Tổng vịnh Truyện Kiều của Chu Mạnh TrinhKim sử duyên đề tặng phiến, Liêu Dương bất quy thúc phụ chi tang, biến khởi mãi ty, Lôi châu tức biện oan dân chi án; tắc sắc cầm hảo hợp, cốt nhục đoàn viên, bích ngọc trường lưu, tử thoa bất đoạn; yên hoa thương khách, hà lai mại tiếu chi kim, thanh giáo ngoại thần, chung trở quy hàng chi giáp. Hà dĩ biểu khuê nhân chi hiếu hạnh, kiến hiệp nữ chi cơ quyền? Nãi tri sự phi khúc tắc bất kỳ, ngộ dũ truân nhi nãi hiển.
Khanh chân đạt giả, tu tri thương hiệu chi liên tài; ngã diệc vân nhiên, mạc oán hồng nhan chi vô phận. Độc thị vị thông môi chuớc, tiên đính tư minh, nhất trụy phiến hoa, tiện thành kết tập. Hoặc giả vị thủy đãng vân lưu chi thái, luận nhi vi chi nghênh diệp tống chi phong. Bất tri hồng hạnh xuất tường, vị phó hương tâm phấn điệp. Sương phong liễm hận, khủng điên họa sự ư trì ngự. Lệ kính lý chi băng sương, độ sầu biên chi tuế nguyệt. Vô hà chi bích, giá khả trọng ư liên thành; dĩ thệ chi ba, mộng do hồi ư cựu phố. Thí bình tình nhi trước luận, nghi lược tích nhi nguyên tâm.
Hựu huống: thập thủ tân thi, quán nhập đoạn trường chi tập; tứ huyền cung oán, phổ thành bạc mệnh chi âm. Giác thê lương kỳ não nhân, phục đính đình nhi cố ảnh. Hoa ưng thâu diễm, liễu dục tăng kiều. Tham bắc bộ chi phong tao tiếu đề diệc vận; thiện nam triều chi phấn đại nùng đạm tương nghi. Cố nghi chư lão chung tình, biến danh tính ư quần biên tụ dốc; toại sử thiên thu ký sự, thái phong lưu ư thặng phấn tàn chi.
Ta hồ! Tiểu trích phong trần, kỷ tao ma nghiệt! Tình thiên hạo diểu, hận hải thương mang! Tùy phong chi nhứ hà y! Trụy khổn chi hoa vô lại! Can khanh thậm sự, thế cổ thiên sầu! Nhiên nhi thính nguyệt dạ chi tỳ bà, thanh sam dị thấp; xướng cách giang chi ngọc thụ, bạch mấn thiêm hoa. Do lai danh sĩ giai nhân, túc thế hữu hoa nghiêm chi kiếp. Hựu quái thanh sơn hoàng thổ, thiên cổ đồng luân lạc chi bi. Bộc bản đa tình, cảm thông đồng điệu. Vị ngộ không ư sắc giới, thiên liên do mộng ư xuân tràng. Kim ốc A Kiều, mạn trước bán không chi tưởng; mỹ nhân phương thảo, bằng chiêu cách đại chi hồn. Ngẫu hững bút dĩ trừu tư, toại trục hồi nhi tưởng vịnh. Ngôn chi trường dã, tạ đương khách song thính vũ chi đàm; linh chi lai hề, hoặc tại Lạc phố lăng ba chi dạ...
Bản dịch của Đoàn Tư Thuật:Giả sử ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng lỡ việc ma chay; quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng. Thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười; mà chắc biên thuỳ một cõi nghênh ngang, ai xui được anh hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền. Thế mới biết: người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.
Con tạo hoá vốn thương yêu tài sắc, nàng đà biết thế hay chưa. Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng. Chỉ vì một tội mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi.
Cũng có người bảo: tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường chưa để con ong qua tới; cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại e thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì. Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn vơ vẩn.
Bàn cho thật phải, tình cũng nên thương. Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc; trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng vọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chiều não nuột; hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hảo; người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa.
Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi; trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nùng.
Cho hay danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên.
Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa. Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu. Hỡi ơi, hồn còn có biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố.
Nguồn: Lâm Triều Anh @ Mai Hoa Trang
(http://maihoatrang.com/forums/viewtopic.php?p=378052)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy. Thế là lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhìn thế nào được mà không thở than rền rĩ.
Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình. Tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm người đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa loà nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy.
Còn đến bậc tuyệt thế tài tình, mặt ngọc vẻ hoa, lòng gấm miệng vóc, ngâm thơ liễu nhứ, nổi tiếng đài gương, vịnh phú ngô đồng, khoe tài án bút, nếu một bậc quán tuyệt thiên thu như thế lại gặp được bậc chân chính tài nhân, kết duyên tác hợp, khi thơ ngâm hoa nở, khi đàn gảy trăng lên, nguồn ái ân trọn nghĩa trăm năm, truyện phong lưu chép thành một lục, người đương vào cảnh ấy đã không gặp phải nỗi khảm kha bất bình, thì người truyền lại việc ấy còn phải đặt ra truyện Đoạn trường tân thanh làm gì?
Chỉ vì dịp may dễ lỡ, việc tốt thường sai, tiếng hoàn lặng ngắt, còn trơ bóng trúc lung lay; mặt ngọc vắng tênh, chỉ thấy hoa đào hớn hở. Có tài mà không gặp được tài, có tình mà không hả được tình; tài tình đã tuyệt thế, gặp toàn bước khảm kha, há không phải là con Tạo đang tay ách người quá lắm ru? Ấy chính là truyện Đoạn trường tân thanh vì đấy mà làm ra vậy.
Truyện Thuý Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường lại là cái tiếng mới vậy.
Trong một tập thì chung lấy bốn chữ "Tạo vật đố tài" tóm cả một đời Thuý Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc; khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác; khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân; khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ càng tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời trong cuốn văn tả như hệt, không khác gì một bức tranh vậy.
Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột, thế thì gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải.
Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: "Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy". Bèn vui mà viết bài tựa này.
Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một: người đời xưa thương người đời trước, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời này vậy.
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ cái nợ sầu của hai chữ đa tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở sau cuốn Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm một khúc Đoạn trường để than khóc người xưa.
Tháng hai, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Thán hoa hiên đất Hạc giang.
Tiên phong Mộng liên đường chủ nhân (tức Phạm Quý Thích)
Nguồn: Lang Xet Tu @ Mai Hoa Trang
(http://maihoatrang.com/forums/viewtopic.php?p=378052)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Có người hỏi ta rằng: Thúy Kiều có người thực không? Ta đáp lại rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượm đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ, ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.
Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mỹ, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mỹ, đốn tỏa, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.
Khổng tử nói rằng: "Tiểu tử sao không học kinh Thi, kinh Thi có thể xem xét được biến cố, có thể hưng khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả hê được những nông nỗi uất ức ở trong lòng". Mạnh tử có nói rằng: "Ai khéo đọc kinh Thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời, không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ nhân mà hiểu được, thế là được". Ai đọc truyện Kiều mà hiểu được những lời nói ấy, thì cái người mà ta gọi là Thúy Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy.
Tháng hai năm Mậu tý, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Cẩm đàm trang thứ.
Phong tuyết chủ nhân Thập thanh thị
Nguồn: Lang Xet Tu @ Mai Hoa Trang
(http://maihoatrang.com/forums/viewtopic.php?p=378052)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Báo Tổ quốc
21/05/2013
link="http://www.toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/116632/nguyen-du-duoc-vinh-danh-la-danh-nhan-van-hoa-the-gioi.aspx"
Mục :Di sản
Nguyễn Du được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới
(Toquoc)- Ban chấp hành UNESCO đã thông qua nghị quyết trình Đại hội đồng UNESCO vinh danh thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.
Thông tin này vừa được ông Võ Hồng Hải- Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh xác nhận. Theo ông Hải cho biết, Ban chấp hành UNESCO họp ở Paris (Pháp) đã nhất trí thông qua nghị quyết số 192 EX/32 trình Đại hội đồng UNESCO biểu quyết vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Hồ sơ khoa học đề nghị vinh danh đại thi hào Nguyễn Du được đánh giá cao. Dự kiến tháng 11-2013, Đại hội đồng UNESCO họp ở Paris sẽ chính thức ra quyết định vinh danh và mọi hoạt động tôn vinh Nguyễn Du sẽ được triển khai ở Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO.
Ông Hải cũng cho biết, những hoạt động kỷ niệm sẽ nằm trong lộ trình kỷ niệm 220 năm ngày sinh Nguyễn Du (tổ chức vào năm 2015) được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện. Hiện Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã xây dựng xong đề án kỷ niệm chuẩn bị lấy ý kiến của Bộ VHTTDL trước khi trình Chính phủ. Theo đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để vinh danh đại thi hào Nguyễn Du như: tổ chức các hội thảo, các hoạt động văn hóa, kết nối thêm các tour du lịch đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), quy hoạch tổng thể khu di tích…
Cũng theo ông Hải, từ trước đến nay, thế giới vẫn mặc nhiên công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới vẫn tổ chức kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du như với các danh nhân khác như: Dante Alighieri (Ý), Lomonoxop (Nga). Việc được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới là thủ tục để đại thi hào Nguyễn Du được công nhận một cách chính danh./.
Tin&ảnh: Hồng Hà
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Đoạn Trường Tân Thanh
bản Kiều Oánh Mậu
in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902)
TÂN KHẮC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH LỆ NGÔN THẬP TẮC
(của Giá Sơn – Kiều Oánh Mậu trong bản Đoạn trường tân thanh)
NHẤT. Đoạn trường tân thanh, nãi quốc sơ Lễ tham Nguyễn Du sở soạn, nguyên tòng Bắc quốc Thánh Thán ngoại thư. Thanh Tâm Tài Nhân biên, nội phiên xuất, điển nhã thiệm lệ, khoái chá nhân khẩu, giếu Bắc bản cánh xuất nhất đầu địa. Đồng thời danh nhân Liên Trì Vũ Trinh, Châu Giang Nguyễn Lượng phê bình, Hoa Đường Phạm Quí Thích đề từ. Kế hữu An Thái Nguyễn Văn Thắng án đề quân liệt thời trân hoà bàn thác xuất, dĩ hướng đồng hảo, kỳ dư đề vịnh bất thiểu, vị đồng tước lạp, khái trí bất vấn.
NHẤT. Chư gia khắc bản tại Ma phường trung chí tứ ngũ bản nhật cửu thất chân cố vô túc luận chư gia sao bản các trì nhất thị. Tiền niên dư khế hữu Đình nguyên Cần Giang Đào quân huề lai Kinh bản nội hữu Nguyễn Vũ nhị tiên sinh phê bình tự hoạch khải chính từ điệu minh sướng duy cung ngộ húy tự gián đa cải thoán tính thất Lư Sơn chân diện tư phàm ý nghĩa nhất dĩ Thánh Thán Bắc bản vi đích tự cú nhất dĩ Kinh bản vi chính thứ hữu sở chuẩn.
NHẤT. Thị truyện nguyên danh Kim Vân Kiều nhân Bắc bản dã, Kinh bản nhan viết Đoạn trường tân thanh quĩ chi ý nghĩa cực vi thoả thiếp kim nhưng chi.
NHẤT. Lễ tham Nguyễn hầu học vấn ký hiệp duyệt lịch hựu thâm thị truyện nội ngoại thủ tài bất nhất nhi túc tế tra xuất xứ phương khả liễu nhiên, tinh giả tự biện, chí dụng cổ kim phương ngôn Nam Bắc, Thổ Mán các xứ tục âm, Phường bản bất tri suất ý cải dịch thù vị khả tiếu. Chư như thử loại quân y Kinh bản tham chước chư gia chính chi.
NHẤT. Chư gia khắc bản tham chi Thánh Thán Bắc bản gian đa ngộ mậu nan thông chi xứ hoặc, hệ hậu nhân suất cải cố bất tất đạo nhiên diệc hữu phục tứ ký hoành nhất thời khoái bút ngẫu bất cập kiểm. Cổ kim văn gia thông bệnh chính bất tất vi cổ nhân huý dã. Thị bản gian hữu cưỡng vận do khả thông giả bất phương nhưng cựu, chí ư ngộ mậu nan thông chi xứ tế tra tham đính nhân vận trực cải dĩ hợp văn lý, cực tri tiếm bút dĩ hữu chú tường, lãm giả lượng chi.
NHẤT. Ngã quốc âm tự tự lai tuỳ ý thông độc nhi dĩ cố hữu nhất tự nhi tam tứ âm giả dĩ chí thuyết giả phân nhiên vị hữu chiết trung nhưng y quốc ngữ Tây tự lánh thành nhất bản dĩ trung vu nhất phi cảm dữ nhân tranh thị dã.
NHẤT. Lễ tham Nguyễn hầu bình sinh ngạnh khái cụ kiến Quốc sử liệt truyện Trung đặc vi lục xuất, nhân đắc kỳ nhân suy kiến kỳ văn.
NHẤT. Thị bản chú thích phi cảm cẩu nhiên dã. Nhân ngôn: Nam bất khả khán Tam quốc, Truyền kỳ, nữ bất khả khán Kim Vân Kiều khủng kỳ hoặc phương đạo học nhi khởi dâm tâm. Nhiên nhi phi dã. Ức dư thập tứ tuế thời thư nghĩa thông nhi văn tứ sáp; tiên bối hữu giáo dĩ độc Thuý Kiều truyện tự dị trước bút. Dư thủ độc chi đãn thông đại ý tuy điển nghĩa thâm viễn vị năng liễu liễu nhi văn tứ miễn sáp. Tự thị nhi hậu nhân sự sưu sách tuỳ tại tham đính nhất cú nhất tự phàm hữu ý nghĩa yếu kỳ minh tích dĩ minh tác giả khổ tâm phàm tứ ngũ dịch cảo thuỷ cảm xuất dĩ vấn thế. Hựu dư tại Kinh tằng kiến La Ngạn đình nguyên Đỗ Huy Liệu ngôn: “Ngã văn.. tứ sáp thời duyệt Tam quốc, Truyền kỳ tiện giác hung trung khoát nhiên”. Nãi tri cổ nhân chi văn văn giả kiến chi vị chi văn, dâm giả kiến chi vị chi dâm. Trịnh, Vệ dâm thanh viết: “Dĩ nhĩ xa lai, dĩ ngã hối thiên”. Hựu viết. “Tử bất ngã tư, khởi vô tha nhân”. Kỳ dâm thậm hĩ nhi Phu tử lục chi thả vị kỳ tử viết: “Bất học Thi vô dĩ ngôn”. Dư ư thị truyện thiết hữu sở thủ.
NHẤT. Vũ, Nguyễn nhị tiên sinh phê bình đãn trích kỳ giai giả nhân hệ kỳ nhân dĩ biểu minh nhãn gian, hữu tham dĩ kỷ ý nghị luận phát chi dục dĩ trì tặng hậu lai phi cảm đỗng khốc cổ nhân dã, lãm giả lượng chi. Như hữu vị thị bác nhã quân tử thượng hi tứ giáo.
NHẤT. Thành Thái Mậu Tuất Đình thí hậu Đình nguyên Nhị giáp Đào Hoành Hải huề hữu Kinh bản, dư phương tham đính phó tử nhân sách dĩ tự tư đặc biện ư quyển thủ dĩ kiến sưu sách chi công.
Thành Thái thập tứ niên tuế tại Nhâm Dần Trung nguyên hậu.
Canh Thìn Đình thí Phó bảng quản biện.
Đồng Văn báo quán sự vụ Giá Sơn KIỀU OÁNH MẬU
Thư vu Hà ngụ Phất Lộc hạng.
Bùi y từ chi biệt viện.
Giá bản dư tham đính sưu sách kinh sổ thập dư niên, nhi hậu cảm xuất kinh trình
Thống sứ phủ quản lý đại thần.
Hà nhân phiên bản tái khắc hoặc duyệt hậu cải khắc tức trình chiếu lệ thu bản gia phạt. Tiên thử thanh minh.
Hà Như sưu tầm và giới thiệu
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Bài dịch Lời Tựa quyển
Đoạn Trường Tân Thanh
bản Kiều Oánh Mậu
in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902)
do Lê Thước dịch.
MƯỜI ĐIỀU NÓI ĐẦU VỀ BẢN DỊCH ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH MỚI
Giải nguyên Lê Thước dịch
1. Bản Đoạn trường tân thanh này do cụ Nguyễn Du, tham tri bộ Lễ đầu triều ta, dựa theo bản Thanh Tâm Tài Nhân ngoại thư của Thánh Thán (Trung Quốc) mà làm ra. Cụ đã diễn dịch một cách thanh nhã, đẹp đẽ, người đọc lấy làm khoái trá so với bản dịch của Trung Quốc trội hơn một bậc. Những danh nhân đồng thời với cụ như ông Võ Trinh, hiệu Liên Trì, ông Nguyễn Lạng, hiệu Châu Giang, có phê bình, ông Phạm Quý Thích làng Hoa Đường có đề từ. Kế đó lại có ông Nguyễn Văn Thắng làm ra bản án trong đó có những cái hay, cái quý đều được phô bầy rõ ràng để cống hiến thêm cho người đọc. Ngoài ra còn có nhiều bài đề vịnh khác, lời lảm nhảm vô vị, không cần nhắc đến.
2- Những bản do các hiệu ở Hàng Gai khắc ra, lâu ngày sai suyễn, không đủ bàn đến, còn những bản của tư gia sao riêng, mỗi nhà theo một thuyết, cũng là chưa đúng. Năm trước bạn thân tôi là ông Đình nguyên họ Đào ở Cẩm Giang đem ở Kinh về một bản trong đó có lời phê bình của Nguyễn tiên sinh và Võ Tiên sinh, chữ viết ngay ngắn, lời văn sáng sủa, duy chỗ nào gặp chữ huý nhà vua thời lại thay đi làm sai vẻ chân chính của bản gốc. Bản này của tôi, về ý nghĩa, thì dựa theo bản Trung Quốc của Thánh Thán, còn về câu và chữ, thì chủ yếu dựa theo bản ở Kinh đem về để cho có chuẩn đích chắc chắn.
3- Truyện này trước gọi là truyện Kim Vân Kiều là theo bản của Trung Quốc. Nay bản kinh gọi là Đoạn trường tân thanh, xét theo ý nghĩa, gọi tên ấy là rất đúng, nay cứ y theo.
4- Cụ Tham tri bộ Lễ Nguyễn Du, học vấn đã sâu, lịch duyệt lại nhiều, tài liệu lượm lặt rất rộng, phải tra cứu đến nơi đến chốn mới rõ và mới có thể nhận thức được tinh tường. Cụ lại còn dùng những tiếng phương ngôn cổ kim và những câu cách ngôn ở miền Nam, miền Bắc hoặc của người Thổ, người Mán, các bản Phường vì không hiểu tự ý thay đổi thật đáng buồn cười. Những điều nói trên, nay đều theo bản Kinh và tham chước các tư gia mà sửa lại cho đúng.
5- Các bản Phường in ra có nhiều chỗ so với Thánh Thán đều sai lầm, không thông, lại có nhiều chỗ theo ý riêng người sau sửa đổi đi thì không nói làm gì, nhưng cũng có những nhà học rộng, nhớ nhiều, nhân khi viết, múa bút trong một lúc, không kiểm điểm lại nên cũng mắc phải sai lầm: đó là cái bệnh thông thường của các nhà văn, tưởng không nên quá chê trách người xưa. Bản này vẫn có đôi vần hơi ép, song nếu đọc nghe chạy nghĩa thì cũng cứ để như cũ. Còn những chỗ sai lạc không thông, thời đã tra cứu rất kỹ, theo vần đổi hẳn đi để cho hợp với câu văn, tự biết làm như vậy là lạm quyền cầm bút, đã có ghi chú rõ ràng lý do, mong độc giả lượng xét.
6- Chữ Nôm nước ta, từ trước cứ theo ý riêng mà đọc cho thông, có khi một chữ mà đọc thành ba, bốn âm, một người một thuyết, ý kiến bất đồng. Rồi đây sẽ có in một bản bằng chữ Quốc ngữ để cho được nhất trí, không dám cho mình là đúng hơn ai.
7- Cụ tham tri bộ lễ Nguyễn Du là người khí khái như Quốc sử và Liệt truyện đã chép, nay xin lục ra sau để thấy rõ được người mà hiểu rõ được văn.
8- Bản này chú thích không dám cẩu thả. Có người nói: Trai không nên xem truyện Tam Quốc, gái không nên đọc truyện Kim Vân Kiều, sợ có hại đến phần đạo đức và khêu gợi lòng tà dâm. Nhưng nào phải thế đâu, tôi nhớ hồi tôi 14 tuổi, đọc thông nghĩa sách, nhưng làm văn rất là khô khan nghèo nàn. Các bậc đàn anh bảo tôi cứ đọc Truyện Kiều, thời viết văn sẽ dồi dào trôi chảy. Tôi thử đọc xem, tuy lúc đầu mới thông đại ý, chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa nhưng văn tứ cũng bớt khô khan. Từ đó về sau tôi ra sức tìm tòi theo từng nơi mà sửa chữa để ý nghĩa từng chữ, từng câu được thật sáng sủa, thấy rõ được khổ tâm của tác giả, phải thay đổi bản thảo đến bốn, năm lần mới dám cho ra đời. Lại lúc tôi ở Kinh có gặp cụ Đình nguyên Đỗ Huy Liệu, cụ có nói với tôi rằng cụ lúc đầu làm văn khô khan lắm, sau đọc Tam Quốc, tự nhiên thấy thần trí được cởi mở rộng rãi. Thế mới biết những áng văn chương của người xưa, người văn nhân xem thì là văn, mà người hoang dân xem thì là dâm. Thơ Trịnh Vệ có những câu: “Dĩ nhĩ xa lai, dĩ ngã hồi thiên” nghĩa là: Anh đưa xe lại đón, em mang tiền của cùng đi. Và câu: “Tứ bất ngã tư, khởi vô tha nhân” nghĩa là: anh không thương em, há không có người khác thương”. Những câu ấy thật là tà dâm mà Khổng Phu Tử cũng cứ đem vào sách và còn dạy con rằng: Không học Kinh Thi không thể nói năng được trôi chảy. Về phần tôi thì đọc Truyện Kiều rất có bổ ích.
9- Những lời phê bình của Nguyễn Tiên sinh (Nguyễn Lạng) và Võ tiên sinh (Võ Trinh) tôi chỉ trích lấy những câu hay để nêu lên sự nhận xét sáng suốt của mọi người. Tôi cũng có theo ý riêng bàn rộng thêm để giúp người đời sau, chứ không dám làm điều thương khóc người xưa, xin độc giả lượng xét, có chỗ nào thiếu sót, mong những bậc học rộng văn hay chỉ giáo cho.
10- Năm Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái (1898) ông Đình Nguyên Hoàng Giáp Đào Hoành Hải đem bản ở Kinh về, tôi liền khảo đính để xuất bản, nhân có xin ông làm bài tựa, nay để ở đầu quyển truyện để độc giả thấy rõ công tìm tòi tra cứu.
Niên hiệu Thành Thái thứ 14, sau ngày rằm tháng bẩy, năm Nhâm Dần (1902).
Kiều Oánh Mậu hiệu Giá Sơn, phó Bảng khoa Canh Thìn, Quản biện Đồng Văn báo quán, viết ở nhà trọ tại một phòng riêng nhà thờ họ Bùi, ngõ Phất Lộc, Hà Nội.
Bản này tôi tra cứu tham đính hơn vài mươi năm sau mới đem xuất bản trình Quản lý đại thần phủ Thống Sứ. Ai khắc lại hoặc sửa chữa để khắc in sẽ bị tịch thu và bị phạt. Vậy xin có lời thông báo trước.
Hà Như sưu tầm và giới thiệu
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Đoạn Trường Tân Thanh
bản Kiều Oánh Mậu
in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902)
Tự
(của Đào Nguyên Phổ)
Ngã Việt tự Trần triều Hàn Thuyên thuỷ dụng Quốc âm vi thi phú, nhi Quốc âm văn thể hưng yên. Thượng lục hạ bát, trường đoản hợp độ, âm tiết khanh nhiên, tưởng diệc phỏng kinh sử thành cú nhi vi chi, Kiều Giá Sơn Tỳ bà tự ngữ chi tường hĩ.
Thế chi mô thử cách nhi phu vi quốc âm giả đa hĩ; dã vị lý âm bất kham trí vẫn giả thập bát cửu, Phan Trần, Hoa Tiên quân xưng kiệt xướng, vị miễn thuần, tì hỗ bán, nhã tục ứ văn. Cầu sở vị từ thành châu ngọc, điệu hiệp cung thương tắc duy Kim Vân Kiều nhất truyện.
Thị truyện dã, Quốc sơ Lễ bộ Hữu tham tri Tiên Điền Nguyễn Du y Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ nhi thành chi. Kỳ từ lệ dĩ ba, kỳ điệu viên nhi hưởng; kỳ tuyển liệu dã bác, kỳ tự sự dã tường; tiết thái cổ nhân chi diễm khúc tình từ, bàng cập ngã quốc chi phương ngôn ngạn ngữ, nùng tiêm tận trí, hoa dã kiêm thu. Ngôn tình tắc miêu hợp ly cam khổ chi hình, nhi tình bất ly cảnh; tự cảnh tắc hội tuyết nguyệt phong hoa chi thú, nhi cảnh tự kiêm tình, mặc dục vũ nhi bút dục phi, cú năng ngôn nhi tự năng ngữ, sử nhân tiếu, sử nhân thê, sử nhân lạc, sử nhân bi, sử nhân phản phúc thiên hồi, dũ thục nhi dũ bất năng yếm; tuân Nam âm chi tuyệt xướng, tình phổ chi tiên thanh dã. Cổ ngữ: “Đại trượng phu thưởng tụ tam bài, ẩm Chính Thái trà, độc Thuý Kiều truyện” chân thị hợp thú. Cố kim nhật hàn mặc chi khách, thoa quần chi lưu, dĩ cập cổ khách thôn hào, mạc bất thủ thử nhất biên, dĩ vi nhã thưởng. Tức mục bất thức đinh giả, học đắc kỷ cú, thường thường toạ ngoạ tụng chi. Y! Hà tuý nhân nhất chí thử da!
Dư sở vưu quái giả, thế nhân cầu chiêm bốc vấn, ứng dã như hưởng, hựu khả tác Quỉ Cốc linh kinh khán giả, hà tai? Khởi phi Thúy Kiều tài sắc vô nhị thiên cổ tuyệt đính tình nhân, thập ngũ niên gian, lịch duyệt phong trần, vi thiên cổ tuyệt đính tình sự, diễn chi vi truyện, lâm ly đốn toả, vi thiên cổ tuyệt đính tình từ. Thị Thanh Tâm Tài Nhân vưu vi quá chi. Kỳ nhân kỳ, kỳ sự kỳ, kỳ văn vưu kỳ, cố bất độc tuý nhân, nhi hựu năng thông thần dã dư?
Thị truyện ấn hành dĩ cửu, tự hoạch gián hữu suyễn thác, quan giả duyên mậu thừa ngộ, đa hiệp ý kiến nhi cưỡng vi chi giải. Dư tâm khế, Kiều Giá Sơn, Tự Đức niên gian Ất tiến sĩ dã, thiện vi quốc âm văn, tỉ quan nhật dịch tác Tỳ bà truyện, hựu thủ thị truyện nhi đính chính chi, kê dẫn sự điển, tỉ lãm giả liễu nhiên. Nhân Tham hiệp Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng sở định án văn, tăng Thổ quan, Ngư phủ nhị án, tính hệ dĩ thi, quán dĩ tự, kiến giả xưng vi bác nhã, giai khuyến phó tử dĩ hướng thẩm âm, nhi Giá Sơn dĩ văn quán sự phồn, vị hạ dã. Dư ư Ất Mùi toạ Giám, hữu thích lý công tử, huề lai tân bản kiến tặng, nhan viết Đoạn trường Tân thanh. Dư triển tụng chi, tắc tự châm, cú chước thoán cố sinh tân, nhi danh bút bình phê, cơ thần dược động. Tái phụng ngự phê liên cú, biền ư giản đoan. Giai nhân giai văn, nhất nhiễm thiên hương, đại vi tăng sắc, cố nghi ngâm vịnh giả trân du củng bích, truyền tả giả chỉ quí Lạc Đô dã. Kim hạ, dư tự Kinh trung vinh hồi tụ di Giá Sơn. Giá Sơn nhất kiến cuồng hỉ, nhân tường gia kiểm duyệt phó tử công hành, dĩ bác khoái đổ. Ngô tri thế chi tạ dĩ đào vịnh tính tình, kích dương phong nhã giả ư thị hồ đắc chi.
Thành Thái Mậu Tuất đông phục nguyệt thượng hoán
Mậu Tuất Nhị giáp Tiến sĩ Đình nguyên
Thái Bình Cần Giang Đào Nguyên Phổ
Hoành Hải chí
Bản dịch bài Tựa của Đào Nguyên Phổ
Trần Lê Nhân dịch
Nước Việt ta từ Hàn Thuyên đời Trần bắt đầu dùng quốc âm làm thơ phú, rồi thể văn quốc âm mới nổi lên. Thể trên sáu dưới tám, dài ngắn hợp độ, âm tiết dịu dàng, tưởng cũng là phỏng theo những câu có sẵn trong kinh sử mà làm ra. Bài tựa truyện Tỳ bà của Kiều Giá Sơn nói đã tường rồi vậy. Người đời phỏng theo cách ấy mà phu diễn ra quốc âm có đã nhiều. Nhưng mùi dã lời quê, mười phần thì đã đến tám chín, không đáng nói đến. Truyện Phan Trần, Truyện Hoa tiên, người ta đều khen là kiệt xướng, song cũng chưa thoát khỏi còn có câu hay câu dở, chỗ nhã chỗ tục. Muốn cầu cho được áng văn lời như châu ngọc, điệu hợp cung thương thì chỉ có truyện Kim Vân Kiều mà thôi.
Truyện này là của cụ Nguyễn Du, người Tiên Điền, làm Hữu tham tri bộ Lễ buổi đầu bản triều, y theo cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà làm ra. Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa, tài liệu chọn rất rộng, sự việc kể rất tường, lượm lặt những diễm khúc tình từ của cổ nhân; lại góp đến cả phương ngôn ngạn ngữ nước nhà, mặn mà vụn vặt không sót, quê mùa tao nhã đều thu. Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp ly cam khổ, mà tình không rời cảnh, tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh tự vướng tình, mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán, thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng, một điệu tình phổ bực đầu vậy.
Lời xưa có nói: “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống chè Chính Thái xem Nôm Thúy Kiều” mới là hợp thú tao nhã. Ngày nay nào khách văn chương, bạn thoa quần, cho đến kẻ buôn bán, người thôn hào, không ai là không có một quyển Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay như cả những người không biết lấy một chữ mà cũng học thuộc được vài câu, cũng thường khi nằm khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi ! Sao mà lại có văn làm say người đến thế? Còn một điều, tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần, mà xem tựa linh kinh Quỷ Cốc, là bởi làm sao? Há chẳng phải tại: Thuý Kiều có tài sắc không hai, làm một bạc tình nhân tuỵêt đỉnh nghìn đời; mười lăm năm lịch duyệt phong trần, nên một thiên tình sự tuyệt đỉnh từ tuyệt đỉnh nghìn thu, đem so với bản thân của Thanh Tâm Tài Nhân lại càng hay hơn nhiều lắm; người đã kỳ, việc lại kỳ, văn lại càng kỳ, nên chi chẳng những làm say người đọc mà lại có thể thông cảm thần minh nữa chăng?
Truyện Kiều ấn hành đã lâu, nét chữ có chỗ nhầm, người xem do cái nhầm này mà ra cái lẫn khác, phần nhiều cứ lấy ý kiến riêng mà cưỡng giải. Bạn thân tôi là Kiều Giá Sơn, đỗ Phó bảng triều Tự Đức, sành làm văn quốc âm, ngày làm quan ở tỉnh Bắc đã soạn truyện Tỳ bà, nay lại đem truyện này đính chính, kê dẫn điển tích cho người xem hiểu rõ; và nhân văn án của Tham hiệp tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đã định, Giá Sơn có làm thêm hai bản án thổ quan và ngư phủ, lại vịnh cả thơ và đề cả tựa. Ai thấy đều khen là bác nhã và khuyên cho in để cống hiến người sành thơ văn. Nhưng Giá Sơn vì bận công việc báo quán Đồng văn, chưa rỗi để làm việc đó.
Năm Ất Mùi (1895) tôi đương học ở Quốc tử giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Tôi mở ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu, thay cũ đổi mới; danh bút phê bình, cơ thần linh động. Lại được vua phê cho đôi câu đối nêu ở đầu sách; người đẹp văn hay, được đoá thiên hương làm tăng thêm khí sắc. Vậy nên người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như “giấy quỳ Lạc đô”.
Mùa hè năm nay, tôi ở kinh vinh quy, mang sẵn bản Kiều ấy đưa biếu Giá Sơn. Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để cho nhiều người thưởng thức. Tôi tin chắc rằng người đời muốn lấy cái mà hun đức tính tình, kích dương phong nhã, cũng do ở bản Kiều này mà được vậy.
Thượng tuần tháng mười một, mùa đông năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái.
Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ khoa Mậu Tuất
Đào Nguyên Phổ tự Hoành Hải quê Cần Giang, Thái Bình cẩn chí.
Hà Như sưu tầm và giới thiệu
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook