TRƯỜNG CA
CON LẠC CHÁU HỒNG TRÊN ĐỈNH PA PÔNG
TÁC GIẢ: NGÔ THÁI-TNXP 253 ANH HÙNG
CHƯƠNG I: LÊN ĐƯỜNG
Mùa Thu năm một chín bảy hai,
Đất nước gồng mình trong cuộc chiến kéo dài.
Gian khổ, hy sinh không thể nào kể xiết.
Làm theo lời Bác Hồ đã vang lên tha thiết:
“Dù phải đốt cả dãy Trường sơn,
cũng quyết giành độc lập, tự do”.
Cả dân tộc vùng lên như biển lửa xô bờ…
Từ những thôn làng vùng quê hương đất Tổ,
Con cháu Lạc Hồng Ký đơn bằng máu đỏ,
Tình nguyện đi trong đội ngũ điệp trùng.
Tạm biệt quê cha, Đất Tổ vua Hùng
Gác tình riêng, lên đường vào tuyến lửa.
Đội Thanh niên xung phong 253 hình thành từ đó.
Trải bao thăng trầm cùng Tổ quốc thân yêu.
Gian khổ, hy sinh, mất mát đã nhiều,
Chiến công mãi sáng ngời trang sách mở…
Lá ngụy trang xôn xao đường đất đỏ.
Lệnh hành quân xao động nước dòng Lô,
Nơi in đậm chiến công đánh Pháp năm xưa:
chân mộng, Cầu Hai, Liên Hoa,Trạm Thản.
Dưới trời xanh trong mùa thu tháng Tám
Gió lộng, cờ bay, rung nhịp bước quân hành.
Cả nước sục sôi rực lửa chiến tranh.
Đâu có giặc là nơi ta thẳng tiến.
Nhiệm vụ phân công xuyên rừng, mở tuyến.
Hướng hành quân tiền tuyến vẫy chào.
Đường ta đi về phía bạn Lào.
Vượt núi cheo leo, vượt bao ghềnh thác.
Câu hát xòe hoa, nghe lá rơi xào xạc,
Cô gái Thái chia tay trao gối cỏ rừng,
Một sợi chỉ hồng, một câu hát bưng lưng,
Buộc cổ tay thay bao lời hẹn ước.
Con Lạc cháu Hồng đang tiến lên phía trước.
Đèo Pa Pông biên giới trập trùng mây.
Sự tích anh hùng khởi sắc cũng từ đây.
CHƯƠNG II: VƯỢT BẮC TRƯỜNG SƠN
Những con đường hướng về nơi tiền tuyến,
Trên trời cao máy bay thù - lũ quạ đen bay liệng.
Đội lá xuyên rừng Piềng Vế * rất gian nan.
Qua cửa Hồi xuân ì ạch bánh xe lăn.
Tiếng chim rừng kêu:“Bắt cô trói cột”.
Anh bạn làng chài đổi thành:”Khó khăn khắc phục”.
Đường hành quân rộn tiếng cười vang.
Khúc quân hành rung rinh là ngụy trang.
Lưng sườn núi mây bồng bềnh, bảng lảng.
Đèo Na-mèo *, cheo leo bên vực thẳm.
Dốc ngoằn nghoèo quanh dòng nước Xiềng-Luông *.
Đêm cuối thu, trăng mờ đặc quánh sương.
Một chùm sáng vàng đèn gầm lấp lóa.
Zin ba cầu gầm gừ leo dốc đá,
Xuyên màn đêm vượt núi, băng đèo
Trời đen ngòm – màn đêm bao phủ
Phía xa xa những cánh rừng lập lòe lửa đỏ,
(Bản Lào nào đang tranh thủ đốt nương)?.
Xe và người mệt nhoài thở dốc…
Rồi chập chờn trong giấc ngủ mờ sương!
Em gái Phù Ninh mơ sắn lùi quê hương,
Anh bạn Lâm thao nhớ mùi cá nướng,
Trai bản Thanh sơn khoe món măng rừng đắng,
Gái Phủ Đoan rằng: “Bưởi Chi Đán ngọt thơm”,
Hạc trì tuyệt vời đặc sản Hồng ngâm,
Cá Anh vũ tiến vua và rất nhiều thứ nữa…
Sản vật quê – mỗi vùng mỗi vẻ
Thanh Thủy, Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường …
Tình đất,tình người cùng ta tới tiền phương
Kỷ niệm quê hương dội về trong nỗi nhớ.
Nâng bước chân ta vượt qua bao gian khổ
Đường hành quân xa chợt thấy thêm gần.
Vượt dốc Pha-la-đây, lại xuống lạch ngầm
Qua đỉnh Phu-lau*, Nậm-Nơm* thác lũ.
Nắng thu nhuộm vàng những cánh rừng lá đỏ,
Nhuộm tím dòng suối nhỏ lượn sườn non.
Vết chân người đi, vẽ thành nét đường mòn.
Đường ra trận nhìều nơi như thắng cảnh.
Dù phía trước sẽ là ngàn trận đánh,
Ta vẫn tự hào:Ôi Tổ quốc đẹp sao...!
Dãy núi Trường sơn – biên giới Việt – Lào,
Đã chứng kiến bao thăng trầm, nghiệt ngã.
Như cánh cung gồng mình ra biển cả.
Ta đi trên đỉnh đầu phía Bắc dây cung.
Một nửa giang sơn đang rên xiết khôn cùng,
Trong lửa đạn bom, trong vòng vây hãm.
Một nửa trời nam mây mù ảm đạm.
Quyết tâm chiến lược mở đường,
Nối hậu phương liền với tiền phương.
Con đường vắt trên đỉnh Trường sơn mang tên của Bác.
Đường mòn Hồ Chí Minh điệp trùng vang câu hát-
Khúc quân hành:Giải phóng miền nam.
Ta đứng đây trên mũi nhọn hiên ngang,
Cuộc chiến đấu mấy ngàn ngày không nghỉ.
Kết thúc chặng đường vượt đèo cao, mưa ngàn, thác lũ,
Tạm dừng chân, dựng lán trại trong rừng.
Giữa ngút ngàn lau lách, tre, bương,
Bom, mìn địch ẩn sâu trong lòng đất.
Mỗi bước đi bao hiểm nguy rình rập,
Mỗi nhát cuốc mở đường không thể chủ quan.
Nếu không may một tiếng nổ đoàng,
Bao đồng đội hy sinh uổng mạng.
Hoàng hôn buông giữa rừng sâu chạng vạng,
Bát canh rau rừng san sẻ cho nhau.
Quên làm sao những kỷ niệm ban đầu,
Anh bộ đội Pa Thét Lào mỉm cười:
Săm Pai **đồng chí!
Hai Tổ quốc thắm thiết tình hữu nghị,
Vai kề vai trong gian khó,cơ hàn.
Đã bao đời chung sức, sẻ san,
Chiến đấu chống kẻ thù xâm lăng bờ cõi
Vũ điệu Lăm-Vông trong đêm trăng vời vợi.
Bát rượu men nồng mừng vui chiến công chung.
CHƯƠNG III: MỞ CUNG ĐƯỜNG MỚI
Hướng tiền phương trên cao điểm trập trùng,
Mở rộng con đường xuyên rừng, nối liền biên giới.
Xẻ núi, san đồi, mở những cung đường mới.
Nhiệm vụ được giao, khó mấy cũng hoàn thành.
Giữa muôn trùng khốc liệt chiến tranh:
Trên trời cao OV-10 ngày đêm rình rập,
Trong rừng sâu, Phỉ Vàng pao bất ngờ đột nhập,
Bom nổ chậm, các loại mìn rải kín lối đi,
Mưa rừng thiêng, nước khe độc hiểm nguy,
Nắng cháy da, gió khô lùa bỏng rát,
Bất chợt máy bay thù rội bom oanh tạc…
Trên đỉnh cao mây ngang thắt lưng người,
Gió núi vờn bay mái tóc, em cười.
Câu hát xoan quê mình vọng vào vách núi.
Chợt nhớ ngày cùng chăn trâu, hái củi
Cùng vào rừng ăn: măng sặt, măng giang.
Chiều về lùa trâu qua sông nhỏ ven làng.
Nắng quê hương nhuộm mặt nước vàng lấp loáng.
Dòng thời gian trôi qua từng năm tháng.
Mỗi khoảnh khắc thành kỉ niệm khó phai…
Vừa trải qua một chặng đường dài,
Chưa kịp nghỉ ngơi đã lao vào “trận đánh”.
Nhanh chóng làm quen với rừng sâu hẻo lánh.
Đêm đêm vọng về tiếng vượn hú, chim kêu.
Nhiều khi thú dữ chạy quanh lều,
Lẫn lũ Phỉ bất ngờ tập kích.
Vừa mở đường, vừa sẵn sàng đánh địch,
Một ngàn hai trăm, hai muơi mốt con tim
Là con cháu Lạc Hồng, son sắt một niềm tin:
“Được con đường, được con người, được tình hữu nghị”.
Lời bác dạy đồng thời là chỉ thị:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội mấy ngàn đèo cũng qua.
Việt Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng hà-Cửu long”.
Trên đỉnh đèo cao hơn ngàn mét: Pa-Pông,
Sức lao động hăng say chưa từng có.
Nhiệt huyết tuổi xuân nóng bừng lửa đỏ,
Xua tan màn đêm giá lạnh sương mờ,
Dệt vào con đường từng câu hát, vần thơ.
Mỗi mét vươn cao dạt dào gió núi.
Mỗi tấc đất đỏ ngời cung đường mới,
Thấm đượm mồ hôi, xương máu bao người.
Ghi dòng chữ vàng trang sử mới tinh khôi.
Sự tích anh hùng có nắm đất khét nồng lửa cháy,
Có tiếng hát của những con người ấy,
Trên đỉnh đèo biên giới đẹp tươi.
Đây đỉnh cao lẽ sống làm người.
Đây mũi nhọn cuộc đấu tranh vì lý tưởng,
Nơi dạy ta làm con người có tâm thành, đức sáng,
Trước khi trở thành những anh hùng.
Tất cả vì mục đích cuối cùng:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời nguyện thề thành ngọn đuốc lửa thiêng,
Soi sáng mọi con đường ta vững bước đi lên.
Cung đường mới có lời Người dẫn lối,
Có hào khí cha, ông như ngút ngàn gió thổi,
Có tình làng, nghĩa nước gửi theo;
Thành sức mạnh diệu kỳ, vuợt ghềnh thác cheo leo;
Thành câu hát: “Trên đỉnh đèo Pa-Pông * ta hát…”
Tiếng mìn nổ mở đường, phá đá
Vọng tới Nà-mèo, Mường-liệt…dội vang
Rừng biên giới rung nhịp sống rộn ràng.
Ánh đuốc sáng như hoa đăng ngày hội.
Không quản mưa tuôn, đường trơn, lầy lội,
Thông đường, mở tuyến xe qua.
Bạt ta luy, hạ độ cao những đoạn dốc vào cua,
Bắt tay áo nghiêng làn đường đúng độ.
Đốt đuốc thâu đêm, khẩn trương rải nhựa.
Trời đổ mưa,cởi áo che đường.
Những tấm lưng trần gồng mưa gió, kiên cường,
Như Thạch Sanh thời đại Hồ Chí Minh - trung dũng.
Lửa lấp lóa màu da nâu, dạn dày mưa, nắng.
...Bình minh lên rực hồng sau cơn mưa.
Cung đường mới mượt mà ngọn lau thưa.
Những đám mây bông, bồng bềnh ngũ sắc.
Ngỡ tưởng trong mơ nhưng lại là sự thật.
Cảnh thần tiên hiện giữa đời thường,
Bên những con người dầu dãi gió, sương.
Niềm vui lớn nhân thêm tình Quốc tế.
Trên đỉnh đèo đón nhận niềm vinh dự:
Lãnh tụ cấp cao hai nước ghé thăm.
Lời Tổng Bí thư căn dặn ân cần:
"Mở đường giúp bạn là góp phần đánh giặc
Kẻ thù chung của hai nước Việt-Lào
Con đường này là mong ước khát khao
Tình hữu nghị mãi ngàn đời thắm thiết"…
Lời Hoàng Thân nêu nghĩa tình đặc biệt:
“Cao hơn núi,dài hơn sông,
Rộng hơn biển cả,sáng hơn trăng rằm
Ngát thơm hơn những loài hoa thơm nhất…”
Những lời nói ân cần sâu sắc,
Làm nức lòng người trên đỉnh núi biên cương,
Đang ngày đêm xẻ núi mở đường:
“Chân đạp mây,tóc vờn gió núi”
“Sẻ nửa cọng rau, chia đôi hạt muối”
“Moi gan suối, mổ bụng đồi…”
Nối mạch máu giao thông ngang dọc ngược xuôi
Thế trận liên hoàn bủa vây quân giặc
Nối tiền phương với hậu phương vững chắc
Nối tình người đã bao đời gắn bó yêu thương
Thế đứng tự hào bên bờ Thái Bình Dương.
Những chàng trai, cô gái độ tuổi xuân chớm nở
Lần đầu xa nhà, chưa vơi nỗi nhớ,
Công việc bộn bề bao bỡ ngỡ, khó khăn.
Cuộc sống từng ngày chồng chất gian nan.
Một người ốm đau, bao người lo lắng.
Không tránh khỏi phút bi quan, giao động:
Cuộc chiến còn dài tương lai sẽ ra sao?
Đâu rồi em – những cô gái má đào?
Mái tóc mây ngày nào, rụng dần sau cơn sốt.
Làn da trắng hồng chuyển sang màu tái nhợt,
Vẫn đọng nụ cười tươi rói trên môi.
Câu hát dân ca nghiêng ngả nắng lưng đồi…
Cảnh tượng đau thương quê hương vọng lại:
Bầy em thơ mắt xoe tròn sợ hãi,
Khi máy bay thù tàn phá làng quê.
Đàn bò chạy nhớn nhác chân đê.
Mặt nước sông quê máu hồng loang quặn sóng,
Mái tóc mẹ bạc dần, lặng thầm trông ngóng,
Những đứa con nơi mũi đạn, hòn tên.
Nước mắt lưng tròng, thao thức đêm đêm…
Lời thề nguyện lúc lên đường vang mãi:
“Sống, chiến đấu, lao động, học tập
theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Quyết xứng danh: “Nòi giống Tiên Rồng”.
Dương cao lá cờ:”Thanh niên xung phong”,
Trên trận tuyến chống kẻ thù xâm lược.
Khắc phục khó khăn, tiến lên phía trước.
“Đâu cần thanh niên có,
việc gì khó có thanh niên”.
Cờ Đoàn tung bay trên khắp mọi miền.
Trường học lớn là chiến trường đánh giặc.
Nơi khốc liệt đạn bom, chính là nơi thử thách.
Lửa thử vàng, Gian nan thử lòng tin.
“Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Ta tự hào mang sẵn dòng máu thắm:
“Việt nam - Đất nước nơi đầu sóng…”,
Gái -Trai đất Tổ, hiên ngang, trung dũng, kiên cường.
Thắm mãi muôn đời hai chữ: Hùng Vương.
Nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi thêm kiến thức.
Động não nghĩ suy, tìm cách làm nhanh nhất.
Tốn ít sức người lại phải thật an toàn,
Phải đẩy nhanh tiến độ, vượt thời gian.
Người biết trước dìu dắt người chưa biết.
Thực tế công trình bổ sung thêm lý thuyết,
Thông qua thực hành sinh hiểu biết càng nhanh.
Giao ước thi đua giành "cờ đỏ, bỏ cờ xanh",
Năng suất tăng nhanh, lập thêm nhiều kỷ lục.
Mìn nổ, xe lăn, anh đào, em xúc.
Trường học làm người –trận tuyến chống xâm lăng.
Trường Đại học nào có thể sánh bằng?
Có nhiều điều chưa thể ghi thành sách.
Thực tế gian nan vắt óc tìm ra phương cách.
Cuốn sách đời bắt đầu viết từ đây.
Để mỗi người tìm ý đẹp, lời hay,
Chỉnh lại nghĩ suy, xem từng hành động.
Có những việc tưởng không còn hy vọng.
Mới hiểu thêm câu thành ngữ dân gian:
“Cái khó ló cái khôn” - vượt qua mọi gian nan.
Lời Bác dạy:”thực hành sinh hiểu biết”.
Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt,
Chỉ một con đường duy nhất phải vượt qua.
Không nề hà, đổ máu quyết xông pha.
Tự khẳng định mình dù hy sinh thầm lặng.
CHƯƠNG V: HY SINH VÀ CHIẾN THẮNG
Để chân lý,niềm tin sáng ngời trong chiến thắng,
Biết bao người cống hiến tuổi thanh xuân,
Vì Độc lập - Tự do vượt mọi gian truân
Ý trí lớn, nguyện sống vì nghĩa lớn,
Đổ máu đào, tô thắm đường ra trận.
Đốt nén hương trầm thay nghĩa nặng tình sâu.
Một phút lặng im tưởng nhớ, nguyện cầu…
Cho đồng đôị, các chị, các anh đã hy sinh
trước ngày toàn thắng.
Xin nghiêng mình đặt Những - Vòng - Hoa - Trắng.
Ngước mắt nhìn lên trên tĩnh lặng, thanh cao:
Những linh hồn siêu thoát – những vì sao,
Lấp lánh, lung linh, muôn đời, không tắt.
Khúc dân ca vẫn reo cùng gió ngàn dào dạt,
Trở mây bay về những đỉnh đèo.
Mãi trường tồn bên ghềnh đá cheo leo,
Những dấu chân người mở đường ra trận.
Nén hờn căm, đau thương, uất hận,
Trận chiến đấu cuối cùng Toàn thắng đã về ta.
Đường Trường Sơn rực rỡ cờ hoa.
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”
Khúc hát ngân vang khắp đất trời giải phóng
Độc lập tự do vĩnh viễn từ đây
Một giải non sông thống nhất về tay
Trong chiến công chung có Đoàn ta góp sức
Đội TNXP 253 cũng rộn ràng náo nức
Hòa chung niềm vui rạng rỡ cung đường
Có niềm tự hào người đất Tổ Hùng Vương
Con Lạc cháu Hồng
Trên đỉnh đèo Pa-Pông lộng gió.
Xin trân trọng ghi thêm dòng chữ đỏ:
“Thanh niên xung phong thế hệ Hồ Chí Minh
Không tiếc máu xương, ,không quản ngại hy sinh
Vì lý tưởng – theo con đường Bác Hồ đã chọn
Dũng cảm, ngoan cường, hiên ngang trên mũi nhọn
Cuộc đấu tranh giải phóng con người”.
Bản Trường ca viết về những cuộc đời,
Về một thời hào hùng đạn, bom khốc liệt.
Xin kính dâng Tổ Tông.
Kính dâng những linh hồn bất diệt.
Dâng tất cả mọi người yêu:
Hòa bình, yêu Độc lập, Tự do.
Tháng 6/2010
________________________________
* Địa danh trên tuyến 217b-Trường Sơn
** Tiêng Lào “Săm Pai “ đồng chi ( chào đồng chí)
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
CẢM NHẬN VỀ BẢN TRƯỜNG CA:
CON LẠC CHÁU HỒNG TRÊN ĐỈNH PA PÔNG
Của Tác giả: Ngô Thái
(Chiến Sỹ - Nghệ sỹ: Ngô Toàn Thắng)
Trong Văn học, thể loại Trường ca không nhiều và để đi vào lòng người cũng không dễ dàng như những bài ca dao hay các bài thơ ngắn. Có lẽ sự hào hùng của lịch sử một thời khốc liệt, với biết bao sự kiện tác động vào hồi ức của người chiến sĩ trực tiếp phải nếm trải, đã khiến anh quyết định chọn thể loại khó này để diễn trải lòng mình. Nếu gọi một cách khiêm tốn, đây là Bản diễn ca bằng văn vần tự do, của người trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy, hồi tưởng về một tập thể những con người đã góp phần cùng cả nước viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là đội TNXP 253 - Anh hùng, thuộc Tổng đội TNXP 572. Tên gọi bản Trường ca thật thân thương mà sâu đậm tình đất nước và Quốc tế:
CON LẠC - CHÁU HỒNG TRÊN ĐỈNH PA PÔNG
Xin được nói thêm: Anh Ngô Thái – Tác giả bản trường ca này, không phải là nhà thơ chuyên nghiệp. Anh là người trực tiếp cùng đồng đội gồng mình trong những thử thách khắc nghiệt của chiến trường gian nan ấy. Bởi vậy, bản trường ca đã khẳng định tính chân thực, mà giàu chất lạc quan cách mạng, của những người đã đi qua chiến tranh và giành chiến thắng, để cô đọng lại trong hơn ba trăm câu, phác họa một cách mộc mạc, giản dị, sinh động, và lãng mạn về một ký ức hào hùng, khốc liệt, vinh quang, chiến thắng.!
Bản Trường ca gồm năm chương. Thể thơ tự do, như lời tâm sự với đồng đội và chúng ta, để ôn lại kỷ niệm xưa, vừa thân thương, vừa xúc động đến nao lòng, để tìm lại những cảm xúc một thời để nhớ và để tự hào
Mùa Thu năm một chín bảy hai,
Đất nước gồng mình trong cuộc chiến kéo dài.
Gian khổ, hy sinh không thể nào kể xiết.
Làm theo lời Bác Hồ đã âm vang tha thiết:
“Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn…
…cũng quyết giành độc lập, tự do”.
Cả dân tộc vùng lên như biển lửa xô bờ…
Từ những thôn làng vùng quê đất Tổ,
Con cháu Lạc Hồng ký đơn bằng máu đỏ,
Tình nguyện đi trong đội ngũ điệp trùng.
Tạm biệt quê hương, Đất Tổ vua Hùng
Gác tình riêng, lên đường vào tuyến lửa.
Đội Thanh niên xung phong 253 hình thành từ đó.
Với mười hai câu thơ đầu trong đó có câu trích dẫn lời của Bác, tác giả như muốn giới thiệu với chúng ta về những con người đất Tổ lên đường chiến đấu, trong giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử chiến tranh Chống Mỹ Cứu Nước. không nề hà gian khổ, không ngại xa quê, gác tình riêng để làm nhiệm vụ mà Tổ quốc
…Trải bao thăng trầm cùng Tổ quốc thân yêu.
Gian khổ, hy sinh, mất mát đã nhiều,
Bao chiến công mãi sáng ngời trang sách mở…
“Chiến công mãi sáng ngời trang sách mở…” Họ ra đi từ nơi chiến công xưa rộn rã nước dòng Lô vào thời điểm cũng thật ý nghĩa:
…Dưới trời xanh trong mùa thu tháng Tám
Gió lộng, cờ bay, rung nhịp bước quân hành.
Cả nước sục sôi rực lửa chiến tranh.
Đâu có giặc là nơi ta thẳng tiến…
Một sự khởi đầu đặc biệt đã dự báo trước những chiến công dù có thể đầy gian nan, nhưng họ đi tới và làm nên chiến thắng ở một nơi cũng thật đặc biệt: Đỉnh PA PÔNG - trên đất bạn Lào:
…Đường ta đi về phía nước bạn Lào.
Vượt núi cheo leo, vượt bao ghềnh thác…
…Con Lạc cháu Hồng đang tiến lên phía trước.
Đèo Pa Pông biên giới trập trùng mây.
Sự tích anh hùng khởi sắc cũng từ đây.!
Một chương mở đầu cũng là bản hùng ca lên đường ra tiền tuyến. Câu chuyện mở ra bằng cảnh vượt núi Trường Sơn, cái tên đã gắn liền với lịch sử hào hùng dân tộc Việt Nam. Cả loài người đều đã từng nghe không chỉ một lần. mà sao khi đọc những vần thơ anh viết về cảnh vượt núi Trường Sơn ta thấy các chị, các anh ngày đó như đi trong cảnh thiên nhiên đất nước rất đỗi tự hào, quên mọi gian nan, khổ ải do khí hậu khắc nghiệt và sự rình rập của kẻ thù:
…Nắng thu nhuộm vàng những cánh rừng lá đỏ,
Nhuộm tím dòng suối nhỏ lượn sườn non.
Vết chân người đi, vẽ thành nét đường mòn.
Đường ra trận nhiều nơi như thắng cảnh
Dù phía trước sẽ là ngàn trận đánh,
Ta tự hào:Ôi tổ quốc đẹp sao...!