Thả con
SGTT.VN - Khi còn mang bé Bi trong bụng, tôi đã tìm hiểu nhiều kinh nghiệm và kiến thức khoa học về nuôi con để mong bé được sống trong môi trường thuận lợi và có thể sống tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Ngay từ khi Bi được vài tháng tuổi, tôi đã tập thả để con tự ngủ bằng cách đặt bé vào giường ngủ khi bé thật buồn ngủ rồi sau đó lại đánh thức bé dậy để hình thành cho bé thói quen tự dỗ mình. Sau hai tuần vất vả với tính kiên quyết của mình, giờ đây Bi có thể tự ngủ sau khi chơi thoả thích mà không cần vòi vĩnh mẹ ru như những đứa trẻ khác.Việc cho Bi ra ngoài trời đi chơi cũng là một quá trình “đấu tranh” giữa hai vợ chồng. Với lý lẽ sắc bén đầy thuyết phục rằng cần cho con tiếp xúc sớm với môi trường tự nhiên, để bé thích ứng và miễn dịch khi thời tiết thay đổi, chồng tôi đã đồng ý đưa bé Bi ra ngoài trời sau hai tháng tuổi.
Vào những buổi sáng sau khi tắm nắng, Bi được bế sang nhà hàng xóm gặp các anh chị, đến các khu vườn rộn tiếng chim ca. Vì thế, so với những bạn cùng tuổi bé Bi dạn dĩ hơn, không sợ người lạ, vật lạ. Khi Bi tập đi chập chững, ông bà sợ cháu té ngã sẽ bị trầy xước, đau đớn, nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất với ông bà hãy để cháu quen với những lần té nhẹ nhàng trong tầm kiểm soát của người lớn, để cháu khỏi nhút nhát. Mỗi lần, Bi vấp ngã, tôi đứng cạnh bé vỗ tay cổ vũ, động viên bé tự đứng lên. Nhìn những vết xước sưng lên hay thâm lại trên hai chân bé Bi, làm mẹ tôi không khỏi xót xa. Nhưng tự an ủi và hứa với lòng mình, đây là cách tốt nhất để con mình biết đứng lên sau khi vấp ngã mà không cần ai nâng đỡ.
Những lần bé Bi chơi đùa va vào tường hay bàn ghế, môi mấp máy định khóc thì thay vì “mắng mỏ” cái tường (cái bàn) tôi đã lớn tiếng hỏi: “Bé Bi sao mà khóc thế? Có phải con vừa va vào và làm hỏng tường nhà (cái bàn) của mẹ phải không? Bé Bi tới xin lỗi ngay, lần sau cẩn thận hơn không được va vào nữa nhé!” Bi nhoẻn miệng cười quên cả đau. Qua đó, tôi cũng dạy cho bé biết cách nhận lỗi của mình khi bị sai, không đổ vạ cho người khác.
Trong việc ăn uống, tôi cũng kiên quyết thả. Từ khi Bi biết cầm muỗng để xúc thức ăn là thời điểm tôi dạy bé tự ăn cùng mọi người. Những ngày đầu không thể tránh khỏi cảnh Bi xúc thức ăn bị đổ, nhưng mỗi lần như thế là cả nhà cùng khuyến khích, nên Bi phấn khởi lắm, luôn cố gắng để nâng cao “thành tích” của mình.
Cũng từ khi Bi ăn giặm, tôi đã tập từng bước để bé thích ứng với từng loại thức ăn. Với mong muốn con được hấp thụ đủ các nhóm dinh dưỡng, nên từ đầu, tôi đã cho bé làm quen với nhiều thức ăn. Vì vậy, giờ đây Bi đã quen ăn với chế độ ăn khá đa dạng.
Ngoài ra theo từng lứa tuổi của con, tôi đã dạy bé biết những việc vừa sức để giúp gia đình như quét nhà, dọn cơm ăn, nhặt rau, tưới cây trong vườn… Khi Bi bước vào lớp 1, tôi cùng gia đình định hướng cho bé tính tự giác trong việc học bài, làm bài tập về nhà, sắp xếp hợp lý thời gian giữa chơi và học.
Dù trường cách nhà gần 1km, nhưng sau hai tháng chở cháu đến trường tôi đã thống nhất để cháu tự đi bộ về cùng các bạn hàng xóm. Để tránh những tình huống xấu xảy ra có người bắt cóc, doạ dẫm… tôi đã bày cháu cách từ chối hay phản ứng lại để bảo vệ mình, nhớ số điện thoại trong nhà và của ba mẹ…
Những việc tôi làm trong nuôi con không phải là quá cao siêu, nhưng khi thấy con biết tự lập hầu hết những việc của bản thân, tôi tin rằng mình đã đúng khi không bao bọc, che chở con thái quá như những bậc phụ huynh có con cùng lứa tuổi. Tự lập là một đức tính tốt, nhưng không phải tự nhiên mà có, phải thông qua sự dạy dỗ, giáo dục thường xuyên của gia đình. Song, nếu cha mẹ quá “úm” con, không tạo cho trẻ điều kiện để va vấp thì trẻ sẽ yếu đuối, nhút nhát từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Thả con đúng phương pháp là cách giúp trẻ bản lĩnh khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.
Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)