Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Tú_Yên




Quê Hương !
Nơi Ta sinh ra và lớn lên.
Bắt đầu từ mái nhà đơn sơ với vòng tay yêu thương, đùm bọc của Cha, của Mẹ.
Đến ngôi trường làng cùng phấn trắng, bảng đen, với bao Thầy, Cô yêu kính đã vắt lòng ra để vun đắp những mãng kiến thức, tư duy cho bao thế hệ tương lai.

Những bước chập chững vào đời với biết bao gian khó, chông gai...
Những quãng đường qua với bao kỷ niệm ngập tràn mà muôn đời không thể nào nhòa phai trong tâm trí.

Quê Hương !
...Là tình yêu !
...Là nỗi nhớ !
...Là niềm hoài vọng...
Mà Ta ghi khắc mãi đến trọn đời.



Tập Tùy Bút

Một góc Quê Hương






Về Trà Vinh



Từ Thành phố Sài Gòn, bỏ đi cái oi bức ngột ngạt toả ra từ mặt đường nhựa và những toà nhà cao ngất ngưỡng. Rời xa mùi xăng xe và khói bụi mịt mù, để xuôi về miền Tây trù phú với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn cây xanh mướt, sai oằn hoa trái.
Trong cái gió đồng bằng như mang cả chút hơi hướm nồng nồng vị ngọt phù sa của những dòng sông dài, đang dịu dàng rẽ nhánh như ôm vào lòng từng góc nhỏ quê hương.

Chạy dọc dài theo quốc lộ 53, cách thị xã Trà Vinh khoảng 7km rẽ về phía trái (Tây Nam), thuộc ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành là khu Di tích Ao Bà Om, một thắng cảnh đẹp của miền Tây sông nước hữu tình, được gắn liền cùng phong tục, tập quán của người Khmer với một truyền thuyết vô cùng lý thú.
Bên cạnh là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh: Chùa Âng có tên theo tiếng Khmer là Angkorett Pali (còn gọi là chùa Bà Om). Chùa toạ lạc trên khu đất rộng 4 hecta, thuộc Phường 8 Thị xã Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh




Chùa Âng (Angkorett Pali)



Theo truyền thuyết chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 10 (năm 990).
Nhưng theo sổ sách để lại thì Chùa có trước năm 1715 và được trùng tu vào năm 1842.
Với khung cảnh êm đềm, cây xanh bao quanh. Chùa Âng với lối kiến trúc độc đáo hài hòa, nằm lặng yên giữa rừng Sao, Dầu vươn lên cao ngất giữa trời xanh.
Chùa Âng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cùng lúc với Ao Bà Om là Di tích danh thắng cấp Quốc gia.

Rời Ao Bà Om (ao Vuông) để vào địa phận Tỉnh Trà Vinh.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tâm hồn Ta như chợt nhẹ thênh khi thấy giữa bóng cây xanh rợp mát hai bên đường là chiếc cổng vào nội ô mang đầy bản sắc địa phương với lời đón chào ấm áp, ân cần dành cho du khách.




Cổng vào Trà Vinh



Trà Vinh,
Một tỉnh nhỏ vùng đồng bằng Nam bộ, nằm kẹp giữa hai dòng: sông Tiền và sông Hậu với làn nước dập dềnh mang đầy màu mở phù sa về vun bón ruộng vườn, làng mạc. Trà Vinh như một bán đảo yên bình với những con đường được ủ ấm bởi bóng cây xanh ngút mắt. Vượt lên giữa ngàn mây xanh ngắt là những tán Sao, tán Dầu vươn lên cao vút giữa trời. Cành lá đong đưa, xạc xào trong gió như một điệu nhạc êm đềm ru ngủ.

Trà Vinh,
Phố nhỏ hiền hoà với hơn 30 con đường lớn, nhỏ. Không gian vắng lặng, yên ắng với làn không khí trong lành, mát rượi. Có nhiều con đường đan xen với nhau, tĩnh lặng đến lạ lùng. Khiến ai chán ghét sự ồn ào, uyên náo chốn thị thành, chắc hẵn phải gật gù vừa ý.
Trà Vinh có rất nhiều đường song song nhau và tất cả các ngả đều đổ dồn về một điểm đến. Đó là điều vô cùng lý thú: dù Ta có lang thang trên bất kỳ con đường nào đi nữa, thì cuối cùng rồi, vẫn thấy mình như đang đứng giữa khu thị tứ náo nhiệt là Chợ Trà Vinh - trung tâm tỉnh lỵ.

Theo hướng Nam, cách Thị xà Trà Vinh khoảng 5km, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là chùa Kam Pong Chrây. Chùa còn có tên là Mồng Rầy (Kamponyixprdle) hay còn gọi là chùa Hang, tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Với lối kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chính điện được trang trí nhiều hoa văn họa tiết rất công phu theo mô típ Ấn Độ vừa rực rỡ, vừa trang nghiêm, nằm lặng yên giữa một rừng cây tĩnh mịch.
Chùa được xây dựng cách đây gần 400 năm, trước kia có nhiều đàn dơi kéo nhau về quần cư sinh sống nên còn có tên là chùa Dơi.
Hiện nay, Chùa đã được sửa sang lại với vườn cây thênh thang, xanh mát. Tạo nên một khung cảnh hoang sơ, êm đềm và trầm mặc khiến cho nhiều đàn chim trời bay về trú ngụ ngày càng đông đúc.
Chùa Hang cũng là điểm dừng chân tham quan của rất nhiều du khách trong và ngoài nước với những tác phẩm điêu khắc gỗ có giá trị và nhiều sãn phẩm Mỹ nghệ khác.

Cách thị xã Trà Vinh khoảng 40km về phía Nam là chùa Nodol, còn gọi là Chùa Cò hay chùa Giồng Lớn, thuộc ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú. Đây là ngôi Chùa cổ to lớn được xây dựng năm 1677. Khu chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và những tượng thần quen thuộc như Thần Riehu, Thần 4 mặt Mhabrom, chim thần Kâyno. Chùa được bao bọc bởi những rặng tre, cây sao, cây dầu tỏa mát quanh năm. Có cả tháp đựng cốt, nhà tăng và nhà hội.
"Đất lành, chim đậu", cùng với Chùa Dơi ở Sóc Trăng thì chùa Cò ở Trà Vinh cũng nổi tiếng với sự lưu trú của nhiều loại Cò tạo cho chùa có cảnh quan thật hấp dẫn.

Trở về Thị xã Trà Vinh, dọc theo đường hàng Me, rẽ về phía trái tính từ hướng quốc lộ 53. Chúng ta lại được chiêm ngưỡng chùa Bodhisalran Kom Pong hay còn gọi là Chùa Ông Mẹt (thuộc Phường 1). Mặc dù nằm ngay giữa trung tâm Tỉnh lỵ mà vẫn trầm mặc, yên bình với khung cảnh thiên nhiên đầy cây cao, bóng cả.

Về Trà Vinh,
Với những hàng Dầu, hàng Sao hơn trăm năm tuổi, với sông Hậu, sông Tiền chở nặng phù sa chăm tưới cho ruộng đồng xanh mượt, cho cây trái trĩu quả, sum suê.
Và về Trà Vinh,
Để ta như ngỡ ngàng khi chợt nhận ra: Có một xứ sở chùa Tháp, nằm ngay trong lòng miền Nam của Quốc gia đã trãi qua hơn 4000 năm Văn hiến, đã rực rỡ muôn đời với truyền thuyết " Con Rồng_Cháu Tiên " - Đất nước Việt Nam.


Tú_Yên


(2009)

Gió đi bỏ lại mình Ta
Ngày qua, rồi lại ngày qua - qua ngày.


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tú_Yên

.

Một góc Quê Hương






Chôl Chnam Thmây lại về




Những ngày trung tuần tháng tư, Nếu có dịp đến Trà Vinh, chắc hẵn không ai là không cảm thấy háo hức trước không khí nhộn nhịp sắm sửa của đông đảo đồng bào Khmer.
Đó chính là những ngày chuẩn bị để đón chào Lễ Tết Chôl Chnam Thmây.

Chôl Chnam Thmây còn được gọi là "Tết năm mới" hay "Lễ chịu tuổi". Là một lễ hội truyền thống của người dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ. Lễ hội được kéo dài 3 ngày trong tháng Chétt (lịch Khmer), đó là: 14, 15, 16 tháng 4 Dương lịch (năm nhuận thêm ngày 13-4 dương lịch). Tính theo âm lịch thì là 12, 13, 14 tháng 3 (năm Tân Mão).

Ngày xưa, nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết là "đắp núi cát" và "tắm Phật".
Với khoảng 1,3 triệu người Khmer, sống tập trung nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang...thì người Khmer Nam bộ vẫn giữ nguyên tập tục của mình từ ngàn xưa để lại: Sùng đạo và tôn kính đức Phật.
Chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các Lễ hội của người Khmer đều tập trung tại chùa.
Trong ba ngày Tết, không khí tại các chùa và các phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm.

Tháng tư về...
Không gian thông thoáng, khí trời mát mẽ, khô ráo và mùa màng thì cũng đã gặt hái, thu hoạch vừa xong. Đây chính là thời điểm thuận lợi, thoải mái nhất để mọi người thong dong hưởng thụ những ngày lễ hội vui vẻ mà không phải vướng bận to toan.

Chôl Chnam Thmây được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, diễn ra trong ba ngày:
- Đêm Giao thừa nhằm vào đêm 13 tháng 4, được cúng tại nhà để đưa tiễn "Têvađa" cũ và rước "Têvađa" mới về. Đây cũng chính là đêm "lễ đi tu" (bôn bâm bous) của các chàng trai.
Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Têvađa xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ được an cư, lạc nghiệp.

Ngày thứ nhất - Chôl sangkran Thmây (ngày đầu năm mới):
Chọn giờ tốt nhất trong ngày, có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm (tùy theo năm). Tất cả mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự nhất, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch "Maha Sangkran", đồng thời diễu hành ba vòng chung quanh chính điện để đón chào Chư Thiên (Têvađa).
Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới Têvađa về để hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật.
Tối đến các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa Dù kê, Rôbăm, Lâm thôn... được mọi người thưởng ngoạn và tham gia vui chơi rất náo nhiệt.

Ngày thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày):
Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa (Wen Chông Ham) cho các vị sư.
Theo phong tục của người Khmer. Vào các ngày Lễ, Tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi. Đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ.
Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vât đến cúng chùa.
Vào buổi chiều, người ta tổ chức Lễ đắp núi cát (Puôn Phnon Khsach) để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn.

Ngày thứ ba - Lơm săk:
Còn gọi là ngày Lễ tắm Phật.
Vào ngày nầy, các phật tử Khmer, mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ tinh mơ để đâng cơm cho các vị sư.
Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu: Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát. Họ dùng những cành hoa để vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật. Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Phật Trời gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khoẻ, ruông rẫy tốt tươi và trúng mùa. Họ cũng cầu chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện.
Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lế sám hối của người Việt.
Kế tiếp là mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu).
Tất cả mọi người dưới sự hướng dẫn của vị Achar sẽ thành tâm cầu nguyện cho các vong linh những người thân của mình được siêu thoát.
Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà. Tất cả con cháu trong gia đình trãi chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi vầo đấy để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa đổi.
Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ước mong năm mới cả nhà sẽ luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc, con cháu sẽ dùng nước hoa thơm tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục.

Đến Trà Vinh vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam bộ, chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những điệu "múa Miên" và tục "thả đèn trời" là những nét Văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong Lễ hội nầy.
Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

Vào dịp Tết Năm mới của người Khmer ở Trà Vinh, chúng ta cũng sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bánh từ nếp như bánh ú, bánh tét, bánh chưng...
Ngoài ra còn có món đặc sản không thể thiếu trong các gia đình Khmer trong ba ngày "Lễ chịu tuổi": đó là món "Bún nước lèo".

Và...
Nói đến Chôl Chnam Thmây, chúng ta không thể nào quên được một ấn tượng thật khó phai, khi nhìn thấy thái độ chân thành, sự kiên trì và cần mẫn đến lạ thường lúc những người Khmer chăm chú "đắp núi cát".   


Tú_Yên


(2009)

Gió đi bỏ lại mình Ta
Ngày qua, rồi lại ngày qua - qua ngày.


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tú_Yên

https://tuyen10468.files.wordpress.com/2012/09/e8f9f-aobaom.jpg


(Ao Bà Om - Trà Vinh)


Trà Vinh_ Quê hương Tôi

Biển Ba Động nước xanh cát trắng
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây
Xin mời Du khách về đây...
Viếng qua mới biết nơi nầy thần tiên.



Từ ngày còn bé xíu, Tôi đã thấm vào lòng bốn câu thơ trên.
Cũng chẳng biết Tác giả là ai. Và mặc nhiên bốn câu thơ ấy trở thành tài sản chung mà cũng là niềm tự hào của dân Trà vinh.
Để rồi ai đó xa quê, cứ phải day dứt nhớ thương trong niềm khắc khoải…

Thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kông, Trà Vinh như một bán đảo nằm kẹp giữa hai dòng: sông Tiền và sông Hậu.
Phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long.
Phía Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng.
Phía Đông giáp biển Đông, bờ biển dài khoảng 65km với khu du lịch Biển Ba Động trời nước mênh mông, lồng lộng gió.

Trà vinh,
Một tỉnh nhỏ với những hàng cây cao rợp bóng.
Những tán Sao, tán Dầu như xoè ra che kín cả không gian.
Trên những nẻo đi_về mát rười rượi, mỗi khi thong thả lang thang đây đó, ta mới cảm nhận được hết làn gió trong lành, màu xanh mướt mắt của những tàng lá xum xuê.
Để chợt thấy mình như được ủ ấm trong sự bình yên giữa hàng hàng cổ thụ cao ngất ngưởng đang đứng trầm tư dọc dài trên phố, ngoan ngoãn an lành như trong vòng tay của mẹ hiền độ lượng, bao dung.

Trà Vinh có khoảng 30 con đường lớn nhỏ. Nhiều nơi đan xen như những ô cờ.
Đặc biệt là những con đường chạy song song nhau, tất cả đều cùng đổ về điểm đến là Chợ trà Vinh - trung tâm của Tỉnh lỵ.

À !
Còn một con đường rất ư là thơ mộng: Con đường Học trò - Đường Hàng Me đấy !
Tất cả các Trường học ở Trà vinh gần như quây quần chung quanh con đường nầy.
Mỗi giờ tan trường, con đường như sáng lên, trắng xoá những áo dài.

Những tà áo tung bay trong gió như từng đàn bướm trắng lao xao rồi toả ra khắp mọi nẻo đường Tỉnh lỵ.
Những gốc Me già, thân to hàng mấy vòng tay ôm, hiên ngang, sừng sững...như thách thức thời gian, thách thức cả nắng mưa và giông tố.
Dễ thường những cây Me ấy đã có tuổi thọ trên trăm năm, cứ mãi đứng yên lặng hai bên đường như sẵn sàng “Chào đón khách Tham quan”.

Và mỗi độ Thu sang, những chiếc lá Me vàng lả tả rơi đầy trên từng lối đi_về, khiến ai có chút hồn thơ thật khó dằn lòng trước khung cảnh lãng mạn, trữ tình như thế.
Thu đấy ư ? Hay mùa Trà Vinh chín mùi trong nỗi ngóng trông lan toả.


Trà vinh_Quê hương Tôi

Đường Hàng Me ngày xưa tôi đến lớp
Giờ tan trường bóng mát rợp đường đi
Lá xoay xoay như muốn nói điều gì
Rơi trên tóc, trên đôi tà áo trắng

Đường Hàng Me dường như xa xôi lắm
Nhưng rất gần trong từng bước tôi qua
Ngỡ là xa - nhưng ở mãi trong ta
Trà vinh đó chan hoà trong trí nhớ

Trà vinh ơi !
Luôn gần như hơi thở
Dẫu thế nào - Tôi vẫn nhớ Trà vinh.



Trà vinh_Quê Tôi - nên thơ như thế...thân thương như thế.
Có một giai thoại rất vui mà dân Trà vinh luôn truyền miệng cho nhau trong những buổi trà dư, tửu hậu...

Trà Vinh đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con


Tú_Yên


(10-08-2007)


Gió đi bỏ lại mình Ta
Ngày qua, rồi lại ngày qua - qua ngày.


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]