Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tùng Văn

CÁNH CHIM CUỐI TRỜI
  
 Mười tám tuổi em vào đại học, tuổi hắn đã hai nhăm. Em xuất thân trong một gia đình cách mạng, mẹ làm đến chức Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh miền duyên hải, còn hắn, con nhà nghèo quê miền Sơn tây cũ. Khi nhập trường hắn đã mang quân hàm trung uý quân đội và vừa ở chiến trường ra trong người vẫn còn đeo đẳng những cơn sốt rét rừng.
  Hắn thôi đèn sách gần mười năm nay, nhưng có tiếng là kẻ học giỏi thời học phổ thông, vì thế không lâu, sau năm học thứ nhất hắn đã vượt lên đứng đầu toàn khoá hơn ba trăm sinh viên.
  Khoá học của hắn một phần là học sinh phổ thông thi vào, còn phần lớn là sinh viên ở các trường  khác chuyển sang. Người ta bầu hắn làm chi trưởng và được lãnh đạo chỉ định vào Đảng uỷ nhà trường; vậy lợi thế cho hắn cũng  nhiều, nhưng dàng buộc hắn cũng lắm. Với tính cách trầm tĩnh, thẳng thắn, sống có nhân cách nên hắn có ảnh hưởng đến nhiều sinh viên khác trong trường.
  Còn em, nhìn em người ta biết thừa là cô gái lá ngọc cành vàng, được chiều chuộng từ bé. Em dư dả kiến thức sách vở, nhưng lại non nớt và bỡ ngỡ với cuộc sống ngoài đời.
  Em và hắn có chung sở thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển nước ngoài. Cũng vì chung sở thích mà em và hẳn trở nên thân nhau. Học lực em khá, tiếp thu nhanh nhưng chểnh mảng nên không mấy khi kiểm tra bài được điểm cao. Hắn thỉnh thoảng góp ý em nên chăm chỉ hơn để tốt nghiệp có cái bằng khá giỏi, em chỉ cười khì…
 Nhìn em có người thảng thốt vì đôi mắt đẹp,trong sáng cuốn hút người ta bởi cái nhìn ngây thơ, thánh thiện. Một đôi lần hắn nhìn em mặt nghệt ra, đến lúc em bảo “anh nhìn gì mà khiếp vậy” hắn mới bừng tỉnh xấu hổ cười trừ, ấy thế mà vẫn không  định nghĩa nổi ở đôi mắt ấy ẩn chứa những gì mà có sức  lôi cuốn không thể cưỡng lại được.                                               
  Một lần, trên hành lang vắng vẻ của trường, em đi trước, không biết rằng hắn từ trong phòng đi ra, tay cầm cuốn truyện bỗng hắn cất tiếng gọi:                                        1
 -“Katiusa”. Em quay đầu nhìn lại không hiểu, nhưng thấy hắn cầm trong tay cuốn truyện, em đến bên giằng vội rồi hấp tấp giở xem bìa sách vừa cười vừa kêu lên:
  - Ôi! “Phục sinh” và thế là chạy biến về phòng không một lời hỏi mượn.                                              
  Ba ngày sau, cũng lại trên hành lang nhà trường em nói cho hắn biết:
  - Em không đồng ý anh gọi em bằng cái tên “Katiusa” đâu nhé! Hắn cười và bảo:
  - Em thử soi gương xem đôi mắt của em có giống mắt nàng “Maxlova” trong truyện Phục sinh của Lev Tolstoi không? Họ bắt đầu chuyển sang trao đổi về tác phẩm và nhân vật. Cứ thế họ đến với nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Lúc hờn dỗi dấm dẳn, lúc hẹn hò..càng lâu em cảm nhận ra rằng nơi ấy, hắn, là bờ vai để có thể ngả vào những lúc em yếu lòng.                                        
  Vài lần giận nhau để rồi họ xích lại gần nhau hơn. Nhớ có lần em giận hắn, nhất định không gặp và không nói chuyện, nhưng chỉ được ba ngày, không chịu nổi nỗi nhớ cồn cào trong tâm can, em đành phải làm lành bằng cách viết hai câu thơ Chinh phụ ngâm vào giấy với ý trách: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”, rồi kẹp vào vở ghi bài của hắn. Hắn đọc xong mà nước mắt cứ muốn trào ra, thì ra em đã trách mình “gây cuộc binh đao” hắn nghĩ, rồi vội vàng đáp lại bằng hai câu Kiều: “Dù cho vật đổi sao rời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”, hắn muốn nhận sai về phần mình nhưng không quên nhắc khéo em dù thế nào đi nữa cũng “giữ lấy lời thề tử sinh”. Thế rồi họ lại về bên nhau để bù đắp lại những ngày giông bão.
  Tình yêu của em và hắn đẹp, trong sáng, không vụ lợi, không toan tính. Họ bỏ qua những rào cản về hoàn cảnh, về gia đình, dự định khi ra trường ổn định công tác sẽ báo cáo tổ chức và gia đình để lo chuyện cưới hỏi.
                              *  *  *                          
                                                                                                                                                                             
Bốn năm học sắp kết thúc, sinh viên chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp hoặc bài thi (nếu không đủ điều kiện viết luận văn). Hắn có ý thức chuẩn bị từ những năm đầu khoá học, nên không khó khăn gì để hoàn thành một luận văn mà dưới con mắt của các thầy đều đánh giá là xuất sắc.
  Trò đời, trời không chiều lòng người, hắn có quyết định trở lại                                              
chiến trường ngay cùng một số cán bộ làm nòng cốt xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác luật pháp chuẩn bị cho sau ngày giải phóng.
  Nhận được quyết định hắn bàng hoàng, hẫng hụt, mọi dự tính cho tuơng lai đều đổ vỡ. Hắn không dám chia sẻ với người yêu,chỉ khi em nhìn thấy thần sắc hắn thay đổi, em gặng hỏi nhiều lần, hắn đành nói thật:
  -Anh phải trở lại chiến trường. Nghe được tin sét đánh, em lẩy bẩy như cò gặp bão, bỏ ăn, nằm sụp như người ốm, không khóc mà nước mắt lúc nào cũng trào ra.
Đến cơ sự này hắn xác định phải cứng rắn để vực em qua cú xốc trời giáng. Cũng chẳng còn thời gian báo cáo tổ chức và gia đình để làm đám cưới.
  Trong những ngày gấp rút chuẩn bị lên đường, hắn cố gắng chăm sóc, bù đắp tình cảm cho em, chỉ với một điều nghĩ rằng không lâu, em phải chịu một mất mát quá lớn không chắc gì đứng vững!
  Trong tâm trí em, chỉ duy nhất một điều: chắc gì anh ấy còn sống trở về. Chiến trường nơi hòn tên mũi đạn, lại đang trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh! Lúc nào trong đầu em cũng với một câu hỏi: “liệu anh còn để trở về với em không?”
  Như hiểu được suy nghĩ của nhau, họ dành cho nhau tất cả, những vật chất và tinh thần mà họ có. Thế rồi cái gì đến cũng phải đến. Em dâng trọn trinh tiết cho tình yêu, không đắn  đo, toan tính. Lúc  đầu hắn cố  gắng  kìm nén tình cảm vì thương em, nếu một mai phải phơi xương nơi chiến địa biết đâu lại làm khổ em, nhưng rồi lý trí không thắng nổi bản năng, nhất là trong hoàn cảnh này.
  Ngày lên đường hắn không dám nói cho em biết, chỉ dám viết một phong thư và nhờ một người bạn mang đến trao cho em sau khi hắn đi rồi.                                               
  Nhận  được thư em không khóc, dường như em biết chắc giây phút này sẽ đến! Em câm nín, rời xa chỗ đông người, đi, về, đến lớp lặng lẽ như một cái bóng.
  Kẻ đi, đã đi xa nặng nề mang theo hình ảnh đôi mắt nàng “Maslova”. Người ở lại buồn như một cái xác không hồn. Trong khi chờ bổ nhiệm công tác em về thăm gia đình, thăm bà Viện trưởng.
  Phần buồn nhớ người yêu, phần tàu xe trắc trở, về đến nhà em chỉ nằm không buồn ăn uống, chuyện trò gì. Thấy con buồn bã xơ xác, bà Viện trưởng gặng hỏi, em đành nói hết sự thật. Nghe xong mẹ cũng se sắt lòng dạ, trước tình cảnh của con như thế người mẹ nào mà không lo lắng động lòng xót xa! Nhưng rồi bà phải tìm ra giải pháp ngõ hầu tháo gỡ bế tắc cho con, cho chính bản thân bà và gia đình.
  Với kinh nghiệm của người mẹ, bà biết chắc con mình đã có thai, lúc đầu bà cũng lo lắng khuyên con nên phá bỏ cái mấm sống đang hình thành mỗi ngày một lớn trong bụng. Nghe thấy thế em há hốc mồm, mắt dại đi như một con thú bị dồn vào đường cùng, em phản kháng theo bản năng. Khi tĩnh trí  lại em cũng không thể nào đang tâm phá bỏ kết quả tình yêu đã có giữa em với người mình yêu – dẫu có phải đánh đổi bằng cả mạng sống!
  Cả một tình yêu đẹp, kéo dài suốt bốn năm trời, sao lại có kết cục bi thảm thế này? Em nghĩ, tại sao ông trời lại cứ bày trò để hành hạ những người lành hiền yếu đuối như em, cho em nếm vị ngọt của tình yêu thế rồi đang tâm hắt bỏ trước mặt kẻ đang khát khô họng. Em bất lực trước mọi trò đùa của Tạo hoá!
  Biết lòng con sắt đá, tôn thờ mối tình đầu như một kẻ cuồng tín, bà Viện trưởng lại tìm một giải pháp khác. Ép con lấy chồng! Miễn là con gái có chồng thì thanh danh của bà mới được toàn vẹn.
  Bà cũng đã dặt ra nhiều giả thiết: Liệu người yêu của con gái bà có còn để trở về với mối tình đầu không? Một người con gái không chồng  mà có con thì cơ quan nào nhận nó vào làm việc, dù bà có dùng thanh thế của mình thì vị trí làm việc của con chắc gì được xứng đáng! Bây giờ người ta sống sợ vì dư luận, nhưng thân bại danh liệt cũng bởi dư luận. Muốn giữ danh dự cho gia đình và danh tiết cho con, vô tình bà trở nên  tàn nhẫn!
  Cuối cùng thì hôn nhân vẫn đến với em!
  Đêm tân hôn, thực sự vừa hổ thẹn vừa đắng cay, hổ thẹn bao nhiêu với người chồng mới thì đắng cay bấy nhiêu với cuộc đưa tang mối tình đầu.
 Tại sao em phải làm như thế - Tại ai? Tại ai! Tại sao hai người đàn ông em gặp trong đời, họ làm gì nên tội mà em lại phản bội và lừa dối họ? Cay đắng bao nhiêu thì càng tủi hổ bấy nhiêu.         
                                                 
                                 *  *  *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

(tiếp theo)  

 Người chồng thoả mãn với vụ hôn nhân mà anh ta không hy vọng làm chủ được người con gái, nhưng ơn trời mang hạnh phúc đến cho anh. Sau khi lấy vợ, vợ sinh con cũng xẩy ra đôi ba lời đàm tiếu, song anh tin vợ, tin vào nền nếp, lễ giáo gia đình nhà vợ nên không mảy may nghi ngờ, chỉ một lòng phụng sự cho sự nghiệp. Được hậu thuẫn của hai bên gia đình, anh ta tiến bộ rất nhanh trong chức vụ công tác.
  Sau lần vượt cạn, em trở thành gái một con, lại có phần nhuận sắc hơn cả thời thiếu nữ. Không ngờ tai nạn tày đình mà em lại vượt qua. Thuyền đã có nơi neo đậu, dù muốn hay không, em cũng phải quên đi mối tình đầu với hắn. Em trở nên sợ hãi ngày hai                                             miền thống nhất. Trong tiềm thức em mâu thuẫn cực độ, mong trời phật phù hộ để hắn còn sống sót trở về, nhưng lại sợ hãi phải đối mặt với hắn. Em nợ hắn quá nhiều; cuộc sống hiện tại càng xuôi buồm thuận gió em càng ân hận, không lúc nào nguôi ngoai với mặc cảm tội lỗi của mình.
  Ngày 30 – 4 - 1975 ập đến như một cơn bão trong lòng em, nó ngổn ngang trăm mối, buồn vui lẫn lộn, nó tàn phá hoang huỷ cái hiện tại, tô đậm, đánh thức cái dĩ vãng huy hoàng đều dồn nén vào trong một không gian chật hẹp của cõi lòng.
  Nhiều lúc em như kẻ mộng du, thân xác của hiện tại còn tâm trí phiêu diêu ở những nẻo về của dĩ vãng. Em chờ đợi mong tin hắn trở về bằng xương bằng thịt, nhưng rồi lại sợ hãi, hốt hoảng lo cho cuộc đối mặt vô tiền khoáng hậu. Em có nên chạy trốn khỏi hắn không, hay phó mặc cho số phận muốn ra sao thì ra. Có lúc em tự nguyền rủa mình với ý nghĩ tội lỗi “giá như anh ấy mãi mãi không về” và cảm thấy xấu hổ với con. Những lúc ấy em lại ôm chặt con vào lòng thổn thức có ý bênh che cho con và anh ấy rồi lên án ý nghĩ đen tối của mình.
  Hơn một năm sau ngày giải phóng miền Nam, hắn được về thăm quê và nhận công tác tại cơ quan Bộ Quốc Phòng, làm chuyên viên pháp lý cùng một số cán bộ giúp Quân uỷ và thủ trưởng Bộ chỉ đạo ba ngành tư pháp trong quân đội.
  Hắn tìm hiểu qua bạn học được biết sau khi hắn đi B vài tháng thì em đã lấy chồng và sinh con. Hắn không hình dung nổi sự đời lại biến cải đến thế. Hắn rơi vào khoảng hư vô không xác định, lúc bần thần chết lặng, lúc phấn chấn muốn đi tìm cho thấy em, chỉ cần nhìn thấy gương mặt em và đôi mắt của nàng Maxlova là hắn thoả mãn lắm rồi! Nhưng rồi… năm lần bảy lượt hắn đi, nhưng cứ được một đoạn đường ngắn lại như có ai níu chân hắn lại “ván đã đóng thuyền” rồi, đúng là “Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”!                                                                                                             
  Đất Hà thành đâu có rộng mà sao mênh mông xa cách nghìn trùng; chẳng lẽ cứ ôm mối hận cho đến lúc xuống mồ? Đằng nào mối tình nghiệp chướng này cũng phải được hoá giải, mặc dù số phận của em và hắn đã được an bài, vô phương làm thay đổi được
nữa, nhưng một chuyến đò  nên ngãi huống chi giữa em và hắn có ngần ấy năm tháng gắn bó và đã từng trao xương đổi thịt cho nhau, không thể không gặp lại cho tỏ ngọn nguồn.
  Rồi tình cờ trong một lần hội thảo do Uỷ Ban Pháp chế tổ chức, em có mặt và hắn được gặp em bằng xương bằng thịt. Với hắn, em không thay đổi chút nào, chỉ khác cử chỉ chín chắn điền đạm hơn, không còn nhí nhảnh như thời con gái.
  Em và hắn quyết định bỏ hội thảo, ra một nơi yên tĩnh, lúc đầu hai người chỉ nhìn nhau khao khát cho thoả những ngày xa cách,  cuối  cùng  em  phải lên tiếng trước:
  -Em biết anh đã ra Bắc từ lâu và biết có lần anh đi tìm em, nhưng em trốn chạy vì sợ hãi, sợ hãi đến nghẹt thở. Vì em nợ anh quá nhiều, bây giờ gặp lại em không còn gì để trả lại cho anh. Người em run lên giọng nói đứt đoạn vì tiếng nấc, mắt ầng ậc nước. Hắn nắm bàn tay em, cố lấy giọng bình tĩnh:
  - Em không có lỗi,chúng ta đều không có lỗi; anh với em và rất nhiều đôi vợ chồng khác đều là nạn nhân của chiến tranh. Cuộc chiến tranh nào cũng vậy, dù nó phi nghĩa hoặc chính nghĩa đến đâu thì đều gây ra những hệ luỵ đau lòng, làm sẩy đàn tan nghé biết bao mái ấm gia đình, anh và em chỉ là trong muôn một! Hãy cảm ơn Thượng đế run rủi cho anh còn được gặp em; thế cũng là hạnh phúc hơn nhiều người khác. Chuyện có duyên mà không có phận xưa nay bao giờ chẳng có. Ngừng một lát hắn nhìn thẳng vào mắt em và hỏi:
  - Anh muốn em nói thật … hắn lấy hết can đảm rồi tiếp: - Chúng ta đã có con phải không em ? Em nhìn hắn rồi quay đi chỗ khác lắc đầu:
  - Không!
  Hắn thất vọng buông tay em ra và nhìn vào khoảng không mênh mông.
  Em biết lời nói dối này là cuộc tàn sát cuối cùng những gì còn sót lại giữa em với hắn. Em tự nhủ, giấu đi điều hệ trọng này tuy tàn nhẫn  và lỗi đạo cương thường nhưng sẽ có lợi cho anh ấy. Anh sẽ thảnh thơi lo cho cuộc sống tương lai của mình. Một mai, khi anh đã có cuộc sống gia đình ổn định , lúc thời cơ thích hợp cho anh biết : anh vẫn còn giọt máu ở nơi em cũng không muộn. Hiện tại thì không; không nên để anh lấn bấn nghĩ có một đứa con với mình. Mình cũng không thể phá vỡ gia đình để về bên anh ấy! Không phải vì em, mà vì người chồng hợp pháp và những gia quy rắc rối ràng buộc, thôi thì hẹn anh ở kiếp sau!
  Sau lần gặp gỡ định mệnh ấy, dường như họ không còn gặp lại nhau lần nào nữa, một kẻ cố trốn chạy dĩ vãng, còn một người thỉnh thoảng mang quá khứ ra nhâm nhi như một thứ độc dược làm mòn mỏi cả về thể chất và tinh thần tuổi trẻ.
 Mặc dù họ không còn gặp nhau, nhưng vẫn để tâm về nhau. Em biết anh  không thể gạt hình ảnh mình ra khỏi tâm trí để đến với người đàn bà khác, nhưng em không dám gặp lại hắn, mặc dù vẫn yêu hắn một cách đau đớn dằn vặt.                                                  
  Một thời gian sau em đành xin thôi việc ở cơ quan, dắt con theo chồng sang Úc chỉ cố đoạn tuyệt với mối tình oan trái lúc nào cũng trực rỉ máu.
  Khi biết tin em ra đi hắn thốt lên xót xa: - “Em ra đi, như một cánh chim lẻ loi bay cuối trời vào mùa giông bão, liệu khi ướt cánh, em sẽ về đâu?”
                                                           
                                                
                              *  *  *
 
- Bốn mươi năm sau, trên hành lang Bệnh viện Tim mạch có một ông già tuổi ngoại bảy mươi đang thẫn thờ nhìn theo một thiếu phụ đi phía trước rồi buột miệng gọi:
  - Maxlova! Người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi mặc áo blue trắng đi phía trước không nghĩ là ai gọi mình nhưng cứ đi chậm và ngoảnh lại, thấy một ông già cô cất tiếng:
  - Cháu có thể giúp được gì cho bác không ạ? Ông già nhìn sâu vào đôi mắt của người phụ nữ, mãi mới cất tiếng:
  - Xin lỗi, có thể tôi đã nhầm với người quen cũ…
  Thế rồi không biết câu chuyện giữa hai người, một già một trẻ ra sao? Biết đâu đây chẳng là một cuộc gặp định mệnh!

                                        TÙNG VĂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Cảm ơn THI HOÀNG, lúc nào Người cũng ưu ái cho TV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

CHUYỆN NGƯỜI XƯA  
 Hồi còn bé, anh em chúng tôi đang còn học tiểu học trường làng, được thân phụ  tôi kể cho nghe đôi ba chuyện về tình bạn vong niên giữa ông với ông cụ đồ Bống người làng Phú Châu, Phủ Quảng Oai. Tiếng rằng nghe thì nghe, nhưng có hiểu được đáng là bao ý nghĩa của chuyện.
  Bây giờ trở về già, ở cái tuổi “cổ lai hy”, ngẫm lại mới thấy các cụ thâm thuý- lấy xa để chế gần, lấy chuyện của các cụ để làm gương răn dạy con cháu, còn thấm được đến đâu thì thấm!
  Làng Gốm Hạc xưa kia có tiếng là đất văn vật và sầm uất “nhất kinh kỳ, nhì Gốm Hạc”, địa thế trên bến dưới thuyền ở vùng ngã ba sông, giao thương thuận tiện. Lại là làng nổi tiếng khoa bảng, một trong những làng nhiều tiến sĩ nhất trong thời kỳ phong kiến.
  Một lần cụ Đồ Bống rủ phụ thân tôi cùng sang chơi nhà lý trưởng làng Gốm Hạc. Sáng sớm hai người xuống đò bến Vân Sa – La Phẩm, khảm qua ngã ba sông Hạc Trì, gần trưa mới đến nhà lý trưởng. Chủ nhà ra tận ngõ đón khách mời vào. Chắc có hẹn trước, nhà lý trưởng đã nhốt gà đợi sẵn, khách đến là làm cơm.
  Khách và chủ an toạ, chủ nhà niềm nở chuyện trò hỏi thăm sức khoẻ hai vị khách. Trong lúc vừa pha trà vừa tiếp chuyện khách, còn có ông cụ thân sinh ra lý trưởng ngồi trong mùng ở giường gian bên góp chuyện (cụ bị xấu mắt).
   Hàn huyên! Nước ngấm! Chủ giót nước vào ba cái chén để trong khay rồi trịnh trọng bưng bằng hai tay vừa mời vừa đặt trước mặt hai vị khách, chén còn lại sau cùng lý trưởng mới bưng để về phần mình và không quên úp chiếc chén còn lại xuống khay!
Ông cụ đồ Bống để ý đến tất cả cử chỉ vừa rồi của lý trưởng, ông tươi cười lấy chén giót thêm một chén trà rồi đứng dậy bưng bằng hai tay đến bên giường có ông cụ xấu mắt giọng lễ phép “mời cụ xơi nước”. Thấy vậy lý trưởng tặc lưỡi “chậc! ông cụ mù ấy mà”.    
  Chuyện trò được chừng nửa tiếng đồng hồ, nhân lúc lý trưởng xuống nhà ngang bảo người nhà làm cơm, ông cụ đồ Bống bấm nhẹ vào vế thân phụ tôi và xua tay ý bảo về. Khi chủ nhà lên, cụ đồ Bống ngỏ lời cáo từ. Chủ nhà cố giữ thế nào thì hai ông khách cũng viện lý do ra về bằng được mà không làm mếch lòng chủ nhà, nhưng cũng thật ái ngại khi thấy mặt vợ lý trưởng cứ tưng hửng.                                                   
                                           
Đi khuất khỏi nhà lý trưởng làng Gốm được một đoạn đường, thân phụ tôi cất tiếng nửa đùa nửa thật:
   - Cơm gà cá gỏi đến tận miệng rồi chả ở, lại giở ra về, cụ thật cố chấp! Ông cụ đồ Bống xua tay xuống bến và nói:
   - “Bất kính phụ mẫu, kính tha nhân!” Đến bố nó, nó còn không trọng, nó trọng gì mình. Hắn đon đả đón tiếp tất có âm mưu, hoặc muốn lợi dụng mình làm việc gì không đàng hoàng, những con người ấy không thể chơi được!
  Thế rồi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, lặng lẽ xuống thuyền rời làng Gốm Hạc.
                             * * *

 Ba mươi năm sau, khi ở bộ đội về, phụ thân tôi đã già lắm rồi, nhưng vẫn có ý định bảo tôi sắp xếp thời gian đưa cụ một lần trở lại vùng ngã ba sông nơi có ông cụ đồ, bạn vong niên một thuở và thăm lại đất Gốm Hạc trên bến dưới thuyền để nhìn lại cảnh xưa, người cũ.
  Lần khứa, mải chạy ăn và lo học hành cho mấy đứa con thành thử không thực hiện được ý nguyện của cụ. Thế rồi, sau một cơn trở gió phụ thân tôi ra đi mãi mãi, cái ước nguyện bình dị của cụ cũng mãi mãi chẳng bao giờ  được toại. Ấy là do tôi làm con mà vô tình. Vô tình đến độc ác!
  Mãi về sau tôi vẫn cứ trăn trở với món nợ…Nợ công sinh thành, nợ một lần không làm được gì cho người cha gần đất xa trời với ước nguyện nhỏ nhoi , lẽ ra tôi cố gắng thì vẫn có thể thực hiện được!


           TÙNG VĂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

23-8-2013                     

                                LỜI TỰ BÀO CHỮA CỦA HOẠN THƯ
                                     KHI ĐÁO TỤNG ĐÌNH
                                            
      Xưa nay trong án văn thường để lại những điều tranh cãi mãi về sau mà người đời cho là phải, trái, oan, sai…Trong vụ xử Hoạn Thư, Thuý Kiều là quan toà, chỉ với 6 câu lục bát, cụ Nguyễn đã nói hết những điều mà Hoạn Thư cần nói trong buổi hầu toà để tự gỡ tội cho mình.  
     Lẽ thường, đổ tội cho người khác là để gỡ tội cho mình. Hoạn Thư không buộc tội Kiều, nhưng nêu ra một chứng cứ khách quan để tự quan toà cân nhắc:  
                 “Rằng tôi chút phận đàn bà…”                                                                      
  Ừ, mà làm gì cái thứ đàn bà trong xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ-Đẳng cấp gì thì cũng chỉ là đàn bà, đâu có phải bậc mày râu chính nhân quân tử. Cho nên việc ghen tuông cũng chỉ là thói thường của đàn bà nói chung, chẳng cứ gì tôi!
  Hoạn Thư cũng chẳng nể nang gì quan toà mà bóc mẽ luôn Kiều:
                “Nghĩ cho khi các viết kinh,
           “ Đến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.”
  Tôi lại nhớ đến một vế câu đối trong dân gian:
           “Kiện gian, bàn ngay, dâm có tang, đạo có tích”.
  Nói gì thì nói, bảo người ta “dâm” thì phải có tang chứng cụ thể; bảo người ta “trộm” thì phải có vật chứng làm bằng!   
  Khi ở Quan âm các Hoạn Thư đã bắt quả tang Kiều và Thúc Sinh đang tình tự với nhau: “Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.” (“em” chả biết còn chuyện gì nữa khi hai người ở bên nhau mà cụ Nguyễn không tiện đưa vào tác phẩm của mình…Máu ai chứ cứ như máu “em” thì…).Ngứa ghẻ, đòn ghen thì nó ghê gớm lắm! Thời nay ít người ghẻ vì đời sống được nâng cao, sống hợp vệ sinh, lại có nhiều mỹ phẩm làm trắng da, trắng thịt phái đẹp, nên ít người bị mắc bệnh ngoài da, nhất là ghẻ, chứ còn thời ngày xưa ai đã qua rồi mới thấm thía cái nỗi khó chịu của cơn ngứa ghẻ đến chừng nào?
  Còn đòn ghen – là món đòn chí mạng, nhưng phụ nữ với nhau, ngày xưa bất quá túm tóc nhau, cắn xé nhau một thôi một hồi mệt lử thì buông nhau ra. Nhưng thời nay đánh ghen nó khốc liệt hơn nhiều…như tạt axít, đổ xăng phóng hoả, xăm hình quái thú lên mặt…vân vân và vân vân!
                                               
                                                              
   Vậy mà Hoạn Thư lại “im chẳng đãi đằng”. Thế chẳng phải là sự tha thứ trong mọi tha thứ sao? Cũng là việc vạn bất đắc dĩ “đuổi sói ra khỏi nhà” để bảo vệ hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư mà thôi!  
  Đến khi trốn khỏi Quan âm các, Kiều còn trộm chuông vàng, khánh bạc mang theo để hộ thân. Hoạn Thư biết thừa, rõ ràng “dâm có tang, đạo có tích” hẳn hoi vậy mà “Đến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”.
   HoạnThư vẫn còn một cái TÂM của con người cho nên không hổ thẹn khi đặt vấn đề “Lòng riêng, riêng những kính yêu”, nhưng cũng rất đàn bà: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!”
  Lại nói đến văn hoá nhận lỗi. Hoạn Thư là đàn bà, song cao hơn một bậc so với một số nam nhi tiếng rằng chính nhân quân tử thời xưa và thời nay, chí ít cũng hơn hẳn chàng Thúc, nàng dám nhận trách nhiệm về mình:
       “Trót lòng gây việc chông gai,” và không khúm núm khi xin tha tội:
       “Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!”. Đến quan toà, đồng nghĩa là bên nguyên cũng phải khen “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Giết Hoạn Thư tuy dễ mà lại khó, khó vô cùng! Dễ vì Kiều dựa vào uy lực của Từ Hải với sức mạnh “trúc chẻ ngói tan” thì tha ai, giết ai đều trong tay nàng cả! Nhưng mà khó -  khó đến nỗi giả thiết Kiều có muốn giết cũng không thể giết được bởi vì Kiều không dám phủ nhận sự thật và không thể phủ nhận sự thật! Bởi Hoạn Thư có lý.
  Trước tình thế này Kiều cũng phải vớt vát lại một chút thể diện: “Tha ra thì cũng may đời…” rõ là giọng nói của “miệng kẻ sang có gang có thép!” và Kiều cũng chẳng dại gì tự nhận mình trước bàn dân thiên hạ là “người nhỏ nhen”.
  Sau lần tự bào chữa cho mình, Hoạn Thư đã lấy lại được cảm tình của độc giả, khi phán xét sự độc ác của nàng người ta cũng nương nhẹ vài phân. Và cũng chính Hoạn Thư đã tạo ra số phận mới cho Kiều, để rồi sau đó từ một thân phận lẽ mọn Kiều đã ngang hàng và có phần ngồi cao hơn cả Hoạn Thư và những mệnh phụ hàng trâm anh thế phiệt!
  Gấp trang truyện Kiều lại tôi tự hỏi lòng, không biết cụ Nguyễn có dành vài phân lòng trắc ẩn cho Hoạn Thư và những người bị Kiều xử tội chết, hay chỉ một lòng đau cho thân phận Thuý Kiều?
                   
                                                                         TÙNG VĂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thi Hoàng

Truyện kể cho người lớn.

Sáng nào ông chủ cũng ra khỏi nhà từ rất sớm. Sáng nay cũng vậy.
Sau khi đổ đầy lúa vào máng cho lũ gà ông chủ quay lại dặn Cún:
- Cún, trông nhà cho tao và không được trêu mấy con gà nghe chưa. Nhừ đòn đấy con ạ...
Cún lặng lẽ ngước đôi mắt ươn ướt nhìn ông chủ, nửa như sợ hãi nghe lời, nửa lại như trách móc hờn giận.
Không gian của Cún từ khi gia nhập đại gia đình này là một mảnh sân chật chội trong khi lũ gà có cả một khoảng sân rộng rãi để chạy nhảy.

Ông chủ đi cả trưa không về. Cún bị bỏ đói, bỏ khát. Nó nằm im không nhúc nhích. Kệ lũ gà tao tác, chí choé nhau, lông rơi tung toé, bay cả ra chỗ Cún nằm.
Cún đang nhớ mẹ, nhớ bốn đứa em của cún. Không biết giờ đây bốn đứa em của nó có được đối xử như nó không. Nghĩ chán, Cún ngủ lúc nào không biết.
Chiều sang lũ gà vẫn chí choé nhau. Cún buồn thiu. Nhớ mẹ, nhớ các em.
Ông chủ về. Chìa khoá lạch xạch kêu. Lũ gà càng tao tác.
- Cún, mày lại trêu lũ gà của tao hả?
Cún nằm im không nhúc nhích, cũng không thèm ngước mắt nhìn ông chủ.
Ông chủ lại đổ lúa cho lũ gà, lũ gà thì cứ nhao nhác lên như nhõng nhẽo khi được ông chủ chiều chuộng.

Sáng hôm sau ông chủ lại khoá cửa đi và dặn:
-Cún coi nhà cho tao nghe chưa...

Lần này thì lời dặn của ông chủ không đến tai Cún nữa. Tối hôm qua nó thao thức không ngủ được...
Gần sáng ông chủ mở cửa để kiểm tra khi nghe lũ gà nháo nhác. Cún đã lẻn ra khỏi nhà.
Tạm biệt ông chủ, tạm biệt lũ gà.
Cún đi tìm mẹ, Cún đi tìm bốn em.
Cún muốn quên ông chủ hay quên cho Cún ăn mà cứ muốn Cún trông nhà.

5.2003 TH
Cho tôi một chút ngẩn ngơ
Loay hoay một chút dại khờ để say

                      Thi Hoàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Có đi có lại, có vay có trả - Đời thật công bằng!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

CHIỀU SÂU NGÔN NGỮ TRONG MỘT BÀI THƠ TÌNH*     
“Thương mùa thu cũ” là một trong những bài thơ hay của tác giả Nguyễn Kiến Quốc in trong “HƯƠNG NGOẠI Ô” Tập 19, Nhà xuất bản Lao Động.
  Bài thơ  theo thể 4 câu 5 chữ, tất cả bài thơ có 5 khổ. Nội dung  nói  về  mối tình dang dở từ xa xưa, nay lại trở về và đối mặt với nó.
  Tưởng tình huống gay cấn ấy, tác giả bất lực, vậy mà người trong cuộc giải quyết một cách khéo léo – Dĩ vãng mãi mãi là dĩ vãng !
  Trong văn thơ để miêu tả hình ảnh, bộc lộ tình cảm có đắt hay không,  có hay hoặc không hay là ở cách dùng từ. Cũng là ngôn từ tiếng Việt cả đấy nếu dùng đúng cách đúng chỗ câu văn, câu thơ trở nên trong sáng và mới lạ.
  Trong bài thơ “Thương mùa thu cũ” của Nguyễn Kiến Quốc đã sử dụng hợp lý và có phần mới lạ trong một số câu chữ :
    Mở đầu bài thơ viết :
                          “ Em cầm mùa thu ấy
                           Mang theo về miền xa”
    Cái không phải là vật chất, không hình hài rõ rệt mà sao “cầm” được ? Nghĩ kỹ tác giả có lý vì chính trong cái mùa thu ấy…từ “ấy” đã khẳng định không gian và thời gian EM VÀ TÔI quen biết nhau, trao gửi những kỷ niệm ngọt ngào cho nhau, đáng lẽ ra không có những biến cố…thì em và tôi đã…Vậy mà em đã cầm tất cả những kỷ niệm, những tình cảm, những hẹn ước thề bồi “xuống thuyền sang ngang” để lại một mình tôi với “câu thề vỡ” ! Liệu tôi còn làm gì được đây? Tưởng như là ngớ ngẩn  “Trói câu thề vỡ” lại để “Nấu trong nồi bão qua” .
    Trói cái gì chứ trói làm sao được câu thề ? Ở đây câu thề đã vỡ rồi, dùng hình ảnh “trói” để níu giữ, nhưng rồi tỉnh ra và chấp nhận một sự thật mối tình đã rời xa ta !
  Tôi mới được biết người ta dùng từ kết hợp như “mắt bão”, “tâm bão”, nay lại thấy Nguyễn Kiến Quốc hình tượng “nồi bão”. Với cảm nhận như sự bùng   nổ của bản năng khi bị dồn  nén đến độ trong không gian chật hẹp cảnh huống bức bối thì hình ảnh"Nấu trong nồi bão qua" là hợp lý và độc đáo.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               
    Khổ thơ thứ hai :
                           “Em cầm cả mùa xuân
                            Về cuối trời từ đó   
                            Bỏ chỏng trơ, bến vắng
                            Quặn đau thương kiếp đò”.
     Lần này lặp lại không phải là mùa thu, mà là mùa xuân – là thành quả được thai nghén, ấp ủ từ cái mùa thu ấy. Cái mùa xuân mà em cầm về cuối trời đó chính là mối tình đang độ chín như mùa xuân, như nắng ấm ban mai , như chén rượu nồng ai chuốc cùng với em và là chính em đã rời xa rồi. Để lại một mình ta với bến vắng chỏng trơ! Thật thương cho ai và trách cho ai !
   Cũng không lạ gì Kim Trọng níu kéo Kiều chờ đợi mình bằng câu :
                             “Trăng thề còn đó trơ trơ,
                          Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”.
         Và :
                             “Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
                          Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.
      Nhưng ở Kim Trọng còn có thứ để mà hy vọng - phía góc biển chân trời kia vẫn còn người con gái đợi chờ mình, còn ở đây tác giả đã để buột khỏi tay mình người con gái mình yêu trong quang cảnh gần như thê lương – Để rồi ngỡ ngàng và tưng hửng như câu thơ của Thâm Tâm: “Người đi ! ừ nhỉ ! người đi thực ”** !
    Khổ thơ thứ 3là khổ thơ chuyển giao từ dĩ vãng về với hiện tại bằng sự trở về của người con gái năm xưa, khổ thơ này không đóng vai trò cốt lõi của bài  thơ nhưng nó có ý nghĩa nối quá khứ với thực tại mà tác giả muốn miêu tả .
    Đáng chú ý ở hai câu cuối :
                           “con đường xưa đang ngủ
                           Bỗng thức : hờn “tiếng thu” .
     Đâu có phải con đường đang ngủ mà là những kỷ niệm xưa đã từng đi vào dĩ vãng, đã từng được đào sâu chôn chặt, nay bỗng bị bước chân em đánh thức dậy để đâu đó lại văng vẳng âm thanh thổn thức hờn trách (kể ra ba chữ  “hờn tiếng thu” nghe nó văn học quá và hơi sáo, nhưng chấp nhận được.)   
    Sau bao nhiêu năm xa cách nay gặp lại nhau, cái thời xuân tuơi trẻ đã qua đi để nhường lại cho cái tuổi xế chiều, tưởng rằng người ta có thể quên được theo thời gian. Nào ngờ những hình ảnh cũ lại tái hiện trên mắt của mỗi người:                  
                            “Cả hai đều bối rối  
                            Tóc nhuộm trắng sương trời
                            Nhăn nheo câu hỏi nhỏ
                            Nụ cười chen lệ rơi !!!”
  Cái bối rối sau nhiều năm xa cách, nay gặplại cũng là thường tình, nhưng đoạn thơ hay ở câu « Nhăn nheo câu hỏi nhỏ » từ suy nghĩ, từ ý tứ đến những cử chỉ hành động nó cứ se sẽ, nhè nhẹ, không bồng bột vồ vập, không bô xiết như thời nào nữa. Câu hỏi là âm thanh,là tiếng động vậy lại dùng từ tượng hình  « nhăn nheo »  để hạ thấp âm vực của tiếng nói xuống gần như thì thầm bởi vì bẽn lẽn e lệ - Cái thương nhớ, nỗi đau mất mát quá lớn trong đời được yêu nay lại trỗi dậy, xô táp vào tấm thân gầy của tuổi tác, nghĩ khó có ai chịu nổi .
  Mừng đấy, nhưng cũng thật tủi. Cười đấy mà sao lệ cứ rơi,  cho nên cái hình ảnh miệng thì cười mà nước mắt cứ rơi - gặp lại nhau là lành hay gở mâu thuẫn cứ đan xen. Và ngay tâm thức của người trong cuộc cũng khó mà xác định được bao nhiêu phần nên mừng và bao nhiêu phần đáng tủi hận! Không trách cụ Nguyễn Công Trứ phải thốt lên :
                         « Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười »
   Hôm nay gặp lại nhau , đã lên ông lên bà cả rồi, cái điều đáng nói thì đã nói cả rồi, cái điều đáng trách thì cũng đã trách bao nhiêu năm rồi. Vậy mà cái điều muốn nói hôm nay lại không nói được,  cứ hỏi những điều vu vơ – vả lại cái ngại nhất của đôi tình nhân cũ là ánh mắt của mọi người nhìn, rõ đúng là « quan trên ngó xuống người ta trông vào » thành thử gặp lại nhau lại còn bẽn lẽn hơn cả lúc xuân thì !
    Cái hay của tác giả là cố tình hiểu sai đi cái lần gặp lại này, trách đấy, hờn rỗi đấy nhưng mà vẫn không thể quên :
                               « Em cầm mùa thu ấy
                               Chắc đem trả lại tôi » ?
   Giời ạ ! Còn trả lại làm sao được nữa, Khi em đã  là của người ta rồi ? Khi ván đã đóng thuyền, gạo nấu thành cơm !
  Trách thì trách thế thôi, nhưng tôi vẫn nhìn em bằng ánh mắt thuở đang yêu : «  Vấp cái nhìn thuở cũ » – Như một vết cứa vào nỗi đau thầm kín của cả hai người, để rồi tôi được thoả mãn phần nào, nhưng lại nhìn em mà tê tái thêm vì trót làm em đau lần cuối trong cảnh chiều … đương rơi !
  Xưa nay, trai gái yêu nhau để rồi có duyên mà không có phận cũng là thường . Câu chuyện tình được tái hiện trong bài thơ « Thương mùa thu cũ » đã dùng lời làm đẹp cho tình – Vốn tình đã đẹp, lại được lời trau chuốt cho tình đẹp thêm ! Thật là TÌNH YÊU BẤT DIỆT !

-------------------------------------------------
* - Đăng trong tạp chí "NGƯỜI NHÀ QUÊ"
** Trích  thơ « Tống biệt hành » của Thâm Tâm.

                                                                                                                      


                                             
THƯƠNG MÙA THU CŨ        


Em  cầm mùa thu ấy
Mang theo về miền xa
Tôi trói câu thề vỡ
Nấu trong nồi bão qua

Em cầm cả mùa xuân
Về cuối trời…từ đó
Bỏ chỏng trơ, bến vắng
Quặn đau thương kiếp đò

Thoắt rồi ! ngày em về
Thăm quê – lần vào vụ
Con đường xưa đang ngủ
Bỗng thức: Hờn “tiếng thu”

Cả hai đều bối rối
Tóc nhuộm trắng sương trời
Nhăn nheo câu hỏi nhỏ
Nụ cười chen lệ rơi !!!

Em cầm mùa thu ấy
Chắc đem trả lại tôi
Vấp cái nhìn thuở cũ
Cháy bỏng …chiều …đương rơi !
                                                            
                NGUYỄN KIẾN QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

 
CHUYỆN NHÂN CÁCH

 Hai học trò cùng lớp, trọ chung một nhà. Một hôm tan học, hai trò cùng về nhưng kẻ trước, người sau. Trò về trước thấy vắng vẻ, vội chạy vào bếp chủ nhà nhòm ngó, rồi bốc vội nắm cơm nguội cho vào mồm nhai nhồm nhoàm. Đang định bốc tiếp thì trò về sau nhìn thấy; anh ta nuốt vội và chống chế : "Đói ăn vụng..." chưa nói hết câu thì trò kia quay  ra thản nhiên đáp lại: "Đói cho sạch, rách cho thơm"...
  
 Đến chiều thấy trò kia cắp sách vở, quần áo đi hỏi trọ nhà khác.

 Thế mới biết nhân cách con người ta khác nhau nhiều lắm.
 Người có nhân cách thì người thường không với tới được. Người thiếu nhân cách thì không đáng giá bằng miếng cơm nguội!
TV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thi Hoàng

Khoảng trống

Ngày nào lên lớp cô cũng đưa mắt nhìn một lượt cả lớp. Nhìn gương mặt trò hớn hở mặc dù còn bết mồ hôi vì đạp xe từ 9 đến 13 km mới đến trường cô thấy yêu thương trìu mến và lòng dâng trào cảm xúc thật vui. Nhìn đôi mắt lúc nào cũng như đang cười của cô lũ học trò chúng tôi thấy đầm ấm lạ.
Hôm nay cô lên lớp, đôi mắt của cô thẫn thờ khi nhận ra khoảng trống ở bàn cuối cùng phía bên trái.
- Hôm nay Mai Tri lại vắng hả các em.
Thanh Vũ vội vàng đứng lên và trả lời: - Thưa cô, nếu cô không zô nhanh thì bạn ấy sẽ đi Lâm Đồng đấy cô ạ.
Trời đang mưa, cô chỉ kịp dặn dò lớp đôi câu rồi vội và lấy xe đạp, mặc áo mưa và hối hả đạp xe đi.
Mười giờ trưa, cô và Mai Tri đã về đến trường. Cô đưa Tri vào lớp dặn dò lớp trưởng và học sinh trong lớp: Chú ý đến Mai Tri.
Mai Tri vốn là con liệt sĩ, ba hi sinh, má đi lấy chồng ở nơi khác. Tri ở một mình dựa vào sự chăm sóc của chú thím và sự chu cấp của xã.
Khi vào cấp 3 Tri thường xuyên bỏ học và muốn đi nơi khác làm ăn. Mỗi tuần cô phải lặn lội tìm Mai Tri hai đến ba lần, có khi 10h đêm được tin báo là cô lại hối hả đi tìm Tri, giữ Tri lại không cho em đi làm ăn xa...
Năm 2010, sau 14 năm trở lại Phú Yên, gặp lại học trò lớp 12 E ngày ấy...42 đứa cả trai cả gái và cộng thêm cả dâu cả rể cả nhân khẩu tý hon của các gia đình...89 đứa đón cô ở nhà hàng Thuận Thảo. Theo thói quen cô lại đưa mắt nhìn và nhận diện từng đứa một. Và Mai Tri kia rồi, cùng vợ với con gái ùa đến ôm chầm lấy cô. Tri nói:- Cô ơi, cô không tìm được chỗ trống ngày xưa đâu, Mai Tri của cô bây giờ là một cán bộ ngành Kiểm lâm rất mẫn cán rồi cô ạ. Cả cô và trò rưng rưng xúc động, tiếng vỗ tay rào rào.

Tháng 8 năm 2010  Thi Hoàng
Cho tôi một chút ngẩn ngơ
Loay hoay một chút dại khờ để say

                      Thi Hoàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối