NGUYỄN BÍNH: GIANG HỒ, NHỚ, SAY, NGHỆ THUẬT TẠO SẦU, GÂY TƯƠNG TƯ
(Thuỵ Khuê)
"Mười hai bến nước" viết để tạ lòng một người tri âm vô danh vắng mặt. Nội dung tập hợp những bài, phần lớn làm ở Huế, nhớ về Hà Nội, trong khoảng thời gian 1941- 1942. Tập thơ khai trương và tổng kết quá khứ đau thương của một đời giang hồ, mà say và nhớ là hai biệt chất dựng nên thơ.
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ
Mà nhớ mà thương đến thế này
Hai câu thơ trong bài "Giời mưa ở Huế" dẫn chúng ta bước vào bầu trời nhớ của Nguyễn Bính, không gian bất tận bao trùm lên toàn bộ thơ Nguyễn Bính như màn sương tâm hồn vừa phủ vừa trụ vào cõi nhớ để tạo nên nghệ thuật thi ca.
Cõi nhớ Nguyễn Bính cũng lại khởi đi từ hồn thơ Tố Như. Nguyễn Du viết :
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê (Kiều)
Nguyễn Bính viết:
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng ! (Nhớ, 1936)
Bính đong, Bính đếm niềm nhớ như Nguyễn Du đã đong, đã lắc nỗi sầu.
Để đo Nguyễn Du dùng ngày tháng.
Để lường Nguyễn Bính dùng dây tơ.
Nhưng trẻ tuổi, nóng tính, Bính không dằn được nhục cảm :
Anh ơi! Em nhớ em không nói!
Nhớ cứ đầy lên cứ rối lên (Nhớ)
Đó mới chỉ là nỗi nhớ có đôi phần sôi nổi, những định nghiã lý tính hay dục tính chưa nhuần lắm. Bài Chân quê, chìm lắng hơn, nhà thơ, đem nỗi nhớ chan lên những câu thơ khác, không có nhớ :
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? (Chân quê)
Tuyệt không có một chữ nhớ, nhưng ở mỗi : nào đâu, là một vấn mình về nỗi nhớ, là một trách móc người yêu sao lại đánh mất y phục, đánh mất quá khứ, đánh mất chính mình.
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều (Chân quê)
Nhà thơ không chỉ trách cô gái quê, đi tỉnh đã học đòi mốt tỉnh “khăn nhung quần lĩnh” làm mất hương thơm đồng nội đi, mà còn là lời cầu khẩn tha thiết của một người tình, gắn bó với gốc gác cội nguồn “van em em hãy giữ nguyên quê mùa”, bài thơ còn đào đến bản thân nỗi nhớ trong con người: trong thâm tâm, nhớ chính là cái mình đã mất, mình đã đánh mất, mình đã mất mình, mình bị tha hoá. Chân quê là bài thơ về tất cả những sự đánh mất mình, không chỉ xẩy ra ở thôn quê, với người con gái quê mà có thể xẩy ra cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu.
Cho nên khi Hoài Thanh viện vào Chân quê để chê Nguyễn Bính nhà quê là đã không phải, rồi những người bênh vực Nguyễn Bính (Tô Hoài, Bùi Hạnh Cẩn, Đức Trấn, Nguyệt Hồ...) đưa ra lập luận: đây là Bản tuyên ngôn thơ của Nguyễn Bính chống lại các kiểu thơ lai căng, Âu hoá tới mức lộ liễu (ý nói thơ Xuân Diệu), cũng lại không phải nữa, vì năm 1936 cả Nguyễn Bính lẫn Xuân Diệu đều mới có thơ đăng báo, chưa nổi tiếng đến mức gây tranh luận.
Nhớ còn là một cảm tình, nó có khả năng lan rộng ra không gian, nối một địa điểm (như thôn Đông) với lòng người (thôn Đoài):
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười thương một người (Tương tư)
Thôn Đông và thôn Đoài là hai địa điểm, nhờ hai chữ ngồi nhớ chúng trở thành người. Rồi ngồi nhớ tạo nên một vũ trụ: vũ trụ tương tư, vũ trụ một chiều của lòng mong nỗi nhớ. Như vậy thôn Đông và thôn Đoài chỉ đứng để làm cảnh cho Nguyễn Bính nói về niềm nhớ, chúng là quân cờ cho nỗi nhớ để nhà thơ thú nhận tình yêu của mình:
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Tương tư).
Nhưng tiền thân của nỗi nhớ là gì?
Là sự vắng mặt. Vắng mặt là bắt đầu, là bào thai, là xuất xứ của nỗi nhớ
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông (Cô lái đò)
Và say là thuốc chữa bệnh nhớ:“Chén ứa men lành lạnh ngón tay” xứng đáng đứng cạnh “hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình” của Nguyễn Du.
Nguyễn Bính đã bắt được cơ nguyên của nỗi nhớ, những bài thơ hay của ông luôn luôn đi từ hai nguồn đó: Nhớ và Say. Và Huế là một địa điểm quan trọng trong đời Nguyễn Bính: từ Huế Nguyễn Bính vào Nam và dường như không trở lại Bắc nữa, cho đến 1954, Huế còn là một chuyển biến trong thơ Nguyễn Bính, từ thơ bạc mệnh sang thơ quan hoài.
Hiện nay chưa biết rõ Nguyễn Bính đi Nam lần đầu năm nào, có thể khoảng 1939, vì trong tập Lỡ bước sang ngang (in năm 40) có bài Lá thư về Bắc.
Theo Tô Hoài, trong Những gương mặt (nxbTác phẩm mới, 1988), thì “Quãng những năm 1940, đói rách quá, ở Hà Nội ăn bám anh em mãi không còn được, chúng tôi đành phải kéo nhau đi kiếm ăn nơi xa xôi. Lúc đầu đi ba người Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can và tôi” (trang 110). Nguyễn Bính cũng thuật lại trong thơ:
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày.
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh,
Để rồi nằm mốc ở nơi đây.
Thuốc lào hút mãi người ra khói,
Thơ đọc suông tình hết cả say.
Túi rỗng nợ nần hơn chúa Chổm,
Áo quần trộm mượn, túng đồ thay. (Giời mưa ở Huế)
Vẫn theo Tô Hoài, ít lâu sau, Trọng Can và Tô Hoài trở về Hà Nội, Nguyễn Bính ở lại Huế và sau vào Sài Gòn. Trong thời gian ở Huế, Nguyễn Bính đã làm một số bài thơ tuyệt vời mà sau này tập hợp lại trong tập Mười hai bến nước.
Mười hai bến nước viết để tạ lòng một người tri âm vô danh vắng mặt. Nội dung tập hợp những bài, phần lớn làm ở Huế, nhớ về Hà Nội, trong khoảng thời gian 1941- 1942.
Tập thơ khai trương và tổng kết quá khứ đau thương của một đời giang hồ, mà say và nhớ là hai biệt chất dựng nên thơ, cô đọng thành thơ, như thể cậu thanh niên hai mươi tuổi ấy, bỗng“một đêm mái tóc quá quan thay màu”, không những đã sống trọn đời này, mà còn sống lùi về dĩ vãng của đời trước. Huế xưa, Huế nay, Bính trẻ, Bính già, Bính say, Bính tỉnh thế nào thì Nhớ và say cũng trào lên nét bút như thế.
Nhà thơ thả hồn mình chia ba chia bẩy vào cõi nhớ của kiếp giang hồ.
Hơi thơ ở đây không giống những tập thơ khác, đặc cách và cổ kính hơn. Như thể chất tím Huế đã nhuộm vào thơ, nước sông Hương làm buốt hồn thơ.
Đến Huế, để “kiếm ăn” hay là để trốn chạy chính mình, tìm xa niềm đau cũ :
Chiều nay tôi chắp tay tôi lại,
“Đừng gặp người xưa nữa, lạy giời” (Hoa với rượu).
Xa đất Bắc, Nguyễn Bính đã viết những bài thơ tuyệt vời gửi cho người thân, gửi về dĩ vãng, như bài Hoa với rượu, Giời mưa ở Huế, Xuân tha hương, Một chiều say, Oan nghiệt... Đất thần kinh là nơi Nguyễn Bính chọn để đoạn tuyệt với những đớn đau, những oan nghiệt cũ của tình đời:
Giờ đây cha khóc mà thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?” (Oan nghiệt).
Vào Nam, Nguyễn Bính sáng tác nhiều khúc ngâm lữ thứ khác, giọng vẫn quan hoài, nhưng đã khác với giọng Huế, như Nửa đêm nghe tiếng còi tầu, Nam kỳ cũng gió cũng mưa, Bài hành phương nam, Đêm mưa đất khách... Nhưng vào tới Nam là tuyệt lộ rồi, không còn đi xa hơn được nữa:
Hỡi ơi! Trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà?
Có như mắt Tịch xanh mà uổng
Đất khách cùng đường ta khóc ta!
Mưa mãi, mưa hoài, mưa bứt rứt
Đêm dài dằng dặc, đêm bao la... (Đêm mưa đất khách, Sài Gòn, 1943)
Tất cả đều có giọng ai oán, bi ca, nhưng có lẽ gồm thâu được nhiều mối tơ, nỗi hận, trời đất và tình người nhất, là bài Một con sông lạnh. Một con sông lạnh, tuy không nổi tiếng như Tràng giang của Huy Cận hay Nguyệt cầm của Xuân Diệu, nhưng nó lớn lao, thơ mộng và sâu rộng hơn, âm thầm, lặng lẽ, đớn đau như thân phận Nguyễn Bính, một Tỳ Bà say, mang tâm thức Hà Nội hành hương vào Huế:
Chén sầu nghiêng giữa trường giang,
Canh gà bên nớ giằng sang bên này.
Khoan đàn, em hãy gắng say,
Một đêm, chỉ một đêm nay thôi mà.
Chúng tôi người bến sông xa,
Giang hồ một chuyến về qua xứ này,
Phiền em dăm bảy đường tay,
Một con sông lạnh, vài giây tơ tằm.
... Rung rung ánh nến hoen vàng,
Hơi men lắng xuống, tiếng đàn cao lên
Ô, nàng chẳng phải là em
Tôi nghe vó ngựa hoà Phiên, rõ ràng,
Đừng em, quên đấy - thôi nàng
Đất Hồ xa quá, nàng sang sao đành.
Trời ơi, Hán Đế vô tình,
Tôi xin đốt cả kinh thành ấy đi...
Chưa say, em, đã say gì;
Chúng tôi còn uống, còn nghe em đàn.
... Rung rung ánh nến hoen vàng,
Đôi giây nức nở muôn ngàn nhớ thương.
Đôi giây như thể đôi đường...
Em ơi, Hà Nội là phương hướng nào.
Đêm tàn chẳng có chiêm bao,
Đêm tàn có mấy chòm sao cũng tàn,
Chén sầu đổ ướt trường giang,
Canh gà bên nớ giằng sang bên này.
Lạy giời, đừng sáng đêm nay,
Đò quên cập bến, tôi say suốt đời,
Chiêu Quân lên ngựa mất rồi... (Một con sông lạnh)
(còn tiếp)
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)