Là những cảm xúc xuất phát từ cuộc sống, từ những câu chuyện được nghe và thấy...
Diệu Thuần mới viết truyện ngắn không lâu và chắc chắn văn phong cũng như câu chữ còn chưa thoát ra khỏi ngôn ngữ đời thường. Kính mong được sự góp ý của những người đi trước.
Kính mến!
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Con Ốc Sên
Diệu Huyền nhắm mắt nằm im trên giường. Tất cả những âm thanh quen thuộc và rộn rã của buổi sáng trong bệnh viện ùa vào tai.
Âm thanh quen thuộc và đúng giờ nhất có lẽ là tiếng rao của bác bán bánh mì người Hưng Yên “Ai bánh mì lóng đê”. Cứ khoảng 6 giờ sáng là bác ấy có mặt và vào khu điều trị hóa chất này để mời những bệnh nhân trong đây những chiếc bánh mì to và dòn nhất. Người đàn ông già cả ấy bị thọt, một chân cao một chân thấp cứ thế bước đi khập khiễng đều nhịp cùng tiếng rao kia. Diệu Huyền bất chợt nhớ một ánh mắt, một nụ cười nhẹ nhàng. Cô nhớ Thái. Cách đây 2 năm, khi cô mới mắc bệnh và vào đây, anh cũng là bệnh nhân trong khu điều trị hóa chất này. Lúc đó người đàn ông bán bánh mì là bất ngờ đầu tiên với cô bé. Cô không hiểu sao một khu điều trị hóa chất mà lại cho phép người ta vào rao bán đồ ăn sáng, và tiếng rao thì buồn cười lắm. Diệu Huyền đưa ánh mắt dò hỏi anh thì được đáp lại bằng nụ cười ấy. Rằng hãy xem đó như là một cuộc sống mới, rằng đó là một điều tự nhiên và nhẹ nhàng, như chính đôi mắt và nụ cười lúc đó của anh.
Diệu Huyền hít thật sâu, cố lắng nghe một âm thanh có lẽ nhỏ vô cùng so với tất cả những âm thanh đang như huyên náo trong những buồng bệnh, ngoài hành lang và tận dưới lầu một. Tiếng chim. Đó chắc chắn không phải là chim sơn ca hay chim họa mi. Nó chỉ là một con chim bình thường, giọng hót của nó dường như chỉ là tiếng kêu, đôi khi cô tưởng tựơng đó là tiếng cười. Diệu Huyền và Thái đã từng thích thú thoát ra cái cảm giác chật chội và huyên náo của buổi sáng kia để tĩnh lặng, để thanh thản cùng tiếng chim thần kỳ. Có lẽ nó cũng đúng giờ gần như người đàn ông rao bán bánh mì ấy. “Nó đang rao bán niềm tin và hạnh phúc”. Thái đã nói với Diệu Huyền như thế trong một buổi sáng cô lên cơn sốt và cũng không chịu mở mắt ra đón chào ngày mới, như chính lúc này. Nước mắt cô chảy ra, lặng lẽ và đọng lại trên má một vệt dài, một rãnh nước trên gương mặt của cô. Cho đến khi bà Diệu Hương bước vào phòng cùng với ấm nước nóng và một chiếc khăn. Người đàn bà trung tuổi nói khẽ với con gái:
- Con ơi dậy thôi nào. Người ta dậy hết rồi. Sắp đến giờ truyền thuốc rồi.
- Dạ – Diệu Huyền vẫn chưa chịu mở mắt ra. Cô lí nhí đáp lại tiếng mẹ gọi và quay mặt vào tường, gạt nước mắt và ngồi dậy. Mắt cô hướng ra phía cửa sổ và dần mở ra. Cô cố tìm con chim nhưng không thấy.
Diệu Huyền để mẹ lau mặt cho mình. Cô đã 20 tuổi nhưng gương mặt cô trẻ lạ, như một đứa trẻ 15 . Bà Nga ở buồng bệnh đối diện gọi với sang :
- Lát nữa rửa mặt xong thì đưa đồ ăn sáng qua đây ăn cùng bà nha con.
- Vâng ạ. Bà Diệu Hương niềm nở trả lời bà cụ.
Bà Nga năm nay cũng đã gần 80 tuổi. Bà vào nằm viện vì mắc bệnh Đa hồng cầu. Nhưng bà đẹp lão vô cùng. Bà thậm chí còn chưa có da đồi mồi, má và môi thì vẫn còn ửng đỏ lắm. Diệu Huyền thường được bà ôm hôn mỗi sáng, bà chải tóc và khen cô bé thật nhiều. Có lẽ đó là món quà đều đặn hàng ngày cô nhận được sau tiếng rao và tiếng chim kia.
– Con có mái tóc đẹp lắm. Tóc này gọi là tóc mây này. Tiếc là con đã cắt ngắn đi. Ngày xưa bà còn trẻ như con, tóc bà cũng đẹp lắm…
– Vâng ạ. Diệu Huyền đáp lại bà cùng với một nụ cười thật tuơi.
– Để xem hôm nay cháu bà có gì ăn nào. Bà Nga nói xong thì ôm Diệu Huyền vào lòng và hôn nhẹ lên tóc cô.
– Cháu ra tận quán bên kia đường để mua phở cho cháu nó đấy. Hai bà cháu động viên nhau ăn sáng nhé. Nghỉ ngơi một chút rồi chuẩn bị tiêm và truyền thuốc – Bà Diệu Hương nhanh nhảu xen vào giữa hai bà cháu.
Ba người, khoảng cách tuổi tác hiện rõ trên gương mặt nhưng dường như đang có chung một nụ cười. Một nụ cười nhen nhóm, một nụ cười gắng gượng sưởi ấm những nỗi lòng lạnh giá. Họ cùng ăn và nói chuyện trên giường bệnh, buổi sáng nào cũng vậy. Diệu Huyền luôn cố gắng để bà Diệu Hương được an lòng về mình. Bởi vây lúc nào cô cũng cố gắng ăn một chút và cười một chút, vừa đủ để bà không phải lo lắng.
Chiếc xe đẩy chở đầy những lọ thuốc, những hóa chất và kháng sinh, những kim tiêm, băng cồn đang tiến dần đến buồng của Diệu Huyền, có lẽ là còn khoảng 2 dãy buồng nữa. Cô ngồi yên trên giường, mắt nhìn ra cửa sổ, nhìn vào khoảng xanh trên cao và chờ đợi. Ngang với ô cửa sổ nơi cô nhìn ra là một cây nhãn, xung quanh là một khoảng sân rộng với rất nhiều cây, có lẽ cây cối trong vườn nhiều tuổi hơn cả tuổi của cô. Phía trên cao là bầu trời thu trong xanh, đôi giọt nắng rẽ lá nhún nhảy theo gió và lọt xuống khung cửa sổ nơi cô đang hướng mọi giác quan về đó. Một con ốc sên. Một tiếng reo vang lên trong tâm trí cô bé còn tấm thân thì tưởng như đang bất động. Diệu Huyền quyết định rời khởi giường, đặt đôi bàn chân trần xuống nền nhà và ra sát cửa sổ để được nhìn rõ hơn con ốc sên đang nằm trên cành nhãn khô. Nó đang ngoe nguẩy cái đầu với hai cái sừng mềm nhũn của mình. Cô bé không thể rời mắt khỏi điệu múa của con ốc sên được. Lúc này Diệu Huyền đang là khán giả duy nhất xem một màn múa tuyệt vời. Và vũ công là một con ốc sên bé tí tẹo. Tưởng như quên hết mọi chuyện đang diễn ra xung quanh, cô quên mất nơi mình đang đứng, quên cơn sốt và cái hạch, quên mất là chiếc xe đang dừng ngay trước buồng bệnh của mình.
- Diệu Huyền, em lên giường đi để chị tiêm nhé. Hôm nay em sốt nên có truyền cả kháng sinh nữa. Kể từ mai bác sĩ sẽ cho em truyền hóa chất 1 tuần. Em biết chưa?
– Dạ vâng, thưa chị.- Diệu Huyền giật mình sau tiếng gọi và ngoan ngoãn lên giường, đồng thời lắng nghe những thông tin của chị y tá.
– Em nói mẹ chuẩn bị bô nhé. Kể từ mai em truyền nhiều thuốc hơn và em nên hạn chế đi vệ sinh bên ngoài, hạn chế tắm gội nữa nhé.
– Vâng ạ, em nhớ rồi.
Chị y tá lấy máu của Diệu Huyền đi xét nghiệm. Cứ cách 2 ngày người ta lại lấy máu đi xét nghiệm 1 lần. Cô nằm yên trên giường, thuốc nhỏ từng giọt đều vào mạch máu. Hôm nay Diệu Huyền nằm hướng ra cửa sổ, cô truyền thuốc vào tay trái. Cô thích được truyền bên tay trái để được nhìn rõ bầu trời. Có lẽ vì vậy mà tay trái của cô bé nhiều vết chích hơn tay phải. Chờ cho chị y tá đi khuất, Diệu Huyền lại hướng mắt ra phía cửa sổ tìm con ốc sên. Nó đã không còn múa máy gì nữa. Có lẽ nó đã giật mình và xấu hổ . Nó biêt bị phát hiện khi nghe tiếng chị y tá gọi tên Diệu Huyền.
Diệu Huyền nằm truyền thuốc và thiếp đi lúc nào không hay. Cô mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong hình hài của đứa trẻ 10 tuổi, cô một mình trong khu vườn đầy sương, một khu vườn có những khóm hoa hồng và hoa cúc dại mọc tràn ra cả lối đi. Trên tay cô là một chiếc lá dài và một bông hoa hồng màu trắng. Đứa trẻ Diệu Huyền ấy bước đi với đôi chân run rẩy. Theo lối mòn, cô bước đi và dừng lại trước một chiếc cầu nhỏ bắc qua một cái mương. Phía bên kia là một con ốc sên khổng lồ đang nhảy múa. Nó to khủng khiếp và đang vươn cái vòi dài ra và uốn éo theo điệu nhạc nào đó mà chỉ nó mới có thể cảm nhận được. Không chút hoảng sợ, đứa trẻ Diệu Huyền bước qua chiếc cầu nhỏ và ngồi xuống một phiến đá đặt ngay ngắn dưới cây mận với đầy những quả chín mọng. Cô bé cất tiếng hát cố ý để cổ vũ và giúp con ốc sên nhưng dường như không ai nghe thấy tiếng của cô. Con ốc sên tưởng như chỉ có một mình vẫn say mê với điệu múa kỳ lạ. Cô bé tuyệt vọng đến mức bật khóc. Cô cảm thấy sự cô độc hiện hữu. Buông thõng đôi tay, cô đánh rơi chiếc lá và đóa hoa hồng trắng. Con ốc sên bỗng dưng im bặt. Nó ngừng nhảy múa và thu mình vào vỏ ốc. Đứa trẻ Diệu Huyền ôm mặt khóc nức nở và lại ngủ thiếp đi. Khi tỉnh giấc cô thấy mình và Thái đang ngồi dưới tán cây nhãn. Anh đang ngậm chiếc lá và thổi một khúc nhạc buồn lắm. Lúc cô ngồi dậy và tròn mắt nhìn thì anh ngừng thổi. Đặt vào tay Diệu Huyền bông hồng trắng, anh đỡ cô bé ngồi cạnh mình. Xòe ra trước mặt anh những viên kẹo xanh đỏ, Diệu Huyền nở một nụ cười. Cả hai cùng ăn và ngắm nắng rọi chiếu qua những chiếc lá đan dày trên cao.
Đã gần 12 giờ trưa, một giọng nói thân thuộc vang lên giữa mông lung :
- Dậy đi con. Truyền thuốc xong rồi. Con có mệt không, con ra mồ hôi nhiều quá. Nóng quá! Để mẹ gọi bác sĩ.
Diệu Huyền mở mắt ra, cô đang nằm trên giường bệnh, mẹ đang chạy đi vội vã. Nhìn ra phía ô cửa sổ, cô thấy con ốc sên nằm chết khô dưới nắng.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
@ Diệu Thuần à, em viết truyện ngắn cũng được lắm bởi em có đôi mắt quan sát tinh tường, văn viết có hình ảnh, tự nhiên, mượt mà, giàu cảm xúc. Cô thích nhất những đoạn miêu tả nội tâm em viết. Qua những đoạn văn ấy, cô nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của em.
Nếu có điều cần góp ý thì cô thấy nhan đề truyện" CON ỐC SÊN" chưa phù hợp, chưa tương xứng với dung lượng câu chữ em giành cho nó. Nên bớt những chi tiết không liên quan đến chủ đề em ạ.
CHÚC MỪNG EM- MONG EM LUÔN LẠC QUAN YÊU ĐỜI, YÊU THƠ VĂN NHÉ EM!
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Cháu cảm ơn sự góp ý và động viên của cô. Đây là truyện đầu tiên cháu viêt, còn nhiều sai sót lắm ạ. Cháu sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn và sửa những lỗi hiện có...Cháu cảm ơn cô rất nhiều ạ.
Cháu xin chúc cô nhiều sức khoẻ và hạnh phúc.
Kính mến!
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Đây là truyện ngắn thứ hai và cũng là truyện ngắn cuối cùng Diệu Thuần đăng trên Thi viện...Và có thể là bài cuối cùng...
Kính chúc các cô chú và anh chị em trong Thi viên thật nhiều sức khoẻ và hạnh phúc...
-----------------------------
ÁM ẢNH - truyện ngắn Hoàng Diệu Thuần
Hoàng Lan ngồi nép sau Trường trong quán café. Cô là khách quen còn anh là một người lần đầu tiên đến quán nhưng dường như cô đang cảm thấy có gì đó lạ lẫm khi ngồi trong cái không khí lúc nào cũng ồn ào và ngột ngạt ở đây.
- Cậu không được khỏe à?
- Không sao. Tớ vẫn ổn.
- Sao cậu lại dẫn tớ đến đây? Cái quán này đông quá và tớ không thích không khí ngột ngạt này.
Khói thuốc nghi ngút cùng với lời chuyện trò huyên náo của những người trẻ trong quán bắt đầu lấn chiếm không gian giữa hai người. Hoàng Lan không trả lời câu hỏi nửa trách móc nửa dò hỏi của Trường. Cô nhìn chăm chú người đàn ông gầy còm đang cặm cụi pha café cho khách. Cái nhìn có vẻ chăm chú nhưng Trường cảm nhận được sự vô hồn trong mắt cô.
Café Đinh là một căn phòng chật hẹp và cũ kỹ ở gác hai một căn nhà cổ hướng ra hồ Gươm. Quán lúc nào cũng đông, hầu như toàn khách quen và là những người trẻ. Không gian lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng hard rock và tiếng nói cười của khách. Hoàng Lan đến đây nhiều lần không phải vì cô ghiền rock hay để gặp bạn bè, cũng không phải vì café ngon và rẻ. Cô đến đây để lắng nghe một góc nổi loạn trong cô, để hòa nhịp với không gian ở đây. Cô vừa hân hoan vừa đau khổ, vừa cảm thấy được xoa dịu, thanh thản, vừa cảm thây tê buốt. Lần này cô cảm thấy trỗng rỗng và hụt hẫng.
- Có chuyện gì đúng không?
- Không có gì. Đừng nói gì cả. Hãy yên lặng. Một lúc nữa đi dạo chúng ta sẽ nói chuyện.
- Được rồi.
Hoàng Lan và Trường quen nhau đã hơn 3 năm. Cô quen anh qua một người bạn gái học cùng lớp đại học. Mặc dù Trường hơn cô 2 tuổi nhưng lúc nào cô cũng gọi cậu xưng tớ. Mối quan hệ này không có gì đặc biệt, nó không quá thân thiết, không quá hời hợt, một mối quan hệ dễ chịu, nhẹ nhàng. Hoàng Lan thích thú cảm nhận sự ngu ngơ của chính mình trong nụ cười của Trường khi nhìn cô. Hôm nay cô dẫn Trường đến đây vì muốn kể cho anh nghe một câu chuyện. Một câu chuyện mà đối với cô thật sự rất khó khăn để nói ra.
- Chúng ta ra hồ nha?
- Ừ
Hai người thoát ra khỏi Enter sandman của Metallica, Trường lặng lẽ nắm tay Hoàng Lan dắt qua đường đi ra hồ. Lúc này đã hơn 4 giờ chiều và vì đang là cuối thu nên nắng và gió dường như rất dịu dàng. Tiết trời Hà Nội những ngày này rất tuyệt.
- Sao cậu không nói gì? – Hoàng Lan đi bên cạnh Trường, mắt nhìn ra phía hồ và hỏi anh.
- Tớ chờ câu chuyện của cậu. – Trường dừng bước và ngồi lên chiếc ghế đá bên đường.
- Tớ muốn vừa đi vừa nói chuyện. Được không?
- Ừ được. Tớ chỉ sợ cậu mệt.
- Không sao. Tớ không mệt.
- Ừ.
Sự im lặng bỗng bao trùm giữa hai người. Trường bước đi bên cô gái bé nhỏ nhưng rắn rỏi ấy. Anh quen Hoàng Lan qua Hải Yến. Sự tò mò về một người con gái tóc ngắn chơi guitar và có nụ cười lém lỉnh đã khiến anh mạnh dạn tới những buổi tiệc nhỏ giữa Hoàng Lan và Hải Yến sau lần gặp đầu tiên. Dần dần cả ba trở nên thân thiết và anh trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả hai đứa từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Lúc này anh đang chờ đợi ở Hoàng Lan một câu chuyện, mà anh cảm nhận là đang quá sức chịu đựng của cô.
- Có lẽ tớ sắp chết.- Hoàng Lan run rẩy nói, không phải là một câu nói đùa như mọi lần.
Trường cảm nhận được sự đau đớn và hoảng sợ trong đôi mắt của Hoàng Lan. Anh lúng túng nhìn ra phía hồ, không nói được gì.
- Một người đàn ông lạ đã nói với tớ như vậy. Và tớ đã tin đó…
- Thật ngu ngốc! Sao cậu có thể tin vào lời nói của một gã ngoài đường. Câu có tỉnh táo không? - Trường ngắt lời Hoàng Lan. Anh không kiềm chế được lòng mình khi nghe những lời từ cô bé. Anh khựng lại như mắc lỗi và im lặng. Sự chờ đợi của Trường kéo không gian chùng lại và nghẹn đắng.
- Đúng vậy! Tớ đã suy nghĩ rất nhiều và thấy thật ngu ngốc khi tin vào lời người đàn ông đó. Chính vì vậy mà tớ cảm thây khó khăn để nói ra với ai đó. Nghe này! Có một sự trùng hợp.
Hoàng Lan ngồi xuống ghế đá và tiếp tục câu chuyện của mình.
- Trước khi gặp người đàn ông đó tớ đã hai lần mơ cùng một giấc mơ. Tớ đã chết, trên mộ tớ có đề rõ ngày tháng, đó là ngày 6 tháng 12 năm 2011.
- Rồi sao? - Trường run rẩy vì giận dữ vừa như cảm thấy bất lực trước ánh nhìn trở nên lạnh lùng của Hoàng Lan.
- Rồi tớ gặp người đàn ông đó vào ngày chủ nhật, khi tớ đi bộ từ nhà sách về. Ông ta đi ngược hướng với tớ. Gương mặt khắc khổ, trông chừng giống một người trải qua nhiều chuyện bất hạnh trong đời. Vì tớ nhìn thẳng phía trước nên thấy rõ gương mặt của ông ấy. Và tớ đã gần như chết đứng khi ông ta nói với tớ bằng một giọng nói lạ lùng nhất mà tớ từng được nghe “ Ngày 6 tháng 12 năm 2011”.
- Chỉ có vậy thôi ư? Chỉ có vậy mà cậu dám khẳng định rằng cậu sẽ chết vào ngày đó ư? Cậu là một con nhỏ ngu ngốc nhất thế giới! Cậu…
- Ừ. Có lẽ vậy. Lúc người đàn ông đó nói ra những lời đó tớ đã không phản ứng gì cả. Tớ dừng lại rồi đi tiếp, đi thẳng một mạch về nhà. Và tớ bị ám ảnh. Tớ biết tớ ngu ngốc nhưng tớ không thoát ra được cái cảm giác này. Tớ làm đủ mọi cách, nhưng tớ không thể.
Từng giọt nước mắt rơi xuống, lăn dài trên má Hoàng Lan. Trường ôm cô vào lòng. Anh chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với cô bé. Hai người đứng thật lâu như vậy, để mặc cho dòng người đi lại vô tình, để mặc cho thời gian đang trôi qua thật đều, thật chậm và chắc chắn không bao giờ quay lại.
Trường đưa Hoàng Lan về nhà. Anh chạy xe thật chậm tưởng như sợ cô bị đau với những cú xóc nhẹ nhất. Hoàng Lan dựa vào vai anh vờ như ngủ. Cô thấm mệt sau một buổi chiều đầy cố gắng để nói ra sự sợ hãi của mình. Chị Hoàng Ngọc đón cô ở cửa và mời Trường vào nhà.
- Hai đứa đi chơi về chắc đói rồi. Vào ăn cơm rồi về nha Trường?
- Hai đứa em ăn rồi. Chị đưa Hoàng Lan lên gác nghỉ đi, em phải về luôn đây chị.
- Được rồi. Để chị đưa Hoàng Lan lên phòng. Em ở lại chị có chuyện muốn nói.
Nói rồi cô dìu Hoàng Lan lên gác và lo cho cô bé ngủ, bỏ lại Trường ngồi một mình trong phòng khách. Cảm giác bồn chồn lo lắng cứ nhịp đều theo tiếng quả lắc đồng hồ trên tủ. Anh hy vọng những sợ hãi của Hoàng Lan sẽ qua đi, anh thực sự lo cho cô.
- Em uống được rượu không? Chúng ta uống một ly nha em? – Tiếng Hoàng Ngọc trầm buồn vang lên khi cô đang từng bước xuống phòng khách.
- Cảm ơn chị, em còn phải chạy xe. Có chuyện gì không chị?
- Ừ. Con bé Hoàng Lan, em xem cái này đi.
Trường đón từ tay Hoàng Ngọc một xập giấy xét nghiệm. Bệnh nhân : Đào Hoàng Lan, 22 tuổi, chẩn đoán : bạch cầu cấp…
- Nó chưa biết gì đâu. – Hoàng Ngọc nói và không dấu dòng nước mắt đang lăn dài.
- Hôm trước chị đưa nó đi kiểm tra sức khỏe, chỗ tòa soạn nó xin vào làm đòi hỏi phải có giấy khám sức khỏe. Nó muốn đi làm thêm kiếm tiền mua sách để khỏi phải hỏi xin chị. Thế là sáng thứ 6 chị đưa nó đi, chiều nó vẫn đi học nên chị qua lấy kết quả hộ. Người ta bảo nó bệnh vậy đó. Chị chưa nói được với nó. Thứ 2 định đưa nó đi viện nằm điều trị mà chưa biết phải nói gì đây. Nhìn nó không có vẻ gì là đang bệnh cả, em thấy không? Chị phải làm sao đây? Chị biết ăn nói thế nào đây với bố mẹ chị?
- Em xin lỗi, em phải về đây. Chị nhớ bên cạnh Hoàng Lan, mai em qua.
Nói rồi Trường đứng dậy ra về. Anh không dám nhìn, không dám nghe thêm điều gì từ Hoàng Ngọc nữa. Anh chạy xe thật nhanh. Ngày 6 tháng 12 năm 2011 ám ảnh tâm trí anh.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook