Trang trong tổng số 10 trang (95 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cao Trung Nhan

Cảm ơn ngocanhonline, bác Đồ Nghệ và bạn Tuấn Khỉ. Tôi rất đồng điệu với ý kiến của ba người. Bây giờ người ta phủ định Tố Hữu dựa vào quan điểm sống bây giờ là quá sai lầm. Người ta cho Tố Hữu chết khi ông còn có vần thơ như chuỗi ngọc: " Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan. Đồi bạch dương sương trắng nắng tràn " thì thật quá sai lầm. Cao Trung Nhân không dám mơ mình có thể viết được những dòng thơ như thế...
Đời là một chuỗi những ngạc nhiên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

Đọc bài chú Nhan, tự dưng HNhu lẩm bẩm mấy câu nhớ, quên
" Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi nghe tiếng người xưa vọng.
Một khúc thơ ngâm một giọng đàn
...Có phải Sopanh tình chứa chan
Nâng đàn ca cô gái Ba Lan..."
Tố Hữu.
HNhu nhớ hông chính xác. Nhưng đây là một bài thơ đẹp.
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haanh8354

Cuộc trò chuyện cuối cùng với Tố Hữu

Tôi có may mắn là, trong vòng chục năm trở lại đây, mỗi năm ít nhất cũng được gặp Tố Hữu, cây đại thụ của nền thi ca cách mạng Việt Nam 2 lần vào các kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XI diễn ra vào cuối năm Nhâm Ngọ không thấy ông tới. Hỏi ra mới biết ông đang trọng bệnh và nằm viện dài ngày. Cuộc trò chuyện mà tôi ghi lại dưới đây diễn ra vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa X. Không ngờ rằng đấy lại là lần cuối cùng tôi được gặp Tố Hữu. Vào hồi 9 giờ 15 phút ngày 9/12/2002, Tố Hữu đã trút hơi thở cuối cùng. Xin ghi lại cuộc đối thoại này như một lời tiễn biệt...
Lại cũng vẫn như những kỳ họp Quốc hội trước, kỳ này ông lại tới. Vẫn với tư cách khách mời. Ông lặng lẽ đi vào hàng ghế dành cho khách mời, lặng lẽ ngồi nghe, lặng lẽ ghi chép. Giờ giải lao ông thơ thẩn thả bách bộ trong khuôn viên Hội trường Ba Đình, lúc nhận lời chào của người này, lúc gật đầu với người kia. Hết giờ giải lao, các đại biểu đã hết trong Hội trường. Hôm đó, trời Hà Nội se lạnh. Ông vẫn ung dung thả bách bộ. Ở phía trong kia, Hội trường Ba Đình, các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng lại được nói nhiều đến thế. Chưa bao giờ các đại biểu miền núi lại kêu gọi hãy “đừng bỏ rơi” đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đến thế. Ông vào đến cửa Hội trường. Một đại biểu của tỉnh Tuyên Quang đang kết thúc bài phát biểu của mình bằng 4 câu thơ của ông “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa không?/ Phố đông còn nhớ bản làng / Sáng đèn còn nhớ ánh trăng giữa rừng.”
Ông dừng lại như để nghe cho rõ. Tôi chào ông. Ông cầm tay tôi chậm rãi bước xuống các bậc thang đi trở ra khuôn viên Hội trường. Vừa đi vừa nói: “Dân là gốc của nước. Nước là của mọi người dân, còn cách mạng thì như con thuyền mà dân trao cho Đảng làm người cầm lái. Con thuyền đi tới đích thắng lợi là nhờ sức dân”. Bác kính yêu của chúng ta đã từng dạy như vậy... Dân mà không có sức thì làm sao đẩy con thuyền cách mạng tới đích thắng lợi được”. Tôi còn nhớ hôm ấy ông nói rất nhiều về những điều Bác dạy. Ông kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế đá. Một chiếc lá vàng bị làn gió lạnh cuốn tới đặt ngay cạnh ông ngồi. Ông cầm chiếc lá giơ lên và ngắm rất kỹ. Không hiểu lúc ấy ông nghĩ gì. Chẳng hiểu sao tôi lại hỏi ông một câu hết sức “giáo khoa”:
- Thưa ông, ông từng là một chính khách, rồi lại là một nhà thơ. Thực ra thì bây giờ ông thích con người chính khách hay con người nhà thơ trong ông?
- Ái chà chà, chi mà “chơi” nhau ghê rứa hề? - ông cười khà khà, rất to - Nói chơi vậy thôi chứ, thực ra thì tôi là Tố Hữu!
- Nhưng có một dạo ông đã từng tuyên bố: “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ...”?
Ông lại cầm chiếc lá vàng giơ lên trước mắt, vừa chăm chú ngắm vừa nói:
- Đấy là một cách nói ấy mà...
- Nhưng mà cái thuở “Làm Bí thư hoài có bí thơ”?
Ông trao chiếc lá vàng vào tay tôi rồi cất giọng ngâm nga:
- Làm Bí thư đâu chuyện giấy tờ / Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ / Phải đâu tim cứng thành quân dấu? Càng thấu nhân tình đến vần thơ.
Phía bên trong Hội trường Ba Đình tiếng ông Ngô Đình Loan (đại biểu Bắc Ninh) đang sang sảng vang lên: “...Chúng ta đã nói hết cả ngôn từ rồi mà nạn tham nhũng vẫn không giảm...”. Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về chống tham nhũng.
- Vậy chống bằng cách nào? - Tôi hỏi ông.
Ông không nói gì, đưa bàn tay phải lên ngang cổ họng mình, làm bộ kéo đến xoẹt một cái. Rồi ông nhìn tôi nheo mắt, tặc lưỡi: Cứ phải thế!
- Ở cái thời ông còn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham nhũng có trầm trọng như vậy không?
- Trước đây, khi còn chiến tranh, từ trên xuống dưới, ai ai cũng lo đánh giặc. Đánh giặc xong rồi ai cũng lo bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, phức tạp nhiều hơn...
Nói rồi ông trầm ngâm. Rồi ông trăn trở... Thấy ông có vẻ buồn, tôi chuyển sang đề tài khác:
- Nhiều người cứ tiếc rằng Tố Hữu ít làm thơ tình quá...
- Ở đời không nên dạy người khác phải yêu như thế nào. Tuy nhiên có thêm dăm bảy bài thơ tình nữa thì cũng tốt. Mà không có nữa thì đời cũng đã quá nhiều người làm thơ tình rồi. Đến như Xuân Diệu là tuyệt chiêu...
- Lại cũng có ý kiến cho rằng giá mà Tố Hữu chỉ theo một nghiệp thơ...
- Tôi cho rằng nói như vậy là ngộ nhận. Tôi đi làm cách mạng không phải là muốn hay không muốn, mà là cuộc đời vốn phải thế. Trong xã hội có người cầm cày, có người cầm búa, có người cầm súng, lại phải có người cầm bút chứ. Nếu người nào có khả năng gì thì nên sử dụng triệt để khả năng đó. Người ta nói: “Chính trị tức là nghệ thuật sử dụng khả năng”. Tôi làm chính trị tức là sử dụng khả năng làm thơ của mình để làm cách mạng.
“Có khổ đau nào đau khổ hơn / Trái tim tự xát muối cô đơn...”.
- Gần đây ông hay viết những câu thơ đại loại như vậy. Phải chăng ông đang cảm thấy cô đơn?
- Không! Không đâu, tôi không cô đơn. Ngay cả khi tôi nói tôi cô đơn thì đấy cũng chỉ là tiếng một con chim gọi bạn mà thôi. - Trầm ngâm một lúc, ông quay sang hỏi tôi,- Này, cậu có biết không, một con gà trống dậy sớm hơn những con khác, nó cất tiếng gáy. Ban đầu là tiếng gáy cô độc, sau đó có vài con gáy theo và cuối cùng là cả bầy gà cùng gáy. Đấy, cô độc mà có cô đơn đâu?
- Nhưng thực tình thì ông có sợ cảm giác cô đơn không?
- Trên đời này ngoài cái chết và cái đói ra, thì đau khổ nhất của con người là cô đơn. Cô đơn nghĩa là mình không có bạn. Cái đó đừng trách đời mà hãy tự trách mình. Đời đáng yêu lắm lắm. Đời luôn rộng mở cho tất cả mọi người đến với nhau. Chỉ vì anh quay lưng lại với đời nên anh mới cảm thấy cô đơn mà thôi. Nhưng mà “Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm/ Ta vẫn là ta ta với ta”. Cái quan trọng nhất anh có luôn là anh hay không mà thôi. Tố Hữu luôn là Tố Hữu, với mọi người và với nhân dân.
- Tại sao gần đây ông hay nhắc tới hai tiếng NHÂN DÂN?
- Thế tôi hỏi cậu nhân dân đã thực sự sung sướng chưa?
- Có thể chưa phải là lúc để tổng kết cuộc đời mình, nhưng nếu nhìn lại quãng đời đã qua thì có điều gì “đáng ra phải quên đi” mà ông lại cứ nhớ, còn những điều gì “ đáng ra phải nhớ” mà ông lại quên không?
- Thực ra thì tôi nhớ cả những điều đáng ra phải quên đi và không bao giờ quên những điều đáng nhớ.
- Trong những điều “đáng ra phải quên đi” ấy thì có điều gì mà cho ông làm lại từ đầu ông sẽ làm khác đi không?
- Nhiều, nhiều chứ! Ví dụ, trước đây tôi không tài nào chịu nổi 2 câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Gió lùa gian gác xép/ Đời tàn trong ngõ hẹp”, mặc dù 2 câu thơ này rất hay. Hay lắm!. Đáng ra lúc ấy mình phải hiểu, phải thông cảm. Đấy là nỗi đau của một tâm hồn bế tắc. Đáng ra mình phải thương họ, phải hướng dẫn họ cùng tham gia cách mạng với mình để khỏi “Đời tàn trong ngõ hẹp”.
- Trong núi thơ ca đồ sộ của mình nếu phải chọn chỉ một câu thôi thì ông sẽ chọn câu nào?
- Nói như người ta hay nói: “Câu hay nhất là câu tôi chưa viết”, còn trong những câu tôi đã viết rồi thì có lẽ tôi chọn “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. Chả hiểu sao lúc ấy mới 17-18 tuổi mà mình lại viết được những câu như thế.
Nói rồi ông trầm ngâm. Dường như ông đang nhớ về thời trai trẻ tung hoành ngang dọc của mình, cái thuở mà “Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
- Trước đây, năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa xuân tới Tố Hữu đều có một bài thơ. Liệu tết năm nay những người yêu thơ có còn được thưởng thức thơ Tố Hữu nữa không?
- Thơ là cảm hứng. Cảm hứng lên thì ghi lại. Mùa xuân là bắt đầu một thời kỳ mới, vì vậy cảm hứng thường xuất hiện. Hy vọng là cảm hứng sẽ xuất hiện trong tôi.
Ông nói, rồi chậm trãi đứng lên, lững thững đi vào Hội trường Ba Đình. Tôi không đi theo ông, nhưng tôi hình dung rất rõ: ông vén tấm màn nhung đỏ che cửa, bước trên tấm thảm đỏ vào Hội trường, đi lại hàng ghế dành cho khách mời, lặng lẽ ngồi nghe, lặng lẽ ghi chép...     
• Lê Thọ Bình (Theo PL TP.HCM)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Sơn

Cũng thật đúng như mình hình dung về Tố Hữu.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NguyễnTháiHoàn

Câu thơ không hay của Tố Hữu:

Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình.
    (Mẹ Suốt)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Sơn

Hoa Sơn không đồng ý với bạn Nguyễn Thái Hoàn. Hai câu đó đã nói được tất cả tấm lòng người mẹ vời vợi của mẹ Suốt. Bà không được làm mẹ nhưng sự bao dung và đức hy sinh quên mình thương người không ai có thể sánh. Bạn đọc kỹ lại đi.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haanh8354

NguyễnTháiHoàn đã viết:
Câu thơ không hay của Tố Hữu:

Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình.
    (Mẹ Suốt)
Đọc lướt qua em nhầm tưởng Nguyễn Thái Hoàn bảo là hai câu thơ hay cơ đấy!


Những câu thơ hay của nhà thơ Tố Hữu đã và sẽ đi suốt cuộc đời em:

Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con laị thương mình xót xa...
..........................................
Em xin gửi tặng tác gia Nguyễn Thái Hoàn 3 câu thơ hay của nhà thơ Tố Hữu:

Nó thô sơ? Có lẽ. Nhưng trung thành.
Nó tầm thường? Nhưng chính bởi hồn anh
Chê chán kẻ bị đời vui hắt hủi...
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

mây langthang

haanh8354 đã viết:
NguyễnTháiHoàn đã viết:
Câu thơ không hay của Tố Hữu:

Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình.
    (Mẹ Suốt)
Đọc lướt qua em nhầm tưởng Nguyễn Thái Hoàn bảo là hai câu thơ hay cơ đấy!


Những câu thơ hay của nhà thơ Tố Hữu đã và sẽ đi suốt cuộc đời em:

Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con laị thương mình xót xa...
..........................................
Em xin gửi tặng tác gia Nguyễn Thái Hoàn hai câu thơ hay của nhà thơ Tố Hữu:

Nó thô sơ? Có lẽ. Nhưng trung thành.
Nó tầm thường? Nhưng chính bởi hồn anh
Mình cũng đồng ý với bạn.
Thanks.
Chỉ còn mây lang thang
Về đâu ,về đâu nhỉ ?
Trái đất này rộng mở
Sao chẳng chốn dừng chân !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

tukhan

các bác cho tukhan hỏi,bài thơ Mùa Hoa Bưởi tác giả là nhà thơ Tố Hữu phải không?có bác nào còn nhớ bài đó không?sao tukhan search mà không thấy!
thanks
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haanh8354

Hình như nhà Thơ Tố Hữu không có bài thơ nào tên là Mùa hoa bưởi!

Mùa hoa bưởi
(Tô Hùng )


Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương
Cây bưởi đào hai cành anh chiết
Em đã cắt trồng bên cạnh giếng khơi
Qua ba năm sau, nhanh quá nhỉ
Bưởi em trồng cành lá đã xanh tươi
Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố!
Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau!
Nay mai những chuyến đò xuôi ngược
Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau...
Chân anh đi khắp rừng khắp núi
Mỗi nẻo đường, mỗi xóm làng xa
Hẳn đâu cũng thơm mùi hoa bưởi
Hương vị non sông, hương vị quê nhà



THÁNG BA MÙA HOA BƯỞI
(Nghiêm Thị Thuý Hằng)

Chả phải vô tình mà em nhớ tháng ba
Nhớ về Anh nhớ mùa hoa bưởi
Cánh hoa rơi lòng Em bổi hổi
Chút hương thầm làng bãi lan xa

Chả phải vô tình mà Em nhớ tháng ba
Ngõ nhà Anh đầy hoa soan tím
Nhớ bến sông thuyền ai ghé bến
Hương bưởi quê mình líu khách qua sông

Nhớ tuổi thơ Em nhặt bông bưởi trắng
Tháng ba về Mẹ giã bánh trôi
Anh cầm súng lên đường đi đánh giặc
Chúng mình mỗi đứa một nơi

Em về làng giữa mùa hoa bưởi
Hương hoa thơm ướp nước gội đầu
Mẹ bảo Anh giờ này nơi biên giới
Hai đưa mà có nhận thư nhau

Chả thể nào giấu Mẹ được lâu
Chúng mình yêu nhau từ mùa hoa bưởi
Em đi học xa quê lên Hà Nội
Anh về phép thăm nhà chiều đó tiễn Em

Chúng mình đi dọc lối ngõ quen
Vườn tím hoa soan trắng ngần hoa bưởi
Chiều chia tay có gì mà bối rối
Trăng mọc bao giờ hai đứa cũng không hay

Một mùa hoa chúng mình lại chia tay
Một mùa hoa mong ngày gặp lại
Ôi mùa hoa lòng Em mong đợi
Mùa hoa làng mình hoa bưởi tháng ba./.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 10 trang (95 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ›Trang sau »Trang cuối