Sau buổi tối hôm ấy, Hạnh liệt giường ốm liền hai tháng. Chinh mặc dù trong lòng nổi sóng nhưng anh vẫn kiên quyết không tới thăm Hạnh. Anh biết đó là cách duy nhất để anh chôn chặt mối tình đầu đầy đau đớn. Hạnh nằm trên giường chỉ muốn vùng dậy chạy đi tìm Chinh để hỏi cho ra nhẽ. Ông Huân cố gắng gần gũi, an ủi con. Hạnh thổn thức hỏi ông: “Bố, con chỉ muốn biết tại sao, tại sao?” “Con ạ, Chinh là một người tốt. Nó chắc chắn phải có lý do riêng của nó”. “Bố đã nói chuyện với anh ấy rồi phải không?”. Ông Huân im lặng thương xót nhìn con vẻ có lỗi. Ông nói: “Chinh nó cũng đang rất đau khổ. Con cần biết rằng không phải nó không yêu thương con mà là nó bắt buộc phải làm như vậy. Nó làm vậy là vì con”. “Vì con, vì con sao?” “Bố nhớ có một triết gia đã từng nói, trái tim của người đàn ông chân chính là nấm mồ của những điều bí mật. Chinh nó là một người đàn ông chân chính”.
Cả nhà xúm vào chăm sóc Hạnh. Thủy cũng thường xuyên qua an ủi bạn. Cô tìm Chinh khắp nơi. Gặp được Chinh, cô cũng tìm đủ mọi cách khai thác bắt Chinh phải trả lời bằng được tại sao, nhưng cô chỉ vấp phải một bức tường im lặng đau khổ. Nhìn người đàn ông mình thương yêu đau đớn đến khắc khoải, cô cũng chua xót trong lòng.
Tiến thường xuyên qua lại chăm sóc Hạnh. Anh không thể bỏ lỡ cơ hội. Anh thầm yêu cô từ thời còn nhỏ, từ thời Hạnh mới chỉ là cô bé nhí nhảnh nhảy nhót tung tăng. Tình yêu đó không phai nhạt mà lớn dần lên theo năm tháng. Anh sẵn sàng chấp nhận có thể Hạnh không yêu anh hoặc Hạnh không yêu anh bằng Chinh. Anh sẵn sàng chấp nhận mọi quá khứ của Hạnh.
Mãi không thể có được câu trả lời rõ ràng, thời gian dần đã biến tình yêu của Hạnh dành cho Chinh thành nỗi căm hận. Cô quyết định mình phải khỏe lại, mình phải đứng dậy và trả thù. Tính nết ngựa hoang bất trị trỗi dậy kết hợp với lòng căm hận làm cô mù quáng. Cô sẽ trả thù bằng những hành động của mình để chứng tỏ cho Chinh thấy rằng, Chinh chả là gì đối với cô. Trở dậy từ giường bệnh, cô bắt đầu đi chơi bạn bè. Cô biến đổi hoàn toàn. Cô tìm đến kết bạn với đám thanh niên mới lớn. Cô cắt tóc ngắn, thay đổi cách ăn mặc theo kiểu dân chơi. Vẻ dịu dàng của cô đã thay bằng sự ngổ ngáo. Tiến luôn theo sát cô trong những hành trình ăn chơi ấy. Hai người có vẻ hợp nhau. Mọi việc biến đổi quá nhanh chóng. Cô không còn lại dấu vết gì khi xưa nữa. Cô nhận lời yêu Tiến. Năm tháng sau kể từ ngày chia tay Chinh, hai gia đình tổ chức đám cưới cho Tiến và Hạnh.
Đêm tân hôn, Tiến vui sướng không ngờ. Người đàn bà của Tiến vẫn còn con gái. Nhưng Tiến cũng không ngờ rằng, anh chỉ làm chủ được thân xác còn không thể làm chủ được tâm hồn, không thể làm chủ được xúc cảm của người đàn bà ấy.
Hạnh những đã tưởng rũ bỏ được hình bóng Chinh. Nhưng không phải. Không bao giờ cô có thể tưởng tượng được rằng, khi nằm bên Tiến, khi hai người làm tình, mỗi khi nhắm mắt cô lại thấy hiện ra hình bóng của Chinh trên đỉnh màn. Cô không thể có được cảm xúc toàn vẹn khi quan hệ với Tiến. Mặc dù về thể xác cô chưa bao giờ đi đến tận cùng với Chinh, nhưng cảm xúc đi tới tận cùng thì cô chỉ có thể có được khi ở bên Chinh mà thôi. Mất Chinh, cô cũng đã mất đi cảm xúc này. Cô cũng đã cố gắng đi tìm lại cảm xúc tận cùng đó. Nhiều lúc cô tưởng đã sắp đạt tới nó, sắp nắm chặt được nó, thì hình bóng Chinh trên đỉnh màn lại xuất hiện làm cô xẹp lép.
Thời gian càng ngày càng làm Tiến chán nản. Anh biết Hạnh không có cảm xúc với mình. Anh đã cố gắng hết sức tìm mọi cách cải thiện vấn đề, nhưng người đàn bà của anh vẫn chẳng thể hòa điệu cùng anh. Trên giường, anh vẫn chỉ là diễn viên độc diễn. Anh vẫn rất yêu Hạnh. Anh thề rằng anh sẽ chỉ có mỗi mình Hạnh mà thôi. Nhưng anh thực sự chán nản. Sự chán nản khiến anh đi tìm cảm giác bù đắp từ những nơi khác.
Chinh đã vào Tây Nguyên công tác. Anh lao vào công việc. Dùng sự nặng nhọc, vất vả để ép mình không còn nghĩ gì về quá khứ buồn nữa.
Hai mươi tư năm sau. Cuộc hội thảo về chiến lược phát triển đồ gỗ được tổ chức tại Thành phố Buôn Mê Thuột. Đến dự bao gồm đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện chính quyền một số tỉnh thành phố và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ có tiếng trong toàn quốc. Chinh là một trong những thành viên Ban Tổ chức. Anh hiện là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Thiên Ân, một tập đoàn kinh doanh nhiều ngành nghề: đồ gỗ, sắt thép, cao su, bất động sản, tài chính... Tập đoàn của Chinh khởi sự bước đầu từ đồ gỗ tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc.
Nhận được bằng tốt nghiệp, Chinh vào Tây Nguyên xin được làm việc ở một lâm trường cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Thời đó, cán bộ có trình độ đại học mà vào công tác tại những vùng sâu, vùng xa là rất quý hiếm. Cả lâm trường hơn ngàn cán bộ, công nhân chỉ có ba người tốt nghiệp đại học. Trong ba người có hai người tốt nghiệp đại học từ thời chế độ ngụy cũ. Lý lịch gia đình cách mạng, bộ đội, đảng viên, thương binh, Đại học Kinh tế của Chinh quả là quá sáng. Chinh được các đồng chí lãnh đạo chú ý đào tạo để trở thành người kế cận.
Chinh cũng cố gắng hết mình cống hiến cho đơn vị. Ngoài việc để quên đi chuyện cũ thì thanh niên như Chinh thời đó hầu như ai cũng sống với lý tưởng cách mạng mạnh mẽ. Năm năm sau, Chinh được đề bạt làm Phó Giám đốc Lâm trường. Nhưng hai năm sau nữa anh đã xin thôi việc, bỏ Nhà nước ra ngoài làm bởi anh đã mâu thuẫn nặng với Giám đốc, sếp trực tiếp và là người đã nâng đỡ anh.
Chinh bán hết tài sản đang có, vay mượn thêm để mở một xưởng sản xuất đồ gỗ, lúc ban đầu chỉ là sản xuất đồ dùng học sinh. Nguyên liệu rất sẵn là gỗ cao su đã hết thời gian khai thác mủ. Công việc phát triển dần, anh cổ phần hóa, mở rộng sản xuất, mở ra thị trường xuất khẩu, tiến vào các ngành kinh doanh khác. Ngành nào cũng mang lại thành công cho anh. Hiện tập đoàn anh đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, doanh thu hàng năm hàng trăm ngàn tỷ đồng, là một trong những tập đoàn ngoài quốc doanh hàng đầu trong nước.
Thay mặt Ban Tổ chức, Chinh ra sân bay đón Đoàn công tác của Bộ Công thương. Bóng áo dài thướt tha bước ra khỏi cửa đón của sân bay. Người phụ nữ cỡ cuối ba đầu bốn, dáng vẻ khỏe mạnh, tự tin. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía người phụ nữ xinh đẹp. Chinh cũng phải liếc mắt nhìn. Quả thực nếu nhìn người phụ nữ từ phía sau thì không ai dám bảo chị đã qua tuổi bốn nhăm. Người cán bộ đứng cạnh nhắc Chinh: “Anh, là chị Thủy Vụ trưởng Vụ Đa biên, Trưởng đoàn”. “Thủy, đúng Thủy rồi. Em vẫn xinh đẹp, trẻ trung vậy sao?” Chinh thầm thốt lên trong lòng. Anh bước tới, giơ tay ra bắt tay Thủy. Hai người lặng nhìn nhau hồi lâu rồi đột ngột cùng bước tới ôm chầm lấy nhau. “Anh Chinh”, “Thủy” hai người cùng vui mừng thốt lên.
Buổi hội thảo diễn ra suôn sẻ. Cuộc chiêu đãi buổi tối tại Khách sạn năm sao duy nhất của Thành phố. Sau khi cụng ly qua loa một lượt, Chinh đến chỗ Thủy. “Về thăm nhà anh chứ?” “Vâng, tất nhiên rồi. Anh chờ em chút để em dặn lại anh em”.
Chinh tự lái xe đưa Thủy về nhà chơi. Anh mở cửa kính xe để Thủy cảm nhận không khí mát lạnh, tinh khiết của cao nguyên. Chiếc ô tô dừng tại một biệt thự nhỏ nhưng sang trọng ở ven thành phố.
“Cháu chào cô ạ” một thằng bé khôi ngô, khỏe mạnh, mắt tròn to đen láy cất tiếng chào khi Chinh và Thủy bước vào nhà. “Là con trai anh, cháu 10 tuổi rồi” Chinh nói. “Thế mẹ đâu con?” Thủy xoa xoa đầu thằng bé và hỏi. Chinh nhẹ nhàng trả lời thay con: “Mẹ cháu mất rồi... khi sinh ra cháu”.
Khoảng hơn chục năm trước, khi công việc kinh doanh đang trên đà thuận lợi thì sức khỏe của Chinh xuất hiện nhiều vấn đề. Đầu anh nổi lên cục u, các khớp xương đau nhức, đau dây thần kinh tọa, hệ tiêu hóa hay rối loạn, dạ dày thường nóng rát, tim thỉnh thoảng đau nhói. Anh đã đi khám khắp nơi, uống đủ các thuốc đông tây y nhưng các loại bệnh không đỡ.
Lái xe cho Chinh, Y Doan, một chàng trai người dân tộc Ê đê hiền lành, chất phác, một hôm nói với Chinh: “Anh thử về nhà em một chuyến. Ông già em là thầy lang dân tộc đã từng chữa được nhiều loại bệnh hiểm. Nhưng anh phải bố trí một thời gian để ở tại chỗ cho ông cụ chữa trị”. Có bệnh thì vái tứ phương. Chinh sắp xếp công việc cho cấp dưới làm rồi đi cùng Y Doan.
Đi về nhà Y Doan mất gần ngày đường. Đường sá gập ghềnh, quanh co luồn dưới các tán lá rừng. Đến một buôn hẻo lánh gần ngã ba biên giới phải gửi lại xe ô tô. Y Doan mượn xe máy của người quen, đèo Chinh theo một con đường mòn nhỏ, đôi chỗ phải xuống bốc xe qua suối, cũng hơn hai tiếng mới đến nơi.
Một bản làng với hơn chục nóc nhà hiện ra. Các ngôi nhà trông như những con thuyền đi biển ẩn hiện giữa những tàng lá xanh ngắt. Giữa làng một ngôi nhà rông với mái lá dèn dẹt tựa như một cánh buồm lớn cao vút lên. Sau này Chinh mới được biết, truyền thuyết Ê đê kể lại rằng tổ tiên họ đến từ hải đảo. Làm nhà hình thuyền là để biết về cội nguồn và để con cháu không được quên nguồn gốc tổ tiên. Cả buôn làng có vẻ vắng lặng, cỏ mọc hoang dại nhiều nơi. Hình như nhiều căn nhà bỏ hoang.
Thực tế cả buôn làng chỉ còn lại đúng một bếp. Y Doan nói, các bếp khác đã di cư về gần các trung tâm dân cư, người già không đi còn ở lại thì đã chết hết, hiện chỉ còn mỗi bếp nhà Y Doan mà thôi.
Xe máy dừng lại trước một ngôi nhà sàn đang có làn khói bếp mỏng tỏa ra từ đầu hồi. Làn khói bếp loảng thoảng hòa lẫn với sương chiều trong một không gian tĩnh mịch làm Chinh có một cảm giác thư thái, thoải mái. Đầu hồi nhà, hai cái thang gỗ đẽo nguyên cây tỳ khoảng giữa lưng vào sân sàn đón khách. Mỗi thang có bẩy bậc. Thang, một cái to, một cái nhỏ. Y Doan bảo Chinh lên nhà bằng thang to, còn anh lên bằng thang nhỏ. Trên đầu cái thang to có đẽo ba khối hình. Một khối ở bên trên là hình vầng trăng khuyết. Hai khối còn lại ở bên dưới song song nhau là hai bầu vú với hai núm tròn xinh xinh chính giữa. Các khối hình được tạc khắc vô cùng biểu cảm. Chinh phải khống chế lại cảm giác muốn đưa hai tay chụp lấy hai bầu vú để đu người lên. Sàn nhà được ghép từ những thanh lồ ô đập dẹp. Vách nhà được làm bằng những phiến tre nứa đan kết lại với nhau. Vách không đứng thẳng mà hướng nghiêng ra phía ngoài, trông tựa như mạn thuyền.
Bước vào gian đầu tiên, Chinh nhìn thấy một ông già da dăn deo đang ngồi bên bếp lửa, mồm vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa ngậm tẩu thuốc, vẻ thung dung tự tại. “Con chào A ma Doan” Chinh cất lời. (Người dân tộc Ê đê, bố mẹ khi có con thì gọi theo tên con. A ma Doan là bố của thằng Doan). Ông già gật gật đầu cười và chỉ chỗ cho Chinh ngồi xuống cạnh ông.
Một bên vách tường có treo bảy chiếc chiêng, bốn cái phẳng, ba cái có núm. Đây là đủ một bộ cồng chiêng. Bên vách kia cũng treo rất nhiều nhạc cụ, đàn klong pút, đàn t’rưng, đàn goong, brook oot, boong boông tơlit... Rất nhiều đầu thú vật, giáo, khiên, xà gạc và mấy cái nỏ to nhỏ các cỡ treo rải rác khắp nhà. Nhìn các đồ vật treo trên tường, Chinh biết ngay chủ nhân trước đây đã có một cuộc sống oai hùng và sôi động.
Nhà khá dài, có mấy gian, nhưng không có một vách ngăn nào cả. Dọc theo hai bên vách nhà còn đặt một chiếc ghế rất dài bằng gỗ cây nguyên khối, mặt trên đẽo phẳng và một con thuyền độc mộc cũng bằng gỗ cây nguyên khối và cũng dài như thế. Chiếc thuyền độc mộc đặt trong nhà chỉ là biểu tượng để nhớ về tổ tiên.
Y Doan bảo Chinh đi rửa chân tay cho mát mẻ. Chinh bước ra sàn ngoài múc nước trong một cái ghè gốm rửa mặt. Lúc này sương chiều đã xuống lãng đãng, không khí rừng núi hơi lành lạnh. Từ một con đường mòn nhỏ trong rừng đi ra một thiếu nữ, sau lưng chiếc gùi đang đung đưa. Cả người cô ở trần, chỉ cuốn độc một chiếc váy màu chàm sẫm với những dải hoa văn nhiều màu sắc. Khuôn ngực với hai cặp vú săn chắc vươn cao. Trên đỉnh là hai núm vú nho nhỏ màu nâu nhạt lắc lư theo nhịp bước chân. Cô vừa đi vừa vô tư hát, giọng trong trẻo, lảnh lót.
“Đung đưa đung đưa, xích gùi đung đưa, H’ren lên rẫy Rung reng rung reng, chiếc vòng công tua, H’ren lên rẫy ........... Em đi chỉa bắp, hay hái rau rừng, vui chi em hát...”
Hình ảnh và tiếng hát đã tưới một làn nước mát rượi vào tâm hồn cằn cỗi của Chinh. Anh cảm giác, trong cơ thể anh có những tia nước mát nhỏ xíu đang luồn lách qua từng tế bào và râm ran chạy tới tận từng lỗ chân lông. Buổi chiều rừng núi lành lạnh, thiếu nữ ở trần mờ ảo, sương trắng lãng đãng trôi ngang sẽ là một ấn tượng khiến Chinh còn nhớ mãi.
Thiếu nữ uyển chuyển bước tới gần. Bây giờ thì Chinh đã nhìn rõ hơn. Cô tuổi độ trăng tròn, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to mở vẻ nai con ngơ ngác, môi trên hơi uốn cong lên một chút tạo vẻ nhí nhảnh, làm nũng. Một lọn tóc đen mượt mà thả xuống ngang ngực. Da không đen mà có màu sáng mịn màng. Trên ngực cô đeo một chiếc vòng bạc. Cổ tay, mấy chiếc vòng đồng va vào nhau kêu leng keng leng keng theo nhịp bước.
Nhìn thấy Chinh cô cười tươi rói và nói mấy câu tiếng dân tộc. Chinh không hiểu. Anh bảo: “Chào em, anh là bạn Y Doan”. “Ô, Y Doan, Y Doan, con chim phí còn nhớ rừng, sao anh lâu mãi thế không về?” cô kêu to. Y Doan bước ra cười nói: “Ô, em gái H’anna của anh, em lớn nhanh như cây kơ nia, đẹp như bông hoa mới nở rồi”.
Ông già thăm bệnh và hỏi han rất kỹ công việc và quá khứ của Chinh. Ông nói bệnh Chinh có thể chữa được, nhưng trước hết phải ở đây một tháng và sau đó khoảng hai tháng một lần lại đến ở mười ngày để ông trị bệnh, đến khi nào hết mới thôi. Sáng hôm sau, Y Doan trở về Buôn Mê Thuột, chỉ còn Chinh ở lại cùng A ma Doan và H’anna.
Buôn làng là một vùng đất cây cối um tùm, tương đối cao hơn so với khu vực xung quanh. Nó nằm giữa một hệ thống suối nhỏ bắt nguồn từ một con suối lớn bị xẻ ra làm nhiều nhánh vây bọc quanh lấy buôn làng. Chính vì thế, bước ra khỏi nhà là thấy rất nhiều suối với những ghềnh đá gập ghềnh. Từng đàn cá suối nhỏ bé bơi thò thụt quanh các hốc đá. Những đám rau dớn mọc tự nhiên kết thành từng búi ven bờ suối. Rau dớn là loại rau được người Tây nguyên coi là “rau vua”, chuyên dùng để đãi khách. Vị rau ngon khác lạ, ăn sần sật, có vị ngọt lại có cả vị chua chua chan chát.
A ma Doan hàng ngày đi rừng hái thuốc. Thỉnh thoảng cũng có những người ở các bản làng xung quanh đến chữa bệnh. Họ đến khám, lấy thuốc rồi về ngay. A ma cho Chinh uống nước nấu từ vài loại lá rừng tươi. Từ khi uống nước này, nước tiểu của Chinh có màu xanh hơi nhạt.
Được vài hôm, A ma bảo H’anna dẫn Chinh đi tới một nguồn suối nước nóng sâu trong rừng để tắm. Cô dẫn Chinh đi theo một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu . Trên đường đi có một khoảng rừng dày đặc nằm phía bên trái. So với xung quanh thì cây ở đây toàn là cổ thụ, to lớn và cao vút, dây leo chằng chịt. Cây cối um tùm tạo ra một khoảng không gian kín mít, tối om. H’anna dặn Chinh không được vào Khu rừng đó. “Anh Chinh à. Không vào được Khu rừng đó đâu. Con ma rừng trong đấy nhiều lắm đó. Vào đấy nó bắt đó” H’anna nói. Chinh gật gật đầu.
Cuối cùng hơn một tiếng sau cũng đến suối nước nóng. Một hõm núi mù mịt hơi sương nóng bỏng và róc rách tiếng nước chảy. Vũng nước đầu nguồn kêu ục ục thả ra từng đám bong bóng khí. H’anna bảo Chinh phải cởi hết quần áo ngồi xông hơi ngay đầu nguồn. Chẳng khác gì một phòng tắm hơi, nhưng còn hơn phòng tắm hơi ở chỗ, đây là không khí tự nhiên, hoàn toàn trong sạch chứ không tù đọng, ô nhiễm. Mồ hôi Chinh toát ra như tắm. Khoảng hơn hai tiếng sau, H’anna kêu Chinh ra ngoài nằm ngâm mình ở một đoạn suối nước có nhiệt độ thấp hơn so với đầu nguồn. Cô bắt anh phải ngâm kín cả người kể cả đầu tóc. Miệng anh ngậm một đoạn ống tre rỗng để thở. Anh nằm ngâm mình khoảng hơn tiếng rồi theo H’anna quay về. Sau mỗi lần xông hơi Chinh như bị vắt kiệt sức, các tế bào thân thể bị cạn hết nước. Nhưng khi nằm ngâm mình trong nước suối ấm áp đang chảy, mồ hôi được tẩy sạch và đồng thời nước ấm lại ngấm vào từng tế bào trả lại nước cho cơ thể anh. Nước bị vắt ra là nước độc, nước ngấm vào là nước khoáng tinh khiết đầy các nguyên tố vi lượng cần thiết. Ngâm mình xong anh cực đói. Cơ thể tựa hồ hết sức sống. Nhưng mỗi lần về nhà cơm nước xong, lấy lại được sức lực, anh thấy người sảng khoái vô cùng. Xông hơi được vài buổi, Chinh nhận ra cơ thể mình bắt đầu dần tiết ra một loại mồ hôi có màu xanh nhàn nhạt, nhơn nhớt và có mùi hôi hết sức khó chịu. Chỉ đến khi nằm ngâm mình trong nước suối xong, làn da anh mới được tẩy rửa sạch sẽ, thơm tho trở lại. H’anna chỉ dẫn Chinh đi lần đầu còn những lần sau anh tự đi.
Được vài hôm, Chinh bỏ không mặc quần áo nữa. Anh mượn ông già cái khố để đeo hàng ngày. Ở giữa rừng núi như thế này, mặc quần áo có vẻ vướng víu. Hơn nữa ở cùng hai người suốt ngày chỉ đóng khố và ở trần cuốn váy mà mình cứ quần áo thùng thình kể cũng tự cảm thấy mình khác biệt. Lịch trình của Chinh hàng ngày là, sáng sớm tập thể dục và luyện lại các bài võ, ăn sáng xong đi tắm hơi. Chiều giúp A ma việc nhà hoặc cùng H’anna đi rừng, đi rẫy. Anh cũng nhờ A ma hướng dẫn cách dùng nỏ. Chiều chiều đi cùng H’anna thấy chim thì lấy nỏ ra bắn. Nắng rừng đã hun cho làn da anh đen bóng. Chinh đã trở thành một chàng trai Ê đê chính cống. Sau ba tuần cơ thể anh đã lấy lại được khoảng 80% sức lực khi xưa. Các khớp xương đã bớt đau nhức, tiêu hóa tốt, tim không còn nhói đau nữa. Bệnh tật đang bị đẩy lùi.
Sáng còn đang mờ sương, con chim rừng còn chưa thức giấc, Chinh đã thức dậy ra bãi đất trống trước nhà luyện võ. Anh luyện cật lực. Chỉ một lúc sau người anh đã nhoáng mồ hôi. “Anh Chinh à, người anh đẹp như người con bò rừng. Con trai núi rừng cũng không đẹp bằng anh đâu” H’anna đi lên rẫy bước qua Chinh nói. Quả thật cơ thể Chinh tuy không to lực lưỡng như vận động viên thể hình, nhưng người anh săn nhỏ, các múi thịt nổi gồ lên rắn chắc. Khi anh múa võ, có thể thấy rõ từng sợi cơ đang chuyển động. H’anna đứng lại, ngón tay nhẹ nhàng di di mấy vết sẹo trên cơ thể bóng nhẫy của Chinh. Cô hỏi: “Cái này sao vậy?” “Anh bị thương ngày xưa khi đánh nhau với bọn Pôn Pốt”. “Anh Chinh chắc đau lắm nhỉ?” “Ừ, nhưng đã qua rồi em”. “Ôi, H’anna thương anh quá”.
Người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Con gái chủ động chọn chồng và xin cưới nên các cô gái không bao giờ có thái độ e lệ, xấu hổ như con gái dưới xuôi, họ nghĩ sao nói vậy tự nhiên như con chim kơ tia sà xuống ăn rẫy lúa vậy.
H’anna lại đung đưa chiếc gùi trên lưng. Mắt Chinh như bị hút vào cặp vú căng tràn nhựa sống đang lúc lẻo theo nhịp bước chân. Sau này Chinh có hỏi sao con gái Ê đê cứ ở trần vậy? H’anna khúc khích cười rồi nói: “Có cái gì đẹp, cái gì tốt phải khoe thôi. Có con rồi, hết đẹp rồi thì khoe cũng được, không khoe cũng được mà”. Thì ra là vậy, tốt khoe xấu che, quan niệm đơn giản và chuẩn xác của người Ê đê.
Một tháng đã qua mau. Chinh từ biệt A ma Doan và H’anna trở về Buôn Mê Thuột. Ông già đưa cho Chinh một bọc lá khô dặn nấu nước uống. Công việc rất bận và liên tục đi công tác, nhưng Chinh vẫn cảm thấy trống vắng. Anh nhớ về buôn làng, nhớ rừng núi, nhớ sương mờ lãng đãng, nhớ mùi vị thịt nướng của con chim rừng bên bếp lửa... Chỉ hơn tháng sau, anh đã bố trí công việc để quay lại buôn làng. Tây nguyên đã bước vào mùa mưa. Những cơn mưa rừng rầm rầm, khốc liệt chợt đến chợt đi.
Cơn mưa rừng khốc liệt đã làm Chinh rơi vào một tình huống khó xử.
Chinh từ từ mở mắt. Mắt anh chưa nhìn rõ, vẫn lòe nhòe. Có hai cái gì tròn tròn như hai trái bầu có núm lắc lư trước mặt. Đầu anh đang gối lên một cái gì đó mà sao mềm mại đến thế. Trán vẫn còn đau ê ẩm. Mùi hương thoang thoảng thật dễ chịu. Chinh hít dài một hơi. Không phải là mùi thơm da thịt con gái chứ? Đúng, mùi thơm con gái mà. Mà là con gái núi rừng. Nó có mùi của nắng, của gió, của cỏ hoa. Mùi thơm rất quen thuộc. Đúng H’anna rồi. Thường ngày, A ma Doan ngủ ở gian cạnh gian tiếp khách, sau đó đến gian của H’anna rồi đến gian của Chinh. Giữa các gian không có vách ngăn. Đêm rừng lành lạnh, đắp một chiếc chăn đơn, gió lạnh lùa dưới sàn len lỏi qua khe khở của những ống lồ ô đập dập làm Chinh khó ngủ. Cái nhẹ nhàng dìu anh vào giấc ngủ chính là mùi hương thơm thơm, dìu dịu con gái càng về đêm càng rõ của H’anna.
Chinh chỉ còn nhớ, lúc trước anh trượt ngã và có một vật gì đó đập xuống đầu anh. “Yàng ơi, xin Yàng thấy hồn vía anh Chinh ở đâu thì mang về đây. Xin Yàng hãy trả lại hồn vía cho anh Chinh, Yàng ơi, Yàng ơi” tiếng H’anna đều đều du dương. Hai tay cô đang đều đặn sát xoa trên ngực và bụng Chinh. Đầu Chinh đang gối lên đùi cô. Chinh mỉm cười: “Anh đã chết đâu em, sao mà gọi hời anh thế”. “Ô, anh tỉnh rồi. Người anh lạnh nước suối K’rông hoa thôi”. Đến bây giờ Chinh mới cảm thấy người mình đúng là đang lạnh ngắt.
Hôm nay, sau khi Chinh tắm suối nước nóng xong thì cơn mưa rừng ầm ập kéo đến. Đã biết rằng mưa rừng sẽ rất khủng khiếp nên Chinh cố chạy về nhà. Vừa tắm xong, đã đói đã mệt, cơ thể đang nóng bừng bừng lại bị nước mưa lạnh xối ào ào lên người nên chỉ chạy được một lúc là Chinh đuối sức. Theo bản năng anh đã chui vào khoảng rừng dày đặc bên đường để trú mưa mà không còn nhớ tới lời dặn của H’anna. Bên trong ánh sáng lờ nhờ nhưng vẫn nhìn rõ mọi vật. Và đúng là mưa ở đây đã đỡ rất nhiều sức tàn phá do có rất nhiều cây lá rừng chắn bớt lại. Thấy có nhiều cái nhà nhỏ con con nằm sát gần nhau như một buôn làng thu nhỏ, mỗi cái chắc chỉ đủ cho hai, ba người nằm sát cạnh nhau, anh chọn một cái chui vào. Trần nhà rất thấp, anh phải bó gối ngồi xuống. Bên trong vứt ngổn ngang rất nhiều đồ gia dụng và dụng cụ sản xuất, săn bắn, nhưng cái nào cũng bị hỏng. Đồ gốm thì bị vỡ, bị đục thủng lỗ, đồ sắt thì bị mẻ, bị cùn, đồ gỗ thì bị gẫy... Lại có tượng gỗ một con trâu chỉ nhỏ bằng một phần tư con trâu thật, tượng một con gà đang vươn cổ lên gáy. Ngoài nhà còn có mấy tượng gỗ hình người, cái đứng, cái ngồi. Đa số là tượng người ngồi, khuỷu tay chống gối, bàn tay chống cằm. Cũng có tượng đang ngồi bó gối, hình dáng ngồi giống hệt như Chinh bây giờ đang ngồi vậy. Tất cả các tượng đều có cùng một vẻ trầm mặc, suy tư, đau khổ. Một vài bức tượng đang đăm đăm ngó nhìn Chinh một cách hờ hững. Trời đã bớt mưa. Xung quanh sáng dần lên. Chinh thấy, bao quanh các ngôi nhà là từng đám hoa pét nở màu đỏ như màu máu. Những đám hoa mới nở mang sắc màu của máu tươi. Những đám hoa sắp tàn, màu sậm lại như màu tiết đông.
Chinh đang ở trong Khu nhà mồ. Đây là nơi linh thiêng của người Ê đê, an táng những người đã chết. Ngay cả những người thân còn sống cũng không lai vãng chốn này. Thường thì đối với mỗi người đã qua đời, người thân chỉ đến hai lần. Một lần đưa đi chôn và một lần làm lễ bỏ mả. Nhận thấy sự phạm húy của mình, mặc dù đang rất mệt và rét lạnh, Chinh cũng lần mò ra khỏi căn nhà tối. Khom lưng bước ra ngoài, ngón chân Chinh bấm chặt xuống đất lần từng bước đi. Anh đã tháo dép ra cầm tay. Anh trượt một cái ngã ngửa trên nền đất trơn nhẫy, nghiêng nghiêng. Có một vật gì đó đập bộp một cái rất mạnh vào đầu Chinh. Cú đập làm Chinh ngất lịm.
Mãi không thấy Chinh về nhà, H’anna như dự cảm thấy có chuyện xảy ra liền vội vàng chạy đi tìm Chinh. Chạy đến tận suối nước nóng vẫn không thấy Chinh đâu, cô đoán chắc Chinh đã vào Khu nhà mồ linh thiêng rồi.
H’anna nhìn thấy Chinh nằm sõng xoài dưới đất. Một bức tượng gỗ đang đè lên người anh. Trán anh, máu vẫn đang ri rỉ. Bê bức tượng quẳng qua một bên, sờ thấy người Chinh lạnh toát, H’anna liền ngồi bệt xuống đất, nhấc đầu Chinh đặt lên đùi mình. Cô vừa hát cầu xin Yàng trả lại hồn vía cho Chinh vừa dùng hai bàn tay chà sát, xoa xoa vùng ngực và bụng anh.
Sau này nghĩ lại sự việc Chinh mới biết, lúc trượt chân ngã, theo bản năng anh quờ tay ra tìm kiếm vật gì đó để nắm lấy. Không ngờ tay anh lại va phải chân một bức tượng gỗ. Bức tượng đổ sập xuống, đập đúng vào đầu anh.
Chinh vẫn nằm, đầu gối lên trên đùi non của H’anna. Người Chinh dần dần ấm lại dưới đôi bàn tay chà sát của cô. Cặp vú trinh nữ vẫn đung đưa phía trên mặt Chinh theo nhịp xoa tay của H'anna. Bàn tay H’anna đôi chỗ có chai sần. Mỗi khi chỗ chai sần đó chạm đến đầu vú Chinh thì làm anh nổi gai cả người. Hai bàn tay vẫn tiếp tục xoa xoa, xoa cả vùng rốn và dưới rốn. Từ huyệt đan điền một luồng khí nóng bắt đầu lan tỏa. Khí nóng lan tỏa râm ran xuống vùng bụng dưới. Dưới bụng Chinh nhảy lên một cái rồi từ từ ngóc đầu vươn dậy, dựng lều trong cái khố.
Chinh co hai chân lên để giảm áp lực trong khố. “Anh hết mệt rồi” Chinh thều thào nói và nhỏm dậy. Trong thâm tâm từ trước tới giờ Chinh chỉ coi H’anna như một cô em gái. H’anna là em gái của Y Doan, mà Y Doan thì Chinh coi như một người em trai vậy. Hơn nữa, Chinh hơn tuổi H’anna quá nhiều nên anh nghĩ, giữa hai người cũng khó có thể phát sinh tình yêu lứa đôi được. Đúng, Chinh rất yêu quý H’anna, nhưng đó là tình cảm dành cho cô em gái tinh nghịch, dễ thương. Tình cảm đó chưa bao giờ vượt quá giới hạn hay bị vẩn đục bởi tình yêu đôi lứa. Phản ứng tự nhiên của cơ thể ngày hôm nay làm Chinh cảm thấy có lỗi. Anh tự cảm thấy xấu hổ với chính mình.
Tưởng vậy là đã hết, nhưng số phận lại như vẫn tiếp tục trêu ngươi anh.
Thấm thoắt đã gần một năm. Cơ thể Chinh giờ đây không còn tiết ra chất nhầy màu xanh nhạt nữa, cả nước tiểu của anh cũng vậy, cũng đã trở lại màu sắc bình thường. U trên đầu đã biến mất. Các loại bệnh tật đã không còn quấy nhiễu anh nữa. Tây nguyên đang là mùa khô, mùa của lễ hội. Chinh và H’anna càng ngày càng quý mến nhau. Bên anh, cô như con chim chích rừng nhảy nhót tưng bừng. Mỗi lần kết thúc một đợt điều trị, Chinh đều cảm thấy luyến tiếc phải xa rời H’anna. Anh hay cười mỉm một mình mỗi khi nhớ tới những hành động tinh nghịch, giọng nói nhí nhảnh hay tiếng cười lảnh lót, vô tư của cô.
Đợt điều trị này, vừa đến được hai ngày thì H’anna rủ Chinh đi dự Lễ hội đâm trâu của người Ê đê được tổ chức ở một buôn đông dân nhất trong vùng, đi bộ cũng phải mất gần ngày đường mới tới. Hai người xin phép A ma. A ma đồng ý.
Sáng sớm, mặt trời chưa ngủ dậy, con gà trống còn chưa cất tiếng gáy, H’anna đã đánh thức Chinh dậy. Cô đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ mang đi. Khi hai người rời nhà, những giọt sương lóng lánh vẫn còn đang ngậm trên cành lá. Thấy hai người đi tới, chúng liền rơi lộp độp xuống đầu tóc dường như muốn trêu chọc hai người.
Mặt trời đã lên và leo dần lên đã gần đỉnh đầu. Hai người đi qua khoảng rừng toàn cây xà nu. Nhựa xà nu màu nâu óng ánh quyện chặt vào thân cây và tiết ra mùi hương thơm ngào ngạt. Đi qua rừng xà nu đến một thác nước. Thác nước cao chắc vài chục thước, trải dài hùng vĩ, thả những làn nước trong vắt tung bụi mịt mù đổ rầm rào xuống một hồ nước nhỏ. Quanh hồ là cả một rừng hoa pơ lang đang vào mùa trổ bông. Hoa pơ lang các loại màu sắc, nào đỏ thắm, nào hồng nhạt, nào trắng tuyết chen nhau, chen nhau đua sắc. Xa xa sườn đồi bên kia suối là thảm ngô (bắp) xanh ngắt đang cho ra những bắp sữa non. H’anna bảo hai người dừng lại ở đây ăn trưa.
Những bông hoa pơ lang thu hút vô số ong và bướm. Ong bay vù vù. Bướm lạng cánh qua lại rập rờn. Một con bướm nhỏ màu hồng cánh sen với những đường nét hoa văn rất đẹp đang đậu trên một đám lá gần chỗ hai người đang ngồi. Quả thật, xung quanh có rất nhiều bướm nhưng đây là con bướm đẹp nhất. “Anh ơi, bắt cho em con bướm kia với” H’anna chỉ vào con bướm đó. Chinh đứng dậy bước tới và nhẹ nhàng đưa tay tới từ đằng sau con bướm. Con bướm có đôi mắt rất to, tròn, lồi ra ngoài nên thị trường của nó quét được khoảng không gian rất rộng. Bàn tay Chinh đưa ra ở vào khoảng không gian khuất sau lưng bướm mà mắt nó không thể nhìn thấy được nên nó vẫn không biết là mình đang gặp nguy hiểm. Nào ai biết, có một câu chuyên ngụ ngôn kể rằng, bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng, còn người đi săn thì lại đang rình bắn chim.
Hai ngón tay Chinh vụt một cái đưa nhanh về phía trước và bắt được vào đuôi con bướm. Cũng ngay lúc đó một luồng sáng xanh lét từ trong đám lá vụt bay tới đụng vào mu bàn tay Chinh. Anh cảm thấy mu bàn tay mình đau nhói, bỏng rát.
Theo phản xạ, Chinh vẩy tay một cái, lằn sáng xanh vẫn lằng nhằng bám dính. Chinh vấy thêm một cái thật mạnh, nó mới rớt xuống đất. Thì ra là một con rắn lục. Con rắn to hơn ngón tay trỏ một chút, dài gấp rưỡi gang tay. Cả người nó xanh màu lá cây, chót đuôi có màu nâu đỏ. Con rắn ngoằn ngoèo dướn mình trên đất chạy.
Ngồi xem Chinh bắt bướm, chứng kiến từ đầu tới cuối sự việc, H’anna cũng phản xạ rất nhanh. Cô rút vội con dao rừng ra chạy đến chém một nhát. Con rắn đứt làm hai khúc. Phần đuôi rắn ngoe nguẩy ngoe nguẩy trên mặt đất, còn phần đầu thì cố gắng uốn mình luồn vào trong đám lá. Một nhát chém nữa chặt đứt mẩu đầu con rắn ra khỏi nửa phần thân. Miệng con rắn ngoác rộng thè cái lưỡi chẻ đôi đưa qua đưa lại trong đám dãi trắng lầy nhầy. Đôi mắt đỏ ngầu vẫn còn đang trợn trừng giận dữ.
Cầm bàn tay Chinh lên, thấy có hai vết răng nhỏ ở cạnh rìa mu bàn tay, H’anna rút con dao nhỏ đeo bên sườn rạch nối hai vết răng rồi lại rạch thêm một đường vuông góc. Cô cúi xuống, miệng áp lên vết thương và mút lấy mút để. Chinh giựt tay ra, nhưng cô giữ chắc tay Chinh lại và tiếp tục mút. Mút được vài cái cô lại quay ra nhổ nước bọt xuống đất. Vài lần nhổ nước bọt rồi, H’anna mới dừng lại. Chinh hỏi:
“Em mút vậy, bị nhiễm độc thì sao?”
“Miệng em không bị trầy xước thì không sao mà” cô vừa lấy nước súc miệng vừa trả lời.
H’anna giải thích với Chinh, đây là con rắn lục đuôi đỏ, loại độc thứ hai trong rừng, chỉ sau hổ mang chúa thôi. Nó thường sống trên cây ăn sâu bọ, côn trùng. Vừa rồi chắc Chinh bắt tranh mất con bướm của nó nên nó đã tấn công anh không khoan nhượng. Khi bị rắn cắn phải nhanh chóng lấy bớt nọc độc ra. Không được phép nặn, vì nặn sẽ phá vỡ các tế bào quanh vết thương, chất độc sẽ ngấm nhanh hơn. Tốt nhất là dùng miệng mút thì các tế bào quanh vết thương không bị vỡ mà nọc độc cũng bị rút ra nhiều nhất. Để rút nọc ra được nhiều hơn thì nên rạch hai đường hình chữ thập để mở rộng vết thương ra một chút. “Anh ở đây. Em chạy về lấy thuốc của A ma” H’anna nói. “Không kịp. Em chạy có nhanh nhất chăng nữa, quay được về đây, thì ông mặt trời cũng đã đi ngủ được một giấc rồi” Chinh nói.
Mới được có hai phút, mu bàn tay của Chinh đã sưng tấy lên. Vết sưng có vẻ đang lan dần lên cẳng tay. Đã xuất hiện vết bầm đỏ xung quanh vết thương. Chinh cảm thấy hơi choáng váng. Mặt anh tái nhợt. Anh cố gắng khống chế thần kinh để không bị mất thăng bằng. Mồ hôi đọng từng giọt từng giọt lớn trên mặt anh. “Không xong rồi” H’anna hoảng hốt.
Rắn. Chinh gặp đã quá nhiều lần. Nhưng đây là lần đầu tiên anh bị cắn. Anh biết, bị rắn cắn thì phải ngồi yên một chỗ, không được vận động mạnh, không nên đi lại nhiều, lại càng không được chạy. Vận động mạnh làm cho máu lưu thông nhanh hơn. Chất độc theo máu càng nhanh chạy về tim. Anh cũng biết nếu bị rắn cắn ở tay thì sẽ mau tử vong hơn bị cắn ở chân. Vì máu ở tay chạy về tim sẽ nhanh hơn là ở chân chạy về rất nhiều.
Chinh nhìn kỹ vết cắn. Hai vết răng hằn lên trên một mạch máu nhỏ. Anh giật mình. Nếu vết cắn ở vào phần thịt mềm thì chất độc sẽ phải mất nhiều thời gian để ngấm dần qua các thành mạch máu rồi mới theo máu chạy về tim. Còn trường hợp của anh, vết cắn vào đúng mạch máu thì chất độc sẽ trực tiếp chạy thẳng về tim, tử vong sẽ đến rất nhanh.
“H’anna kiếm sợi dây nhỏ ga rô cho anh” Chinh nói nhanh. H’anna bước vội tới bụi cây ngay cạnh chặt một sợi dây leo chắc nhỏ rồi cuốn chặt quanh cổ tay Chinh buộc xiết lại.
“Em đốt lửa, nung đầu con dao cho anh” Chinh mỉm cười nói với H’anna.
Cầm con dao đầu đã được nung nóng đỏ, Chinh nghiến răng dí vào vết thương. Tiếng thịt cháy xèo xèo. Khói bốc lên mang theo mùi thịt nướng. Quai hàm anh bạnh ra. Cơn đau làm anh tỉnh người lại một chút. H’anna trợn mắt nhìn Chinh không chớp. Chinh giải thích với H’anna, anh đốt vết thương để đốt cháy luôn phần chất độc còn chưa ngấm vào mạch máu, giảm bớt được khả năng tử vong.
“H’anna, nhặt lấy mình con rắn, rửa sạch, bỏ ruột, tách lấy mật rồi mang cả về đây cho anh”...
Cầm túi mật rắn bỏ vào mồm, Chinh chiêu ngụm nước nuốt đánh ực một cái. Anh lại cầm mình con rắn lên, cắn, nhai ngấu nghiến rồi trợn mắt nuốt chửng. H’anna thè lưỡi nhăn nhó, lắc lắc đầu nhìn Chinh.
Chinh nghĩ rằng nọc con rắn cực độc. Thân thể nó có túi chứa chất độc đó. Túi đó của nó và cơ thể nó không bị chất độc phá hủy thì phải có chất chống lại được. Vậy chất chống lại nọc tồn tại sẵn trong cơ thể của rắn. Nơi tiết ra chất chống lại nọc có thể là mật. Vậy thì cứ dũng cảm uống mật, ăn thịt rắn sống (mà phải ăn thịt sống, thịt chín có thể đã biến chất rồi, chất chống nọc có thể bị phá hủy rồi), thì biết đâu có thể hạn chế sức phá hoại của nọc rắn. Được một mạng sống mà chịu chút ghê tởm thì có sao. Cuộc đời anh đâu có phải chưa từng chịu đựng ghê tởm.
Giải quyết xong con rắn, ực một ngụm nước, Chinh ọe nôn khan vài cái. Nhưng anh đã bắt đầu cảm thấy khó thở. Chân tay bải hoải không còn sức lực nữa. “Em đưa anh qua bên rẫy ngô tìm cái chòi” Chinh gắng gượng bình thản bảo H’anna. Chinh biết, rẫy nào cũng sẽ có chòi coi rẫy. Đến mùa lúa, ngô chín thì phải có người ra rẫy ở lại cả ngày đêm trông coi không cho con chim, con lợn rừng vào phá hoại.
H’anna lập tức dìu Chinh lội qua suối leo lên sườn đồi trồng ngô. Đúng là có cái chòi ở sau rẫy ngô. Chinh nằm vật ra sàn chòi. Mọi vật xung quanh quay cuồng. Ngực anh như bị một tảng đá nặng đè trĩu xuống. Anh cảm giác máu trong mình dường như đang đông cứng lại.
“Có rẫy là có buôn. Em chạy vào buôn tìm người giúp. Bảo họ chạy đến gặp A ma xin thuốc mang về đây. Còn em quay lại đây với anh”. H’anna vội chạy đi theo lời Chinh nói.
H’anna đã tìm thấy buôn, nhưng buôn làng chẳng một bóng người. Có lẽ mọi người đã kéo nhau đi dự Lễ đâm trâu hết cả rồi. Cô vội chạy quay lại chòi. Lòng cô thổn thức “Làm sao bây giờ? Chẳng người giúp đỡ. Tự chạy về A ma lấy thuốc thì ai trông Chinh đây. Mà chắc gì đã kịp. A, á, xin Yàng, xin Yàng cứu giúp chúng con”. Nước mắt cô lan chảy, nhòe nhoẹt ra khuôn mặt và từng giọt, từng giọt rời khỏi đôi má bắn tan thành những hạt nhỏ li ti tung toé về phía sau theo từng nhịp bước chân chạy gấp gáp. Lòng cô cũng đang tan ra thành từng mảnh nhỏ. Não nề.
Những hành động quyết đoán liên tiếp của Chinh đã loại trừ và trung hòa được một phần nọc độc của rắn. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
“Em quay lại buôn. Thế nào cũng có nhà trồng ớt hiểm. Em nhổ cây, chặt lấy rễ. Đập nát rễ, vắt lấy nước cho anh uống” Chinh gồng mình lên chầm chậm rặn ra từng tiếng khi H’anna quay trở lại.
H’anna trở lại lần nữa thì Chinh đã bất tỉnh. Cẳng tay anh đã sưng vù, tím ngắt. Hàm anh đã cứng lại. H’ana lấy con dao cậy hàm Chinh ra đổ nước vắt rễ cây ớt hiểm vào. Chinh nuốt nước theo bản năng. H’anna lục gùi lấy ra cái chăn mỏng đắp nhẹ lên người Chinh và buồn bã ngồi xuống cạnh Chinh.
“Ơ Yàng phía Đông, ơ Yàng phía Tây, ơ Yàng sông, Yàng núi, ơ Yàng mây, Yàng đất... Xin các Yàng trả lại hồn, trả lại vía cho anh Chinh. Là tại con. Con đã làm hại anh Chinh. Xin Yàng hãy trừng phạt con. Yàng hãy cho con thú ác ăn thịt con. Yàng hãy cho ngọn lửa thiêu đốt tâm hồn con. Con xin cúng các Yàng một con trâu to, một con lợn béo, một bầy gà ngon. Ơ, ờ. ơ. Xin các Yàng cứu giúp chúng con...” Giọng H’anna cất lên trầm bổng. Nước mắt cô chan hòa. Cô tin rằng lòng thành của cô sẽ chạm tới các vị thần linh.
Lúc H’anna chạy đi tìm người giúp đỡ, Chinh đã vắt óc lục tìm trong trí nhớ xem có cách nào để trị rắn cắn hay không. Thực sự anh không nhớ ra đã từng biết qua cách chữa trị nào cả. Bản năng sống của Chinh rất mạnh. Nhiều lần cận kề cái chết. Trong gang tấc anh đã thoát hiểm chỉ nhờ bản năng mách bảo vào phút chót. Xâu chuỗi các ký ức cùng với suy luận, anh đã có đầu mối.
“Các bài thuốc chữa bệnh hầu hết xuất phát từ quan sát tự nhiên” A ma Doan giảng giải với Chinh “Quan sát con dê đực ăn lá dâm dương hoắc, người xưa đã tìm được thuốc cho đàn ông. Thấy con bìm bịp mẹ ngắt lá chữa cánh gãy cho con, người xưa tìm được thuốc chữa xương gãy. Quan sát cùng với tư duy từ đời này sang đời khác đã tập hợp được rất nhiều bài thuốc gia truyền hay cứu người, con ạ”.
Con gà mái tung cánh đập đập hùng hổ. Cái cựa sắc nhất, dài nhất đang cắm vào phần thân gần đầu con rắn, ghìm chặt nó xuống đất. Mỏ gà liên hồi mổ xuống đầu rắn. Chỉ nháy mắt, đầu rắn đã nát bét, chỉ còn thân mình nó ngoe nguẩy uể oải cuốn lấy hai chân con gà.
Con rắn hổ mang mới lớn chắc quá đói, giữa ban ngày ban mặt đã bò ra định nuốt thịt mấy con gà con. Nó không thấy gà mẹ đang lục cục ở gần đấy. Thấy lũ con choe chóe tán loạn, gà mái mẹ đã nhảy xổ tới chiến đấu sống chết với con rắn. Nó đã chiến thắng nhưng cũng đã bị con rắn mổ cho vài vết vào ức và đùi.
Gà mái mẹ loạng choạng đi đến bên gốc cây ớt chỉ thiên (Miền Nam gọi là ớt hiểm) trồng trong vườn nhà. Nó cào đất lên. Khi rễ cây lộ ra, gà mẹ mổ đứt mấy sợi rễ non rồi nuốt chửng. Gà mái mẹ nằm gục tại gốc cây ớt. Đến chiều nó cố vươn người dậy dẫn đàn con lên chuồng. Đôi cánh nó xõa xượi. Nhưng đến sáng hôm sau thì nó tỉnh táo hẳn, lại nhanh nhẹn lục cục dẫn đàn con đi kiếm mồi.
Chinh chứng kiến toàn bộ sự việc tại sân nhà anh khi anh vẫn chỉ là một thằng bé loắt choắt thôn quê. Trong những giây phút thập tử nhất sinh này, ký ức trong anh chợt loé lên. Anh xâu chuỗi lại ký ức, suy luận và tự nghĩ, hãy thử dùng rễ cây ớt hiểm xem sao. Mà cũng chẳng còn cách nào khác. Chỉ còn cách thử và chờ số phận mà thôi.
Đến tận chiều tối, Chinh vẫn không tỉnh. Ông mặt trời dần xuống núi. H’anna đi chặt mấy cành xà nu mang về. Sương đã xuống với núi rừng. Tiếng muỗi vo ve đập cánh. H’anna dúi hai cành xà nu đã phạt hết lá vào bếp lửa. Hai cành cháy lên leo lét. Cành cây xà nu rất bắt lửa và cháy rất bền bỉ vì bên trong nó có chứa rất nhiều dầu tương tự như nhựa thông. Khói nó tỏa ra, muỗi rất sợ. Vì vậy cành xà nu được đốt trong đêm vừa có tác dụng làm đuốc vừa có tác dụng đuổi muỗi. H’anna cắm hai cành ở hai góc chòi.
Chinh quẫy đạp rầm rầm, người anh nóng rừng rực. H’anna đặt một nhánh cây giữa hai hàm răng anh tránh để anh tự cắn vào lưỡi. Cô ngồi cạnh cố gắng ghìm giữ anh lại mỗi khi anh giẫy quá mạnh.
Cơn sốt nóng từ từ lui. Đến nửa đêm cơn sốt lạnh lại tới. H’anna lo lắng nhìn Chinh. Người Chinh run lên bần bật. H’anna đã đắp chăn cho Chinh đồng thời đưa hai cây đuốc lại gần để giúp anh có thêm sức nóng, nhưng có vẻ không ăn thua. Người anh càng ngày càng lạnh.
Chinh giẫy giẫy mấy cái, co rúm người lại rồi run lên bần bật. H’anna đặt tay lên trán Chinh. Cô giật mình đánh thót. Sao lạnh như nước suối sớm mai thế này? Không được rồi. Cô cởi phắt chiếc váy, chui vào chăn, nằm quấn lấy Chinh. “Anh lạnh quá. Em sẽ ủ ấm cho anh” cô thầm nghĩ. Lần đầu tiên va chạm với cơ thể đàn ông, dù rằng cơ thể đó đang lạnh ngắt, nhưng cũng đủ làm người cô run rẩy. Cả người cô rấm rứt, rạo rực tới tận từng tế bào. Thân thể dần nóng bừng lên của cô truyền làn hơi ấm áp vào cơ thể Chinh. Âm dương đang hòa quyện. Người Chinh vẫn run lên nhè nhẹ. Cô xoay người nằm đè lên và ôm chặt lấy Chinh. Với tay kéo cái chăn đắp phủ lên cả hai người, cô cứ nằm vậy, cảm xúc rạo rực một cách dễ chịu và dần dần mệt mỏi, thiếp đi chìm vào giấc ngủ.
Tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau ngoài chòi đánh thức Chinh. Anh cố gắng kéo mí mắt mệt mỏi lên. Sát ngay cạnh mặt anh là khuôn mặt thanh khiết nghiêng nghiêng của H’anna. Tóc cô lòa xòa, xõa ra, rủ xuống cổ làm anh nhột nhạt. Từng làn hơi ấm áp, theo nhịp thở phả nhẹ vào mặt làm người anh khẽ nổi gai. Cặp bồng đào căng tròn đang ép chặt xuống khuôn ngực anh. Anh cũng cảm thấy được cái bụng phẳng của H'anna đang dán sát trên bụng mình. Hình như H’anna không mặc váy. Những sợi tơ mỏng mảnh, loăn xoăn đang ép nhẹ xuống phần bụng dưới anh.
Lạch đào nguyên mê hồn đang ở ngay trên phần nhạy cảm nhất của Chinh. Mặc dù cực kỳ mệt mỏi sau hai trận sốt nóng lạnh, nhưng phản xạ tự nhiên khiến dưới bụng anh nhảy nhảy mấy cái. Sao vậy? Mình đang ở đâu đây? Mình đã làm gì nhỉ? Anh nhớ là mình đã bị rắn cắn, còn những việc khác anh chỉ lờ mờ, láng máng.
Chinh giơ hai tay ôm nhẹ lấy lưng H’anna. Anh vẫn chưa tỉnh táo. Hành động của anh hoàn toàn bản năng. Anh nhắm mắt lại và dường như muốn thời gian ngưng đọng để anh mãi mãi được ôm lấy tấm thân trinh nữ thanh khiết này. Tâm hồn anh lúc này cực kỳ mâu thuẫn. Lý trí thầm nhắc nhở, anh đang có lỗi. Nhưng bản năng lại cứ cuốn trôi cuốn trôi anh đi theo cảm xúc. Anh nằm yên dùng ý chí để tự khống chế bản thân không được đi quá giới hạn.
H’anna ngọ nguậy nhè nhẹ trên người Chinh. Cô mở bừng mắt và nhận ra cảnh huống trớ trêu. Lúc đêm, xuất phát hành động của cô chỉ đơn thuần là ủ ấm cho Chinh, giúp anh vượt qua cơn nguy hiểm. Giờ đây, mặt cô chợt nóng bừng, đỏ hồng tới tận mang tai. Thân thể Chinh đã ấm áp trở lại. Hơi thở anh đều đều, khe khẽ. Cô nhẹ nhàng gỡ tay Chinh ra, gạt chăn xuống và lăn ra khỏi người Chinh. Chinh vẫn giả vờ như không biết gì. H’anna vớ lấy chiếc váy cuốn vào người. Đắp lại cho Chinh chiếc chăn mỏng, cô bước ra ngoài.
H’anna biết chắc Chinh đã qua khỏi cơn thập tử nhất sinh. Cô ra rẫy hái vài bắp sữa non mang về gẩy hạt, lấy đá đập nát nấu cho Chinh bát cháo. Chinh uống nước vắt rễ cây rồi ăn cháo. Ăn xong bát cháo, Chinh vã mồ hôi nhưng người vẫn mệt mỏi vô cùng. Toàn thân anh rã rời, cánh tay vẫn sưng vù. Anh không muốn động đậy, chỉ muốn nằm yên tại chỗ, vì mỗi lần cử động cơ thể anh lại đau nhức tới tận từng khớp xương. “Thoát rồi” anh thầm nghĩ và thở phào.
Buổi trưa H’anna mang về mấy con sâu trông rất là gớm ghiếc. Chúng to bằng ngón tay cái, đầu xanh lông đỏ, đuôi nhọn hoắt như cái kim. Người Tây Nguyên gọi nó là con “Mon”. Cô cuốn mỗi con vào một cái lá khô rồi vùi vào bếp lửa. Một lúc sau cô lôi ra. Các con sâu đã bị nướng chín vàng, lông lá đã bị đốt cháy trụi chỉ còn trơ lại thân mình mòng mọng, sém lửa. Cô bảo Chinh ăn để nhanh hồi phục sức khỏe. Chinh nhìn mấy con sâu chằm chằm. Đời anh đã ăn nhiều loại sâu bọ. Châu chấu, cào cào, muồm muỗm, dế, kiến... anh đều đã thử qua, nhưng loại sâu trông gớm ghiếc thế này thì quả là có hơi kinh.
H’anna bốc lên một con bỏ vào mồm nhai ngon lành. Cô muốn làm mẫu cho Chinh. Sau đó cô cầm từng con một bón cho Chinh. Nhai chầm chậm, hóa ra là rất ngon, mùi thơm lừng, vị ngậy như bơ lạc. Đến chiều, Chinh đã cảm thấy đỡ hơn, có thể đứng dậy đi ra khỏi chòi.
H’anna ra rừng kiếm thêm gần hai chục con mon nữa mang về. Một phần cô nướng lên để Chinh ăn, một phần cô đốt sạch lông rồi quẳng vào nồi cháo ngoáy đều. Mấy con sâu tan ra cùng nước bắp sữa non.
Bài thuốc con mon này là bài thuốc A ma Doan truyền cho H’anna dùng để hồi phục sức khỏe người mới ốm dậy. Đây là một loài sâu bướm rất sẵn trong rừng, nhưng không phải con nào cũng dùng được. Phải chọn đúng con đực mới có tác dụng. Đặc điểm của loài này là trong hàng chục, hàng trăm con cái nhưng có khi chỉ có một con đực mà thôi. Bài thuốc cũng được hạn định số lượng sâu nhất định. A ma dặn cô không được dùng quá năm con cho một người bệnh, nếu không sẽ không tốt. Người đang khỏe cũng không được dùng. Để bài thuốc không trở thành thông dụng, có thể có hại cho người khác, A ma Doan thường nướng chín vàng con mon rồi tán ra thành bột. Ông đưa cho người bệnh một lượng nhất định, mà họ cũng chẳng biết đấy là bột gì.
Buổi tối, Chinh vừa uống nước rễ cây vừa ăn mon nướng rồi lại ăn cháo mon. Để cho Chinh vui lòng, H’anna cũng cùng ăn cháo với anh. H’anna không biết rằng đã cho Chinh dùng quá liều thuốc mon. Bản thân cô đang khỏe mạnh cũng không được ăn mon. Điều này đã làm xảy ra đột biến trong đêm, làm thay đổi tính chất mối quan hệ giữa hai người.
Chinh tỉnh giấc trong đêm. Anh cảm thấy người đã khỏe lại rất nhiều. Cánh tay không còn sưng nữa. Chỗ vết thương chỉ còn một vùng bầm tím xung quanh. Nhưng anh cảm thấy trong người khác lạ. Các mạch máu như đang căng phồng lên, tim đập nhanh từng hồi đẩy từng luồng khí huyết chạy đua trong huyết quản. Người anh nóng bừng, rạo rực. Chinh nhổm người ngồi dậy.
Trong chòi, ánh lửa vẫn leo lét tỏa sáng từ bếp và từ hai cây đuốc cắm ở góc chòi. H’anna đang xuôi tay nằm ngửa. Trông cô thật thanh thản. Bóng lửa chiếu bập bùng vào thân hình chỗ tối chỗ sáng càng làm tôn lên những đường cong mê mẩn trên thân hình của H'anna. Từ cái bụng phẳng vút lên hai bầu vú căng mọng đang phập phồng nhè nhẹ theo nhịp thở. Cô đã ngồi trông Chinh mãi đến nửa đêm, lúc quá mệt mỏi cô mới thiếp đi.
Thuốc chế biến từ con mon có thể phục hồi sức khỏe rất nhanh. Nó là loại thuốc bổ khí huyết, kích thích sự trao đổi chất, làm máu lưu thông nhanh hơn, nhiều hơn và giúp người bệnh mau chóng khỏe lại. Nhưng nếu người bệnh dùng quá liều hoặc người đang khỏe dùng thuốc thì nó sẽ trở thành thuốc kích thích tính dục cho cả nam và nữ. Chính vì vậy mà A ma Doan mới hạn chế liều dùng. H'anna không biết điều này. Cô quên đi lời dặn của A ma. Cô chỉ đơn giản nghĩ rằng dùng nhiều một chút thì Chinh sẽ chóng khỏe lại và bản thân cô có dùng một chút cũng không sao.
Mắt Chinh mở to nhìn chằm chằm vào thân hình trước mặt. Đáy mắt đỏ hồng phản chiếu bóng lửa trên bếp hay phản chiếu ngọn lửa trong lòng anh? Lý trí đã nhạt nhoà, ý chí đã rời xa. Không kìm được mình, Chinh đưa tay gại gại nhè nhẹ lên bầu ngực no tròn của H'anna. Ngón tay anh lại chầm chậm xoa xoa nơi đầu vú.
H'anna mở mắt. Nhìn thấy bóng lửa trong đáy mắt Chinh, cô đã hiểu tất cả. Cô đưa hai tay về phía anh. Lập tức Chinh vươn người tới ôm chặt lấy cô. Hai cặp môi cuống quít tìm nhau. Hai thân hình quằn quại, hổn hển. Bàn tay Chinh sát mạnh trên thân hình H'anna. Bàn tay tìm tới bầu vú, đi xuống cạnh sườn, miết trên cái bụng phẳng, chà sát bên trong cặp đùi non và dừng lại ở phần dưới bụng, giữa khe đùi. Chinh mải mê khám phá lạch đào nguyên suối chửa thông.
Cảm xúc quá dâng trào, khiến cho H'anna chỉ cảm thấy nhói nhẹ khi Chinh đi sâu vào người cô. Từ đó con người cô như bay bổng, như đang bị vùi dập trong bão mưa. Cô mê man đi không còn nhận biết được thế giới xung quanh nữa. Và rồi cảm xúc, buột nổ tuôn trào. Cô cảm thấy như có dòng nham thạch ấm nóng đang ào ào trút vào trong người.
Hai người ôm nhau thở dốc cảm nhận sóng lửa đang từ từ lắng xuống. Họ nhìn nhau âu yếm, lặng im không nói rồi cùng chìm vào giấc ngủ êm ái.
Từ giờ phút này Chinh là của H'anna. Cô đã chờ đợi điều này. Người con gái Ê đê chủ động chọn người mình thương. Cô đã chọn Chinh, đã yêu Chinh từ lâu lắm rồi, nhưng Chinh vẫn chỉ muốn coi cô như một người em gái. Và bây giờ cô đã có anh, cô đã bắt được anh. Cô ôm chặt lấy anh, không muốn nhả anh ra nữa.
Cô yêu anh là bởi thân hình anh. Thân hình anh đẹp đẽ, vững chãi như cây xà nu vậy. Cây xà nu hiên ngang đứng thẳng, lẳng lặng trong bão tố. Cô yêu anh là bởi ngọn lửa trong anh. Bên ngoài anh là mặt hồ phẳng lặng nhưng bên trong anh luôn hừng hực ngọn lửa cháy chỉ chờ có cơ hội là bừng phát.
Mặt trời đã lên hơn một con sào. Hai người thức dậy sảng khoái, mạnh mẽ.
Mặt nước hồ mát lạnh mở ra đón hai người vào lòng. Họ vùng vẫy kỳ cọ cho nhau. Tiếng cười nói của họ vang động cả cây rừng, làm lá rừng rung lên xào xạc. Chinh bế H’anna lên, gượng nhẹ đặt thân hình cô trên tảng đá. Kiệt tác của tạo hóa được bao quanh bởi màng nước mỏng nhóng nhánh ánh mặt trời. Đôi cặp mắt đắm đuối nhìn nhau. Họ lại quấn lấy nhau, lại yêu nhau quên cả đất trời. Rừng núi bao la, thác nước rầm rào, những hạt nắng nhảy nhót trên mặt hồ, rừng hoa pơ lang đang rung cánh, ong bướm tung tăng rợp trời và cặp chim sơn ca đậu nơi mỏm đá, tất cả, tất cả đang mừng vui chứng kiến tình yêu rất trong sáng và rất nóng bỏng của họ.
Sự quyết đoán của Chinh khi gặp nghịch cảnh, sự may mắn của Chinh đã cứu anh một lần nữa thoát nạn trong gang tấc. Hơn nữa số phận còn mỉm cười với anh, trao cho anh bông hoa núi rừng vừa hé nở.
Trở về nhà, H'anna không cho Chinh đi thang to nữa mà bắt anh đi thang nhỏ. Thang to chỉ dành cho phụ nữ và khách khứa. Nay Chinh đã là đàn ông trong nhà, anh phải đi thang dành riêng cho đàn ông. Đó là tập tục truyền thống. Nhìn thấy vậy, A ma Doan đã hiểu tất cả.
Hai ngày liền, trâu bò lợn gà ngả ra, rượu cần chảy như nước suối, bà con gần xa kéo về buôn chứng thực cho hạnh phúc của Chinh và H'anna. Chiếc vòng bạc của H'anna đã được trao cho Chinh, đánh dấu lời thề chung thủy của nàng đối với chàng. Sau lễ cưới H'anna vẫn ở lại buôn làng cùng với A ma Doan. Chinh một tháng về buôn khoảng chục ngày. Tình yêu của họ đã kết trái. Hai người nóng lòng chờ đợi đón đứa con chào đời.
Chinh và Y Doan cùng trở lại buôn chuẩn bị đón H'anna xuống thành phố để sinh. Trên đường về, linh cảm làm lòng Chinh nóng như lửa đốt.
H'anna đang nằm thiêm thiếp trên sàn. Xung quanh cô máu me lênh láng. Các vật dụng quăng vứt bừa bãi. Bà đỡ đang rối rít chạy vòng quanh. Đứa bé đã được cuốn chăn nằm im thin thít bên bếp lửa. H'anna sinh sớm lại là ca sinh ngược. Cô đang bị băng huyết. Máu chảy ra đang rút dần đi sự sống của cô. Bệnh viện quá xa, không kịp nữa rồi. Ngay cả A ma Doan, người đã từng cứu sống biết bao nhiêu là con người cũng đành đau khổ bó tay nhìn con gái yêu thương của mình đang đuội dần đuội dần đi. Chinh nắm bàn tay đang dần lạnh ngắt của H'anna. Anh nằm xuống ôm H'anna vào lòng, những mong mang hơi ấm của mình truyền sang cho cô. H'anna nặng nề mở khẽ đôi mắt. Mắt cô ánh lên một tia mừng rỡ khi thấy khuôn mặt Chinh đang kề sát mặt cô. Từ từ ánh mắt mờ dần, mờ dần rồi khép lại.
Ôm thân thể giá lạnh của H'anna trong lòng, Chinh nấc lên không ra tiếng. Giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đàn ông đau khổ. Trong lòng anh những muốn thét gào. Sao số phận lại khắc nghiệt với anh như vậy? Cứ những lúc anh tưởng đã nắm được hạnh phúc trong tay thì số phận lại giằng mất, lấy mất đi người con gái anh yêu thương.
"Uống rượu với anh đêm nay nhé" Chinh nói. "Vâng" Thủy trả lời.
Chinh kể lại cho Thủy nghe cuộc sống của anh từ khi ra trường đến nay. Thủy nhè nhẹ thở dài. Những xúc cảm ngày xưa lại trỗi dậy. Cô thầm đau xót cho Chinh, một người đàn ông cứng cỏi, mạnh mẽ trước đời thường nhưng không được may mắn trong hạnh phúc riêng. Cô khắc khoải nhớ lại ngày xưa cũ.
"Em vẫn chưa hiểu tại sao ngày xưa anh lại kiên quyết chia tay Hạnh?"
"Đồng đội cùng lứa trinh sát với anh, có Tuấn và Dũng. Còn hai người nữa nhưng anh không biết tin tức. Cả hai thằng sinh con ra đều bị dị tật bẩm sinh. Lúc đầu anh cũng chỉ biết buồn cho hai thằng bạn mình. Một lần bác Huân đi dự hội thảo về chất độc màu da cam về, ông gọi anh đến. Ông đặt vấn đề liệu có phải bọn anh đã bị nhiễm chất độc da cam của Mỹ hay không? Lúc đó anh không tin, vì thời bọn anh chiến đấu đâu còn Mỹ rải chất độc da cam nữa. Những người lính khác ở chiến trường K họ cũng đâu có sao. Anh tìm tài liệu nghiên cứu thấy rằng, chất độc da cam có thể tồn tại trong đất, trong nước hàng chục năm sau. Vùng bọn anh chiến đấu gần hai năm trời là biên giới Việt Nam, Campuchia. Vùng này ngày xưa là căn cứ và đường vận chuyển của ta, nên bọn Mỹ rải rất nhiều chất độc da cam để phát quang cây cối. Thống nhất đất nước được mấy năm bọn anh đã phải lăn lộn chiến đấu tại vùng này rồi. Lính cắm chốt được cung cấp nước uống sạch sẽ. Bọn anh, lính trinh sát thường đi rừng, uống nước tự nhiên, có được đun nấu gì đâu. Được uống nước suối đã tốt, nhiều khi nhiều ngày chỉ uống nước vũng lầy. Anh nghĩ, có khi chính những đám nước vũng lầy đó vẫn còn đọng lại rất nhiều chất độc da cam. Mưa rừng rửa chất độc da cam ở các vùng xung quanh rồi chất độc theo nước chảy tụ lại ở các đám vũng lầy càng ngày càng đậm đặc. Thảo nào ven các vũng lầy không có lấy một bóng cây cỏ nào. Bọn anh lại uống nước vũng lầy rất nhiều. Bọn anh đều đã đi xét nghiệm. Kết quả là cả ba thằng đều nhiễm chất độc da cam. Anh đã may mắn gặp được đúng thầy và kiên trì điều trị nên đã tống được hết chất độc ra khỏi cơ thể. Đau buồn là bố vợ anh, người thầy chữa cho anh, A ma Doan cũng đã không còn nữa. Một năm sau khi H'anna mất, ông cũng đau buồn tạ thế".
“Nhưng anh vẫn có thể lấy Hạnh cơ mà. Hai người vẫn có thể nhận con nuôi.”
“Ngoài chuyện sinh con bị dị tật thì đến một lúc nào đó, nhiều bệnh tật sẽ phát ra, không có cách nào chữa khỏi. Anh cũng đã bị phát bệnh như anh vừa kể. Anh không muốn phải làm khổ Hạnh cả đời. Không muốn Hạnh phải đau khổ vì con cái, không muốn Hạnh đến một lúc nào đó phải nuôi báo cô anh. Hạnh xinh đẹp như thế, hạnh phúc sẽ tự tìm đến với Hạnh. Hạnh xứng đáng được hưởng hạnh phúc hơn anh. Anh không thể để cuộc đời Hạnh gắn với cuộc đời anh, để Hạnh phải chịu khổ cùng anh. Anh đã nói chuyện thẳng thắn với bác Huân. Bác cũng không đồng ý với anh. Nhưng thấy anh rất kiên quyết nên bác đành phải chấp nhận. Anh cũng đề nghị bác hứa rằng sẽ không nói điều này với Hạnh và không nói với bất cứ ai. Anh sợ rằng Hạnh một khi biết sự thật sẽ không bao giờ rời bỏ anh. Như vậy sẽ phá hủy tương lai, phá hủy hạnh phúc của Hạnh”.
“Anh có biết rằng chính quyết định của anh đã phá hủy tương lai, phá hủy hạnh phúc của Hạnh không?”
Chinh mở to đôi mắt nhìn Thủy.
“Anh Tiến và Hạnh không hạnh phúc. Tình yêu không thể gượng ép. Hạnh không thể nào quên được anh. Nó đã vùng vẫy cố rũ bỏ hình bóng của anh, nhưng hình bóng đó vẫn len lỏi vào cuộc hàng ngày của nó. Anh Tiến biết vậy nên rất buồn chán. Dần dần anh cờ bạc, rượu chè, bỏ bê gia đình và đã dính vào nghiện hút. Mấy năm sau hai người ly dị. Anh Tiến giờ đã mất rồi. Hai người có một đứa con gái. Cháu đang học đại học bên Mỹ.”
Chinh im lặng mặt thẫn thờ.
“Quyết định của anh đã phá hủy cuộc đời hai con người, anh có biết không?” Thủy nhướng mắt hỏi Chinh.
“Và anh có biết rằng anh còn phá hủy cả cuộc đời của em nữa. Đến bây giờ em vẫn chưa quên anh. Em đã từng hy vọng, hy vọng và rồi...” Thủy cay đắng thầm nghĩ trong lòng. .............
“Em sẽ nói với Hạnh là em đã gặp anh”.
“Thế còn cuộc sống của em thì sao?” Chinh không tiếp nối mạch nói chuyện của Thủy mà bất ngờ hỏi Thủy. “Em vẫn sống một mình”.
Chinh trợn mắt nhìn Thủy “Thật vậy sao?”
Thủy nhìn xoáy vào mắt Chinh, gật gật đầu.
Khi còn trẻ, rất nhiều người đã đến với cô. Cô cũng đã từng có một vài rung động nhỏ nhoi nào đó, nhưng những người kia vẫn không thể lấn át được hình tượng của Chinh trong trái tim cô. Cô vẫn hy vọng, Chinh sẽ quay về, Chinh sẽ trở lại Hà Nội và cô sẽ cố gắng để anh thuộc về cô. Thời gian cứ trôi đi và Chinh không quay về. Khi đã quá tuổi ba mươi, lòng cô khép lại. Cô chẳng còn hứng thú gì nữa với việc kiếm tìm hay chờ đón tình yêu. Cô toàn tâm toàn ý dành trí tuệ và sức lực cho công việc.
Hai người ngồi uống rượu với nhau đến gần sáng, Chinh mới đưa Thủy về khách sạn.
“Năm sau, tổ chức Lễ Kỷ niệm 25 năm bọn mình ra trường. Anh có về không?”
Chinh tỉnh người trở lại. Thủy mỉm cười đến đứng cạnh anh. “Cảnh xưa vẫn vậy, phải không anh” Thủy nói. “Ừ” Chinh trả lời. “Nhưng người xưa đã đâu rồi?” Chinh thầm nói trong lòng.
“Hôm nay Hạnh không đến phải không em? Anh nhìn sang hội lớp Hạnh nhưng mãi không thấy Hạnh đâu.”
“Vâng, Hạnh không đến được, anh” Thủy nói, “ Anh em mình đi uống rượu đi. Trời mùa thu hôm nay đẹp quá”. “Đi”.
Chọn một quán bar trên tầng cao ở trong một khách sạn có thể nhìn xuống phố ngắm cảnh, họ gọi chai rượu ngồi uống.
“Anh, Hạnh không còn nữa” Thủy mếu máo nói, “ Nó vừa đi cách đây một tháng. Nó bị ung thư”.
Chinh như bị một cú búa tạ đánh đúng tim. Anh sây xẩm mặt mày, miệng há ra mà không thốt được nên lời. Bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu nhung nhớ. Anh cứ tưởng tượng sẽ phải gặp Hạnh như thế nào, trông Hạnh sẽ ra sao? Anh sẽ nói gì với Hạnh... Vậy mà mọi dự định đều trôi theo dòng nước. Đau đớn quá. “Hạnh ơi, sao em không cho anh biết? Em thù hận anh đến thế sao?” Chinh rên lên khe khẽ.
“Nó không cho em nói với anh. Năm ngoái, em gặp anh, em đã kể với nó về anh. Lúc đó nó đã bị ung thư rồi. Nó nhất quyết không chịu liên hệ với anh. Không, nghe tin về anh, nó đã khóc nhiều lắm. Nó khóc thương anh. Nó làm sao thù hận anh được. Nó bảo, nó không muốn anh lo lắng cho nó. Nó bảo, nếu anh còn nghĩ về nó, anh sẽ đau khổ khi biết nó bị bệnh và nó không muốn nhìn thấy anh đau khổ vì nó”.
Thủy tu tu lên khóc: “Hai người thật quá giống nhau. Đều ương ngạnh như nhau. Người nào cũng đều muốn người kia không phải đau khổ vì mình. Thế là tình yêu ư? Ôi. Thế là sự cao thượng khốn nạn trong tình yêu”. Thủy nói mà như muốn gào lên.
“Sự cao thượng khốn nạn đó đã đẩy nhiều cuộc đời vào đau khổ” mặc cho những giọt nước mắt chảy rơi lã chã xuống quần áo, Thủy hổn hển nói nốt.
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, Chinh ngồi lặng im không nói. Còn nói được gì nữa đây. Quá đúng. Bằng này tuổi rồi, va đập cuộc sống làm anh ngộ ra nhiều điều. Hạnh phúc đòi hỏi người ta phải giành giật, phải giằng lấy nó. Không thể, không thể có chuyện cao thượng gàn dở được. Anh đã bao lần giành giật được cuộc sống của chính mình, nhưng tình yêu của chính mình thì sao? “Hạnh ơi. Em tha lỗi cho anh. Ngàn lần tha lỗi cho anh. Nếu có kiếp sau, anh nhất định sẽ bù đắp cho em”.
“Hạnh gửi anh cái thư”.
Lá thư đôi chỗ có những chữ nhòe đi vì nước mắt của Hạnh.
“Chinh,
Sao anh lại làm vậy? Sao anh đã giấu em? Sao anh lại âm thầm chịu đựng một mình vậy? Tình yêu là chịu hy sinh, đau khổ một mình ư? Em cứ tưởng tình yêu là chia sẻ, chia sẻ không chỉ niềm vui.
Anh! Em ra đi không thanh thản. Em tự hận mình. Tại sao em lại không bình tĩnh tìm hiểu? Yêu anh đến thế mà tại sao em lại không thể hiểu anh? Tại sao em không tìm gặp Dũng và Tuấn để hỏi cho ra lẽ? Tại sao em không tìm về nhà anh gặp bố mẹ anh? Tại sao lúc đó em lại hành động như vậy? Em chỉ biết than thân trách phận và rồi căm thù anh. Làm sao làm lại được nữa hả anh?
Em đã khóc rất nhiều khi tưởng tượng ra cảnh anh ở Tây Nguyên, một thân một mình, không người thân thích. Em đã khóc khi nghe anh phải vật lộn với bệnh tật, vật lộn với công việc. Em đã khóc cho H’anna. Sao cuộc đời cô bi thảm thế! Sao cuộc đời anh bi thảm thế!
Anh có biết không? Em vẫn còn giữ được cái áo may ô anh mặc. Cái áo thấm đẫm mồ hôi anh từ thời anh còn là người lính. Em đã giặt sạch, nhưng nó vẫn mang nặng mùi anh. Mỗi đêm mất ngủ, em lại mang nó ra ôm vào lòng. Nó làm em có cảm giác đang được ôm anh. Nó làm em có cảm giác anh đang đâu đây gần lắm. Mùi thơm áo anh ru em dần trôi vào giấc ngủ.
Anh, em chỉ có đứa con gái. Nó là máu thịt của em. Xin anh hãy coi nó như con gái của anh nhé.
Dù sao em cũng xin cám ơn cuộc đời đã sinh ra em, đã cho em được sống một quãng thời gian ngọt ngào không thể nào quên bên anh.
Em đi nhé.
Hạnh phúc sẽ không đến khi anh lẩn tránh nó. Anh cần phải giành giật lấy nó.
Hạnh”.
Trong lúc Chinh đang đọc thư thì Thủy đã yên lặng tiến đến và ngồi bên cạnh anh. Bàn tay Chinh đang run rẩy. Giọt nước mắt của Chinh rơi xuống giấy làm chữ viết nhòe đi. Nước mắt của anh lan chảy hòa lẫn với nước mắt đã khô trên giấy của Hạnh. Thủy nắm lấy bàn tay Chinh: “Chinh, anh đừng đóng lòng mình lại. Cuộc sống vẫn còn đó. Chúng ta cũng vẫn phải sống vì mong muốn của những người đã khuất”.
Ánh mắt nhìn Chinh tha thiết, cô ngập ngừng: “Anh hãy cho phép em... bên anh... phần đời còn lại này, anh nhé”...
“Đó cũng là mong muốn cuối cùng của Hạnh” Thủy thở hắt ra như vừa quẳng xong một tảng đá đè nặng trong lòng.
Tiếng hát của ca sĩ xứ Wales, Shakin Stevens, từ một cặp loa nhỏ đang nhẹ nhàng lan tỏa khắp phòng:
“If I got down on my knees and I pleaded with you If I crossed a million oceans just to be with you Would you ever let me down?(*)
If I climbed the highest mountain just to hold you tight If I said that I would love you every single night Would you ever let me down? ...........................
Because I love you, love you Love you, so don't let me down”.