LỬA TRONG TRƯỜNG CA
“Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông” của Ngô Thái
Nhà thơ: Nguyễn Hưng Hải
Email.nguyenhunghai1959@gmail.com Biết Ngô Thái là người giầu tâm đức đã lâu, nhưng gần đây tôi mới gặp ông và được đọc thơ ông. Là Ủy viên BCH Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Thọ, ông luôn bận rộn với rất nhiều công việc, nhưng qua những lần tiếp xúc với ông, cho tôi cảm nhận ông là người rất chu đáo, thận trọng, chắc chắn và quyết đoán. Đọc thơ ông thêm một khẳng định, Ngô Thái là con người của lý tưởng cộng sản, của niềm tin tuyệt đối, của sự yêu thương đằm thắm, đức hi sinh và những trăn trở không ngưng nghỉ của một cuộc đời luôn khát khao cái đẹp. Điều này thể hiện rất rõ trong Trường ca “Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông” của ông, vừa mới được NXB Thanh niên ấn hành, vào tháng 6/2010. Trường ca gồm 5 chương (Lên đường; Vượt bắc Trường Sơn; Mở cung đường mới; Trường học lớn; Hi sinh và chiến thắng).
Là người trong cuộc, nên những điều ông viết ra ở Trường ca này, có thể coi là hối ức về một thời tuổi trẻ, dấn thân vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, mà ở đây ông trực tiếp là cán bộ trong Ban chỉ huy đội TNXP 253 anh hùng, thuộc Tổng đội TNXP 572, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Cũng như âm hưởng của những Trường ca viết về thời chống Mỹ như “Những người đi tới biển”; “Đường tới thành phố”… Trường ca “Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông” là một bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là khát vọng tự do, độc lập và tinh thần quốc tế cao cả. Tình hữu nghị Việt - Lào thắm đượm trên từng trang viết, in hằn trong mỗi câu thơ, lúc nào cũng như có lửa. Lửa của tình yêu quê hương đất nước. Lửa của niềm lạc quan tin tưởng. Lửa của ý chí kiên cường, vượt qua chết chóc, đau thương, gian khổ và sự khốc liệt nơi trận mạc, để mở ra một cung đường mới - Cung đường của niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng.
Ngọn lửa ấy trước tiên được cháy lên từ quả tim đầy nhiệt huyết và nặng trĩu tình yêu thương con người của Ngô Thái. Tỏa lan từ đó trên khắp quê hương đất Tổ Vua Hùng, trên khắp dải Trường Sơn đến đỉnh Pa Pông và những bản làng của các bộ tộc Lào anh em. Ngô Thái đã khắc họa thành công quá trình ra đời và hành trình mà đội TNXP 253 anh hùng đã đi qua, từ đất Tổ Hùng Vương đến đỉnh Pa Pông lộng gió, từ lúc còn khói lửa mù trời đến ngày tự do, đôc lập. Xem Trường ca này, có thể thấy được hào khí của một thời, những đóng góp to lớn của người dân đất Tổ trong việc vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Lào.
Chương I: Có thể coi là bức thông điệp về sự ra đời của đội TNXP 253 và những cuộc hành quân vượt Trường Sơn sang đất bạn Lào của những chàng trai, cô gái tuổi vừa 18 đôi mươi “Tình nguyện đi trong đội ngũ điệp trùng”. Bằng một giọng tự - sự - trữ - tình, Ngô Thái đã cho chúng ta hình dung nỗi hồ hởi, lạc quan yêu đời của tuổi trẻ hành quân đi về phía nước bạn Lào ngày đó “ Sục sôi rực lửa chiến tranh”. Phải vượt qua những ngọn núi cheo leo, vượt qua bao ghềnh thác nhưng những chàng trai, cô gái của đất Tổ Vua Hùng vẫn luôn làm cho “ Câu hát Xòe hoa…”, vẫn làm nên “ bao lời hẹn ước”, như chỉ buộc cổ tay, để đến với “Đèo Pa Pông biên giới trập trùng mây”… để làm nên những sự tích anh hùng.
Ở Chương II: Vẫn lối tự sự ấy, Ngô Thái đã dẫn dắt chúng ta trở lại con đường vượt bắc Trường Sơn với bao gian khổ hy sinh, ngỡ như không thể vượt qua nổi. Trên những con đường hướng về nơi tiền tuyến, trên đầu là máy bay dịch oanh tạc, dưới chân là núi cao, vực sâu “ Đường hành quân vẫn rộn tiếng cười vang…” . Câu thơ như tiếp lửa lạc quan vào lòng bạn đọc. Nếu không phải là người trong cuộc , rất có thể sẽ bị coi là lạc quan tếu. Nhưng vì là người trong cuộc nên chúng ta tin Ngô Thái đã nói đúng, như sự đúng của câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” mà chúng ta từng ngâm ngợi một thời. Trong những hồi ức về những năm tháng ấy, chúng ta bắt gặp “Em gái Phù Ninh mơ sắn lùi quê hương/ Anh bạn Lâm Thao nhớ mùi cá nướng/ Trai bản Thanh Sơn khoe món măng rừng đắng/ Gái phủ Đoan khoe bưởi Chi Đám ngọt thơm/ Hạc Trì tuyệt vời đặc sản Hồng ngâm/ Cá Anh Vũ tiến Vua cùng nhiều thứ nữa…” Đó cũng là nỗi nhớ của những chiến sĩ TNXP về quê cha, đất Tổ thân thương, nặng tình quê nghĩa xóm. Vượt qua được nỗi nhớ ấy cũng là một thử thách, và thử thách lớn nhất không phải là khi “ Kết thúc chặng đường vượt đèo cao, mưa ngàn thác lũ” mà thử thách chỉ thực sự bắt đầu khi đội TNXP bổ những nhát cuốc mở đường “ Giữa ngút ngàn lau lách tre bương/ Bom , mìn địch ẩn sâu trong lòng đất…”.
Đã có bao mất mát hi sinh khi mở cung đường mới. Ngô Thái dành cả Chương III của Trường ca để khắc họa điều này. Dường như sự thử thách đã vượt quá khả năng chịu đựng của con người “Trên trời cao OV-10 ngày đêm rình rập/ Trong rừng sâu phỉ Vàng Pao bất ngờ đột nhập/ Bom nổ chậm, các loại mìn rải kín lối đi/ Mưa rừng thiêng, nước khe độc hiểm nguy/ Nắng cháy da, gió khô lùa bỏng rát…”. Sự khốc liệt ấy càng làm cho ngọn lửa căm thù giặc bốc cao hơn, lòng yêu nước thương nòi cháy bỏng hơn, tình hữu nghị hai nước Việt-Lào bền chặt hơn. “Vừa mở đường vừa sẵn sàng đánh địch/Một ngàn hai trăm hai mươi mốt con tim/ Con cháu Lạc Hồng son sắt một niềm tin/ Được con đường, được con người và được tình hữu nghị”.
Trong những thử thách vô cùng khốc liệt ấy , những chiến sĩ TNXP đội 253, lúc nào cũng luôn nghĩ về Bác, nghĩ về Đất Tổ Vua Hùng “ Cung đương mới có lời Người chỉ lối/ Có hào khí cha ông như ngút ngàn gió thổi/ Có tình làng, nghĩa xóm gửi theo”. Chính vì thế mà họ đã có thêm sức mạnh để: “ Bạt ta tuy hạ độ cao những đoạn dốc vào cua/ Bắt tay áo nghiêng làn đường đúng độ/ Đốt đuốc thâu đêm, khẩn trương rải nhựa/ Trời đổ mưa cởi áo che đường/Những tấm lưng trần gồng mưa gió kiên cường/ Như Thách Sanh thời đại Hồ Chí Minh trung dũng…”.
Và chính nhờ sức mạnh ấy mà những người chiến sĩ TNXP đã góp phần tô đậm thêm tình hữu nghị đặc biệt: “ Cao hơn núi, dài hơn sông/ Rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm/ Ngát thơm hơn những loài hoa thơm nhất”. Khi con đường đã mở ra “ Làm nức lòng người dân trên đính núi biên cương ”, cũng là lúc những người chiến sĩ TNXP nhận ra mình rõ nhất. Họ như được tiếp lửa khi “ Nối mạch máu giao thông ngang dọc ngược xuôi/ Thế trận liên hoàn bổ vây quân gặc/ Nối tiền phương với hậu phương vững chắc/ Nối tình người đã bao đời gắn bó yêu thương/ Thế đứng tự hào bên bờ Thái Bình Dương ”.
Đoạn kết của Chương III là sự mở đầu cho Chương IV có tựa đề: “Trường học lớn”. Đó là trường học lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trường học của lòng quả cảm, đức hi sinh: “ Đâu rồi em cô gái má đào/ Mái tóc xanh mây ngày nào rụng dần sau cơn sốt/ làn da trắng chuyển sang mấu tái nhợt…”
Nhưng những con người ấy vẫn lạc quan lắm, khi Ngô Thái viết: “ Vẫn sáng nụ cười tươi rói trên môi/Câu hát Xoan nghiêng ngả nắng lưng trời”. Tôi coi đó cũng là một ngọn lửa: Ngọn lửa yêu đời, ngọn lửa lạc quan. Lửa của tình yêu tuổi trẻ. Lửa của lời thề nguyện: “ Sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại/ Quyết xứng danh nòi giống Tiên - Rồng/ Giương cao cở Thanh niên xung phong…”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi: “ Cờ Đoàn tung bay trên khắp mọi miền/ Trường học lớn là chiến trường đánh giặc”. Đọc đến đây tôi lại liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Lê Mã Lương ngày nào: “ Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù ”. Để có chiến thắng, đã bao nhiêu chàng trai, cô gái TNXP phải ngã xuống trên khắp các cung đường. Dành cả Chương V để viết về điều này là Ngô Thái đã có chủ đích rõ ràng trong việc khắc họa lại sự khốc liệt của chiến tranh, mà những người con của đất Tổ Hùng Vương, những đồng đội trẻ can trường, quả cảm của anh đã dũng cảm hi sinh để làm nên chiến thắng.: “Xin nghiêng mình đặt những vong hoa trắng/ Ngước mắt nhìn lên tĩnh lặng thanh cao/ Những linh hồn siêu thoát, những vì sao” Dù mất mát hi sinh nhưng trong trận cuối cùng chiến thắng đã về ta: “ Độc lập tự do vĩnh viễn từ đây/ Một giải non sông thống nhất về tay/Trong chiến công chung có Đoàn ta góp sức/ Đội TNXP 253 cũng rộn ràng náo nức”. Trong tiếng reo vui đó Ngô Thái không quên khắc họa : “ Có niềm tự hào người đất Tổ Hùng Vương/ Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông lộng gió”. Ghi dấu ấn đời mình, thế hệ mình ngay từ câu mở đầu, kết thúc Trường ca Ngô Thái trân trọng ghi thêm dòng chữ đỏ: “Thanh niên xung phong thế hệ Hồ Chí Minh/ Không tiếc máu xương không quản ngại hi sinh/Vì lí tưởng theo con đường Bác Hồ đã chọn/ Dũng cảm ngoan cường, hiên ngang trên mũi nhọn/ Cuộc đấu tranh giải phóng con người”
Hùng hực khí thế tuổi trẻ. Hừng hực lòng khát vọng mở đường. Hừng hực niềm lạc quan tin tưởng. Tất cả những điều đó góp phần làm hùng tráng thêm thiên hùng ca bất diệt về tinh hữu nghị Việt - Lào, và như vậy Trường ca “ Con Lạc cháu Hồng trên đình Pa Pông” của Ngô Thái (cũng như nhật ký của Đặng Thùy Châm) lúc nào cũng có lửa.
Tháng 4/2012
N.H.H