Từ lâu mình đã rất bức xúc với việc tiếng Việt đang ngày càng bị mất đi vẻ đẹp và có khá nhiều bạn trẻ lứa tuổi 9x sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt phong phú và bí hiểm đến nỗi người bình thường không làm sao hiểu được trừ chính họ, nhất là nó lại được thể hiện nhiều trên các blog, trong chát. Tiếng Việt ơi tiếng Việt còn đâu vẻ đẹp nguyên sơ mà nhà thơ Lưu Quang Vũ, Nguyễn Phan Hách và nhiều nhà thơ, nhà văn, học giả khác từng ngợi ca đắm đuối. Nhân lướt web có trang nói về chủ đề tiếng Việt khá hay nên trích ra đây để cả nhà thưởng lãm và suy nghĩ
và sẽ thấy xấu hổ thay cho một thế hệ mới đã không còn có đủ trách nhiệm để lưu giữ vẻ đẹp của tiếng Việt như các thế hệ trước đã từng làm.
Bùng phát ngôn ngữ 'vỉa hè'Ca ngợi cái đẹp thì “đẹp dã man”, khen một cô gái thì “hơi bị ngon”; còn câu “vụ này có vẻ lục tốn đấy nhỉ” là để nói về một vụ chi tiêu tiền bạc. Đó là vài ví dụ trong vô vàn chuyện về sử dụng ngôn ngữ hiện nay của giới trẻ.
Ở công sở, ngôn ngữ vỉa hè, vang khắp các văn phòng: “Chào đại ca, chiều nay đội hình mình đi làm tí máu nhỉ (ăn tiết canh)” hay “Này, lết đến chuồng tao rồi đi hít, bắn mấy bi nhé” (sang cơ quan rồi đi uống nước, hút thuốc). Kiểu ngôn ngữ "vỉa hè" ấy đang trở nên thông dụng khắp hang cùng ngõ hẻm, thậm chí còn lây lan đến các cơ quan, công sở và trở nên thông dụng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Đại học Thuỷ Lợi, tiếng Việt đang bị sử dụng một cách bừa bãi, nhiều khi trở nên méo mó đáng thương. Chẳng hạn, một số đàn ông dùng từ “hàng” để gọi phái nữ cho dù những người con gái ấy rất đàng hoàng, đứng đắn không phải “dân chơi”.
Biến tướng hơn cả là những từ hay dùng hằng ngày, như uống bia, rượu thì gọi là “bú”, hỏi ăn cơm chưa thì “đớp chưa”. Có trường hợp một chàng trai hỏi bạn mình đã đưa được người yêu "lên giường" chưa bằng câu “chén chưa”.
Tiếng bồi, tiếng lóng phổ biến nhất trong giới thanh niên, học sinh. Để khen một người nhiều tiền thì “thầu giầu nhỉ”. Đi xe máy luồn lách trên phố thì “mày thấy tao xà lách tởm không”.
Ở công sở, ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa âm vang khắp các văn phòng: “Chào đại ca, chiều nay đội hình mình đi làm tí máu nhỉ (ăn tiết canh)” hay “Này, đang ở đâu, lết đến chuồng tao rồi đi hít, bắn mấy bi nhé” (sang cơ quan rồi đi uống nước, hút thuốc). Nhiều chữa bị nói méo đi, chệch đi kiểu "đúng roài", "khoái lém"... khiến người nước ngoài sang Việt Nam chẳng hiểu gì cả.
Trong khi đó, ngôn ngữ "công sở" lại lan ra chợ búa và được sử dụng theo kiểu "nửa mùa". Ở các chợ cóc, chợ tạm, nhiều bà bán hàng đon đả mời chào khách mua thức ăn: “Chào thủ trưởng, thủ trưởng ký hợp đồng giải quyết giùm em nốt mấy lạng thịt đi”.
Việc sử dụng ngoại ngữ theo kiểu tiếng lóng, tiếng bồi nhiều khi cũng gây phản cảm, nào là “búc phòng” (đặt phòng), “chếch ao, chếch in” (làm thủ tục trả hoặc lấy phòng khách sạn), “thanh kiu anh”, “so ri anh, em pho ghét mất” (xin lỗi anh, em quên mất).
Anh Phạm Hải, công tác tại một đơn vị viễn thông, không hiểu vì quen miệng hay vô ý hỏi xin một chị công nhân vệ sinh đường phố chiếc “nêm cạc” khiến chị chẳng hiểu gì và đỏ mặt tưởng anh trêu mình.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, công tác tại một tổng đài bưu điện ở Hà Nội, đã gặp phải một tình huống khó xử khi giới thiệu bạn gái với mẹ mình bằng ngôn ngữ nửa Anh, nửa Việt. Bạn của anh vốn làm nghề quan hệ công chúng (PR, phát âm chuẩn là Pi - a). Do nghe không rõ hoặc không hiểu, bà cụ nghĩ cô gái làm ở quán bi-a. Cho rằng con gái làm ở những nơi đó thì không tốt, cụ đã ngăn cấm Tuấn và cô bé đi lại với nhau.
Theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Văn Ngọ thì tất cả những hiện tượng nói năng, phát ngôn bừa bãi này đã trở thành “bệnh”. Nó đã làm mất đi những nét đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt. “Sẽ rất khó để chữa được căn bệnh này”, ông khẳng định.
Theo Hoàng Hà
(VnExpress)
http://www.nhavhthanglong...;sid=3522&newtopic=21Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)