẳng biết thuốc thang mô tê gì cả.

Một trong hai vị sứ giả dẫn hắn đi quát:

- Coi đây, ngươi sẽ biết chữa thuốc khi chúng ta nện cho ngươi ra trò!

Họ cầm gậy đánh túi bụi và dẫn gã về triều đình

Khi đức vua nhìn thấy gã nhà giàu thứ quê xấu xí liền bảo:

- Nghe đây, ta ra lệnh cho nhà ngươi hãy lập tức chữa cho con gái ta khỏi bệnh

Gã nhà quê sụp lạy kêu lên:

- Tâu hoàng thượng, có trời chứng giám, con xin thề, con có biết thuốc men mô tê gì đâu?

Đức vua phán:

- Gớm nhỉ! Đánh nhừ tử nó cho ta!

Người ta xông vào đánh gã, khi bị nện liên hồi những chiếc gậy, gã nhà quê van lạy rối rít:

- Lạy các ông, tôi xin chữa ngay đây ạ

Và khi được dẫn đến trước mặt công chúa, gã nhà quê nhăn mặt nhăn mũi khiến nàng bật cười, bật cả chiếc xương hóc ra khỏi miệng.

Ngô Văn Phú dịch
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Tiểu quỉ và miếng vỏ bánh mì

Lev Tolstoy (1828 - 1910, Nga)

Anh nông dân đi cày một buổi sáng sớm, mang theo một miếng vỏ bánh mì dùng làm điểm tâm. Anh chuẩn bị chiếc cày, bọc miếng bánh mì trong áo, giấu áo dưới một bụi cây rồi bắt tay vào việc. Được một lát, khi con ngựa đã mệt và anh thấy đói, anh nông phu cầm cày, thả cho ngựa gặm cỏ rồi đi lấy cái áo cùng món điểm tâm.

Anh giở áo lên nhưng miếng bánh mì biến mất. Anh nhìn quanh nhìn quẩn, lật ngươc cái áo, giũ nó, nhưng miếng bánh mì biến mất tăm rồi. Anh nông phu không tài nào hiểu được tại sao như vậy.

Anh nghĩ: "Lạ quá! Ta không thấy ai. Dù vậy có người đã ở đây và đã lấy miếng bánh mì!"

Chính một tiểu quỉ đã ăn cắp miếng bánh mì trong khi anh nông phu đang cày ruộng, và lúc ấy nó đang ngồi đằng sau bụi cây, chờ nghe anh nông phu chửi thề và kêu gọi Quỉ sứ.

Anh nông phu buồn tiếc vì mất món điểm tâm nhưng anh nói: "Biết làm sao bây giờ! Dù sao ta sẽ không chết đói! Kẻ nào lấy miếng bánh mì chắc chắn đã cần nó. Cầu cho miếng bánh mì giúp ích hắn!"

Rồi anh tới giếng uống nước và nghỉ một lát. Kế, anh bắt con ngựa, thắng yên và lại cày nữa.

Tên tiểu quỉ thất vọng vì không làm cho anh nông phu phạm tội và nó đến báo cáo chuyện đã xảy ra cho Quỉ sứ, chủ nó.

Nó đến gặp Quỉ sứ, kể lại làm cách nào nó đã lấy miếng bánh mì của anh nông dân và làm thế nào thay vì chửi thề, anh nông phu lại nói:" Cầu cho miếng bánh mì giúp ích hắn"

Quỉ sứ tức giận đáp: "Nếu người kia thắng được anh, chính là vì lỗi của anh, anh không hiểu công việc của anh! Nếu các nông dân và sau họ là vợ họ đều làm như vậy hết thì bọn mình tiêu. Công việc không thể để như vậy! Anh hãy trở lại ngay và thu xếp mọi việc đâu ra đó. Nếu trong ba năm anh không thắng được nông phu kia, tôi sẽ nhúng anh vào nước thánh.

Tiểu quỉ sợ hãi. Nó chạy mau về thế gian, nghĩ cách làm sao chuộc lỗi. Hắn nghĩ và nghĩ mãi, cuối cùng tìm được một diệu kế.

Nó tự biến thành một công nhân, đến làm việc cho anh nông phu nghèo. Năm đầu hắn khuyên anh nông dân gieo hạt ở chỗ đầm lầy. Anh nông dân nghe theo lời khuyên của hắn, gieo ở đầm lầy. Năm ấy rất khô, mùa màng các nông phu khác đều bị mặt trời thiêu rụi cả, nhưng lúa của anh nông phu nghèo mọc rậm, cao và nặng hạt. Không những anh có đủ thóc để ăn trọn năm mà anh còn dư nhiều để dành.

Năm kế, tiểu quỉ khuyên anh nông dân gieo hạt trên đồi, mùa hè năm ấy ướt át. Lúa của những người khác ngã rạp, mục rữa mà mộng không đầy. nhưng lúa của anh nông dân trên đồi cao thì lại trúng mùa. Anh có dư nhiều hạt hơn trước nữa đến nỗi anh không biết làm gì với số hạt đó.

Bấy giờ tiểu quỉ chỉ anh nông dân cách nghiền nát hạt thóc, dùng nó nấu rượu. Anh nông dân nấu rượu mạnh, tự anh uống rượu và tặng nó cho bạn bè.

Thế là tiểu quỉ đến gặp Quỉ sứ, chủ của nó và khoe là đã chuộc lại được sự thất bại của nó. Quỉ sứ bảo rằng hắn muốn đến tự mình xem công việc tới đâu.

Hắn đến nhà anh nông dân và trông thấy anh nông dân đã có mời những láng giềng giàu có của mình và đang đãi họ uống rượu. Vợ anh đang mời khách uống rượu và vì chuyển quanh li rượu, chị vấp phải cái bàn làm đổ li rượu đầy.

Anh nông dân tức giận, rầy vợ:" Mụ đàn bà nhớp nhúa có ý gì đó? Mụ què quặt tưởng là nước cống đó hả nên phải đem đổ rượu ngon như thế xuống sàn nhà"

Tiểu quỉ thúc vai Quỉ sứ, chủ nó, nói:

"Ông thấy, đó là người không tiếc mẩu bánh mì cuoiis cùng của mình!

Anh nông dân vẫn cứ la rầy vợ, bắt đầu tự tay bưng rượu khắp vòng. Đúng lúc ấy, một nông dân nghèo làm việc xong trở về và bước vào mà không được mời. Hắn chào mọi người, ngồi xuống và trông thấy họ đang uống rượu. Mệt nhọc vì công việc trong ngày, hắn cảm thấy hắn cũng muốn uống chút rượu nữa. Hắn ngồi và ngồi hoài và chảy nước miếng, nhưng thay vì mời rượu hắn, chủ nhà chỉ lẩm bẩm:" Tôi không thể nào tìm ra rượu cho bất cứ ai tới đây.

Điều này làm Quỉ sứ hài lòng nhưng tiểu quỉ cười khúc khích, nói: " Chờ một lát, còn nhiều nữa!"

Mấy nông dân giàu uống rượu và chủ nhà cũng uống nữa. Và họ bắt đầu nói những lời lẽ giả dối ngọt ngào với nhau

Quỉ sứ lắng nghe và lắng nghe mãi, và ca ngợi tiểu quỉ

Hắn nói:" Nếu rượu làm cho họ quỉ quyệt đến khởi sự gạt gẫm nhau, chẳng mấy lúc tất cả bọn họ sẽ ở trong tay ta

Tiểu quỉ nói: "Hãy chờ chuyện sắp đến. Để họ uống thêm một lượt rượu nữa. Bây giờ họ giống như chồn, quẫy đuôi và cố lừa phỉnh lẫn nhau, nhưng lát nữa ông sẽ thấy, họ như những con sói man rợ

Các nông dân uống thêm mỗi người một li, và câu chuyện của họ trở nên man dại hơn và thô bạo hơn. Thay vì những lời nịnh nọt, họ bắt đầu chửi mắng và cằn nhằn với nhau. Lát sau, họ quay ra đánh nhau và đấm vào mũi nhau. Chủ nhà nhảy vào trận đánh và cả anh cũng bị đánh nhừ tử.

Quỉ sứ nhìn và rất hài lòng vì tất cả những chuyện đó

Hắn nói: " Đúng là hảo hạng!"

Nhưng tiểu quỉ đáp: " Chờ một lát, sắp tới phần hay nhất. Hãy chờ họ uống li thứ ba. Bây giờ họ hung hăng như sói nhưng để họ uống theemli nữa, rồi họ sẽ giống như heo.

Các nông dân uống li thứ ba và trở thành những con thú hẳn hoi. Họ làu nhàu và la lớn mà không biết tại sao và không ai nghe ai.

Rồi cuộc họp mặt bắt đầu giải tán. Người đi một mình, kẻ đi từng đôi, kẻ đi ba người, tất cả loạng choạng bước xuống đường. Chủ nhà bước ra tiễn khách nhưng ông té chúi mũi vào một vũng nước, lấm lem từ đầu tới chân, và nằm đó kêu ột ệt như con lợn.

Điều đó còn làm cho Quỉ sứ hài lòng hơn nữa

Hắn nói:" Tốt, anh đã nghĩ ra một thứ rượu hảo hạng, và anh đã hoàn toàn chuộc dược lỗi lầm của anh về miếng bánh mì. Nhưng này, anh cho tôi biết rượu đó chế như thế nào. Chắc là trước hết, anh cho vào máu chồn; nó làm cho các nông dân gian xảo như chồn. Rồi, theo tôi nghĩ, anh thêm vào máu sói; nó làm cho họ hung dữ như sói. Và chắc anh kết thúc với máu heo làm cho họ ăn ở như heo.

Tiểu quỉ nói: Không phải, đó không phải là cách tôi làm. Tất cả những gì tôi làm là lo làm sao cho người nông phu có nhiều thóc gạo hơn sự cần dùng. Máu thú luôn luôn có trong con người; nhưng khi nào hắn chỉ có đủ lúa cho sự cần dùng của mình, nó bị giữ trong sự kìm hãm. Trong trường hợp đó, người nông phu không tiếc mẩu bánh mì cuối cùng của mình. Nhưng khi ông ta dư lúa, ông ta tìm cách hưởng thú vui nhờ sự dư dả đó. Và tôi chỉ ông ta một thú vui: uống rượu! Và khi ông ta bắt đầu biến tặng phẩm của Thượng Đế thành rượu vì thú vui riêng, máu chồn, máu sói và máu heo trong người ông ta đều phát xuất cả. Nếu ông ta tiếp tục uống rượu, ông ta sẽ luôn lôn là một con thú.

Quỉ sứ khen ngợi tiểu quỉ, tha thứ hắn về lỗi lầm trước và thăng thưởng hắn lên một chức vụ danh vọng cao.

Lưu Bằng dịch qua bản Anh ngữ
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]