Thạch Sanh - Lý Thông version 2.0
Ngày nay - hông phải ngày xưa, nay thiệt là nay ở một làng nhỏ trên miền núi có một cặp vợ chồng tiều phu. Gọi là tiều phu cho nó văn hoa chứ gọi như người ta vẫn gọi là lâm tặc thì đúng hơn nhẩy. Tuổi đã về chiều mà vẫn chưa có con dù đâu có biết phòng tránh gì đâu.
Hôm nọ đi coi bói thì thầy bói bảo tại làm cái nghề phá sơn lâm nên không có đức. Cả hai phải cố ăn chay niệm phật thì may ra trời phật thương mà cho một mụn con. Từ đó bác tiều phu quyết tâm bỏ nghề lâm tặc chuyển sang làm phu cõng hàng lậu qua biên giới cho mấy tay buôn thuốc lá. Một năm sau, quả nhiên thu nhập không những khá hơn mà còn có tin vui nữa.
Trong một thời điểm gần tết, hàng nhiều quá nên bác tiều phu gái phải đi phụ chồng dù sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường đi, do mang vác nặng bác tiều phu gái chuyển dạ đột ngột và hạ sinh ra một cậu bé kháu khỉnh trên một hòn đá thật to giữa rừng. Cậu bé được đặt tên Thạch Sanh là vì vậy.
Thạch Sanh lớn nhanh như thổi, lanh lẹ, tháo vát và sức mạnh hơn người nhưng hơi khù khờ nếu không muốn nói là đần độn. Có lẽ đầu óc Thạch Sanh có vấn đề là do di chứng khi sinh ra cái đầu va phải hòn đá lớn. Tuy nhiên bố mẹ Thạch Sanh cũng rất vui vì cũng có một mụn con nối dõi tông đường. Thạch Sanh luôn được bố mẹ cưng chiều, suốt ngày chỉ biết chơi bời, bắn chim, câu cá mà chẳng làm gì cả. Nhà vốn nghèo nên Thạch Sanh chẳng được đi học nhưng nói về đánh nhau thì chẳng ai bằng.
Cuộc sống yên ả không được bao lâu thì bố mẹ Thạch Sanh qua đời vì bệnh già. Nhà cửa đất đai thì bị chính quyền xã thu hồi lại hết vì thực chất mảnh đất mà lâu nay nuôi lớn Thạch Sanh là đất chiếm dụng bất hợp pháp. Giá đất đang lên, tưởng như được thừa kế mấy tỷ bỗng nhiên không có gì nhưng đối với Thạch Sanh thì đúng là chẳng có chuyện gì cả. Gia tài chỉ còn cái rìu & cái khố đang mặc trên người, Thạch Sanh dọn ra gốc đa đầu rừng để sống và trở lại cái nghề đầu tiên của bố mẹ - lâm tặc - để nuôi sống bản thân.
Một ngày đẹp trời nọ, trong lúc Thạch Sanh đang ngồi nhậu món tê tê hầm thuốc bắc và mài rìu cho bén để chuẩn bị vào rừng thì có một người đến mua gỗ. Người này họ Lý tên Thông là chủ của nhà hàng "Bốn Mùa" rất có tiếng ở thị trấn. "Bốn Mùa" nổi tiếng với các món thịt rừng mà Lý Thông đã dày công sưu tập được. Lý Thông lại là người thông minh, có học hành đàng hoàng, ăn nói thì chừng mực nên việc buôn bán rất khấm khá.
Sau một hồi thương lượng mua 100 khối gỗ về làm củi, Lý Thông thấy tính tình Thạch Sanh cũng hiền lành, buôn bán cũng dễ chịu nên rất thích. Lý Thông đề nghị cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em để cùng làm ăn và có thể giúp đỡ nhau trong lúc tình hình kiểm soát lâm sản đang gắt gao.
- Tui nghĩ thế này - Lý Thông nói - Tui và chú kết nghĩa anh em thì còn gì bằng. Chú đi rừng được bao nhiêu về tui bao hết. Mà tui thì quen biết rộng, lỡ tụi kiểm lâm có hỏi thăm chú thì tui còn lo được.
Thạch Sanh nghe thì mở cờ trong bụng nên vội vàng đồng ý bởi cũng đã ngán cái cảnh chui rúc trong rừng trốn tránh như bấy lâu nay. Sau đó Thạch Sanh dọn về nhà Lý Thông để tiện việc giúp đỡ ông anh quản lý nhà hàng và cũng để có thêm thu nhập. Từ ngày có Thạch Sanh, nhà hàng "Bốn Mùa" càng ăn nên làm ra vì các món thịt rừng truyền thống luôn được đáp ứng đủ chưa kể những món độc chiêu cũng có như cháo lưỡi cọp, chân báo hầm củ sắn, đuôi gấu xào lăn lộn, tai voi nướng mỡ khỉ... Món nào cũng có, chỉ cần khách đặt trước là Thạch Sanh vào rừng hai ba ngày để kiếm.
Nhà hàng càng ăn nên làm ra thì Lý Thông càng bị nhiều người ganh ghét nên tìm cách hãm hại. Bọn chúng ép Lý Thông vào dân quân tự vệ vì không thể bắt Lý Thông đi nghĩa vụ quân sự do Lý Thông bị cận thị 4,5 đi-ốp bởi hồi nhỏ lo học nhiều quá. Thị trấn nằm ngay cạnh cửa rừng, mà cạnh cửa rừng có một ngôi miếu hoang rất nguy hiểm vì đó là nơi thú dữ thường lui tới ăn những đồ cúng mà dân chúng bỏ lại. Đêm nọ, Lý Thông được phân công phải ra gác ngôi miếu hoang đó. Biết là nguy hiểm nhưng không thể không đi, Lý Thông chợt nhớ Thạch Sanh là người quen đi rừng, trời còn không sợ chứ nói chi mấy con thú vớ vẩn đó nên bèn nhờ Thạch Sanh giúp. Thạch Sanh vui vẻ nhận lời vì thấy chẳng có vấn đề gì, chỉ là ngủ bụi một đêm thôi mà ngủ bụi thì quá quen rồi.
Đêm đó, Thạch Sanh vác theo một két Heineken ra cái miếu hoang. Trăng thanh gió mát, Thạch Sach chơi liền tù tì một lúc tám chai thì bỗng nhiên ở đâu gió nổi lên cuồn cuộn, sương mù giăng kín khiến Thạch Sanh chẳng thấy gì cả. Thấy sự lạ, Thạch Sanh tay phải cầm chặt chiếc rìu, tay trái cầm chai ken đang uống dở thủ thế liền. Rất bất ngờ từ trong bóng tối một con rắn to khủng khiếp lao đến. Thạch Sanh nhanh tay chọi chai ken thẳng vô mỏ con mãng xà làm gãy lìa ba cái răng cửa của nó rồi tiện tay bửa một phát rìu chí mạng. Con mãng xà nằm quay đơ trên mặt đất dài chắc cỡ mười tám thước với cái đầu văng ra xa khoảng bốn thước. Lúc đó mới thấy hết được sức mạnh của Thạch Sanh, chỉ có thể là Thạch Sanh & Heineken.
Ngay trong đêm Thạch Sanh mang xác con mãng xà về. Thế là sáng hôm sau nhà hàng "Bốn Mùa" có một món có một không hai - mãng xà leo núi. Nghe đâu món mãng xà này được sách kỷ lục Guinness ghi nhận và sẽ chính thức công nhận vào năm sau.
Trong lúc nhậu nhẹt ăn mừng kỳ công của Thạch Sanh, giữa Lý Thông & Thạch Sanh xảy ra chuyện bất đồng vì ai cũng muốn được ghi tên vào sách Kỷ lục Guinness.
- Phải là tên tui - Thạch Sanh thì đoan chắc - vì chính tui đã giết con mãng xà.
- Còn lâu - Lý Thông cãi lại - phải là tên nhà hàng "Bốn Mùa" vì đã kỳ công chế biến ra món "mãng xà leo núi" nhất là khi kích thước con mãng xà không phải là nhỏ nên việc nấu nướng cũng cực kỳ khó khăn vì phải tuân theo đầy đủ những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ISO 9001 phiên bản 2000. Còn chú giết con mãng xà thì có bố nào thấy được đâu mà làm chứng. Nói có sách, mách có chứng chứ lị.
Rượu vào lời ra, chẳng ai chịu nhường ai, mới đầu thì cãi nhau rồi đến chửi nhau... Tình cảm anh em sứt mẻ, ngay hôm sau Thạch Sanh dọn về gốc đa ngày trước rồi thuê thợ về xây một căn hộ 4 tầng bằng tiền dành dụm được từ việc buôn bán thú rừng và bảo kê cho nhà hàng "Bốn Mùa".
...
Mấy tháng sau, trong một buổi sáng lên sân thượng tập thể dục Thạch Sanh thấy một con chim cực to bay ngang qua, trong chân đang cắp một cô gái. Nhớ lại tuyệt chiêu chọi chai ken xử mãng xà mấy tháng trước, Thạch Sanh vớ một nắm chai ken rỗng chọi lên tứ táng. Con chim lạ thấy bị bắn phá dữ dội từ dưới đất thì né tránh trối chết nên đâm sầm vào một cái khách sạn 12 tầng đang xây dựng dở dang ở thị trấn. Hình như khách sạn này của Lý Thông mới đầu tư để đón khách du lịch đang đổ về thị trấn để du lịch sinh thái và thưởng thức những món ngon nổi tiếng của nhà hàng "Bốn Mùa". Thấy con chim bị thương, Thạch Sanh đuổi theo. Con chim bay chệnh chọang một lúc rồi chui vào một hang núi. Thạch Sanh đánh dấu cái hang rồi quay về chuẩn bị dụng cụ định ngày mai sẽ vào hang để xử lý con chim tiếp.
Trong lúc đó, theo nguồn tin hành lang thì công chúa, con gái duy nhất của nhà vua đương quyền, bỗng nhiên bị mất tích khi đang hái hoa bắt bướm ở vườn ngự uyển. Theo một số tỳ nữ làm nhân chứng thì có vẻ như công chúa bị một con đại bàng cực lớn cắp mất ngay giữa ban ngày. Chuyện khó tin nên không được công bố chính thức, nhà vua chỉ âm thầm ra lệnh cho các phủ quận huyện thị trấn kề cận phải ra sức tìm kiếm. Ai tìm thấy thì không những trọng thưởng mà còn được vua gả con gái, cho làm phò mã sau này kế nghiệp bá vương. Được tin này, Lý Thông lại được đám thợ xây dựng khách sạn kể lại sự việc hôm trước có con chim đâm vào khách sạn làm tróc hết một mảng sơn Nippon Paint mới sơn bên ngoài mặt tiền. Lý Thông vội điện ngay số di động của Thạch Sanh để bàn về vụ làm ăn này. Lý Thông & Thạch Sanh quyết định chia phần là Thạch Sanh sẽ lấy phần tiền thưởng, còn Lý Thông sẽ lấy công chúa vì Lý Thông không cần tiền mà Thạch Sanh nghe nói sau này làm vua là thấy ớn lạnh.
Hai người đi cùng đám thợ xây đến chỗ cái hang của đại hàng. Thạch Sanh đương nhiên nhận phần leo xuống vì Thạch Sanh vốn có sợ gì đâu. Cột dây vào lưng xong, Thạch Sanh thả người mất hút trong bóng tối dày đặc của cái hang sâu. Chân chạm đáy hang, Thạch Sanh bật cái đèn pin Trung Quốc mang theo để lần mò đi tiếp. Trong một góc khuất Thạch Sanh thấy một người con gái chừng mười tám đôi mươi đang nằm ngủ. "Chắc đây là công chúa rồi " - Thạch Sanh nghĩ. Công chúa thật đẹp, gương mặt trái xoan xinh xắn lõa xõa từng lọn tóc đen mượt mà. Công chúa đang ngủ rất mê. Nàng nằm nghiêng, đầu gối lên tay để lộ bờ vai trắng ngần và đôi chân dài khép nép tạo thành một khung cảnh thần tiên hư ảo... Thạch Sanh mải mê ngắm nhìn mà quên cả mình xuống đây làm gì. Bỗng nhiên điện thọai reng reng... Thạch Sanh vội bấm nghe.
- Làm gì lâu vậy pa, tìm thấy công chúa chưa ? - Lý Thông hét lên trong điện thọai.
- Thấy rồi, thấy rồi... đợi xíu.
Trong lúc đó công chúa giật mình tỉnh giấc vì có tiếng động. Chợt thấy trước mặt một chàng trai dáng vẻ cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn thì biết ngay là người đến cứu mình nên công chúa bật khóc nức nở rồi ôm chầm lấy Thạch Sanh. Quả là một tiếng sét ái tình, từ nhỏ đến giờ có ai ôm Thạch Sanh như vậy đâu trừ mấy lần vật lộn với lũ cọp cái, gấu cái trong khi vào rừng săn thú.
Thạch Sanh alô liền cho Lý Thông:
- Eh. tui với ông đổi lại phần thưởng đi cha nội !
Lý Thông suy nghĩ một hồi, biết rằng thạch Sanh đã đổi ý vì đã nhìn thấy công chúa nên cũng giả vờ đồng ý luôn.
- Ok, chú mày, chú thích thế nào thì tùy chú. Đưa công chúa lên nhanh đi.
Thạch Sanh cột dây vào ngang hông công chúa rồi ra hiệu cho mọi người kéo lên. Khi công chúa được kéo rồi, Lý Thông bảo mọi người ra về rồi nhắn tin cho Thạch Sanh.
- Mày tráo trở thì ở dưới mà lãnh thưởng đi nhá hoặc tự leo lên, bi bi ông về đây !!!
Lý Thông tức thì đem công chúa về triều. Nhà vua thấy con gái còn nguyên vẹn thì mừng rỡ phong cho Lý Thông chức hầu tước và gả công chúa cho Lý Thông luôn. Tuy nhiên, công chúa vì đã trót thương cảm Thạch Sanh rồi nên dù có chồng mà lúc nào lòng cũng buồn bã rũ rượi như kẻ không hồn, ăn uống không màn, chăn gối không thiết...
Lại nói về Thạch Sanh, khi Lý Thông không kéo mình lên, nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà Thạch Sanh vẫn ra khỏi hang được. Thạch Sanh cú Lý Thông lắm nên quyết định bán căn nhà bốn tầng mới xây rồi khăn gói lên kinh thành kiện ra tòa án tối cao.
Sau phiên sơ thẩm, tòa tuyên bác đơn của Thạch Sanh vì chứng cứ không rõ ràng. Thạch Sanh không chịu, tiếp tục kháng cáo. Ở phiên phúc thẩm, tòa tiếp bác đơn kiện của Thạch Sanh. Lý do bác đơn cũng vẫn như cũ tức là chứng cớ không rõ ràng nhất là chuyện Thạch Sanh kể nào là gặp Hoàng Tử Thủy Tề dưới hang, rồi nhờ vậy mà lên được, còn được đi thăm Vua Thủy Tề, được cho cây đàn thần... Nói chung toàn là những chuyện mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học nên không thể coi là bằng chứng trước tòa.
Thạch Sanh vẫn không chịu, tiếp tục kháng cáo, phiên giám đốc thẩm được mở ra để điều tra xét hỏi lại. Lúc này, tòa mới mời thêm công chúa làm nhân chứng. Vừa nhìn thấy Thạch Sanh, công chúa như được sống lại lần thứ hai vậy. Tuy nhiên, công chúa cũng không thể giúp Thạch Sanh thắng kiện được. Tòa tối cao chính thức tuyên án giám đốc thẩm là Thạch Sanh thua kiện và phải chịu hoàn tòan án phí. Tuy nhiên lần tuyên án cuối cùng này đối với Thạch Sanh thật dễ chịu vì chàng đã được gặp lại công chúa.
Sau đó, nhờ mối quan hệ bí mật với công chúa, Thạch Sanh được cất nhắc lên hàng võ tướng và nhiều lần ra trận đánh thắng ngoại xâm nhờ sức mạnh hơn người. Lý Thông thì thừa kế ngôi vua, trong cung có hàng trăm hàng ngàn mỹ nữ nên cũng không quan tâm lắm đến việc hoàng hậu có mối quan hệ đặc biệt với Thạch Sanh. Vả lại Thạch Sanh cũng là rường cột của nước nhà nên dĩ hòa vi quý, Lý Thông và Thạch Sanh xóa bỏ mọi mối bất hòa trước kia kết lại tình nghĩa anh em, cả hai cùng trị vì đất nước hòa bình thịnh vượng
(Copy từ
www.acmilanvn.com/forum)... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...