.
Thi phái “Áo bào gốc liễu” trong Thơ Mới
Hoài NamThơ Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân khiến người ta phải chú ý vì cái dư vị cổ kính tạo được qua thể “ca”, “hành” mượn từ cổ thi. Theo hồi ức của một vài văn thi sĩ tiền chiến, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Thâm Tâm là ba người bạn rất thân, họ thường nhóm nhau ở vùng Cống Trắng, Khâm Thiên, hoặc sau ga Hà Nội hồi những năm 1940. Không những thế, bằng một mảng tác phẩm rất riêng của mình, họ còn tự biệt ra thành một phái trong Thơ Mới: phái “Áo bào gốc liễu”. Có thể, về ý nghĩa văn học sử, phái “Áo bào gốc liễu” còn xa mới có được tầm vóc như “Trường thơ Loạn” của các nhà thơ miền Trung Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, nhưng dù sao thì nó cũng không lặp lại ở các nhóm phái thơ ca khác. Bởi thế, nó cũng đã góp phần tạo nên sự đa diện trong và cho Thơ Mới. Thật lạ, vì trong Thơ Mới lãng mạn, khi đại đa số nhà thơ cởi mở cõi lòng để đắm say với ái tình chàng chàng thiếp thiếp, để tận hưởng cảnh thiên nhiên đẹp và những giấc mơ viễn xứ, hoặc ít ra, để trốn vào làng quê Việt với dăm ba nét xưa cũ còn sót lại trong cuộc thay da đổi thịt lớn lao, thì con người “Áo bào gốc liễu” lại xuất hiện, như một nghịch phách, qua thơ Nguyễn Bính - đặc biệt là qua thơ của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân - và khiến người ta phải chú ý. Chú ý vì cái dư vị cổ kính mà các tác giả đó đã tạo được qua thể “ca”, “hành” mượn từ cổ thi. Chú ý vì giọng điệu ngang tàng và phẫn hận trong lời thơ, một giọng điệu quả thực không mấy phổ biến trong Thơ Mới.
Minh họa của ĐN.
Trước hết, hãy nói đến Nguyễn Bính, tác giả vốn được mặc định như là “thi sĩ chân quê”, như là người được sinh ra để cất lên những khúc hát thương cho làng quê Việt đang có nguy cơ bị xâm thực và biến mất trước ngọn triều thành thị hóa. Giọng thơ Nguyễn Bính là giọng thơ thương cảm, “mùi mẫn”, hợp với chủ nghĩa mủi lòng của đại đa số độc giả Việt Nam (điều này giải thích tại sao thơ Nguyễn Bính lại có sức phổ biến rộng và lâu bền đến thế). Thế nhưng, ở bài thơ có tên
Bài hành phương Nam, viết năm 1943, Nguyễn Bính cho thấy một giọng thơ đã khác đi rất nhiều.
“Ngày mai, có nghĩa gì đâu nhỉ?
Cốt nhất vui cười trọn tối nay
Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay!”
Đó là hình ảnh của một anh hùng giữa đám quần thoa, một anh hùng đang phóng túng hình hài trong cơn bế tắc tinh thần. Thậm chí có thể nói, đó là hình ảnh “lộn trái” của người anh hùng trong cổ thi:
“Hỡi ơi, Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây?
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?
Mơ gì Áp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây!”
Phá sản trong nỗ lực tìm kiếm sự đồng hội đồng thuyền từ những nhân vật anh hùng của nước Trung Hoa thuở trước, người “anh hùng” Việt Nam thời tư sản hóa rốt cuộc phải cay đắng đối mặt với tình thế của mình:
“Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi! Ngươi ơi, hề ngươi ơi
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi”.
Đáng tiếc, những bài như
Bài hành phương Nam là cực hiếm trong toàn bộ thi nghiệp của Nguyễn Bính.
Với Trần Huyền Trân, có lẽ nên nói rằng đó là tác giả có cái bút danh “đượm mùi váy áo” nhưng lại sở hữu một giọng thơ khá rắn rỏi, gân guốc. Hoài Thanh, khi làm
Thi nhân Việt Nam vào năm 1941, mới chỉ ghi nhận Trần Huyền Trân như là tác giả của “những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương”. Thật lạ, chỉ cần đọc một bài như
Độc hành ca (1940) là sẽ thấy Trần Huyền Trân không “hiền lành” chút nào:
“Giao tình tợp chén chiêm bao
Ngựa Hồ thôi gió bấc nào đạp chân
Đây người áo đỏ tầm xuân
Đấy đi tang trắng mấy lần trùng quan
Không dưng rét cả dây đàn
Này cung dâng áo ngự hàn là đây
Nhớ xưa cùng dỗ bụi giày
Vỗ đùi ha hả thơ mày rượu tao
Say đời nhắm lẫn chiêm bao
Thơ ra miệng dại, rượu vào mắt điên”.
Đây đích thị là khẩu khí của một hào khách ngang tàng, lấy giang hồ làm nhà, lấy bằng hữu làm vui, coi tiếng “khà” thích khẩu còn hơn cả trùng trùng danh lợi. Nhưng, cũng rất dễ nhận thấy ở Độc hành ca cái cảm thức về sự bế tắc, tù túng, ngột ngạt, không lối thoát:
“Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi động lại từng cơn lá rừng
Lòng ta không sóng không dừng
Thơ vang lại vướng mấy tầng cửa quan”.
Bởi thế, rất logic, tác giả đã kết bài thơ của mình bằng những câu chất chứa tâm trạng phẫn hận, những câu thơ như nhỏ máu:
“Chiều nay nhấc chén lên môi
Không dưng tưởng nhắp máu người tanh tanh
Khóc nhau ném chén tan tành
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ
Cố nhân, ới hỡi người xưa
Dọn đi tâm sự, đây mưa về rừng”.
Tới năm 1943, trong bài
Say ca , Trần Huyền Trân đã chuyển hóa sự phẫn hận ấy thành tiếng cười gằn, cay đắng, kiêu bạc:
“Mắt trong ví chọc cho mù
Thì đen bạc đấy cũng ừ vàng son
Cười xòa giờ vẫy nước non
Tay chừng cũng ngượng chẳng còn gió bay
Này thôi đấy! Này thôi đây
Này thôi kia nữa, hớp này thì thôi
Men lên ví chuyển lại thời
Lũ ta đội ướt đêm dài với nhau”.
Nguyễn Sĩ Đại, trong bài viết
Từ những mưa đêm lều vó đến vô tận nguồn hương có nhận xét khá tinh tế: “Cái lạ là ông dùng nhiều khẩu ngữ, khẩu ngữ của một anh chàng phẫn chí mà vẫn toát lên được cái tao nhã khí khái của một thái độ sống tích cực” (
Thơ Trần Huyền Trân. NXB Văn học, 2001. Tr253). Quả có vậy, trong tiếng cười cay đắng kiêu bạc của
Say ca, hình như đã ẩn chứa một tâm thế sẵn sàng hành động (không nên quên rằng chính vào năm 1943, nhà thơ Trần Huyền Trân đã tham gia Việt Minh và Hội Văn hóa Cứu quốc).
Thâm Tâm, nhân vật cuối cùng trong phái “Áo bào gốc liễu”, là tác giả đã quá nổi tiếng với bài
Tống biệt hành, nổi tiếng đến mức đôi khi làm người ta quên mất rằng ông còn là tác giả của những bài thơ rất đặc sắc khác, như
Tráng ca, Vọng nhân hành, Can trường hành (đều viết trong năm 1944). Đọc thơ Thâm Tâm, ở những đoạn như
“Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta
Thà với mãng phu ngoài bến nước
Uống dăm chén rượu quăng tay thước
Cái sống ngang tàng quen bốc men”
hay:
“Thi với người nằm say bóng liễu
Thi với người chờ mong kẻ rượu
Lòng thênh thênh nhẹ gió thu sơ
Nghĩa khí ngàn năm gió chẳng mờ”
(
Can trường hành),
tôi không khỏi liên tưởng tới thi tiên Lý Bạch với những
Tương tiến tửu, Hiệp khách hành lưu danh thiên cổ: cũng thái độ khinh thế ngạo vật ấy, cũng hào khí bừng bừng ấy, không khác! Từ một phía khác, khác với Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân, có thể thấy khá rõ ở thơ Thâm Tâm nổi lên chủ yếu không phải là sự cay đắng, phẫn chí, mà là một tinh thần sục sôi hành động, một cảm hứng xóa cũ tạo mới không gì ngăn được. Bình bài
Tống biệt hành (chắc chắn là được viết trước năm 1941), Hoài Thanh nói rằng nó “đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”, nhưng ở các bài thơ sau này của Thâm Tâm thì chẳng có gì bâng khuâng khó hiểu cả. Hãy đọc:
“Nện cho vang tiếng chuông chiều
Thù đem sức sớm đánh kêu trống đình
Thở phù hơi rượu đua tranh
Quăng tay chén khói tan thành trời mưa
Dặm dài bến đón bờ đưa
Thuyền ai buồm lái giúp vùa vào nhau
Kìa kìa lũ trước dòng sau
Trăm sông rồi cũng chung đầu đại dương”
(
Tráng ca);
và đọc:
“Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu nhất khứ hề
Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
Ơi ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về”
(
Vọng nhân hành).
Những câu thơ ấy, ở bên trong cái vẻ mang dáng dấp cổ thi của nó, nếu không rơi vào suy diễn quá mức, tôi cho rằng đó chính là những câu thơ cách mạng, theo nghĩa: thơ về và vì một sự thay đổi thật lớn lao (hãy lưu ý đến thời điểm ra đời những bài thơ này của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình: năm 1944, đêm trước của Cách mạng tháng Tám 1945).
Xin nhắc lại một lần nữa: trên phương diện văn học sử, thơ của phái
“Áo bào gốc liễu” có thể không phải bộ phận tác phẩm thực sự quan trọng. Thế nhưng, nó độc đáo, nó góp phần làm thành sự đa dạng cho diện mạo thơ Việt Nam trước năm 1945, và tất nhiên chúng ta sẽ không thể có nhận thức đầy đủ về một giai đoạn trong thơ hiện đại nếu gạt nó ra khỏi sự quan tâm. Ai đó nói rằng công của thi sĩ Vũ Hoàng Chương là nâng cái chán chường lên thành thơ, tôi cũng xin được “nối điêu” bằng một ý: công của phái thơ “Áo bào gốc liễu” là đã nâng cái bất bình lên thành thơ, mang đến cho cái bất bình một chiều kích mỹ học nào đó. Đúng như một câu của Trần Huyền Trân trong bài
Độc hành ca: “Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ”.
Nguồn: Người đại biểu nhân dân (ĐN s.t và giới thiệu)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..