TRƯỜNG CŨ
Cũng tình cờ mà tôi có dịp quay lại ngôi trường cũ của một thời cấp Một ngắn ngủi 2 năm của tôi: trường PTCS Quảng Trung của huyện Quảng Trạch. Đi qua những cánh đồng vừa xong mùa lụt hơn tháng, bây giờ nước vẫn còn khá nhiều để cho lũ cò kiếm ăn, bay loạn xạ lên xuống, vén những cái nách trắng phau ra khoe mẽ. Cánh đồng quê ngoại kéo dài từ Quảng Hoà lên cho đến Quảng Tiên, các vạt ruộng nối đuôi nhau như đoàn tàu hoả, chở trên đó là lúa, khoai, ngô và những cánh cò chao vạc lối đi từ xưa để lại.
Đã gần mười lăm năm tôi mới trở lại nơi này, dù nó cách làng tôi non chục cây số, nhưng thời gian về không nhiều nên cũng không có dịp ghé thăm trường cũ, thăm cô giáo, bạn bè xưa. Thuở nhỏ tôi chuyển trường theo ba mẹ liên tục, tính ra nếu họp lớp như bạn bè lớn lên một chỗ thì tôi phải gấp mấy lần: Ba Đồn, Minh Lệ, Quảng Trung, Trung Trạch, Hoàn Lão, Đồng Hới, đại học. Nội chừng đó là đã ghê gớm rồi. Nên vợ tôi cứ la làng là anh suốt ngày đi họp lớp, lớp đâu ra mà lắm thế!
Tôi đi dọc ra bờ sông Rào Nậy, là một nhánh phía bắc của sông Gianh, con sông huyền thoại qua bao thế kỷ, thăng trầm cùng nắng mưa, lịch sử của đất nước. COn sông này ngày xưa tôi còn nhỏ, hai bên bờ sông là bùn và cát bồi, những con còng sông với hai càng to nhỏ sinh sống trong những cái hang tối như hũ nút. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy sợi dây chuối xé nhỏ, buộc một đầu như cái thòng lọng cỡ ngón chân cái, đặt lên miệng hang, còn đâu dây kia kéo dài ra hơn chục mét. Để cho thòng lọng không bị gió thổi mất, chúng tôi lấy đất bùn đắp lên, sau đó chổng mông ngồi chờ còng bò ra khỏi hang. Vừa thấy con còng lấp ló là chúng tôi giật phăng sợi dây, chú còng bị bị văng ra xa về phía chúng tôi, thế là hấp, tóm ngay cho vào hộp làm đồ chơi. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác.
Ngay cả khi đi học, chúng tôi cũng đi thật sớm để tranh thủ đi bắt còng. Đến giờ vào lớp, không thấy học sinh nam đâu là cô Bích chủ nhiệm biết ngay chúng tôi ở đâu. Cô bẻ một cành nè làm roi, vừa đi vừa vung vẩy gọi hết đứa này đến đứa khác về lớp. cả lũ sợ cô nên nghe tiếng cô là ba chân bốn cẳng đua nhau chạy cả đàn như đàn vịt. Chừng nửa tiết học thì cô lùa xong “lũ vịt” về lớp và bắt đầu bài học. Cứ như vậy suốt mùa nắng đi qua tuổi thơ của chúng tôi.
Hôm nay trở về thăm cô thì nghe nói cô đã mất hơn mười năm rồi. Tôi thấy mình chủ quan và có lỗi với cô vô cùng. Ngày xa cô để chuyển trường vô Trung Trạch, cô đã khóc với mẹ con tôi vì tiếc đứa học trò nghịch nhưng ngoan và học giỏi. Thế mà sau bốn mươi hai năm xa cô, tôi về thăm cô được dăm lần. Lần gần đây gặp cô đã hơn mười năm, cô mời tôi ăn ngô luộc, nói chuyện cũ, nhắc tới các bạn. Thấm thoắt vậy mà tôi cứ đinh ninh cô còn khoẻ mạnh nên không thường xuyên về thăm, cứ nghĩ là cô về hưu thì làm vườn tược loanh quanh chi đó, mình về khio nào chẳng được.
Rời khỏi nhà cô, những kỷ niệm lại lướt qua như một cuộn phim quay chậm. Bờ sông, chợ Sãi, Bàu Sen, Cao Thôn, Trung Thôn, Hạ Thôn và những con đường đất ngày xưa giờ đã thành đường nhựa. Con mương nước Rào Nan giwof đã lấp để làm nhà, họ dẫn nước bằng kênh xi măng ngoài đồng. Bạn bè thì lâu quá cũng quên hết. Tuổi thơ thật dại dột, chẳng có cái gì lưu lại bằng giấy bút để lỡ quên thì giở ra mà gọi tên nhau. Tất cả chỉ còn là hoài niệm trong đầu.
Hoài niệm ngôi trường chẳng bao giờ thay đổi.
Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng