Trang trong tổng số 1 trang (8 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

hanabi

Mình đang phải làm một bài luận về Hàn Mặc Tử nhưng gặp phải một chút khó khăn đó chính là phong cách nghệ thuật thơ của ông. Mình cần tìm hiểu về đề tài, cách xử lý , quan điểm nghệ thuật và giọng điệu. Các bạn làm ơn giúp mình nhé. Cảm ơn nhiều
84.12
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Phúc Duy

Tôi có đọc qua 1 tài liệu khá hay về Hàn Mặc Tử, nay tôi xin soạn lại lên đây cho bạn tham khảo (sưu tầm) :

Hàn Mặc Tử và Karma - trăng 12
Lâu nay, ít người để ý xem Hàn Mặc Tử sinh nhằm ngày mấy tháng mấy tính theo âm lịch. Ai cũng biết Hàn Mặc Tử sinh ngày 22.9.1912. Nhờ cái máy điện thoại đời mới của anh bạn, tôi mới biết ngày sinh nhật ấy tính sang âm lịch nhằm ngày 12.8 năm Nhâm Tý.
Vậy là Hàn Mặc Tử, tác giả của bài thơ văn xuôi nổi tiếng, một kiệt tác của thơ văn xuôi Việt Nam, bài Chơi giữa mùa trăng - đã sinh ra giữa mùa trăng. Lại là mùa trăng Trung thu, thời điểm trăng sáng nhất, đẹp nhất trong năm. Từ nhiều năm, tôi để ý, không phải trăng rằm mà trăng mười hai mới là vầng trăng huyền ảo nhất. Có lẽ vì nó chưa tới độ viên mãn, nó khao khát, nó đắm đuối. "Trăng mười hai vẫn là trăng đẹp nhất, như mình đã nhận thấy từ nhiều năm nay. Con lộ đá nhỏ. Rừng cây thưa in thẫm bóng. Tiếng một loài chim kêu trăng. Những đống un trâu bò tỏa những làn khói mỏng mơ hồ như sương. Thoang thoảng mùi cỏ cháy" (Trích nhật ký chiến trường 1974 - miền Đông Nam Bộ).

Người ta nói, với những người bị bệnh phong, ánh trăng có những tác động sinh học cực kỳ khó tả lên thân thể và đầu óc họ. Có thể như thế. Nhưng Hàn Mặc Tử đã viết Chơi giữa mùa trăng từ trước khi ông phát hiện mình mắc bệnh phong kia mà! Tôi nghĩ, chính cái ánh trăng mười hai trong ngày chào đời của ông đã ám ảnh vào cuộc đời và nhất là vào thơ của Hàn thi sĩ sau này. Và cũng phải nói thêm, chính cái ánh trăng trên bãi biển Quy Nhơn, nơi núi và biển ôm ấp nhau, gối đầu nhau, cái ánh trăng vừa hoang lạnh đến tê dại, vừa rừng rực một ngọn lửa không nóng nhưng thiêu đốt tận tâm hồn, mới là tác nhân giúp Hàn thi sĩ có những bài thơ trăng, những câu thơ trăng kỳ lạ vào bậc nhất không chỉ trong thơ Việt Nam. "Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả..." (Chơi giữa mùa trăng).

Nếu những bậc rong chơi hời hợt trong thi ca vẫn gọi cái hành trình làm thơ của mình là "một cuộc chơi" thì với Hàn Mặc Tử, "cuộc chơi" ấy là cuộc chơi vãi máu: "Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy - Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra" (bài Say trăng - say trăng chứ không phải say rượu hay say bia). Người có thể uống ánh trăng, nuốt ánh trăng mà "say xỉn" như thế, hẳn không phải là người thường, không thể đo thơ người ấy bằng những thước đo thường. "Người ta gọi thơ ông là thơ điên. Thật ra cái giọng điên chỉ có ở giai đoạn sau, giai đoạn đầu thơ ông trong trẻo lắm" (Vũ Quần Phương). Tôi lại nghĩ khác. Nếu người ta gọi cái trạng thái không bình thường của người làm thơ khi cầm bút viết ra thơ, cái trạng thái đã theo suốt cuộc đời làm thơ của Hàn Mặc Tử, là điên, thì thơ Hàn Mặc Tử "điên toàn triệt", điên từ đầu chí cuối. Còn nếu người ta gọi những dòng thơ bất thường viết ra trong trạng thái không bình thường của Hàn là những dòng thơ của sự tỉnh ngộ, thì thơ Hàn Mặc Tử "tỉnh toàn triệt". Cũng như vậy, nếu người ta biết tâm hồn nhà thơ ấy trong trẻo đến bậc nào, thánh thiện đến bậc nào, thì người ta sẽ đọc được ngay trong những bài thơ gọi là "điên" nhất của Hàn Mặc Tử, một sự "trong trẻo toàn triệt".
Thơ Hàn Mặc Tử tỉnh táo đến tận cùng, mà ai cũng biết, đi tới tận cùng tỉnh táo người ta sẽ gặp điên loạn. Nếu theo cái thước ấy mà đo, thì bất cứ thơ của ai, miễn là thơ "thứ thiệt", đều có thể rất điên và cũng đều rất tỉnh. Và dẫu thơ ấy sục vào tận những hang cùng ngõ hẻm của vô thức, vào chỗ tối tăm bùn lầy nước đọng của hạ ý thức, thì khi thành thơ, thơ ấy vẫn vô cùng trong trẻo. Bởi thơ từ xưa tới giờ luôn là kinh cầu nguyện của tâm hồn con người, nơi con người có thể sám hối, có thể khắc khoải, có thể khao khát và công khai bày tỏ những khát khao thầm kín nhất, nơi bất cứ một ánh nhìn nào cũng đều được "trong trẻo hóa", đều thăng hoa, hướng thượng: "Ống quần vo xắn lên đầu gối/Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình" có phải là một câu thơ "sex"? Nhưng tôi đố ai đọc câu thơ ấy mà lại nghĩ đến điều dung tục, mặc dù câu thơ đầy cảm giác xác thịt. Đó có lẽ là bí quyết của thơ, bí mật của loại hình nghệ thuật vào loại lâu đời nhất của nhân loại này.
Thơ luôn là thánh đường dành cho một người, cho từng người một. "Trăng nằm sõng soài trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi". Đã bao giờ anh thấy trăng "nằm" trong tư thế bất thường như thế chưa? Hàn thi sĩ đã thấy, và cái nhìn bất thường ấy đã tạo ra câu thơ bất thường. Thơ Hàn Mặc Tử là thơ đi tới tận cùng, trong niềm tin, trong khao khát, trong tuyệt vọng. Chính bệnh phong là hòn đá, chứ không phải giọt nước, làm tràn cái "ly thơ" ấy. Chỉ sống trên cõi đời được 28 năm, chỉ thực sự làm thơ khoảng mười năm, nhưng đó là mười năm dồn nén để trào thơ, theo kiểu những đĩa nén vi tính bây giờ có thể dung chứa gấp trăm lần một đĩa thường, mười năm thơ của Hàn đủ cho hậu thế đọc thơ ông suốt trăm năm và lâu hơn nữa.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?", là một câu thơ trăng đẹp nhưng cũng có người khác làm được, nhưng "Cả miệng ta trăng là trăng" thì chẳng biết có ai làm được không, ngoài Hàn thi sĩ? Và đây nữa: "Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai" thì lạ quá! Lạ không chỉ vì đây là câu thơ siêu thực, lạ vì nó siêu thực một cách rất... hiện thực. Đừng tưởng siêu thực là phản hiện thực, là chối bỏ hiện thực. Siêu thực là hiện thực ở dạng "đĩa nén", hiện thực ở mức lạ thường. Có điều, những bài thơ cuối đời của Hàn Mặc Tử, càng siêu thực thì càng đau đớn, một nỗi đau sờ thấy được, cảm thấy được, đau cùng được. Và càng siêu thực thì lại càng tin tưởng, tin tưởng trong tuyệt vọng. Đó là thơ của vô vàn những nghịch lý mà con người hiểu được, cảm được, chia sẻ được. Một người bị bệnh phong, cô đơn đến tột cùng, đau đớn đến tột cùng, sự sống chỉ còn tính bằng ngày bằng tháng, đã làm thơ chỉ cho mình, dù trước đó ông đã là nhà thơ nổi tiếng. Không ai muốn có bi kịch như thế, phải sống trong bi kịch như thế để làm thơ hay, có thơ để đời hay hy vọng vào sự bất tử sau khi mình chết. Nhưng khi đã lâm vào hoàn cảnh ấy rồi, nhất là khi đã được thiên phú để làm thi sĩ, Hàn Mặc Tử không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho "xuất", cho "thoát" ra khỏi người mình những bài thơ tuyệt tác, những câu thơ tuyệt vọng, những miếng thơ tuyệt vời đẫm máu.

"Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi" (Cô liêu)

Có ai từng cô liêu như thế chưa, cô liêu đến mức phân thân, đến mức thấy cái "double ego", cái bản ngã thứ hai của mình đi lại, ngồi sát bên mình, miệng ngậm đầy... thơ? Với Hàn Mặc Tử, thơ với trăng mang tính chất kép, là một hóa hai, là hai trong một, không chỉ trăng tác động đến thơ ông, mà dường như chính thơ ông cũng tác động rất nhiều đến trăng, khiến trăng đột nhiên lạ đi, kỳ ảo hơn, ma quái hơn nhưng cũng gần với con người hơn, biết chia sẻ, biết đồng cảm hơn.

Sinh giữa mùa trăng, "Chơi giữa mùa trăng", thơ giữa mùa trăng, và đây mới là điều kỳ dị, kỳ dị đến ghê người, là khi chết, Hàn cũng chết giữa mùa trăng. Hàn Mặc Tử qua đời ngày 11.11.1940, nếu tính sang âm lịch, trời ơi, bạn có tin không, ông mất đúng vào ngày 12 tháng 10 năm Canh Thìn. Sinh vào đêm trăng mười hai tháng Trung thu, và mất vào đêm trăng mười hai tháng mười, tháng mưa sùi sụt ở Quy Nhơn. Phải đó là một Karma (nghiệp theo tiếng Phạn) - trăng 12 kỳ lạ với nhà thơ có số phận không bình thường Hàn Mặc Tử? Có thể trước giây phút cuối cùng nhắm mắt, Hàn thi sĩ còn chợt thấy, bất ngờ hiện qua mây đen, qua màn mưa một vầng trăng chưa tròn, cái vầng trăng mười hai đầy khao khát...
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

HÀN MẶC TỬ, THI SĨ CỦA ĐAU THƯƠNG VÀ BẤT HẠNH

(Thuỵ Khuê)

Ngày nay nhìn lại thơ văn Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể khẳng định: Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng, mộng mơ và giao cảm trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca. Hai bài Chùa hoang và Thức đêm, in năm 1931, mở về thân xác con người, tạo bút pháp không gian, mà trăng, nước và khí trời là ba yếu tố nền tảng xây dựng nên vũ trụ thơ Hàn Mạc Tử.

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có tiểu sử đầy đủ nhất trong thi ca hiện đại Việt Nam. Người đầu tiên viết về Hà Mặc Tử là Trần Thanh Mại với cuốn truyện ký Hàn Mạc Tử (nxb Võ Doãn Mại, Huế, 1942), tiếp đó Quách Tấn với cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (nxb Quê Mẹ, Paris, 1988), và sau cùng Nguyễn Bá Tín với hai cuốn Hàn Mặc Tử, anh tôi (nxb Tin, Paris 1990) và Hàn Mặc Tử trong riêng tư (nxb Hội Nhà Văn, 1994). Đó là những tư liệu quý với những thông tin khá đầu đủ về cuộc đời tác giả và tác phẩm.

Tiểu sử

Chúng tôi xin nhắc lại sơ lược tiểu sử tác giả, phần lớn dựa theo thông tin của Nguyễn Bá Tín:

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, trong một gia đình công giáo lâu đời, có 6 người con, bốn trai, hai gái (Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín và Hiếu). Tên thánh rửa tội là Phê rô (Pierre), tên thánh thêm sức là Phanxicô Xaviê (Francois-Xavier). Cha làm thông phán phải thuyên chuyển nhiều nơi dọc theo bờ biển Trung Việt từ Đồng Hới tới Quy Nhơn, nên khi ông đổi đến Sa Kỳ (1920), Trí và Tín mới vào tiểu học ở Quãng Ngãi. Tháng 6 năm 1926, sau khi cha mất, gia đình dọn về Quy Nhơn sống với người anh cả, Trí và Tín vào trung học ở Quy Nhơn. Sau đó Trí ra Huế học trường Pellerin (1928-1930). Vẫn theo Nguyễn Bá Tín, sau lần bơi xa ra biển, suýt chết đuối, Hàn Mặc Tử thay đổi hẳn tâm tính, trầm lặng hơn, có vẻ đau yếu, gia đình nghi ông mắc bệnh tâm thần, Hàn Mặc Tử ít ăn, lười tắm gội và thay quần áo. Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi tiếng năm 1931 với bút hiệu P.T (Phong Trần). Năm 1932, làm việc ở sở đạc điền Quy Nhơn, quen với Quách Tấn. 1935 vào Sài Gòn làm báo. Tháng 5/1936 người anh cả Nguyễn Bá Nhân, cột trụ của gia đình mất. Hàn Mặc Tử rời Sài Gòn về Quy Nhơn. Cuối năm 1936, in Gái quê.

Theo Nguyễn Bá Tín, ngay từ đầu năm 1935, đã thấy xuất hiện triệu chứng bệnh phong. Năm 1936, bệnh phát rõ hơn. Gia đình muốn giấu, chữa chạy riêng, tìm đến các thày thuốc bắc. Đến giữa năm 1939, thuốc bắc vô hiệu, bệnh trở nên trầm trọng. Giữa năm 1940, phải đưa vào bệnh viện phong Tuy Hoà. Quá trễ. Thuốc của một vài ông lang băm đã huỷ hoại cơ thể của Hàn. Hàn Mặc Tử mất tại Tuy Hoà ngày 11/ 11/ 1940. 28 tuổi.   

Hàn Mặc Tử có nhiều bút hiệu, làm thơ từ năm 16 tuổi (1928), bút hiệu là Minh Duệ Thị. Khoảng 1930-31, đổi là Phong Trần. Từ 1935, đổi ra Lệ Thanh, sau thành Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh), và sau cùng là Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc Tử là anh chàng bút mực), đó là theo sự giải thích của Quách Tấn. Nguyễn Bá Tín cũng cho rằng bút hiệu của anh ông là Hàn Mặc Tử, nhưng Hàn nghiã là nghèo chứ không phải là lạnh. Chế Lan Viên chọn tên Hàn Mặc Tử, vì ông bảo rằng trong lúc nói chuyện, chúng tôi gọi nhau như thế. Nhưng có những nguồn khác, như Võ Long Tê và Phạm Đán Bình, khi tìm lại báo cũ, thì thấy hai bút hiệu Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử được dùng song song trên mặt báo.

Văn bản của Hàn Mặc Tử và sách viết về Hàn Mặc Tử

Trần Thanh Mại viết cuốn sách đầu tiên, xuất bản hai năm sau khi Hàn Mặc Tử qua đời. Là nhà phê bình văn học, Trần Thanh Mại đã tập hợp được khá nhiều văn bản về Hàn Mặc Tử, qua tư liệu của Trần Thanh Địch, người em, và Trần Tái Phùng, người cháu, cả hai đều là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bá Tín viết :«Tôi biết anh gửi cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng nhiều hơn hết, coi như gần đủ bộ thơ anh» (trích Hàn Mặc Tử, anh tôi, trang 64).

Hoàng Diệp, một trong những bạn thân khác của Hàn Mặc Tử, trong bài Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử (do Vương Trí Nhàn sưu tập trong cuốn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, trang 485) cho biết : khi sách của Trần Thanh Mại ra đời vào tháng 2 năm 1942, thì Quách Tấn kiện, vì đã trích dẫn khá nhiều thơ Hàn Mặc Tử chưa in, «có hại» cho việc xuất bản thơ Hàn Mặc Tử sau này. Vụ kiện xẩy ra ở Huế, do Nguyễn Tiến Lãng, lúc ấy là Thừa phủ tỉnh Thừa Thiên, xử. Nhờ sự dàn xếp khéo léo của Nguyễn Tiến Lãng mà mọi việc được êm đẹp.      

Quách Tấn là người đã giúp đỡ tiền bạc để Hàn Mặc Tử chữa bệnh. Sau khi Hàn mất, gia đình chính thức giao phó việc in thơ Hàn cho ông, Nguyễn Bá Tín viết: « Khi tôi ở Lào về thì chú Hiếu (tức Nguyễn Bá Hiếu, em út) đã chuyển giao bút tích văn thơ tất cả cho anh Tấn. Chú sợ bị lây nên không sao chép, không kiểm nhận» (sđd, trang 64). Nhưng Quách Tấn đã không làm được việc ấy, và khi chiến tranh xẩy ra, ông đã đánh mất hết toàn bộ bút tích bản thảo của Hàn Mặc Tử.

Nhờ tác phẩm của Trần Thanh Mại, mà những phần hay nhất trong thơ Hàn Mặc Tử được phổ biến từ 1942.

Ngoài tập Gái quê, do chính gia đình bỏ tiền ra in năm 1936, trong suốt những năm bệnh tật và nghèo khổ, Hàn còn phải lo tìm cách in thơ, nhưng những cố gắng của Hà Mặc Tử khi còn sống đều thất bại. Hoàng Diệp viết : « Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc tìm kiếm lại tất cả những bài thơ chàng đã làm, để chuẩn bị cho việc ấn hành» (bài đã dẫn). Nhưng hai người bạn tâm giao là Quách Tấn và Trần Thanh Địch lại không có đủ tiền in. «Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy. Thế Lữ là một thi sĩ có danh vọng bậc nhất, thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội» (bài đã dẫn). Nhưng «Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa» (Hoàng Diệp, bài đã dẫn).

Các sự « đánh mất » thơ Hàn Mặc Tử này, là do định mệnh hay là cái gì khác ?

Năm 1942, có Tập Thơ Hàn Mạc Tử do Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập, Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn. 1959 Tân Việt tái bản, tập hợp một số thơ Hàn Mặc Tử, nhưng còn thiếu nhiều.

1944, Tập thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, được Ngày Mới in ở Hà Nội (An Tiêm tái bản tại Sài Gòn 1969).

Đó là tất cả nhũng gì được in trước 1945.

Ở Sài Gòn,  Báo Văn làm hai số tưởng niệm Hàn Mặc Tử (1967 và 1971), Báo Văn Học, cũng có hai số đặc biệt năm 1974.

Đến 1987, Chế Lan Viên sưu tập và viết bài tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử, (nxb Văn học Hà Nội). Tuyển tập này đầy đủ hơn những tập thơ trước. Gồm một số thơ Đường luật, và trích các tập thơ Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Chơi giữ mùa trăng.  

1993 Phan Cự Đệ soạn «Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm» (nxb Giáo Dục) tập hợp các bài viết về Hàn Mặc Tử, và tìm thêm được một số thơ nữa in trên báo cũ.  

1994, Lại Nguyên Ân soạn thơ Hàn Mặc Tử, (nxb Hội Nhà văn), gồm các tập Gái quê, Chơi giữa mùa trăng, Đau thương và Xuân như ý.

1996, Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay (nxb Hội nhà văn), tập hợp ba cuốn sách của Trần Thanh Mại, Quách Tấn và Ngyễn Bá Tín và một số bài viết khác.

Tóm lại, nhờ những tác phẩm của Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Nguyễn Bá Tín, nhờ những bài viết của các bạn thân như Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Trần Tái Phùng... hoặc của  những nhà nghiên cứu như Võ Long Tê, Phạm Đán Bình, v.v...  mà chúng ta biết rõ tiểu sử và tác phẩm của Hàn Mặc Tử, biết những mối tình, những người yêu, biết về bệnh tật, về sự nghèo khó, và những ngày sau cùng của Hàn Mặc Tử.

Nhưng viết về thơ Hàn Mặc Tử thì có lẽ chỉ có Trần Tái Phùng, Võ Long Tê và Trọng Miên là hiểu thơ Hàn hơn cả. Về mặt văn bản thơ, thì phải 50 năm sau khi tập Gái quê ra đời, thơ của Hàn Mặc Tử mới được tìm và in lại.
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

Một thiên tài xuất hiện

Ngày 11/10/ 1931, trên Thực Nghiệp Dân Báo có in ba bài thơ, tựa đề : Chùa hoang, Gái ở chùa và Thức khuya, ký tên P.T (Quy Nhơn), với lời yêu cầu của tác giả : « Mấy bài thơ sau này xin cảm phiền ngài ấn hành vào báo Thực Nghiệp để chuyển giao cho Mộng Du thi xã ở Huế, rất đội ơn». Mộng Du thi xã do Phan Bội Châu chủ trì, và ba bài thơ này được cụ Phan chú ý, sau viết ba bài hoạ. Thơ Phong Trần nổi tiếng từ đó. (Xin mở ngoặc : Nhờ công lao của Nguyễn Hữu Tấn Đức và Phạm Đán Bình, nhà xuất bản Tin, đã chụp lại báo Thực Nghiệp (tài liệu in trong cuốn Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 148), mà chúng ta có được văn bản  đầu tiên của ba bài thơ Hàn Mạc Tử, những văn bản in sau, người ta đã sửa lại)

Trong ba bài thơ trên, trừ bài Gái ở chùa, không có gì đặc biệt, hai bài Chùa hoang và  Thức khuya, tuy làm dưới dạng Đường luật, nhưng nội dung đã khác hẳn với thơ ngâm vịnh gió trăng, hoặc thơ nói lên hào khí, của các cụ ; đã báo hiệu phong cách thơ Hàn Mặc Tử, với hai yếu tố chính: nhục cảm và thân xác, gần như cấm kỵ thời ấy.

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo

Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu ?

Réo rắt cành thông thay tiếng kệ,

Lập lòe bóng đốm thế đèn treo,

Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác,

Vách chán đêm suông đứng dãi dầu

Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,

Trước thềm khắc khoải giọng quyên kêu (Chùa hoang)

Sự độc đáo và táo bạo đầu tiên đến ở chữ hoang trong bài chùa hoang. Nếu nói là chùa bỏ hoang thì ý nghiã khác hẳn, chùa hoang gợi sự phóng túng gần như trụy lạc. Tiếp đến những câu thơ sau, không câu nào là không thoát khỏi ý “tội lỗi”, “phạm thượng”: Chùa không sư tụng cảnh buồn teo/ Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu ? Dám vẽ cảnh chùa không sư với những chữ buồn teo, xác Phật  thật là oái oăm, tai quái và phạm thượng. Trong tập Thơ Hàn Mặc Tử, do Quách Tấn và Chế Lan Viên chọn, in năm 1942, và sau này tất cả các bản in lại đều theo, hai chữ xác Phật được chữa lại là cốt Phật, tuy lịch sư hơn nhưng làm sai ý của Hàn Mặc Tử [không biết Quách Tấn hay Chế Lan Viên sửa, có lẽ là Quách Tấn, vì theo Nguyễn Bá Tín, thì: “Anh Tấn còn nói là thơ anh Trí không phải bài nào cũng hay đâu, mà cần phải sửa lại mới in được” (trích Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 65)]. Quách Tấn sửa thơ Hàn Mặc Tử thì hỏng vì Quách Tấn không hiểu Hàn Mặc Tử và thơ Quách Tấn lại cổ và cầu kỳ.

Tiếp đến bốn câu: Réo rắt cành thông thay tiếng kệ / Lập lòe bóng đốm thế đèn treo / Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác / Vách chán đêm suông đứng dãi dầu. Cả bốn câu là một giọng chán chường, hương lạnh, tình tàn; những chữ: Réo rắt, lập lòe, bóng đốm, hương rầu, khói lạnh, nằm ngơ ngác, vách chán, đêm suông... gợi cái im vắng khuya khoắt của xóm cô đầu, nhà chứa, hơn là không khí thanh tịnh nhà chùa.

Hàn Mặc Tử bắt đầu đời thơ của mình bằng một cuộc cách mệnh chữ nghiã và tư tưởng như thế.

Bài Thức khuya còn đi xa hơn nữa :

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,

Thức chỉ mình ta dạ chẳng an,

Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn,

Khóc dùm thân thế, hoa rơi lệ,

Buồn giúp công danh, dế dạo đàn,

Trở dậy nôm na vài điệu cũ,

Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn  (Thức khuya)

Bài này trên tập Thơ Hàn Mặc Tử được đổi tên là Đêm không ngủ.  

Thực ra hai câu đầu “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng / Thức chỉ mình ta dạ chẳng an” chỉ đứng đó làm nền cho cảnh chính: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. “Chí khí” chỉ là “bèo bọt” so với chuyện “chăn chiếu”, “gió mưa”.  Tính chất “xác thịt” đã ẩn trong trăng và gió. Hàn Mặc Tử tạo ra hai câu thơ tuyệt vời gợi cảm và hoàn toàn mới này từ năm 1931.

Tới lúc ấy, trong thi ca Việt Nam chưa ai dám đi “tới” thế. Hết “leo song”, lại còn “rờ rẫm”, tất cả đều “nhạy cảm” cao độ. Trong bản Thơ Hàn Mặc Tử  hai chữ rờ rẫm lại được sửa thành sờ sẫm, (chắc vẫn lại do bàn tay cụ Quách Tấn), vẫn lịch sự hơn, nhưng đã xoá mất cái rậm rực gồ ghề của âm r trong  rờ rẫm để thay bằng cái xoàng xĩnh, nhẵn bóng của âm s trong sờ sẫm.

Trở về với vần đề “nguồn cội” của Thơ Mới.

Chúng ta đang ở ngày 11/10/ 1931, ngày hai bài thơ này xuất hiện, Hàn Mặc Tử 19 tuổi. Đến ngày 10/3/1932, Phan Khôi mới trình làng bài Tình già, được coi là bài Thơ Mới đầu tiên của thi ca Việt Nam trên Phụ Nữ Tân Văn. Và đến ngày 24/ 1/ 1933, báo Phong Hoá đăng lại, bài Tình già mới được phổ biến rộng rãi và mở đầu cho phong trào Thơ mới mà Thế Lữ là ngôi sao sáng. Phan Khôi chỉ bỏ niêm luật trong thơ cổ điển, ông viết:

Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

Mà lấy nhau hẳn là không đặng,

Để đến nỗi, tình trước phụ sau,

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau (Tình già, Phan Khôi, 1932).

Bài Tình già của Phan Khôi là một cái mốc lịch sử hơn là một giá trị thi ca. Về mặt nghệ thuật và tư tưởng, hai câu thơ Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn, của Hàn Mặc Tử mới thật sự đưa thi ca Việt Nam vào giai đoạn mới, thoát khỏi vòng lễ giáo gia đình và xã hội cổ, để nói đến thân xác như một thực thể để yêu, một thực thể thơ. Và cấu trúc hai câu thơ trên, mở vào không gian, cũng lại là môt hành trình mới nữa, chúng tôi sẽ giải thích thêm vấn đề cấu trúc không gian này ở những bài sắp tới.

Nhưng, Hàn Mặc Tử ngày ấy, là một vì sao khuất. Hàn không được người đương thời đánh giá cao. Không được giải thơ Tự Lực Văn Đoàn. Tập Gái quê, tập hơp những bài thơ làm trong giai đoạn đầu, từ 1931 đến 1935, in năm 1936 là một khai phá, nhưng không ai chú ý. Tập thơ sau, Đau Thương, gửi bản thảo cho Thế Lữ thì bị đánh mất!

Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan có giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử, nhưng với giọng chê bai,  Vũ Ngọc Phan viết: “Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của của Hàn Mạc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái quê còn ngập ngừng... nhưng đã bắt đầu  nghiêng về xác thịt:

...Ống quần vo xắn lên đầu gối,

Da thịt trời ơi! trắng rợn mình.... (...)

Đến bài Hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng” (Nhà Văn hiện đại, trang 762-763).

Chẳng biết trong bài Hát giã gạo, Hàn Mặc Tử viết gì mà bị nhà phê bình họ Vũ chê là “lợm giọng”, đến nỗi trong các bản in sau, thấy cấm tiệt, không có bài này!

Còn ông Hoài Thanh thì xếp Hàn Mặc Tử đứng hàng gần chót trong tuyển tập - Thế Lữ đứng đầu, dĩ nhiên. Hoài Thanh phê Gái quê như sau: “Gái quê- Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi” (Thi nhân Việt Nam, trang 205-206). Tóm lại cả hai nhà phê bình lớn thời tiền chiến đều không được phóng khoáng bằng cụ Phan, người đã tiếp nhận ba bài thơ đầu tiên, có tính “xác thịt” của Hàn Mặc Tử một cách thú vị, còn làm thơ vịnh lại và cụ Phan gọi Hàn Mặc Tử, lúc đó mới 19 tuổi, là “tiên sinh” (theo Nguyễn Bá Tín).   

Ngày nay nhìn lại thơ văn Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể khẳng định: Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca, ngay từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Hai bài Chùa hoang và Thức đêm, đã mở về thân xác con người, và tạo ra bút pháp không gian, mà trăng, nước và khí trời là ba yếu tố nền tảng xây dựng nên vũ trụ thơ Hàn Mạc Tử. Bài Đà Lạt trăng mờ (theo Quách Tấn, làm năm 1933), đã xác định cấu trúc thơ  Hàn Mặc Tử. Và với bài Đi giữa mùa trăng, quan niệm thi ca ấy được thể hiện thành lời.  

(nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/...109/article_2179.asp)
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

TƯỞNG TƯỢNG, HƯ ẢO VÀ VŨ TRỤ LUẬN MỚI TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

(Thuỵ Khuê)

Hàn Mặc Tử ngay từ buổi đầu đã tạo một không gian âm nhạc và chuyển động mà vạn vật giao hoà, tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ. Hàn Mặc Tử đã đem tưởng tượng vào thơ, mở ra một cõi hư ảo chưa từng có trong thơ Việt nam. Là nhà thơ đầu tiên đã hiện đại hóa thơ Việt nam, vị trí của Hàn Mặc Tử trong thơ Việt tương đương với vị trí của Baudelaire trong thơ Pháp.

Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng để tạo ra một thế giới hư ảo, nên việc đầu tiên khi khảo sát thơ Hàn là phải xác định thế nào là tưởng tượng (imagination) và hư ảo (imaginaire).

Những người làm thơ đều biết yếu tố chủ chốt trong thơ là hình ảnh (image). Khi nhà thơ tạo được một hình ảnh lạ, câu thơ tăng thêm giá trị. Thông thường người ta vẫn cho rằng : trí tưởng tượng (imagination) tạo nên hình ảnh (image). Gaston Bachelard, khi phân tâm vật chất, đã đưa ra một giải thích khác hẳn.

Trí tưởng tượng bóp méo (déformer) hình ảnh, nó giúp chúng ta thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được, để đi đến những hình ảnh vắng mặt. Nếu một hình ảnh trước mắt không dẫn đến một hình ảnh vắng mặt, hoặc một hình ảnh thoáng qua không dẫn đến một chuỗi hình ảnh khác đang lang thang đây đó, thì không có tưởng tượng. Vậy cái cơ bản trong tưởng tượng (imagination) không phải là hình ảnh (image) mà là hư ảo (imaginaire). Nhờ hư ảo mà tưởng tượng mở ra, dẫn ta đến những chân trời mới lạ, những hình ảnh khác thường.

Một hình ảnh cố định, không có giá trị cao trong thơ. Một câu thơ hay luôn luôn dẫn ta vào những chuyến viễn du

Những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử là những chuyến viễn du hư ảo đó.

Bachelard còn tìm thấy điều này nữa : người ta không tưởng tượng từ một vật cụ thể như cái bàn, cái ghế, mà người ta tưởng tượng từ một vật chất. Bachelard xác định bốn yếu tố (vật chất) cơ bản mà tưởng tượng dựa vào là lửa, nước, đất và trời (không khí). Nếu đem khoa phân tâm vật chất của Bachelard chiếu vào trường hợp Hàn Mặc Tử, chúng ta sẽ có những ánh sáng mới về thơ Hàn.

Trí tưởng tượng giúp Hàn tạo ra những hình ảnh hư ảo, những quang cảnh hư ảo, tạo ra một vũ trụ luận mới. Và óc tưởng tượng của Hàn dựa trên hai yếu tố vật chất xác định : Nước và trăng.

Tưởng tượng và hư ảo

Nhờ trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hoá thực tại, trong một vũ trụ luận mới. Lấy ví dụ trăng, là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thơ Hàn : tại sao Hàn Mặc Tử có thể tạo ra những trăng khác thường, không giống bất cứ một thứ trăng nào có trước? - Nhờ tưởng tượng.  

Trăng là hình ảnh thông thường trong đời sống hàng ngày và trong thi ca. Dưới mắt chúng ta, trăng là một cái gì cố định, dù trên thực tế khoa học, trăng có di chuyển, nhưng mắt thường không thể thấy được, cho nên mỗi khi nhìn trăng, ta thấy một thực thể bất động trên bàu trời đêm.

Trong thi ca cổ điển, tác giả thường phản ảnh vừng trăng quen thuộc ấy của chúng ta :

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Kiều)

Trăng của Nguyễn Du là trăng hiện thực và tâm lý. Nhìn trăng lưỡi liềm, Nguyễn Du liên tưởng đến sự phân chia đôi ngả giữa hai người tình. Nguyễn Du cho trăng những hình ảnh và những ý nghiã gần với những điều mà chúng ta biết về trăng : “Tuần trăng khuất, điã dầu hao”, “Lần lần, ngày gió đêm trăng”, “Bóng trăng đã  xế hoa lê lại gần”. Trăng của Nguyễn Du vẫn còn là trăng, Nguyễn Du sáng suốt, chưa đi vào cõi hư ảo. Và đó cũng là tính chất chung của thơ cổ điển, bởi trong nghệ thuật cổ điển, tưởng tượng chưa đóng một vai trò quan trọng.

Thơ Mới cũng nhìn trăng trong vị trí cố định như chúng ta, nhưng nhà thơ chiếu những cái nhìn khác nhau vào vừng trăng để tìm ra những khiá cạnh mới, những lối nói mới :

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi  (Trăng, Xuân Diệu)

Trăng vẫn là trăng, nhưng Xuân Diệu đã nhân trăng lên nhiều lần : nhiều trăng quá. Hoặc cũng có thể hiểu nhiều trăng quá là nhiều ánh trăng quá viết gọn lại. Nhưng cảnh vẫn là cảnh thật trước mắt, rất nên thơ nhưng chưa hư ảo.

Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng
Tôi sợ đường trăng dậy tiếng vang (Trăng, Xuân Diệu)  

Trăng vẫn là trăng : ánh trăng được nhà thơ gọi là vàng, và con đường đầy ánh trăng được viết tỉnh lược thành đường trăng.

Tóm lại, dù dưới những hình ảnh nên thơ, trăng trong Thơ Mới vẫn là trăng hiện thực, hiện hữu.

Hàn Mặc Tử không nhìn trăng như những nhà thơ cổ điển, và cũng không nhìn trăng như những nhà thơ Thơ Mới.

Trong thơ Hàn, trăng không còn là trăng nữa.

Hàn không nhìn trăng như một hình ảnh cố định trên bàu trời, mà Hàn cho trăng một nội dung, một ngoại hình khác hẳn. Nhìn trăng trước mắt, Hàn tạo ra những hình ảnh khác và nói theo cách phân tích của Bachelard, thì trí tưởng tượng đã giúp Hàn thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được về trăng, để đi đến những hình ảnh khác, vắng mặt, đến một chuỗi hình ảnh đang lang thang đâu đó trong tâm trí của Hàn. Vì vậy, trăng của Hàn luôn luôn thay đổi hình hài, luôn luôn di chuyển, hành động, chứ không cố định, bất động như trăng thật.

Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương (Tiếng vang)

Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha (Vịnh hoa cúc)

Đêm vắng gần kề say chén nguyệt (Trồng hoa cúc)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi  (Bẽn lẽn, trong tập Gái quê)

Ô kià, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe (Bẽn lẽn)

Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình  (Uống trăng, trong tập Gái quê)

Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga (Uống trăng)

Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến nến rơi châu (trích theo Chế Lan Viên, không biết bài nào)

Trên đây mới chỉ là những câu thơ trong giai đoạn đầu, khoảng 1931- 33, lúc Hàn mới bước vào thơ, mà toàn là tuyệt bút cả. Bởi Hàn có một trí tưởng tượng phi phàm, Hàn đưa trăng vào giấc mơ, thoát trăng ra khỏi ý nghiã thông thường và cho trăng những địa chỉ, những căn cước, những tình huống lạ kỳ, huyền diệu. Chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm trăng như thế trong thơ, văn của Hàn, dọc suốt cuộc đời.

Trăng của Hàn đổi sắc, đổi giống, đổi thể, đổi ngôi, đổi chất, trăng Hàn có thiên hình vạn trạng. Trăng trong câu “Bóng nguyện leo song rờ rẫm gối” là trăng con trai. “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu” là trăng con gái, là trăng ma nữa. Trăng trong “Có ai nuốt ánh trăng vàng” là trăng ngọc lỏng, trăng trong “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt” là trăng phản bội ...

Nhờ óc tưởng tượng kỳ vĩ, Hàn tạo ra nhiều hình ảnh dị kỳ, khiến người ta tưởng những hình ảnh này là siêu thực. Thật ra Hàn không biết đến siêu thực, bởi siêu thực ra đời sau. Bản tuyên ngôn của Breton mãi đến năm 1925 mới xuất hiện và lý thuyết siêu thực dựa trên triết học Freud, với cách tạo hình lắp ghép, khác hẳn với “kỹ thuật” tạo hình của Hàn.

Dù siêu thực nói nhiều đến mơ, nhưng cái mơ trong siêu thực là mơ tỉnh. Breton bảo những hình ảnh trong siêu thực lấy từ vô thức (mơ) ra. Nhưng khi đã công nhận vô thức, tức là công nhận có ý thức (tỉnh), nói cách khác, là phải có bàn tay tỉnh táo của ý thức đẩy những hình ảnh này vào vô thức, rồi lại cũng chính bàn tay ấy lấy nó ra để dùng. Vì vậy mà Sartre luôn luôn phản đối siêu thực, ông cho là giả dối, là giả mơ, thật ra rất tỉnh.

Tóm lại, khoảng1930, khi Hàn Mặc Tử làm thơ, siêu thực chưa đến được Việt Nam. Những hình ảnh trong thơ Hàn, toát ra từ một trí tưởng tượng lạ lùng, trổi dậy trong những giấc mơ, những cơn ác mộng, chết đi sống lại trong thác loạn tình yêu và bệnh tật.

Trăng của Hàn Mặc Tử muôn mặt, là trăng hư ảo, xác định sức tưởng tượng kỳ vĩ của nhà thơ.

Ban đầu, khi còn trẻ, trăng và nước ở Hàn là trăng dịu, nước trong, là hương thơm da thịt tỏa lên từ thân thể người con gái, là hương say nồng ấm của dục tình tự nhiên, như gió - mưa - trời - nước :  

Trăng lên, nước lặng, tre la đà
Rơi bóng im trên đám cỏ hoa
Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc
Tiếng ca chen lấn từ trong ra.

Tiếng ca ngắt -  Cành lá rung rinh
Một nường con gái trông xinh xinh
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi ! trắng rợn mình

Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ
Nước trong nổi bật hình dung cô
Nụ cười dưới ấy và trên ấy
Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ  (Nụ cười, trong tập Gái quê)

Đây là bài thơ đầu tiên trong tập Gái  quê, có thể coi là bài “thơ mới” đầu đời của Hàn. Thơ còn non, có vài chữ vụng, nhưng đã lộ đủ những yếu tố trăng, nước, nhạc, dục. Hàn đã thể hiện đầy đủ không gian của mình trong mấy câu thơ non trẻ, và đó cũng là bản chất thơ Hàn Mặc Tử : một vũ trụ luận mới.

(còn tiếp)
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

(tiếp theo)

Vũ trụ luận mới

Thơ Hàn không chịu nằm trong mặt bằng của trái đất mà luôn luôn tìm cách chiếm lĩnh không gian. Trong bài Nụ cười trên đây : trăng (trên trời), truyện trò với tre, nước, cỏ hoa (dưới đất), tiếng ca toát ra trong lau lách, tiếng ca ngắt đi, nhường cho tiếng lá rung động những lời thì thầm. Rồi người con gái bước ra ống quần xắn cao, gây rạo rực, nàng nhìn xuống hồ, soi cái lẳng lơ của mình trong đáy nước. Hàn đã choán tất cả không gian và lòng người trong khoảnh khắc thơ.

Và như thế qua bài thơ đầu đời, Hàn đã tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ : Nnhững thực thể như trăng, nước, tre, cỏ, hoa, tiếng ca, thiếu nữ.... chiếu nhau theo đường chéo, như ánh sáng xuyên, xoay đủ chiều, nói chuyện với nhau, hoà nhịp với nhau trong một bức tranh nổi mà các thực thể bay lên, đáp xuống, không ngừng, trong không gian thơm hương nhạc. Thơ Hàn là một vũ trụ hư ảo, khác hẳn những bức tranh bằng phẳng, chưa có nhạc, như trong những cảnh thơ mà ta thường thấy, như:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Kiều)

Nguyễn Du bày ra một cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng là một cảnh phẳng, theo mặt bằng của trái đất và trong thơ chưa có âm thanh, chưa có nhạc.

Hoặc:

Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy (Với bàn tay ấy, Xuân Diệu).

Đây là một trong những câu thơ hay nhất của Xuân Diệu, chịu ảnh hưởng Giao cảm Baudelaire, nhưng Xuân Diệu cũng mới chỉ bày ra một cảnh trời nước, cỏ, cây, giao cảm nhau, chứ chưa thực hiện được sự giao cảm nội tâm trong cây cỏ, như Hàn Mặc Tử.

Nhờ những động từ : tìm, nghiêng xuống, mà cỏ cây của Xuân Diệu chuyển động, nhưng đó là những chuyển động chưa có âm thanh. Xuân Diệu mới chỉ tạo ra một cảnh lặng của đêm : Một tối bầu trời đắm sắc mây, cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy, hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ nghiêng xuống làn rêu một tối đầy.

Trong khi Hàn Mặc Tử tạo ra cả chuyển động lẫn âm thanh : Trăng lên, nước lặng, tre la đà rơi bóng im trên đám cỏ hoa. Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc, tiếng ca chen lấn từ trong ra, tiếng ca ngắt- cành lá rung rinh.... Là một giao hưởng âm thanh, trong những chuyển động xiên chéo, nhiều chiều : trăng lên, nước lặng, tre la đà, rơi bóng im, tiếng ca chen lấn, từ trong ra, tiếng ca ngắt, cành lá rung rinh, nụ cười, dưới ấy, trên ấy... mỗi chữ, mỗi câu, không  chỗ nào là không di động, ngay cả những liên từ như dưới ấy và trên ấy.

So sánh một bài thơ đầu đời, còn non tay của Hàn Mặc Tử với một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu để thấy sự cách biệt sâu xa giữa hai nhà thơ.

Tình Quê là bài thơ thứ ba trong tập Gái quê, đã đạt sự hoàn mỹ trong vũ trụ luận mới : không gian, trời nước và tâm cảnh, hoà tan trong âm nhạc và chuyển động:

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên dừng lại
Dòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề  (Tình quê, trong tập Gái quê)

Toàn bài là một bản nhạc mà âm thanh bay lên trong không gian mênh mông, trời nước giao hoà, kết nối những hình ảnh trùng trùng trong liên tưởng. Phạm Duy đã bắt được hồn nhạc tuyệt vời của Tình quê, và bài thơ phổ nhạc trở thành một tuyệt tác thứ nhì. Với giọng Thái Thanh, tiếng hát cao vút lên trời, trở thành tuyệt tác thứ ba.

Những câu thơ trong Tình quê không dứt nhau ra được trong thế liên hoàn như trường hợp bài Người hàng xóm của Nguyễn Bính mà chúng tôi đã có dịp phân tích.

Nhưng thơ Nguyễn Bính mở vào một cảnh thật trước mắt, có cô hàng xóm, có dậu mồng tơi, có con bướm bướm, bay ra bay vào. Còn thơ Hàn Mạc Tử mở ra một quang cảnh hư ảo, chỉ có trong tưởng tượng.

Bài thơ liên hoàn của Hàn Mặc Tử kết nối những hình ảnh hư ảo, trong một liên tưởng bất tận : bắt đầu đi từ hai hình ảnh tương đối rõ : trước sân anh thơ thẩn, đăm đăm trông nhạn về, đã gợi sự mông lung, bất định, thiên di, qua những chữ thơ thẩn, nhạn về... tiếp theo là những hình ảnh trùng trùng điệp điệp : Mây chiều còn phiêu bạt, lang thang trên đồi quê, gió chiều quên ngừng lại, dòng nước quên trôi đi ... cho đến hết, tất cả đều lôi kéo ta đi, ngay đến những hình ảnh như gió chiều quên ngừng lại, như dòng nước quên trôi đi, cũng không cho ta nghỉ ngơi ngừng lại ở một chốn nào. Lời thơ trôi theo một điệu nhạc thầm, dù không đọc lên thành tiếng, chúng ta cũng vẫn nghe thấy, điệu nhạc thầm ẩn trong chữ ấy, lôi cuốn ta đi, bắt ta đọc (thầm) hết câu này sang câu khác, hết bài thơ lại muốn đọc lại, đó là sự quyến rũ huyền bí của âm thanh. Bachelard nói đến mỗi câu thơ hay là “một lời mời gọi viễn du” (invitation au voyage) là như thế.   

Hàn Mặc Tử ngay từ buổi đầu đã tạo một không gian âm nhạc và chuyển động mà vạn vật giao hoà, tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ. Tất cả những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử như Đà Lạt trăng mờ, Mùa xuân chín, Huyền ảo, Đây thôn Vĩ dạ... đều có cấu trúc không gian hư ảo như thế. Hàn Mặc Tử đã đem tưởng tượng vào thơ mở ra một cõi hư ảo chưa từng có trong thơ Việt nam. Là nhà thơ đầu tiên đã hiện đại hóa thơ Việt nam, vị trí của Hàn Mặc Tử trong thơ Việt tương đương như vị trí của Baudelaire trong thơ Pháp.

(nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/...109/article_2310.asp)
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

HÀN MẶC TỬ TRONG HƯƠNG THƠM, NGUỒN THƠ HẠNH PHÚC

(Thuỵ Khuê)

Ở những giây phút khắc nghiệt nhất, hoang loạn nhất, vẫn có hai Hàn và có hai thơ : một Hàn của mộng đẹp khi cơn đau lắng xuống và một Hàn của mộng dữ khi cơn đau dấy lên cực điểm. Một Hàn thổ huyết trong vũng máu và một Hàn trở lại bình an sau mỗi phong ba sóng bão. Hiền mộng và ác mộng, trong sáng đắm say và đau thương kinh hoàng gắn bó với nhau như hai mặt của một cuộc đời.

Đường thơ bất tận và đường đời ngắn ngủi của Hàn chập nhau trong khoảng thời gian chưa đầy mười năm và đã để lại những tiếng thơ bất hủ cho hậu thế.

Thơ Hàn Mặc Tử đi từ trong sáng đến đau thương, bay lên thượng tầng của đớn đau chết chóc, cầu đấng linh thiêng cứu nạn, rồi sau cùng, trở lại trạng thái trong sáng nguyên sơ ban đầu như chưa bao giờ bợn gợn bởi những nỗi đau rã rời bệnh hoạn trần thế.

Trong hành trình ấy, Hàn đưa thi ca đi từ tuổi thơ đến tuổi dậy thì, thành niên với những say mê đắm đuối, rồi thơ mắc bạo bệnh và đi về cõi chết cùng Hàn. Nhưng ở những giây phút khắc nghiệt nhất, hoang loạn nhất, vẫn có hai Hàn, có hai thơ: một Hàn của mộng đẹp khi cơn đau lắng xuống và một Hàn của mộng dữ khi cơn đau dấy lên cực điểm. Một Hàn thổ huyết trong vũng máu và một Hàn trở lại bình an sau mỗi phong ba sóng bão. Hiền mộng và ác mộng, trong sáng đắm say và đau thương kinh hoàng gắn bó với nhau như hai mặt của một cuộc đời. Cũng là trăng, cùng trong khoảnh khắc, trăng của Hàn có những tâm độ cực kỳ khác nhau : trăng vừa là người yêu, là cõi mộng mà thoắt đấy, trăng đã trở thành yêu ma, thần chết.

Tập Gái quê với những bài như Nụ cười, Gái quê, Tiếng vang, Nắng tươi, Tình quê, Bẽn lẽn, Uống trăng,... phản ánh những trong sáng thơ của chàng trai hai mươi đầy sinh lực. Gái quê ra đời cuối năm 1936, bệnh phong đã phát, nhưng những bài thơ trong Gái quê, làm lúc Hàn chưa bị bệnh hoặc chưa thấy mình bị bệnh, chưa thấy đớn đau. Thơ Hàn Mặc Tử buổi đầu bay lên trong mối giao cảm giữa thiên nhiên và con người trong suốt như pha lê.

Đến tập Đau thương, tình thế đã khác. Thơ trong Đau thương được Hàn gọi là thơ điên. Đau thương là tập thơ hay nhất của Hàn và đã chịu nhiều cay đắng, bất hạnh, không thể in được lúc Hàn còn sống. Phải chăng vì chính những người được giao phó nhiệm vụ in thơ, đã nhìn thấy thiên tài của Hàn và không muốn thơ Hàn ra đời, để có thể cạnh tranh ngôi vị với thơ của họ trên thi đàn?

Sau những mê sảng tột đỉnh của đớn đau bệnh tật, sau những hấp hối của linh hồn trong Đau thương, Hàn trở về với yên tịnh băng trinh thủa đầu, nguyện cầu đức Mẹ Maria hằng cứu giúp, trong tập Xuân như ý. Tiếp đến Thượng thanh khí và Cẩm châu duyên, Hàn đã thoát khỏi nỗi đau thể xác, để đi đến một cõi khác, mà hạnh phúc trở lại, như chưa hề biết đớn đau, chưa biết thế nào là nhục thể bệnh hoạn.

Đau thương chia làm ba phần : Phần thứ nhất là Hương thơm gồm những bài thơ trong sáng, như Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo, Mùa xuân chín, ... Phần thứ nhì : Mật đắng gồm những bài thơ buồn, tuyệt vọng như Những giọt lệ, Cuối thu, Hãy nhập hồn em, Muôn năm sầu thảm... và phần thứ ba: Máu cuồng và hồn điên, thể hiện những thác loạn, nguyệt huyết, chết đi sống lại của Hàn với những bài : Hồn là ai, Biển hồn ta, Sáng láng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Rướm máu, Cô liêu, Trút linh hồn....

Đau thương là tác phẩm chính của Hàn Mặc Tử, và cũng là tác phẩm quan trọng nhất của thi ca Việt nam trong thế kỷ XX.

Chúng tôi sẽ giới thiệu Đau thương làm hai phần: phần đầu (hôm nay), phân tích thơ Hàn trong Hương thơm và phần sau (kỳ tới) thơ Hàn trong Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên.

Trong thi ca Việt Nam, Hàn Mặc Tử là nhà thơ duy nhất có những câu thơ hay có thể vượt sự trác tuyệt của Nguyễn Du. Hàn Mặc Tử là một hồn thơ phức tạp, một hồn thơ đầy biến đổi, tương hợp và mâu thuẫn sống trong nhau, những hình thái ngôn từ, hình thái tư tưởng kết hợp giao hoà trong thơ Hàn để tạo thành một thế giới siêu hình, siêu ngôn ngữ, chưa từng có trong thơ Việt. Vì vậy, khi tìm hiểu Đau thương, chúng ta phải trở lại với những phạm trù chính đã kết nên thơ Hàn, đó là thơ và nhạc, nước và trăng.  

Lần đầu tiên trong thơ Việt, Hàn Mặc Tử tạo ra một cõi thơ nhạc giao hưởng.

Nghiã là thơ Hàn có nhạc ở trong. Nhạc dưới tất cả mọi hình thức từ những tiếng nhạc say say gió xé rách lả tả của ánh trăng đến tiếng hổn hển của nước mây, đến tiếng gió rít tầng cao trăng ngã ngửa... Âm nhạc trong thơ Hàn là âm nhạc chảy ra từ thân xác thơ, mỗi hình ảnh là một cõi hư ảo thơ, hư ảo nhạc, mỗi chữ đã tẩm nhạc, tẩm hương trong mình, đó là thứ âm nhạc và hương thơm giao hoà trong nội tại thơ, là sự thành thân giữa Hàn và trăng, giữa Hàn và trời nước.

Cần phải phân biệt rõ âm nhạc nội tại trong thơ Hàn với âm nhạc hình thức của niêm luật bằng trắc trong thơ cổ điển, và âm nhạc phát ra từ nhịp điệu trong Thơ Mới. Ví dụ, Tiếng trúc tuyệt vời của Thế Lữ là bài thơ rất hay, có nhạc, nhưng nhạc của Thế Lữ nằm trong nhịp điệu mới (khác với âm luật cổ điển) và trong sự mô tả tiếng trúc, tiếng sáo:

Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt ?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay... gió quyến mây bay...
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may  (Tiếng trúc tuyệt vời)

Ở đây, Thế Lữ mô tả tiếng nhạc, tiếng sáo bằng những vần thơ có âm điệu lạ, nhưng thơ Thế Lữ chưa len vào được nội tâm của tiếng trúc, tiếng địch. Bởi Thế Lữ chưa là nhạc, là thơ, Thế Lữ chưa nghe đưọc tiếng reo của đáy hồ, chưa nghe và thấy được tiếng vỡ của sao băng, chưa nghe được tiếng nước mây thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc... như Hàn Mặc Tử.

Vì Hàn là nhạc :

Tôi  nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng  (Chơi trên trăng)

Với một “nền” nhạc như thế, thơ Hàn gồm hai thế giới trần gian và tiên cảnh, đi đôi: là cõi không và cõi có, song song. Thơ Hàn là thiên đường và địa ngục. Ở giữa hai tình thế tương phản cực điểm ấy, thơ Hàn luôn luôn có một thực thể vật chất nối kết, bắc cầu: đó là trăng và nước, hai yếu tố cơ bản, mà từ đó trí tưởng tượng của Hàn khởi đi để tạo thơ. Trăng và nước giao nhau, hoá thân trong nhau, đã là nhau : trăng, một tinh cầu đất đá, qua thuật luyện kim kỳ dị của Hàn, trở thành tinh cầu nước:

Nước hoá thành trăng, trăng ra nước,
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả (Say trăng)

Vì vậy khi nói đến trăng trong thơ Hàn là phải tìm đến nước, bởi vì trăng và nước trong thơ Hàn gắn bó với nhau như hồn và xác của những giấc mơ.

Thời trong sáng, những bài thơ hay nhất của Hàn thường là những giấc mơ đẹp.

Đà Lạt là một bức tranh chỉ có trong mơ :    

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói  nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân hà nổi giữa màn đêm

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói răng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng ... (Đà Lạt trăng mờ)

Đà Lạt trăng mờ, mở vào một không gian ảo. Những yếu tố: trăng, nước hồ, sương nhạt, ý thơ, tơ liễu, hàng thông, Ngân hà, sao băng... hoà nhau trong một điệu nhạc đắm say, một luân vũ thần tiên, một sự trao thân kỳ bí, vô thường, vì không một cảnh quan hiện thực nào có thể như thế. Không ai nghe được tiếng tơ liễu run trong gió, không ai thấy được sự đắm đuối của trăng sao, không ai nghe được tiếng reo của đáy hồ, không ai nghe và thấy được tiếng vỡ của sao băng : một vũ trụ mới vừa xuất hiện mà không gian trời nước cao vút của Ngân hà và không gian sâu thẳm đầy bí mật của đáy hồ trong cõi vô chung vô thỉ, giao cảm, chuyện trò với nhau, tan loãng trong nhau như một bản giao hưởng thần tiên chưa bao giờ xẩy ra trên cõi thế. Một vũ trụ luận mới đã có ở đây trong thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ luận này khác hẳn với vũ trụ luận trong thơ cổ điển, trong đó cái ta thường tự xoá trước đất trời, và trăng sao là những vật thể cố định, nhà thơ chiếu cái nhìn, chiếu tâm hồn mình vào, để mô tả trăng sao, trong khi ở vũ trụ luận mới này, trăng nguyên sơ chính là Hàn Mặc Tử.

Và cả nước nữa. Nước ẩn trong thơ Hàn như nhạc. Kể cả những bài thơ không nói đến nước, như bài Mùa xuân chín, mà nước vẫn đẫm trong thơ:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý- Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
-  Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
“- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
“Dọc bò sông trắng nắng chang chang?...” (Mùa xuân chín)

Bài thơ chiếm trọn không gian từ trời xuống đất: Trong làn nắng ửng khói mơ tan / Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Rồi lại từ đất lên trời : Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. Ở giữa hai đỉnh trời và đất, Hàn treo những cô gái : Bao cô thôn nữ hát trên đồi. Nhưng tiếng hát của họ không chỉ vang trên mặt đồi mà chúng bay lên thượng tầng khí quyển, choán toàn bộ không gian, khi cao vút khi thầm thì : Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, hổn hển như lời của nước mây, thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc.

Sự kỳ dị đến từ việc cả bài thơ không có «chủ đề» nước, nhưng nhờ ba câu : Trong làn nắng ửng khói mơ tan, sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời, hổn hển như lời của nước mây, mà bài thơ ngập nước, bởi những chữ : khói mơ, sóng cỏ, lời của nước mây, mà thơ hoà trong sóng nước lên tận đến mây xanh.

Hàn là nhà thơ của nước. Chất nguyên thủy tạo ra thơ Hàn là nước. Hàn không phải là nhà thơ của đất như Nguyễn Du, bởi Hàn không bận tâm đến những gì xẩy ra trên mặt đất, từ đời người, đến kiếp người, đến mộ phần, đến cõi âm, đến báo mộng ... như Nguyễn Du.

Tất cả những gì xẩy ra trên mặt đất Hàn đều bắn lên không trung. Hàn luôn luôn nối kết hai yếu tố trăng (trên trời) và nước (dưới đất) với nhau để tạo thành một khối, trong đó tất cả di chuyển theo chiều nổi của không gian chứ không theo mặt bằng của trái đất.
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Linh

(tiếp theo)

Rồi cả không gian cũng bị nhiễm bệnh cùng Hàn.

Trong suốt thời gian ngắn ngủi sống trên trần, Hàn mang hai không gian thơ trong lục phủ ngũ tạng : một không gian thổ huyết của bệnh tật, và một không gian trong suốt như pha lê của hạnh phúc. Nhưng đặc biệt nhất ở Hàn là sự quy hồi hạnh phúc.

Trong đoạn sống sau cùng, thơ Hàn đã rời tất cả những đau thương hệ lụy, Hàn lại trở về với không gian trong sáng xưa, bài Đây thôn Vỹ Dạ, làm mấy tháng trước khi mất:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu kinh hoàng đã đến với Hàn, từ Mùa xuân chín đến Đây thôn Vỹ Dạ, nhưng thơ vẫn ướp hương thơm, vẫn trong không gian thủa nào, nước vẫn ẩn trong thơ trong nhạc : Gió theo lối gió, mây đường mây. Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay? Một trong những người hiểu Hàn, thấu triệt âm nhạc của Hàn không phải là người phê bình, mà là một nhạc sĩ : Phạm Duy. Phạm Duy đã bắt được ý nhạc bay bổng và trong sáng của Hàn từ Tình quê, đến Đây thôn Vỹ Dạ, ông đã theo Hàn trong những không gian kinh dị của bệnh tật và bắt được hồn của Hàn trong Ave Maria. Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy là một tuyệt tác.  

Thơ Hàn bay lên thượng tầng khí quyển, đến cung Hằng, rồi dội xuống trần  gian, chạm vùng trần trụi nhất của nhục thể. Thơ Hàn mang màu mơ hồ, huyền bí của trăng, một ánh trăng đục, là chất giao thoa giữa lỏng và đặc. Thơ Hàn chính là sữa trăng, là những say sưa vọng cuồng xác thịt nơi chàng trai mới lớn, đam mê nhục thể không dám nói, không dám làm trong đời sống, mà thể hiện trong thơ qua môi giới của gió, trăng:

Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn  (Thức khuya)

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò.
Thơm như tình ái của ni cô (Huyền ảo)

Những say mê đắm đuối, thèm muốn xác thịt nơi chàng trai nhút nhát, bẽn lẽn, cả thẹn, tìm chỗ cao nhất để giấu đi, cho mọi người đừng biết: gửi lên trăng. Vì thế mà thơ Hàn bay lên không gian, chứ không lắng xuống hay tản dài theo chiều đất. Ngay cả sau này, khi bệnh tật đớn đau đến ngất đi, ngày một đến gần cõi chết, thơ Hàn vẫn cứ phải bay lên. Nhờ cấu trúc không gian ấy mà Hàn đã tạo ra một quang cảnh không thể có được ngoài cõi mộng. Hàn đã là trăng trong Thức khuya để leo song vào cõi mộng với người yêu. Trăng trong Huyền ảo là trăng dậy thì, trăng mới lớn, trăng ao ước mê đắm nghĩ đến giây phút thần tiên. Trăng trong Bẽn lẽn là là đối tác tình yêu, là hiện thân xác thịt, là người thiếu nữ gợi cảm, là cám dỗ của trái cấm, nhưng tất cả vẫn chỉ có trong tưởng tượng, tình yêu xác thịt trong thơ Hàn là tưởng tượng:  

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động,
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!

Trong khóm vi lau rào rạt mãi:
Tiếng lòng ai nói? sao im đi?
Ô kìa, bóng  nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe...

Vô tình để gió hôn lên má,
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm...
Em sợ lang quân em biết được,
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em  (Bẽn lẽn)

Sự cám dỗ của xác thịt chỉ là tưởng tượng, cái tiết trinh của người phụ nữ trong thơ chính là cái trinh tiết của Hàn. Bởi Hàn cho đến chết, dường như vẫn là cậu trai tân. Hàn là vì sao lạ trên bầu trời đêm, thời gian sống quá ngắn không cho Hàn kịp nếm đủ vị  đời. Ở Sài gòn khi còn khoẻ, bị bạn bè ép dẫn đến xóm bình khang, Hàn đã bỏ chạy, về nhà ốm đến phát sốt lên. Về Quy Nhơn, khi biết mình mắc bệnh, «người tình» đến thăm, Hàn nài nỉ nhờ em cùng ngồi tiếp khách.

Khi tất cả đều đã đi khỏi, cả người thân lẫn người tình, thơ Hàn vọng lên như những tiếng nấc của một niềm trinh bên kia cõi sống:    

Thu héo nấc thành những tiếng khô
Một vì sao lạ mọc phương mô ?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ ?  

(nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/...109/article_2375.asp)
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài viết)
[1]