LƯU QUANG MINH – TRẺ KHÔNG VỜ VĨNH
Nguyễn Thị Minh Thái
Lưu Quang Minh, năm nay 2009, vừa tròn 21 tuổi, từ lâu đã mê thích, ước ao và quả thật, thành người viết truyện ngắn, từ năm 16, 17 tuổi.
Năm 2007, Minh từng đoạt giải nhì cuộc thi Truyện cực ngắn trên Web “Hội ngộ văn chương”: truyện “Già trước tuổi”.
Minh già trước tuổi thật.
Bản thân tứ truyện này, được cài đặt khôn khéo trong một tình huống không mới, và được Minh dựng đứng thành truyện cực ngắn “Già trước tuổi”, tự thân nó đã mang dáng dấp cái viết của một nhà văn già dặn cả về tuổi đời lẫn bút pháp.
Cảnh huống người đàn bà trẻ bị lâm tình thế phải nuôi con một mình, vốn dĩ không hẳn mới, song lại được Minh kể thật mới mẻ, hồn nhiên và ý nhị hàm ngôn. Minh đặt nghi vấn cho nữ nhân vật: làm sao tin được cái gọi là hạnh phúc, khi người tình “quất ngựa truy phong” ngay vào lúc đứa con chung chưa kịp chào đời. Người mẹ đói nghèo túng bấn, bị bỏ rơi, chỉ biết quần quật làm lụng, nghĩ mọi cách kiếm tiền nuôi con, đã không còn lòng dạ nào nghĩ đến, hay tìm cách định nghĩa hai chữ xa xỉ “hạnh phúc”. Chính lúc đó nhân vật con trai nhỏ của chị đã ngây thơ yên ủi mẹ: có tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc. Theo thằng bé định nghĩa hồn nhiên con trẻ: hạnh phúc là khi cười mà không gượng gạo. Rốt cuộc, hai mẹ con trong truyện ngắn xinh xẻo, dễ thương này đã cùng nở nụ cười hồn nhiên ấy, nhờ vào sự đánh thức hồn hậu đầy thiên lương của người viết truyện.
Cách viết văn xuôi truyện ngắn Lưu Quang Minh là thế và luôn luôn là phát hiện. Phát hiện của con mắt luôn quan sát tinh tế, của tấm lòng luôn đau đáu muốn khắc ghi lập tức những vẻ đẹp bình dị, nguyên tươi, long lanh ánh sáng ngọc trai của cuộc đời vốn mênh mang, rộng khơi như biển, đang diễn biến với muôn mặt phức tạp và phong phú: vừa vui tươi vừa phiền muộn, vừa vỡ vụn vừa lành lặn, vừa ngổn ngang lại vừa ngay ngắn… Và các mặt đối lập trong sự thống nhất ấy của chính cuộc đời đã ngày càng xoắn vặn, phức tạp, vướng vít như tơ nhện, nhất là vào thập niên đầu TK XXI. Con mắt xanh và tấm lòng đôn hậu ấy đã giúp Minh tìm ra một giọng kể riêng, thanh thoát và hóm hỉnh trong truyện ngắn của mình, về tất cả những câu chuyện của cuộc sống thường nhật, với những tình tiết xanh tươi, những đối thoại chảy dào dạt như sông biển trên đường phố của những đô thành, những ruộng đồng Nam Bộ thường quen, với những chuyện đời, chuyện tình của thế hệ mình, vừa xanh ngát hương đời vừa héo khô đau khổ ngay trong thập niên đầu thế kỉ XXI đang sắp trôi qua này…
Chỉ có trong tay một “gia tài tuổi hai mươi” như thế trong văn chương, gồm 20 truyện ngắn, Minh đã trình diện trước bạn đọc một thế giới riêng những câu chuyện của mình, với con mắt và tấm lòng của một người viết luôn yêu thương cuộc đời trong tính hiện hữu vô thường của chính nó.
Chính bởi vậy, đặc sắc nhất của cái viết truyện ngắn Lưu Quang Minh là khả năng sắm các loại vai trong thế giới nhân vật khá là phong phú của mình, mà phần lớn là những nhân vật tuổi xanh, tuổi hồng, tuổi tím, cái tuổi đẹp nhất và hình như khó định hình, thường là mong manh dễ vỡ nhất trong cuộc đời dài của mỗi con người. Và thi sĩ nào đã từng viết nhỉ: Mỗi người đứng cô đơn một mình trên trái tim trái đất/Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời/ Và chưa chi chiều đã tắt…
Cái tôi của tác giả, có thể vì cách cảm nhận rất riêng tư đối với cái viết của riêng mình, nên đã không mấy khi thích chường mặt “dạy khôn” nhân vật, song lại cũng không ít khi nén được sự giễu cợt nhẹ nhàng, trong thấp thoáng cười mỉm rải rác khắp 20 truyện ngắn của mình.
Có phải chính nhờ thế, ngay sau khi có cảm giác “già trước tuổi” với cái viết của Minh, lại thấy chính cái viết của Lưu Quang Minh trẻ bất ngờ.
Mà trẻ thật, trẻ không vờ vĩnh!
“GIA TÀI TUỔI 20″: GIA TÀI CHO EM, GIA TÀI CHO TÔI, GIA TÀI CHO BẠN…
Trần Trà My
Trong một lần tình cờ tôi vào GOOGLE và gõ chữ: “Truyện ngắn trẻ hay”, thì bất ngờ cái tên em được hiện ra khá nhiều. Bản tính tôi vốn ít thích tìm đọc những tác phẩm trẻ, bởi họ có cách viết với những từ ngữ, nội dung làm tôi không mấy hài lòng. Tuy nhiên, tôi lại bị ấn tượng với cái tên LƯU QUANG MINH, chính cái tên đó đã khiến trí tò mò của tôi vùng dậy, tôi quyết định click chuột vào những đường link đó.
Và truyện ngắn đầu tiên đã hiện ra trước mắt. Đó là truyện ngắn: “ĐÀN ÔNG”. Tôi vừa đọc, vừa cười thích thú và tự hình dung ra tác giả này chắc cũng phải độ 30 tuổi. Bởi cách viết, cách diễn đạt từ ngữ thì hẳn chỉ những người đàn ông 30 tuổi mới viết được. Đọc xong truyện ngắn ấy tôi lại click chuột vào đường link khác, để đọc tiếp một truyện khác. Truyện thứ hai có tựa đề là: “COMBO GÀ RÁN”. Đọc đoạn đầu tiên, tôi chỉ lướt qua thật nhanh thôi nhưng khi đến những dòng: “Và cô đứng đó, trông thấy một người cô độc. Sáng đi làm cho đến tận buổi chiều. Về nhà xem tivi, nuốt vội những gì vớ được. Thiếp đi nhanh chóng sau khi đọc vài tờ báo, trang sách dang dở. Quần quật quần quật. Ngày cuối tuần buồn chán, mở điện thoại không có ai để gọi, lục lọi trong đầu không một ai mà thương mà nhớ, chỉ để rủ đi cùng ăn một bữa gà rán KFC. Chịu không được nỗi buồn gặm nhấm, đành xỏ dép, dắt xe, phóng ù tới một nhà hàng nào gần nhất có thể, và thỏa mãn cơn thèm. Không phải thèm gà rán, mà thèm nghe tiếng người, hít thở bên hơi người, tận hưởng một nụ cười như máy dẫu phát ngán, hay trò chuyện với một vị Đại tá mình hâm mộ từ lâu…” bỗng nhiên tim tôi nhói lên một cảm giác rất lạ. Cái cảm giác như tôi tìm thấy điều gì đó giống mình ở hai nhân vật kia. Trong tôi lại hiện lên bao câu hỏi: Tác giả này là ai? Anh ta bao nhiêu tuổi mà có những suy nghĩ trải nghiệm lớn vậy? Và cái tên… LƯU QUANG MINH, liệu đó có phải là tên thật hay chỉ là bút danh? Anh ta có họ hàng gì với… LƯU QUANG VŨ chăng?
Tôi tiếp tục click chuột sang đường link khác thì hiện ra truyện ngắn: “CÔ ĐƠN TRÊN MẠNG”. Lần này tôi không mấy ấn tượng với cái tiêu đề vì nó giống tên của một cuốn tiểu thuyết nước ngoài. Nhưng vì tò mò, tôi cũng đọc lướt qua đoạn đầu. Lại thêm một cú shock nữa! Từng đoạn văn lướt qua trước mắt tôi, cảm giác của nỗi buồn, sự cô đơn trống trải thường gặp nơi những người trẻ ngay chính trong căn nhà mình, và trong tận cùng trái tim, không biết dồn nén vào đâu đang hiện rõ mồn một. Chúng tôi dường như chỉ biết “đổ” nỗi buồn đó vào cái máy vi tính vô hồn, mà chính xác hơn là vào những cái Blog. Có người bảo Internet là một trong những phát minh vỹ đại nhất của thế kỷ 20 và nhờ nó chúng ta mới có Web, có Yahoo messenger và cả Blog nữa… nhưng dường như nó vẫn không ngăn được sự cô đơn muôn thuở của con người và nhất là những người trẻ chúng tôi ngày nay. Tôi đọc, đọc một cách say sưa và thậm chí khi đọc đến truyện: “MẸ LOAN” tôi đã khóc. Đơn giản đấy chỉ là một câu chuyện kể về một cô giáo dạy mầm non, song thông qua cách viết chúng ta có thể hiểu được thông điệp nhân văn, tình yêu thương giữa con người với nhau, quả đấy là một sự tài tình của một chàng thanh niên 20 tuổi.
Đọc xong bốn truyện ngắn trên tôi lại vào GOOGLE gõ dòng chữ: “LƯU QUANG MINH” và những thông tin về tác giả hiện ra. Tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên thậm chí đã không thể tin nổi vào những gì hiện ra trước mắt! Tác giả của những truyện ngắn trên chỉ là một cậu sinh viên ngoài 20 tuổi và cũng là một người “ngoại đạo” trong lĩnh vực văn chương như mình. Mấy ngày hôm đó tôi đã bị ám ảnh bởi cái tên LƯU QUANG MINH. Tôi ấn tượng bởi cách viết, cách diễn đạt từ ngữ của em không hề giống những cây bút trẻ hiện nay. Mặc dù lúc đó tôi chỉ mới đọc được bốn truyện ngắn của Minh mà thôi. Nhưng đấy thật sự là những truyện có giá trị nhân văn rất lớn, ngoài ra nội dung từ ngữ của em “sạch”, không hề có những từ ngữ theo kiểu chát chít của tuổi teen, cũng không có những chi tiết sex nóng bỏng mà báo chí vẫn hay lên tiếng phê phán một vài cây bút trẻ hiện nay. Đó là một điểm rất hiếm gặp của các cây bút trẻ hiện giờ và tôi rất thích điều đó ở những truyện ngắn của em.
Ít lâu sau trong Inbox Blog tôi nhận được một tin nhắn làm quen của em, sau khi Minh tình cờ vào Blog tôi đọc truyện. Khỏi phải nói tôi đã vui sướng đến mức nào! Vậy là hai chị em add nick nói chuyện. Khoảng một tháng sau tôi vào Sài Gòn, hai chị em hẹn nhau đi café. Trước mắt tôi là một cậu thanh niên với khuôn mặt có thể nói là búng ra sữa, tôi ngồi nhìn khuôn mặt non nớt của em và tự hỏi liệu có phải đây là người đã viết những truyện ngắn già dặn và đầy trải nghiệm kia không nhỉ? Rồi em bẽn lẽn đưa cho tôi tập bản thảo: “Đây là gia tài tuổi 20 của em đó chị ạ!”. Tôi về và đọc, đọc một cách ngấu nghiến như thể đang được ăn một món gì đó mà mình hằng thòm thèm bấy lâu nay, nhưng giờ mới có dịp thưởng thức. Nói chính xác ra là chưa tìm được “ai nấu món ăn theo đúng khẩu vị” của mình.
Đọc những truyện ngắn như “NÀNG SỨT” hay “LÀNH LẶN” ta sẽ thấy ở đó những khiếm khuyết trên khuôn mặt không đáng sợ bằng những khiếm khuyết ngay trong tâm hồn mình. Vậy nên đừng bao giờ lấy đó mà chế giễu khinh dễ người không may.
Hay như trong những truyện: “THỎ RAGU”, “MẸ CON PANDA”, “CON MÈO ĐEN”. Ba câu chuyện là ba cách viết, ba nội dung, nhân vật khác nhau. Tuy nhiên tác giả đã nói hộ về sự cô đơn tồn tại trong ba con người khác nhau này. Đó là một bà nội sống với con cháu nhưng lại ít bao giờ được hưởng sự đầm ấm của tình yêu thương. Chỉ đến khi gặp được con thỏ mà bà vô tình mua giúp của một đứa bé, mới mang đến cho bà một chút gì đó ấm áp vào những bữa cơm vắng tanh không một bóng người. Còn ở truyện “CON MÈO ĐEN”, ta sẽ thấy sự cô đơn tột cùng của một chàng thanh niên. Anh ta thậm chí cô đơn đến mức đã vô tình lãng quên đi cái cảm giác được yêu thương-chăm sóc-một ai đó trong suốt khoảng thời gian dài, cho tới khi con mèo đen xuất hiện nơi bậc cửa nhà mình. Hay như trong “MẸ CON PANDA” lại thấy sự cô đơn của một đứa trẻ sống trong gia đình khá giả, ngoài những người bạn trên lớp cô bé không còn ai để tâm sự nỗi niềm ngoài chú chuột Hamster ra. Những câu chuyện giản đơn nhưng trong đó ta như tìm thấy một phần nào đó của mình, ngẫm nghĩ một bài học nhỏ để làm hành trang vào đời của mình vậy.
Em đã chọn một lối đi riêng, cách viết riêng và ẩn chứa tính nhân văn sâu xa giữa con người với nhau, nhất là những người trẻ ngày hôm nay. Một cách viết giản dị, không cầu kỳ hay “tỉa tót hoa lá cành” để gây shock như những cây bút trẻ khác. Ta sẽ nhìn thấy sự nhân văn trong : “BẮP XÀO ƠI!”, “MỘT THÁNG KHUYẾN MÃI Ở PHONG VŨ” hay như truyện cực ngắn “GIÀ TRƯỚC TUỔI”, truyện “TIẾNG LANH CANH VÀ NHỮNG Ô CỬA SỔ SÁNG ĐÈN”.
Minh lấy tên chung cho tập truyện ngắn đầu tay của mình là “GIA TÀI TUỔI HAI MƯƠI”. Một gia tài văn chương gồm 20 truyện ngắn của một chàng trai vừa tạm biệt cái tuổi 20 tuyệt đẹp không lâu. Theo cảm nhận của tôi, con người ta khi bước vào tuổi trưởng thành, nghĩa là phải bước chân ra ngoài xã hội để làm việc, cống hiến cũng như thể hiện khả năng của mình. Để có được những điều đó phải chăng ta cũng cần tích cóp một “gia tài” thật vững vàng làm hành trang vào đời. Mỗi người chúng ta đều cần một “gia tài” như vậy. “Gia tài” đó không phải là tiền bạc của cải vật chất, mà là vốn sống, sự trải nghiệm, là bản lĩnh để người trẻ vượt qua những cám dỗ từ xã hội và cũng có khi “gia tài” lại đơn giản chỉ là những giọt nước mắt để ta thấy mình thêm mạnh mẽ hơn.
“Gia tài” thật giản dị: chỉ cần là sự yêu thương chăm sóc của gia đình, bạn bè, cô thầy và tất cả mọi người…
Vâng, cảm ơn em đã san sẻ cho tôi một chút trong phần “gia tài” bé xinh của mình. Tôi cũng như em, cũng có một “gia tài” và đang ấp ủ làm giàu thêm cho nó. Mỗi chúng ta ai cũng đều có một “gia tài” nếu biết chắt chiu từ những gì nhỏ nhất. “Gia tài” cho tôi, “gia tài” cho em và “gia tài” cho bạn!
Sài Gòn, 8.12.09
Nguồn:
http://hoingova....0u-quang-minh/Các bạn yêu thích văn chương muốn giao lưu, kết bạn và quan tâm đến cây bút trẻ tài năng Lưu Quang Minh hãy nhanh chân đăng ký làm thành viên của Diễn đàn. Click vào link sau:
wWw.LuuQuangMinh.Com