Hà Lan - Đức, hận thù từ thế chiến 2
Mối quan hệ giữa hai nước đã tốt hơn rất nhiều, nhưng mỗi khi hai đội tuyển gặp nhau, đó vẫn là dịp đặc biệt để người dân Hà Lan thể hiện lòng tự tôn.
Người Hà Lan đang lo lắng. Đội tuyển của họ đã để thua Đan Mạch, đối thủ nhẹ nhất trong bảng tử thần, ngay ngày ra quân. Hậu quả của trận thua muối mặt khiến Hà Lan giờ như đang đi trên dây. Cổ động viên đang tức giận cực độ. Họ không muốn “Cơn lốc màu da cam” gặp đối thủ nhiều duyên nợ Đức với cái đầu cúi thấp như thế.
Sự thù địch giữa hai nước bắt nguồn từ thế chiến thứ 2, khi Đức chiếm đóng Hà Lan. Lòng thù hận của người Hà Lan được thể hiện rõ nhất trong tuyên bố của tiền vệ Wim van Hanegem trước trận chung kết World Cup năm 1974 giữa hai đội, cuộc chạm trán đầu tiên sau khi Hà Lan giành lại độc lập. Van Hanegem đã mất cả cha và anh chị em trong cuộc chiến. “Tôi không thích người Đức. Mỗi khi đá với họ, lòng tôi ngập tràn thù hận từ chiến tranh”, tiền vệ sinh năm 1944 nói. Sau khi Hà Lan thua trong trận chung kết đó, Van Hanegem rời sân trong nước mắt. Hậu vệ Berti Vogts vẫn còn nhớ Johan Cruyff đã từ chối bắt tay mình như thế nào, dù huyền thoại bóng đá Hà Lan đã lên tiếng xin lỗi vài năm sau đó.
Lòng thù hận thậm chí hiện hữu trong chiến thắng của Hà Lan trước người hàng xóm, trong đó có chiến thắng 2-1 ngay trên đất Đức ở bán kết Euro 1988. Hàng nghìn CĐV trưng biểu ngữ với dòng chữ ‘Bà ơi chúng cháu đã tìm được xe đạp của bà’ nhắc lại những chiếc xe đạp của Hà Lan bị tịch thu bởi Đức Quốc xã. “Cơn lốc da cam” sau đó giành được chức vô địch châu Âu lần đầu tiên, nhưng HLV Rinus Michels tuyên bố: “Với chúng tôi, trận chung kết thật sự chính là trận bán kết”.
Hai năm sau, ở World Cup 1990, Frank Rijkaard nhổ nước bọt vào tóc của Rudi Voller và cả hai cùng bị đuổi khỏi sân. Đó như một tuyên ngôn rằng sự thù hận là một thứ gia vị không thể thiếu trong các trận đấu giữa hai đội.
Gần đây, những biểu hiện thù hận giữa hai đội đã giảm xuống. Một phần bởi chiến tranh đã xa, phần khác vì trường phái bóng đá của hai đội không còn đối lập nhau như trước. Thời 1974, trong khi Hà Lan đại diện cho trường phái tấn công bất chấp mạo hiểm thì Đức đại diện cho trường phái bảo thủ. Giờ đây, Hà Lan đã tiến vào chung kết World Cup 2010 với sự thực dụng và Đức thì đang chơi thứ bóng đá quyến rũ được khởi xướng bởi Klinsmann và phát triển bởi Low. Thành phần của tuyển Đức bây giờ cũng không thuần Đức như thời Matthaus, Moller và Schumacher mà bao gồm cả các cầu thủ gốc Ghana, Tunisia và Thổ Nhĩ Kì như Boateng, Khedira và Ozil.
Tuy nhiên, khi những trục trặc nội bộ phát sinh từ trận thua Đan Mạch khiến các cầu thủ Hà Lan không còn giữ được cái đầu lạnh, biết đâu những hận thù từ thế hệ trước sẽ lại lên tiếng.
Theo
Vnexpress.netCó ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?