Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

demmuadong

Chuyện xảy ra ở một quán đặc sản thịt dê . Hôm ấy ba cô giáo dạy văn rủ nhau đi nhậu . Các cô kén chọn mãi mới được một địa điểm thích hợp, nghĩa là vừa có cái phóng túng của một quán nhậu đích thực, vừa lãng mạn tình quê, mà giá cả lại hợp túi tiền . Các cô vừa nhỏ nhẻ nhúng rau vào nồi lẩu vừa tâm sự chuyện chị em . Lúc ấy thì xảy ra sự cố . Có một gã mặt nhẵn thín ngồi bàn bên tự dưng cầm chén nhảy sang: - Em xin thưa với các chị là mấy thằng bạn em nó về trước, em ngồi một mình cô đơn quá nên xin phép các bà chị cho em ngồi cạnh . Ba cô gái nhìn nhau . Cô áo đỏ lịch sự: - Xin lỗi anh, nhưng chúng tôi đang nói chuyện riêng tư, có lẽ không tiện lắm . Gã xua tay cười hình hịch: - Không sao . Các bà chị cứ vô tư đi . Em chỉ xin ngồi đây cho đỡ cô đơn thôi .
Nói chung văn chương thích cô đơn, nhưng đây là chuyện chị em khó chia sẻ, nên các cô giáo dạy văn cố gắng chuyển khối cô đơn sang bàn khác :
- Anh thông cảm sang bàn bên kia . Đấy, toàn đàn dễ nói chuyện với nhau hơn .
Bàn kia 3 nam nhi nói với sang :
- Ấy, không được . Ở bên ấy cho nó có âm có dương cân đối mới hay .
Không có cách gì bẩy kẻ cô đơn đi chỗ khác . Câu chuyện của ba cô giáo văn chết tắc ở đoạn sâu thẳm nhất . Các cô dằn lòng nói sang chuyện nắng mưa . Kẻ cô đơn xăng xái rót rượu, vặn to nồi lẩu của các cô, gọi phục vụ tiếp rau, tiếp nước dùng, tự nhiên như đã quen từ thuở nào :
- Hầy, các bà chị cứ tâm sự tự nhiên . Em chỉ xin ngồi đây thôi . Em cũng không ăn gì của bà chị . Em chỉ xin tí tình nhân loại ...Bà chị ghét thằng em, nhưng cũng có lúc phải cần đến đàn ông đấy . Bà chị không sống một mình được đâu . Nào, chạm cốc với bà chị cái !
Ba cô giáo có thể làm gì với cái tình nhân loại phừng phực hơi men này ? Những lời tục tĩu tuôn ra mỗi lúc một nhiều . Không ai dây vào cả . Cũng không ai ngạc nhiên chuyện vặt vãnh quán xá này . Ba cô giáo nhẫn nại chạm cốc với gã, cười méo miệng . Các cô vẫn giảng văn cho học sinh về nỗi cô đơn, thèm tình người của Chí Phèo làng Vũ Đại, gã vừa xấu, vừa nghèo, lại bị Bá Kiến ức hiếp nên tha hóa ... Còn bây giờ, các cô giáo phải tập làm quen với anh Chí thời nay, mặt mày nhẵn nhụi, không thiếu tiền chỉ thiếu tí tình nhân loại xin đểu ngoài đường .


(Tường Anh - Báo thể thao văn hóa )
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Hãy bỏ qua

Xem tivi chương trình "Đừong lên đỉnh Olympia", hay nghe thấy mấy tiếng " Bỏ qua!", " Bỏ qua!". Ấy là tiếng những thí sinh bật ra trước những câu hỏi mình chưa biết lời giải đáp, nhằm tiết kiệm thời gian, lao tới đối diện với những câu hỏi mới . Đặc biệt thú vị khi chứng kiến những "ngưòi leo núi" trong sáng đĩnh ngộ cũng đã từng vài lần " Bỏ qua!", " Bỏ qua!" ấy, rốt cuộc lại đạt điểm cao nhất, đoạt vành nguyệt quế chiến thắng . Cứ như là những người - tuổi - măng cùng trang lứa con cháu mình ấy đã sớm ngộ ra được điều mà khối bậc lão trượng thông thái tót vời lại cứ lơ mơ láng máng mãi đến tận lúc sang cõi vĩnh hằng . Đó là : kiến thức con người là vô hạn, còn sự hiểu biết của một người dẫu có cao rộng sâu đến đâu cũng luôn luôn và mãi mãi là hữu hạn . Ngộ đã vậy, lại hành xử thích đáng nữa : với thời gian o ép, trong thế bị động do quy định, biết chủ động vận hành kiến thức bỏ qua tiểu tiết hướng tới đại cục . Biết bỏ qua như vậy có thể coi là một nhân tố của thành đạt chính đạng
Đã có không ít những tấm gương biết bỏ qua . Xửa xưa, tận bên tàu, đã có một chuyện . Ấy là một đêm vua nước Sở vui vẻ cho tất cả các quan trong triều uống rượu cởi mở chan hòa . Bất ngờ có cơn gió hỗn thổi tắt hết đèn nến . Một viên quan -chắc thuộc nòi "trăng hoa" vốn sẵn tính trời, lại chắc cũng đã ngắm nghía sần sần "có tý" mấy hồ mỹ tửu vua ban, nay đột nhiên thêm bóng tối như chở che, như xui, như hích - bèn thò tay kéo áo một cung nữ . Rủi, trúng phải cô đáo để, viên quan nọ bị cô ta túm lấy giật đứt ngay giải mũ rồi chạy đến bô báo với nhà vua :"Xin bệ hạ cho thắp hết đèn nến lên sẽ thấy ai bị đứt giải mũ, đích thị là kẻ đã trêu ghẹo thiếp" . Không ngờ nghe xong, nhà vua gạt đi, lại còn phán tiếp:"Đêm nay vui cùng ta, ai không say đến giật hết giải mũ là không thực lòng cùng ta đó". Nghe thấu lời đức chí tôn như vậy, tất thảy bá quan văn võ đều tự tay giật đứt ráo cả giải mũ của mình . Khi đèn nến thắp lại bừng lên thì ánh sáng khoan dung lúc này cũng y như bóng tối nghịch ngợm lúc nãy : xóa nhòa tất cả . Mọi sự êm thấm, vui vẻ ... Mấy năm sau trong một trận chiến, có một viên quan chiến đấu rất hăng, cứ lăn xả vào che chở cho vua Sở, cứu vua thoát vòng hiểm nguy . Hỏi ra thì biết ấy chính là người đã bị đứt giải mũ trong tiệc rượu đêm năm nào đã được nhà vua khôn khéo xóa tội . Biết bỏ qua như vậy ở một đấng quân vương chính là cách ràng buộc lòng người, nuôi chăm sinh mạng và ngôi báu của mình, như không mà hiệu quả . Đời sau truyền lại, phổ cập hơn, gọi là cách "Dong người được báo" là vậy .
Cũng xưa mà ở ta, lại có một chuyện . Thế kỷ XIII vó ngựa Nguyên Mông đã khua rộn, mịt mù biên ải . Chiến thuyền chúng như trấu trên biển đông . Bỗng một hôm, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn nấu một nồi nước thơm, thân mời Thượng tướng Trần Quang Khải đến tự tay cầm gáo, pha nước, dội nước cho ông Khải gội đầu, tắm táp . Rồi tay trong tay, mắt cùng ứa lệ, cả hai ông rũ bỏ hết những hiềm khích bất hòa đã có, đồng lòng hiệp sức, toàn tâm toàn ý bàn kế sách chống giặc . Biết bỏ qua ở đây là nghĩa cả của những nhân cách lớn với tấm lòng son sắt thủy chung :non sông xã tắc, dân tộc là trên hết .
Đã bao người biết bỏ qua những điều có thể bỏ qua ở đời này, để sống thanh thản hơn, vui vẻ và hữu ích hơn . Với mình, với mọi người, với hận thù xưa và những gai chướng có thể gặp bất kỳ lúc nào và ở đâu .
Tuy nhiên có những điều không thể bỏ qua
Ví như Đèn đỏ ở ngã tư và sự phản trắc


(Theo tác giả Hòa Vang )
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Chân chống kìa

Một câu chuyện thật khó phổ biến ra nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, không phải vì lý do dịch thuật mà vì tính đặc hữu của nó .
Số là, hàng triệu người đi xe máy ở Việt Nam, ai cũng có lần được nghe một câu : Chân chống kìa ! Nhưng chuyện này lại khó xảy ra ở Tây, bởi người ở đấy rất ít đi xe máy .
Phải nghe câu ấy, cũng bởi vì tính nhanh nhẩu của người Việt . Xe đang dựng, trèo lên, "đề" máy, và phóng vụt đi quên cả gạt chân chống .
Đang đi, bỗng có một gương mặt lướt qua trước mặt và một tiếng nói - với mình, nhưng dường như bâng quơ : Chân chống kìa ! Tiếng nói ấy có đủ các âm sắc, âm lượng, phát ra từ đủ loại ngừơi nhưng bao giờ cũng chỉ cùng một cách biểu cảm (khá lạnh lùng) và cùng một thông tin (Chân chống kìa !).
Có lần, tôi đã định cải biến cái lề thói xã hội bằng cố gắng của bản thân . Thấy một cô gái khá xinh đẹp đang đi đằng trước, chân chống vẫn thẳng băng, chưa được gót sen gạt lên, tôi vội lướt nhanh, ghé vào :"Em ơi ...", vừa đến đấy, tôi nhận được ánh mắt sắc lẻm đầy bực bội của cô gái (tạm "dịch" là : đồ trơ trẽn, đồ rách việc, đồ ...).
Thế là, vô thức, phần lời lẽ nhẹ nhàng, dịu dàng của tôi chưa kịp thốt ra biến đổi ngay thành một thông báo lạnh lùng, cụt ngủn : Chân chống kìa ... Rồi cũng chẳng cần xem cô gái ấy thế nào, tôi phóng vụt đi.

Hoài Dâu (trích)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Ông khách lịch sự

Ra khỏi thành phố Bắc Giang khoảng 20km thì có cơn mưa. Tôi chưa kịp tạt vào cái quán ven đường thì đã mưa như trút...
Cửa quán đã rủ liếp. Ào ào, ồ ồ. "Chủ quán ơi, chủ quán!". Tôi đập tay vào tấm liếp. Mở cửa nhanh lên! Tấm liếp vừa hé ra, tôi chui tọt vào trong, nguyên cả bộ quần áo đi mưa ướt sũng. Cái quán chật quá, bên trong khá tối, nước dột tí tách. Tôi nhìn quanh, một bà già ngồi thu lu trên chiếc ghế, co cả hai chân lên vì nước dưới sàn lênh láng. Bên cạnh là một ông khách, cũng co cả hai chân trên ghế.
- Ấy, mời chú ngồi đây!
Ông khách sục chân xuống nước tìm đôi dép, rồi đứng lên nhường ghế cho tôi.
Tôi cởi bộ đồ đi mưa, ngồi xuống chiếc ghế. Nước vẫn chảy tong tỏng xuống mặt bàn. Ông khách với tay lấy chiếc giẻ lau đặt lên đó để nước khỏi bắn lên quần áo tôi. Lúc này tôi mới kịp nhìn ông, cao lênh khênh, đứng phải khom người mới khỏi chạm vào nóc quán, bộ đồ bộ đội bạc phếch, tóc bết vào trán vì nước mưa...
- Chỗ bác dột đấy, bác ngồi chỗ cháu đi - Tôi nhổm lên định trả lại ghế.
- Thì chú cứ ngồi đi
Ông khách vuốt mặt, rồi lại vuốt. Dòng nước mưa chảy ngoằn ngoèo xuống cái cổ gầy nhẳng của ông...
Bà chủ quán giờ mới chép miệng: Cháu ngồi đi, để ông ấy đứng cũng được. Có cái ghế chỗ kia, ông ngồi tạm, cho cháu nó ăn quà... Cháu uống trà nhé, hút thuốc nhé!
Điếu thuốc rút ra giữa cái quán dột, ướt nhèm, châm mãi không cháy. Một cơn gió lùa qua, hắt mưa vào, thổi cái liếp sập xuống. Ông khách vội cầm cái sào đẩy tấm liếp lên. Bà già vẫn ngồi yên. Tấm liếp rung bần bật, chực lật nghiêng. Ông khách lấy cả hai tay giữ chặt nó.
- Thôi bác, để cháu giữ cho
-
- Hay bác cứ để nó sập xuống, càng đỡ hắt
- Sập xuống thì tối lắm, cháu ăn thuốc, nước làm sao được - bà già lên tiếng - Ông giữ cho chắc nhé!
Ngoài trời vẫn mưa như trút. Ông khách vẫn giữ tấm liếp và bà bán hàng vẫn ngồi im một góc như để quan sát, thỉnh thoảng mới lấy khăn lau mặt, bà cũng bị ướt.

*

Cơn mưa rồi cũng ngớt dần. Tôi đứng dậy chào ông khách lịch sự, rồi trả tiền nước, 1 điếu thuốc, 2 cái kẹo bột là 900đ, 3 cốc chè tươi thì không lấy tiền ( ai lại lấy tiền nước chú - bà già bảo). Tôi đưa cả một nghìn, bà già cảm ơn rối rít. Chợt bà quay sang ông khách "quở" một câu: Chứ ai cũng như ông thì tôi chết đói. Ai lại vào quán chỉ ngồi nhờ. Đấy nước chè tôi không lấy tiền đâu, ông cứ tự mà rót lấy!
Ông khách ngượng nghịu không nói gì, vuốt khuôn mặt ướt lên xe, tành tạch đạp đi. Tôi bần thần nhìn theo ông, chợt hiểu ra cái sự lịch sự kỳ lạ của ông trong suốt cơn mưa. Cơn mưa ấy bây giờ mới tạnh hẳn.


( Thiếu Phương )
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Ai ???


Tít, tít, tít. Tin nhắn mới. "Ai ??? 09122030... Trưa nay, ăn cơm nhé, 26- THĐ".
Mấy dòng chữ đó vang vang trong đầu hắn trên đường đi làm, tự dưng khiến hắn xao xuyến là lùng...
Hắn mở tin nhắn ra đọc lại lần nữa. "Ai ???" Hắn không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu hắn nhìn số điện thoại này. Nửa năm trước, khi kẻ lạ mặt này "tấn công hắn bằng cái tin nhắn rất ấn tượng "lưu số máy này để nhắn cho nhau, anh yêu", hắn định lưu lại dưới cái tên "Ai" trong máy điện thoại. Máy hắn báo "Bạn có lưu đè lên "ai" không? Hắn chợt nhận ra rằng trong máy của hắn đã có 3 người lạ, lần lượt được lưu với tên "Ai", "Ai?", "Ai??" rồi. Chuyện đó cũng không có gì lạ lắm bởi trong hàng vạn vạn cái tin nhắn bay tứ tung trên bầu trời thiếu gì cái bị lạc? Vả lại cũng thiếu gì "cô" thích trêu chọc hắn mà nhắn bâng quơ mấy cái tin dở đùa dở thật.
Song hôm nay, cái tin nhắn của "Ai???" cứ làm hắn áy náy, bởi khác với những "Ai", "Ai?" "Ai??" - chỉ nhắn một lần hoặc đôi ba lần rồi chán. Suốt nửa năm nay, "Ai???" không thúc bách quyết liệt, không đùa bỡn, gạ gẫm mà cứ thản nhiên như không, cứ ân cần với hắn khi thì rủ đi ăn cơm trưa khi thì rủ đi xem phim, khi nhắn mua cho mấy tờ báo, khi thì nhắc hắn cắt tóc đi, khi thì bảo làm việc ít thôi... Rõ ràng "Ai???" ở rất gần hắn. Hắn phải xóa ngay sợ bị vợ la rầy.
"Ăn cơm nhé, 26 THĐ". Hắn lấy xe định đi ra đó, xem kẻ lạ mặt là ai. Đi một quãng hắn chợt nhận ra, hắn đã đi quá 26 THĐ, hắn hiểu rằng nếu đi nữa thì sẽ đến... cơ quan vợ hắn! Thật tệ. Cái quán ấy ở khoảng giữa cơ quan hắn và cơ quan vợ hắn... Hắn thấy không đành lòng hẹn với một người lạ mặt trên đường tới cơ quan vợ, dù chỉ vì tò mò. Hắn quyết định tạt vào cơ quan vợ vào buổi trưa, điều mà hắn chưa bao giờ làm kể từ hồi lấy nhau.
Vợ hắn thản nhiên như không lúc nhìn thấy hắn, mụ đang bận tíu tít. Hắn đành ngồi chờ. Mụ chạy ra mượn điện thoại hắn ( máy mụ lúc nào cũng hết tiền vì tiết kiệm!), nháy vào máy ai đó. Hắn hơi giật mình, thôi chết chưa kịp xóa cái tin của "Ai???". Vừa nhận lại điện thoại thì hắn giật bắn mình. "Ai???" đang gọi cho hắn. Hắn ấn "No" ngay lập tức. Điện thoại lại rung. Hắn định tắt luôn điện thoại thì vợ hắn chạy ra giật lấy để nghe. Hắn tái mặt. "Đúng, máy của chồng tôi đấy. Anh ấy đang ở đây" - mụ cười cười nói nói như không trong điện thoại. Toi rồi, kẻ cắp bà già gặp nhau rồi.
Vợ hắn dứt cuộc điện thoại, phăm phăm ra trước mặt hắn hỏi : Ơ sao số cái Hòang Lan phòng em, em bảo anh lưu lại để nhắn cho nhau, anh lại lưu với biệt danh là "Ai???". Hay nhỉ, ai ba chấm hỏi nghĩa là gì? Mà này, em nhắn cho anh suốt bằng máy của nó mà hôm nay anh mới rảnh rỗi để đi ăn trưa với em?


(Thiếu Phương)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Giai thoại về bản Xô-Nát ánh trăng

…Khoảng gần 200 năm trước đây, ở miền tây nước Đức, nằm bên bờ sông Ranh lịch sử, có một thị trấn bé nhỏ và nghèo nàn. Đó là thành phố Bon ngày nay, quê hương của nhà soạn nhạc Bê-tô-ven vĩ đại.
Tối hôm đó, có một người đàn ông đang dạo bước tha thẩn. Từ căn nhà nhỏ cuối ngõ vọng ra tiếng đàn pi-a-nô ấm áp, thanh thản, toả vào không gian tịch mịch. Âm điệu “quý phái” kia giữa nơi tối tăm này làm người đàn ông chú ý và đến bên cửa sổ lắng nghe. Giai điệu say sưa vang ngân bỗng vấp váp, một nốt chói lên và tiếng đàn dừng lại. Có tiếng nói yếu ớt của một người con gái:

- Đoạn này khó quá, lại hỏng, ước gì được nghe Bê-tô-ven đàn, chỉ một lần thôi, thì thật là hạnh phúc…

Có tiếng trầm trầm, giọng đàn ông:

- Nghe đâu dạo này Bê-tô-ven đang biểu diễn ở đây thì phải. Nhờ trời qua khỏi cơn túng quẫn thì tốn bao nhiêu anh cũng mua vé để em đi xem một buổi…

Tiếng nói đầy trìu mến của người đàn ông hạ thấp xuống, xen lẫn tiếng thở dài:

- Ôi, dạo này sinh hoạt còn khó khăn quá, em cố gắng chờ, biết đâu dịp may chẳng đến.

- Anh ạ, em mong thế thôi, chắc không làm bận lòng anh chứ !

Tiếng cô gái cảm động, nghẹn ngào, nghe buồn buồn, cứ lan xa, lan xa…

Rồi lại yên lặng…

Từ nãy, người đàn ông đứng nghe bên cửa sổ, bước đến gần cửa ra vào, đưa tay lên gõ cửa và nhẹ nhàng bước vào nhà.

Trong căn nhà tối tăm, chỉ có ngọn nến leo lắt. Nghe tiếng động, người đàn ông chủ nhà vội đứng lên hỏi: “Thưa… ngài là ai, chẳng hay có việc gì ?”. Chủ nhà dáng cao lớn nhưng xanh xao, đang ngồi khâu giầy, bên những chiếc dùi, những mảnh da lớn nhỏ.

Ông khách lạ cảm thấy lúng túng, ấp úng nói: “Thưa, tôi là… nhạc sĩ, nhân qua đây thấy có đàn pi-a-nô xin vào dạo chơi để gia đình thưởng thức”.

Chủ nhà và người em gái buồn rầu, ngần ngại nói: “Thật vô cùng sung sướng cho chúng tôi, nhưng nhà bần hàn, biết lấy gì tạ khách !”.

Ồ, Không sao, xin lỗi, lúc nãy tôi đã nghe trộm câu chuyện, nhân biết chút đàn pi-a-nô nên đánh bạo vào chơi !

“Thực là may mắn ! - Người đàn ông chủ nhà nói và thầm nghĩ: À, ra đây không phải là nhạc sĩ như nhiều nhạc sĩ nghèo khổ khác ở Bon thường đi bán rong nghệ thuật để sống”.

Đến bây giờ, người thiếu nữ mới quay mặt nhìn ra. Trên gương mặt non trẻ, ánh sáng đôi mắt không còn nữa. Thì ra, đây là một cô gái mù, em của người thợ giầy, chủ căn nhà lụp xụp này.

Nhạc sĩ đứng lặng, chợt hỏi:

- Xin phép hỏi cô, cớ sao cô kém mắt mà còn tập được bản nhạc khó như vừa rồi ?

Một nét buồn thoáng qua lẫn chút tự hào trên khuôn mặt thơ ngây của cô gái.

- Thưa, vì trước nhà tôi là một toà lâu đài, có một vị nữ công tước hay đàn bản nhạc này nên tôi nhớ và đánh lại.

Không đợi mời, ông khách lạ bước đến bên đàn và ngồi dạo những âm thanh êm dịu. Các ngón tay lướt trên phím trắng muốt thả vào không gian những nốt nhạc lấp lánh, lấp lánh… Người biểu diễn say sưa, hai thính giả cũng say sưa. Âm nhạc đang ngợi ca những tình cảm cao đẹp nhất của con người, khiến trong phút chốc người ta quên cả căn nhà nhỏ tối tăm có chiếc đàn pi-a-nô cũ kĩ, có những đôi giầy rách.

Tiếng đàn vừa dứt, một ngọn gió thoảng vào làm cây nến lung lay rồi vụt tắt. Mặt trăng ló ra khỏi đám mây, ánh trăng tràn vào nhà.

Chủ nhà như bừng tỉnh, vội hỏi:

- Chết ! Xin ngài cho biết quý danh ?

Không trả lời, ông khách lạ lại ngồi xuống đàn, cảm hứng dào dạt. Chiếc đàn lại vang lên bản Xô-nát giọng Pha trưởng, bản nhạc cô gái đang tập lúc nãy.

Vui sướng, mừng rỡ hai anh em cùng kêu lên:

- Trời … chính ngài là …

- Vâng ! – Và khách đứng dậy cáo từ ra về, nhưng hai anh em vội nài nỉ người khách ở lại với một tấm lòng thiết tha.

Phải, đó chính là Bê-tô-ven. Ông đã từng sống trong cảnh nghèo, đã từng biểu diễn ở khắp châu Âu, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng giữa bọn vương giả, quý tộc, giữa bọn “vừa gặm đùi gà, vừa thưởng thức âm nhạc”, chưa bao giờ ông tìm được cảm xúc mạnh mẽ và tình cảm thanh cao như lúc này.

Một lần nữa, Bê-tô-ven ngồi xuống dạo đàn theo tuỳ hứng. Âm nhạc tuôn chảy dào dạt trên phím. Giai điệu êm nhẹ như những dải mây bạc, lúc toả rộng bao la như biển cả, lúc như mặt trăng nhô lên từ mặt biển rực rỡ. Ánh sáng kì diệu toả lan trên bờ cát trắng tinh như muôn ngàn viên ngọc kim cương. Ánh sáng chạy đến những miền rừng rậm hoang vu, toả ra cánh đồng phì nhiêu, nô đùa trên sóng nước lăn tăn… Rồi nét nhạc chuyển sang nhịp nhàng, mờ ảo như vũ khúc của các nàng tiên trong thần thoại. Nhạc điệu cứ trào ra theo cảm xúc tràn trề, dồn dập. Phím đàn líu lại như không diễn tả nổi kịp những tình cảm đẹp đẽ, phong phú ấy, nghe như ngàn vạn tiếng reo, tiếng sóng vỗ bay lên bồng bềnh ngợi ca những gì đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất.

Khách ra về lúc nào, trong cái dư âm ngây ngất đó, chủ nhà vẫn vô tình không biết.

Ngay đêm đó, bản nhạc được ghi lại. Một tuyệt tác âm nhạc ra đời - một trong những thành công lớn của Bê-tô-ven đến ngày nay cả thế giới vẫn còn ngưỡng mộ. Đó là bản nhạc Xô-nát số 8 hay còn gọi là Xô-nát Ánh trăng ( Moonlight sonata )...


(Hoàng Lân )
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Muối mặn


Cửa sổ nhà tôi nhìn xuống đường, một con đường chính ở trung tâm thành phố. Đôi khi nhìn xuống, đường phố khi náo nhiệt, lúc buồn tênh, những dòng người xe tất tưởi xuôi ngược khiến ta có cảm giác nhìn xuống một dòng sông không ngừng chảy. Và nhiều lúc, trong cái dòng chảy không ngừng của đoàn người xe trên phố ấy, có một cái gì đó mắc lại trong mắt nhìn của tôi. Sáng nay cái mắc lại ấy là một bao tải muối.
Một bao tải muối bị đổ, muối trắng tung ra giữa phố, ngay gần ngã tư.
Người bán muối trong thành phố, các bạn biết đấy, hầu hết là những phụ nữ từ một vùng ngoại ô nào đó, mỗi ngày chở trên xe đạp một vài bao tải muối, đi rao ở những ngõ ngách xa trung tâm. Ở trung tâm thường người ta vào chợ hay siêu thị mua muối sạch. Muối thì rẻ, một vài nghìn đồng một lần là người mua đủ cho cả tháng trời dùng muối. Thế nên một bao tải muối của người bán chẳng đáng bao nhiêu tiền. Đã thế, những hạt muối lại rất nhỏ, và khi bị đổ ra, như thế này, thì rất khó nhặt nhạnh lại.
Chật vật dựng xe đạp vào bên đường, chị bán muối cuống quýt dùng hai bàn tay không hót muối trở lại một cái túi, muối bẩn khó bán lắm.
Những dòng người xe đi qua, vội vàng. Không ai để ý, không ai dừng lại - chuyện bình thường ở thành phố này. Người ta chỉ hay xúm đông xúm đỏ mỗi khi có tai nạn, còn ai gặp chuyện rủi ro thì ít khi gặp người chịu khó dừng xe lại giúp đỡ lắm. Tôi nhìn thấy những người phụ nữ phóng xe máy qua, có nhiều người cán cả vào bãi muối trắng, mà không chịu giảm tốc độ. Một người, rồi nhiều người.
Nhưng rồi cũng có, may quá, một phụ nữ nước ngoài đi qua, áo may ô, quần cộc, chắc đi tập thể dục buổi sáng về. Chị ta dừng lại bên đống muối, cúi xuống, dùng tay không, như chị bán hàng, để bốc muối vào túi.
Một lúc nữa, một bà cụ nhà ở bên đường cầm chổi và cái hót rác chạy ra. Cả ba cùng làm. Tôi không biết họ có nói gì với nhau không. Hình như không. Cả ba, lại thêm dụng cụ nữa, nên bao tải muối được thu gọn lại nhanh hơn. Chị bán hàng được người phụ nữ nước ngoài giúp nâng bao tải muối lên xe đạp, buộc dây cao su lại cẩn thận. Rồi vẫy tay, đi tiếp con đường của mình. Những hạt muối còn lại trên đường chẳng mấy chốc tan biến dưới bánh xe của những người đi qua đi lại.
Chuyện nhỏ thế mà làm tôi vương vít suốt buổi sáng. Sự thờ ơ trong chúng ta sao mà lớn quá. Cũng may chưa phải là tất cả. Muối vẫn còn vị mặn với đôi người.


(Hà Phạm)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Ông bố "vũ phu"


Ngày xuân ra chợ quê chơi. Chợ quê nghèo chả có gì, chỉ thấy những người quê lam lũ, bỗng lại gặp chuyện không vui. Cái thằng oắt con ấy, chỉ độ 7-8 tuổi, chợ đông thế mà nó chạy như không có mắt, xô cả vào người tôi. Không sai mà, nó đâm bổ tiếp vào bà hàng trứng. Gay rồi. Bà hàng trứng kêu "ối" một tiếng, cái đòn gánh xoay 180 độ, hai sọt trứng văng ra đổ hết xuống đất...
"Ối giời ơi, làng nước ơi, con nhà ai thế này!" - bà hàng trứng kêu lên, túm ngay lấy thằng bé. "Mày giết tao rồi, hơn trăm quả trứng gà so của tao", bà giơ tay lên toan đánh vào mặt nó. Một phụ nữ mang bầu giằng tay bà. Đám đông xôn xao: "Bố mẹ nó đâu? Con dại cái mang không lôi thôi gì cả". Chị mang bầu kêu to: "Các người không được đánh trẻ con. Đánh trẻ con là dã man...", giọng chị lạc đi vì sự dũng cảm bất ngờ của chính mình và vì những từ đao to búa lớn mà chị vừa thuộc trong cuốn sách về chăm sóc bà mẹ và trẻ em..."Hãy đợi bố mẹ nó đến!", chị quát to, mặt đỏ ửng.
Vừa nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đã đến. Bố nó, dáng điệu hùng hùng hổ hổ. Ông nhảy bổ vào giữa đám đông, vẻ mặt hầm hầm. Những tưởng ông định hành hung bà hàng trứng (bà đang túm tóc thằng bé). Không, ông nhảy vào và giáng cho thằng bé một cái tát. Đứa trẻ khóc òa lên. "Các ông các bà ơi, để tôi đánh chết cái thằng bất hiếu này đi" - ông bố rống lên - "Giời ơi, tôi bảo nó ở nhà trông mẹ nó ốm, thế mà nó chạy biến ra chợ, lại gây ra tội vạ thế này!". Ông giơ tay toan tát nó thêm cái nữa. Chị mang bầu hiên ngang chặn tay ông: "Cái ông này, thôi đi. Ông có phải là bố nó không?". "Nó làm hại tôi biết bao thứ rồi. Nó làm chết bỏng em gái nó. Tôi không đánh qùe nó, nó không chừa được". Ông dúi thằng bé ngã xuống đất, giơ chân định đạp vào bụng nó. Ông mà đạp thì thằng này chắc chết. Mọi người xô cả lại... Chị mang bầu quát "Ông là đồ vũ phu!". Chính bà hàng trứng cũng mủi lòng "Thôi mà ông, tha cho nó - bà nhặt mấy quả trứng lăn lóc dưới đất - cũng là do tôi mải mua cau không để ý". Ông bố chỉ mặt thằng con: "Mày cút ngay về cho khuất mắt tao!".

*

Phiên chợ đâu xuân thành ra mất vui. Tôi quanh quẩn ra hàng ăn. Thóang thấy thằng bé tôi vội chạy theo, định bụng cho nó ít tiền. Ông bố vũ phu đang dắt nó. Tôi do dự, không muốn lại gần. "Có đau lắm không?", ông bố cúi xuống hỏi, lau nước mắt cho nó. "Bố cho con đi chợ, sao vừa nãy lại nói rằng con phải ở nhà trông mẹ ốm? Mà con làm chết bỏng em hồi nào?" - thằng bé ấm ức. "Bố thương, bố thương, bố không nói thế thì người ta bắt bố con mình mất. Kiếm đâu tiền đền bây giờ. Bố tát con một cái, bây giờ bố đền con một cái bánh rán nhé!".
Thằng bé ngoan ngoan gật đầu. Ông bố móc trong túi lấy ra mấy tờ tiền nhàu nát, dắt con vào hàng bánh rán...


( Thiếu Phương)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Mong manh



Anh ta chả đam mê gì. Chỉ "kết"... điện thoại di động. Máy bật suốt đêm. Dưới gối. Tắm, để máy trên bồn rửa mặt. Chơi thể thao thì kè kè bên hông. Bất cứ cuộc gọi nhỡ nào cũng "truy tìm". Dù có 8 trong 10 cuộc là nhầm số. Một thằng bạn buồn tay nhắn tin vào giữa đêm : Ngu chua? (ngủ chưa?). Lật đật tung chăn để reply, hỏi thăm, chúc ngủ ngon. Trao đi đổi lại. Rồi quá giấc, tỉnh như sáo trên giường. Tết, người ta chỉ cop dăm câu tụng sáo rỗng. Rồi send khắp các địa chỉ lưu trong máy. Anh ta thì khác. Hì hục soạn lời chúc cho từng người. Không cái nào giống cái nào. Cho thế mới thật lòng. Đi công tác. Chỉ cần một giờ ở vùng không phủ sóng là thấy bứt rứt.
Thế rồi anh ta gặp nạn. Tông xe máy. Tỉnh dậy trong bệnh viện. Anh cho ngay tay vào quần tìm...điện thoại. Nó bay luôn trong vụ tai nạn. Chết thôi ! Mọi mối quan hệ của bao năm lăn lóc ngoài đời đi tong. 500 số điện thoại lưu trong máy. 500 số nữa giấu trong sim. Không có lấy một số ghi vào não. Vừa câm, vừa điếc, vừa mất trí nhớ. Cuộc sống sẽ ra sao?
Vài ngày đầu, thấy thiếu và nhớ. Mấy ngày sau dịu dần. Rồi quen. Rồi quên. Rồi thấy...ổn. Vắng những cuộc gọi liên tiếp, những tin nhắn đọc không kịp thì trái đất vẫn quay. Anh ta lại chẳng mò ra số của ai để báo tin dữ. Cũng chả thấy buồn. Các mối quan hệ bên ngoài tưởng là mật thiết lắm. Hóa ra làm gì đến mức ấy. Bạn và bè bấm theo số cũ. Nghe tút ngắn. Thì thôi. Điện thoại nhà riêng ư? Chẳng để ý. Địa chỉ nhà? Không biết. Thói thường các bên vẫn gọi, nhắn cho nhau qua di động, hẹn gặp ở quán cà phê, quán bia, quán rượu. Chả có nhu cầu ngó đến ổ của nhau.
Ở đầu thế kỷ 21, con người ràng buộc với con người bằng 10 chữ số. Tưởng là chặt chẽ. Lặn ở xó nào cũng lôi ra được. Thực chất quá mong manh. Mất máy. Hay làm mất máy. Thế là đứt tung một mắt trong chuỗi xích.
Lại hai tuần nữa trôi vèo. Vết sẹo trên trán mờ dần. Anh ta chẳng buồn sắm một cái dắt lưng mới. Từ đam mê chuyển sang dửng dưng. Kể ra nó cũng mong manh thật !


(Quang Nhân)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

demmuadong

Mộng du



Tôi dậy lúc nửa đêm, chính xác là 12h45, bởi tiếng nhạc bóng đá ở truyền hình nhà nào bật hơi lớn tiếng. Chính xác hơn nữa thì không phải do truyền hình là bởi tôi mất ngủ và kiếm đựơc một cớ chính đáng để rời khỏi giường.
Tôi sợ rằng ngày nào đó, tôi sẽ mắc bệnh mộng du.
Ý tưởng làm một cuộc du ngoạn trong đêm đến với tôi ngày một nhiều hơn và lặp lại, thậm chí nó sắp trở thành một mong muốn. Tôi hé một cánh cửa sổ để nhìn ra ngoài. Đêm của tháng hè đã chớm sang thu, cây ngọc lan một nhà cuối ngõ thả hương đủ cho đêm của cả xóm trở thành thanh cao.
Đang nhẹ nhõm tận hưởng sự thanh cao ấy, bỗng tôi nhìn thấy, qua cửa sổ mở hé nhà mình, một xe đạp từ đâu đó trong đêm tiến lại không tiếng động dưới chân cột đèn. Hai thanh niên mũ cối sùm sụp trên đầu, nhìn vô cùng khả nghi, từ trên xe nhảy xuống, gõ cửa nhà ông hàng xóm của tôi một cách khẽ khàng và thận trọng. Đêm thanh cao lập tức có mùi hình sự, tôi nín thở chờ xem chuyện gì xảy ra, khi cánh cửa nhà ông hàng xóm hé mở và ông ta nhô đầu ra thầm thì:
- Khẽ thôi kẻo thằng bé thức!
Hai thanh niên gật đầu, một người ra hiệu bằng tay. Chủ nhà thụt đầu vào, rồi hé rộng cửa hơn, để kéo ra một cái gì đó, tôi nhỏm hẳn người ra cửa sổ để nhìn. Con Bi, con chó yêu của thằng bé nhà ông ta. Bi chắc đã bị uống thuốc ngủ nên không phản ứng gì khi bị kéo lết ra khỏi nhà. Khổ thân con chó, tôi lập tức hiểu ngay rằng bố thằng bé vì lý do gì không biết, đã lén lút bán con Bi cho những tên trộm chó chuyên nghiệp. Chắc chắn vì thằng bé phản đối dữ lắm nên mới phải bán chó ban đêm thế này. Sự việc diễn ra trong vòng vài phút, trước khi bị bao tải chụp lên đầu, hình như Bi có tru lên một tiếng thê thảm, hay tôi tưởng thế, một tiếng thôi, rất ngắn, rồi đêm trở lại im lìm như cũ, hai thanh niên đạp xe đi, mùi ngọc lan lại toả ngát như chưa hề có chuyện gì. Tôi thì cả đêm thôi không chợp mắt nữa.
Tôi chờ đến sáng xem phản ứng của thằng bé hàng xóm thế nào. Trước khi đi học, nó gọi chó nhiều lần, tôi nghe não cả lòng, rồi chiều về tôi thấy nó mắt đỏ hoe ngồi ở ngoài cửa: - Con Bi của cháu dạo này mắc chứng mộng du, cháu đã xích lại không cho ra ngoài ban đêm mà nó vẫn tháo được xích để đi, nên hôm qua bị trộm bắt mất rồi.
- Sao cháu biết nó mắc chứng mộng du? - Tôi hỏi thằng bé.
- Vì bố cháu bảo nó già rồi, già hay mắc bệnh lắm, mọi khi nó nằm trong phòng cháu nhưng bố cháu bắt phải đưa nó ra ngoài, đêm nào cháu cũng thấy nó chuyển chỗ ngủ, mộng du mà.
Nước mắt làm thằng bé nghẹn cả lời...
Tôi thôi hẳn ý tưởng một ngày nào đó du ngoạn trong đêm. Tôi biết chắc từ bây giờ mình sẽ chẳng thể nào mắc chứng mộng du được nữa.



(Hà Phạm)
... Thì cứ say cho xa đừng phải nhớ.
Thì cứ điên cho đổ vỡ đừng buồn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối