Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tường Thụy


HẰNG ƠI!


Tặng Minh Hằng nhân 8/3

Đã đành chẳng có ngày xuân
Giờ thêm cái rét Nàng Bân tràn về
Tôi từng muôn nẻo sơn khê
Nghĩ về em, lại tái tê lòng mình
Đường đi khuất nẻo gập ghềnh
Nơi heo hút gió, ai hành hạ em.

Ở nhà da dẻ thoa kem
Chiếu chăn ấm với nệm êm em nằm
Vào đây thân thể giam cầm
Tóc thưa thêm tóc, da bầm tím da
Cấm gì cấm cả cháo hoa
Ghét nhau chi đến gói quà cũng băm.

Hãy kiên trung nhé Minh Hằng
Tên em – Trăng Sáng, đêm rằm cũng ghen
Đàn bà chẳng nỡ bon chen
Mà mày râu lại nhỏ nhen, lạ đời
Hỡi quân tâm địa hẹp hòi
Mùa “hoa cải” đã đến rồi, có hay.
Tâm tà thì giáo dục ai
Đã tim xơ cứng lại chai tâm hồn
Ngày hôm ấy, gió, mưa tuôn
Bạn bè bất lực, quay đường về xuôi
Còn văng vẳng tiếng “Hằng ơi“
Hàng rào vô cảm, chia phôi nghĩa tình.

Tội em yêu chuộng hòa bình
Đấu tranh cho Tổ quốc mình, vậy thôi
Người canh biển đảo xa khơi
Giữ bờ cõi có em tôi góp phần.

4/3/2012
TƯỜNG THỤY

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tường Thụy đã viết:

Đàn bà chẳng nỡ bon chen
Mà mày râu lại nhỏ nhen, lạ đời
Nghĩ mình đã quá nhỏ nhen
Mà sao lại lắm kẻ hèn hơn ta?
Nam nhi bắt nạt đàn bà
Công minh chẳng rõ, gian tà bất phân.
Ngàn năm văn hiến, nghĩa nhân
Có hay không có một phần tý teo?
Phải chăng tiền của đỡ nghèo
Công bằng, chính trực đã vèo mất đi?
Than ôi, chẳng biết làm gì
Tối mù hiện thực, đen sì tương lai.
Vài lời thông cảm cùng ai
Nhân ngày Phụ Nữ nay mai đến rồi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Hỏi thăm JB Nguyễn Hữu Vinh



Sao chẳng viết về chuyện chém, đâm
Cởi truồng, cướp giật với mua dâm
Đồng Chiêm dạo trước thân bầm dập
Bờ-lốc bây giờ lối biệt tăm.
Khi lén hại người, nghe đã uất
Lúc ngầm bịt họng, nghĩ thêm căm
Hay là uốn bút về qui thuận
Nịnh bợ, bưng bô ... có chịu chăng?


P/s: JB Nguyễn Hữu Vinh kêu không tìm thấy blog của mình đâu nữa. Rất nhiều người nói không thể vào được blog này.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


HÃY ĐỂ ANH ĐI


.

Nay anh không về, đừng lo nhé nghe em
Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ
Trả ơn Vua Hùng, trả nợ nần tiên tổ
Đã để lại cho mình non nước Việt hôm nay.

Có gì đâu, anh đi vắng một ngày
Hay thêm nữa, làm sao mà sợ hãi
Anh tắm gội, cạo râu, thay quần áo sạch
Nhỡ có bề gì, đỡ vất vả cho em.

Tiền đừng lo, còn đồng đội thân quen
Anh ở nơi đâu, bạn cũng tìm ra được
Có kết tội, tội anh là yêu nước
Chẳng bạo tàn nào ngăn cản được em ơi.

Đừng cho anh nói gở, ngắt ngang lời
Thời buổi nhiễu nhương, điều gì mà không thể
Anh "về muộn" mấy lần, dẫu em lo đến thế
Thêm một lần thì cũng có sao đâu.

Cả một thời tuổi trẻ đã qua mau
Lo trấn ải, quên rằng mình bạc tóc
Giờ lại lũ giặc quen từ phương Bắc
Hãy để anh đi, còn chút sức cuối cùng.

.

1/7/2012
TƯỜNG THỤY
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Cơm Bụi Chấm Com

Thơ vui tặng Nhà văn Trần Nhương,
tác giả truyện ngắn “Cơm bụi chấm com”



Một lần Cơm Bụi Chấm Com*
Mà hồn thi sĩ vẫn còn đâu đâu
Cái hôm cởi áo cho nhau
Rồi đem điện thoại vùi sâu đáy hồ
Ra về còn ngỡ trong mơ
Thi Nhân ngớ ngẩn đến giờ chưa thôi.

Quán ăn “hai đứa” cùng ngồi
Càng năng trốn vợ đi mời cơm trưa
Cháu gì mà mắt đong đưa
Chú nào chẳng chết mà chưa hóa liều?
Tuổi đời Cơm Bụi bao nhiêu
Thi Nhân gấp mấy mà điêu đứng tình
Em là con gái đồng trinh
Sợi oan nào lại buộc mình đi Tây
Hẹn nhau “rồi sẽ có ngày”
Để anh ủ dột mặt mày ngóng trông
Hay em đã có con bồng
Đành cam chịu phận má hồng bạc duyên?

Cũng nhờ buổi ấy mà nên
Giả vờ điện thoại hết tiền, mượn nhau
Cũng nhờ mưa nhẹ, hạt mau
Đem ô cho mượn (làm cầu đấy thôi)
Chiếc ô giờ ở đâu rồi
Có theo em đến chân trời mù xa?
Cuộc tình sét đánh mau qua
Mình mòn mỏi, liệu người ta mỏi mòn?
Qua bao nhiêu cuộc méo tròn
Thi Nhân Chấm Nét* vẫn còn lao đao
Phải chăng duyên tự kiếp nào
Nên hương vị mới ngọt ngào hơn xưa
Bây giờ ai ước trời mưa
Và ai nữa ước em chưa lấy chồng
Hỡi ôi một phút mặn nồng
Còn hai điện thoại thì cùng chôn sâu
Khác chi trai gái nhảy cầu
Nhớ em số máy tìm đâu bây giờ.

Giá đừng đổi cách xưng hô
Giá đừng hò hẹn bây giờ, mai sau
Giá trời đừng bắt gặp nhau
Giá đừng ai rắc nỗi sầu cho ai.
Đường lên Đại Lải thành dài
Đường sang Đức Quốc, chuyến bay chối từ.


TƯỜNG THỤY
===================

* Tên nhân vật trong truyện ngắn “Cơm bụi chấm com”.
Mời đọc truyện Ở ĐÂY
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A.N.

Chào anh Tường Thuỵ! Lâu không vào vườn thơ nay tạt qua mạo muội ghé nhà. Nhớ khi xưa bị đập tơi bời may được anh an ủi. Chúc anh và gia đình mạnh giỏi! Mong được đọc nhiều thơ anh. Mong có dịp được gặp anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


MÌNH ƠI!


Mình rằng vẫn nhớ thương ngầm
Rằng lâu nay vẫn âm thầm mong ta.

Hôm theo bạn đến chơi nhà
Mình thương yêu tất cả mà, riêng ai
Chào mà chẳng dám cầm tay
Lẽ chi có chuyện mình hay ngóng thầm.

Làm sao ta có thể nhầm
Thư mình viết, giọng ân cần vẫn riêng
Dẫu chưa là chuyện nhân duyên
Ai đem tình cảm thiêng liêng ghẹo người.

Tin thư in dấu mỗi lời
Anh thân thuộc nhất trên đời! Thật sao?
Tên ta mình vẫn thì thào?
Có không mình vẫn tự hào về ta?
Con đường ta bước còn xa
Mình e bão tố, mưa sa, sóng cồn?

Lặng im thì dạ bồn chồn
Đến khi mình mở tâm hồn lại lo
Nhỡ đâu mình chỉ giả vờ
Xem ta ngờ nghệch dại khờ ra sao.

Giá mình nói lại một câu
Em thương anh thật, em đâu biết đùa.

1/2013
NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

A.N. đã viết:
Chào anh Tường Thuỵ! Lâu không vào vườn thơ nay tạt qua mạo muội ghé nhà. Nhớ khi xưa bị đập tơi bời may được anh an ủi. Chúc anh và gia đình mạnh giỏi! Mong được đọc nhiều thơ anh. Mong có dịp được gặp anh.
Nhớ khi xưa bị đập tơi bời
Dưới cán chổi mụ già tai ngược
May gặp anh thật là có phước
Đỡ đòn giùm còn an ủi đôi câu...

He he! Giờ em mới đọc được xin chia sẻ cùng hai bác
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

Tường Thụy đã viết:

MÌNH ƠI!


Mình rằng vẫn nhớ thương ngầm
Rằng lâu nay vẫn âm thầm mong ta.

Hôm theo bạn đến chơi nhà
Mình thương yêu tất cả mà, riêng ai
Chào mà chẳng dám cầm tay
Lẽ chi có chuyện mình hay ngóng thầm.

Làm sao ta có thể nhầm
Thư mình viết, giọng ân cần vẫn riêng
Dẫu chưa là chuyện nhân duyên
Ai đem tình cảm thiêng liêng ghẹo người.

Tin thư in dấu mỗi lời
Anh thân thuộc nhất trên đời! Thật sao?
Tên ta mình vẫn thì thào?
Có không mình vẫn tự hào về ta?
Con đường ta bước còn xa
Mình e bão tố, mưa sa, sóng cồn?

Lặng im thì dạ bồn chồn
Đến khi mình mở tâm hồn lại lo
Nhỡ đâu mình chỉ giả vờ
Xem ta ngờ nghệch dại khờ ra sao.

Giá mình nói lại một câu
Em thương anh thật, em đâu biết đùa.

1/2013
NTT
Ơi mình em chẳng biết đùa
Đã thương, thương thật dẫu chua chát lòng
Lá thư không cập bến mong
Hòm thư bị hắc còn trông nỗi gì
Sóng cồn, biển nhớ chiều ni
Bồn chồn em đợi thôi thì nghĩa trang
Đường tàu Vân Điển nấc thang...
Thiên đường
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Mưa xuân – Bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu hay nhất của Nguyễn Bính

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Thơ Nguyễn Bính hay hơn ở những sáng tác trước năm 1945, tức là khi ông chưa sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN, chưa có tính đảng. Đây cũng là nét chung của các nhà thơ trong phong trào thơ mới như Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên.

Trong giai đoạn này thì thời kỳ 1936-1940 là thời kỳ rực rỡ nhất của thơ Nguyễn Bính, trong dó thành công hơn cả là mảng mùa xuân – làng quê – tình yêu. Sau đó thì đuối dần.

Trong đợt tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, chọn 100 tác giả, mỗi tác giả 1 bài thì với Nguyễn Bính, người ta chọn  bài “Những bóng người trên sân ga”. Không ai phủ nhận đấy là một bài thơ hay nhưng nếu được quyền, tôi sẽ chọn bài “Mưa xuân”

Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng!

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?

(Các bản chép có 2 chỗ dị bản: “Em ngừng tay lại giữa thoi xinh/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh” và “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng/Để cả mùa cuân cũng bẽ bàng”. Trong bài, tôi chọn theo cảm thụ).

Bài thơ tả cảnh, tả tình rất tuyệt vời. Đã có nhiều bài bình về bài thơ này, mỗi người cảm thụ một vẻ, nhưng cũng có những phần giao thoa.

Mùa xuân trong bài thơ có mưa bụi, có hoa xoan, có hội chèo. Ba nét ấy là những nét chấm phá nói về mùa xuân ở làng quê. Bức tranh làng quê sống động hẳn qua ngòi bút của ông. Cách dùng chữ của ông thật tài tình. Mùa xuân đẹp đến hạt mưa cũng bay một cách phơi phới, như nỗi lòng con gái dậy thì, đầy nhựa sống và xúc cảm. Tác giả đã thổi hồn vào hạt mưa thật đẹp. Hoa xoan trăng trắng, tim tím rơi từng lớp, từng lớp, rải khắp đường làng, ngỡ như chỉ cần cơn gió nhẹ là tung bay như xác pháo.

Qua hình ảnh hoa xoan rụng, ta biết bối cảnh trong bài thơ là vào tháng 3. Lúc này, ở làng quê đang tiếp tục mùa lễ hội. Trong các lễ hội thường có diễn chèo, diễn tuồng, gọi chung là đi xem hát, chứ không nói là xem chèo hay xem tuồng. Hát ở đây không phải là chương trình ca nhạc như bây giờ. Các đôi trai gái đang yêu vụng nhớ thầm thường mượn những nơi hội hè, phiên chợ để tìm cơ hội gặp nhau. Nhưng cũng chỉ là lúc mới thương thương nhớ nhớ mơ hồ thôi, chứ còn khi họ đã thuộc về nhau rồi thì chẳng dại gì đem nhau ra những nơi ấy. Họ có bờ ao, góc cây riêng của họ.

Cô gái trong bài thơ cũng thế, cô đi xem hát là để hy vọng gặp chàng trai chứ thiết gì xem. Qua câu "Thế nào anh ấy chả sang xem", ta biết đây không phải là cuộc hẹn mà cô gái phỏng đoán, là hy vọng đấy thôi. Nhưng cũng đáng trách chàng trai là trước đó có hứa, có hẹn gì đấy nhưng không cụ thể, theo kiểu sẽ thế này, sẽ thế nọ.

Cô gái ở đây là con nhà bình dân làn nghề canh cửi, có khuôn phép. Cô là cô gái mới lớn còn trong trắng, ví như "cây lụa trắng" mà quyền bán là của người mẹ. Ấy thế nhưng không thể đóng khao khát yêu đương của cô vào một cái khuôn nào đó

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Hai chữ "hình như" và "có lẽ" đặt vào tâm trạng cô gái lúc này là rất chính xác. Cắt nghĩa ra thì nó không mang tính khẳng định nhưng ai cũng biết má cô bừng đỏ thật, cô đang nghĩ đến người yêu thật. Cô vừa muốn thừa nhận lại vừa sợ người khác biết nên chỉ lấp lửng như vậy thôi. Nó còn nói lên tâm trạng phân tâm, nên đi hay không đi.

Cuối cùng thì cô đã bị tình cảm lấn át:

Em xin phép mẹ vội vàng đi.

Tác giả tả tình thật tuyệt vời. Người và cảnh hòa quyện đến độ con đê, hạt mưa, hoa xoan cũng biết vui, biết buồn.

Sau khi "chờ mãi anh sang anh chẳng sang", cô gái "lầm lụi trên đường về". Nguyễn Bính diễn tả tâm lý cô gái khi đi và khi về rất tinh tế. Ông sử dụng thủ pháp tương phản rất hiệu quả:

Hãy đọc lại những cặp câu tương phản sau:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hoa xoan đã nét dưới chân giày
Mưa bụi nên em không ướt áo/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Thôn đoài cách có một thôi đê/ Có ngắn gì đâu một dải đê
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Tình cảm của cô gái đã rõ, còn tình cảm chàng trai đối với cô gái như thế nào? Chàng ta được nhắc đến hai lần:

... hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Và:

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang.

Có thể nói anh chàng này rất khả nghi. Còn tình cảm cô gái rất mãnh liệt. Mặc dù việc không gặp được người yêu làm cho "cả mùa xuân cũng bẽ bàng" nhưng cô gái vẫn thiết tha, mòn mỏi chờ đợi, hy vọng. Qua đó ta còn thấy ở cô một tấm lòng bao dung cao thượng:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?

Khi yêu, thường là người con trai chủ động hơn người con gái. Nói như thế, không phải là tình yêu của con trai mãnh liệt hơn. Cô gái ở đây chỉ có một hành động duy nhất là sang hội chèo xem có gặp người ta không, rồi về, thế thôi. Nếu như chàng trai cũng sang xem hát, chắc là cô sẽ không hỏi trước, không tỏ ra vồn vã. Đó là sự kín đáo của con gái, nhất là con gái nhà quê. Nhưng ai bảo là tình yêu của cô không mãnh liệt.

Kể ra, bài thơ có thể thay nhân vật cô gái bằng chàng trai. Như vậy có vẻ hợp với lẽ thường hơn. Nhưng nếu thế, có lẽ bài thơ kém hay đi nhiều. Chợt nhớ Huy Thục, ít nhất đã có 2 lần đổi ngôi anh thành ngôi em khi phổ nhạc, đó là bài "Đợi" của Vũ Quần Phương, "Trăng khuyết" của Phi Tuyết Ba, và cái sự có vẻ trái khoáy ấy làm cho bài hát thành công hơn hẳn:

Anh ngỏ lời yêu em => Em ngỏ lời yêu anh

Anh đứng trên cầu đợi em => Em đứng trên cầu đợi anh.

Trở lại bài "Mưa xuân". Bài thơ được bố cục rất chặt chẽ. Ta không thể thay đổi vị trí các câu, các khổ thơ cho nhau, cũng không thể bỏ đi hay thêm vào một khổ thơ nào. Từ ngữ được sử dụng đầy dụng ý, không có một chữ nào khiên cưỡng. Khó có thể thò bút chữa đi một chữ mà không làm suy giảm giá trị của bài thơ. "Những bóng người trên sân ga" cũng được bố cục rất chặt chẽ nhưng ở "Mưa xuân", ý và chữ nghĩa hay hơn. Có thể nói, "Mưa xuân" là một bài thơ toàn bích.

Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó "Mưa xuân" - một bài thơ tuyệt đẹp là ví dụ điển hình.


Giao thừa Quý Tỵ
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối