Nghệ thuật tương phản trong “ Đại dương - đêm” của V. Huygô.
(Nguyễn Quỳnh Phương.Văn k42b - ĐHSP Tn)
Bài thơ Đêm đại dương ( oceano nox) của V.Huygô được đưa vào chương trình giảng dạy cải cách ở THPT từ năm 1991. Nhưng thực ra, bài thơ này đã được người Việt Nam biết đến từ khá lâu. Qua trí nhớ của những người đương thời, Đêm đại dương được lưu hành trong đời sống con người Việt Nam giống như bài văn chiêu hồn kiểu Nguyễn Du. Trái tim nhân đạo của nhà thơ lớn nước Pháp có sự tương ứng với trái tim nhà nhân đạo lớn người Việt. Và có thể nói, Văn chiêu hồn và Đêm đại dương là những sáng tác cùng thời. Chúng ta tin chắc rằng , giữa hai vĩ nhân ấy không có ảnh hưởng gì qua lại cả, nhưng chúng ta cũng tin rằng những trái tim nhân đạo bao giờ cũng có những gặp gỡ kỳ diệu.
Chúng ta đều biết V.Huygô là một con người có tấm lòng nhân ái bao la, đặc biệt ông luôn cảm thông sâu sắc với số phận những người khốn khổ ; tất cả tình yêu thương ấy thấm vào nghệ thuật lãng mạn của nhà thơ, trong văn xuôi, trong tiểu thuyết, trong kịch và trong thơ. Nhất là trong thơ. Nói đến thơ, người ta hay nghĩ tới những tiếng nói của nội tâm, tiếng lòng của người nghệ sĩ. Đó là tiếng nói trực tiếp, tiếng nói cất lên từ những gì sâu thẳm nhất, chân thành nhất. Là tiếng nói của tình cảm, không ai có thể ra lệnh cho thơ, không ai có thể ép người ta làm thơ, ngoài mệnh lệnh của trái tim, ngoài sức ép của chính tấm lòng.
Chất thơ, chất trữ tình là điểm mạnh trong ngòi bút của Huygô. Nếu điều ấy là đúng thì trước hết đúng với bài Đêm đại dương.
Bài thơ được in trong tập Tia sáng và bóng tối. Đây không phải tập thơ xuất sắc nhất của thi sĩ, nếu không muốn nói là ít thành công hơn những tập khác, ví dụ như Mặc tưởng (1856) chẳng hạn. Nhưng điều ấy không hề khiến người ta phải băn khoăn khi nói Đêm đại dương là một kiệt tác.
Đêm đại dương gồm tám khổ thơ, mỗi khổ sáu câu, khơi nguồn cảm hứng từ bên ngoài và cả bên trong thi sĩ.
Cái ngọn nguồn cảm hứng bên ngoài nhà thi sĩ Huygô có lẽ là những gì nhà thơ nhìn thấy trong chuyến đi về Phương Nam và chứng kiến cơn bão biển mù trời tối đất vào năm 1839. Trong bài thơ chúng ta ít nhiều còn nhận thấy một vài chi tiết cụ thể, tuy ít ỏi nhưng cũng có thể giúp người đọc hình dung ra ít nhiều cái ngọn nguồn bên ngoài ấy.
Mở đầu bài thơ là nhan đề Đêm đại dương, nguyên văn tiếng Latinh trang trọng như chữ Hán trong tiếng Việt vậy. Oceano nox ( Oceano :đại dương . nox : đêm tối ). Đó có thể là cái khung cảnh mà nhà thơ nhìn thấy trước mắt vào một thời điểm, hay nhiều thời điểm nào đó trong cuộc đời nhà thơ. Tta hình dung thấy nhà thơ đang đứng trước đại dương mênh mông sóng nước, mênh mông gió bão, mênh mông tăm tối. Cả đại dương, cả đêm tối đều gợi lên cái gì đó mênh mông vô tận. Mênh mông vô tận đủ cho chúng ta, những con người nhỏ bé phải rợn ngợp. Về cuối bài thơ lại xuất hiện thêm nhiều chi tiết : mà vì thế tiếng người nghe tuyệt vọng – khi chiều chiều ngươi đến cùng ta. Như vậy, Huygô có thể đã nhiều lần chứng kiến cảnh biển đêm. Toàn bộ bài thơ được cài chặt giữa nhan đề và cái ý thơ kết thúc kia. Nhưng giữa hai cái khung mở và kết ấy là những trầm tư, những mộng tưởng của người nghệ sĩ trác tuyệt. Thơ trong Đêm đại dương là một bài thơ trữ tình, trữ tình phong cảnh và trữ tình triết lí.
Có thể nói những điều Huygô trông thấy cũng có nhiều người khác trông thấy. Nhưng chỉ có ở những người nghệ sĩ tầm vóc như Huygô mới nảy sinh cảm xúc, mới nảy sinh cái tình cảm đau đớn lòng. Trước biển đêm, Huygô nhớ tới, băn khoăn về biết bao thuyền viên, thuyền trưởng. Họ ra đi. Họ vĩnh viễn không trở lại bao giờ. Vì sao số phận con người lại mỏng manh đến vậy. Những băn khoăn trăn trở ấy chuyển hóa thành những câu hỏi không lời đáp : Ai biết được lặp lại nhiều lần như là một niềm nhức nhối. Ai biết nơi vực sâu vùi số phận. Ai biết phận anh cuộc đời xấu số. Ai biết tên anh ko phiến đá tầm thường. Rồi họ ở đâu… Dòng trầm tư của Huygô dồn đúc lại trong câu : thân dưới nước, tên chìm trong kí ức. Chưa hết, thời gian phủ bóng đêm, tăm tối phủ đầy cả miền quên lãng của con người. Người Pháp có nói đến chuyện con người chết hai lần. Một lần chết về thể xác. Một lần chết trong sự lãng quên của con người. Huygô viết về cái chết như thế.
Khắp bài thơ là bức tranh có gam màu tối. Nào là đại dương tăm tối ; chân trời u ám; đáy vực sâu; biển sâu vô tận ; đêm không trăng giữa biển không cùng; nào là thời gian phủ bóng đen; nào là niềm lãng quên tăm tối. Tóm lại, khắp bài thơ chỗ nào cũng đều tăm tối. Đêm đại dương là xung đột giữa bóng tối và sự sống của con người. Bóng tối lại là đồng minh của nỗi ngờ vực. Sự chóng quên, hay chính xác hơn là sự lãng quên của người đời.
Đêm đại dương là tiếng lòng của V.Huygô, khi đứng trước cảnh biển đêm và nghe tiếng sóng rền rĩ, đã rung lên niềm cảm thương sâu sắc với những thủy thủ bất hạnh : thân thể chìm dưới nước và tên tuổi chìm trong sự lãng quên của con người. Họ đã chết tới hai lần như cách người Pháp thường hay nói.
Bài thơ là sự triển khai hai dòng tâm tư của thi sĩ về hai quá trình kể trên. Các câu thơ 12 âm tiết trong nguyên tác được ngắt chính giữa, sau âm tiết thứ sáu, theo đúng thể thơ alecxandrin của Pháp, trừ một đôi chỗ có thay đổi nhưng ko đáng kể. Riêng câu kết thúc khổ thơ thứ ba và thứ sáu rút ngắn chỉ có tám âm tiết, trên văn bản được đặt lùi vào một chút, khiến cho bài thơ dường như được chia thành ba phần khá rõ rệt đánh dấu bằng hai câu tám chữ kia. Kết cấu bài thơ được thể hiện rất tự nhiên 3 – 3 – 2.
Bài thơ được sử dụng triệt để thủ pháp nghệ thuật tương phản để nhấn mạnh số phận nhuãng người đi biển, những con người nhỏ bé mong manh hữu hạn trước những sức mạnh thiên nhiên kì vĩ, mù quáng…
Ba khổ thơ đầu là sự hình dung của nhân vật trữ tình về tai nạn khủng khiếp mà các thủy thủ gặp trên biển đêm đen tối trong trận cuồng phong. Nhà thơ đã tái hiện một cách đầy ấn tượng quá trình họ bị nhấn chìm xuống nơi đáy vực âm u. Đúng là một đoạn phim quay chậm đầy chất tạo hình của nghệ thuật điện ảnh. Những chi tiết nghệ thuật đắt giá đầy ấn tượng trong một bức tranh, một trường đoạn điện ảnh với gam màu u xám, tăm tối, u ám đến nhức nhối và tăm tối đến rợn người. Hình ảnh đại dương được hình dung qua những câu thơ đầy chất tạo hình.
Chìm nơi chân trời xa lắc âm u
Số phận ác tàn bao người đã mất
Biển sâu vô tận một tối không trăng
Đại dương mịt mù mãi mãi vùi thân
Nhà thơ hình dung sự chìm dần của những người thủy thủ trong đáy sâu đại dương: xác người thủy thủ chìm dần qua những khoảng rộng âm thầm trán họ vấp phải nhũng đá ngầm xa lạ để cuối cùng nằm yên giữa lớp rong xanh. Ở đây tác giả sử dụng bút pháp tương phản giữa số phận nhỏ bé, mỏng manh, yếu ớt của con người trước sức mạnh thiên nhiên vô cùng vô tận. Con người thì nhỏ bé, thiên nhiên thì rộng lớn. Những người thủy thủ ra khơi với tâm thế hồ hởi, phấn khởi : Bao thủy thủ, ôi bao thuyền trưởng / Đã hân hoan theo những cuộc viễn du. Sở dĩ như vậy trước hết là vì họ là những con người, và họ có quyền để hi vọng, phấn khởi trước một chuyến đi.Nhưng thực tế lại đối lập hoàn toàn với mong mỏi của họ. Cái chết ập đến bất ngờ không báo trước, đó là sự tương phản giữa cái chủ động khi ra đi và cái bị động khi bị biển cả nhấn chìm cùng những cơn sóng dữ tợn.
Ba câu : Ôi ! cha mẹ già một lòng mong nhớ. Bến bờ xưa mòn mỏi trông chờ. Kẻ ra đi trở lại chẳng bao giờ là những câu có tính chất cầu nối chuẩn bị mở ra phần thứ hai của bài thơ. Phần nói về sự lãng quên của người đời – lần chết thứ hai của những người thuy thủ. Nếu như phần trên là thân xác người thủy thủ bị chìm dưới đáy đại dương thì ở đây là tên tuổi của họ. Tên người / thân xác người , một cặp tương phản trong nghệ thuật tương phản rất quen thuộc của thơ Huygô. Thay vì cho sự chìm trong đại dương – không gian, ở đây là sự chìm dần trong trí nhớ - trong thời gian. Thơ Huygô là vậy, luôn có sự đồng nhất giữa những phạm trù tưởng như đối lập nhau. Có lẽ tác giả quan niệm : sự lãng quên của con người còn khủng khiếp hơn sự chìm trong đáy nước nên suy nghĩ về nó nhiều hơn chăng ? Phần này vì thế không nằm gọn trong ba khổ thơ 4 – 5 – 6 mà tràn cả sang khổ thơ thứ 7.
Bước đi của thời gian tuy trừu tượng nhưng hiện lên khá rõ nét trong tâm tưởng của nhà thơ. Mới đầu, những kẻ bất hạnh kia còn có cha mẹ nhớ tới : ôi ! cha mẹ già nua… rồi đến lượt những người vợ góa của họ theo thời gian cũng ngả về chiều : Vầng trán bạc mỏi mòn, người vợ góa cuối cùng thì chính những người thân yêu ấy cũng bị rơi vào thảm họa của cái chết : rồi khi nấm mồ khép vành mi họ.
Sự lãng quên theo với thời gian thật khắc nghiệt. Lúc đầu những con người bất hạnh còn để lại nỗi đau da diết nơi trái tim rớm máu của cha mẹ và những người vợ. Nhưng đến lúc cha mẹ không còn, vợ góa cũng trở về già …thì mới thật là khủng khiếp. Chúng ta hãy theo bước đi của thời gian để chứng kiến sự lãng quên , tên tuổi anh vương lại một thời gian, rồi một lúc nào đó sự vương vấn chỉ còn xen giữa những khúc hát, tiếng cười, những chuyện phiêu lưu. Tên tuổi họ chỉ còn vương trong những cuộc trò chuyện của nhóm người quay quần vui vẻ. Tệ hơn nữa tên của họ còn được nhắc tới giữa những cái hôn trộm người yêu xưa xinh đẹp của anh. Tàn nhẫn hơn, người ta còn đặt ra câu hỏi thật vô tình : Họ đâu ? làm vua hải đảo ? hay bỏ ta đến những bờ biển giàu hơn? Phải chăng đó là sự tương phản giữa nỗi nhớ trong lòng người là hữu hạn và sự lãng quên là quy luật tất yếu.
Rồi thời gian cứ trôi, đến lúc người ta chẳng còn nhớ ai nữa vì công việc bận rộn. Duy chỉ có người vợ thỉnh thoảng nhớ tới chồng nhưng buồn thay cũng chỉ là khơi đống tro tàn trong kỉ niệm. Thực tế đốm lửa trong tro tàn sẽ tắt, đốm lửa yêu thương trong tim cũng sẽ nguội lạnh dần. Đúng với quy luật của tình cảm và cuộc sống.. Thời gian có sức mạnh hơn cả, đó là sức mạnh của sự lãng quên. Ở đây có sự tương phản giữa ánh sáng của đốm lửa tro tàn nhỏ nhoi, yếu ớt như số phận cuộc đời của những người thủy thủ với bóng đêm vô cùng của biển đêm, giữa cái hữu hạn của đất liền và của lòng người với cái vô hạn của quy luật cuộc sống va biền khơi. Trong số những người thân thích của những người thủy thủ, chúng ta thấy nhà thơ không nhắc tới những đứa con. Chắc chắn không phải không có lí do nào đó. Phải chăng tác giả muốn nói tới sự mất đi vĩnh viễn của những người thủy thủ, họ đã bị xóa sạch không để lại bất kì dấu vết nào trên cõi thế gian ?
Phần thứ ba của bài thơ nói lên tấm lòng của nhà thơ đối với những người thủy thủ bất hạnh, cũng là nói đến tấm lòng của Huygô đối với con người nói chung. Trong tấm lòng của nhà thơ chúng ta vẫn thấy ánh lên một niềm tin. Tuy thân xác họ chìm nơi đáy nước, tên tuổi họ chìm vào lãng quên nhưng có biển đêm biết nỗi bất hạnh của họ. Sóng biển vẫn kể về số phận bi thương của họ. Người nghệ sĩ Huygô vẫn nghe thấy tiếng nức nở của đại dương mỗi khi chiều lên. Tiếng sóng kia là nỗi buồn còn vang vọng trong tâm can của người nghệ sĩ. Nhờ có người nghệ sĩ mà chúng ta biết đến số phận của những người thủy thủ. Nhờ có người nghệ sĩ mà chúng ta giật mình. Bài thơ nhắc chúng ta một điều rất giản dị : không nên lãng quên con người. Hay con người là không thể được phép lãng quên.
Con người quả là bé nhỏ trước sức mạnh không cùng của biển cả, trước cuộc đời trầm luân dâu bể. Mỗi con người cần nâng niu quý trọng cuộc sống và dành tình cảm yêu thương cho nhau để kéo dài quỹ thời gian trong cuộc đời của mỗi con người. Bài thơ Đêm dại dương chỉ là mượn chuyện những người đi biển để nói chuyện với con người trong tương quan con người đối mặt với không gian vô tận và thời gian vô cùng, đối mặt với sức mạnh kì vĩ nhưng mù quáng của thiên nhiên. Đối mặt với sự lãng quên của con người cũng là cái kì vĩ của V.Huygô.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook