Ngày gửi: 14/06/2009 01:58 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyệt Thu vào 14/06/2009 02:43
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN Chương I: Khái quát về văn học giai đoạn 1932-1945 1. Vài nét về hoàn cảnh lịch sử xã hội: Một giai đoạn lịch sử tuy chỉ kéo dài khoảng 15 năm (1930-1945) nhưng đã trải qua biết bao là biến cố, trong đó có những sự kiện quan trọng tác động mạnh đến đời sống vật chất tinh thần của con người. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo ra con đường cách mạng cho nước ta. Kể từ đây tấn bi kịch cho những người yêu nước không tìm ra con đường cứu nước đúng đắn đã chấm dứt. Với vai trò độc quyền cách mạng cùng với đường lối chiến lược, sách lược vững vàng, sáng suốt, Đảng đã đoàn kết, phát huy một cách mạnh mẽ tính tích cực sáng tạo của quần chúng nhân dân. Phong trào 1930-1931, bước đầu là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã bước đầu thực hiện tự do dân chủ. Trong thời kì này, phong trào cách mạng dâng cao với nhiều cuộc nổi dậy khởi nghĩa và dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Cách mạng tháng Tám thành công. Tháng 9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã ảnh hưởng đến Việt Nam một cách nặng nề. Kinh tế kiệt quệ dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến và thực dân Pháp. Nạn đói hoành hành, gây sự hoảng loạn trong nhân dân. Các thế lực thống trị mâu thuẫn nhau sâu sắc, những lực lượng đối kháng giao tranh, các chính sách kinh tế chính trị, văn hóa xảo quyệt của thực dân làm nhân dân ta dù yêu nước nhưng vẫn lơ láo, bàng quang, lẩn trốn. Bên cạnh đó, cách mạng tư sản thất bại (bạo động Yên Bái 09/02/1930), cách mạng vô sản thì bị đàn áp dẫn đến thoái trào. Tất cả đều vấp phải sự khủng bố điên cuồng của đế quốc. Chính trong bối cảnh ấy, một ý thức mới, tâm lý mới xuất hiện và tràn lan. Đầu tiên phải kể đến ý thức tâm lý tư sản và tiểu tư sản. Họ chịu ảnh hưởng của những sinh hoạt mới, giai cấp mới mà văn hóa phương Tây mang lại do đó hình thành lối sống hưởng lạc ở thành thị. Tiếp theo, giai cấp tư sản Việt Nam thất bại về kinh tế, hoang mang dao động về chính trị, nên họ xoay từ đấu tranh vũ trang sang mặt văn hóa: chống lại những lễ giáo phong kiến, đòi quyền hạnh phúc lứa đôi… Mặc dù Đảng ra đời trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhưng tình hình kinh tế chính trị giai đoạn này vô cùng rối ren, đen tối. 2. Văn chương Việt Nam (1932-1945) - một chặng đường: Trong vòng 15 năm dưới nền xã hội rối ren, khủng hoảng nhưng văn chương đã có những thành tựu đáng kinh ngạc. Theo Hoài Thanh: “Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, chưa bao giờ có thời đại phong phú như thời đại này”( ) Văn chương đã có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, nó thoát ra khỏi bản ngã của cái ta, phá bỏ hệ thống ước lệ truyền thống. Con tàu văn chương dần được lái một cách đúng phương hướng trên tinh thần dân tộc, khoa học đại chúng… Với hai bộ phận văn học vô sản và văn học tư sản, tiểu tư sản được chia thành ba thời kì, văn học Việt Nam có những đặc điểm nổi bật như sau: 2.1. Thời kì 1932-1935: Mở đầu thời kì này là các sáng tác thơ văn gắn liền với cao trào cách mạng. Bên cạnh đó, bộ phận văn học tư sản; tiểu tư sản, đặc biệt là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ mới xuất hiện như một hiện tượng mới trên văn đàn văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Với nền tảng đã có từ trước, xu hướng văn học phê phán phát triển hơn, xác dịnh rõ ràng về phương hướng lẫn đề tài. 2.2. Thời kì 1936-1939: Bước sang giai đoạn này, văn học vô sản khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cộng sản say mê lí tưởng, mang tinh thần cách mạng, tinh thần nhân đạo mới mẻ. Thơ ca cách mạng theo hướng phát triển hiện đại hóa, những tên tuổi như: Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tố Hữu… với tư tưởng: “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim” (Tố Hữu) Bên cạnh những bước tiến triển mới mẻ của văn học cách mạng, văn học hiện thực phê phán cũng gặt hái không ít thành tựu suất xắc. Vấn đề nhân dân nông thôn được đặt ra trong hàng loạt tác phẩm: Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Vỡ đê (Vũ Trọng Phụng)… Vấn đề về thực dân phong kiến được nêu lên một cách gay gắt, kịch liệt. Không chỉ dừng thành công ở truyện ngắn, phóng sự, văn học phê phán còn phát triển mạnh mẽ với tiểu thuyết. Nếu như văn học cách mạng, văn học hiện thực phê phán, chĩa ngòi bút khai thác về người lính với tinh thần, ý thức cách mạng, cũng như đời sống nhân dân trong xã hội thực dân phong kiến, thì văn học lãng mạn tư sản; tiểu tư sản vừa phát triển đồng thời vừa phân hóa theo các hướng khác nhau. Không chỉ chống lại lễ giáo phong kiến, đề cao hạnh phúc cá nhân, nhóm Tự lực văn đoàn còn đề ra chủ trương cải cách bề mặt nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân (Gia đình - Khái Hưng, Con đường sáng - Hoàng Đạo). Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn đề cập đến hình tượng người chiến sĩ như trong Đoạn tuyệt, Đôi bạn (Nhất Linh). Cũng trong giai đoạn này, Thơ mới phát triển rực rỡ, Xuân Diệu xuất hiện giữa trời thơ Việt Nam như một hiện tượng kì lạ. Các nhà thơ mới càng đi sâu vào thế giới yêu đương lại càng bơ vơ, lạc lõng, sợ sệt trong chính cái tôi bế tắc “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề” (Nguyệt cầm - Xuân Diệu) 2.3. Thời kì 1939-1945: Bước sang giai đoạn này, văn học vô sản rút vào hoạt động bí mật nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu và phát triển một cách mạnh mẽ. Văn học vô sản nói nhiều đến tương lai, một tương lai sáng sủa, rực rỡ đang đến gần. Trong thời gian này, thơ Tố Hữu trưởng thành nhanh chóng qua tập thơ “Từ ấy”, Hồ Chí Minh cũng cho ra đời tập thơ “Nhật kí trong tù”. Cùng với hàng loạt chính luận của đồng chí Trường Chinh xuất hiện trên báo chí có nhiều giá trị văn học. Từ đó cho thấy, văn học vô sản trong những năm tiền khởi nghĩa đã góp phần quan trọng vào cuộc cách mạng của Đảng, đập tan chế độ thuộc địa và giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền. (Sóng Hồng) Trong khi văn học vô sản còn đang hăng say với những vần thơ, câu văn bom đạn để phá cường quyền thì mảng văn học hiện thực phê phán lại có sự phân hóa, có nhà văn giết chết ngòi bút, không viết tiểu thuyết mà chuyển sang khảo cứu, dịch thuật, có nhà văn thì mắc phải nhiều sai lầm khi viết…Nhưng cũng chính trong bối cảnh ấy mà một thế hệ nhà văn hiện thực mới ra đời, gồm những tên tuổi như: Nam Cao, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển,… đặc biệt Nam Cao với tuyên ngôn nghệ thuật “ Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ thoát từ những kiếp lầm than… Nghệ thuật giúp người gần người hơn”. Dù đã rất phát triển, là một thời đại “trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có thời đại phong phú như thời đại này”, nhưng rồi sau những vầng sáng huy hoàng đó, văn học lãng mạn đã rơi vào cái tôi bế tắc, cực đoan, Tự lực văn đoàn mang một tâm trạng. Nhất Linh, Khái Hưng đã đưa ra một chủ nghĩa vô luân khi viết “Bướm trắng”, “Hồn bướm mơ tiên”. Thế Lữ bước vào truyện trinh thám, “đường rừng ma quỷ Cái đầu lâu”. Nguyễn Tuân - cây bút tiêu biểu cho trào lưu văn học lãng mạn tư sản, tiểu tư sản trong văn xuôi đã xuất hiện chủ nghĩa xê dịch với những rung cảm tinh tế. Thơ mới rơi vào khủng hoảng hết sức nghiêm trọng. Hỗn loạn với thơ điên, thơ loạn, thơ say…lẩn quẩn trong vòng chữ tôi “Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiêu diêu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.” Tất cả đều là những hình thức bế tắc cùng đường của chủ nghĩa cá nhân. Nhìn chung, lịch sử phát triển mười lăm năm của xã hội cũng chính là phát triển của văn học 1932-1945. Với hai bộ phận và ba dòng văn học, nền văn học Việt Nam đã có sự chuyển biến nhanh chóng. Tuy quá trình phát triển cũng có lúc nhanh lúc chậm, nhưng trong hoàn cảnh nào văn học 1932-1945 cũng là tiền đề phát triển cho văn học Việt Nam sau này. Chương 2: Tự lực văn đoàn và những nội dung xã hội được thể hiện 1. Vài nét về Tự lực văn đoàn: Từ 1932- 1945, Tự lực văn đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai, sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản thành thị. Tự lực văn đoàn là văn phái có chương trình nhất định, cơ sở xuất bản riêng và xuất bản nhiều tác phẩm có ảnh hưởng đến nền văn học nước nhà. Văn đoàn chính thức thành lập năm 1933, gồm Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), về sau có thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Khái Hưng). Ngoài ra, còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ như Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang. Cơ quan ngôn luận là tờ báo Phong hóa, về sau là tờ Ngày nay. Khi ra đời Tự lực văn đoàn có tôn chỉ mục đích rõ ràng: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có ý chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam”. Sau khi phong trào cách mạng Yên Bái thất bại (tháng 02/1930), không khí chán nản u hoài bao trùm đại bộ phận thanh niên, người thanh niên lớn lên không còn lý tưởng để phụng sự, theo đuổi. Con đường yêu nước bế tắc, họ thoát ly trong tình cảm cá nhân, nhất là tình cảm yêu đương. Đó cũng là tiền đề cho văn học lãng mạn xuất hiện và phát triển. Trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ một bên là giặc Pháp và nền văn minh phương Tây, còn một bên là chế độ phong kiến suy đồi, mục nát để rồi từ đó cho ra đời đứa con tinh thần của cuộc sống, đó là nhóm Tự lực văn đoàn. Tự lực văn đoàn đề cao tôn chỉ “lúc nào cũng trẻ, yêu đời” nhằm muốn phá tan bầu không khí u uất, sầu thảm kia. Qua thời gian phát triển, tồn tại, có thể phân Tự lực văn đoàn thành các thời kì sau: Thời kì thứ nhất (1932- 1934) bao gồm các tiểu thuyết lãng mạn như “Hồn bướm mơ tiên”, “Gánh hàng hoa”, trong đó có các tác phẩm tiến bộ với tư tưởng đấu tranh cho quyền sống của cá nhân, phê phán đại gia đình phong kiến như “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt”. Thời kì thứ hai (1935- 1939), khuynh hướng phê phán lễ giáo và đại gia đình phong kiến vẫn tiếp tục với “Lạnh lùng”, “Thoát ly”, “Thừa tự”,… nhưng đồng thời cũng xuất hiện những khuynh hướng khác. Khuynh hướng nghiêng về tầng lớp bình dân với sự đồng cảm chân thành sâu sắc “Gió đầu mùa”, “Con trâu”, hoặc những cải cách dân quê theo tôn chỉ của hội Ánh sáng như “Những ngày vui”, “Gia đình”, “Con đường sáng”. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng lý tưởng hóa hình ảnh người khách chinh phu, một con người mê man trong hành động, từ giã gia đình, quê hương ra đi vì một lý tưởng, tuy mơ hồ tựa sương khói nhưng hết sức hấp dẫn, quyến rũ “Thế rồi một buổi chiều”, “Tiêu Sơn tráng sĩ”, “Đôi bạn”. Thời kì thứ ba bắt đầu vào khoảng cuối năm 1939 và kết thúc khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đây là thời kì xuống dốc của Tự lực văn đoàn với những tác phẩm ít nhiều mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa như “Bướm trắng”, “Đẹp”, “Thanh đức”. Một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn, nhất là những tác phẩm trong khoảng thời gian 1939-1940 như “Đẹp”, “Thanh đức”, “Bướm trắng” đã có phần thi vị hóa cuộc sống tư sản có ô tô, nhà lầu, villa bãi biển, có mỏ vàng, đồn điền, cửa hàng kinh doanh ở các thành phố lớn, có một cuộc sống đầy nhục cảm, những cuộc tình duyên tay ba, tay tư với các thiếu nữ ngây thơ, kiều diễm, có salon văn chương, khiêu vũ, tắm biển,… nhân vật thì ngoài lớp nghệ sĩ là những tri huyện tân học, những cử nhân, tiến sĩ học ở Pháp về, với ông Tuần, bà Án… thì toàn là tầng lớp tư sản kiêm địa chủ với đủ loại thủ đoạn cạnh tranh, lừa lọc, quay quắt…Tự lực văn đoàn chấp nhận tất cả những điều đó, chứ không quay lưng phủ nhận như các nhà văn hiện thực phê phán… Trong Thơ mới hiện lên rất rõ cái “đau đời”, cái tâm trạng buồn và cô đơn, cái quằn quại, bế tắc của những người tiểu tư sản trí thức ở một nước thuộc địa. Trong xã hội phong kiến, cá nhân không có quyền sống riêng, không có quyền tự do tung hoành ngang dọc, từ trong gia đình cho đến ra ngoài xã hội, đều phải tuân theo những nguyên tắc, những quy phạm nghiệt ngã. Vì con người bị trói buộc như thế nên văn chương cũng mang tính phi ngã. Tự lực văn đoàn ra đời, mang một cái tôi cá nhân lớn, đòi hỏi quyền sống, quyền yêu đương và mang những tư tưởng mới của phương Tây.
2. Nội dung xã hội được thể hiện qua tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: 2.1. Tinh thần chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do yêu đương, đề cao hạnh phúc cá nhân: Ở nước ta lễ giáo phong kiến đã ngự trị hàng ngàn năm, ăn sâu bám rễ vào máu thịt của con người với những luật lệ hà khắc, nghiêm ngặt. Vì vậy, muốn làm cuộc Cách mạng để thay đổi điều đó quả là vô cùng khó khăn. Chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền hạnh phúc cá nhân là vấn đề không mới, vốn đã được đặt ra từ lâu trong văn học Việt Nam: Sơ kính tân trang (Phạm Thái), thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều (Nguyễn Du), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách),…Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã tiếp nối những truyền thống ấy của văn học dân tộc trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Tác phẩm Tự lực văn đoàn đều chĩa mũi nhọn đả kích lễ giáo phong kiến và nếp sống đại gia đình phong kiến với những tác phẩm như: “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt”, “Lạnh lùng”, “Đôi bạn”, “Gia đình”, “Thoát ly”,…. Họ hô hào giải phóng phụ nữ khỏi cảnh mẹ chồng nàng dâu, cảnh thủ tiết của những người phụ nữ trẻ góa bụa, đòi quyền hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau. 2.1.1. Chống lễ giáo phong kiến: Những nhà văn có công lớn trong đề tài này phải kể đến Nhất Linh và Khái Hưng. “Nửa chừng xuân” tấn công vào gia đình phong kiến, tố cáo bọn quan lại và địa chủ trọc phú ở nông thôn, tố cáo tính ích kỉ, tàn nhẫn, chà đạp lên hạnh phúc con người của lễ giáo phong kiến. Có thể nói rằng chương Hàn Thanh tán tỉnh Mai làm vợ bé và chương đối thoại giữa Mai và bà Án là những chương xuất sắc thể hiện rõ nét sự đấu tranh chống cổ hủ phong kiến. Cuộc đấu tranh đòi quyền hạnh phúc, giữa cái cũ và cái mới nhiều lúc đẩy nhân vật về hai thái cực gần như đối lập nhau. Huy đã nói thẳng vào mặt bà Án khi bà lên Phú Thọ khuyên Mai đưa con, về làm vợ bé cho Huyện Lộc: “Thưa cụ, cụ túc là cái biểu hiện, túc là người đại diện cho nền luân lý cũ. Mà tâm trí của chúng cháu đã trót nhiễm những tư tưởng mới. Hiểu nhau khó lắm, thưa cụ. Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra bể, nhưng mỗi đằng chảy mỗi phía, gặp nhau sao được.” So với “Tố Tâm”, “Nửa chừng xuân” có điểm tiến xa hơn, song cuộc đấu tranh vẫn chưa quyết liệt lắm, Lộc tuy rất tự hào vì mình hưởng nền giáo dục tiến bộ của Âu Tây, anh hiểu được giá trị của quyền tự do cá nhân nhưng cuối cùng anh vẫn bị khuất phục trước uy quyền của lễ giáo phong kiến. Còn Mai, nạn nhân đau khổ, chỉ biết đem cái nhân hậu, thanh cao ra chống đỡ chế độ đa thê, đã nói thẳng vào mặt bà Án “nhà tôi không có mả lấy lẽ” và bảo vệ tình yêu lý tưởng. Tình yêu và lý tưởng của cá nhân đều bị đại gia đình kìm hãm, cho nên muốn được tự do thì phải “đoạn tuyệt” hẳn với nó. Tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh thành công nhất ở những chương miêu tả cuộc xung đột giữa cũ và mới, giữa mẹ chồng và nàng dâu, những chương tố cáo mạnh mẽ và quyết liệt các tập quán cổ hủ trong gia đình bà Phán, cách đối xử tàn nhẫn, chà đạp lên con người của những kẻ đại diện cho chế độ phong kiến. Tác phẩm không chỉ bó hẹp trong xung đột mẹ chồng - nàng dâu, mà rộng hơn, chính là mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Ta thấy rõ điều đó qua lời cáo buộc của trạng sư: “người có tội là mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia”, xung đột mới cũ đã gay gắt đến từng tế bào của xã hội, đã trở thành sự xa cách thù hằn giữa các thế hệ. Bị ràng buộc trong cái xã hội cũ, Loan tưởng chừng như không bao giờ thoát khỏi cảnh làm dâu cho bà Phán Lợi. Do sự tình cờ, một vụ ngộ sát đưa đến một cuộc xét xử, tác giả đã mượn trường hợp ngẫu nhiên đó để giải phóng cho Loan. Câu chuyện của Nhất Linh khá cảm động. Loan thông minh, biết điều, yêu sâu sắc, tha thiết tự do, tự lập nhưng lại bị ép gả cho Thân - một kẻ đại diện cho những cổ hủ, lạc hậu, mẹ chồng ác nghiệt, em chồng độc địa… thay nhau hành hạ cô. Ngày lại ngày, cuộc sống của cô là chuỗi đau khổ, có nhiều lúc trong đầu cô nảy ra ý nghĩ đi phiêu lưu hoạt động như Dũng - người yêu của cô, “nếu có gặp cái chết đi chăng nữa, cái chết cũng không đáng thương bằng chết dần chết mòn”. Toàn bộ tác phẩm là một bản cáo trạng đanh thép, và cái mới đã giành được phần thắng (thể hiện qua phiên tòa). Sự đời éo le, nhưng Loan đã quyết liệt đấu tranh, cô đã thắng chế độ phong kiến để trở về bên Dũng - người yêu cũ của mình. Nếu như cách đó mười năm, “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, ở đó gia đình còn có một sức mạnh thiêng liêng, khiến cả Đạm Thủy lẫn Tố Tâm đều phải thừa nhận thì nay ở “Đoạn tuyệt”, chế độ gia đình bị lên án kịch liệt. Làn gió Âu hóa tràn vào, cái tôi cá nhân dần được khẳng định mình. Văn học lãng mạn chú trọng đến cá nhân, lấy cá nhân làm đề tài chủ yếu. “Dưới hình thức này hay hình thức khác nhà văn đều biểu hiện cái tôi”. Cũng là chống lễ giáo phong kiến nhưng “Gia đình” của Khái hưng lại biểu hiện ở một khía cạnh khác. Những cái thối nát của đại gia đình, của quan trường là phần hiện thực trong tác phẩm Khái Hưng. An là nhân vật chính của tác phẩm, chàng mất hẳn niềm tin vào quan niệm về sự sống và tương lai. Chàng cảm thấy cuộc sống thật vô vị, chán nản, suốt ngày đi săn để trốn tránh, tìm chỗ lấp vào lỗ trống trong tâm hồn mình. An lấy vợ không phải vì tình yêu, mà vì tổ tiên, gia đình, những người chết…An đi học trường luật rồi ra làm quan vì những ghen tị, khích bác trong đại gia đình... An luôn khổ sở trong việc làm quan, khổ sở với đại gia đình. Qua “Gia đình”, ta có thể thấy được thái độ thù ghét đại gia đình của tác giả, đồng thời tác giả cũng đả kích chốn quan trường. Với các tác phẩm trên, các nhà văn Tự lực văn đoàn đã giương cao ngọn cờ nhân đạo chủ nghĩa, mang đến cho chủ nghĩa cá nhân một màu sắc hấp dẫn của chính nghĩa. 2.1.2. Đề cao hạnh phúc cá nhân: Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn đòi quyền tự do yêu đương cho thanh niên. Các nhà văn đã tự đưa ra một quan niệm mới mẻ về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu, xem đó là lẽ sống duy nhất của con người. Tình yêu trong Tự lực văn đoàn muôn hình vạn trạng. Có tình yêu “bất vong bất diệt” của Lan và Ngọc dưới bóng Phật tổ (Hồn bướm mơ tiên - Khái Hưng), có tình yêu “trong giây phút mà thành thiên thu” như của Loan và Dũng (Đoạn tuyệt - Nhất Linh), có tình yêu lại mộc mạc, thủy chung như của Liên (Gánh hàng hoa - Nhất Linh và Khái Hưng),... Bên cạnh đó, còn có những cuộc tình vụng trộm, lén lút như Nhung trong “Lạnh lùng” của Nhất Linh, tình yêu lông bông tài tử của Nam trong “Đẹp” của Khái Hưng…. Viết về tình yêu trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, các nhà văn đã đề cao tình cảm trong sáng, thủy chung của những chàng trai, những cô gái. Tình yêu của họ phải vượt qua bao nhiêu ràng buộc khắt khe nhưng họ luôn đấu tranh bảo vệ hạnh phúc của mình. Khi viết “Hồn bướm mơ tiên”, Khái Hưng đã miêu tả cuộc xung đột giữa ái tình và tôn giáo. Trong cuộc xung đột hồi hộp và đau đớn ấy, ái tình phải thắng. Còn đối với “Đoạn tuyệt”, Nhất Linh đã đề cao tình yêu đôi lứa, đó là tình cảm tự giác, tự nguyện đến với nhau dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi nhưng trong trắng và thủy chung. Khái Hưng và Nhất Linh đã xây dựng nhân vật Liên (Gánh hàng hoa) - một cô gái thùy mị nết na, chăm chỉ làm lụng, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, cô đã kéo người chồng tội lỗi ra khỏi vòng trụy lạc, sa đọa trở về với tình yêu chân chính bằng tình yêu chân thành của mình dành cho chồng. Đó chính là điểm tiến bộ của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, về sau tầm nhìn của các nhà văn Tự lực văn đoàn không còn phóng xa nữa, lui vào thế giới bên trong, xa rời hẳn thực tại xã hội. Với họ, phong trào quần chúng và cuộc đấu tranh về nghệ thuật đã là chuyện cũ, chẳng còn băn khoăn thấp thỏm đến thời đại, đến dân tộc. Tất cả nhân sinh, tất cả xã hội chỉ thu mình trong cái Tôi nhỏ bé ốm yếu, đề tài ngày càng eo hẹp lại, chủ đề thì quanh co, nội dung thì bế tắc khó khăn, không còn thấy được những ý tưởng mới mẻ. Tình yêu trong tự lực văn đoàn cũng đi từ lãng mạn đến suy đồi. Từ những nhân vật tích cực như Mai, Loan,… từ những tình cảm tốt đẹp của Ngọc, Loan, Liên,… tác giả mau chóng chuyển sang những nhân vật hay do dự, giỏi chịu đựng hơn là đấu tranh như Hồng, Nhung,…vấn đề chống lễ giáo phong kiến chỉ xảy ra trong vài năm, sau lùi dần vào dĩ vãng. Và cuộc đấu tranh bằng văn hóa chống phong kiến chỉ xảy ra trong phạm vi lễ giáo. Đối với chế độ chiếm hữu ruộng đất, cái gốc rễ của lễ giáo phong kiến, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hoàn toàn không đề cập đến, mà chỉ chống đối với bộ phận hủ bại của giai cấp phong kiến ngăn trở hạnh phúc, tình yêu cá nhân.
2.2. Xu hướng bình dân: Thời kì mặt trận dân chủ do Đảng công khai lãnh đạo, trên văn đàn, các giọng văn hăng say lao động sôi nổi, mạnh mẽ. Và Tự lực văn đoàn cũng mở ra phong trào bình dân. Hoàng Đạo đã bàn về đạo làm người: “Con người phải hoàn toàn theo mới, tin ở tiến bộ, sống theo lý tưởng và làm việc xã hội”. Trên văn đàn công khai, văn học lãng mạn đã không còn ưu thế, nên để khỏi lạc lõng, họ buộc lòng phải chuyển hướng, chính vì thế họ muốn tỏ rõ khuynh hướng xã hội, băn khoăn về bình dân. “Hai vẻ đẹp” của Nhất Linh đặt ra câu hỏi là giữa hai vẻ đẹp, nghệ thuật và nhân sinh thì vẻ đẹp nào đẹp hơn? Và câu giải đáp đó là vẻ đẹp nhân sinh, lấy chủ đề về nông thôn, về suy nghĩ của người thanh niên muốn gắn bó với quê hương, phục vụ quê hương. Tác phẩm vẫn là câu chuyện về cái tôi, cái tôi đi tìm hạnh phúc trong con đường phục vụ bình dân. Nhân vật chính là Doãn, một chàng thanh niên vốn con nhà nghèo, nhưng làm em nuôi bà Thượng nên được sang Pháp du học, thi đỗ cử nhân Luật. Doãn không thích làm quan, suốt ngày mải mê vẽ những bức tranh về nông thôn, vì Doãn muốn gần gũi với nỗi khổ của dân quê. Tuy nhiên Doãn sống xa quê hương từ thuở bé, nên chàng không cảm nhận được cái sục sôi, hăng say lao động của cuộc sống đời thực. Chính vì thế nên tác phẩm thiếu đi sức nóng, hình tượng nhân vật không sống được, chỉ là những minh họa của mệnh đề. Hành động của Doãn đôi khi làm ta cảm động nhưng cũng không ít dè dặt. Doãn trở về với nông dân, nhưng lại đứng trong tư thế của người trên và ban ơn xuống… Doãn cho rằng đó là nhiệm vụ của người tài trí có tiền. Sau những suy nghĩ lao lung, Doãn có một lời tự hứa, nhưng tác phẩm đã kết thúc làm cho người đọc không khỏi băn khoăn bởi cái hướng còn quá mơ hồ, không biết Doãn sẽ làm gì! Tương tự, Duy trong “Con đường sáng”, Bảo, Hạc trong “Gia đình” cũng giải quyết vấn đề một cách mơ hồ, không dứt khoát. Các nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nhìn thấy, biết được người dân đang bị đại gia đình phong kiến áp bức, bóc lột tàn bạo nhưng họ lại không có cách gì ổn thỏa để giải quyết vấn đề ấy. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, những suy nghĩ trên là tiến bộ, nhưng cũng chỉ là những nhận thức ban đầu của những trí thức tự trọng. Những nhận thức ấy vẫn chưa thể thoát ra khỏi cái quỹ đạo tư sản, nhiều khi họ tỏ ra quý mến người dân lao động, muốn gần gũi họ, nhưng cũng lắm lúc khinh bỉ miệt thị người nông dân. Xu hướng bình dân cũng là một vấn đề xã hội trong Tự lực văn đoàn, điều đáng trân trọng nhất chính là thái độ chân thành cảm thông với đời sống cơ cực của người dân quê, mong muốn cải thiện cuộc sống nông thôn nhưng Tự lực văn đoàn lại tin rằng những người địa chủ trí thức sẽ là những người dẫn dắt, nâng đỡ người nông dân thoát khỏi đời sống cơ cực. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn mang tính chất cải lương, nửa vời, ảo tưởng, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Vì trên thực tế không thể dựa vào lòng từ tâm, nhân ái của một hoặc một vài cá nhân được. Đây là luận đề thể hiện rõ nhất điểm yếu của Tự lực văn đoàn
2.3. Người chiến sĩ cách mạng: Một trong những nội dung xã hội của tiểu thuyết tự lực văn đoàn đó là hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong các tác phẩm, dù rằng hình ảnh này chỉ thoáng qua, non nớt, yếu ớt, lắm lúc lại bi quan. Người thanh niên không có lý tưởng, không cảm thấy được: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim” Hay không thể: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để tình trang trải khắp nơi nơi” Sống mà không có lý tưởng thì có khác gì loài cỏ chỉ biết xoay mình theo hướng gió cuộc đời, cuộc sống mà không tìm thấy ở đó những lý tưởng để đeo đuổi thì cuộc sống đó khác chi là vô nghĩa. Họ tìm đến cách mạng chỉ vì họ không còn con đường nào để đi, vì họ chán sự đời, không tin vào cuộc sống, có người đến với cách mạng chỉ để liều chơi, không nhằm mục đích gì, lấy hành động làm cứu cánh, là sự giải thoát cho bản thân. Tự biến mình thành một kẻ trác táng, chỉ biết hôm nay, không quan tâm đến ngày mai, liều lĩnh, chán chường. Tự lực văn đoàn đã mở ra điều mà Thơ mới cũng nhìn thấy, đó chính là sữ bế tắc của thanh niên thời bấy giờ. 2.3. Người khách chinh phu: Trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, hình ảnh người khách chinh phu là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh người thanh niên mang nỗi nhục mất nước với người nghệ sĩ lãng mạn, say mê vẻ đẹp thuần túy và thú gianh hồ phiêu lãng. Có thể nói đây là hình ảnh thu hút hầu như toàn bộ thế hệ độc giả sau này. Bởi lẽ nó đáp ứng được, đối thoại được với thanh niên thời bấy giờ ở hành động. Hành động đơn thuần chỉ là hành động, không quan tâm đến mục đích thành hay bại, hành động để vượt qua sự buồn nản, không gian ngột ngạt bao quanh, có thể nói hành động chính là sự giải thoát. Điều này đã giải tỏa cho sự bế tắc của thanh niên so với các thế hệ thanh niên nói chung đặc biệt là thế hệ thanh niên trước 1945. Hình ảnh người khách chinh phu trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn được nói đến từ chính sự thất bại của hành động, đó thường là hình ảnh của những anh hùng chiến bại. Người khách chinh phu bao giờ cũng ôm ấp trong lòng một hình bóng giai nhân. Khách chinh phu trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng đồng nghĩa với khách tình si. Chương 3: Kết luận Tự lực văn đoàn hoạt động vẻn vẹn trong mười năm trời (1932-1942) nhưng đã để lại nhiều thành tựuđáng kể ảnh hưởng đến văn học nước nhà. Trong phạm trù ý thức hệ tư sản, Tự lực văn đoàn đã nói lên những khát vọng dân tộc dân chủ của đông đảo quần chúng, chủ yếu là của các tầng lớp tiểu tư sản trí thức và viên chức thành thị. Tuy không đặt vấn đề giải phóng xã hội nhưng đã đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, giải phóng bản ngã, đặc biệt đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, của đại gia đình phong kiến. Bên cạnh đó còn đả kích gay gắt bọn phong kiến phong lưu, nhất là bọn quan lại ôm chân thực dân Pháp và biểu lộ một thái độ cảm thông hết sức chân thành đối với người nghèo khổ, đối với dân quê. Một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn đề cao tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, phủ nhận xã hội thối nát đương thời, tuy lí tưởng của họ còn mơ hồ, yếu ớt và đượm màu sắc cải lương chủ nghĩa. Với chủ trương cải cách xã hội một cách hợp pháp, họ không dám đánh thẳng vào kẻ thù số một của dân tộc, nhưng lúc có điều kiện họ đả kích một cách xa xôi bọn thực dân Pháp. Không làm được cách mạng, họ gửi tâm sự yêu nước vào lòng yêu quê hương, yêu tiếng Việt. Tự lực văn đoàn đã góp phần quan trọng vào việc cách tân văn học, xây dựng nền văn học Việt Nam hiện đại. Hoàng Xuân Hãn khẳng định “Nhóm Tự lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.” Trong cuốn “Phấn đấu cho một nền văn học phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội”, đồng chí Trường Chinh nhận xét “các nhà phê bình của ta cần tránh nói đến những tác phẩm lãng mạn vì chưa biết đánh giá thế nào cho đúng”. Quả vậy, văn học lãng mạn của ta khá phức tạp. Khuynh hướng tiêu cực trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trước hết là ở nội dung cá nhân chủ nghĩa. Ở thời kì đầu, nó tự khẳng định mình, sau đó suy thoái đi đến cực đoan, tự hủy diệt. Nhà văn lấy cái Tôi làm trung tâm , chỉ đào sâu vào thế giới bên trong, “càng đi sâu càng lạnh”. Cái Tôi ấy biết phủ nhận thực tại đen tối nhưng lại xa rời quần chúng, nó thoát ly nên càng bế tắc. Một số tác phẩm miêu tả cảm giác dục vọng xấu xa, tình cảm ươn hèn và chủ nghĩa cải lương hời hợt. Sự giải phóng cá tính và tình cảm khỏi những trói buộc phong kiến ngàn đời, lòng khao khát tự do độc lập tuy có ngậm ngùi ai oán, tìm tòi một lí tưởng cao cả để phụng sự tuy chẳng thấy, theo đuổi hạnh phúc chân chính dù có rên rỉ đau thương, xu hướng trở về bản sắc dân tộc truyền thống dân tộc có thể nói vẫn là những điểm tích cực của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Trong cái xã hội đảo điên mà thực dân là “cứu tinh”, địa chủ là “ân nhân”, quan lại là “phụ mẫu”, tình là tiền, danh là sĩ, dân là sống cơ cực, người tốt không chỗ đứng thì một chút cương trực một chút vị tha, một chút thanh sạch, một giọt chân tình cũng là quý. Nó làm cho con người đỡ bơ vơ và còn hy vọng. Đó là những điều đáng quý, đáng trân trọng của Tự lực văn đoàn.