Trần Nhân Tông tên là Khâm, còn có tên là Phật Kim và Nhật Tôn, Nhân Tông là thụy hiệu. Ông là con trưởng Trần Thánh Tông, sinh ngày 11 tháng Mười Một năm Mậu Ngọ (7-12-1258), làm vua từ Kỷ mão (1279) đến Quý tî (1293), niên hiệu là Thiệu Bảo (1279-1284) và Trùng Hưng (1285-1293). Mất ngày 3 tháng Mười Một, năm Mậu Thân (16-11-1308) tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Nhân Tông làm vua thời kỳ đất nước đứng trước hiểm họa xâm lược. Ông đã cùng vua cha lãnh đạo triều đình và dân chúng giành thắng lợi trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh (1285 và 1288). Ông là một vị vua nổi tiếng khoan hòa, nhân ái, đã xây dựng được khối đoàn kết từ trong hoàng tộc đến ngoài muôn dân. Dưới triều đại ông có hai sự kiện lớn liên quan đến vận mệnh đất nước được các sử gia cổ kim đánh giá rất cao, đó là Hội nghị tướng lĩnh, vương hầu ở Bình Than và Hội nghị các bô lão ở thềm điện Diên Hồng để bàn kế đánh giặc. Ông còn là nhà văn hóa, nhà thơ xuất sắc thời Trần. Ông đã sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm, đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Việt đương thời, đồng thời nhằm xây dựng một nước Đại Việt có nền văn hóa, văn minh độc lập, một quốc gia hùng mạnh về các mặt. Nhân Tông là một vị vua yêu nước và anh hùng, là Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ông sáng tác nhiều, bao gồm: Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mî ngữ, nhưng hiện chỉ còn 31 bài thơ, một số cặp câu thơ lẻ và hai bài phú Nôm.
Trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một ông vua giỏi và tài hoa. Lịch sử đã xem ông là "vị vua hiền" đời Trần, có công trong sự nghiệp trùng hưng đất nước. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng.
Nhân Tông lên ngôi năm 1278, mới hai mươi tuổi. Nhà Trần lúc này đã bước vào thời kỳ ổn định, đất nước hòa bình; luật pháp thi cử học hành đều đã vào nền nếp..., được sử sách coi là thời kỳ thịnh trị. Song khó khăn đối với Nhân Tông là việc đối ngoại. Nhà Nguyên đã diệt xong nước Tống, bắt đầu tính đến phương Nam, thường xuyên gây sức ép và cuối cùng là hai cuộc xâm lăng năm 1285 và 1287. Chưa đầy năm năm phải đương đầu với hai trận tấn công ồ ạt của "giặc mạnh" có đủ quân thủy, quân bộ, quân kî và mỗi lần con số đều không dưới 50 vạn không phải là việc dễ. Song Trần Nhân Tông đã "cố kết" được lòng dân, phát huy được năng lực của các tướng, động viên được tài trí của cả nước đánh thắng giặc, bảo vệ nền độc lập cho nước nhà. Quả là trong kháng chiến chống ngoại xâm, Trần Nhân Tông là một anh hùng tiêu biểu. Những năm sau đó bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá, Nhân Tông một mặt lo tổng kết việc đánh giặc thưởng công, ghi Trung hưng thực lục, một mặt lo tiếp tục đối phó với cuộc tấn công phục thù của địch và làm cho nước mạnh dân giàu. Hơn mười bốn năm làm vua (1278-1293), cũng là cả thời trai trẻ, Nhân Tông đã dành phần lớn tâm sức cho công cuộc chống giặc Nguyên. Hết những ngày chinh chiến xông pha tên đạn lại đến những cuộc tiếp sứ căng thẳng gay gắt mà thái độ mềm dẻo và nguyên tắc cứng rắn đều phải đạt đến độ hoàn thiện. Thông thường mỗi khi một giai đoạn lịch sử đã đóng lại, đời sau dễ phát hiện ra những ưu khuyết điểm của người xưa, dễ dàng chỉ ra những việc nên làm và chẳng nên làm... Song, nếu nghĩ rằng Trần Nhân Tông khi đó chỉ mới trên dưới ba mươi tuổi, đã phải gánh vác trách nhiệm quyết định những việc lớn lao liên quan đến chuyện mất còn của cả dân tộc thì mới thấy hết bản lĩnh và tài năng của ông vua trẻ này. Nhất là kẻ thù của ông đâu phải bất tài! Hốt Tất Liệt đã lão luyện trong nghề chiến trận, giặc Thát là một đội quân đang ngang dọc vẫy vùng. Và khi đã đứng vững trên mảnh đất Trung Hoa, Hốt Tất Liệt còn có cả một đội ngũ văn thần, nhiều người từng là nhà ngoại giao, chính khách sừng sỏ, "tận trung" bày mưu tính kế. Có xét đến những hoàn cảnh cụ thể như vậy mới hiểu hết được tính cách mạnh của Trần Nhân Tông thể hiện trong lời kêu gọi quần thần hãy vững tin giữa lúc cuộc kháng chiến tưởng chừng sẽ bị đè bẹp trong chốc lát:
Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh (1). (Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ, Hoan Diễn còn kia mười vạn quân).
Và cũng từ đó mới thấy hết vẻ đẹp của tinh thần tự hào dân tộc, lòng tin yêu nhân dân, tin yêu những người cộng sự khi ông khẳng định tương lai đất nước trước cảnh gạch đá ngổn ngang, quân giặc vừa rút chạy:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà kim cổ điện kim âu. (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
Trần Nhân Tông là con người hành động. Cũng như Thái Tông và Thánh Tông, ông không chỉ trực tiếp cầm quân ra trận mà còn chủ trì nhiều cuộc tiếp sứ thực chất là những cuộc đấu tranh ngoại giao không kém phần gay gắt. Bằng vào sự cố gắng và tài năng của mình, đương nhiên có hậu thuẫn vững chắc là thế mạnh của cả dân tộc, Nhân Tông đã làm cho sứ giả nhà Nguyên từ cung cách "đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ" (Hịch tướng sĩ - Trần Hưng Đạo) đã tỏ ra "biết điều" hơn. Năm 1292, Trương Hiển Khanh sang sứ Việt Nam. Ông ta đã được ăn tết mồng ba tháng Ba, được Nhân Tông tặng một mâm bánh kèm theo một bài thơ nhắn gửi nhiều ý tứ sâu xa:
Múa giá chi rồi, thử áo xuân, Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần. Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc, Phong tục An Nam theo cổ nhân (2).
(Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính). Hiển Khanh sau đó đã phải công nhận:
Nước An Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương, Đừng nói bừa họ là ếch ngồi đáy giếng (3)
Và năm sau, 1293, thì Trần Phu không thể giấu giếm sự hoảng sợ:
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ, Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh (4). (Sứ hoàn cảm sự) (Trong ánh giáo gươm lòng đắng lại, Trống đồng vang động bạc phơ đầu).
Như vậy, vào những năm này đất nước đã hồi sinh và nhà Nguyên ít nhiều cũng phải vì nể. Trong tình thế đó, Nhân Tông thực hiện truyền thống của nhà Trần: truyền ngôi cho con, mình chỉ giữ vai trò cố vấn. Kể ra đến lúc này Nhân Tông có thể mặc sức ngao du nhàn hạ. Nhưng cũng phải năm sáu năm sau ông mới được thư tâm "xuất gia" rồi trở thành vị tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Đến đây dường như có một bước ngoặt trong tư tưởng Trần Nhân Tông. Cớ gì một ông vua anh hùng "nhập thế" đến như vậy bỗng nhiên lại vứt bỏ tất cả để tìm đến với đạo lý hư vô:
Ngoài việc thắp hương tham thiền ra, Mọi điều suy nghĩ đều cho qua đi thôi. (Đại Lãm Thần Quang tự)
Phải chăng Trần Nhân Tông không còn là con người tích cực nữa? Phải chăng dĩ vãng anh hùng chỉ còn lại chút dư âm? Hoàn toàn không phải thế! Đối với Nhân Tông, xã tắc là điều hệ trọng hơn cả. Khi còn trẻ, có thời gian ông mải mê với việc giữ gìn giới luật đến nỗi mặt võ mình gày, Thánh Tông thấy vậy phải nhắc: "Trẫm nay đã già rồi, chỉ trông mong vào một mình con. Nếu con như thế thì cơ nghiệp lớn của tổ tông sẽ ra sao?" (5). Lời nhắc nhở ấy đã khiến Trần Nhân Tông bừng tỉnh. Sau này, khi đã xuất gia, ông vẫn quan tâm đến việc triều chính. Vào năm 1293, trước lúc chính thức lên Yên Tử làm một vị đại đầu đà, Nhân Tông bất ngờ về cung kiểm tra việc triều chính. Ông khiển trách rất nghiêm, thậm chí có thể cách chức các quan, truất ngôi người kế vị vì tệ ham tiệc tùng chè rượu, bê trễ công việc. Hai năm sau (1301), ông lại đi khắp đất nước, sang cả Chiêm Thành để củng cố quan hệ với nước láng giềng. Có lần xem sổ ban thưởng, thấy Anh Tông dễ dãi, ban cấp tràn lan, ông quở trách: "Sao có một nước bằng bàn tay mà ban chầu nhiều đến thế" (6)... Như vậy, giữa những ngày "dốc lòng" tham Thiền giảng kinh, những ngày đã "liễu ngộ" lẽ sắc không, "lạnh lòng" với nhan sắc:
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không, Mùa xuân hoa nở rộn tơ lòng. Đông quân nay đã thành quen mặt, Chiếu cỏ xem hoa rụng cánh hồng. (Xuân vãn)
Nhân Tông vẫn không thờ ơ với việc nước. Ông không tìm đến đạo Phật chỉ với mục đích "độ" cho mình thoát khỏi vòng luân hồi bằng những nghi lễ cúng giàng thô sơ máy móc. Ông đến với giáo lý nhà Phật để tìm sự "giác ngộ", cũng là tìm lời giải đáp cho những câu hỏi lớn: Con người là ai? Từ đâu đến và cuối cùng đi đâu? Thế giới có hay không? Thật hay ảo?... Những câu hỏi ấy loài người đặt ra từ rất sớm, và cũng từ rất sớm con người cố gắng tìm câu trả lời. Thích Ca mâu ni cũng đã đưa ra một đáp án: thế giới, con người chỉ là sự kết hợp của năm yếu tố - "ngũ uẩn" - bao gồm cả tâm và vật: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Thế nhưng những câu hỏi đó vẫn trở đi trở lại. Đến khoảng thế kỷ 11, 12, 13, dường như ở phương Đông vấn đề đó lại được đặt ra sôi nổi. ở Trung Quốc người ta không chịu bằng lòng với thuyết "thiên nhân tương ứng" - trời với người có sự cảm ứng trực tiếp bí ẩn sơ giản của Nho giáo nữa. Các nhà Tống Nho đã rút phần bản thể luận của Phật giáo, những yếu tố biện chứng của Lão giáo để bổ sung và nâng cao tầm triết học Nho giáo. Còn ở Việt Nam, giai đoạn này cũng là thời kỳ thịnh đạt nhất của Phật giáo. Dưới thời Lý có nhiều buổi họp mặt các Thiền gia và cả các vương hầu để đàm đạo về con người, vạn vật. Tuy nhiên, đối với Trần Nhân Tông, có thể còn lý do khác khiến ông đến với Phật giáo: mối quan hệ giữa những con người. Dẫu sao đạo Phật cũng đề cập đến một tình thương rộng lớn, sự không phân biệt đẳng cấp xã hội trong hàng Phật tử. Nhân Tông là ông vua có tư tưởng "thân dân" vào bậc nhất đời Trần. Ông đã từng nhắc đến công lao của những người gia đồng, từng phạt trượng viên quan Châu Diễn là Phi Mạnh về tội tham ô, xuống chiếu cho phép những người bán con làm nô tỳ được chuộc lại, trong thơ ông có bóng dáng trẻ chăn trâu, thôn xóm, làng mạc... Cho nên, có thể cả hai mặt về quan điểm vũ trụ, nhân sinh của đạo Phật đã hấp dẫn ông khiến ông suy nghĩ thêm về những kế sách "chăn dân trị nước" và muốn xây dựng một môn phái Thiền học bề thế, đàng hoàng của riêng Việt Nam, đời Trần. Khác với các vua nhà Lý và cả Trần Thái Tông, ở lĩnh vực này Nhân Tông cũng rất có chủ kiến.
Ông chấp nhận đạo Phật, nhưng đã tách đạo Phật ra khỏi đời sống chính trị và trả lại cho nó nhiệm vụ chính yếu của một tôn giáo: chăm sóc đời sống tâm linh của con người. Đến Nhân Tông dòng Thiền Việt Nam đã thống nhất thành một mối từ tổ chức đến giáo lý, cách thức đào tạo, truyền nối và có cả một quê hương riêng cho mình. Chính Nhân Tông đã chọn Yên Tử làm mảnh đất quê hương cho dòng Thiền Trúc Lâm, mặc dù thời đó xung quanh Kinh đô không ít ngôi chùa có quy mô lớn, đủ điều kiện để trở thành trung tâm một môn phái như Phật Tích, Phổ Minh... Vì sao Nhân Tông đến với Yên Tử và có ý định đưa trung tâm Phật giáo xa Kinh đô, đó cũng là một câu hỏi. Tăng Hải Hòa tức Nguyễn Đăng Sở (1753 -?) đã căn cứ vào tinh thần yêu nước, tài năng quân sự của Nhân Tông, cho rằng thực chất Nhân Tông lên Yên Tử để tìm một vọng gác tiền tiêu bao quát vùng đông bắc:
"Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy là không tiện nói rõ sợ người ta dao động. Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô lượng lực Đại thế chí Bồ tát. Lúc bấy giờ chỉ có Huyền Quang Tôn giả biết được ý ấy, bỏ cái cao sang của một vị Trạng nguyên sớm chiều đi theo ngài để hoàn thành cái ý nguyện của ngài. Thật là một vị Vô lượng kiến thức Đại Bồ tát". (7)
(Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh)
Kiến giải này sẽ hoàn toàn thuyết phục nếu chúng ta tìm được trong di tích khảo cổ hay sử liệu một vài chứng cứ chỉ ra rằng Nhân Tông đã cho lập một hệ thống truyền tin hay đôi ba trạm quan sát quanh vùng Yên Tử. Tuy nhiên về mặt đạo thì Yên Tử quả có ưu thế hơn so với nhiều nơi khác. Cảnh trí ở đây cách biệt với thị thành dễ đưa con người gần lại với thiên nhiên để tĩnh tâm. Vả lại, vẻ huyền bí của núi rừng có thể tạo nên không khí thiêng liêng, thích hợp với việc tu hành. Quốc sư Phù Vân, nhà sư Lý Tự Thông (đời Lý) đều coi Yên Tử là nơi dành riêng cho người xuất gia, là "phúc địa" của Giao Châu. Chính Nhân Tông cũng nói:Non hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao, Chiền vắng am thanh, chính thực cảnh đạo nhân du hý.(Cư trần lạc đạo phú)
Song Yên Tử hấp dẫn Nhân Tông có thể còn bởi một lẽ khác chính yếu hơn, đó là vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa thanh thoát, mộc mạc của cảnh trí thiên nhiên ở đây mà bằng sự nhạy cảm và tinh tế của tâm hồn ông đã khám phá ra được. Nhân Tông là một con người đa dạng. Trong ông có bản lĩnh quả quyết, vững vàng của một người làm tướng, có cái sắc bén, bình tĩnh ung dung của một nhà chính trị, ngoại giao, có sự sâu sắc thâm trầm của một nhà Thiền học và quán xuyến tất cả lòng nhân ái, hồn hậu, yêu nước nồng nàn... của con người Việt Nam cùng với một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, tinh tế. Nếu như những ngày cầm quân đuổi giặc và trị nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm tư Trần Nhân Tông thì những ngày tu hành làm vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm cũng có một vị trí không thua nhiều lắm. Có điều ngày nay Trung hưng thực lục do ông chỉ đạo viết cũng như Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thạch thất mị ngữ, Tăng già toái sự của ông đều đã mất. Và do vậy trong trước tác còn lại, Nhân Tông hiện ra hầu như trọn vẹn với tư cách nhà thơ, mà chủ yếu là thơ trữ tình. Ông dành nhiều tình cảm cho cảnh sắc thiên nhiên, trong đó có một phần cho Yên Tử. Ông ít trực tiếp nhắc nhở cái tên Yên Tử, dù vậy có một mảng thơ văn của ông gắn bó và mang khí vị hùng vĩ, hoang sơ của rừng núi nơi này. Ông từng ngồi nghe gió thổi ngọn tùng mà nghĩ đến giá trị của chữ "nhàn":
Cảnh vắng nơi yên tự tại lòng, Hiu hiu gió thổi mát rừng thông. Giường Thiền dưới cội kinh vài quyển, Hai chữ thanh nhàn đáng vạn đồng (8). (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)
Ông cũng từng một mình "đối cảnh" trong một đêm trắng mênh mang trên núi Bảo Đài, một ngọn của dãy Yên Tử:
Đất vắng đền đài thêm cổ xưa, Xuân sang, vừa đó mới theo mùa. Gần, xa, thấp thoáng mây lồng núi, Nắng, rợp, mơ hồ một ngõ hoa. Nước đẩy nước trôi, đời vạn sự, Tâm nghe lòng nhủ, tháng năm qua. Nâng ngang ống sáo bên thềm vắng, Đầy ngực trăng thanh tỏa ánh ngà (9). (Đăng Bảo Đài sơn)
Và lẽ nào không có bóng dáng cảnh quan Yên Tử trong những câu thuyết pháp sau đây:
Cánh bằng cao vút nương tầm gió, Sóng biển êm đềm sáng ngọc trai. Nước trắng mênh mông chim én lạc, Vườn tiên đào thắm gió xuân say (10).
Lại nữa, cũng từ một phòng canh nhỏ trên núi này - Sơn phòng - rút cuộc Nhân Tông đã "liễu ngộ", đã tìm ra chân lý:
Ai trói phải tìm phương giải thoát, Chẳng phàm hà tất học thần tiên? (Sơn phòng mạn hứng)
Hẳn đây cũng là một điều có ý nghĩa mà Nhân Tông đã tìm ra trong những ngày ở Yên Tử, những ngày "dốc lòng" nghiên cứu đạo Thiền. Song dù vậy, Nhân Tông cũng không chỉ là con người của đạo. Tâm hồn nhạy cảm của ông còn dành cho nhiều sự vật khác. Có biết bao nhà thơ phương Đông đã vịnh hoa mai nhưng Nhân Tông vẫn đến với hoa mai bằng những rung cảm riêng vừa thâm trầm tinh tế, vừa sắc sảo nồng nàn:
Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng, San hô, vảy bạc về tân trang. Ba đông san sát cành khoe trắng, Một thoáng xuân về đã rụng quang. Móc ngọt chảy thơm tan giấc bướm, Trăng đêm loáng nước khát chim rừng. Hằng Nga ví biết hoa mai đẹp, Đâu tiếc cung thiềm lạnh quế hương. Mấy ngày ngại rét lười ra cửa, Gió ấm đang về bên gốc mai. Bóng ngả trên sông băng mới rạn, Đầu cành e ấp vẻ xuân phơi. Họa long, sáo ướt mây quan ải, Thúy vũ, ca chìm trăng xóm đồi. Tỉnh giấc bâng khuâng lòng bạn cũ, Khôn đem hoa mộng tặng đưa ai (11). (Tảo mai)
Trong truyền thống thơ phương Đông người ta thường khai thác ở cây mai vẻ cứng rắn, bất chấp gió sương, song Trần Nhân Tông chỉ cực tả vẻ đẹp bản nhiên của những cánh hoa mỏng mảnh, một vẻ đẹp tinh khiết mà linh động, hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh như bóng san hô chìm, như vảy cá nổi; khi nở rộ thì trắng vườn, tỏa hương thơm dịu ngọt, khi hết mùa còn lại vài bông thì e ấp nép đầu cành... Những bông hoa mai ấy rất thực nhưng dường như lại ảo. Suốt ba tháng đông, hoa khoe sắc, thu hút cảm giác vạn vật, thách thức cả cây quế cung thiềm; thế mà chỉ qua vài hôm, mùa xuân chợt đến là mầu trắng rạng rỡ ấy đã tan biến đi như một phép lạ. Những đóa hoa mai của Nhân Tông gần gũi nhưng xa vời biết bao! Hương thơm của hoa làm chú bướm si mê phải giật mình tỉnh giấc; sắc hoa hòa ánh trăng loang loáng như nước làm cho con chim đang khát cháy cổ thêm buồn rầu; cành mai tươi đẹp rơi vào giấc mộng cố nhân khiến cho người tỉnh giấc càng bâng khuâng vì hoa chỉ là hoa trong mộng! Trần Nhân Tông thật đã viết những vần thơ độc đáo và tinh tế về hoa mai. Các nhà am hiểu Thiền học có thể khen Tảo mai là bài thơ Thiền đặc sắc. Bởi lẽ ở đây "cái sắc" và "cái không" quyện vào nhau bao nhiêu thì cái ham muốn và cái được nhận lại cách xa nhau bấy nhiêu. Dường như bài thơ là một lời chỉ dẫn cho đệ tử "cái vô thường" của vạn vật để từ đó biết hạn chế những dục vọng trong cuộc đời! Thế nhưng nếu bằng những cảm xúc hoàn toàn thế tục, người đọc cũng không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ của những vần thơ này và cũng như tác giả vừa xúc động vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp của những cành mai sớm ấy. Phải nói rằng những cành hoa mai Yên Tử này (có thể tin đây là mai Yên Tử bởi vì đằng sau những cành mai không thấy bóng dáng một tòa lâu các, một cánh rèm hoa hay những khách công hầu, những trang mỹ nữ mà chỉ có mây quan ải, trăng xóm đồi, băng trên sông và tấm lòng bạn cũ) cũng rất tình tứ và thế tục.
Về bút pháp miêu tả tinh tế của Trần Nhân Tông còn có thể kể đến các bài Vũ Lâm thu vãn, Lạng Châu vãn cảnh. Có điều cảnh cuối thu ở Vũ Lâm thì mầu sắc và hình ảnh đều đậm mà tươi. Chúng đối lập nhau để bồi thấn cho nhau khiến cảnh vật đang lặng lẽ trở nên linh hoạt, vui mắt:
Cầu hoa đảo bóng vắt ngang khe, Một vệt tà dương nước sáng lòe, Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ, Sương chiều mây ướt tiễn chuông đi (12). (Vũ Lâm thu vãn)
Trái lại cảnh chiều châu Lạng lại rất tĩnh, các mầu sắc như hòa vào nhau: lá đỏ, mây chiều, thuyền câu, chuông chùa... tất cả đều như chìm vào cảnh rừng thu sương móc mênh mang cùng ngôi chùa cổ hoang vắng:
Trần Nhân Tông đã đi hầu khắp đất nước. Trước khi đến với Yên Tử ông đã sống cuộc đời sôi động và vương giả. Trong thơ ông còn dấu ấn của những chặng đường đời ấy. Có những vần thơ hào hùng về những ngày đuổi giặc; có vần thơ đắc chí khi về thăm mộ ông nội - vua Trần Thái Tông - thấy thị vệ nghiêm túc, lòng người gắn bó với vương triều:
Giáo đòng nghìn cửa mật áo mũ, bảy phẩm chung. Người lính già đầu bạc, Kể mãi chuyện Nguyên Phong (13). (Xuân nhật yết Chiêu lăng)
Cũng có những cảm xúc tinh tế mà ấm áp trong một chiều thanh bình ở phủ Thiên Trường. Không gian thì như mơ hồ nhưng cuộc sống thì sinh động và rất thực, nó cho ta cảm giác về một vùng quê an lạc rất đỗi quen thuộc, song không phải lúc nào cũng có được:
Xóm trước, thôn sau tựa khói lồng, Trời chiều dường có lại đường không. Mục đồng sáo vẳng trâu về hết, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng. (Thiên Trường vãn vọng)
Nhân Tông còn có những vần thơ về quãng thời gian ở trong cung, khi ông còn là bậc chúa tể, "lòng còn ở trong trăm hoa mỗi khi xuân đến" (Nhất xuân tâm tại bách hoa trung). Đó là những vần thơ tươi trẻ, thể hiện trạng thái xốn xang bất ngờ nhận ra mùa xuân đã đến, nhân chợt thấy cánh bướm quyến luyến bên hoa:
Ngủ dậy ngỏ song mây, Xuân về vẫn chửa hay. Một đôi bươm bướm trắng, Phấp phới sấn hoa bay (14). (Xuân hiểu)
Bài thơ trên diễn tả niềm vui, song đối với tác giả dường như giây phút ấy không nhiều. Phải chăng ông bận, có nhiều việc phải quan tâm, đến nỗi quên cả bước chân năm tháng, chỉ đến khi cuộc sống của muôn loài đã rộn ràng náo nức ông mới như chợt nhớ ra. Quả là ông lơ đãng, song sự lơ đãng ấy cũng là một nét đẹp trong tính cách Nhân Tông.
Có thể nói Nhân Tông không phải một ông vua ham tìm kiếm những cuộc truy hoan. Mặc dù sống giữa ba cung sáu viện, không thiếu gì thú tiêu khiển, không thiếu gì hương sắc nhưng ông vẫn dành cho mình những buổi yên tĩnh nơi viện sách; ở đây sách, đèn, người và trăng như chiếm lĩnh cả không gian và thời gian:
Nửa song đèn sáng, sách đầy giường, Đêm lạnh sân thu khí đượm sương. Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết, Trên cành hoa mộc ánh trăng vương (15). (Nguyệt)
Bài thơ nói về trăng nhưng Nhân Tông cũng cho ta hiểu thêm một việc làm khác của ông: đọc sách, học hành. Cả ở lĩnh vực này nữa, ông cũng lao động nghiêm túc, miệt mài. Đêm mùa thu lạnh, ông vẫn chong đèn đọc sách đến khuya và chợp mắt trong tư thế làm việc - đèn vẫn sáng - khi tỉnh lại đêm vẫn còn khuya, cả không gian im ắng, chỉ có mảnh trăng cuối tháng lửng lơ trên đầu cây quế... Nếu nói rằng trong thơ có họa thì các bài thơ này, bài Lạng châu văn cảnh, Vũ Lâm thu vãn, là những bài đạt đến trình độ ấy. Song không phải thơ Nhân Tông chỉ có cỏ cây hoa lá. Ông là người đầu tiên nói đến nỗi lòng người cung nữ. Họ buồn vì sự trống trải, họ oán giận vị đông quân thờ ơ với họ nhưng dù vậy họ vẫn khao khát chờ đợi một chút đoái tưởng của vị chúa tể:
Ngủ dậy xem hoa rụng trước mành, Gió đông im, vắng tiếng chim oanh. Không dưng ác lặn bên lầu vắng, Cùng ngoảnh về đông bóng lá cành (16). (Khuê oán)
Với hai mươi tám chữ ngắn ngủi, Nhân Tông đã diễn tả được khá đầy đủ tâm trạng phức tạp và thầm kín của những người cung nữ. Sự hiểu biết này một lần nữa chứng tỏ tấm lòng nhân ái của ông.
* * *
Nhìn chung lại Nhân Tông là một con người toàn vẹn. Bỏ qua những hạn chế lịch sử mang tính chất thời đại, có thể thấy Nhân Tông rất có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ông rất xứng đáng là người tiêu biểu cho đất nước, dân tộc một thời. Một nhà chính trị, ngoại giao như ông không phải dễ tìm; và một nhà thơ như ông cũng vào loại hiếm. Trong thời thịnh Trần, Nhân Tông là một nhà thơ có phong cách và cũng là một đỉnh cao.
Viên Mai, một nhà lý luận về thơ nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại, khi bàn về thơ có nói: "Thơ nên đạm không nên nồng nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng". Nhiều bài thơ của Nhân Tông đã đạt đến cái vị "đạm" ấy. Có điều ngay cả những bài thơ "nồng" của ông như Xuân nhật yết Chiêu lăng, Xuân hiểu, Tảo mai... chắc gì đã thua kém những bài thơ "đạm". Nếu mượn câu nhận xét của Phạm Văn Đồng về Nguyễn Trãi: "Nhiều tài hoa như vậy dồn cho một người là điều hiếm có" để khen Trần Nhân Tông hẳn cũng không đến nỗi quá lời.