Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngọc nữ như hoa



Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=118944
Ngọc nữ chùa Dâu, thế kỷ 18, gỗ sơn thếp, cao 155cm



SGTT.VN - Có thể tưởng bài ca dao trên là để tả bức tượng này. Tôi và các cộng sự đã đo đạc kỹ pho tượng theo các thông số chấm hoa hậu hiện đại và cô Ngọc nữ chùa Dâu chắc chắn đoạt vương miện.

Kiệt tác điêu khắc này có lẽ là pho tượng tả thực duy nhất cỡ người thật ở Việt Nam. Người mẫu chắc chắn là một cô gái quê cụ thể, có tên họ rõ ràng, là con gái, cháu gái, em gái hay người yêu… của nhà điêu khắc khuyết danh. Không lý tưởng hoá, quy mẫu thống nhất như các tượng tôn giáo khác, nó giống như các tượng chân dung trở nên phổ biến hơn ở các chùa Bắc bộ từ thế kỷ 16 trở đi, đánh dấu một bước phát triển của tự do làng xã và ý thức về thân phận cá nhân bộc lộ mạnh mẽ trong văn nghệ cổ điển nước nhà. Con mắt lá răm, lông mày lá liễu; trắng như ngà ngọc, như trứng gà bóc… là thường bởi chỉ là mô tả, so sánh bên ngoài, nhưng (ánh) mắt như dao cau, (cái miệng) cười như hoa ngâu thì quả là thần tình. Và nhà điêu khắc cũng chẳng kém nhà thơ khi tạc đôi mắt cô Ngọc nữ lim dim, lúng liếng vừa tình tứ dân dã vừa huyền bí như mắt Phật bà. Trên gương mặt bầu bĩnh phúc hậu, cái miệng nhỏ xinh mỉm cười để hương thầm lan toả như hoa ngâu trong vườn chùa. Tư thế tượng thờ dâng hoa thường cứng nhắc được làm mềm thành động thái thân và tay khá tự nhiên khiến ta quên đi cả hương khói ban thờ. Phục trang lễ hội được trau chuốt và có tính ước lệ trong khi cái khăn vấn trên đầu thì tả thực hoàn toàn, rất nâng niu, chi li, diêm dúa. Có lẽ đây cũng là cái khăn cuốn tóc duy nhất tôi được thấy trong điêu khắc. So với các cô tố nữ trong tranh khắc dân gian Hàng Trống sau này, Ngọc nữ chùa Dâu thực hơn, duyên hơn, cá tính hơn hẳn. So với bức đối xứng bên ban thờ ở chùa Dâu này là bức Kim đồng cũng hoàn chỉnh hơn nhiều.

Mặt khác, pho tượng cũng mang tính điển hình cao, ở mức cổ điển. Nếu đặt gương mặt cô Ngọc nữ chùa Dâu bên cạnh các gương mặt nữ cổ điển của Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ, ta sẽ thấy nét Việt Nam khác biệt và nổi bật không thể chối cãi. Nghệ thuật điêu khắc ở miền Bắc Việt Nam mở đầu từ thời Lý cho tới giai đoạn cổ điển thế kỷ 17 – 18 đã tiến một bước rất dài.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngăn chặn tình trạng “sa mạc hóa văn hóa”?

Xin nhìn thực trạng, thực tế văn hóa nước nhà thời gian qua để thấy rằng muốn phát triển một cách bền vững nhất thiết phải có quốc sách mới về văn hóa.

Theo một điều tra mới đây thì 30-40% dân ở Hà Nội và TP.HCM không được tiếp cận văn hóa-nghệ thuật (trừ cái TV). Nếu suy ra cả nước thì tỷ lệ này có thể lên tới 60-70%. Phải chăng ta đang bị ‘sa mạc hóa’ văn hóa. Nếu hố ngăn cách giàu nghèo tăng lên, mà điều này chắc chắn sẽ xảy ra, thì số người bị bần cùng hóa văn hóa sẽ tăng lên theo. Trình độ văn hóa thấp và sự nghèo đói văn hóa (thí dụ như tính theo tỷ lệ % thu nhập được chi cho nhu cầu văn hóa giải trí) là căn bệnh suy dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng, làm cho số người đông đảo này dễ bị lây nhiễm tệ nạn, chỉ tiếp nhận được các độc tố, các chất thải của văn hóa đương đại, dẫn tới việc dân trí bị đánh sụt xuống cùng sự băng hoại của đạo đức, chất lượng nguồn nhân lực tụt hậu. Cái vòng cùng quẫn này hoàn tất và lại bắt đầu ở cấp báo động cao hơn.

Hai là đối với chính quyền, lớp nhà giàu mới và trung lưu- tầng lớp cầm cân nảy mực về văn hóa của quốc gia- thì trong hơn 20 năm qua ta thấy chỉ có văn hóa đại chúng, “văn hóa công nông” là phát triển còn văn hóa tinh hoa, văn hóa đỉnh cao bị bỏ rơi.
Về mặt sáng tạo, xây dựng, ba “chủ đầu tư” này chỉ chi tiền, tổ chức và khuếch trương các thứ văn hóa nghệ thuật tuyên truyền, phong trào đơn giản (thí dụ như tượng đài, hội diễn, liên hoan, lễ hội kỷ niệm… rất tốn kém, không chất lượng và không bền vững về thẩm mỹ. Khu vực này cũng gây ra tham nhũng, gian lận, dối trá, cửa quyền xin-cho…).

Từ thiện, tâm linh, giải trí là các lĩnh vực duy nhất lớp nhà giàu mới đầu tư cho văn hóa với mục đích kiếm tiền, marketing, PR là chính. Các đền chùa miếu mạo mới to ‘khủng’ hoặc các di tích được “xã hội hóa” để trùng tu, phục chế đều ở mức “đại chúng” sơ sài hoặc làm hỏng, làm hại di sản! Các dự án của họ (kể cả các khu nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf…) chiếm đoạt hết những diện tích “ngon” nhất của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, cướp mất quyền được hưởng thụ các cảnh quan, môi trường đẹp trong lành của dân thường. Bất bình đẳng đến cả việc ngắm nhìn phong cảnh! Các dự án, sự kiện tâm linh thiếu hàm lượng văn hóa dẫn tới hệ lụy mê tín dị đoan tăng vọt!

Với tư cách người sử dụng và hưởng thụ thì ba bên nói trên sa vào thực dụng khi sử dụng văn hóa (chỉ để truyền giảng, kể thành tích, xoa dịu dư luận, kiếm tiền, quảng cáo…) và sơ lược công thức khi hưởng thụ (xài hàng hiệu, đồ xa xỉ trong khi nhà cửa, công sở, trụ sở công ty, lễ hội, lễ kỉ niệm… đều ở mức “tầm tầm”, “vô thưởng vô phạt” hoặc “sản phẩm du lịch giá rẻ”, bệnh “kỷ lục” quá sơ khai: chỉ thích to nhất, dài nhất, cao nhất… không cần chất lượng thẩm mỹ bền vững).

Làm sao để văn hóa tinh hoa, đỉnh cao lọt mắt, lọt tai ba bên chủ đầu tư và ba thành phần trụ cột văn hóa này là điều rất khó khăn. Hiện nay nhiều nhà văn hóa bi quan cho rằng cứ phải đợi 2-3 thế hệ nữa hãy nói tới chuyện văn hóa tinh hoa, hãy hy vọng các ông chủ này hưởng thụ và đầu tư- cho văn hóa tinh hoa.

Giá như chính quyền, giới doanh nhân-nhà giàu và giới trí thức trung lưu ý thức lại sứ mạng, nghĩa vụ làm trụ cột phát triển văn hóa bền vững của mình mà đưa ra được một “chiến lược quốc gia xóa đói giảm nghèo về văn hóa đạo đức”. Rồi từ chiến lược đó đi tới các “gói giải pháp” cụ thể thiết thực để nâng cấp đời sống văn hóa của dân. Có vậy mới mong thoát khỏi tình trạng thụ động, “nhập siêu” văn hóa trong kết nối toàn cầu, mới chặn được tình trạng “sa mạc hóa văn hóa” quốc nội đang lan rộng.

Nguyễn Bỉnh Quân
(Báo Tia Sáng)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đạo diễn Charlie Nguyễn:

“Qua điện ảnh tôi hiểu rõ mình hơn”



SGTT.VN - Sau thành công của "Dòng máu anh hùng", "Để mai tính" trên cả thị trường Mỹ và Việt Nam, Charlie Nguyễn bắt tay ngay vào "Long Ruồi", một bộ phim hài về thế giới mafia. Khao khát làm phim nghệ thuật, cuối cùng anh lại thành danh với dòng phim thị trường!

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=127199



Tử tế với nhau, sẽ làm phim hay hơn
Giống như các đạo diễn ở Hollywood, Charlie luôn ý thức về doanh thu của một bộ phim, để bảo toàn vốn cho nhà đầu tư. Anh cho rằng: “Mỗi đạo diễn có một con đường nhưng quan trọng, tình cảm và sự tử tế phải đồng hành với công việc của mình, đó là phẩm chất đầu tiên phải có trước khi làm phim. Tôi tin, khi tử tế với nhau, người ta sẽ làm phim hay hơn”.

Anh thuộc số ít đạo diễn vừa có khả năng viết kịch bản, khi cần là diễn viên luôn. Viết kịch bản giúp anh hiểu sâu hơn về thế giới mỗi nhân vật, những mối quan hệ hỗ trợ cho tư duy khi làm đạo diễn, và truyền cảm xúc đến cho diễn viên. Khi chọn diễn viên, tiêu chuẩn đầu tiên với anh là có hợp vai hay không, thứ nhì là khả năng diễn xuất, thứ ba mới là sắc diện. Chỉ ra lỗi lớn nhất trong diễn xuất mà diễn viên trẻ thường mắc phải, anh nói: “Ở Việt Nam, tôi thấy khá nhiều diễn viên hợp vai, đẹp, nhưng khả năng diễn xuất rất yếu. Họ làm tôi rất hoang mang vì chỉ diễn bề ngoài, mà bên trong thì hoàn toàn vô cảm, biến mọi thứ thành giả tạo. Nhiều người trẻ lại quá ngây thơ cho rằng diễn viên là một công việc dễ làm, dễ nổi tiếng. Họ không hình dung được rằng đó là nghề lao động rất nặng nhọc, phải hy sinh nhiều thứ. Vì thiếu kinh nghiệm đó nên khi làm việc kéo dài nhiều tuần, tâm lý của họ rất mệt mỏi. Một diễn viên chuyên nghiệp là người được trang bị đầy đủ công cụ để có khả năng hoá thân nhiều nhân vật và truyền đạt cảm xúc có sức nặng bên trong, có kỹ thuật và phương pháp thu phục khán giả”.

Trở về với quê hương, và với chính mình
Điện ảnh đến với anh có lẽ từ lúc được dẫn đi xem xinê lần đầu tiên, lúc anh khoảng bảy – tám tuổi. Sang Mỹ khi mới 14 tuổi, anh gần như mất tuổi thơ. Gia đình anh sống ở Texas, một nơi đồng không mông quạnh, lúc ấy nghèo kinh khủng. Năm người sống chui rúc như chuột trong căn phòng mướn. Con đường đến với UCLA (University California Los Angeles – trường đại học công đào tạo về nghệ thuật ở Mỹ), chuyên ngành đạo diễn và viết kịch bản thật gian nan.

Ở Hollywood, anh không có đất dụng võ. Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp là lúc anh trở về Việt Nam để thực hiện Dòng máu anh hùng. Anh đã biến giấc mơ thành sự thật, đó là được trở về nhà và làm nên một bộ phim lịch sử. Từ đó, anh làm phim liên tục. Anh mong sự nỗ lực của các bạn mình ở nước ngoài và Việt Nam sẽ mang lại cho điện ảnh một cuộc lột xác. Anh nói: “Tôi đã thất bại nhiều lần, nhiều dự án làm phim ấp ủ nhưng không có ai cho tiền để làm... Quan trọng là biết ước mơ, biết chờ đợi để cơ hội đến thì nắm lấy. Thế mới là yêu”.

Trong suốt quá trình quay, anh thường không bao giờ to tiếng. Chính nhờ vậy mà sau khi đóng máy, có người đã nói với anh, đây là đoàn làm phim dễ thương nhất từ trước đến nay mà họ tham gia. Ảnh hưởng từ đạo Phật, anh luôn nhắc mình hãy sống với giây phút hiện tại, cái đang là, đang thấy, đang nghe, chứ không phải là cái được thấy, được nghe. Cũng nhờ thế mà anh giữ được sự thăng bằng tinh thần, thoát khỏi những khủng hoảng trong quá trình làm phim. Anh tâm sự: “Nếu tôi có sức mạnh, thì nó không chiết từ những được mất mà chính sự sáng tạo không ngừng là sức mạnh để quên đi những quá khứ đau buồn. Qua điện ảnh tôi hiểu rõ bản thân mình hơn, với tất cả ưu khuyết trong một con người. Điện ảnh chính là phần hồn của cuộc sống hàng ngày. Tức là tôi phải hy sinh những cái khác vì nó. Người đạo diễn phải quyết liệt và cực đoan kinh khủng mới theo đuổi được một bộ phim từ đầu đến cuối. Điều này có vẻ ngược lại với triết lý của nhà Phật, càng cực đoan càng đam mê thì càng khổ đau. Hiểu như thế để không thấy khổ, không tự làm khổ mình và làm khổ nhiều người xung quanh… Cũng có khi tôi cảm thấy không cần làm bất cứ một điều gì nữa trên đời. Cuộc sống bỗng nhiên trở nên tuyệt đối hoàn hảo, trọn vẹn, hoàn tất... Khó nhất là nhìn ra được cái tôi vô thường của mình”.

Nỗi niềm lớn nhất của anh bây giờ là bộ phim “đúng là mình nhất” vẫn chưa hình thành. Anh nói: “Mỗi lần xem được một bộ phim giá trị trong lòng tôi ngập tràn niềm sung sướng. Nhưng cùng một lúc, tôi cảm thấy không biết đến bao giờ mới làm được những điều mà người ta đã thể hiện một cách tuyệt vời như vậy. Điều này làm tôi vô cùng cảm hứng, vừa gây cho tôi nỗi sợ rằng mình không có đủ thời gian để đạt được những hoài bão”.

KIM YẾN

Charlie Nguyễn tên Việt là Nguyễn Chánh Trực, sinh năm 1968 tại Sài Gòn, định cư tại Mỹ từ năm 1982 cùng gia đình (trong đó có em trai Johnny Trí Nguyễn). Năm 1992, Charlie Nguyễn lập nên công ty sản xuất phim video Cinema Pictures. Phim đầu tiên của anh, Vua Hùng thứ 18 là một bộ phim được cấp kinh phí độc lập.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Graffiti thay đổi thủ đô Tây Ban Nha



TT - Hơn 130 nghệ sĩ từ khắp châu Âu đã đến thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) để vẽ lên 140 cánh cửa sập ở khu vực trung tâm Malasana - nơi được coi là trung tâm đa văn hóa của thủ đô.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=481719
Các bức vẽ tại các cửa hàng ở Madrid đã thay đổi bộ mặt cả một khu trung tâm mua sắm và văn hóa của thủ đô  - Ảnh: AFP



Các nghệ sĩ graffiti đã đến Madrid để tô điểm cho những cánh cửa sắt bảo vệ cửa hàng theo lời mời của các chủ tiệm. Với sự có mặt của các tác phẩm graffiti, các chủ cửa hàng hi vọng họ sẽ không còn thấy cánh cửa của mình bị vẽ những hình ảnh xấu xí và phản cảm như trước.

Ngoài những hình ảnh nghệ thuật, các bức vẽ trên cửa sắt còn có thể mô tả mặt hàng mà cửa hàng cung cấp. Những người tổ chức hi vọng sáng kiến này được sự ủng hộ của người dân địa phương, giúp khu vực này thành một triển lãm nghệ thuật ngoài trời.

Các nghệ sĩ graffiti chào đón dự án với sự phấn khích không giấu được. Họ cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời, biến toàn bộ khu vực thành một bức vẽ khổng lồ và giúp người dân có thể thưởng thức nghệ thuật.

Những nghệ sĩ graffiti tham gia chương trình vốn không kiếm sống bằng nghề vẽ cửa như vậy, nhưng đây là cơ hội tốt để họ thể hiện ý tưởng thông qua các hình ảnh.

H.NGUYÊN (Theo AFP)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"



(TT&VH) - Trong một bài viết năm 2009 về hi vọng cho một giải thưởng lớn của văn học Việt Nam, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết “Tư duy về văn học ở ta còn loanh quanh ở mức như thế này, văn hóa nghề nghiệp ở những người viết còn dừng lại như thế kia, thì hi vọng làm gì cho mệt. Gần đây một vài người thích nêu ra những câu hỏi vui vui kiểu như bao giờ Việt Nam có những người đoạt giải Nobel văn chương. Tôi nghĩ câu trả lời không có gì khó khăn lắm: đại khái bao giờ người Việt có những phát minh khoa học lớn được cả thế giới áp dụng; hoặc có những nhà hóa học tìm ra những nguyên tố mới; hoặc gần gũi hơn, bao giờ bóng đá Việt Nam ở vào tốp 10 tốp 20 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới thì lúc ấy thơ văn tiểu thuyết chúng ta trước sau sẽ có Nobel”. Nếu nói như ông Vương Trí Nhàn, Việt Nam vừa có Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields rồi, thì có lẽ đã đến lúc, chúng ta có cơ sở để hi vọng vào một giải Nobel văn học chăng?

- Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam. Cũng giống như việc Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, nó cũng không nói lên điều gì về nền khoa học Việt Nam. Nền khoa học Việt Nam như thế nào mọi người đều biết, điện ảnh Việt Nam, văn học Việt Nam như thế nào, mọi người đều biết rồi. Nó đang như thế nào thì kể cả một giải như giải Nobel cũng chẳng nói lên điều gì. Anh Nguyễn Huy Thiệp hay một ai đó mà đoạt giải Nobel, thì tôi nghĩ rằng sau cái sự tự hào, có lẽ nhiều người sẽ thấy xấu hổ. Giải thưởng đó, nếu có, hoàn toàn không nói lên được thực chất của văn học Việt Nam.

* Vậy theo anh, thực chất vấn đề của văn học Việt Nam hiện tại là gì? Liệu có những giá trị chưa được phát hiện từ cái gọi là “văn học ngăn kéo” như một số người lâu nay vẫn nghĩ?

- Tôi nghĩ điều đó là nhảm nhí. Cái gọi là văn học trong ngăn kéo ấy là không có. Lấy đâu ra. Nếu có thì bây giờ người ta đã xuất bản rồi. Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi. Tại sao tôi nói rằng văn học trong ngăn kéo là không có bởi vì nó không tồn tại. Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?

Văn học Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng ta không có tài năng. Sức sáng tạo trong văn học của chúng ta trong giai đoạn này rất yếu. Một trong những lý do quan trọng nhất là văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ. Chính vì thế nên bây giờ nền văn học phải trả giá.

Cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn. Bạn thử đọc lược qua các nhà văn khoảng 30, 40 tuổi đi, họ viết về cái gì, họ viết về cuộc sống của họ, một cuộc sống rất tẻ nhạt và nhàm chán, mệt mỏi. Họ không có bất cứ một sáng tạo nào đột phá về mặt văn chương.

* Người đọc - nhà văn là mối quan hệ hữu cơ trong văn học, nếu người viết để công chúng qua một bên thì…?

- Người viết luôn phải cô độc. Công chúng là một từ rất trừu tượng. Người viết phải hướng đến những người đọc có khả năng chia sẻ những giá trị, đồng điệu chứ không phải đám đông ngoài đường. Cái áp lực lớn nhất, theo tôi, vẫn là tác phẩm. Các nhà xuất bản, các công ty làm sách gần đây, như Nhã Nam chẳng hạn, họ cũng muốn xuất bản lắm nhưng chẳng có tác phẩm nào.

* Quay lại chuyện người viết 8X, tại sao anh gọi thế hệ người viết 8X là thế hệ mất niềm tin?

- Đơn giản thôi, các thế hệ trước chịu ảnh hưởng sâu rộng và nhận sự giao thoa văn hóa lớn của văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nga nhưng đến một giai đoạn, Việt Nam bị cắt ra khỏi dòng giao lưu của văn hóa thế giới. Mọi người đọc rất ít và chịu ảnh hưởng của một chủ nghĩa đế quốc mới, bị xâm lăng bởi văn hóa tiêu dùng. Không đủ khả năng hiểu về văn hóa tiêu dùng nên rất nhiều người đã bị văn hóa tiêu dùng thôn tính, viết ra những thứ rất là nhảm nhí. Họ bỏ giáo quy hàng rất nhanh. Họ không xác định được giá trị của văn học. Vậy nên trong giai đoạn hiện nay mà nói về giải Nobel văn học thì rất là tức cười. Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ thế hệ 9X sau này khá hơn nhiều…

* Vì thế hệ 9X tiếp cận với internet sớm hơn, mọi thứ cởi mở hơn…?

- Tôi nghĩ như vậy. Có một giai đoạn, chúng ta giống như bị chặt ra khỏi đời sống văn hóa của thế giới, mãi những năm gần đây, chúng ta nối lại được. Các bạn trẻ bây giờ có internet, những tác phẩm văn học hay được dịch nhiều hơn. Nhưng tất cả những thứ đấy đều cần thời gian, để xây dựng một thế hệ mới.

* Tác giả Việt Nam nào anh thích trong thời gian gần đây? Nhà văn Linda Lê gần đây có về Việt Nam và đâu đó công chúng văn học lại hi vọng vào một tiếng nói gốc Việt trên văn học thế giới, anh nghĩ gì về điều này?

- Những người mà tôi thích, hiện tại cũng đang gặp những vấn đề, họ đang phải đấu tranh để nghĩ xem họ phải sáng tác như thế nào. Ví dụ như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn mà tôi đánh giá rất cao. Nhưng anh ấy đã im lặng độ 10 năm nay. Nguyễn Bình Phương có nhiều cuốn hay, nhưng tôi thích Những đứa trẻ chết già. Văn học hải ngoại, lúc trước có Trần Vũ, nhưng độ 10 năm nay, Trần Vũ cũng không viết gì cả. Rồi như Linda Lê là một tác giả rất xuất sắc, một người rất “classic”, một tác giả rất tuyệt vời nhưng khó có thể gọi là nhà văn Việt Nam, ngay cả gọi là nhà văn hải ngoại cũng không phải. Linda Lê là một nhà văn Pháp, gốc Việt. Khác với Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Châu hoàn toàn là một người Việt Nam, có thể sinh sống, làm việc tại Pháp nhưng vẫn là một người Việt Nam, vẫn là nhà toán học Việt Nam. Ngoài ra, tôi không có hi vọng gì, nhất là các thế hệ sau này, thế hệ nhà văn 8X.

* Anh có đọc các cây bút 8X đó không, ví như Văn học tuổi 20?

- Trong một năm gần đây, tôi đọc vài tác giả trẻ nhưng không thấy ấn tượng gì lắm. Văn học tuổi 20 tôi vẫn đọc, nhưng không thấy ấn tượng. Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý. Văn chương phải lớn hơn cuộc sống. Văn học và nghệ thuật cứ chăm chăm photocopy lại cuộc sống hiện thực xung quanh thì nó không còn là văn học nữa. Văn chương hay nghệ thuật nói chung phải xây dựng một thế giới khác của người đọc, giúp người đọc tái tạo một thế giới khác. Văn chương, nếu cứ sao chép hiện thực, một hiện thực rất chán, người viết chỉ nhìn thấy bề mặt hiện thực mà không nhìn thấy ẩn dưới bề mặt đó là gì thì chỉ là những tác phẩm trượt dài trên bề mặt.

* Nhiều người phân tích văn học Việt Nam khó đến với thế giới được là vì rào cản ngôn ngữ?

- Thế nào là văn học không đến được với thế giới? Không có tác phẩm thì làm sao đến được với thế giới. Chắc chắn rằng khi có tác phẩm hay, người viết sẽ có được độc giả của mình. Vấn đề là tác phẩm không đủ tầm. Hãy nghĩ đến người viết đã mang lại điều gì đến bạn đọc trong nước, trước khi nói đến chuyện thế giới. Nhà văn Việt Nam chưa làm gì được cho người đọc Việt Nam thì đừng hi vọng làm gì được với thế giới. Ngay cả những người cùng chung ngôn ngữ, chung môi trường mà còn không phát triển được thì lấy gì ra bên ngoài. Cũng như chuyện hàng hóa Việt Nam ấy thôi, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thì lấy gì ra quốc tế. Đấy là quy luật.

* Một số nhà văn hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, anh đánh giá như thế nào?

- Tác phẩm của Thuận thì tôi không thích lắm. Chị Thuận chơi rất thân với tôi, là cùng ở Nga về, nhưng mà… “xảo quá hóa vụng”. Nhà văn phải ngây thơ như một đứa trẻ, nhìn mọi thứ như một đứa trẻ, giữ cho mình sự ngây thơ, trong sáng, tin vào những điều tốt đẹp là rất quan trọng. Chị Phượng thì làm được chuyện ấy. Chị ấy viết ít, cũng không phải xuất sắc nhưng giữ cho mình được sự chân thành và trong trẻo. Thuận thì vẫn là hiện thực, mặc dù xô lệch hiện thực đi và thiếu những chất nhân văn đậm đặc trong đấy. Thuận thiếu cái sự an nhiên như trẻ con.
Văn học Việt Nam thiếu tiếng cười. Sau Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, không ai viết hài hước, sâu sắc, chua cay. Cái cười nó giúp chúng ta vượt lên cao và chiến thắng nhiều thứ. Trong đau khổ, vẫn thấy sự hài hước. Nguyễn Việt Hà thì tạm, nhưng cũng không phải là cái cười của người vượt lên. Bùi Ngọc Tấn, có lúc làm được chuyện ấy…

Nghệ nhân và Margarita của Bulgacov nói về thời kỳ đen tối nhất nhưng vẫn hài hước với hình ảnh con mèo to đùng ôm bếp dầu đi đi lại trong thành phố. Cái trống thiếc, Đôn ki sốt… đã tạo được cái cười nhạo báng xã hội. Khi nhân vật Oskar cười đã tạo ra sự sụp đổ những rường cột của xã hội. Xã hội bây giờ, có ai cười cợt những điều ấy được đâu. Không có ai cười được một cách thông minh, dí dỏm, kể cả cay độc.
Văn chương Việt Nam vừa không có tiếng cười vừa thiếu vắng tình yêu.
Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có tình yêu… Thế hệ sau này không có ai làm được chuyện ấy ngoài Nguyễn Bình Phương. Thế nhưng thế hệ của Nguyễn Bình Phương cũng đã 40 và hơn rồi. Các bạn trẻ gần đây thì không thấy ai…

Nguyễn Trâm Anh thực hiện
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lễ khai ấn: một sáng tạo độc đáo?!



TT - Tuổi Trẻ đã đăng tải ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa xoay quanh vấn đề có không tục “khai ấn đền Trần” (Tuổi Trẻ ngày 18, 19, 21-2). Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang chờ báo cáo của tỉnh Nam Định, một nhà báo - CTV đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=482900
Các bài báo trên Tuổi Trẻ đề cập lễ khai ấn đền Trần



Cách đây gần ba năm (4-7-2009), người viết được mời tham dự cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” do Viện Văn hóa - nghệ thuật VN phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nam Định tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở trung ương và địa phương.

Trong số 11 bài tham luận được trình bày tại hội thảo chỉ có ba tham luận đề cập đến tục lệ khai ấn đền Trần. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cả ba tham luận này đều không trích dẫn được nguồn gốc lịch sử cũng như tài liệu chính sử hay dã sử ghi chép về lễ hội này.

Mở đầu ngày làm việc của năm
Trong bài viết có nhan đề “Lễ khai ấn ở đền Trần Nam Định”, tác giả Trần Đăng Ngọc - phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định - chỉ cho biết: “Theo các cố lão ở địa phương cũng như truyền thuyết dân gian thì trước đây vào thời Trần, hằng năm cứ vào ngày 15 tháng chạp cơ quan hành chính các cấp nghỉ ăn tết, mãi đến rằm tháng giêng năm sau mới trở lại làm việc bình thường. Ngày làm việc đầu tiên trong năm hết sức quan trọng nên được triều đình tổ chức rất trọng thể. Các dấu ấn đã niêm phong cất đi nghỉ ăn tết, nay được lấy ra lau chùi sạch sẽ. Triều đình tổ chức lễ cáo trời đất, sau đó nhà vua sẽ đóng con dấu đầu tiên để mở đầu cho một năm làm việc và mong cho mọi sự tốt lành...”.

Ngoài ra, tác giả Trần Đăng Ngọc cũng miêu tả khá chi tiết quá trình hành lễ, hội của lễ khai ấn đền Trần như thế nào, song lại không đưa ra được những nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy mà chỉ dựa theo lời kể của các cụ cố lão, cao niên hiện nay.

Cũng như vậy, trong bài “Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần với lễ tục khai ấn đầu xuân”, tác giả Phạm Văn Huyên - trưởng phòng nghiệp vụ ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định - chỉ cho biết ý nghĩa ban đầu của lễ tục khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới.

Xuyên suốt trong bài tham luận này, tác giả cũng không đưa ra được bằng chứng văn bản tin cậy nào để thuyết phục rằng ngày xưa (thời nào) có lễ tục khai ấn.

Về lễ khai ấn đền Trần, TS Nguyễn Công Việt - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - lý giải: định lệ khai ấn đầu năm và việc phong khóa bảo tỉ (tức niêm phong khóa kín hòm ấn báu của hoàng đế) cuối năm được thực hiện theo nghi lễ mà hoàng đế và triều đình ban hành. Nghi thức khai ấn đầu năm đã trở thành định lệ bất biến và duy trì qua các triều đại mang ý nghĩa truyền thống cho tới thời Nguyễn.

Lễ khai ấn thời Lê - triều đại tiếp nối với nhà Trần - có ghi trong sách Lê triều hội điển, nhưng chỉ ghi ngắn gọn về lễ phẩm tiến dâng ở các cung, phủ, lầu, xưởng, bài vị ở Hoàng thành Thăng Long. Tại cuộc hội thảo này, người viết có hỏi bên lề rằng vậy thật sự chúng ta có lễ, tục khai ấn không thì được TS Việt cho biết tư liệu có được đến nay chưa tìm thấy sự ghi chép về chuyện đó.

Chưa có tư liệu đáng tin cậy
Dưới con mắt của một nhà khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học - cho rằng “lễ hội khai ấn đầu xuân ở đền Trần là một sáng tạo độc đáo của Nam Định”.

Đề cập nguồn gốc và lịch sử lễ hội khai ấn đầu năm ở đền Trần tại hội thảo trên, ông Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Xuân Cao (Bảo tàng Nam Định) cho biết căn cứ vào báo cáo Khảo sát tìm hiểu lễ khai ấn đầu năm tại đền Trần thì: “Lịch sử, nguồn gốc lễ khai ấn chưa rõ bắt đầu từ thời gian nào, không có sử sách nào ghi chép mà chỉ tương truyền trong dân gian là có từ thời Trần Thái Tông khi về yết lễ tại tiên miếu và ban thưởng cho nhân dân”.

Các tác giả này cũng cho biết thêm từ năm 2000 đến nay, lễ khai ấn đầu xuân ở đền Trần được UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) Nam Định chỉ đạo tổ chức trở thành một lễ hội lớn thu hút hàng vạn lượt người.

Cần biết rằng cuộc hội thảo khoa học “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” diễn ra vào tháng 7-2009 là cuộc hội thảo đầu tiên về lễ khai ấn ở đền Trần kể từ khi nó được tổ chức với quy mô lớn.

Cũng tại cuộc hội thảo này, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học một lần nữa đề nghị tiếp tục khảo sát, nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc lễ, tục khai ấn đền Trần trước khi nâng tầm nó lên thành một lễ hội quốc gia. Song có lẽ chúng ta sẽ không có nhiều hi vọng để tiếp cận tới một tư liệu, thư tịch cổ nào đó ghi chép về lễ khai ấn này, vì nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo cứu mà cũng chẳng thấy đâu.

Nhưng lễ khai ấn thì vẫn diễn ra với quy mô ngày một lớn.

NGUYÊN THÀNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đàn bà và nữ quyền



SGTT.VN - Phụ nữ là hình tượng, chủ đề, đề tài thống trị suốt hàng ngàn năm trong văn học nghệ thuật của xã hội phụ hệ – nam quyền. Đó là một nghịch lý hay một biện chứng?

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119669
W. De Kooning (1904 – 1997), Đàn bà I, sơn dầu, 194 X 147cm, 1952.



Trong cuốn Căn phòng riêng viết năm 1928, nữ văn sĩ V. Woolf (1882 – 1941), bà tổ của phong trào nữ quyền hiện đại đã cho rằng nhân vật phụ nữ đẹp đẽ, được tự do, được thần thánh hoá, được lý tưởng hoá, được tô vẽ thành cái đẹp lý tưởng… hoàn toàn không giống gì với người đàn bà của đời thực: trong căn bếp, ngoài chợ, không tiền, không quyền, đẻ ra toàn bộ nhân loại và chăm sóc từng người ít nhất cho đến khi họ lên năm tuổi. Bà nêu điều kiện cụ thể và tượng trưng để “giải phóng phụ nữ” là mỗi phụ nữ cần có 500 bảng Anh (để sống độc lập) và một căn phòng riêng (để làm việc và độc lập, tự do làm những gì mình muốn). Người nữ trong các tác phẩm nghệ thuật của đàn ông chỉ là sản phẩm tưởng tượng của phái nam, thoả mãn những tham vọng, dục vọng của phái mình mà thực chất là chiếm hữu người nữ… vân vân… Nếu còn sống, không biết bà sẽ nói gì về loạt tranh nổi tiếng thế giới của De Kooning vẽ sau khi bà qua đời gần 30 năm. Riêng tôi, khi xem những tranh này lại nhớ tới Woolf và những pho tượng nữ thần của nghệ thuật thời sơ khai. Họ là sức mạnh sinh sôi, là uy quyền của sự sống, là mẹ đẻ của đức hy sinh và toàn bộ đức hạnh. Họ chưa là lý tưởng đẹp trong các nữ thần Hy–La, chưa là biểu tượng hạnh phúc, hoan lạc trong nghệ thuật châu Âu từ sau thời Phục hưng tới thế kỷ 20, chưa tuyệt mỹ thanh cao hay gợi dục, chưa phải là vườn hoa, bông hoa của đàn ông, cho “đàn ông hái”.

Tranh của De Kooning thuộc phái biểu hiện và biểu hiện trừu tượng những năm 1950 – 1960, trường phái đã đưa mỹ thuật Hoa Kỳ lên tầm ảnh hưởng toàn cầu và dời đô nghệ thuật phương Tây từ châu Âu sang Bắc Mỹ! Trên một nền bị bôi xoá xuệch xoạc, người đàn bà cũng vậy và chính cô ta đang phẫn nộ, tạo ra sự giằng xé và tự giằng xé để khẳng định uy quyền của mình với toàn bộ không gian. Không có gì “đẹp” hay “đèm đẹp”, nhu nhược tiểu thị dân ở người đàn bà này. Sức sống nguyên khai từ cơ thể sung mãn, gương mặt ghê gớm – áp đảo và động tác mạnh mẽ dứt khoát… làm ta bỗng nhận ra một khía cạnh “thật là đàn bà” trong mọi người đàn bà của chúng ta.
Từ cổ đại, người đàn bà đã có nữ quyền của mình – không phải theo nghĩa đối địch với nam quyền mà như là một quà tặng tất nhiên của tự nhiên.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Có không tục “khai ấn đền Trần”?



TT - Hàng vạn người thức trắng đêm, giẫm đạp lên nhau để tranh cướp lá ấn, nhưng đằng sau lá ấn đó liệu có tồn tại câu chuyện lịch sử về việc ban ấn của vua Trần?

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=482735
Hàng ngàn người bao vây một trong các điểm bán ấn tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) đêm 16-2 - Ảnh: Thuận Thắng



Truy về nguồn gốc của tục khai ấn đền Trần trong chính sử, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) cho rằng:

- Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều ý kiến. Việc đó sử chép là diễn ra ở Thăng Long. Từ năm ngoái, tôi đã đọc lại sử cũ và khẳng định trong thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần”.

Tôi đã từng viết loạt bài “Lễ khai ấn đền Trần - một xuyên tạc lịch sử”. Cũng không có chuyện nhà Trần cứ tết đến lại đóng ấn ban chức tước. Xin dẫn một chuyện chính sử có chép: vua Trần Anh Tông từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Thượng hoàng Nhân Tông biết được sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?”. Từ đó vua Trần Anh Tông lại càng thận trọng khi ban chức tước.

Về các ấn bằng gỗ ở nhiều đền thờ đức thánh Trần, TS Nguyễn Công Việt (tác giả cuốn sách Ấn chương Việt Nam) đã phân loại đó là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Các đền thờ Hưng Đạo vương đều có ấn là do cuối đời, khi lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo vương có tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh. Việc lập đền/điện thờ để thờ phụng đức thánh Trần và hành nghề đạo sĩ phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú. Tôi tạm gọi chung các ấn loại này là ấn phù thủy, dùng để đóng vào các bùa - sớ cho tăng tính linh thiêng.

* Có nghĩa là lễ khai ấn hiện nay chẳng liên quan gì đến thời Trần, càng không phải là cái gì thuộc truyền thống dân tộc?

- Tôi chưa hiểu ai là tác giả của việc kết hợp hai chuyện hoàn toàn xa lạ thành một:

a- Việc các công sở của chính quyền thời phong kiến phong ấn trước tết - khai ấn sau tết (tức là tuyên bố ngừng việc và bắt đầu “phục vụ” trở lại).

b- Việc khai ấn đầu năm ở đền Lộc Vượng (Nam Định).

Việc chính quyền nghỉ tết và trở lại làm việc là chuyện rất bình thường, một việc rất hành chính, tất nhiên không hề/không thể bao hàm một ý nghĩa gì của việc phong chức - ban phúc.

Việc đền Trần ở Lộc Vượng khai ấn ngày rằm tháng giêng (đóng một số lượng ấn cực kỳ ít, đủ để phát cho các nhà đền thờ Đức Hưng Đạo vương xung quanh) thì chỉ diễn ra dưới thời Nguyễn (từ triều Minh Mạng). Và cũng không có gì liên quan đến phong chức - ban phúc.

Theo tôi, tâm lý đám đông đã lôi kéo hàng vạn người tham gia tranh cướp ấn như gần đây. Phản ứng dây chuyền, không chỉ đền Trần ở Lộc Vượng (Nam Định) bán ấn, đền Trần ở Hưng Hà (Thái Bình), rồi đền Trần Thương (Hà Nam) cũng mở dịch vụ khai - bán ấn.

Dù thừa biết, dù chẳng tin lắm vào tờ ấn cướp - mua được, nhưng chắc nhiều người vẫn muốn có để coi như một trấn an tinh thần. Tôi được biết còn có cả các tờ ấn dành riêng cho các lái xe (ghi tên người, số xe) để “an toàn xa lộ”, theo nhiều nghĩa.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kịch giải oan cho Nguyễn Thị Lộ



SGTT.VN - Tối 21.2, ngay trước giờ tổng duyệt vở kịch Đêm của bóng tối, NSND Lê Hùng chia sẻ, anh muốn giải oan cho Nguyễn Thị Lộ, điều mà chưa đạo diễn sân khấu nào làm được một cách thấu đáo.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132839



Đó là một ý tưởng thông minh nếu xét đến số lần vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam – Lệ Chi Viên được đưa lên sân khấu. Không lấy Nguyễn Trãi làm nhân vật trung tâm, cũng không sa đà vào những rối ren triều chính, Lê Hùng bắt đầu từ một lát cắt lạ – thời điểm người vợ tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Trãi nhập cung, nhận chức lễ nghi học sĩ.

Trong Đêm của bóng tối, Nguyễn Thị Lộ được đổi tên thành Nguyễn Thị Lan, phải chăng với hàm ý một cánh lan cao quý, nhưng quá đỗi mỏng manh trước gió bão? Ngay phút đầu tiên gặp Nguyễn Thị Lan, vua Lê Thái Tông đã ngơ ngẩn trước sắc đẹp, tài ứng đáp, sự thẳng thắn và kiên trinh của nàng. Mọi giằng co tình cảm trong lòng vị vua trẻ bộc bạch hết nơi dải lụa trắng Nguyễn Thị Lan gói ghém cẩn thận trong tay nải. Dải lụa ấy, khi thì xổ tung như những con sóng cảm xúc cồn cào, khi thì được gấp gáp cuộn lại từng vòng, từng vòng một, như muốn biểu hiện một sự kiềm chế khó khăn… Cảnh tắm của Nguyễn Thị Lan khiến khán giả nghẹt thở. Cơ thể nõn nà của diễn viên đóng thế lồ lộ giữa những đoá hoa rập rờn. Như một sợi dây đàn đã căng đến đỉnh điểm tất sẽ đứt phựt, dục vọng của nhà vua cũng vỡ oà, không gì kiểm soát nổi. Nhưng, chỉ một tiếng kêu thảng thốt của Nguyễn Thị Lan, nhà vua đã dừng lại, chỉ một nét buồn đau hằn sâu trên gương mặt nàng, nhà vua đã đủ dũng khí để nàng về với Nguyễn Trãi và với cuộc sống bình yên.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132840



Chưa bao giờ, người ta có một hình dung rõ nét thế về vua Lê Thái Tông, nhân vật luôn đứng ở hàng thứ yếu trong những tác phẩm sân khấu khai thác vụ án vườn Lệ Chi. Bỗng nhiên, người ta thấy đồng cảm với vị vua si tình, nhưng lại quá cô đơn giữa những kẻ xu nịnh và một hậu cung đầy những đoá hoa hữu sắc vô hương. Nguyễn Thị Lan là tri kỷ duy nhất nhà vua có thể trút bỏ những nỗi niềm đè nặng trong lòng. Đâu là tôi trung, đâu là nịnh thần, nhà vua nhìn thấy hết. Nhưng cũng như bao vị quân vương khác, ngài không thể không đề phòng những bề tôi tài giỏi, không thể không triệt hạ những mối nguy tiềm ẩn đối với ngai vàng. Tâm sự ấy, chỉ Nguyễn Thị Lan thấu hiểu. Và nàng đã dần cảm mến nhà vua, như chuyện tất nhiên phải thế. Nàng, phải chăng cũng suýt ngã lòng, nếu như không có bức tâm thư của Nguyễn Trãi gửi đến đúng lúc? Mối quan hệ giữa nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ và vua Lê Thái Tông, vốn dĩ khiến những người quan tâm đến lịch sử cảm thấy mơ hồ, hoài nghi, một lần nữa, lại được “kết” một cách lửng lơ. Nhưng câu chuyện chính trị đã được chuyển hoá thành một câu chuyện tình yêu rất tự nhiên. Chỉ có điều, trong khi “cải” được cho Nguyễn Thị Lan cái án dâm nữ, Lê Hùng vô tình khoác cho nàng một tội danh mà những hồng nhan thường gánh chịu. Nguyễn Trãi, trước giờ phút cả gia đình bị thảm sát, đã oán thán kêu trời: “Gia đình ta tan nát cũng chỉ vì một cánh hoa”.

Quen với những vở kịch dài, khán giả hơi bất ngờ với sự cô đọng và tiết chế của Lê Hùng trong Đêm của bóng tối. Một bi kịch chính trị, một bi kịch tình yêu với rất nhiều tình tiết phức tạp được anh gói gọn và lý giải cặn kẽ chỉ trong hai tiếng đồng hồ, trên một nền sân khấu được anh tung vào rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Tiếc là, trong khi mải chăm chút cho Nguyễn Thị Lan và vua Lê Thái Tông, đạo diễn và tác giả kịch bản lại lơ là Nguyễn Trãi, để hình ảnh ông hiện lên một cách khá hời hợt và thiếu hẳn phong thái của một anh hùng.

Hương Lan
ảnh: Hi Lam


Sau nhiều tháng dàn dựng, tối 21.2, nhà hát kịch Việt Nam đã tổ chức tổng duyệt vở kịch Đêm của bóng tối (tác giả kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Các diễn viên chính: NSƯT Trung Anh vai Nguyễn Trãi, NSƯT Lan Hương vai Nguyễn Thị Lan. Đặc biệt, nghệ sĩ trẻ Tiến Lộc đảm nhận một vai quan trọng: vua Lê Thái Tông.

Đêm của bóng tối sẽ chính thức ra mắt khán giả trong quý 1 năm nay.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người giữ lửa văn hóa Việt tại Canada



Báo Đất Việt, cập nhật lúc :9:59 AM, 03/03/2011

Bà Đinh Kim Nguyệt, kiều bào Canada, Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn văn hóa truyền thống đa sắc tộc của thành phố Whitehorse thời gian qua đã góp phần gìn giữ tiếng Việt và quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

http://www.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20110303/cd32kb1.jpg
Bà Kim Nguyệt (đội nón) giới thiệu món ăn Việt tại lễ hội đa văn hóa.



Nặng lòng với nguồn cội, người phụ nữ ấy luôn trăn trở làm sao để những di sản văn hóa Việt phát triển nơi xứ tuyết.

Tự hào hai tiếng Việt Nam
Chia sẻ với Đất Việt, bà cho biết Tổ chức Bảo tồn văn hóa truyền thống đa sắc tộc của thành phố Whitehorse có nhiệm vụ kế thừa, bảo tồn và phát triển các nét đẹp về văn hóa truyền thống của người dân các nước sinh sống tại Canada. “Tôi tin rằng bất kỳ ai, bất kỳ dân tộc nào, khi họ phải sống xa quê hương đều có một niềm tự hào dân tộc như chúng ta”, bà Nguyệt tâm sự.

Đó chính là lý do thôi thúc bà đứng ra tổ chức Lễ hội Bảo tồn văn hóa truyền thống để tạo cơ hội cho tất cả các cộng đồng có mặt tại vùng Yukon giới thiệu với người địa phương về các nét đẹp văn hóa truyền thống quê mẹ của họ... Đây cũng là dịp để mọi người hiểu nhau hơn và cùng nhau vượt qua những cách biệt về văn hóa.

Bà vô cùng vui sướng khi các lễ hội của Việt Nam được sự đón nhận rất nồng nhiệt của tất cả người dân Yukon. Dù đây là hoạt động nhằm truyền bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới nhưng từ sự nỗ lực vận động của bà, kinh phí tổ chức được trích từ ngân sách quốc gia Canada.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 2 lần tổ chức Lễ hội Bảo tồn văn hóa truyền thống, bà Nguyệt nói: “Tôi đề nghị chọn ca khúc Trái Đất này là của chúng mình của Nhạc sĩ Trương Quang Lục làm bài hát chủ đạo cho lễ hội. Ca khúc đã được các em bé trình bày bằng tiếng mẹ đẻ của cộng đồng mình”.

Nguyện ước đã thành
Đó là việc thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Canada để có thể giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam không chỉ cho thanh thiếu niên Canada gốc Việt mà còn trên cả đất nước rộng lớn này. Bà Nguyệt đã 4 lần tổ chức Tết trung thu và dạy làm lồng đèn cho các cháu, 2 lần tổ chức Tết Nguyên đán cho bà con người Việt, đồng thời tổ chức rất nhiều triển lãm, thuyết trình để giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Những cái Tết Việt với lồng đèn, cành mai, bánh chưng, bánh dày và các món ăn Việt đã trở thành những sự kiện văn hóa không chỉ được bà con kiều bào hưởng ứng mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.

Bà Nguyệt cũng rất chú trọng đến việc dạy tiếng Việt tại Canada. “Tôi được hiệu trưởng các trường trung học mời đến giảng. Học sinh của tôi, ngoài các em gốc Việt, còn có nhiều thanh thiếu niên từ những cộng đồng khác. Các em rất thích thú học tiếng Việt. Đó là điều làm tôi hạnh phúc nhất”, bà Nguyệt nói.

KIM THOA


“Ở miền tây Canada có tất cả 252 thư viện công cộng, trong đó có hơn 20 thư viện có sách tiếng Việt nhưng sách dạy và học tiếng Việt thì rất ít. Tôi mong các cơ quan chức năng Việt Nam in thêm nhiều sách, sản xuất nhiều đĩa phim dạy tiếng Việt bằng song ngữ, để thế hệ trẻ gốc Việt học tiếng mẹ đẻ thuận lợi hơn”, bà Nguyệt chia sẻ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối