Cách viết hoa trong sách giáo khoa mớiTheo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, trong khi Việt Nam chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh việc viết hoa, sách giáo khoa mới giải quyết vấn đề này theo hai loại: viết hoa theo quy tắc ngữ pháp và viết hoa tu từ.
Theo quy tắc ngữ pháp, trước hết, các chữ cái đứng đầu câu, đầu tên chương, bài, mục... đều phải viết hoa. Nhưng vấn đề còn bàn cãi là những chữ cái mở đầu các dòng thơ và mở đầu các dòng trong một phép liệt kê có nên viết hoa. Theo thông lệ, chữ cái mở đầu các dòng thơ đều được viết hoa. Tuy vậy, nhiều nhà thơ hiện nay không viết hoa tất cả các chữ cái đầu dòng thơ, nhất là khi một dòng thơ phải nối với những dòng trước mới thành một câu trọn vẹn. Thí dụ:
Cây bàng mùa đông
cởi trần giữa gió
còn manh lá đỏ
gió cũng giật luôn
em thương cây đứng
một mình
rét run
(Nguyễn Trọng Tạo. Cây bàng)
Cách trình bày trong khổ thơ trên có thể còn xuất phát từ dụng ý tạo hình. Những cách trình bày độc đáo như thế có thể được giữ nguyên trong sách giáo khoa (SGK) trung học. Nhưng trong SGK tiểu học thì việc không viết hoa các chữ cái mở đầu dòng thơ có thể gây thắc mắc cho học sinh nhỏ tuổi. SGK tiểu học đành phải chọn một trong hai giải pháp: hoặc viết hoa tất cả các chữ cái đầu dòng thơ theo thông lệ, hoặc để dành những bài thơ có cách trình bày độc đáo như thế cho bậc học trên.
Theo quy tắc ngữ pháp, mỗi khi xuống dòng, chữ cái đứng đầu dòng cần được viết hoa. Chiếu theo quy tắc chung này, những chữ cái đầu dòng như ở thí dụ dưới đây cũng sẽ được SGK viết hoa:
Nói lời của em:
- Chào bố, mẹ để đi học.
- Chào thầy, cô khi đến trường.
- Chào bạn khi gặp nhau ở trường.
(Tiếng Việt 2, tập một, tr.20)
Cũng theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, các tên riêng (bao gồm danh từ riêng và cụm từ chỉ tên riêng) đều phải viết hoa. SGK mới viết tên riêng theo một quy tắc rất đơn giản: viết hoa tất cả các chữ cái đứng đầu mỗi bộ phận cấu thành tên riêng ấy. Cụ thể:
Trong tên người, tên địa lý Việt Nam thì mỗi bộ phận cấu thành được quan niệm là một âm tiết (quan niệm như vậy cho đơn giản, dễ vận dụng). Do đó, SGK viết hoa các chữ cái đứng đầu mỗi âm tiết tạo thành tên riêng, bất kể đó là tên địa lý hay tên người, tên thật hay tên thụy, tên tự, tên hiệu, bút danh, biệt danh như Việt Nam, Hà Nội, Triệu Thị Trinh, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Tố Như, Đội Cấn...
Trong tên người, tên địa lý nước ngoài, mỗi bộ phận cấu thành có thể gồm một hay nhiều âm tiết. Chữ cái đứng đầu mỗi bộ phận này được viết hoa. Nếu bộ phận cấu thành gồm nhiều âm tiết thì các âm tiết ấy sẽ được phân cách bằng dấu gạch nối cho dễ đọc. Thí dụ: Mát-xcơ-va, La Ha-ba-na, An-phông-xơ Đô-đê...
Tên các cơ quan, đơn vị, tổ chức... thường là một cụm từ. Áp dụng quy tắc chung, SGK viết hoa chữ cái đứng đầu mỗi bộ phận cấu thành tên riêng ấy. Thí dụ: Trường Tiểu học Kim Đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Phức tạp nhất trong vấn đề viết hoa tên riêng là trường hợp danh từ chung được lấy làm tên riêng của người, vật, sự vật, thí dụ: Người, Hổ, Dế Mèn, Dê Trắng, Chổi Rơm... Có người không hiểu vì sao tên loài (nhất là tên con vật, đồ vật, cây cối) lại được viết hoa "trân trọng" như vậy. Ngược lại, có nhiều người nghĩ rằng hễ con vật, cây cối, đồ vật... được nhân hóa là phải viết hoa. Sự thật thì đây là chuyện viết hoa tên riêng, hoàn toàn không phải để thể hiện thái độ trân trọng, cũng không phải vì các vật ấy được nhân hóa. Trong đoạn trích dưới đây, tên các loài chim và loài cây không được viết hoa vì đó vẫn là tên loài, mặc dù chúng đã được nhân hóa bằng các từ vốn chỉ người hay hoạt động của người:
Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích chòe nhanh nhảu. Những chú khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy trầm ngâm.
(Nguyễn Kiên. Mùa xuân đến. - Tiếng Việt 2, tập hai, tr.17)
SGK chỉ viết hoa tên các con vật, đồ vật, cây cối khi đấy là tên riêng, thậm chí trong cả những trường hợp hoàn toàn không có sự nhân hóa, thí dụ: Vện, Mướp, Cún Bông... Và một khi đã là tên riêng thì các tên này phải được viết hoa theo quy tắc viết tên riêng Việt Nam, tức là viết hoa các chữ cái đứng đầu mỗi âm tiết.
Cuối cùng, cần nói đến trường hợp viết hoa theo quy tắc tu từ. Viết hoa tu từ là để thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với người hay sự vật nhất định. Thí dụ:
Quốc Toản bèn chạy đến, quỳ xuống tâu:
- Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin Bệ hạ cho đánh!
(Nguyễn Huy Tưởng. Bóp nát quả cam. - Tiếng Việt 2, tập hai, tr.125)
Tuy nhiên, viết hoa tu từ thường không theo quy định chặt chẽ, mà tùy ở người viết. Thí dụ, chữ vua có thể được viết hoa để tỏ ý tôn trọng đặc biệt, nhưng cũng có thể không viết hoa, nhất là khi chữ ấy chỉ "vua nói chung" như trong chú thích: Thuyền rồng: thuyền của vua, có chạm hình con rồng (Tiếng Việt 2, tập hai, tr.125).
(Theo Nhân Dân)
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)