LỜI MỞ ĐẦU
Tôi có một người bạn - người em gái, chúng tôi gặp nhau lần đầu thật tình cờ. Rồi vì tâm đắc, chúng tôi trở thành đôi bạn tri kỷ tri âm. Xin mở đầu chuyên mục này bằng một câu chuyện để bạn làm quen với NGƯỜI BẠN CỦA TÔI
GIÓ VÀ SÓNG
(Truyện ngắn của Thu Diệu)
Đêm Cao Nguyên đậm đặc. Đậm đặc mà sóng sánh như ly cà phê Ban Mê, tưởng có thể múc ra từng thìa nhỏ. Vinh nằm trong màn đêm ấy chong chong đôi mắt suy nghĩ miên man. Dòng tư tưởng dẫn anh ra Bắc vào Nam, đưa anh về hết tuổi thơ rồi lại thời trai trẻ… Nó đọng lại ở một nơi mà anh chưa từng đến bao giờ : Vịnh Cam Ranh.
Quê gốc của Vinh ở một huyện ngoại thành Hà Nội nhưng anh sinh ra và trưởng thành giữa lòng thành phố Thái Nguyên. Thuở ấy chiến tranh tưởng không biết đến bao giờ, nhưng sao mà tình người tha thiết thế và tình Nam Bắc khăng khít thủy chung đến thế. Từ thành phố nhỏ bé miền sơn cước thơm ngát hương chè của Vinh như có bóng dừa thướt tha với những con sóng dạt dào của thành phố biển Nha Trang. Bởi ngày ấy Thái Nguyên kết nghĩa với Nha Trang nên ý chí đấu tranh thống nhất làm cho khắp nơi trên đất Thái có miền Nam : mỏ than Khánh Hòa, xưởng may Diên Khánh, và ngôi trường cấp 2 Vinh đang học cũng được mang cái tên thơ mộng : Nha Trang. Bố thường giảng giải cho Vinh : Nha Trang là xứ sở trầm hương. Trong lòng Vinh gió biển Nha Trang mang thoảng hương trầm cứ lồng lộng từ thuở ấy.
Cuối những năm 60 chiến tranh càng thêm ác liệt. Vinh tốt nghiệp Sư phạm trung cấp và xung phong về dạy cấp 2 ở một trường nông thôn sát chân dãy núi Tam Đảo. Lớp học phải ở dưới hầm để đề phòng máy bay Mỹ đến dội bom bất chợt, nhưng trong lớp thầy trò vẫn hát rộn ràng “Miền Nam kêu gọi ta vượt Trường Sơn bay vọng ra, ôi tiếng quê hương như thúc giục chúng ta…”. Và rồi anh tạm biệt mái trường cùng mối tình đầu để lên đường ra trận. Đêm chia tay, Thanh Lan áp má sát nơi tim anh, thổn thức : “Anh đi xa có nhớ em nhiều không?”. Dẫu đang ôm đôi vai người yêu mà lòng Vinh vẫn dạt dào thương nhớ, anh nhẹ siết Thanh Lan rồi đáp : “ Anh sẽ gửi em những bài thơ về biển Nha Trang”…
Từ căn cứ trong một cánh rừng Đăk Lăk toàn cây sao cổ thụ, Vinh nhận lệnh dẫn tổ trinh sát đi tìm đường xuống đồng bằng theo phương án tiếp cận Nha Trang. Sau bốn ngày đêm luồn rừng khẩn trương mà bí mật theo hướng Đông, khi đôi chân Vinh đang thận trọng tìm bước trên những mỏm đá phủ đầy rêu, anh chợt như nghe thấy tiếng sóng lẫn trong làn gió. Anh hỏi nhỏ người chiến sĩ giao liên : “ Đây là đâu thế cậu ?”. Và anh bàng hoàng khi nghe đáp : “Cam Ranh!” .
Cam Ranh ! Vinh bỗng thấy gió lồng lộng thổi. Cam Ranh ! Quân cảng Cam Ranh nổi tiếng của Mỹ ở vịnh Cam Ranh với những tuần dương hạm hiện đại mà không ngăn nổi những con tàu không số của quân ta đó ư ? Cam Ranh, nghĩa là đã sát thành phố Nha Trang – quê hương kết nghĩa của anh đó ư ? Lòng Vinh nao nức như người xa quê nay trở lại, mặc dầu đây là lần đầu anh đến. Và lại gió . Gió vịnh Cam Ranh như cuộn cho xoăn thêm “mái đầu Xuân Diệu” của Vinh, gió như níu như mời đôi chân anh dừng lại. Lòng Vinh như say như mơ mà như thực, bởi “Gió vịnh Cam Ranh”- một truyện ngắn của nhà văn Nam Hà mà Vinh đã đọc khi còn ở miền Bắc, làm cho anh có tình thân thương đó.
Dẫu tha thiết thế, tha thiết đến muốn ào ngay xuống núi để dầm mình trong làn nước xanh của vịnh, để hít thêm cho căng lồng ngực những con gió mang theo hương trầm, Vinh vẫn phải bùi ngùi giục các chiến sĩ mau rảo bước vì nhiệm vụ. Trong hồn Vinh ngân lên câu thơ Thu Bồn : “Em đến rồi em lại đi / Biến anh thành gã Trương Chi không đàn”.
Vinh bị thương nặng trong trận huyết chiến thành cổ Quảng Trị. Một trái M79 xuyên sườn phải vào sát thận rồi ngoan ngoãn nằm yên ở đó. Anh được cấp tốc đưa ra Bắc. Giáo sư bác sĩ H.C.L. phó Viện trưởng Quân y viện 108 – cũng là chú ruột Vinh trực tiếp mổ cứu anh. Khi Vinh tỉnh, Giáo sư đưa cho anh vỏ đạn và mắng : “ Cha mi ! Mơ chi mà cứ hò hét suốt ngày : Thanh Lan ơi, anh sẽ mang về cho em gió vịnh Cam Ranh”…
*
* *
Hai mươi lăm năm sau. Dòng đời xô dạt khiến gia đình Vinh rời bỏ Thái Nguyên chuyển vô Nam. Đoàn tàu dừng ở ga Nha Trang, vợ chồng Vinh lên xe đò lên Đà Lạt. Khi xe chạy qua thị trấn Ba Ngòi, Vinh bỗng thấy xa xa một vùng biển xanh biếc cứ kéo dài theo đường xe chạy. Như có linh tính mách bảo, anh kéo tay vợ thảng thốt: “ Thanh Lan ơi em nhìn kìa, vịnh Cam Ranh đó, nơi anh vẫn kể cho em về gió vịnh Cam Ranh đó!”. Ông khách ngồi ghế bên thoáng một nét cười làm Vinh đỏ mặt. Anh ngượng, bởi không biết có phải Cam Ranh đó không. Vì anh nào đã đến Cam Ranh bao giờ. Chỉ có gió vịnh Cam Ranh từ đêm ấy cứ lồng lộng hồn anh suốt mấy chục năm qua…
Với bản chất quả cảm của người lính chiến lại có người vợ hiền luôn theo lời chồng, Vinh bỏ ngoài tai mọi lời bình luận trước quyết định của Sở Giáo dục phân công Vinh và Thanh Lan về một trường vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Nhưng đúng thật. Năm đầu Vinh tưởng vợ chồng anh chết mất vì gian khổ, nhưng nhờ lòng quyết tâm của Vinh và sự ủng hộ của các cấp các ngành, sau năm năm, Vinh đã có ngôi trường THPT bề thế, đẹp như một bông hoa giữa rừng .
Tuy là một trường vùng sâu, nhưng may mắn khiến Vinh có một giáo viên trẻ là tay cự phách về công nghệ thông tin. Có vốn quý đó lại đêm ngày trăn trở nghĩ về đổi mới nhà trường, Vinh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Và Vinh là người đi trước. Khi mới sờ vào máy tính Vinh còn run hơn lần đầu bóp cò tiểu liên, hai ngón tay trỏ cứ cong mỏ cò lâu lâu mới mổ được một nhát đánh “xoạch” như tiếng kim hỏa gõ vào viên đạn . Thế mà chỉ hai năm sau Vinh được Sở khen thưởng vì trường của anh và bản thân anh có nhiều thành tích ứng dụng công nghệ thông tin …
Mới đó mà mười lăm năm nữa lại trôi qua. Vinh đã nghỉ hưu. Nếu mỗi khi trái gió trở trời vết thương năm xưa không làm thận anh nhức nhối thì anh đáng là điển hình của một ông già hưu trí “sống vui sống khỏe”. Suốt ngày Vinh lúi húi ngoài vườn với giàn lan, cây cảnh, luống rau. Đôi lúc không biết trong lòng nghĩ gì mà anh lại cất tiếng ngân nga “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông / Một người chín nhớ mười mong một người…” . Nắng gió Cao Nguyên là thế mà anh cứ một kiểu áo ba lỗ để trần đôi vai…
Nhưng hình như chỉ có Thanh Lan biết chồng mình còn có một cuộc sống khác rất tươi vui : Cuộc sống trên máy tính. Cứ rảnh lúc nào Vinh lại ngồi vào bàn máy và lên mạng. Có lúc Vinh bóp trán như nghĩ điều gì nan giải lắm. Có lúc anh lại reo lên gọi vợ : “ Lan ơi, anh lại có thư của Ngọc Quỳnh nè” . Khi đó Thanh Lan lại vui lây với chồng, chị đến bên anh hồ hởi: “Ngọc Quỳnh gửi anh gì vây?”. Hai vợ chồng Vinh coi Ngọc Quỳnh như người em gái trong nhà từ hơn một năm nay, dù chưa một lần gặp mặt. Họ chỉ biết Ngọc Quỳnh cũng là giáo viên và đang dạy học ở Cam Ranh.
Có một điều Vinh giấu Thanh Lan : Ngọc Quỳnh hẹn sẽ làm video về Cam Ranh cho anh, bởi Quỳnh thấu hiểu kỷ niệm về gió vịnh Cam Ranh của Vinh, mà bấy nhiêu năm trời do mải mê công việc nên anh chưa dẫn Thanh Lan đi thăm Cam Ranh. Vinh muốn khi Ngọc Quỳnh gửi video, anh sẽ đền Thanh Lan bằng sự bất ngờ…
Vốn giàu trí tưởng tượng, Vinh đã hình dung trong video của Ngọc Quỳnh sẽ có những hàng dừa thướt tha nghiêng mình chải tóc bên bờ biển trong gió Vịnh, sẽ có những hòn đảo xanh mướt như bập bềnh trên làn nước biển cũng màu xanh, nhưng là xanh như ngọc . Và nhất là sóng trên vịnh Cam Ranh, Vinh như thấy những con sóng êm đềm đuổi nhau chạy dài mãi từ ngoài xa, đến nhẹ hôn bờ cát, rồi lại ôm nhau ríu rít chạy trở ra, như những đôi trai gái yêu nhau đang nô đùa trên mặt Vịnh.
Và lòng Vinh đêm ngày dào dạt sóng Vịnh Cam Ranh .
Cao Nguyên – 13/3/2011
Thu Diệu
No he does not have the sky as the sun
No one say about his night trade .