Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thang máy và chuyện bảo tồn thiên nhiên



SGTT.VN - Ngành du lịch Đà Nẵng đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống thang máy lên ngọn Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn vào hồi đầu tháng 5.2011, với vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=142504
Thang máy phục vụ khách du lịch lên ngọn Thuỷ Sơn thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn được đưa vào sử dụng ngày 1.5.2011. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn



Có ý kiến cho rằng nếu năm 1857, Elisha Graves Otis ghi danh lần đầu tiên chế tạo ra thang máy công cộng tại một cửa hàng cao 5 tầng ở Broadway thuộc New York thì năm 2011 này, có lẽ lịch sử ứng dụng thang máy lên núi sẽ được “ghi danh” tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam (!?).

Thật biến thành giả
Danh thắng Ngũ Hành Sơn được lấy làm biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn có 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, ngọn Thủy Sơn lớn nhất, trên đỉnh có hai ngôi chùa nổi tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Chùa Tam Thai được xây dưới thời Hậu Lê, được trùng tu lớn dưới đời vua Minh Mạng, hiện nay được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Linh Ứng được xây đời Gia Long, xây thêm vào các đời Minh Mạng, Thành Thái. Muốn lên Tam Thai, du khách phải trèo 156 bậc cấp, lên Linh Ứng thì trèo thêm 108 bậc.

Không riêng gì Đà Nẵng, nhiều di tích, danh lam thắng khi có bàn tay của người làm du lịch hiện nay "thò" vào thì cái thật đôi khi lập tức biến thành cái giả. Di tích thật biến thành di tích dỏm, lễ hội thật biến thành kịch dở...

Có thể rút ra đó chính là kiểu tư duy của không ít người làm du lịch hiện hiện nay. Kiểu tư duy ngắn hạn, với mục đích cao nhất trước mắt là thu hút được càng nhiều “triệu” lượt khách hàng năm càng tốt. Đây chính là sai lầm cho tương lai ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Ở Trung Quốc, năm 2010, cơ quan quản lý văn hóa di sản tỉnh Hà Nam giới hạn khách du lịch tới tham quan đài tưởng niệm Đăng Phong với lý do nồng độ CO2 và độ ẩm quá cao sẽ làm hư hại các bức tượng. Núi Vũ Di (di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới) ở tỉnh Phúc Kiến cũng áp dụng hạn chế du khách để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Khu lăng mộ Pharaoh Tutankhamen ở Ai Cập hạn chế du khách vì lý do người đông, không khí ẩm ướt, vi khuẩn ảnh hưởng đến di tích.

Ở Việt Nam, đã bao giờ có một quyết định tương tự nhằm bảo vệ di sản bởi nhu cầu “khát” lượt khách của ngành du lịch? Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của cơ quan quản lý di sản, như lãnh đạo đô thị cổ Hội An có lần phát biểu sẽ tới thời điểm phải nghĩ đến việc hạn chế du khách để bảo vệ khai thác lâu dài.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn có lợi thế lớn nhất là cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tâm linh cần được bảo vệ nguyên vẹn để cho nhiều thế hệ hưởng lợi. Vậy mà, khi đồ án công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (của nhóm kiến trúc sư đại học Kiến trúc TP.HCM) vừa được chính quyền TP.Đà Nẵng phê duyệt thì người làm du lịch đã “kịp thời” làm thang máy cho khách hành hương lên núi mất rồi!

Nguyễn Minh Sơn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Cuộc chiến” Kung fu Panda ở Trung Quốc



TT - Ra mắt ở Trung Quốc trước ngày 1-6, bộ phim Kung fu Panda phần 2 đang vấp phải những lời kêu gọi tẩy chay tại đây.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=500181
Gấu trúc Po (giữa) trong phim Kung fu Panda 2 - Ảnh: imdb



Một số nghệ sĩ và học giả Trung Quốc cho rằng bộ phim đã bóp méo văn hóa Trung Hoa và là công cụ để "bắt cóc" tâm trí của người Trung Quốc. "Ðừng biến Ngày quốc tế thiếu nhi thành ngày kiếm tiền cho Hollywood, đừng làm ngu ngốc thế hệ tiếp theo của chúng ta bằng món ăn nhanh của Mỹ" - bức thư ngỏ gửi tới các chủ rạp chiếu của Trung Quốc do nghệ sĩ tiên phong Zhao Bandi viết, hi vọng tẩy chay "bộ phim Mỹ hóa".

Trong hai tuần qua, Zhao đã sử dụng tiền túi của mình để đăng tải ý kiến trên các tờ báo ở Bắc Kinh và Quảng Châu, hô hào người Trung Quốc không xem bộ phim. "Ðây là một cuộc chiến" - ông nói. Năm 2008, Zhao cũng khởi động chiến dịch tương tự đòi tẩy chay phần 1 của bộ phim Kung fu Panda, dù sau đó bộ phim này mang về số tiền bán vé kỷ lục dành cho phim hoạt hình ở Trung Quốc: 180 triệu NDT (27,7 triệu USD).

Việc làm của Zhao được Kong Qingdong - một giáo sư nổi tiếng về ngôn ngữ tại ÐH Bắc Kinh - ủng hộ. Ông cho rằng văn hóa Trung Quốc đã trở thành sản phẩm quảng cáo để quảng bá văn hóa Mỹ. "Ðây là cuộc xâm lược văn hóa" - ông Kong nói.

Trong bộ phim, chú gấu trúc - con vật mà chỉ Trung Quốc mới có - tên Po có những tính cách như nói nhiều, hài hước, đáng yêu, ngây thơ được tin là một nhân vật Mỹ điển hình. Tuy nhiên, hàng triệu người Trung Quốc đang hâm mộ chú. Trên website weibo.com, bình luận về bộ phim đã đạt tới con số 270 triệu lượt.

Hầu hết các câu hỏi là: Vì sao chúng ta không thể tự làm ra những bộ phim tuyệt vời như vậy? "Tôi không coi đó là xâm lược văn hóa - Li Jiayi, một sinh viên Bắc Kinh, nói - Tôi không thấy gì sai nếu những người khác sử dụng các yếu tố văn hóa của chúng tôi để làm phim". Trong khi đó, Yuan Weili - một cô gái 25 tuổi từ Thạch Gia Trang, Hà Bắc - cho biết cô đã đợi ba năm để xem phần tiếp theo.

Cao Hui - phó tổng giám đốc Công ty giải trí Global Digital Creations ở Thâm Quyến - nói thay vì "tẩy chay", các nhà làm phim nên học hỏi để làm những bộ phim hay hơn khi sử dụng các câu chuyện và yếu tố văn hóa Trung Quốc, đặc biệt về kỹ năng kể chuyện.

H.N. (Theo China Daily)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đọc thơ Nguyễn Trãi bằng tiếng Anh



TT - Chiều 30-5, khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức buổi giao lưu học thuật mang tên Dịch thơ Nguyễn Trãi ở Hoa Kỳ.

Buổi giao lưu nhằm giới thiệu tuyển thơ Nguyễn Trãi bằng tiếng Anh có nhan đề Beyond the court gate (Rời xa triều đình) do nhà thơ, dịch giả Mỹ Paul Hoover - giáo sư khoa sáng tạo văn học ĐH bang California tại San Francisco và nhà thơ Nguyễn Đỗ (đang sinh sống tại Mỹ) đồng dịch giả và chủ biên, NXB Counterpath Press (Mỹ) ấn hành năm 2010.

Tuyển tập dày khoảng 160 trang với bài Bình Ngô đại cáo và 150 bài thơ. Nhà thơ Nguyễn Đỗ cho rằng phần lớn người VN chưa chú trọng đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi như một gương mặt văn học, thơ Nguyễn Trãi cũng sử dụng nhiều từ ngữ cổ mà có khi thế hệ hôm nay chưa hiểu được tường tận.

Khi đọc Nguyễn Trãi, Nguyễn Đỗ cho biết ông rất bất ngờ vì thơ của Nguyễn Trãi rất hiện đại nên khi bắt tay cùng Paul Hoover dịch thơ sang tiếng Anh, cả hai đều thống nhất sử dụng ngôn ngữ hiện đại.

Trong buổi giao lưu, Nguyễn Đỗ đã đọc nhiều bài thơ của Nguyễn Trãi bằng tiếng Việt, còn giáo sư Paul Hoover thể hiện bằng tiếng Anh. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng “phụ họa” bằng những bài thơ trong công trình chuyển thơ Nguyễn Trãi sang thể thơ lục bát mà ông đang thực hiện.

Trước băn khoăn của một số giảng viên khoa văn học và ngôn ngữ về việc có một số ý trong thơ Nguyễn Trãi chưa được dịch sát hoặc lệch nghĩa, chưa thấy được tính nhịp nhàng trong vần điệu của một số bài thơ..., ông Paul Hoover bộc bạch việc dịch thơ Nguyễn Trãi là công việc hết sức khó khăn nên có những cái bất khả kháng đành phải bỏ qua.

Trước buổi giao lưu, Beyond the court gate đã được giới thiệu vòng quanh nước Mỹ. Chuyến về VN lần này, nhóm dịch giả đã tổ chức giới thiệu tập sách tại Hà Nội, Vinh và Quảng Ngãi. Tại TP.HCM, nhóm đã giao lưu ở Cà phê thứ bảy ngày 29-5 và sẽ giao lưu một buổi tại Trường ĐH Hoa Sen vào sáng 31-5 để kết thúc chuyến giới thiệu tập thơ tại VN.

LINH ĐOAN

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=500355
Tập tuyển thơ Beyond the court gate là công trình hợp tác chung thứ ba của giáo sư Paul Hoover và nhà thơ Nguyễn Đỗ. Trước đó, cả hai từng hợp tác trong tuyển thơ VN đương đại Chó đen, đêm đen, Tuyển thơ Thanh Thảo 1, 2, 3. Hiện Hoover và anh đang tập trung tư liệu để sắp tới cho ra mắt tuyển tập 4.000 năm thơ VN.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Còn Cổ Đạm là còn ca trù



SGTT.VN - Cổ Đạm là một làng nhỏ, cách thành phố Vinh khoảng nửa giờ ôtô. Ở đó, tồn tại một giáo phường ca trù cổ lớn nhất Bắc Trung bộ và sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, ca trù với sức sống bền bỉ của nó, đã lại bùng lên. Nhưng cái nghèo đeo đẳng khiến Cổ Đạm thời điểm này vẫn như một nhan sắc bị khuất lấp sau luỹ tre làng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=141380

Nghệ nhân Phan Thị Mơn, mười tuổi đã hát nhuyễn các làn điệu ca trù.


Vàng son một thuở

Mảnh đất nghèo này còn lưu truyền câu chuyện chàng trai nghèo Đinh Lễ được tiên ban cho khúc gỗ để đẽo thành cây đàn, khi đẽo xong, tiếng đàn hay đến nỗi chim cá cũng ngẩn ngơ. Người vợ là công chúa câm, nhờ nghe tiếng đàn mà nói và hát được. Rồi hai vợ chồng trở thành cặp ca nương, kép đàn đầu tiên của làng, họ cùng nhau dạy đàn, hát cho dân trong vùng. Lúc chết, họ được thờ làm tổ sư. Vì câu chuyện này, cộng với một số cứ liệu lịch sử mà nhiều người tin chắc Cổ Đạm là cái nôi của ca trù.

Ca trù Cổ Đạm được nhớ, được ghi nhận bởi có những “hồn vía riêng” hiển hiện trong âm nhạc lẫn ca từ (rất khác với ca trù đất Bắc) do cách hát hầu như không luyến láy và ít ngưng nghỉ, vừa nhanh vừa đanh, tiết tấu rõ. Ngay cả cách đệm đàn, trống, phách của xứ này cũng khác, ví dụ phách thiên về lối đánh chìm, đánh lửng trong khi tiếng phách xứ ngoài nổ và giòn hơn. Lời thơ ca trù Cổ Đạm cũng được cho là phóng túng. Thời ấy, Nguyễn Công Trứ, người con đất Nghi Xuân, nổi danh là kép đàn độc nhất vô nhị của ca trù Cổ Đạm, không chỉ là tác giả đặt lời nhiều nhất cho ca trù mà còn là người đã đưa ca trù bước khỏi luỹ tre làng để cất tiếng cao sang chốn cung đình… Thời Nguyễn, Cổ Đạm nức danh với tiếng hát, tiếng đàn của nhiều đào ngự, kép ngự vốn sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà tranh bé nhỏ của làng.

Nghệ nhân Phan Thị Mơn – thời trẻ từng bôn ba nhiều canh hát khắp Bắc – Trung – Nam, từng vào vai người mẹ liệt sĩ vừa đi trên miệng hố bom vừa ngân nga ca trù trong phim Ngã ba Đồng Lộc.

Năm lên mười, cụ đã hát nhuyễn các làn điệu ca trù; 17 tuổi, cụ được quan bộ lễ ở Huế ra tận nơi rước vào điện Thái Hoà hát tiến vua Bảo Đại… Những năm ca trù bặt giọng, không người hát chẳng người nghe, người đàn bà ấy ngậm trong lòng những câu hát mưỡu, hát nói, hát rước… và giờ đây ở tuổi 89, cụ là kho tàng, là điểm tựa của những đào nương trẻ thấp thỏm chờ vào canh hát mỗi đêm…

Cụ cũng là người khai sinh những lớp học truyền nghề miễn phí đầu tiên trong làng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=141381

Hai ca nương nhí, niềm hy vọng của làng ca trù.


Tiếng hát chưa lấm bùn

Hiện tại, làng có ba thế hệ ca nương: thế hệ thứ nhất gồm năm cụ bà đã được phong nghệ nhân; thế hệ thứ hai, có tới ba ca nương từng đoạt huy chương vàng trong các liên hoan ca trù toàn quốc; thế hệ thứ ba là các em nhỏ học sinh cấp một, cấp hai, trong đó có ca nương nhí Minh Ngọc 13 tuổi từng đoạt huy chương bạc trong liên hoan toàn quốc các câu lạc bộ ca trù 2009… Các ca nương xinh đẹp, hát hay như chị Vân, chị Xanh, chị Nết; những kép đàn, quan viên như anh Trần Văn Đài, anh Võ Thanh Tuấn… đều là nông dân hoặc con cái nông dân, ban ngày họ lội bùn cày cấy, đêm cùng nhau lên đình đàn hát, tạm gác bỏ những bức bối mưu sinh…

Gặp họ trong canh hát tổ chức vào đêm đầu tiên của tháng 5, được chiêm ngưỡng không gian ca trù Cổ Đạm, mới thấy được các thế hệ nghệ nhân ca trù xưa và nay của Cổ Đạm đều giống nhau ở đức hy sinh. Khi ca trù chưa được coi là nghề, đúng hơn chỉ là niềm đam mê, thì chính những nghệ nhân của làng đã và đang hoàn thành tốt nhất sứ mệnh bảo tồn nghệ thuật cổ. 26 làn điệu, nay đã khôi phục được mười, và các nương, kép đàn Cổ Đạm vẫn còn đó niềm đau đáu… Nhưng ở Cổ Đạm ca trù đã được đưa vào trường học, là một trong những lý do để người yêu ca trù tin ở sức sống của ca trù sau nhiều thập kỷ mai một.

Trong số 63 câu lạc bộ ca trù nằm rải rác ở 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, khúc hát ca trù Cổ Đạm vẫn ấp ủ những mặn mòi, day dứt, không bị “lấm bùn” bởi những mặc cả thị trường, vẫn say đắm ngọt ngào giữa gió Lào và cát trắng.

Bài và ảnh: Kim Hoa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tình mẹ ấm êm



SGTT.VN - Hội hoạ của Renoir nói riêng và cả trường phái Ấn tượng nói chung khá tiêu biểu cho cái không khí thanh bình “vô tư lự” lan toả khắp châu Âu.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=143106
Mẹ cho con bú, sơn dầu, 1892.



Cái cảnh mẹ cho con bú trong bức tranh này với người phương Tây hôm nay cũng đã xa vời như các nữ thần Ai Cập và Hy-La. Người mẹ rất trẻ, phốp pháp, giản dị hơn là thông minh đang vạch vú cho con bú. Thằng bé vừa bú vừa lấy tay sờ ngón chân, khoe ra cái “của quý” tí hon mà mẹ nó chắc rất tự hào. Hai mẹ con ngồi trên một cái ghế mây ngoài vườn, dưới bóng cây to râm mát có ánh nắng lung linh. Phía trước, một con mèo ngự trên một tấm khăn đang tự liếm láp. Phía xa là mái nhà tranh, xa nữa là vườn cây vàng đang vào thu cùng mái ngói đỏ trong ngõ xóm thân quen. Dường như đứa bé chỉ biết có mẹ và sữa mẹ. Và với mẹ nó, toàn bộ thế giới này chỉ là đứa con trong lòng, trong tim mình, là cái cây, bãi cỏ, mái nhà, con mèo, ánh nắng cùng hơi ấm của đất, hơi mát của gió. Giản dị, êm đềm và đáng ước mơ biết bao. Nhưng cũng là quá tiểu tư sản, quá thị dân, quá an phận, quá dễ dãi với nghệ thuật, nên các nhà cách mạng và các nghệ sĩ nổi loạn đầu thế kỷ 20 lên án phái Ấn tượng không thương tiếc.

Song với Renoir thì hội hoạ cần giản dị, đời thường, không lên gân, đao to búa lớn ở đề tài. Nhân vật chính của hội hoạ là ánh sáng. Màu sắc là hiệu quả khúc xạ của ánh sáng nên không có đen và trắng, các màu được tách ra độc lập, để cạnh nhau và sẽ tự hoà sắc trong mắt ta. Cái yên ấm thậm chí là nhạt nhẽo của họ chính là cuộc cách mạng hội hoạ lớn nhất ở châu Âu từ Phục hưng tới thế kỷ 20. Đến nay, tranh của Renoir và phái Ấn tượng vẫn thuộc loại đắt giá nhất trên thị trường.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Hoa hướng dương và hoạ sĩ của tương lai


SGTT.VN - Một bức tĩnh vật có thể trở thành biểu tượng của một hoạ sĩ, một trường phái, một thời đại nghệ thuật thế giới. Đó là loạt 12 bức hoa hướng dương của Van Gogh (1853 – 1890) vẽ trong các năm 1887 – 1889 ở Paris và Arle.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=142492

Hoa h­ướng dương. Sơn dầu


Ông thường vẽ những bông hoa cắm trong một cái bình đất liên tục từ sáng sớm tới chiều muộn vì hoa này rất nhanh tàn. Ông cho rằng cơ sở đầu tiên của hội hoạ là nét tạo kết cấu vững chắc: hệ thống nét quằn quại, uốn lượn như lửa, xoắn kết rồi tung tán như xoáy lốc hay gió cuốn, nước chảy đặc trưng cho phong cách Van Gogh.

Bản giao hưởng vàng – lục của ông quá nhiều cung bậc, tinh tế, hào hùng và bi đát, chỉ có thể so với các giao hưởng của Beethoven. Van Gogh quy giản không gian về hai chiều, bình đồ như các hoạ sĩ Á Đông để nhấn mạnh vẻ đồ sộ phi thường của những đoá hoa gân guốc, thô nhám, không mảy may hoa mỹ, ẻo lả hay điệu đà, mời gọi nhàm chán… Ở bình hoa đó hoạ sĩ muốn gói trọn một kiếp người, một vòng sống: sinh ra – tươi non – trưởng thành – yêu thương – sinh sản – già nua héo tàn và chết! Màu vàng – Van Gogh được một số người lý giải là hệ quả của bệnh thấy ánh vàng hay do kỹ thuật chế màu chói sáng nhờ có gốc chì. Điều đó dĩ nhiên là phiến diện bởi trong các bức thư gửi Theo, người em trai, Van Gogh nói ông vẽ loạt tĩnh vật hoa hướng dương để thể hiện tâm hồn và tư tưởng của chính ông và của cả một thời đại sẽ tới. Ông tự ám chỉ mình là hoạ sĩ của tương lai. Hành động vẽ là hành động sống, nét vẽ là chính nhịp đập của máu từ tim và rung động của thần kinh từ khối óc, trực tiếp, không qua một trung gian nào. Và đó chính là tôn chỉ nghệ thuật của các phái dã thú, biểu hiện ở châu Âu và biểu hiện trừu tượng ở Mỹ suốt cả thế kỷ 20.

Hoàn toàn không quá khi nói: nếu là hoạ sĩ trẻ sinh sau Van Gogh, chắc chắn bạn phải có lúc đã từng coi ông cùng những bông hướng dương này là mặt trời hội hoạ của mình.

NGUYỄN QUÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Vodanhthi đã viết:

“Cuộc chiến” Kung fu Panda ở Trung Quốc

TT - Ra mắt ở Trung Quốc trước ngày 1-6, bộ phim Kung fu Panda phần 2 đang vấp phải những lời kêu gọi tẩy chay tại đây.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=500181
Gấu trúc Po (giữa) trong phim Kung fu Panda 2 - Ảnh: imdb

Cao Hui - phó tổng giám đốc Công ty giải trí Global Digital Creations ở Thâm Quyến - nói thay vì "tẩy chay", các nhà làm phim nên học hỏi để làm những bộ phim hay hơn khi sử dụng các câu chuyện và yếu tố văn hóa Trung Quốc, đặc biệt về kỹ năng kể chuyện.

H.N. (Theo China Daily)
Nếu Hollywood thể hiện "giúp" phim: Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long hoàn hảo và rất Việt. Như họ thể hiện Kung fu Panda phần 1 và 2 rất Trung Quốc như thế. Liệu có học giả nào của ta lên tiếng kiểu tương tự không nhỉ?
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Gặp lại gốm Đoan



SGTT.VN - Mười ba năm sau triển lãm cá nhân đầu tiên, công chúng yêu mỹ thuật thủ đô mới được gặp lại gốm Đoan qua triển lãm Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Đoan – gốm và tranh khắc, diễn ra tại gallery Âu Cơ. Hơn 70 tác phẩm gốm và tranh khắc khiến người ta ngỡ ngàng trước sức sáng tạo của người hoạ sĩ đã bước sang tuổi 70…

Triển lãm chưa khai mạc, đã có những vị khách tìm đến sớm…

Hơn một thập kỷ trước, triển lãm cá nhân đầu tiên của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Đoan tại gallery Tràng An gây xôn xao giới mỹ thuật và làng gốm, vì màu sắc, tạo hình gốm độc đáo, và vì tư duy làm gốm mới mẻ. Người ta chuộng men bóng, ông thích men thô. Người ta ưa nung gốm tới chín già, ông chỉ nung chín tới theo cảm giác, không lệ thuộc nhiệt độ lò. Kết quả của chín tới, như nhận định của nhà phê bình mỹ thuật

Lê Huy Quang, là những tác phẩm gốm mềm mại, sống động, tránh được trạng thái đanh cứng do bị đốt quá nóng. Không sử dụng hoá chất tạo màu theo quy trình quen thuộc, ông mày mò dùng chính các loại đất khác nhau tạo nên màu gốm. Đó là lý do vì sao gốm Đoan màu sắc phong phú, mà lại rất thật, rất mộc, rất tự nhiên. Đến xem triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Đoan tại gallery Tràng An năm ấy, người ta trầm trồ trước những cây đèn gốm dài hơn 1m được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, những chiếc bình gốm đủ kích cỡ từ nhỏ xíu đến khổng lồ với những mảng trang trí khi thì đắp nổi, khi thì khoét lõm, với hình dáng, hoạ tiết hết sức đa dạng. Chùm tượng gốm các con vật của ông thật lạ và thú vị. Con mèo, con rùa, con cua, con lợn… mỗi con một tư thế: đứng, ngồi, nằm…, mỗi con một tạo hình: tròn, vuông, méo… nhưng nhìn là nhận ra ngay. Nguyễn Trọng Đoan bảo, ông chỉ giữ lại một vài nét tiêu biểu nhất khi khắc hoạ cái thần của con vật, đấy là cách để mở cho mình một lối đi tự do, riêng có. Ngày đấy, chất riêng có của gốm Đoan được làng gốm và giới mỹ thuật trong nước đón nhận như một hiện tượng. Lần đầu tiên các sản phẩm gốm được nâng cấp thành gốm nghệ thuật. Lần đầu tiên, người ta ngỡ ngàng làm quen với điêu khắc gốm. Sau gốm Đoan, dần nổi lên gốm Bảo Toàn, gốm Nhung, gốm Chi... nhưng người ta vẫn nhắc tới Nguyễn Trọng Đoan như tên tuổi tiên phong của nghệ thuật gốm Việt Nam hiện đại.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=120673
Một tác phẩm gốm Đoan. Ảnh: Hương Lan



Giờ đây, gốm Đoan trở lại, vẫn sung sức kỳ lạ, dù tác giả tóc đã bạc phơ, không còn đủ sức thực hiện những điêu khắc gốm đồ sộ, hoành tráng như xưa. Thay vào đó, ông chuyển hướng sang những tác phẩm có kích cỡ từ nhỏ đến vừa. Nhỏ không có nghĩa là dễ làm. Càng nhỏ lại càng phải tỉ mẩn, tinh xảo. Đơn cử như bộ 100 lọ gốm nhỏ của ông, trên lớp màu – đất mộc mạc, những hình hoạ hiện đại – một khuôn mặt người, một bức tranh trừu tượng, một bài thơ… được đưa vào như những chấm phá tinh tế. Chùm tranh khắc gỗ cũng cho thấy một góc khác độc đáo của Nguyễn Trọng Đoan. Nếu gốm của ông thiên về tông trầm thì tranh lại mang màu sắc ấm áp. Hình ảnh đồng quê, chú mèo, hoa sen, chiếc lá… hiển hiện thật sinh động với sắc thái tươi tắn. Năng lượng dồi dào của hoạ sĩ ngoài 70 – không thích bắt chước ai và luôn muốn làm mới mình – một lần nữa khiến người ta nể phục.

Gallery Âu Cơ muốn triển lãm gốm Đoan phải thật sang trọng, chỉ bày những tác phẩm tiêu biểu. Nhưng Nguyễn Trọng Đoan chịu không thể cân đo xem mình yêu đứa con tinh thần nào hơn. Cũng vì thế mà suốt bao nhiêu năm qua, ông không nỡ lòng bán đi một tác phẩm nào, chỉ duy nhất một lần phá lệ với cặp vợ chồng người Mỹ vượt chặng đường dài đến Việt Nam vì gốm Đoan. Càng ngày, cái kho lưu trữ đồ gốm của ông càng chật ních. Có người tưởng ông giàu có lắm. Ít ai biết, gốm Đoan cũng đã nhiều phen chao đảo vì tác phẩm xếp kín lò mà không có tiền mua củi đốt. Nhưng ông bảo, những lúc khốn khó nhất, ông lại may mắn gặp được những người yêu nghệ thuật một cách chân thành, không vụ lợi. Nhờ thế, đã có một gốm Đoan của ngày trở lại.

Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật công nghiệp, từng tu nghiệp tại Tiệp Khắc, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Đoan gắn bó với gốm suốt con đường nghệ thuật của ông. Ông nhận giải thưởng nhà nước năm 2007 và rất nhiều giải thưởng do hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng. Tác phẩm gốm của ông đã từng được giới thiệu tại các triển lãm quốc tế.

Hương Lan
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhạc sang hè phố



TT - Khoảng nửa năm nay trên đường Yersin (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có một nơi khiến nhiều người tranh thủ tìm từng chỗ ngồi để tận hưởng món ăn tinh thần khá lạ: nghe nhạc "sống" ở quán cà phê Live to River vào tối thứ sáu hằng tuần.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=501990
Quang cảnh một đêm “nhạc sang hè phố” - Ảnh: Mễ Thuận



Ngay từ những ngày đầu ra mắt, Live to River đã trở thành điểm đến hấp dẫn của những người yêu nhạc. Họ gọi đây là "quán cà phê nhạc sang".

Ngồi bệt lề đường nghe tình ca
Quán rất nhỏ, chỉ khoảng hai chục ghế ngồi, phần lớn không gian còn lại dành cho dàn nhạc và sân khấu mini. Vì vậy, khán giả chủ yếu ngồi ở lề đường và phía bên kia công viên Giếng Nước. Chủ quán không buộc những người đến đây phải kêu thức uống...

Có đủ mọi thành phần khán giả ở "quán cà phê nhạc sang". Chúng tôi đã gặp ông cụ bán đậu phộng dạo ở thành phố Mỹ Tho, vài chị bán vé số đứng nghe say mê mà quên rằng mình còn cả trăm tờ vé số chưa bán được. Những giám đốc doanh nghiệp, công chức và nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến và vui vẻ ngồi bệt dưới lề đường để nghe những bản tình ca VN sâu lắng.

Nhạc sĩ Ðỗ Hải - người đứng ra tổ chức bữa tiệc âm nhạc đường phố hằng tuần này - chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức tại vỉa hè là để có thêm người nghe. Người nghệ sĩ nào mà chẳng muốn có nhiều người nghe mình hát nhạc, chơi đàn. Khán giả không phải ai cũng có tiền để uống cà phê và nghe nhạc. Hơn nữa, thói quen của người miền Tây thích sự phóng khoáng, rộng rãi. Sự sang trọng nằm ở tâm hồn chứ không phải bạn đang đứng ở đâu".

Góp vui cho mọi người
Ðiều đặc biệt hơn của các tiết mục âm nhạc hè phố chính là thành phần ca sĩ. Họ có thể là những ca sĩ tên tuổi một thời nay về "ở ẩn" như ca sĩ Ngọc Sương. Họ cũng có thể là các ca sĩ từng đoạt các giải thưởng âm nhạc như Quốc Ðịnh, Kiều My và nhiều anh chị em nghệ sĩ trong Ðoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang.

"Cũng có khi họ là những ông giám đốc, cô giáo, kỹ sư, bộ đội hoặc anh công nhân, chị bán bún. Hễ ai có giọng hát hay và phù hợp, chúng tôi đều tạo điều kiện cho họ thể hiện niềm đam mê âm nhạc Việt" - nhạc sĩ Ðỗ Hải chia sẻ.

Giữa những tiếng vỗ tay, anh Duy Thiện vẫn say sưa với ca khúc Phôi pha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ai đó giữa hàng ghế khán giả lên tiếng: "Sao hát hay như Tuấn Ngọc vậy! Ca sĩ ở đâu ra thế, sao chưa từng thấy bao giờ?".

Ít người biết rằng công việc hằng ngày của anh Thiện là công nhân, anh còn phụ vợ bưng bê từng tô bún bò để kiếm kế sinh nhai. Anh đến với quán cà phê này vừa để giải trí, vừa để hát cho thỏa niềm đam mê của riêng mình. Vì vậy, anh chưa bao giờ đòi hay nhận bất cứ đồng thù lao nào ngoài những tách cà phê ấm áp nghĩa tình chủ quán mời.

Ngoài niềm hạnh phúc được đem lời ca tiếng hát dễ nghe của mình phục vụ bà con, anh Duy Lâm - một "ca sĩ" khác của quán - còn có một hạnh phúc khác khi bên cạnh anh luôn có mặt người vợ hiền.

Khi anh vừa thể hiện xong ca khúc Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tiếng vỗ tay rần rần của khán giả phía trước và nụ cười tươi nở trên môi người vợ ngồi nấp phía sau ánh đèn sâu khấu thật sự đã cho anh những phút giây đáng nhớ. Nhìn anh say sưa với những nốt nhạc, ít ai nghĩ anh là một giám đốc xây dựng khá nổi tiếng và luôn bận rộn.

Anh Lâm chia sẻ: "Cũng nhờ có chút tài mọn mà bà xã mới mê tui. Tối thứ sáu nào rảnh, tôi đều đến đây cùng bà xã để tham gia biểu diễn. Ðây cũng như vừa vui cho mình và góp vui chung cho mọi người".

MỄ THUẬN - KIM TUYẾN


Là người mê âm nhạc, chủ quán cà phê Live to River, anh Đặng Thanh Cường cũng “chịu chơi” khi mỗi tối thứ sáu luôn sẵn sàng móc tiền túi chi thêm các khoản âm thanh, ánh sáng, thù lao trả nhạc công, ca sĩ (dù chỉ trả ở mức độ tượng trưng). Nhiều đêm nhạc lỗ vốn vài trăm ngàn nhưng anh Cường bảo mình rất vui khi góp phần tạo nên một buổi biểu diễn đường phố để đông đảo mọi người cùng thưởng thức.

“Tôi mở buổi ca nhạc này để vui là chính chứ không kinh doanh, giá cà phê vẫn vậy. Phần lớn người nghe nhạc đứng ngoài đường xem hơn là vô quán. Nhưng mình cũng được dịp tụ tập bạn bè giữa phố để cùng chơi nhạc góp vui. Thế là hay rồi” - anh Cường cười nói trong tiếng du dương của ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui đang được biểu diễn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Văn Ngọc: Nhà tù sáng tạo



SGTT.VN - Tại thành phố Vũng Tàu có một ngôi nhà kỳ lạ mang tên Nhà tù Văn Ngọc (*). Chủ nhân của ngôi nhà - hoạ sĩ Văn Ngọc, là người gốc Phú Thọ, vào Nam sinh sống nhiều năm nay và sáng tác như một nghệ sĩ tự do.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=147742
Cổng vào Nhà tù Văn Ngọc, được đóng bằng nhiều mảnh gỗ nhặt nhạnh, trên khắc dòng chữ “My prison” (Nhà tù của tôi)



Khởi đầu là một hoạ sĩ, song đã từ lâu Văn Ngọc nhận ra rằng mặt phẳng của tấm toan sơn dầu không thể chuyển tải hết cảm xúc của ông trên đó, cũng như quá hạn chế về không gian thể hiện. Từ đó, ông chuyển sang sáng tác trên không gian ba chiều, khởi đầu là đẽo gọt những tấm gỗ lớn thải từ bến tàu và những thùng hàng container tàu biển, làm dần các hình khối theo kích thước từ nhỏ đến lớn. Ông chú ý đến tính tự thân của chất liệu, ưa thích giữ những tấm gỗ nguyên bản bẩn thỉu và trầy trụa từ xưởng tàu, từ đó đẽo gọt hoặc đục chạm chút ít, hoặc đóng những chiếc cũi dài nhiều kích thước rồi nhét vào đó tất cả vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Những chiếc cũi hay khối gỗ từ to đến nhỏ được sơn, vẽ, khắc, đục, chạm, đắp hoặc gắn đồ vật khác lên, y như kỹ thuật xử lý của thợ mộc xứ Đoài cổ xưa nhưng với một tinh thần phóng túng, hoang dã, cá tính và cô độc của nghệ sĩ. Hoạ sĩ đặt tất cả các sáng tạo đó vào trong nhà của mình, từ ngoài sân đến các phòng bên trong như những đồ nội thất, không câu nệ vị trí, kích thước, đặc biệt ông đưa chân dung thân phụ vào trong một khung gỗ và đặt nhiều khối gỗ xung quanh, tạo thành một gian phòng thờ hết sức cảm động. Đi vào ngôi nhà, ta có thể cảm giác khí chất của vùng trung du Vĩnh Phú vừa âm u vừa thoáng đãng, nhiều ánh nắng và những thân gỗ lớn, không gian tưởng chừng chật hẹp ấy lại không hề ngột ngạt mà được bao trùm bởi một không khí trong trẻo của tinh thần.

Nhà tù Văn Ngọc vượt lên trên các sáng tác nghệ thuật thông thường ở ngôn ngữ nghệ thuật đầy cá tính, cảm giác không gian và hình khối có tính mở rộng, ở tư duy sáng tác ngẫu hứng, phóng túng mà không tuỳ tiện, và trên hết là một quan niệm về sáng tạo có tính triệt để khi lồng không gian sinh hoạt thường nhật vào hành vi sáng tác của mình.

Nguyễn Anh Tuấn


align=center]http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=147741
Các cũi gỗ lớn đặt giữa những gian phòng trong nhà Văn Ngọc. [/align]
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối