Trang trong tổng số 3 trang (22 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

A.N. đã viết:
- Tôi nghĩ  Ngô Tự Lập nên rút lại bài bình về bản dịch của Thuý Toàn vì những hiểu biết hời hợt của N.T.L. với thơ ca nói chung và đặc biệt là thơ Nga. Khi đưa ra nhận xét của mình N.T.L. đã quá chủ quan và tôi nghĩ cái đó đã xúc phạm đến dịch giả Thuý Toàn- Cây đại thụ lớn nhất trong trường dich văn học Nga. Thân ái T.N.
Bác ơi, theo em thì, chúng mình nên công bằng và sòng phẳng trong khoa học hay học thuật gì đó. Nếu đó là ý kiến của anh Ngô Tự Lập thì anh được quyền nói ra mà không sợ xúc phạm ai hết cả. Em thấy anh đã làm đúng. Và chúng ta có quyền không đồng tình với ý kiến của Ngô tự Lập và chúng ta cũng nói ra mà chẳng sợ anh ấy cho rằng đã xúc phạm anh.

Việc trao đổi với tinh thần như thế, em nghĩ là hợp lý và xây dựng. Còn thì, chúng ta chỉ tiệm cận được chân lý thôi cơ mà? Hơn nữa không phải cứ là cây đại thụ hay đã từng sống ở Nga lâu năm là có thể hoàn toàn đúng. Em mạo muội nói thế, mong bác không giận nhé?

Cá nhân em cũng có nhiều điểm không đồng tình với anh Lập và phục bản dịch của bác Thuý Toàn vô cùng, nhưng rất đồng tình việc anh đã nêu ý kiến của mình ra một cách đàng hoàng.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Cái bài này em viết một cách bồng bột khi vừa đọc xong bài của anh Lập, có thể có nhiều chỗ buồn cười và ko chính xác, vì em chưa kịp nghĩ ngợi lâu la sâu xa gì. Nhưng em cứ đưa lên lại nguyên văn cho vui.

.............

Dịch thơ là một việc rất khó. Một công việc đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và cẩn trọng. Không những thế, còn đòi hỏi sự say mê, tình yêu đối với tác giả, sự hiểu biết sâu rộng về tác giả, về cuộc đời, sự nghiệp cũng như về văn hóa của đất nước mà tác giả đã hoặc đang sống. Và lại cần biết sử dụng ngôn từ tiếng mẹ đẻ của mình một cách linh hoạt. Chỉ có thế người dịch mới thật sự "dịch" được Thơ. Hồn thơ - nghĩa từ vựng - thủ pháp nghệ thuật... Tất cả đều cần được xem xét tới. Chính vì thế, có những bài thơ được dịch rất lâu... nhiều năm....
Đọc bài của bác Ngô Tự Lập, tôi cũng giật mình tìm hiểu lại bài thơ này của Pushkin.


Tôi mạn phép có ý kiến thế này ạ:
1. Bác Ngô Tự Lập viết ""Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. ""

Theo tôi cụm từ быть может của Pushkin không có biểu đạt ngập ngừng bằng cách ngắt dấu phẩy. Đây đơn thuần là chính tả tiếng Nga. Khi viết, hai từ trên luôn luôn được đặt giữa hai dấu phẩy hoặc nếu đó là đầu câu và cuối câu thì cần có một  dấu phẩy để ngăn cách với thành phần chính của câu. Thế mới là cách viết đúng.
Ví dụ: "Быть может, он ее еще любит…"
Còn trường hợp mà không có dấu phẩy thì nghĩa lại khác rồi… "Любовь еще быть может…" Có thể có tình yêu, tình yêu vẫn có thể còn, có thể tồn tại…
Ở đây, Thúy Toàn đưa ra một giải pháp, có thể theo bác Ngô Tự Lập, nó không được “Việt” lắm, còn với cảm nhận của tôi, nó lại rất Việt, rất mềm mại và hợp lý.
Tất nhiên ta có thể dịch là "Có lẽ", nhưng nó mất cái gì rồi...mất "chất Thơ"! Trong nguyên bản, đồng ý là ngôn ngữ rất trong sáng. Nhưng trong sáng, giản dị không có nghĩa là đơn giản đến mức cao nhất..

Và Pushkin chắc hẳn không nghĩ quá nhiều khi viết cụm từ này vào đây như bác phân tích là thể hiện sự "“ngập ngừng đầy kịch tính”"!

2. Bác Ngô Tự Lập viết: "" Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt".""

Đồng ý rằng bài thơ không có tí hình ản ẩn dụ nào cả, không có cái gọi “Thi trung hữu họa” nào hết, nhưng “Thi trung hữu tình”… Nếu trong câu tiếng Nga "любовь угасла" nghe nó vẫn có sức gợi thì với tiếng Việt, nó lại bình thường: "Tình yêu đã tàn". Tại sao vậy? Tôi cũng không đủ lý thuyết để bàn luận, nhưng tôi cảm thấy người Việt nam trong cuộc sống bình thường đôi khi dùng từ ngữ bóng gió, xa gần, mềm mại hơn người Nga. Ví như người Nga có thể bảo; "“Ôi, chia tay rồi. Hết yêu”"  thì người Việt rất hay nói: "“Tình đã tắt. Chả thấy rung động gì nữa”…" Cái câu "Tình yêu đã tàn, đã tắt.." người Việt có thể dùng trong văn hàng ngày chứ người Nga không mấy ai nói: ""Любовь угасла"" trong câu chuyện thông thường cả. Như vậy , câu ấy người Nga thường dùng trong văn chương, trong khi viết lách, trong thơ ca… Và việc Thúy Toàn dịch cụm từ này bằng câu “Ngọn lửa tình” là điều hoàn toàn hiểu được. Nó thể hiện được cái thần của bài thơ. Tất nhiên tùy thích, bạn có thể dịch:

"Tôi yêu em, tình yêu, có lẽ
Đến giờ chưa tắt hẳn trong lòng tôi"

:-D

… Dịch thơ khó ở chỗ không phải là "“chuyển ngữ”" (một từ bây giờ họ rất hay dùng) mà là đưa thơ của người lạ thành thơ của người thân… Đọc một bài thơ dịch thấy dù lạ, dù khác vẫn gần gũi, vẫn dễ hiểu.. thì mới là một bài thơ dịch đúng nghĩa. Ở đây, theo tôi, chúng ta cần nghĩ đến yếu tố tiếng mẹ đẻ. Đôi khi người dịch có quyền được dịch xa nghĩa đen một chút để giữ được nghĩa sâu xa hơn của nguyên tác.
Rồi còn vần nữa chứ? Bài thơ đúng nghĩa, đúng từ mà không tìm được những từ ngữ hợp trong một khối nhuần nhuyễn của âm điệu, thanh sắc thì chưa gọi là dịch thơ, mới là dịch nghĩa cho bài thơ. Nhưng đương nhiên, cũng đừng vì vần điệu mà nhét vào đó những từ chả có liên quan tí nào đến ý tứ của bài thơ nguyên tác.

3. Bác NTL viết: "“Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ.  Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.""

Tôi lại nghĩ khác. Bài thơ này ngôn ngữ chẳng hề nghèo nàn một tí nào. Không dùng từ ẩn dụ, tác giả nói “thẳng toẹt” cái điều cần nói. Nhưng đâu có nói một lần chữ Yêu. Pushkin nói chữ Yêu lặp đi lặp lại rất nhiều lần thông qua các trạng từ "безмолвно, безнадежно, искренно, нежно…" Nói một lần là đủ rồi, đây tác giả lại phân bua nhiều thế, nhấn đi nhấn lại nhiều thế… đủ thấy rằng tuy lí trí bảo là "“không để em bận lòng thêm mãi”" thì tình cảm vẫn cứ xui phải làm em bận lòng. Thủ pháp "“lặp đi lặp lại”" đã khiến tăng thêm cảm giác yêu đương cứ day dứt, cứ muốn kéo dài thêm mãi sự day dứt ấy. Riêng chỗ "“ngập ngừng”" thì tôi vẫn không đồng ý với bác Ngô Tự Lập ạ.

4.Bác NTL viết: ""Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"""

Riêng câu này tôi cũng có cảm giác như bác Ngô Tự Lập. Song, điều này ngay cả ở giới phê bình văn học ở Nga vẫn còn là điều đang bàn cãi. Ngay cả những người Nga khi đọc bài "“Tôi yêu em”" cũng nhiều người nghĩ theo ý mà dịch giả Thúy Toàn đã  dịch. Thậm chí trong sách giáo khoa phổ thông ở Nga cũng hướng dẫn các em học sinh phân tích theo ý như bác Toàn đã hiểu.

Tuy nhiên, hiểu theo ý mới cũng là cái hay, tôi thấy còn hay hơn cả cái ý “Vĩ đại” như ta vẫn thường nghĩ đến khi đọc bài thơ của Pushkin theo bản dịch của bác Thúy Toàn. Tình yêu tự nó vốn rất riêng tư, rất ích kỷ. Tôi thích Pushkin và thấy đúng là ông hơn nhiều nếu ông viết câu cuối với ý mà bác Ngô Tự Lập đã nêu.
Thế nhưng, vẫn xin được bàn thêm với bác Ngô Tự Lập rằng, phần dịch nghĩa của bác chưa hẳn đã chính xác. Điều đó dẫn đến sự hiểu câu cuối có phần cực đoan. Cấu trúc так, как ở đây không thể dịch là "đến mức" như bác nói. Đây là cấu trúc so sánh. Phải dịch là "như" mới đúng. Mà "như" thế nào khi mà hai chủ thể ở hai mệnh đề là khác nhau? Chỗ này đúng là rất khó dịch, khó hiểu. Có thể hiểu là Pushkin vẫn có ý chúc cho người mình yêu có được tình yêu như "Tôi đã từng yêu em", đồng thời ngầm ý nghi ngờ rằng không chắc có được tình như thế...Ở đây có lẽ có một chút hờn ghen, tự ái, giằn dỗi thì phải.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của một người đã từng học và yêu tiếng Nga. Xin mạn đàm cùng bác.

Thụy Anh
Thi Viện 9/3/2007
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A.N.

Ý tôi là N.T.L. nên xem lại bài viết của mình mà nhất là sau khi tham khảo bài viết của Thuỵ Anh. Tôi hoàn toàn đồng ý với những phân tích của Thuỵ Anh chỉ tiếc rằng không đủ khả năng diễn đạt. Thân ái! A.N.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

bebubuon

em xin góp một bản tự dịch:

Tôi vẫn yêu em

Tôi vẫn yêu em, bởi tình xưa, có lẽ,
Vẫn còn chưa tro lạnh đáy tim mình,
Mà yêu ấy đâu lẽ khiến tim em chợt động
Vì tôi chẳng mong làm em thêm bận sầu vương
Tôi chỉ vẫn yêu em trong âm thầm, vô vọng,
Lẽ bởi nhát tình, bởi mềm yếu lòng ghen,
Tôi chỉ vẫn yêu  em chân thành, đằm dịu quá,
Như một kẻ nhân tình cao cả chốn nhân sinh.

LHA dịch.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

bebubuon

một phưong án sát nghĩa nữa:

Tôi đã yêu em

Tôi đã yêu em, một tình yêu, có lẽ,
Vẫn còn chưa tro lạnh đáy tim mình,
Nhưng cứ để tình ấy đừng làm em xao động
Vì tôi chẳng muốn em buồn nỗi vu vơ.
Tôi đã yêu em trong âm thầm, vô vọng,
Không nói bằng lời, mà quay quắt hờn ghen,
Tôi đã yêu  em chân thành, ngọt ngào quá,
Như kẻ nhân tình say đắm dễ ai hơn.

LHA dịch.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đồ Nghệ đã viết:
.

”Я вас любил “- “Tôi yêu em”, bài thơ không hình ảnh



Nguyên bản tiếng Nga của bài thơ như sau:

Я вас любил
Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.


Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.


Còn đây là bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Tuấn Khỉ xin đóng góp một bản dịch Đường luật của bài thơ này để góp vui cùng các bạn:

Tôi yêu em...

Tôi nay có lẽ vẫn yêu em
Chửa tắt hồn tôi lửa khát thèm.
Để nó không làm em khổ nữa
Nên tôi chẳng muốn em buồn thêm.
Yêu đương lặng lẽ cùng vô vọng
Ngượng ngập giày vò với ghét ghen.
Đằm thắm, chân thành, tôi nguyện ước
Có người đến thế lại yêu em!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Chân

Я ВАС ЛЮБИЛ (1)
ПУШКИН А. С.
Я вас любил, любовь ещё, быть может
В душе моей угасла не совсем.
Но пусть она вас болше не тревожит,
Я не хочу печалить вас ничем.

Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостю, то ревностю томим.(2)
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
           
              1829

TÔI ĐÃ YÊU NÀNG
PUSHKIN A.C.
Tôi đã yêu, nhưng vẫn còn có thể
Ngọn lửa tình chưa dễ tắt trong tim.
Nhưng tôi thôi, không làm phiền nàng nữa,
Không để tình lần lữa quấy rầy ai.

Âm thầm yêu, chẳng mong nàng đáp lại.
Lúc e dè, khi hăng hái, khổ  nhau.(2)
Yêu chân thành, luôn trìu mến trước sau.
Người theo nàng tôi cầu Trời phù hộ :
Sẽ yêu nàng như từ thuở tôi yêu!
                 
JE VOUS AI AIMÉE
POUCHKINE A.S.
Je vous ai aimée, pourtant dans mon âme
L'amour, peut-être, reste encore en flamme.
Qu'il ne vous inquiète plus! C'est  mon voeu.
Que vous n'en occupiez vous, même un peu!

Sans espoir, je vous aimais en silence.
Tantôt le zèle, tantôt la pudeur
Nous a causé fréquemment des langueurs.(3)
Mon amour pour vous est tendre et sincère.
Je supplie Dieu : Un autre soupirant
Vous aimerait de pareille manière.

(Adaptation de NGUYỄN CHÂN)
      25.02.2010
--------------------
(1)Tác giả dùng BAC, chứ không TEБЯ, tỏ vẻ tôn trọng nên tôi không dịch là EM. Tiếng Việt không có từ tương đương. Tôi tạm dịch là nàng, ngôi thứ hai. Đây là Ông viết về tình yêu đối với Anna  Ôlênina con một nhà quí tộc, quen biết từ trước, sau những năm bị đi dầy trở về nhưng không được nàng đáp ứng và gia đình nàng cũng không ưng thuận.
(2) Chữ  РЕВНОСТЬ đối nghịch với РОБОСТЬ(RỤT RÈ, E THẸN)nên tôi dịch theo nghĩa khác : SỐT SẮNG, NHIỆT TÌNH. Hơn nữa trong bài thơ không chỗ nào nói đến "tình địch" và trong thực tế cũng không có nên không có GHEN TUÔNG.
(3) So sánh 2 câu 6 và 7 tiếng Pháp với 2 câu sau, nên chọn 2 câu nào:
« C'est la pudeur ou le zèle parfois
Nous a causé beaucoup de désarrois" ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đinh Nhâm

Cảm nhận một bài thơ đôi khi cũng không dễ, đặc biệt khi nó được viết bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của người đọc. Chính vì vậy Đinh Nhâm đã đọc (gần như hết) các ý kiến tranh luân-phản biện của các bạn và suy nghĩ rằng:
Khó có thể xác định đúng sai, hay dở cho các bản dịch. Điều đó tuỳ thuộc vào phông nền văn hoá cũng như "gu" của mỗi người- chỉ trừ trường hợp "người dịch" làm việc một cách tuỳ tiện, không đủ tri thức để dịch một cách nghiêm túc thì ai cũng dễ dàng nhận ra và không đáng phải quan tâm.
ĐN xin góp một bản dịch (cho thêm phần phong phú thôi, không hề nghĩ rằng bản của mình là thế nọ thế kia), tuy nhiên đảm bảo là đã dịch nghiêm túc và hết sức tôn trong người đọc.
Bản dịch của ĐN như sau:
YÊU  EM

Yêu em tình mãi trong lòng
Tim anh chưa hết lửa hồng đâu em
Nhưng đừng phiền muộn gì thêm
Anh không hề muốn làm em nghĩ nhiều

Âm thầm, vô vọng anh yêu
Rụt rè, ghen, cũng lẫn nhiều cuồng say
Chân thành, đằm thắm tình này
Cầu người em gặp một ngày… hơn anh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

trinhphucnguyen24

Góp ý về dịch bài thơ Tôi yêu em của Puskin

Tôi nhân đọc chủ đề Thơ Nga rất thích,rất say sưa đọc hết các bản tranh luận và bài dịch Sỏ trường của tôi là dịch Pháp<Tôi là cộng tác viên của báo Le courrier du Viet nam> Nhưng cũng biết tí Nga<dã học ơ Lêningrát cách đây nửa thế kỷ
Rồi>xin góp Vài ý kiến:Rất thích các bài của các bạn ,nhất là Hoa xuyên Tuyết
Đồ Nghệ                       Không đồng ý cách phêbình của A,N đói với Ngô Tư Lập
Mặc dù tôi chưa được đọc NTL
                                    Không đòng ý với HXT và NTL  hiểu hai câu cuối theo nghĩa:Puskin cho là chỉ có P. mới là người yêu em nhất  và chả có ai là người yêu cô bằng tôi đâu
                                      
                                    Không đồng ý với Nguyên Chân cho là dịch
Chư   rievnơst ra ghen tuông khồng Đung không hayTôi thấy dịch: hờn ghen
Tóm lại Tôi thấy dịch một bài thơ từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt thì sao cho :Đúng ý<   nghĩa> Tứ,ta hay gọi là hồn thơ! Vần điệu và đoc bài dịch sao cho
Như  một bài thơ tiếng Việt
Nói lý thuyết ,nguyên tắc thì thế Nhưng Pháp nó cũng có câu Traduire c’est
Trahir=Dịch  là phản!! La critique est aisée ,mais l’art est difficile  ,Nói thì dễ  làm mới khó
 Sau đây xin góp bài dịch của tôi :

                                     VÔ  ĐỀ
                      Hay   TÔI  ĐÃ YÊU EM

                        Tôi đã yêu em tự những ngày
                         Tình tôi vẫn thắm đến hôm nay
                        Nhưng thôi đừng bận lòng em nhé
                        Chẳng muốn em buồn dẫu phút giây

                        Âm thầm vô vọng đã yêu em
                         Khi thì do dự lúc hờn ghen
                         Yêu em trìu mến chân thành thế
                         Cầu trời chàng khác  được yêu em
Trịnh Phúc Nguyên  dịch
Vui buồn ký ức thời quân ngũ
Thanh thản tâm hồn lúc nghỉ hưu
Đường cong cuộc sống dài bao nữa
Vẫn cứ yêu đời chẳng quanh hiu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

trinhphucnguyen24

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
A.N. đã viết:
- Tôi nghĩ  Ngô Tự Lập nên rút lại bài bình về bản dịch của Thuý Toàn vì những hiểu biết hời hợt của N.T.L. với thơ ca nói chung và đặc biệt là thơ Nga. Khi đưa ra nhận xét của mình N.T.L. đã quá chủ quan và tôi nghĩ cái đó đã xúc phạm đến dịch giả Thuý Toàn- Cây đại thụ lớn nhất trong trường dich văn học Nga. Thân ái T.N.
Bác ơi, theo em thì, chúng mình nên công bằng và sòng phẳng trong khoa học hay học thuật gì đó. Nếu đó là ý kiến của anh Ngô Tự Lập thì anh được quyền nói ra mà không sợ xúc phạm ai hết cả. Em thấy anh đã làm đúng. Và chúng ta có quyền không đồng tình với ý kiến của Ngô tự Lập và chúng ta cũng nói ra mà chẳng sợ anh ấy cho rằng đã xúc phạm anh.

Việc trao đổi với tinh thần như thế, em nghĩ là hợp lý và xây dựng. Còn thì, chúng ta chỉ tiệm cận được chân lý thôi cơ mà? Hơn nữa không phải cứ là cây đại thụ hay đã từng sống ở Nga lâu năm là có thể hoàn toàn đúng. Em mạo muội nói thế, mong bác không giận nhé?

Cá nhân em cũng có nhiều điểm không đồng tình với anh Lập và phục bản dịch của bác Thuý Toàn vô cùng, nhưng rất đồng tình việc anh đã nêu ý kiến của mình ra một cách đàng hoàng.
Vui buồn ký ức thời quân ngũ
Thanh thản tâm hồn lúc nghỉ hưu
Đường cong cuộc sống dài bao nữa
Vẫn cứ yêu đời chẳng quanh hiu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (22 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối