Đôi khi, việc viết ra tình cảm, suy nghĩ, day dứt, bức xúc... của mình vừa khó, mất thời gian lại vừa không thể hay bằng tìm kiếm trên Internet một hoặc nhiều bài viết đồng cảm.
Trong cả một bài viết dài dòng, có khi điều tâm đắc chỉ nằm ở một vài câu. Nếu bận rộn, ta chỉ cần xem lướt mấy câu này, nếu rảnh rang, ta có thể theo đường link đọc toàn bộ bài viết.
Chủ đề này lưu trữ Những đoạn trích cho mục tiêu đó với cố gắng đảm bảo tính chính xác và có nguồn gốc rõ ràng để tra cứu.
Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, bài bản... về Biển Đông
Các diễn biến trên cho thấy khó có việc Trung Quốc sẽ tuân thủ những quy định, ứng xử mà quốc tế đặt ra về tranh chấp trên Biển Đông. Biểu hiện rõ nhất là nước này liên tục từ chối việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Vì thế, nếu Việt Nam chỉ vận dụng các biện pháp phản đối trực tiếp đối với Trung Quốc thì xem như đúng ý đồ của họ và tự mình rơi vào "chiếc bẫy song phương”. Trong bối cảnh đó, một mặt Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, bài bản giúp ngư dân đủ sức, đủ tự tin để ra khơi giữ biển, giữ ngư trường quen thuộc của cha ông; mặt khác Việt Nam cần chủ động hơn nữa để tranh chấp trên Biển Đông được phân xử công bằng theo luật quốc tế. Việt Nam cần lập tức kiến nghị, phản đối và yêu cầu Liên Hợp Quốc xử lý những hành vi của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam; khởi kiện và yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho ngư dân Việt Nam bị họ bắt bớ trái phép, bị ngược đãi và bị thiệt hại tài sản... chứ không chỉ dừng lại ở những phản kháng song phương. Tất cả những nỗ lực đó nhằm mục tiêu giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về những hành động sai trái mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Theo các chuyên gia, về lâu dài, những kiến nghị, yêu cầu như thế sẽ tạo thành một chuỗi ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc một khi hồ sơ tranh chấp được đưa ra tòa án quốc tế.
Nhận diện cái này không khó. Còn để chỉ ra những trường hợp cụ thể nào quả là điều rất tế nhị với nhiều người. Chạy chức, chạy quyền... mà Đại hội XI của Đảng nêu ra rất bức xúc, rồi mới đây nghị quyết trung ương 4 cũng đề cập rất đậm nét, vẫn chưa khắc phục được.
Tôi cho rằng nếu không khắc phục được những tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ đứng trước nguy cơ mất dần quần chúng. Nếu cứ để những kẻ xấu chui vào Đảng, vào bộ máy công quyền thì sẽ đưa đến nhiều nguy cơ, mà dễ thấy nhất là chủ trương, chính sách không mang lại lợi ích cho số đông, thậm chí làm hại dân, gây nên những dồn nén, bức xúc xã hội. Và khi đó, đội ngũ cán bộ không còn nhiều tấm gương thuyết phục đối với dân.
Thật sự mà nói không phải người dân nào cũng hiểu hết bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa là thế nào, mà trước hết họ nhìn xem đội ngũ cán bộ hay những cán bộ trực tiếp làm việc với họ hằng ngày có phải là những người có đạo đức hay không, lời nói và việc làm có vì lợi ích của số đông hay không... Do vậy, nếu như dân không còn tin nữa thì họ sẽ bày tỏ thái độ bất tín nhiệm, bất hợp tác, mất lòng tin và thậm chí đây là một trong số các nguyên nhân tạo nên mầm mống bùng nổ xã hội từ những bức xúc được dồn nén qua nhiều vụ việc hằng ngày. Nếu đội ngũ cán bộ tốt, chủ trương, chính sách đúng đắn thì dù có bị kích động, lôi kéo đến đâu dân cũng sẽ không theo kẻ xấu một cách mù quáng.
Thạc sĩ NGÔ VĂN MINH Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (khu vực II)
Việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, quyền bình đẳng và quyền được biết của người dân được tôn trọng, là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu để xã hội phát triển. Không chỉ vì mục tiêu cụ thể là gia tăng hiệu quả của cuộc chiến đương đầu với "quốc nạn” tham nhũng, việc Nhà nước giải trình trước nhân dân còn là biểu thị cụ thể về bảo đảm quyền được thông tin vốn là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được hiến định. Quyền quan trọng đặc biệt này được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền Con người (năm 1948), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966. Bảo đảm quyền được thông tin đối với nhân dân cũng đã được Đảng đề ra trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH. Đáp ứng quyền được thông tin của người dân, trong đó được thông tin về tình hình tham nhũng và kết quả phòng chống tham nhũng đang là yêu cầu bức thiết, nhằm xác lập chuẩn mực bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Quyền được thông tin chính là phương tiện quan trọng để nhân dân làm chủ đất nước, thật sự tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội, mà cụ thể nhất đối với hiện tình đất nước là nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, chống bất công trong xã hội.
Tôi cho rằng trong vụ việc này, người dân bị thiệt hại đang đứng ở vị thế yếu. Người dân vẫn còn phải chờ đợi, uỷ quyền chờ chính quyền giúp. Nhưng khó mà có được công bằng cho người dân khi một cơ quan nhà nước đại diện người dân lại “dàn xếp” với một đơn vị nhà nước đi đòi quyền lợi giúp. Thậm chí bảo vệ “nhà mình” đến mức ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cấp bách ra thông báo mà dư luận đã lên tiếng, thì chứng tỏ họ đã bị ở một sức ép nào đó.
Nhưng tôi cũng cho rằng, đáng tiếc là người dân chưa biết cách thực hiện quyền chính đáng của mình. Khi người dân bị thiệt thòi về quyền lợi thì đương nhiên có quyền kiện ra toà án. Mình là người thiệt thòi thì phải đi đòi, chứ sao lại để người khác đi đòi giúp.
Tất cả mọi đề tài đều có mặt khó của nó. Nhưng thách thức đối với tôi là tìm thấy chất thơ trong tính dục.
Các tác phẩm viết về đề tài tính dục hay gợi dục đều là sự lựa chọn táo bạo của nhà văn. Không phải là việc tả lại người ta làm tình với nhau như thế nào ở bên ngoài - mà là sự thể hiện nội tâm bên trong của con người - nội tâm của những người đang yêu. Tính dục ở đây để thể hiện tình yêu. Con người yêu thương lẫn nhau, nhờ vậy cảm thấy một sức mạnh sản sinh từ nội tại. Để miêu tả được điều đó thực sự rất khó. Khó hơn nhiều so với việc vẽ lại những hình ảnh theo kiểu tả thực.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ thể hiện một số quan điểm chính và sẽ được thử nghiệm tại khu vực Thái Bình Dương.
Một trong những nguyên tắc chính của chiến lược đó là xây dựng cho quân đội Mỹ trở nên nhanh nhạy, dễ triển khai hơn, linh động hơn và sử dụng các công nghệ tối tân nhất và khu vực Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược này.
Một nguyên tắc khác trong chiến lược mà tôi có đề cập tại đối thoại Shangrila là chúng tôi đang tái cân bằng lực lượng tại khi vực châu Á- Thái Bình Dương, trong tương lai khoảng 60% lực lượng quân đội Hoa Kỳ sẽ được chuyển đến khu vực này. Vì lý do đó, sẽ rất quan trọng khi chúng tôi làm việc với các đối tác như Việt Nam để có thể sử dụng các cảng như cảng Cam Ranh khi chúng tôi đưa các tàu đóng tại bờ Tây đến khu vực Thái Bình Dương.
Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh nỗ lực của chúng tôi trong các hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để phát triển khả năng của các nước này để tự bảo vệ mình . Chúng ta thực hiện được điều đó để chúng ta đảm bảo các quyền hàng hải của các nước trong khu vực Biển Đông cũng như tại các nơi khác. Vì thế chúng tôi cho rằng việc hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là rất quan trọng, dựa vào đó các nước tuân theo Bộ quy tắc này. Để làm được điều này, chúng tôi cần phát triển xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với các nước, trong đó có Việt Nam và chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp các huấn luyện, hỗ trợ, để cải thiện khả năng quốc phòng của các nước này, mang lại hoà bình thịnh vượng cho khu vực.
Cộng đồng quốc tế phải duy trì sự nhạy cảm về các vấn đề của những nước nhỏ và đảm bảo quyền của họ bình đẳng như các thành viên trong cộng đồng toàn cầu, không bị bỏ quên hay tổn hại.
Khác với các thế kỷ trước, quyền tự do hàng hải không thể là đặc quyền của số ít. "Phần lớn các vùng biển chung không thể là tồn tại tuyên bố đặc quyền của bất kỳ quốc gia hay một nhóm nước nào. Chúng ta phải tìm sự cân bằng giữa quyền lợi của các nước và tự do của cộng đồng thế giới trong lĩnh vực hàng hải. Giống như tự do cá nhân, quyền tự do hàng hải toàn diện có thể được thực hiện chỉ khi tất cả các nước lớn hay nhỏ sẵn sàng tuân thủ các luật pháp và nguyên tắc được thống nhất chung.
Minh bạch, công khai rất cần thiết vì tham nhũng biểu hiện tập trung ở mấy yếu tố: tài sản, tiền, bất động sản, phương tiện đi lại rất đắt tiền… những thứ đó hoàn toàn có thể công khai, minh bạch được. Vấn đề cần thiết phải công khai, minh bạch càng sớm càng tốt là trong công tác cán bộ, quy trình tuyển dụng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ.
Tôi đã từng chất vấn tại Ủy ban TVQH về công tác cán bộ, vì công tác cán bộ cũng là một lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, có người dùng tiền để chạy chức chạy quyền, khi có chức có quyền, có điều kiện là vơ vét để "bù lại", đây chính là một mắt xích của tham nhũng. Tại sao một người có khuyết điểm, làm ăn thua lỗ, có những dấu hiệu vi phạm như Dương Chí Dũng, đang trong quá trình thanh tra, điều tra lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo một Cục có chức năng tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước? Có người giải thích các vị trí tương ứng như nhau, tôi cho là không phải, một bên là DN, một bên là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng GTVT quản lý nhà nước về hàng hải, có vị trí, tầm nhìn phạm vi rộng hơn nhiều, ở cấp dưới đã thế lên cấp trên sẽ còn tự tung tự tác thế nào nữa đối với cả một ngành? Đó là điều khó hiểu mà dư luận đặt ra nhưng cũng là điều dễ hiểu, còn vì sao khó hiểu, vì sao dễ hiểu thì dân đều nhận biết hết.
Lê Như Tiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội trả lời phỏng vấn Thanh Niên
Mỹ hẳn nhiên là muốn mở rộng hợp tác quốc phòng giữa 2 bên bằng những cuộc tập trận chung, những hoạt động có tính thực tiễn. Tuy nhiên, Việt Nam mới là nước do dự không dám tiến xa hơn. Đây cũng là lý do mà các tàu chiến Mỹ trong những chuyến viếng thăm Đà Nẵng thường niên chỉ tiến hành các “hoạt động” thay vì tiến hành “tập trận”. Những cuộc tập trận có thể bao gồm cả việc trao đổi các kỹ năng chiến đấu.
Nếu có những hợp tác sâu hơn thì có lẽ đó chỉ là những vấn đề không gây tranh cãi (chẳng hạn như vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó gồm việc trợ giúp nhân đạo và khắc phục thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn). Trong tương lai Việt Nam sẽ cử thêm nhiều sĩ quan tới Mỹ học tập và huấn luyện.