Ở người có 16 loài Mycoplasma sống cộng sinh và gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm niệu đạo, âm đạo...
Đặc điểm của vi khuẩn
Mycoplasma là sinh vật sống nhỏ bé nhất, có duy nhất một màng bào tương bao quanh. Do thiếu vách tế bào nên vi khuẩn có tính đa dạng tế bào và tính đề kháng đối với những thuốc kháng sinh tác động lên vách tế bào như penicillin và cephalosporin; việc nuôi cấy trong ống nghiệm cũng rất khó khăn. Vi khuẩn cư trú tại niêm mạc đường hô hấp và đường niệu, sinh dục của nhiều loài động vật. Ở người có 16 loài Mycoplasma sống cộng sinh và gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm niệu đạo, âm đạo...
Mycoplasma pneumoniae (MP) bám dính lên tế bào, đồng thời sản xuất được hydro peroxid và nhiều chất ammonia gây tổn thương tế bào vật chủ; kích hoạt những tự kháng thể IgM làm ngưng kết hồng cầu ở 4oC, gây thiếu máu và một số biến chứng khác. MP gây bệnh ở đường hô hấp đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 5 - 20 tuổi. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 3 tuần, lâu hơn so với đa số các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác. Bệnh lây lan do tiếp xúc, không những phát thành dịch ở trường học và các tập thể đông người mà còn xuất hiện rải rác ở các gia đình. Tuy viêm phổi là biểu hiện đặc trưng, nhưng nhiễm MP ngoài phổi lại phổ biến hơn. Ở trẻ rất nhỏ, đa số chỉ có triệu chứng hô hấp trên, trong khi ở trẻ trên 5 tuổi và người lớn hay gặp viêm phế quản và viêm phổi.
Biểu hiện lâm sàng
Ảnh minh họa.
Sau thời gian ủ bệnh kéo dài, bệnh khởi phát với các triệu chứng: sốt trên 39oC, có lạnh run, đau đầu, đau cơ ngực do ho nhiều và kéo dài, ho nặng; nhưng ít gặp đau ngực kiểu màng phổi. Số ít bệnh nhân bị viêm phế quản, khí quản hay viêm phổi có triệu chứng ho nổi bật. Ho có đờm màu trắng thường lẫn một ít máu. Nghe phổi có thể bình thường nên khó phát hiện được bệnh. Chụp Xquang cho thấy những hình ảnh tổn thương. Dưới 20% bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi.
Nhiều triệu chứng ngoài phổi do MP gây ra gồm: ban đỏ đa dạng hay hội chứng Stevens-Johnson xảy ra đặc trưng ở bệnh nhân nam trẻ tuổi; dát sẩn và ban ngoài da dạng mụn nước, hồng ban nút và mày đay; viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim; viêm não, rối loạn điều hòa do tiểu não, hội chứng Guillain-Barré, viêm tủy cắt ngang và bệnh thần kinh ngoại biên; thiếu máu tán huyết và các bệnh lý đông máu.
Hầu hết, bệnh do nhiễm MP không được chẩn đoán vì không thể phân biệt được với bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vô số tác nhân vi khuẩn và virut khác gây ra. Người ta chỉ nghi ngờ khi bệnh kéo dài hay có những dấu hiệu ngoài phổi. Đây là đặc điểm phân biệt với bệnh cúm nói chung và cúm A (H1N1) nói riêng không có biến chứng (thường giảm sau 2- 5 ngày và đa số bệnh nhân hồi phục phần lớn sau 1 tuần). Tuy nhiên ở người cao tuổi, triệu chứng của bệnh cúm có thể kéo dài vài tuần do suy nhược cơ năng sau cúm. Số lượng bạch cầu thường tăng, nhuộm gram đờm chỉ thấy bạch cầu chứ không có bất kỳ loại hình thái vi khuẩn nào do vi khuẩn không có vách tế bào, nên không thể phát hiện chúng bằng nhuộm gram. Chụp Xquang ở bệnh nhân viêm phổi, có thể thấy thâm nhiễm mô kẽ hoặc thâm nhiễm dạng nốt chủ yếu ở những thùy dưới. Nuôi cấy không mang lại kết quả giúp ích cho chẩn đoán. Những phương pháp như miễn dịch gắn men, miễn dịch huỳnh quang gián tiếp và cố định bổ thể có thể phát hiện các kháng thể đặc hiệu. Agglutinnin lạnh tuy không đặc hiệu nhưng xuất hiện vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 trong hơn 50% số bệnh nhân viêm phổi và có thể phát hiện được bệnh. Xét nghiệm đa kháng nguyên cũng thích hợp để chẩn đoán bệnh.
Điều trị đặc hiệu
Ảnh minh họa.
Vì hầu hết bệnh nhiễm MP không được chẩn đoán, nên việc điều trị phải hướng đến một trong hai hội chứng: nhiễm khuẩn hô hấp trên và viêm phổi có tính chất dịch ở những tập thể. Nhiễm khuẩn hô hấp do virut lẫn do MP đều không cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, viêm phổi mắc phải ở các tập thể, cộng đồng có thể do các vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae gây ra hoặc do những tác nhân “không điển hình” như Chlamydia pneumoniae, Legionella pneumophila và MP. Do đó phác đồ điều trị phù hợp phải dùng những kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc phối hợp đồng thời nhiều loại thuốc: cephalosporin thế hệ 3 như ceftriaxon; ceftotaxim phối hợp với erythromycin có tác dụng diệt các loại vi khuẩn không điển hình. Nếu có điều kiện sử dụng các thuốc mới như: clarithromycin; azithromycin; levothyroxin có tác dụng tiêu diệt những vi khuẩn gây viêm phổi cộng đồng. Cần chú ý rằng điều trị viêm phổi do MP thường kéo dài từ 14 - 21 ngày. Viêm phổi do MP thường tự giới hạn và hiếm khi gây đe dọa tính mạng. Thuốc kháng sinh có hiệu quả sẽ làm ngắn thời gian bị bệnh, giảm ho và làm giảm mức độ lây nhiễm ở bệnh nhân. Mặc dù triệu chứng sẽ cải thiện khi điều trị kháng sinh, nhưng vi khuẩn thường không bị tiêu diệt tận gốc. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn vẫn dương tính sau nhiều tháng dù đã điều trị kháng sinh có hiệu quả.
Nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng, một người bị cúm rất khó chẩn đoán phân biệt với bệnh hô hấp cấp tính do các virut gây bệnh khác hay do MP gây ra. Để phân biệt người ta phải dựa vào tính chất gây dịch của cúm và xét nghiệm phát hiện virut gây bệnh. Triệu chứng và điều trị bệnh cúm A (H1N1) chúng tôi đã giới thiệu trên SK&ĐS trong các số báo trước, độc giả có thể so sánh để phân biệt với bệnh do Mycoplasma trình bày trên đây.
trích từ khoemoingay.vn
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook