Tiếng Việt có 6 hay 8 thanh ?
Ngày trước trong chủ đề "Luật thơ" mình đã đặt vấn đề này ra rồi, giờ chỉ xin đưa ra một số điều để chứng minh thôi. Trước hết xin nói rằng ta không nên căn cứ vào chính tả để phân biệt số thanh, vì 2 lý do:
- Thứ nhất, chính tả chữ Quốc ngữ đang dùng ra đời mới được khoảng 1 thế kỷ, mà tiếng nói của ta đã có từ rất lâu rồi. Như vậy không thể dùng cái có sau để suy ra cái có trước được.
- Thứ hai, chính tả chữ Quốc ngữ của ta hiện nay đang có một số bất cập, mà đây chính là một. Cụ thể hơn, bất cập ở đây là, có những chữ cùng âm với nhau nhưng lại dùng chữ cái khác nhau để viết, ví dụ từ "ươn ướt" thì hai chữ trong đó cùng âm với nhau, nhưng một chữ dùng n, chữ kia lại dùng t.
Mình xin nêu ra một số minh chứng...
1. Phát âm:
Ta có thể sắp xếp các thanh từ thấp tới cao như sau:
- cặp t và n: ượt ượn ưởn ườn ươn ướn ưỡn ướt, hụt hụn hủn hùn hun hún hũn hút
- cặp ch và nh: tạch tạnh tảnh tành tanh tánh tãnh tách, chịch chịnh chỉnh chình chinh chính chĩnh chích
- cặp m và p: hập hậm hẩm hầm hâm hấm hẫm hấp, bẹp bẹm bẻm bèm bem bém bẽm bép
- cặp c và ng: hoạc hoạng hoảng hoàng hoang hoáng hoãng hoác, khạc khạng khảng khàng khang kháng khãng khác
Các thanh này lần lượt được gọi như sau:
- Trầm nhập thanh (.)
- Trầm khứ thanh (.)
- Trầm thượng thanh (?)
- Trầm bình thanh (`)
- Phù bình thanh (không dấu)
- Phù khứ thanh (')
- Phù thượng thanh (~)
- Phù nhập thanh (')
Chú ý là không phải chữ nào cũng xếp được vào 4 hệ thống ở trên, mà chỉ những chữ có chữ cái tận cùng đã ghi trong 4 cặp đó. Những chữ còn lại, ta chỉ có thể liệt kê được 6 thanh (hai nhập thanh không tồn tại). VD:
- nạo nảo nào nao náo não
- đạ đả đà đa đá đã
Rõ ràng những chữ này, bạn không thể tăng hoặc giảm thanh xuống được nữa khi phát âm (hãy thử xem).
Như vậy, từ đây cho thấy tiếng Việt có 8 thanh, nhưng không phải tất cả các âm đều có 8 thanh, mà một phần có 6 thanh.
2. Từ láy (láy âm)
Đây cũng là một căn cứ tốt để thấy sai sót trong hệ thống chính tả của ta đang dùng. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ láy âm chỉ có thể giải thích bằng thuyết 8 thanh mà thôi: ươn ướt, hun hút, tanh tách, chình chịch, hâm hấp, bèm bẹp, hoang hoác, khang khác,...
3. Nói lái (nói ngược)
Trong tiếng Việt có trò chơi nói ngược, chắc ai cũng đã từng thử qua. Nói ngược có nhiều kiểu, nhưng trong đó có kiểu là đổi âm và phụ âm 2 từ cho nhau để tạo ra 2 từ mới nghe rất vần với 2 từ cũ. Ví dụ: trả lời -> lởi trà, làm thơ -> thờ lam,...
Nhưng ai chơi trò này cũng biết một điều là, không phải cặp chữ nào cũng áp dụng được quy tắc đó. VD: thống nhất. Nếu ta đổi "thống nhất" thành "thất nhống" thì khi đọc không còn thấy vần với nhau nữa. Tuy nhiên, nếu một người chơi tốt trò này (nghĩa là chơi nhiều thành quen mồm) có thể đọc "thống nhất" rồi phát âm ngược lại ngay thành "thấn nhốc" và nghe rất đúng. Và tất nhiên là điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chỉ có thể được giải thích bằng thuyết 8 thanh, vì n và t ở cuối âm vốn là một, c và ng ở cuối âm vốn cũng là một.
Tất nhiên những nghiên cứu về ngữ âm không thể chỉ đơn giản như vậy. Ở đây mình chỉ muốn nêu ra những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tiếng Việt có 8 thanh mà thôi.
Và sai lầm trong chính tả chính là ở chỗ, người ta chỉ dùng 6 dấu thanh thay vì phải dùng 8 mới đủ, nghĩa là dấu nặng (.) và dấu sắc (') bị dùng 2 lần cho những chữ cùng một âm.
Để rõ ràng hơn, bạn có thể tưởng tượng là tiếng Việt có thêm 2 dấu thanh nữa, mình tạm dùng là ä và å (chỉ là vấn đề ký hiệu) thay cho trầm nhập thanh và phù nhập thanh. Khi đó ta sẽ viết như sau:
- hoäng hoạng hoảng hoàng hoang hoáng hoãng hoång
- tänh tạnh tảnh tành tanh tánh tãnh tånh
- ...
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.