Nhận Định về Triều Nguyễn (I)
Án thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế và Hoàng hậu Thừa Thiên Thuận Thiên
Phạm Văn Bản
Tết Canh Dần vừa qua người viết ra thăm cố đô Huế, nơi các vua của triều đình nhà Nguyễn trị nước trong 143 năm, tôi kính cẩn dâng nén hương lòng, cầu cho nước thịnh dân an và tạ tội trước án thờ của các Ngài trong Thế Tổ Miếu. Và trước đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế cùng hai vị Hoàng Hậu Thừa Thiên, Thuận Thiên đại diện nhà Nguyễn, tôi xin thành tâm tạ tội với các Ngài, vì chính tôi đã học những bài lịch sử thiếu chính đại quang minh ở học đường, mang nhận thức sai lầm về triều Nguyễn, và đắc tội với các Ngài. Xin các Ngài rộng lòng tha thứ và gia ân phù giúp, cho toàn thể dân Việt biết thực tâm nối bước tổ tiên, luôn thể hiện tận tình giáo huấn, đem văn hóa kết liên dân Việt, tạo sức hùng hưng phục quê hương, quyết loan truyền sứ điệp tình người, thành cơ chế cứu nguy nhân loại. Đúng ơn trời mong muốn, thêm rạng rỡ tổ tiên. Lòng thành kính dâng, khấn xin hưởng nhận. PVB.
Các sách giáo khoa ấy đều do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam thành lập theo quyết định số 34 của trung ương đảng Lao Động Việt Nam, ngày 2 tháng 12 năm 1953 Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra chỉ đạo trong việc biên soạn lịch sử, địa lý và văn học nhằm tuyên truyền đầu độc học sinh sinh viên khắp nước, qua bao thế hệ đã phẫn nộ và căm thù vua chúa nhà Nguyễn: Chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động. Nhà Nguyễn tăng cường bộ máy đàn áp. Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát. Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà. Tự Đức bán rẻ đất nước cho thực dân Pháp.
Đọc Lịch Sử Việt Nam (1971) tập I, nhiều tác giả trong Ủy Ban Khoa Học Xã Hội đưa ra những nhận định về các vua nhà Nguyễn trong việc mất nước, như sau.
- Triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tội ác trời không dung, đất không tha, để cho tên tuổi đất nước một lần nữa, sau hàng ngàn năm độc lập, bị quân cướp nước xóa khỏi bản đồ thế giới.
- Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân.
- Triều Nguyễn là vương triều tối phản động. Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em.
- Chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế.
Và nhiều tài liệu dẫn chứng khác cũng cùng mang một luận điệu : Nhà Nguyễn đã tăng cường bộ máy đàn áp. Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát. Chế độ áp bức bóc lột nặng nề. Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động. Chính sách đối ngoại mù quáng.
Đọc tiếp cuốn Lịch Sử Việt Nam (1985) tập II, các tác gỉa cũng lại nhận định: Triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt. Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn. Cực kỳ ngu xuẩn.
Hoặc là: Tên chúa phong kiến bán nước số một là Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp.
Và cuốn sử phát hành mới đây, Đại Cương Lịch sử Việt Nam (2007) Tập II, do Đinh Xuân Lâm, một giáo sư được ca tụng là có công xây dựng Bộ môn Lịch sử cận đại và hiện đại, là phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm UNESCO – cũng đã nhận định: Triều Nguyễn thành lập là sự thắng thế của tập đoàn phong kiến tối phản động trong nước có tư bản nước ngoài ủng hộ.
Giáo sư Lâm cho rằng: Nhà Nguyễn là một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, tập trung cao độ với một chế độ chính trị lạc hậu, phản động. Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn.
- Và các biện pháp khai hoang hay mộ dân lập ấp, theo giáo sư Lâm là đã xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị.
Để duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi, phong kiến nhà Nguyễn ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách.
Đối nội, chúng ra sức đàn áp khủng bố các phong trào của quần chúng.
Và đối ngoại, chúng ra sức đẩy mạnh thủ đoạn xâm lược đối với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt. Còn đối với các nước tư bản phương Tây thì chúng thi hành ngày một thêm gắt gao chính sách bế quan toả cảng và cấm đạo, giết đạo.
Với những chính sách phản động nói trên, nước Việt Nam đã suy yếu về mọi mặt và trở thành miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương Tây.
Ngay từ năm 1961, trước khi cho ấn hành Đại Nam Thực Lục là bộ sách ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn… nhiều tác giả của Viện Sử Học Việt Nam đã viết:
- Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh (1558-1888) những công việc mà các vua chúa nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta.
- Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam Thực Lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn… Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử... vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức.
Quan điểm độc tài của Ủy Ban Khoa Học Việt Nam có nhận định hàm hồ về nhà Nguyễn, được đăng tải rộng khắp trên các diễn đàn nghiên cứu lịch sử văn học, lịch sử địa lý, lịch sử tư tưởng Việt Nam… biểu thị trong ngành sư phạm hay trong sách gíao khoa, được giảng dạy từ bậc tiểu học trở đi… Bởi thế cho nên nó đã ảnh hưởng tác hại đến các tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam, cắt đứt nguồn sống và truyền thống chính trị dân tộc, ngạo mạn và vô ơn hay khinh chê tổ tiên những người dày công dựng nước, giữ nước.
Điển hình là xã hội miền Bắc từ sau năm 1954, và miền Nam từ sau năm 1975 tới nay, các di tích lịch sử có liên quan tới nhà Nguyễn đã bị bỏ mặc và biến thành phế tích hoang dại, vật dụng bị đánh cắp. Những trường học, đường phố hay các công viên có dính dáng tới tên tuổi của vua quan nhà Nguyễn cũng bị xóa bỏ, kể cả những anh hùng dân tộc như vua Duy Tân chống Pháp cũng bị gạch tên… Cho tới ngày nay, nhờ dịch vụ thương mại du lịch mang lại lợi lộc nên nhà cầm quyền mới chịu chỉnh trang Đại Nội, và mang hình bác cờ xí vào trang trí.
Giờ đây trước anh linh của các minh quân thánh chúa nhà Nguyễn, tôi nguyện xin các Ngài phù gíup trong việc nối lại mạch sống chính trị và truyền thống bất khuất của dân tộc. Tôi cũng xin công nhận các Ngài cố công dựng nước và giữa nước, mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, phát triển văn hóa giáo dục… và để lại nhiều di sản quý báu cho dân tộc. Ví dụ điển hình, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO năm 2003 công nhận là một “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.”
Thứ đến, Cố Đô Huế cũng được UNESCO năm 1993 công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới.” Trước mắt tôi, Kinh Thành Huế quả là một công trình kiến trúc quy mô và đồ sộ, được xếp vào hàng bậc nhất trong các di tích của lịch sử cận kim. Phong cách cấu trúc và phương pháp phòng ngự của Vua Gia Long thiết kế Kinh Thành Huế như một pháo đài hùng tráng, và khiến cho thuyền trưởng người Pháp Le Rey năm 1819 khi đặt chân tới đây có nhận xét: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng.”
Kinh Thành Huế tọa lạc bên bờ bắc của giòng sông Hương với diện tích hơn 500 mẫu đất, có ba vòng thành bảo vệ. Một cụ già địa phương kể cho tôi nghe, vua Gia Long du thuyền trên sông Hương và thấy núi Bằng Sơn, cao khoảng 105 thước có hình dáng non bộ cân xứng với phong thủy. Ở hai bên Bằng Sơn lại có hai ngọn núi nhỏ là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn, trông tợ thanh long bạch hổ phục chầu. Vua quan sát thì thấy Bằng Sơn quả là tấm bình phong hay bàn thạch cho mình ngự mà trông việc thiên hạ, vì thế vua đã chọn Bằng Sơn làm án thờ phía trước, tức hệ thống tường thành thiên nhiên bao quanh để bảo vệ Kinh Thành Huế và vua đã cho đổi tên Bằng Sơn thành Ngự Bình.
Năm đó là 1805, vua Gia Long khởi công xây thành, và thành được xây theo phong cách kiến trúc Tây phương, cũng như kết hợp với kiến trúc thành quách của Đông phương tạo ra một sắc thái riêng biệt của dân tộc. Trong việc xây dựng cung đình, vua cũng đặt ra những phần tiếp nối và phần thừa kế truyền thống kiến trúc từ đời Lý, Trần, Lê. Điểm đặc biệt vua cũng tiếp nhận tinh hoa kỹ thuật và mỹ thuật Trung Quốc nhưng thành Việt Nam hóa. Ngoài ra, vua cũng rút tỉa được kỹ nghệ hóa do những kỹ sư Pháp đang phục vụ dưới triều ngài. Cho nên, thiết kế hệ thống hào lũy, hệ thống thành quách và hệ thống cung điện đều đặt trên hướng trục chính là Tây Bắc và Đông Nam theo các yếu tố ngũ hành tương ứng với ngũ phương… Vào năm 1832, thành mới được hoàn tất dưới triều vua Minh Mạng… và trải qua hai trăm năm tới nay, cố đô vẫn còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình kiến trúc lớn nhỏ.
1. Chính Trị
a. Định Chế Làng Nước
Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế vào năm 1802, Gia Long đã xây dựng và phát triển định chế làng nước, một tuyệt tác chính trị của tổ tiên được lưu truyền trong lịch sử, nhằm gíup dân chúng bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống mọi sự vi phạm hoặc xâm phạm từ nước ngoài, kể cả bằng những biện pháp trấn áp quyết liệt công giáo. Định chế làng nước mà người viết học hỏi nhà Nguyễn, là đặc điểm giúp cho dân tộc ta thoát nạn quân chủ chuyên chế ở thời trước, mà còn là phương thức giúp chúng ta thoát nạn “dân chủ đấu thầu” trong thời nay.
Học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (1919) nói rằng, “người ta thường hiểu mấy chữ quân chủ chuyên chế theo nghĩa của các nước Âu Tây, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho Giáo có nhiều chỗ khác nhau.” Theo nguyên tắc tổ chức triều đình nhà Nguyễn, khi có việc gì quan trọng vua giao cho đình thần các quan cùng nhau bàn xét. Các quan bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Khi việc nào đã quyết định thì đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành. Vua tuy có quyền lớn nhưng không được làm điều gì trái nguyên tắc. Nếu vua có làm điều gì sai thì các quan Giám sát Ngự sử có quyền can ngăn, và thường là vua phải nghe lời can ngăn của những người này.
Trong định chế làng nước, quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống làng thôn đều thuộc về quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người đại diện của mình mà cử ra quản trị mọi việc tại đia phương. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng.
Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia, quyền hạn vua quan Việt chẳng những không can thiệp vào đời sống từng người dân, mà cũng không xâm phạm vào nếp sống sinh hoạt của các làng thôn. Đối với triều đình, mỗi làng là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền và độc lập. Việc làng thì người dân tự lập và tự quyết.
Làng tự lập chẳng những có ban quản trị riêng do chính dân bầu ra, mà còn có điều lệ riêng cho hệ thống hành chánh trong làng. Làng có ngôi đình thờ vị Thành Hoàng riêng, với những nghi thức nghi lễ riêng. Làng có tổ chức trị an riêng với những tiêu chuẩn thưởng phạt do dân trong làng quy định. Làng có tài sản riêng và toàn quyền xử dụng ngân sách tài chánh theo nhu cầu. Trong phạm vi làng, cả quyền phép của vua quan cũng kiêng nể những điều lệ riêng này. Phép vua thua lệ làng… Xin hỏi, có chế độ nào trực tiếp do dân, của dân, và vì dân hơn thể chế dân chủ của Làng Nước Việt?
(Còn tiếp)
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
b. Tổ Chức Triều Chính
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành hoàng đế, Gia Long đã tiếp tục kiện toàn hệ thống hành chánh và quan chế của một chính quyền mới. Xét về căn bản, vua vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại ngày trước. Đứng đầu nước là vua, giữ trọng trách và quyền hành của dân nước. Giúp vua giải quyết giấy tờ, văn thư và ghi chép có Thị thư viện, đến thời Minh Mạng thì đổi thành Văn thư phòng, và năm 1829 lại đổi là Nội các. Về việc quốc gia đại sự thì giao bốn vị Điện Đại học sĩ, gọi là Tứ trụ Đại thần, đến năm 1834 thì trở thành viện Cơ mật. Ngoài ra còn có Tông nhân phủ phụ trách các công việc của Hoàng gia.
Để đề cao vai trò vua và uy quyền của người nguyên thủ quốc gia, ngăn chặn nạn quyền thần lấn át hoàng đế, vua Gia Long đặt ra lệ Tứ bất: Trong triều không lập Tể tướng, thi đình không lấy Trạng nguyên, trong cung không lập Hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài họ vua.
Bên dưới triều đình lập ra sáu Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư chịu trách nhiệm chỉ đạo các công việc chung của quốc gia.
Bộ Lại: điều hành việc khảo xét công trạng, thảo những tờ chiếu sắc.
Bộ Hộ: điều hành việc đinh điền thuế má, tiền bạc tài chánh.
Bộ Lễ: điều hành việc tế tự, tôn phong, cách thức học hành thi cử.
Bộ Binh: điều hành việc quân sự, quốc phòng, binh bị.
Bộ Hình: điều hành việc pháp luật.
Bộ Công: điều hành việc xây dựng cung điện, dinh thự, đường xá.
Bên cạnh sáu bộ, còn có Đô sát viện, tức Ngự sử đài bao gồm sáu khoa, chịu trách nhiệm thanh tra quan lại. Hàn lâm viện phụ trách các sắc dụ, công văn. Năm Tự phụ trách một số sự vụ. Phủ Nội vụ quản trị các kho tàng. Quốc tử giám phụ trách giáo dục. Thái y viện chịu trách nhiệm về việc chữa bệnh và thuốc thang. Và có một số Ty, Cục khác.
c. Quy Chế Phẩm Trật
Ngạch quan lại chia làm hai ngành văn và võ. Kể từ thời vua Minh Mạng được xác định rõ rệt giai chế phẩm trật từ cửu phẩm tới nhất phẩm, mỗi phẩm chia ra chánh và tòng hai bậc. Trừ khi chiến tranh loạn lạc, còn thời bình quan võ phải dưới cấp quan văn cho dù cùng phẩm với mình. Quan Tổng đốc là văn cai trị tỉnh, lại vừa là võ chỉ huy quân lính trong tỉnh.
Lương bổng của các quan tương đối ít nhưng quan lại được hưởng nhiều quyền lợi, cha họ được khỏi đi lính, làm sưu và miễn thuế tùy theo quan văn hay võ, hàm cao hay thấp. Ngoài ra con cái các quan còn được hưởng lệ tập ấm.
Tóm lại, bộ máy hành chánh và quan lại dưới triều Nguyễn thật ra không cồng kềnh, mặt khác tham nhũng vẫn là một mối lo nhằm trong sạch hàng ngũ quan lại. Để hạn chế tệ tham nhũng, nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm đến chế độ lương bổng, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả cho đội ngũ quan lại. Bộ luật triều Nguyễn cũng có những hình phạt và những điều lệ nghiêm khắc đối với những sự hà lạm của quan lại như tiếm nghịch, biển thủ của công, ăn hối lộ và đút lót.
d. Phân Chia Hành Chánh
Việc xây dựng chính quyền địa phương là một khó khăn về chính trị đối với triều đình, vì do quá trình chia cắt đất nước lâu dài bởi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Mỗi miền, cụ thể là Bắc Hà và Nam Hà có sự phân chia hành chính khác nhau, khi lên ngôi vua Gia Long vẫn giữ nguyên cách phân chia hành chính cũ, ở Đàng Ngoài các cấp hành chính là trấn – phủ – huyện – xã. Ở Đàng Trong trấn – dinh – huyện – xã và ít lâu sau, Tổng trở thành cấp trung gian giữa Huyện và Xã.
Năm 1802, khi quyết định Phú Xuân là quốc đô vua Gia Long vẫn tạm đặt 11 trấn phía Bắc tương đương khu vực Bắc Bộ ngày nay, thành một Tổng trấn với tên cũ Bắc Thành do một Tổng trấn đứng đầu. Đến thời Minh Mạng, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, năm 1831-1832, vua thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, theo đó bỏ các tổng trấn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Đây là lần đầu tiên đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện ở Việt Nam. Năm 1831, Minh Mạng đổi các trấn từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Vùng còn lại ở phía Nam được chia làm 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên. Và Thừa Thiên nơi có kinh đô Phú Xuân là phủ trực thuộc trung ương. Toàn quốc được chia ra thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên.
Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, mỗi người phụ trách hai ba tỉnh và chuyên trách một tỉnh, Tuần phủ dưới Tổng đốc, phụ trách chỉ một tỉnh. Giúp việc có Bố Chánh Sứ ty lo về thuế khóa, hộ khẩu, hành chính. Án Sát Sứ ty lo về an ninh, luật pháp. Lãnh Binh phụ trách về quân sự. Tất cả các quan chức đứng đầu tỉnh đều do chính quyền Trung ương trực tiếp bổ nhiệm, thuở ban đầu là võ quan cao cấp, và về sau nhà Nguyễn bổ dụng các quan văn. Bởi thế chúng ta thấy một hệ thống chính quyền được phân biệt rõ ràng giữa trung ương và địa phương, và trong hệ thống này nhà vua, nguyên thủ quốc gia có được nhiều quyền lực hơn so với các triều đình ngày trước.
Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, tổng và xã. Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Nhìn chung là cơ cấu hành chính của các tổng, xã được tổ chức khá chặt chẽ để triều đình có thể dễ dàng quản lý và phản ứng mau lẹ mỗi khi có biến loạn xảy ra.
Đối với vùng thượng du và với các khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là 6 ngoại trấn của Bắc Thành cũ, vua Minh Mạng quyết định nhất thể hóa về mặt hành chính cùng với các vùng miền xuôi. Năm 1829, vua bãi bỏ chế độ thế tập của các Thổ ty, các tù trưởng của dân tộc thiểu số mà cho quan lại lựa chọn những thổ hào ở địa phương thanh liêm, tài năng cần cán được dân tin phục làm Thổ tri các châu huyện. Các châu huyện miền núi cũng được phân chia lại để phù hợp với diện tích và dân số mỗi vùng.
Vua Minh Mạng còn đặt thêm một chức lưu quan do người Kinh nắm giữ để khống chế các vùng này tốt hơn và tiến hành thu thuế các loại như ở miền xuôi. Chế độ này đã từng làm thí điểm ở các vùng cao thuộc Nghệ An, nay áp dụng ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Tuy nhiên, do phản ứng của người dân địa phương, vua Tự Đức sau này đã bãi bỏ chế độ lưu quan.
(Còn tiếp)
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook