Vinashin sẽ tái cơ cấu thành công
Chiều 19/11/2010, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo về Đề án tái cơ cấu cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) năm 2010, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng; Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn
tại buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đồng thời là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương Phạm Viết Muôn; Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự đồng chủ trì cuộc họp báo.
Tái cơ cấu Vinashin theo mục tiêu ổn định sản xuất, giảm lỗ, trả được nợ
Việc thực hiện tái cơ cấu bước một mô hình tổ chức và tài chính của Vinashin đã được triển khai ngay sau khi có Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin cũng nhanh chóng được thành lập do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng Ban để hướng đến mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển.
Bên cạnh đó, xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, bước đầu các đơn vị thành viên của Vinashin đã đạt được những kết quả tích cực, người lao động có việc làm trở lại, thanh toán được nợ lượng, bảo hiểm xã hội và bàn giao được một số tàu nên tạo được nguồn thu để tái sản xuất kinh doanh.
“Tôi tin tưởng Tập đoàn Vinashin sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này và thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, trong đó tập trung củng cố Tập đoàn trong 2 năm, ổn định trong 2 năm tiếp theo và sau đó sẽ là phát triển để Vinashin tiếp tục trở thành ngành mũi nhọn phát triển kinh tế hàng hải”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Vinashin Nguyễn Ngọc Sự cho biết, Đề án tái cấu trúc tổng thể Vinashin (tái cơ cấu bước 2) sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất đóng mới và sửa chữa tàu biển tại 7 đầu mối lớn, bao gồm: 3 Tổng công ty (Phà Rừng, Nam Triệu, Bạch Đằng) và 4 Công ty TNHH một thành viên (Hạ Long, Cam Ranh, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn) để thực sự là những đơn vị mạnh của Tập đoàn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết thêm, dự kiến mô hình tổ chức của Tập đoàn sau tái cơ cấu được sắp xếp như sau: Số DN còn lại là 43 công ty; tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người; tổng tài sản: 68.234 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là: 53.054 tỷ đồng.
Ngoài 43 DN được giữ lại theo mô hình Vinashin mới, Tập đoàn dự kiến sắp xếp giảm 216 DN. Lộ trình này phù hợp với điều kiện thực tế sau khi đánh giá chính xác thực trạng của từng DN và đảm bảo lộ trình sắp xếp sẽ được thực hiện từ tháng 11/2010 và kết thúc vào năm 2013.
Vinashin sẽ trả được nợ, không ai trả nợ thay Vinashin
Trước mối quan tâm của báo chí về việc giải quyết nợ của Vinashin sẽ được thực hiện như thế nào sau khi tái cơ cấu, ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết, 86.565 tỷ đồng là con số nợ chính thức của Vinashin. Nhưng các khoản nợ của Vinashin hiện nay đã đầu tư vào các dự án, công trình. Các khoản nợ này cũng đang nằm trong những con tàu đang đóng dở.
“Vinashin đã vay thì phải trả. Không ai trả nợ thay Vinashin mà chính Vinashin sẽ thực hiện việc trả nợ này và sẽ trả được nợ”, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Để làm được điều này, hiện nay Vinashin đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm đổi mới DN, đẩy mạnh sản xuất, bán đi các dự án không liên quan đến lĩnh vực chính để thu hồi vốn. Hiện nay các con tàu bắt đầu thu về lợi nhuận.
Trước thông tin các chủ nợ của Vinashin đã gửi thư đề nghị Vinashin giải đáp về vấn đề trả nợ nhưng chưa thấy Vinashin trả lời, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định đây là thông tin không chính xác, đồng thời cho biết, khoản nợ đầu tiên đến hạn phải trả là ngày 22/12/2010 tới đây.
Nhưng với tình hình hiện nay, Vinashin đã gặp gỡ với bên cho vay để thương thảo đồng thời cung cấp thông tin rõ ràng về tình hình hiện nay của Tập đoàn cũng như quá trình tái cơ cấu của Vinashin đang triển khai thực hiện. Việc vay các khoản nợ này Vinashin sẽ phải trả nhưng đề nghị được hoãn, giãn nợ, đến năm 2011.
Công ty Kiểm toán quốc tế KPMD đã cùng với Tập đoàn rà soát các khoản nợ tại các đơn vị thành viên của Vinashin, do đó không có việc số nợ của Vinashin là vượt quá 86.565 tỷ đồng. Mặt khác, sau khi bàn giao các con tàu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) thì tổng số nợ giảm xuống còn trên 63.000 tỷ đồng. Đồng thời, sau khi sắp xếp 216 DN hiệu quả thì tổng số nợ tiếp tục giảm xuống còn trên 40.000 tỷ đồng. Khoản nợ này hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát và trong sự cho phép trên vốn điều lệ, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Vinashin đang “vượt sóng”
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói, mặc dù hiện nay còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta quyết phải vượt qua để tái cơ cấu hiệu quả Vinashin. Những tiền đề quan trọng để tái cơ cấu và phát triển Vinashin đã dần dần được hé mở.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường, nguồn vốn, ưu tiên giải quyết tiền lương, chế độ bảo hiểm cho người lao động nhằm tạo ra một khí thế làm việc mới trong cả Tập đoàn.
Tổng giá trị sản lượng 10 tháng đầu năm 2010 của Tập đoàn đạt gần 12.400 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm 2010, trong đó giá trị sản lượng đóng mới, sửa chữa tàu đạt trên 7.500 tỷ đồng bằng 45,8% kế hoạch năm 2010.
Hiện nay, các tàu còn hiệu lực hợp đồng đang thực hiện là 130 tàu với tổng giá trị gần 2,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 57 tàu với tổng giá trị là trên 1,2 tỷ USD, trong nước 73 tàu với tổng giá trị là gần 830 triệu USD.
Tính đến ngày 18/11/2010, đã hoàn thành và bàn giao cho chủ tàu 36 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 280,6 triệu USD. Trong đó, từ ngày 1/9/2010 đến ngày 18/11/2010 Tập đoàn đã bàn giao 14 tàu với tổng giá trị hợp đồng là trên 51 triệu USD.
Từ nay đến hết tháng 12/2010, sẽ bàn giao ít nhất là 21 tàu nữa, như vậy tính cả năm 2010 các đơn vị trong Tập đoàn sẽ bàn giao được ít nhất 57 tàu với tổng giá trị hợp đồng là trên 573 triệu USD. Nếu thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ hơn nữa thì có thể bàn giao số tàu lớn hơn.
Những tín hiệu trên cho thấy Vinashin đang nỗ lực vượt qua thử thách.
(Theo Chinhphu.vn)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)