1.độ nén của ký ức
Độ nén của một thứ ký ức nào đó của người viết một lúc nào đó sẽ bật ra thành chữ.
Tồn tại là một thứ hổ lốn và đầy bất trắc. Dường chẳng có xác tín nào, chẳng có một thứ chuẩn mực nào đúng nghĩa là chuẩn mực. Thì anh cứ thử đưa ra những thứ gọi là xác tín, gọi là chuẩn mực, coi nào?
Tác phẩm văn chương thường hé mở cho người đọc nhìn thấy cái thế giới hổ lốn và bất trắc ấy. Đấy là câu chuyện cuộc đời của một gã phiêu bạt giang hồ cái gì của thế giới này cũng dòm vào một chút, hay đấy là một cô gái đang yêu điên cuồng, gào thét với người tình rằng sẽ tự đốt mình để tận hiến cho tình yêu. Vân vân. Hết thảy là bịa đặt. Nhưng là thứ bịa đặt bật ra từ một thứ ký ức dồn nén nào đó. Một cuộc đời của một con người, dẫu kẻ đó là ai, có liên quan đến một loài khác với loài người, là ma quỉ thần thánh, hay gấu cọp trên rừng, chẳng hạn, dẫu cuộc đời kẻ đó là cuộc đời thế nào, thì bao giờ cũng gợi cho kẻ khác hướng đến cái thế giới mà ta đang sống.
Hãy để cho người đọc tự nhận ra thông điệp văn chương khi đã đọc xong tác phẩm.


2. cái tức thì
Mảnh nhật ký đen ta viết hôm qua cũng là một mảnh thư tình. Nó là thư tình làm bằng văn chương.
Hôm qua ta viết. Và cũng chưa biết gửi cho ai.
Nhật ký đen ta viết hôm nay cũng là một mảnh thư tình. Thư tình làm bằng văn chương. Ta biết ta viết cho ai. Người con gái ấy ở thật xa. Ta biết em đang ở thật xa. Chốn ấy. Biết em đã luôn viết cho ta. Cũng những mảnh thư tình làm bằng văn chương. Ta biết em đã luôn viết cho ta. Không biết mệt mỏi. Nhìn ánh mắt đang nhìn của em nơi tấm hình em gửi cho ta, ta biết em đang nghĩ rất nhiều, rất nhiều, về ta. Nhìn ánh mắt đang nhìn của em, và ta đã lập tức thấy yêu em.
Nhìn ánh mắt đang nhìn của em, ta biết em đang nghĩ về ta, đang nghĩ về những năm tháng có ta và em, những năm tháng có những ngọn gió không lành thổi lại từ những miền đất hung bạo có những cuộc xô xát giữa những kẻ mới đến từ phía đầu kia mặt đất.
Khi biết là ta đã yêu em, ta đã lập tức viết cho em. Mảnh nhật ký đen ta viết hôm nay là viết cho em.Viết bằng văn chương.
Hay văn chương cũng tức thì như tình yêu.


3. lời nói bị thất lạc
Có thể nó, những lời nói bị thất lạc, là lời thở than của một người mẹ mù loà trong đêm nghe những đứa con trai của mình đã chết cả ngoài trận mạc, và ai đó, có thể là kẻ hàng xóm, hay vị ẩn sĩ ở trong làng, sau khi nghe thấy những lời đau thấu ruột gan của người mẹ đang trở nên đơn độc ở trần thế, bèn đem chép lên hòn đá chỗ bến nước đầu làng, hay chép vào trí nhớ; vị ẩn sĩ trong làng đã đem chép vào trí nhớ, và cuộc đời thì vẫn cứ tiếp tục chất lên cái trí nhớ dày cộm ấy những trang đỏ đen thế sự; vào cái hôm sắp sửa mãn cuộc trần thế, vị ẩn sĩ muốn nói với đám cháu con mình những lời gan ruột, thì bỗng nhớ đến những lời đau thấu ruột gan của người mẹ chẳng còn ai là ruột thịt, bèn đem bút giấy ra ghi, nỗi buồn đau của người sắp lìa xa cháu con đã chồng lên nỗi buồn đau của người chẳng còn có cháu con; mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, đọc được mảnh bút giấy kia lại là một nhà chép sử, trong dòng sử văn đương đại chợt nổi lên những vần thơ bi tráng; mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, ai đó, có thể là một khách qua đường, lại nhìn thấy được những giọt nước mắt của thơ, kẻ nhìn thấy được những giọt nước mắt của thơ thì người đời gọi là kẻ tìm thấy những lời nói bị thất lạc.