Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Vanachi

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Thế kỉ X, văn học viết bằng chữ Hán của người Việt chính thức ra đời. Đến cuối thế kỉ XIII, chữ Nôm bắt đầu được dùng để làm thơ, viết phú. Phú là thể loại “bán thi bán văn”, khi chưa có văn xuôi tiếng Việt thì phú là thể loại có thế mạnh đặc biệt để mở rộng dung lượng câu văn và đưa chất liệu đời sống vào văn học.
1.2. Phú Nôm kết tinh nhiều tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên, thành tựu nghiên cứu về phú ở nước ta nói chung, phú Nôm nói riêng chưa nhiều. Ngôn ngữ nghệ thuật của phú Nôm chưa được coi là đối tượng nghiên cứu trực diện.
  Từ ngữ Việt và Hán Việt trong thể loại phú Nôm góp phần bổ khuyết cho khoảng trống ấy. Thông qua việc khảo sát số lượng, cách dùng từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt, luận văn góp thêm cứ liệu làm rõ đóng góp của phú Nôm cho tiếng Việt văn học và văn học tiếng Việt.
1.3. Đối với việc giảng dạy văn học trong nhà trường, đề tài giúp học sinh hiểu thêm vẻ đẹp tư tưởng và thẩm mĩ kết tinh trong một thể loại có địa vị rất quan trọng trong di sản văn học dân tộc.
2- Lịch sử vấn đề:
2.1. Dưới thời phong kiến:
Dưới thời phong kiến, do vai trò của văn học tiếng Việt và tiếng Việt văn học chưa được coi trọng đúng mức nên những thành quả nghiên cứu về phú Nôm hầu như chưa có gì đáng kể.
2.2. Từ đầu thế kỉ XX đến nay:
Trước Cách mạng tháng Tám, các sách Việt Hán văn khảo (Phan Kế Bính), Quốc văn cụ thể (Bùi Kỷ), Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm) thường chỉ nêu những nét đại cương nhất về đặc điểm bút pháp, thể cách của phú.
 Sau Cách mạng tháng Tám, trong các bộ giáo trình đại học, phú
chưa được trình bày theo hệ thống thể loại xuyên suốt văn học trung đại Việt Nam. ở mảng nghiên cứu tác phẩm, tác giả, đáng chú ý là các bài viết của Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Tuấn Vũ,.. .
Khảo luận về thể loại phú, các tác giả sách Phú Việt Nam cổ và kim đã điểm qua lịch sử phát triển, nhận xét chung về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của phú và văn tế Việt Nam nói chung.
Trong “Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại” (1965), Bùi Văn Nguyên thiên về giới thiệu thể cách tổ chức ngôn từ, bố cục của thể phú. Trong các công trình của mình, Phan Sĩ Tấn và Nguyễn Sĩ Cẩn thiên về đề xuất những biện pháp giảng dạy sao cho phù hợp với thể loại.
Dù hướng về các trọng tâm nghiên cứu khác nhau, nhìn chung, các nhà nghiên cứu Việt Nam rất đề cao giá trị phú Nôm, nhất là giá trị ngôn ngữ và yếu tố hiện thực.
Căn cứ vào những gì đã được công bố, chúng tôi thấy thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ nghệ thuật của phú Nôm còn đang ở cấp độ khái quát. Tuy ý kiến có điểm đồng quy nhưng chưa có một công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu trực tiếp, toàn diện.
3- Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu:
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là từ ngữ Việt và Hán Việt trong thể loại phú Nôm. Chúng tôi dùng tên gọi “phú Nôm” để chỉ các tác phẩm tiếng Việt viết theo thể phú, ghi bằng chữ Nôm, thuộc phạm trù thi pháp văn học trung đại.
3.2. Tuy nhiên, trong luận văn này chúng tôi không nghiên cứu toàn bộ từ ngữ Việt và Hán Việt trong các tác phẩm phú Nôm mà chỉ đi sâu nghiên cứu các lớp từ ngữ có màu sắc biểu cảm rõ rệt nhất trong trong hai thành phần từ ngữ nói trên.
Bằng việc thống kê các loại từ ngữ Việt và Hán Việt tiêu biểu, chúng tôi nhận xét về quy mô, số lượng, tỉ lệ, cách dùng hai thành phần từ ngữ ở từng mảng đề tài qua từng giai đoạn phát triển, và rút ra ý nghĩa của việc tăng cường vai trò từ ngữ Việt trong ngôn ngữ thể loại.
3.3.  Về văn bản: Chúng tôi chọn cả 30 bài có tên tác giả trong sách Phú Việt Nam cổ và kim và 15 bài có tên tác giả từ các tuyển tập, hợp tuyển (Văn đàn bảo giám, Hợp tuyển thơ văn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII, Thơ văn Lý-Trần, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX, Hợp tuyển văn học Việt Nam 1920-1945,...) và sắp xếp vào các giai đoạn phù hợp. Cụ thể:
- Thế kỉ X - thế kỉ XIV: 4 bài
- Thế kỉ XV – thế kỉ XVII: 4 bài
- Thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX: 19 bài
- Nửa cuối thế kỉ XIX: 11 bài
- Giai đoạn giao thời (khoảng ba thập niên đầu thế kỉ XX): 7 bài
Trong từng giai đoạn, chúng tôi sắp xếp tác phẩm dựa vào hai tiêu chí: đề tài và niên kỉ của tác giả (Xem Bảng 0 trong luận văn)
4- Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp thống kê, phân loại và so sánh
Trên cơ sở giới thuyết về từ ngữ Việt và Hán Việt, chúng tôi tiến hành thống kê là số lần từ ngữ xuất hiện trong các tác phẩm, so sánh số lượng cũng như cách dùng của từng thành phần từ ngữ trong các bài phú Nôm, rút ra quy luật vận động của ngôn ngữ thể loại.
4.2. Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Phương pháp này được sử dụng để phân tích giá trị của hai thành phần ngôn ngữ, với ý nghĩa là phương tiện thể hiện hệ thống hình tượng tác phẩm.
4.3. Ngoài các phương pháp trên, luận văn còn sử dụng một số phương pháp bổ trợ như phương pháp lịch sử, phương pháp hệ thống,…
5. Cấu trúc của luận văn:
5.1. Chính văn: Ngoài phần mở đầu (10 tr.) và kết luận (3 tr.),  nội
dung luận văn được tổ chức thành 3 chương
    Chương 1: Thành phần từ ngữ Việt trong thể loại phú Nôm (21 tr.)
    Chương 2: Thành phần từ ngữ Hán Việt trong thể loại phú Nôm (21 tr.)
    Chương 3: Sự kết hợp hai thành phần từ ngữ và ý nghĩa của việc tăng cường vai trò từ ngữ Việt trong phú Nôm qua các giai đoạn phát triển (24 tr).
5.2. Phụ lục:
- Phụ lục 1: gồm 45 bảng liệt kê các đơn vị từ ngữ Việt và Hán Việt cho 45 bài phú.
- Phụ lục 2: Hệ thống từ láy
- Phụ lục 3: Hệ thống thành ngữ, tục ngữ Việt
- Phụ lục 4: Hệ thống ngữ Hán Việt nguyên dạng.

CHƯƠNG 1
Thành phần từ ngữ Việt trong thể loại phú NÔM

1.1. Khái niệm từ ngữ Việt và phạm vi khảo sát từ ngữ Việt của luận văn.
1.1.1. Khái niệm từ ngữ Việt:
- Chúng tôi quan niệm từ Việt bao gồm các “từ vốn có từ lâu đời làm thành vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt” và các từ tuy có nguồn gốc xa xưa là từ vay mượn nhưng đã được Việt hoá sâu sắc. Về cấu trúc, tiêu chí để nhận diện từ Việt là:
- Phần lớn từ đơn tiết và những từ ghép được tạo ra bằng phương thức ghép các từ đơn theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.
- Toàn bộ những từ láy
Về nghĩa, từ Việt là những từ bảo đảm tính thống nhất giữa hình ảnh âm thanh và khái niệm, thường trỏ những sự vật cụ thể. Đối với ngữ cảm người Việt thì từ Việt có thể “cấp cho ta những hình ảnh trực tiếp, quen thuộc, gần gũi và sinh động có màu sắc và có sức sống của hiện thực khách quan”.
- Ngoài từ Việt, từ vựng Việt còn bao gồm các ngữ cố định- quán ngữ và thành ngữ.
Tuy nhiên, trên bình diện nghiên cứu văn học, khái niệm ngữ Việt còn bao gồm cả các tổ hợp từ hình thành do sự láy lại, ám chỉ, gợi liên tưởng đến các mô típ, hình ảnh trong văn chương dân gian hoặc bác học và các câu tục ngữ được dẫn dụng vào tác phẩm.
1.1.2 Các loại từ ngữ Việt giàu màu sắc biểu cảm là đối tượng khảo sát chính của luận văn:
Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu khảo sát các đơn vị từ ngữ Việt có màu sắc biểu cảm rõ rệt. Cụ thể, dựa vào những chỉ dẫn của bộ môn phong cách học tiếng Việt và qua thực tế khảo sát văn bản phú Nôm, chúng tôi thấy các loại từ ngữ Việt sau đây mang màu sắc biểu cảm rõ nhất và được sử dụng một cách có hệ thống trong phú Nôm:
- Các từ láy.
- Các quán ngữ khẩu ngữ và thành ngữ.
- Các câu tục ngữ
 1.2. Số lượng, mức độ sử dụng từ ngữ Việt.
1.2.1. Thống kê.
Chúng tôi tiến hành thống kê số lần sử dụng từ láy, quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ và tỉ lệ phần trăm giữa số lần sử dụng với tổng số câu trong từng bài phú và thống kê chung cho cả 45 bài ( Xem Bảng 1 luận văn).
1.2.2. Nhận xét mức độ sử dụng từ ngữ Việt trong phú Nôm qua các giai đoạn văn học
1.2.2.1. Thế kỉ X- thế kỉ XIV:
Số lượng từ láy dao động từ 10 đến 20 từ/ tác phẩm. Chiếm tỉ lệ cao nhất là Vịnh Hoa Yên tự phú (18 từ/ 40 câu). Ngược lại, quán ngữ khẩu ngữ, thành ngữ lại được sử dụng nhiều trong hai tác phẩm thiên về triết lí, nghị luận, giáo huấn là Cư trần lạc đạo phú và Giáo tử phú.
1.2.2.2. Thế kỉ XV- thế kỉ XVII:
Tác phẩm hay nhất và cũng giữ kỉ lục về số lượng từ láy, quán ngữ và thành ngữ là Tịch cư ninh thể phú (94 đơn vị / 67 liên câu). Kiểu loại và vai trò ngữ pháp của từ láy trong câu đa dạng hơn hẳn giai đoạn trước. Ngược lại, Cung trung bảo huấn phú, một bài phú thuyết giảng đạo lí quan phương, có tỉ lệ sử dụng từ láy thấp nhất (8 đơn vị/ 25 liên câu).
1.2.2.3. Thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX:
Các tác phẩm sử dụng nhiều từ láy là Tài tử đa cùng phú (27 từ/ 22 liên câu); Hàn nho phong vị phú (24 từ/ 35 liên câu); Thế tục phú (45 từ/ 58 liên câu), Tụng Tây Hồ phú (49 từ/ 86 liên câu). Giai đoạn này từ láy xuất hiện cân đối cả ba dạng láy phụ âm đầu, láy vần và láy tiếng.
Thế tục phú sử dụng quán ngữ khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ nhiều nhất (60 đơn vị/ 58 liên câu). Kế đến là Hàn nho phong vị phú, Tần cung nữ oán Bái Công văn và Chiến tụng Tây Hồ phú. Hầu hết các tác phẩm này đều giàu chất luận lí-trữ tình, Nhìn chung, tỉ lệ sử dụng từ láy, quán ngữ, thành ngữ cao hơn hẳn các giai đoạn trước. Đặc biệt là tục ngữ.
1.2.2.4. Nửa cuối thế kỉ XIX.
Tỉ lệ sử dụng từ láy nhìn chung không cao (dưới 50% số câu) và nghệ thuật sử dụng từ láy không có những đột phá đáng kể. Về tỉ lệ sử dụng quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ, Bài phú ông đồ ngông (Nguyễn Khuyến) chiếm mức cao nhất (56 đơn vị/ 67 liên câu).
1.2.2.5. Giai đoạn giao thời.
Tỉ lệ sử dụng từ láy cao nhất là Hương Giang thu phiếm của Phan Bội Châu (25 từ/ 32 liên câu). Đây là tác phẩm tả cảnh- trữ tình.
Quán quân về số lượng thành ngữ, tục ngữ là Phú cải lương của Nguyễn Thượng Hiền (73 đơn vị/ 28 liên câu) và Tỉnh quốc dân phú của Phan Bội Châu (67 đơn vị/ 36 liên câu). Tục ngữ được sử dụng nhiều hơn hẳn các giai đoạn trước vì nó thích hợp với nội dung nói chuyện đời, hô hào đổi mới xã hội.
Nhìn chung, tổng số lượt dùng từ láy trong 45 bài phú là 721 lượt với 391 từ (phụ lục 2), tổng số lượt dùng quán ngữ khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ là 711 lượt với 557 đơn vị (phụ lục 3). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy:
i/ Từ láy xuất hiện với tần số cao ở các tác phẩm tả cảnh - trữ tình. Từ thế kỉ XVII trở về trước, từ láy tiếng xuất hiện nhiều (32 trường hợp láy nguyên tiếng và 16 trường hợp có biến đổi thanh điệu trên tổng số 142 từ láy được dùng). Càng về sau, từ láy càng đủ các dạng láy.
ii/ Càng về sau càng xuất hiện đầy đủ các dạng thành ngữ, tục ngữ. Chúng xuất hiện đậm đặc ở đề tài tỏ chí, thế sự. Điểm đặc sắc nhất là phú Nôm ba giai đoạn cuối sử dụng rất nhiều tục ngữ.
1.3. cách dùng các loại từ ngữ việt.
1.3.1. Cách dùng từ láy:
1.3.1.1- Từ láy tượng thanh, tượng hình- phương tiện hữu hiệu nhất trong thi pháp miêu tả.
 Các bài phú Nôm đặc sắc là minh chứng cho sự phong phú, sức mạnh và ma lực của từ láy. Bằng sự mẫn cảm đối với ngôn ngữ mẹ đẻ, các tác giả đã hào hứng xâu kết từ này với từ khác làm cho chúng lấp lánh, vang ngân lên, phô hết mọi sắc màu và giai điệu.
Huyền Quang là người thể hiện thi pháp miêu tả xuất sắc hơn cả trong các tác giả phú Nôm đời Trần. Nguyễn Giản Thanh, qua Phụng thành xuân sắc phú, cũng thành công lớn trong sử dụng từ láy để vẽ nên bức tranh thành Phụng. Hầu hết từ láy trong hai tác phẩm của hai tác giả này thường đứng sau danh từ, động từ, tính từ để đảm nhiệm vai trò vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ . Chúng thường được bố trí ở các tiết tấu điểm, làm tăng cảm xúc, nhạc tính câu văn.
So với Huyền Quang và Nguyễn Giản Thanh thì Nguyễn Hàng, với
Tịch cư ninh thể phú, thuần thục hơn trong cách đặt từ láy ở vị trí đầu câu. Biện pháp này làm cho câu văn tràn ngập âm hưởng và cảm xúc.
Đầu thế kỉ XIX, trong Tụng Tây Hồ phú, Nguyễn Huy Lượng sử dụng từ láy một cách xuất sắc cả trong miêu tả và trữ tình. Các từ láy được bố trí linh hoạt vào các vị trí then chốt làm cho lời văn dồi dào tính nhạc và giá trị biểu cảm.
Hệ thống từ láy tượng thanh, tượng hình không chỉ giàu khả năng miêu tả các không gian thiên nhiên, xã hội rộng lớn, hoành tráng mà còn khắc hoạ rất ấn tượng không gian sinh hoạt đời tư. Hàn nho phong vị phú, Tài tử đa cùng phú có những nét vẽ sắc sảo về cảnh khó ngặt của kẻ sĩ thuở hàn vi.
Nguyễn Bá Lân, ở Ngã Ba Hạc phú, đã lựa chọn chất giọng hài hước, hóm hỉnh thông qua các biểu tượng đa nghĩa được vẽ lên bằng hàng loạt từ láy. Đến Xem cờ để mãnh, Nguyễn Hổ Trừu đã dùng nhiều từ láy trực tiếp miêu tả “vùng tối mật” của phái đẹp, qua cái nhìn tinh quái của mấy cậu học trò, tạo ra một tràng cười khá đáo để.
Tóm lại, phú là thể loại có ưu thế lớn về miêu tả. Từ láy tượng hình, tượng thanh được các phú tác gia sử dụng rất thành công.
1.3.1.2. Từ láy biểu thái- một phương tiện đắc lực trong thi pháp trữ tình:
Thông qua tả cảnh, vịnh vật, phú bao giờ cũng hướng đến diễn tả nỗi lòng. Một trong những phương tiện ngôn ngữ đắc lực để diễn tả nỗi lòng chính là các từ láy biểu thái:
 Cư trần lạc đạo phú tuy dày đặc từ cổ, thuật ngữ và điển cố Phật giáo nhưng đã điểm xuyết đúng chỗ một số từ láy biểu thái làm cho lời văn mềm mại, ý tứ trở nên dễ tiếp nhận hơn. Đến Vịnh Hoa Yên tự phú, các từ láy tượng hình, biểu thái được sử dụng khá nhuần nhuyễn, gợi cảm.
Với Nguyễn Hàng, trạng thái “tịch cư ninh thể” được thể hiện một cách độc đáo qua hàng loạt từ láy biểu thái, khi thì thuận theo trật tự ngữ pháp, khi thì phối hợp cả trật tự thuận và đảo, gồm đủ cả các loại láy đôi, láy tư. Sử dụng nhiều từ láy có thanh điệu cao, giọng tự trào của ông thật phơi phới, an nhiên, thích thảng, tự hào!
Từ đó về sau, chất bình dị, trào lộng và bút pháp tả thực hầu như có mặt khắp các bài phú Nôm được tán tụng nhất, như Hàn nho phong vị phú, Tài tử đa cùng phú, Bài phú ông đồ ngông,Thầy đồ đi trọ…
Nhìn chung, lớp từ láy có vai trò nổi bật trong lời văn phú, cả trong miêu tả và trữ tình. Khai thác thế mạnh của từ láy, các tác giả phú Nôm đã thể hiện sự tinh tế, mẫn cảm trong nghệ thuật sử dụng tiếng Việt.
1.3.2. Cách dùng quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ:
1.3.2.1. Khởi đầu bằng việc khai thác giá trị miêu tả do tính chất bóng bẩy, giàu hình ảnh, nhịp điệu của thành ngữ và các kết cấu ngôn từ gần gũi với thành ngữ…
Phú Nôm đời Trần ít sử dụng thành ngữ. Giai đoạn kế đó, tỉ lệ cũng không cao, mỗi tác phẩm chỉ gồm từ 2 đến 9 thành ngữ, chưa sử dụng tục ngữ. Các thành ngữ chủ yếu mang màu sắc văn chương, bóng bẩy. Với chất liệu ấy, các tác giả đã vẽ lên được một không gian thiên nhiên, xã hội nhiều dáng vẻ nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở ý nghĩa biểu trưng.
1.3.2.2. …Đến huy động sức mạnh tổng hợp của quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ cả trong miêu tả, tự sự, trữ tình, nghị luận.
Từ thế kỉ XVIII về sau, thành ngữ, tục ngữ trở thành một thứ vật liệu độc đáo để kiến tạo ngôi nhà nghệ thuật bề thế. Đặc biệt, Thế tục phú (Trần Văn Nghĩa) gồm 58 liên câu sử dụng 59 quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ. Tác giả dùng thành ngữ, tục ngữ làm chỗ dựa đầy thuyết phục để đưa ra những nhận xét về thế đạo nhân tâm.
Phú cải lương (Nguyễn Thượng Hiền), viết đầu thế kỉ XX, có thể coi là cuộc tổng động viên đội quân thành ngữ, tục ngữ, nhất là tục ngữ. Tinh thần Duy tân, nội dung Duy tân được Nguyễn Thượng Hiền thể hiện một cách thuyết phục bằng thành ngữ, tục ngữ.
Nhìn một cách tổng quát có thể thấy diễn biến của quá trình sử dụng quán ngữ, thành ngữ và tục ngữ trong phú Nôm như sau:
i/ Quán ngữ khẩu ngữ xuất hiện nhiều ở đề tài đời tư, thế sự nhằm tạo ra lời văn gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Thành ngữ xuất hiện ở hầu hết các đề tài. Tục ngữ đắc dụng trong đề tài thế sự, giáo huấn.
ii/ Hai giai đoạn đầu, phú Nôm chủ yếu sử dụng loại thành ngữ 4 tiếng, trong đó đại đa số là thành ngữ mang phong cách gọt giũa. Ba giai đoạn sau trong đề tài thế sự, sử dụng rất nhiều thành ngữ khẩu ngữ. So với thơ Nôm, phú Nôm chiếm ưu thế tuyệt đối về mức độ sử dụng tục ngữ.
1.4. Tiểu kết:
Trong phú Nôm, từ ngữ Việt đóng vai trò chủ đạo. Từ láy có thế mạnh trong miêu tả và trữ tình; quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ vừa tạo ra được ngữ điệu mộc mạc, gợi cảm xúc, gợi liên tưởng, tăng cường chất nghị luận- triết lí, vừa làm tăng nhạc tính câu văn. Đặc biệt, phú Nôm sử dụng tục ngữ nhiều hơn hẳn so với các thể loại khác. Sử dụng thành công các lớp từ ngữ Việt chứng tỏ phú Nôm không chỉ phát huy giá trị tạo hình gợi cảm và giàu nhạc tính trong ngôn ngữ dân tộc mà còn vận dụng, phát huy cả thị hiếu thẩm mĩ, chuẩn đánh giá và triết lí dân gian.

Chương 2:
Thành phần từ ngữ Hán Việt trong thể loại phú Nôm

2.1. Khái niệm từ ngữ Hán Việt và phạm vi khảo sát từ ngữ Hán Việt của luận văn.
2.1.1. Khái niệm “Từ ngữ Hán Việt”
- Trong kho từ vựng tiếng Việt trung đại, ngoài thành phần từ ngữ bản địa, còn có thành phần từ ngữ vay mượn từ tiếng Hán, gọi là từ gốc Hán. Từ gốc Hán trong tiếng Việt được phân ra thành ba bộ phận: từ tiền Hán Viêt, từ Hán Việt và từ Hán Việt Việt hoá. Chúng tôi theo quan niệm cho rằng từ tiền Hán Việt và Hán Việt Việt hoá là từ Việt vì tính chất Việt hoá sâu của chúng trên cả bốn phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và phong cách. Tính chất ngoại lai thể hiện tập trung trong lớp từ Hán Việt. Từ Hán Việt là lớp từ có nguồn gốc từ tiếng Hán, về cơ bản được đọc theo âm Hán trung cổ, chủ yếu là âm đời Đường, được nhập vào kho từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của những quy luật ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp tiếng Việt ở một mức độ nhất định.
Từ Hán Việt xuất hiện trong văn bản Nôm luôn lập thành một lớp từ riêng, đối lập về mặt biểu cảm với từ Việt. Từ Việt sinh động, cụ thể, gần gũi, dễ hiểu, mộc mạc, ngược lại, từ “Hán Việt hình như có vẻ im lìm, trừu tượng, phần nào xa xôi khó hiểu hơn từ thuần Việt, sang hơn, có âm hưởng hơn, nghe kêu hơn”. Chỗ khác nhau đó chính là giá trị phong cách mà lớp từ Hán Việt đem lại cho tiếng Việt.
- Ngữ cố định, tổ hợp từ cố định, là đơn vị từ vựng, bao gồm quán ngữ và thành ngữ. Tuy nhiên, như đã nói ở chương một, đứng trên bình diện nghiên cứu văn học, khái niệm ngữ Hán Việt còn bao gồm cả các cụm từ tuy tính chất cố định không cao, gồm những từ ngữ đúc kết những câu chuyện, những môtip, ý tứ được rút từ sách vở, thơ văn Trung Quốc, thường xuyên được đưa vào tác phẩm văn học. Chúng là những thi văn liệu.
- Nói chung, chúng tôi quy ước sử dụng khái niệm từ ngữ Hán Việt để chỉ các từ, các thành ngữ, tục ngữ Hán Việt và cả các thi văn liệu gốc Hán, vì trong thực tế, khi xuất hiện trong tác phẩm chữ Nôm nhiều thi văn liệu  được hoán cải về hình thức, đại đa số không còn nguyên hình thức ngữ Hán Việt.
2.1.2. Từ ngữ Hán Việt được khảo sát chủ yếu là các đơn vị có màu sắc biểu cảm nổi bật.
 Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu khảo sát các đơn vị từ ngữ Hán Việt có màu sắc biểu cảm rõ rệt. Cụ thể, dựa vào những tiêu chí phong cách học và qua thực tế khảo sát văn bản phú Nôm, chúng tôi thấy
các loại từ ngữ Hán Việt sau đây mang màu sắc biểu cảm rõ nhất và được sử dụng một cách có hệ thống trong phú Nôm:
- Các từ Hán Việt đa tiết, các thuật ngữ chỉ các khái niệm văn hoá, học thuật, triết lí rút từ kinh sử tử tập Trung Hoa.
- Các ngữ gốc Hán (bao gồm các thành ngữ, tục ngữ Hán Việt, và thi văn liệu gốc Hán.
2.2.  Số lượng, mức độ sử dụng từ ngữ Hán Việt.
2.2.1. Thống kê:
Chúng tôi tiến hành thống kê số lần sử dụng từ Hán Việt, ngữ gốc Hán và tính tỉ lệ phần trăm giữa số lần sử dụng với tổng số câu trong từng bài phú và thống kê chung cho cả 45 bài (Bảng 2 luận văn).
2.2.2. Nhận xét mức độ sử dụng từ ngữ Hán Việt trong phú Nôm qua các giai đoạn văn học.
2.2.2.1. Thế kỉ X - thế kỉ XIV
Phú Nôm đời Trần có nội dung đồng quy về tư tưởng Phật. Nội dung ấy một phần lớn được chuyển tải qua hệ thống từ ngữ Hán Việt, phần lớn là các thuật ngữ, điển cố Phật giáo. Nhiều từ trong Cư trần lạc đạo phú là những từ Hán thuần tuý. Qua Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Giáo tử phú đến Vịnh Hoa Yên tự phú tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt chỉ còn khoảng phân nửa.
2.2.2.2. Thế kỉ XV- thế kỉ XVII
 Hai tác phẩm có tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt cao nhất giai đoạn là hai tác phẩm có tính chất quan phương- Cung trung bảo huấn phú (240%) và Đại đồng phong cảnh phú (211,1%). Ngược lại, ở hai tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhất giai đoạn tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt ít hơn hẳn: Phụng thành xuân sắc (tỉ lệ 107,4%) và Tịch cư ninh thể phú (tỉ lệ 79,1%). Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Hàng xứng đáng là những người sánh vai với đại thụ thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm.
2.2.2.3. Thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX.
Đề tài phú Nôm mở rộng đáng kể. Nhìn chung, các tác phẩm có tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt từ 200% trở lên đều là các tác phẩm thuộc đề tài tả cảnh- tỏ chí hoặc thuần tuý tỏ chí.
Đáng ghi nhận nhất là sự cố gắng của hai tác giả Lê Quýnh và Nguyễn Công Trứ. Bắc sở tự tình phú (81,8%) và Hàn nho phong vị phú (117,1%) là hai tác phẩm sử dụng từ ngữ gốc Hán rất nghệ thuật, lời văn thật sự dung dị, uyển chuyển, dễ đi vào lòng người.
2.2.2.4. Nửa cuối thế kỉ XIX.
Chiếm tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt cao nhất vẫn là các tác phẩm thuộc đề tài tỏ chí và đề tài lịch sử dân tộc. Phú trào phúng sử dụng các từ ngữ Hán Việt theo lối nhại. Nhìn chung tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt thấp hơn hẳn giai đoạn trước.
2.2.2.5. Giai đoạn giao thời.
Tỉ lệ sử dụng từ ngữ Hán Việt cao nhất là các tác phẩm kêu gọi Duy tân nhưng vẫn thấp nhiều so với các giai đoạn trước. Phần lớn là từ Hán Việt quen thuộc với độc giả ngày nay, trong  đó có nhiều từ mới xuất hiện trong tân thư Trung Quốc.
Nhìn chung, cả 45 bài phú có 2126 lượt dùng từ Hán Việt với khoảng 1600 từ và 695 lượt dùng ngữ gốc Hán, trong đó có 131 đơn vị giữ nguyên hình thức Hán Việt. Qua năm giai đoạn phát triển phú Nôm: chúng tôi thấy:
i/ Từ thuần Hán ngày càng giảm dần. Từ Hán Việt song tiết chiếm tỉ lệ cao, phần lớn còn hiện diện trong các bộ từ điển tiếng Việt hiện đại. Các ngữ gốc Hán càng về sau càng được Việt hoá, ít sử dụng nguyên dạng.
ii/ Đề tài tả cảnh- tỏ chí, đề tài lịch sử dân tộc là các đề tài sử dụng từ ngữ Hán Việt nhiều nhất.
iii/  Càng về sau, các tác giả càng có ý thức khai thác giá trị tu từ của từ ngữ Hán Việt. ở đề tài thế sự, họ đã hoán cải sắc thái thẩm mĩ, cấp
cho từ ngữ Hán Việt  sắc thái trào lộng, trào phúng rất độc đáo.
2.3. cách dùng từ ngữ hán việt.
2.3.1. Cách dùng từ, thuật ngữ Hán Việt:
2.3.1.1. Từ một phương tiện biểu đạt đắc lực phong cách khoa trương, trang trọng….
Buổi đầu, phú Nôm dùng nhiều từ Hán. Có lẽ vì thời Lí Trần, người Việt tiếp nhận giáo lí Thích Ca chủ yếu thông qua kinh bổn viết bằng chữ Hán nên từ ngữ Hán đi thẳng từ kinh bổn sang văn chương.
Từ thế kỉ XVI- XVII, từ Hán Việt thể hiện các khái niệm trong học thuyết Nho giáo chiếm tỉ lệ lớn- nhất là Cung trung bảo huấn. Đến Tịch cư ninh thể phú, nhiều từ được Việt hoá bằng cách đặt yếu tố Hán Việt (danh từ) sau các danh từ chỉ loại thuần Việt, theo ngữ pháp Việt.
Giai đoạn thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX xuất hiện loại hình tác giả nhà Nho tài tử. Một trong những đề tài được các tác giả quan tâm hàng đầu là tỏ chí. Các tác phẩm của Nguyễn Hữu Chỉnh, Đặng Trần Thường ngồn ngộn từ và điển cố Hán Việt nhưng giá trị biểu cảm không cao. Nằm trong xu hướng bộc lộ tâm chí, bài Bắc sở tự tình phú của Lê Quýnh có giọng điệu rất bi thiết, từ Hán Việt được dùng rất đắc địa.
2.3.1.2. …Đến bước quá độ sang địa hạt trào lộng, khôi hài.
Có thể coi Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân thực sự mở đầu cho cảm hứng trào lộng trong phú Nôm. Nguyễn Bá Lân sử dụng các từ Hán Việt trừu tượng bên cạnh các từ Việt cụ thể nhằm tạo ra biểu tượng hai mặt, mập mờ giữa thanh và tục.
Nguyễn Công Trứ lôi tuột từ Hán Việt vào ngôn cảnh khôi hài. Chất khôi hài bật ra là do có sự tương phản giữa những từ Hán Việt trang trọng với các từ Việt nôm na. Đến Cao Bá Quát, khí hạo nhiên mạnh mẽ của chàng trai trẻ nương theo các từ Hán Việt mà vùng vẫy. Nhưng cũng không hiếm khi các sự vật được gọi tên bằng từ Hán Việt trang trọng lại là những cái mà tác giả ác cảm.
Đặc sắc nhất, có lẽ là cách dùng từ Hán Việt của Nguyễn Khuyến
trong Bài phú ông đồ ngông. ông đem các hư từ Hán (giả, dã, chi, hồ) đặt trong thế đối chọi với với các từ địa phương Việt (mô, tê, răng, rứa). Nhiều từ ngữ quen dùng trong chốn trường quy bị ông đem ra lỡm.
Tóm lại, từ Hán Việt trong phú Nôm được dùng để chuyển tải các khái niệm chính luận, lịch sử, triết học Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo trong dòng suy tư, luận lí của nhân vật trữ tình hoặc để tạo ra không gian vũ trụ kì vĩ, không gian xã hội hoành tráng, đường bệ nhưng tần số sử dụng ngày càng giảm dần. Bên cạnh cách dùng từ Hán Việt nhằm tạo ra sắc thái uyên bác, trang trọng, điển nhã, phú Nôm còn đưa từ Hán Việt vào các ngôn cảnh khôi hài.
2.3.2. Cách dùng ngữ gốc Hán.
2.3.2.1. Từ chỗ thuận theo xu hướng từ chương, bác nhã, nặng về chức năng nhận thức….
Phú Nôm Trần Nhân Tông sử dụng dày đặc các điển cố Phật giáo. Nhìn chung, không thuộc lòng kinh điển Phật giáo khó lòng hiểu được ý nghĩa của chúng. Tính gợi cảm, do đó, chưa được thể hiện thật rõ. Đến Vịnh Hoa Yên tự phú, một số điển cố đã có tính chất gợi cảm.
Phú Nôm thế kỉ XVI- XVII đã tiến một bước dài trên đường hướng tinh giảm điển cố, trừ Cung trung bảo huấn của Bùi Vịnh. Phụng thành xuân sắc phú tuy là một bài phú khoa cử nhưng chỉ dùng năm điển cố. ở Tịch cư ninh thể phú, Nguyễn Hàng sử dụng các điển cố nhân danh theo cách Việt hoá, thân mật hoá.
Thế kỉ XVIII- đầu thế kỉ XIX, trong nhiều bài phú Nôm tỏ chí, các điển sử đóng vai trò chính trong việc xây dựng luận đề tác phẩm. Tiêu biểu nhất là Trương Lưu hầu phú của Nguyễn Hữu Chỉnh.
Trong các bài phú viết về cảnh sắc Việt Nam, điển cố nhân danh, địa danh Trung Quốc hoà quyện chặt chẽ với nhân danh, địa danh Việt.
2.3.2.2. …Đến chỗ phát huy chức năng biểu cảm, kể cả sự nắn dòng, nhại giọng, giải quy phạm, giải thiêng.
Nét độc đáo nhất là khi dùng các điển cố nhiều tác giả phú Nôm đã khai thác sắc thái thông tục, khôi hài. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Công Trứ, Ngô Điền, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,…
Nguyễn Bá Lân, trong Ngã Ba Hạc phú, dùng điển cố theo lối mập mờ thanh tục. Ngô Điền, trong Phú thuốc phiện, dùng nhiều ngữ Hán Việt mang màu sắc mĩ hoá với dụng ý khai thác độ vênh giữa hai lớp ý nghĩa trong các đơn vị ấy để chế giễu sâu cay đối tượng nhằm khuyến cáo mọi người tránh xa “nàng tiên nâu”.
Sắc thái trào lộng đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương thật sự đậm đặc, chuyển hoá về chất, mở đầu dòng thơ văn trào phúng Việt Nam.
2.4. Tiểu kết:
Miêu tả, trữ tình trong phú luôn đi liền với triết lí, nghị luận, cả hai đều không ngại khoa trương, cường điệu. Tỉ lệ sử dụng từ, khái niệm, điển cố Hán Việt trong phú Nôm nằm trong cơ chế nghệ thuật ấy. Qua thực tế sáng tác, tác gia phú Nôm đã góp phần sàng lọc ra một số lượng khá lớn những từ ngữ Hán Việt có tác dụng bổ sung, mở rộng bầu sinh quyển cho văn chương dân tộc.
Nhìn chung, trong phú Nôm, điển cố kinh, sử nhiều hơn các điển cố văn chương. Phần lớn điển cố đã được Việt hoá. ở nhiều trường hợp, điển cố được dùng với sắc thái trào lộng, trào phúng, càng về sau càng rõ, chứng tỏ các phú tác gia thật sự là những người làu thông kinh sử nhưng cũng là những trí thức biết hoán cải tính năng của những chất liệu vay mượn.

Chương 3
Sự kết hợp hai thành phần từ ngữ và ý nghĩa của việc tăng cường vai trò từ ngữ Việt trong phú Nôm qua các giai đoạn phát triển
3.1. Sự kết hợp màu sắc phong cách của hai thành phần từ ngữ
3.1.1. Từ một yêu cầu có tính quy luật của nghệ thuật ngôn từ ….
Thơ phú chủ yếu là nghệ thuật của rung động tâm hồn trên cơ sở ngôn từ có vần và nhịp điệu. Khác với thơ, phú có hai đặc điểm: miêu tả, tự sự thường chuộng khoa trương và trữ tình dưới hình thức nghị luận. Trong điều kiện, từ ngữ Việt giàu tính chất cụ thể, trực tiếp, cảm tính nhưng lại thiếu các từ ngữ mang nội dung khái quát, trừu tượng thì sự phối hợp màu sắc phong cách giữa từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt trong phú Nôm là nhu cầu có tính quy luật.
3.1.2- ….Đến sự kết hợp giá trị biểu cảm của hai thành phần từ ngữ trong câu văn phú Nôm.
So với phú chữ Hán, bên cạnh bút pháp trang trọng điển nhã, phú Nôm luôn hướng đến cuộc sống thực, cảm xúc thực và nhãn quan hài hước nên sự kết hợp giá trị biểu cảm của hai thành phần từ ngữ có ý nghĩa sống còn đối với thể loại. Khảo sát các giai đoạn, chúng tôi thấy câu văn phú Nôm ban đầu còn nhiều lủng củng, nặng nề càng về sau càng trơn tru, hoà điệu là một biểu hiện sinh động và đẹp đẽ của sự kết hợp giá trị biểu cảm của hai thành phần từ ngữ Việt và Hán Việt.
Nhìn chung, qua các giai đoạn, phú Nôm đã vận dụng hài hoà hệ thống từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của tiếng Việt văn học theo hướng dân tộc hoá, nhân dân hoá và thế tục hoá.
3.2. Sự kết hợp hai thành phần từ ngữ trong một số phương diện thi pháp phú nôm.
3.2.1. Không gian nghệ thuật trong phú Nôm.
Không gian nhàn tản, thoát tục- rừng núi tịch mịch, chiền vắng am thanh- được Trần Nhân Tông, Huyền Quang, đặc biệt là Nguyễn Hàng miêu tả rất gợi cảm, đượm mùi đạo nhưng cũng thấm vị đời.
Với thế mạnh riêng của mình, phú Nôm đã xây dựng thành công một toàn cảnh Thăng Long trải qua nhiều thế kỉ như sự chung đúc của giang sơn tú khí. Đọc Phụng Thành xuân sắc phú chúng ta như còn nghe vang vọng niềm tự hào, tin tưởng trong bài Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ. Đầu thế kỉ XIX, với Tụng Tây Hồ phú, Thăng Long không những là nơi địa linh, nhân kiệt, mà còn là một đô thành sầm uất, hoa lệ, phong lưu.
Cảnh sắc Đại Đồng, Ngã Ba Hạc, cố đô Hoa Lư, sông Hương cũng được vẽ nên bằng những nét tài hoa, sắc sảo trong phú Nguyễn Hàng, Nguyễn Bá Lân, Vũ Duy Thanh, Phan Bội Châu.
Nhìn chung, các tác giả phú Nôm đã dốc sở học của mình trong huy động từ ngữ Hán Việt  nhằm ca ngợi tính chất hùng vĩ, thiêng liêng của chốn đế kinh, danh thắng, đồng thời lại nhiệt hứng xâu kết những từ láy, những từ ngữ đời sống để khắc hoạ cụ thể, cảm tính, sống động vẻ dân dã, gần gũi và đáng yêu của cảnh sắc.    
Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân là một bước ngoặt trong nghệ thuật miêu tả ở phú Nôm. Thú vị do bài phú mang lại không phải chỉ vì tả đúng đặc điểm của cảnh mà mà chính là do sự lấp lửng của cách nhìn. Phương tiện biểu đạt cách nhìn “lấp lửng” ấy là các từ ngữ Việt cụ thể được đặt bên cạnh các từ Hán Việt nhoè nghĩa. Đó là cách cảm thụ thiên nhiên đậm đà hoài niệm phồn thực. Ngoài ra, phú Nôm cũng đặc biệt thành công trong xây dựng không gian sinh hoạt (Hàn nho phong vị phú và Tài tử đa cùng phú, Phú thuốc phiện).
Nhìn chung, phú Nôm có ưu thế trong việc xây dựng một không gian nghệ thuật đa dạng, tạo ấn tượng đậm nét nhất trong các thể loại thơ văn quốc âm. Về phương diện này, các từ láy, các thành ngữ có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, câu văn phú Nôm rất dồi dào các khái niệm, các ngữ Hán Việt và các thành ngữ, tục ngữ Việt để làm cho lời văn giàu chất trí tuệ, thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh.
3.2.2. Nhân vật trữ tình trong phú Nôm.
Nhân vật trữ tình trong phú Nôm nhìn một cách tổng thể luôn luôn xuất hiện trong tư thế một trí thức chuộng đạo lí, thích nghị luận, có tài quan sát thiên nhiên và đời sống chung quanh. Họ không hề tự tách mình ra khỏi môi trường sống. Họ luôn luôn muốn chan hoà, muốn kêu gọi, tìm tiếng nói chung với cuộc sống. Đó có thể là hình ảnh nhà sư ở giữa cuộc đời phồn hoa mà vẫn vui với đạo, phản ánh chủ trương thân dân và sự giản dị trong quan hệ giữa con người với con người đầu đời Trần, một thời đại đỉnh cao trong lịch sử dân tộc. Vịnh Hoa Yên tự phú thành công trong xây dựng hình tượng vị Thiền sư-thi sĩ giác ngộ sâu xa Phật pháp mà vẫn dào dạt tình đời.
Văn học thế kỉ XVI đột xuất lên hình tượng nhà Nho ẩn dật. Với họ, thiên nhiên là bầu bạn, chan hoà với thiên nhiên là lẽ sống, và triết lí về cuộc đời phần lớn được họ rút ra từ triết lí của tự nhiên. Tâm sự Nguyễn Hàng cũng nằm trong xu hướng tâm lí chung của tầng lớp nho sĩ ẩn dật bấy giờ nhưng vẫn có những nét riêng. Đó là thái độ an nhiên, là cách tự hào, thi vị hoá thú lâm tuyền, là khí vị trào lộng, là phong thái phóng túng, an dật. Với Tịch cư ninh thể phú, Nguyễn Hàng đã có một chiếu ngồi sang trọng trong lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, loại hình tác giả nhà Nho tài tử ra đời. Nhiều người lấy các nhân vật Bắc sử để kí ngụ tâm sự. Tiếp nối dư ba những mẫu hình anh hùng thời loạn, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát khai thác những trải nghiệm của bản thân mình để khẳng định một lập trường, một lí tưởng sống theo “khuôn hình một tài tử phong lưu”. Nhìn sang lĩnh vực Truyện thơ và Ngâm khúc cũng có tình hình tương tự.
Sau sự kiện 1858, đứng ở mũi nhọn cuộc đấu tranh dân tộc, bên cạnh các bài thơ, hịch, văn tế, còn có các tác phẩm phú Nôm. Bài phú Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất (Phạm Văn Nghị), Phú Trung Lễ thất hoả (Lê Trọng Đôn) thể hiện sâu sắc khuynh hướng trữ tình công dân. Càng tự hào với lịch sử vẻ vang của dân tộc, đau đớn trước cảnh điêu linh của đất nước, nhân dân các tác giả càng căm ghét, phỉ nhổ bọn quan tướng bất tài, tham sống sợ chết. Hành vi, tư thế thảm hại của bọn hèn nhát được nhà thơ vẽ lên bằng hàng loạt từ Việt giàu tính trực cảm, cụ thể, đặc biệt là lối dùng thành ngữ và nhại phương ngữ.
Ba thập niên cuối của thế kỉ XIX, Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai tác giả đáng chú ý. Nguyễn Khuyến cao khoa hiển hoạn nhưng luồng gió nghịch của thời đại đó sớm thổi ông về “vườn Bùi chốn cũ” và trở thành nhà thơ số một trong đề tài làng cảnh, dân tình. Con người cá nhân trong tác phẩm Nguyễn Khuyến đó vượt qua giới hạn con người đơn nhất. Ở mảng trào phúng nhà thơ để khách thể hoá mình để biến mình thành cái đáng cười. Trong đó, có Bài phú ông đồ ngọng. Trong bài phú, tác giả phối hợp từ ngữ Hán Việt, từ ngữ Việt rất tài tình làm bật lên sự trớ trêu của hoàn cảnh, thân phận.
Trong Hỏng thi phú và Thầy đồ đi trọ, thông qua sự cường điệu đến mức hú hoạ, Tú Xương chế nhạo cái nhếch nhác thảm hại của nhà nho thời mạt vận, chế giễu tính chất vô tích sự, ăn bám của các đức ông chồng trong chế độ gia trưởng phong kiến, chế giễu sự hèn kém của kẻ sĩ trong tư cách công dân, và tỏ rõ sự phản kháng của mình trước xã hội. Với cảm hứng ấy, phú Tú Xương hầu như thưa vắng các từ Hán Việt trang trọng, những điển cố uyên áo, ngược lại ông mở tung khuôn khổ để cho ngôn ngữ đời sống ùa vào trang văn.
Chế độ phong kiến suy thoái, các tệ nạn xã hội làm băng hoại nền tảng đạo đức cổ truyền là cơ sở xã hội cho sự ra đời hàng loạt các bài phú  thế tục: Phú thuốc phiện (Ngô Điền); Thế tục phú, Phú tổ tôm (Trần Văn Nghĩa), Lẳng lơ phú (Phan Văn ái), Phú cờ bạc ( Phạm Quang Sán), Phú tài bàn (Nguyễn Thiện Kế),…Các bài phú này gần với loại vè thế sự. Thái độ phủ nhận, phê phán những hành vi có hại đến thuần phong mĩ tục ở các tác phẩm này rất mạnh mẽ, quyết liệt. Hàng loạt khẩu ngữ dân gian, tiếng lóng được sử dụng để miêu tả chi li, sắc sảo các hiện tượng trái tai gai mắt. Đặc biệt là khi phê phán các tệ nạn ấy, các tác giả đều đứng trên lập trường đạo lí nhân dân. Đạo lí ấy nằm ngay trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân tộc.
Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền là những người được đào tạo
theo Nho học nhưng lại thẳng thừng bác bỏ những sản phẩm mạt kì của mẫu hình ấy để hô hào duy tân nhằm tự cường dân tộc.
Nhìn chung, dù xuất hiện gián tiếp hay trực tiếp, hình tượng nhân vật trữ tình trong phú Nôm luôn là một chân dung khá đậm nét, gồm đủ các mẫu hình nhân vật tiêu biểu trong từng giai đoạn phát triển của văn học trung đại Việt Nam. So với phú chữ Hán, họ đã có sự li tâm mạnh mẽ so với mẫu hình chính thống và chịu ảnh hưởng tư tưởng bình dân một cách sâu đậm . Đó là cơ sở cho lời ăn tiếng nói nhân dân ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong phú Nôm, kể cả việc hoán cải sắc thái thẩm mĩ đối với chất liệu ngữ văn Hán.
3.3. Ý nghĩa của Việc tăng cường vai trò từ ngữ Việt trong phú Nôm qua các giai đoạn phát triển.  
3.3.1. Vai trò ngày càng quan trọng của từ ngữ Việt trong phú Nôm biểu hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc, tiếng Việt văn học và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của văn học dân gian đối với văn học thành văn.
Tiếng Việt dồi dào từ láy âm. Thành ngữ, tục ngữ Việt là tập đại thành về kĩ thuật ngắt nhịp, phối thanh, hiệp vần và xây dựng biểu tượng ngôn từ hàm súc. Trong các thể loại văn chương trung đại, phú là thể loại có tiềm năng phát huy tối đa ưu điểm của tiếng Việt. Trong phú Nôm các lớp từ ngữ Việt ngày càng được sử dụng phổ biến, uyển chuyển, có nghệ thuật hơn cùng với quá trình Việt hoá cao độ từ ngữ gốc Hán là biểu hiện sinh động cho xu thế dân tộc hoá, nhân dân hoá trong quá trình trưởng thành của ngôn ngữ văn học dân tộc và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của văn học dân gian đối với văn học viết.
 3.3.2. Vai trò ngày càng quan trọng của từ ngữ Việt trong phú Nôm thể hiện xu hướng dân tộc hoá, nhân dân hoá, thế tục hoá thể loại và vấn đề tương quan giữa tính quy phạm và giải quy phạm trong
thi pháp văn học trung đại.
Phú Nôm càng về sau càng áp sát các vấn đề thế tục, khai thác, vận dụng có hiệu quả lời ăn tiếng nói nhân dân, nhất là tăng cường sắc thái trào lộng. Việc hoán cải sắc thái thẩm mĩ ở phú Nôm là một cống hiến lớn của các tác giả Việt Nam trên con đường dân tộc hoá, nhân dân hoá thể loại văn học vay mượn và là một biểu hiện sinh động cho cá tính sáng tạo Việt Nam. là sự li tâm dần khỏi quỹ đạo ‘ngôn chí”, góp phần làm rạn nứt quan niệm thẩm mĩ trung đại, góp phần xác lập một quan niệm mới.
3.4. tiểu kết:
Nhìn chung, qua các giai đoạn, phú Nôm đã vận dụng hài hoà hệ thống từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt, đã sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật đa dạng.
Phú Nôm đã để lại nhiều trang miêu tả có giá trị về kinh đô Thăng Long, và các vùng văn vật nổi tiếng khác của đất nước. Phú Nôm cũng thành công lớn trong miêu tả không gian miền núi, cảnh chiền vắng am thanh đến cảnh sinh hoạt bình dị của những người dân nghèo. Các bức tranh ấy nhiều lúc đã đạt đến tính điển hình.
Hầu như tất cả các kiểu nhân vật tiêu biểu trong văn học Việt Nam trung đại đều có mặt trong phú Nôm. Nếu như con người trong phú chữ Hán chủ yếu hướng vào bổn phận, nguyện vọng của mẫu hình nhà nho hành đạo thì con người trong phú Nôm đa dạng, không hề nhất phiến. Có thể nói phú Nôm là tập kí yếu ghi rõ sự vận động của đời sống tinh thần kẻ sĩ Việt Nam hơn bảy thế kỉ.
Trong phú Nôm, các lớp từ ngữ Việt ngày càng được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, cùng với quá trình Việt hoá cao độ các từ ngữ gốc Hán là những biểu hiện sinh động cho ảnh hưởng sâu rộng của văn học dân gian đối với văn học viết và xu thế dân tộc hoá, nhân dân hoá ngôn ngữ và thể loại văn học vay mượn.


KẾT LUẬN
1- Ra đời từ cuối thế kỉ XIII rồi phát triển xuyên suốt bảy thế kỉ còn lại của văn học trung đại Việt Nam, phú Nôm dần dần khẳng định vị trí của mình bằng sự mở rộng đề tài, chức năng và đa dạng về sắc thái thẩm mĩ, đã đóng góp cho văn học dân tộc Việt Nam những tác phẩm xuất sắc.
2- Dựa vào những tiêu chí phong cách học và qua thực tế khảo sát văn bản phú Nôm, chúng tôi thấy hướng vào chức năng xây dựng hình tượng nghệ thuật, các loại từ ngữ Việt được các tác giả sử dụng có hiệu quả nhất là các từ láy, các quán ngữ khẩu ngữ, đặc biệt là thành ngữ, tục ngữ . Thống kê tỉ lệ sử dụng và khảo sát cách dùng từ láy, quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ qua các giai đoạn phát triển thể loại chúng tôi nhận thấy:
Phú Nôm đã sử dụng một số lượng từ láy và thành ngữ, tục ngữ lớn so với các thể loại khác trong văn học chữ Nôm- với 391 từ láy, 557 thành ngữ, tục ngữ. Từ láy có thế mạnh trong tả cảnh- trữ tình. Quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ vừa tạo ra được ngữ điệu truyền cảm, sinh động của lời ăn tiếng nói nhân dân, vừa gợi liên tưởng làm cho lời văn hàm súc, giàu nhạc tính, lại nổi bật ý. Đặc biệt, không một thể loại văn chương quốc âm nào địch nổi phú Nôm trong việc sử dụng tục ngữ. Với việc sử dụng nhiều tục ngữ, phú Nôm không những học tập cách diễn đạt mà còn vận dụng chuẩn đánh giá và triết li dân gian. Chất liệu ấy góp phần tạo ra mạch luận lí, triết lí vừa chặt chẽ vừa dễ tiếp nhận đối với đông đảo quần chúng.
3- Từ ngữ Hán Việt trong phú Nôm được sử dụng với một số lượng tương đối lớn- khoảng 1600 từ Hán Việt và 131 ngữ Hán Việt nguyên dạng. Ngoài ra, còn có rất nhiều từ ngữ gốc Hán được Việt hoá. Thực tế đó phản ánh quá trình tiếp xúc ngôn ngữ-văn hoá lâu dài và chủ động của các thế hệ người Việt Nam đối với văn hoá Hán. Qua năm giai đoạn phát triển phú Nôm, chúng ta thấy ý thức của cha ông ta về giá trị tu từ và sự thiết yếu của từ ngữ Hán Việt ngày càng hoàn thiện. Trên lập trường dân tộc, họ biết cách sàng lọc ra các từ Hán Việt thực sự cần thiết nhằm bổ sung, mở rộng, làm giàu vốn từ tiếng Việt. Trong đó, đại đa số là các từ chỉ các khái niệm triết học, chính trị, văn hoá, văn học, từng bước nâng tiếng Việt từ phương tiện giao tiếp hằng ngày trở thành ngôn ngữ văn học tinh thục.
Tần số xuất hiện của các điển cố thiên về luận lí được rút ra từ kinh, sử, có phần áp đảo so các điển cố văn chương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình này có lẽ là do phú Nôm không viết về tình yêu đôi lứa. Nhìn chung, thưởng thức phú chúng ta bắt gặp cách sử dụng từ ngữ Hán Việt rất đa dạng, uyển chuyển. Đặc biệt, ngoài tác dụng đem lại sự hàm súc, trang trọng cho lời văn, ở nhiều trường hợp phú Nôm dùng từ Hán Việt, điển cố gốc Hán vào mục đích trào lộng, trào phúng, càng về sau càng đậm nét.
4- Hướng mạnh vào miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, đất nước và các vấn đề thế tục, phú Nôm đã để lại nhiều trang miêu tả có giá trị về kinh đô Thăng Long và các vùng văn vật khác của nước ta. Phú Nôm cũng thành công lớn trong miêu tả không gian miền núi, cảnh chiền vắng am thanh, cảnh sinh hoạt bình dị, chất phác của những người dân nơi thôn nghèo xóm vắng, và cả những “sự biến” trong phạm vi sinh hoạt thế tục hoặc các sự kiện lịch sử tác động trực tiếp đến vận mệnh cộng đồng. Các bức tranh ấy nhiều lúc đã đạt đến giá trị điển hình.
Phú Nôm là vỉa trầm tích, là hoá thạch của gương mặt tinh thần kẻ sĩ Việt Nam nhiều thế kỉ. ở đây hầu như có mặt đầy đủ các loại hình tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại. Phú Nôm đã vượt qua những định kiến ngặt nghèo của mĩ học trung đại, đã mở rộng các phạm trù thẩm mĩ bằng việc bổ sung cái hài- điều mà phú chữ Hán không thể làm được.
Tìm hiểu phú Nôm nói chung, từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt nói riêng là một mảnh đất còn khá rộng rãi, tuy vậy, trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi cũng chỉ mới thâm nhập phần nào. Rất mong được trở lại khi có điều kiện ./.

Người viết :   ĐINH HÀ TRIỀU

(Do: dinhhatrieu gửi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hic! Tên chủ đề bị gõ nhầm một chữ: "ngữ" thành "nghữ"! NT đã thử sửa nhưng nhận được thông báo lỗi vì bài quá dài, phải cắt bớt để chuyển sang post khác. Vậy nên, đành đợi chú Điệp thôi!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hôm qua em sửa cũng bị thế, rồi chả vào lại được nữa. Hic
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

em sửa rồi :p
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]