THƠ CỦA TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI, TÌNH YÊU
Mảng thơ trên THT được xem là rất “giàu có” bao lâu nay. THT là một trong số ít những tờ báo còn “chung thủy” với thể loại này trong khi hầu hết các báo (ngoại trừ báo văn nghệ) đều gần như khép cửa (thỉnh thoảng chỉ mở ra hờ hờ) với nó. Và đó là điều khiến cho các tài hoa của thơ ca, ngoài việc thích đọc, còn tìm thấy ở THT một lối nhỏ mộng mơ, một mảnh trời xanh đăm chiêu, để gửi gắm hồn mình phiêu linh cùng cảnh sắc, tình đời đồng lúc với tự thoại mình nghe. Nhưng cuộc thi thơ Tứ tuyệt đã “nghe” ra được lắm nỗi niềm của các thi nhân xa gần, có sức đồng vọng đến nhân quần, cuộc sống chứ không chỉ là những lời tự thoại đơn độc, riêng tây.
Ví như tác giả Vũ Đình Thi (giải Nhì, không có giải Nhất), trước khi “phát âm” bằng thơ cho người khác nghe thì cũng đã tự Ghi âm (tựa bài thơ) vào lòng mình những bài-ca-không-quên: “Bài hát thời khói lửa/ Tôi ghi âm vào lòng/ Tha thiết bao năm hát/ Đĩa không xước một dòng”. Với một cái “đĩa” như thế, tác giả cho ta nghe được nhiều điều sâu sắc, thấm thía – như chính xương thịt, như máu huyết những người đã hy sinh vì đất nước, vì cuộc sống. Nói về sự hy sinh thực đẹp, nhưng nói về cuộc sống, về tình yêu đôi lứa, Vũ Đình Thi cũng có hình tượng mang tính biểu tượng đẹp, rất ý nghĩa – Bút chì xanh đỏ: “Đôi ta chiếc bút chì xanh đỏ/ Ruột liền ruột, vỏ với vỏ liền nhau/ Cùng tô vẽ ngôi nhà đầy nắng/ Mãi say sưa đến lúc cạn màu”. Tác giả Nguyễn Phương Thảo (giải Ba) cũng chọn một hình tượng vốn rất giản dị mà khi đưa vào thơ thì gây sốc lạ lùng - Cái tăm: “Tôi là người của làng quê/ Tre xanh bao bọc bốn bề yên vui/ Giờ làng tre chặt hết rồi/ Cây tăm sót lại tôi ngồi ngậm tăm”. Cái tăm ban đầu chỉ là một vật nhỏ, một hình ảnh đơn sơ, nhưng nó đã thành hình tượng lớn bao la, diễn tả nỗi trống vắng to lớn của người làng quê, qua thể cách chơi chữ tài hoa của tác giả “ cây tăm sót lại tôi ngồi ngậm tăm”.
Có thể nói, trong con mắt những người làm thơ, mọi sự vật, dù nhỏ cách mấy cũng có thể khoác lên một tầm vóc lớn, một ý nghĩa cao vời mà vẫn hợp lý, hợp tình – như tác giả Yến Thạnh (giải Ba) đã nhìn vào cái computer và liên tưởng Trái đất này cũng chỉ có trọng lượng như nó là cùng: “ Tay xách thế giới phẳng/ Đi trong thế giới tròn/ Hành tinh này nhẹ thế/ Toàn email chấm com”. Phát hiện đó giúp cho người đọc dễ sinh lòng lân mẫn, dễ sống hòa thuận với người đời chung quanh. Nhưng sống trong nhân quần, con người nhiều khi cũng phải phân thân để hòa hợp, đó là bi kịch nhưng đó cũng là quy luật để sống, chỉ cần ta không tự phản bội mình: “Đôi khi tôi chợt nhận ra/ Có hai người cứ nhạt nhòa trong tôi/ Một người cười nói với đời/ Một người ngồi với đơn côi phận mình” (Tôi và tôi – Nguyễn Ngọc Chương, giải KK). Đơn côi ư? Chưa đáng kể đâu, cả khi ta về già, đã đi qua hết đời người, ta vẫn nên bao dung, “làm lành” với những gian truân mà cuộc đời ác nghiệt đã đổ trọn vào mình: “Làm lành với những long đong/ Bồ hòn vẫn ngọt, đắng lòng vẫn say/ Một mai liệu có ai hay/ Cung tình còn nặng trắng tay với đời” (Một mai – Đoàn Vy, giải KK). Nói theo ý nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống, ta không chỉ hòa hoãn với người khác mà còn phải biết hòa hoãn với chính mình nữa.
Có thể nói, tứ tuyệt là thể thơ rất “thuận tay” với những tác giả đến với THT, vì ngay từ khi mới ra đời, THT đã ưu ái chọn thể thơ này như một sân chơi quen thuộc trên báo, và từ đó đến nay (ngót 15 năm) hầu như đều có thơ tứ tuyệt trên mọi số. Như thế, các cây bút đã khá nhuyễn với thể thơ này và khi “đổ bộ” vào cuộc thi - chữ nghĩa, vần điệu, đặc biệt ý tứ trong thơ đều sắc sảo, bất ngờ, mới lạ… Thật tiếc là giải thưởng có hạn, nếu không, còn có không ít những tác giả đã đề tên bảng vàng trong cuộc thi này một cách thuyết phục.
Thôi thì hẹn vào một dịp khác sắp tới nữa

Bình Luận
Ghi âm
Bài hát thời khói lửa/ Tôi ghi âm vào lòng/ Tha thiết bao năm hát/ Đĩa không xước một dòng

Đây là một bài văn vần bình thường chưa được gọi là thơ, bài ngũ ngôn tứ tuyệt này phạm rất nhiều lỗi, thứ nhất sai về niêm luật, thứ hai, bài này chỉ đạt văn vần, chưa đạt vè, tôi không biết người chấm giải là ai, người này không hiểu thơ là gì: Viết được một bài thơ thôi là thành nhà thơ rồi, thật đáng buồn cho tạp chí Tài Hoa Trẻ, chọn bài không tài hoa tí tào, nếu chọn về nội dung hay nghệ thuật đều không đạt 5 điểm. Ví như bài này cũng ngũ ngôn tứ tuyệt "Móng Cái lâu chưa đến, tường vi nở mấy lần, mây trắng tan thành khói, trăng ghé mình trước sân" nó không trơn tuột như bài "ghi âm".

Bút chì xanh đỏ: “Đôi ta chiếc bút chì xanh đỏ/ Ruột liền ruột, vỏ với vỏ liền nhau/ Cùng tô vẽ ngôi nhà đầy nắng/ Mãi say sưa đến lúc cạn màu”.
còn bài thất ngôn tứ tuyệt này sai trầm trọng về vần, điệu, niêm luật, . Bài này: Chỉ có cai tứ là bút chì xanh đỏ trẻ con, nhưng mượn để nói về gia đình mình với một ngôi nhà hạnh phúc sống với nhau đến chon đời hết mực. giống cái tứ bài : "Bếp Đời " em là bếp của đời anh, đói no cay mặn ngọt lành có nhau, trăm năm dù bạc mái đầu, lửa anh vần cháy cạn dầu bếp em" nhưng bài bếp đời là bài thơ, còn bài này thật sự buồn không phải thơ.., không có vần điệu, niêm luật, nêu là thơ tự do thì cũng không ai dùng. Có mỗi bài cái tăm là bài thơ xin chia buồn cho cuộc thi do tạp chí phát động.
Cái tăm: “Tôi là người của làng quê/ Tre xanh bao bọc bốn bề yên vui/ Giờ làng tre chặt hết rồi/ Cây tăm sót lại tôi ngồi ngậm tăm”.
Làm trai chí lớn xưa nay hiếm
Thiếu nữ trong Tranh được mấy người