Mấy hôm nay ông Bằng cứ loay hoay tính toán xem thứ gì mang đi , thứ gì cho , cho ai . Nhiều lúc ông ra vườn nhìn chừng chừng vào từng cây như người thôi miên chúng . Cây này ông xin hạt ở đâu , cây kia ông mua của ai , cây nọ ai tặng ... .Lại có lúc ông như người bị thôi miên , đi lại bâng quơ quanh sân , ra bờ ao rồi lại vòng về bể nước mưa múc mấy xô dội chân cho mát . Con Jốp thấy chủ tha thẩn dường như cũng muốn phân ưu quanh quẩn bên ông . Còn Khoang lại chia sẻ nỗi lòng cùng ông bằng cách nằm im trên cửa sổ nhìn theo ông từng bước . Ông Bằng lẩm nhẩm hai câu thơ mà ông thuộc lòng từ khi còn đi học : - “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở ! Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn ! ” Ông gặt gù tâm đắc : - Đúng ! Đúng lắm ! Ông đã từng phải day dứt để trả lời câu hỏi đi ,ở bao năm nay . Bây giờ đã bước một chân qua ngưỡng cửa của sự ở đi , bài toán đã có đáp số lại nhập nhòa ẩn hiện . Giá như đây là quê hương ông . Giá như ông còn cha mẹ , anh chị em ruột thịt . Giá như các con ông tiếp nối sinh sống ở đây. Chí ít giá như ông có cháu chắt quần tụ quanh đây... . Đường này... Ông Bằng mời bè bạn và lân bang gặp gỡ chia tay vào một đêm trăng sáng . Ngẫu nhiên thôi nhưng dường như trời cũng chiều ông vì dưới ánh trăng dìu dịu lòng con người cũng êm trong hơn , vui và nhớ nhiều hơn .Con Jốp trước đó đã được trao cho ông Thiềng theo đúng lời hứa vì nó cũng quý ông ta . Còn con Khoang , chẳng hiểu có giác quan đặc biệt nào đánh hơi được cuộc chia xa mà nó không thể được theo cùng , bỏ ăn liền mấy ngày rồi chết . Ông Bằng chôn nó dưới gốc vải cùng với vài giọt nước Mắt . Tuy biết rằng còn nhiều lần quay lại thăm thú nhưng ông Bằng bấm khóa mà tay cứ run run . Ông nhìn lướt quanh vườn một lần . Trong lòng ông rõ ràng có lời chào gửi cho tất cả cây cối , nhà cửa , sân vườn mà chỉ ông nghe được . Ông lên xe . Đầu tiên là cái cổng , sau đến mái nhà bị hút bóng trong tầm nhìn . Rồi cả một con phố , cả một vùng quê lùi dần vào nỗi nhớ . Bây giờ ông đã thành người của một xứ khác , nơi mà nhiều người tìm đến mưu sinh . Còn ông , ông làm một cuộc hành hương ngược .
*
Khi Thằng Cu Con ra đời , ông Bằng vui bởi nhiều nhẽ . Thế là ông đã có đến ba đứa cháu . Thế là ông toại cái tâm nguyện mà bố ông không được hưởng : Tam Đại Đồng Đường ! Hơn cả những điều ấy , mỗi khi nghe người ta nói Cu Con giống ông như đúc là cánh mũi ông cứ phập phồng phập phồng chẳng biết nó có to hơn bình thường không . Cũng chẳng biết điều đó có hay ho gì không nhưng ông vui . Thế thôi . Cu Con lớn lên trong tầm mắt của ông Bằng . Ông sống lại cái cảm giác mà ông có ngót ba chục năm trước khi cha nó được sinh ra . Bây giờ ông không làm được gì nhiều , không phải làm gì nhiều nhưng cái cục thương trong lòng thì vẹn nguyên còn đó . Cu Con nâng cánh cho những vần thơ của ông mặc dù ông ít viết thơ về cháu . Ông Bằng sung sướng mỗi khi chỉ ông mới ru được Cu Con ngủ . Ông muốn “ độc quyền ” về giấc ngủ , bữa ăn của cháu ông . Ông muốn nó quấn quýt với ông hơn cả cha mẹ . Biết vậy là “ ích kỷ ” song cái bản năng vốn dĩ cứ xui ông nghĩ như vậy . Khi Cu Con lẫm chẫm , ông Bằng thích dẫn cháu lang thang quanh nhà . Hai ông cháu bứt lá bày trò , chỉ chỏ những thứ trông thấy giả ngọng theo cháu rồi cùng cười tít . Khi ấy ông Bằng nhập vai trẻ con một cách thực sự tự nhiên , không phải tập tành hay lên gân như các nghệ sĩ . Thoáng nghe mấy chị bán hàng cười nói với nhau về hai ông cháu : “ Nhìn kìa ! tập ba có giống tập một như hai giọt nước không kìa ! ” ông Bằng chỉ cười theo mà không hề giận . Khi Cu Con bước đi vững vàng hơn , Ông Bằng hay dẫn cháu vào công viên để thưởng ngoạn một không gian rộng rãi và vui mắt hơn . Ở đấy hai ông cháu tìm bắt những con ốc nhỏ xíu bám trên thân cây , đuổi bươm bướm chuồn chuồn hay nhìn theo những con chim chuyền từ cành cây nọ sang cành cây kia . Cũng có lúc ông làm cho Cu Con một cần câu nhỏ thả xuống hồ nhử câu những con cá loi choi , tung tăng ngay sát bờ . Trên đường về , cu cậu hay vờ vĩnh mỏi chân bắt ông cõng trên lưng . Thế là ông lại được làm ngựa để Cu Con cưỡi . Thế là miệng ông lại cất tiếng hát bài “ Nhong nhong ngựa ông đã về , cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn ...” nhưng đã sáng tác lại thay tên Cu Con vào chỗ khi xưa là tên bố cháu .
*
Vậy là ông Bằng trở thành “ Người Hà Nội ” dễ đã ngót chục năm . Trong một bài thơ , ông cao hứng tung ra mấy dòng đại ngôn : ... Sáu mươi chín mùa xuân Rũ áo phong trần Treo cung Gác kiếm Thảnh thơi ! ... Thực ra ông có cung kiếm gì đâu . Nếu có cũng chỉ là thứ đồ chơi dọa trẻ con thôi . Nhưng điều này là đúng : ông nghỉ ngơi hoàn toàn ! Cũng có lúc có lời xì xào muốn ông cộng tác mấy việc lặt vặt trong Phường , trong tổ dân phố nhưng xem ra ông thực lòng không ham hố nên đành thôi . Ông Bằng nhận được giấy mời của Hội Đồng Hương huyện gặp mặt đầu xuân . Lần đầu tham dự ông chưa hình dung hết những gương mặt sẽ được tiếp xúc , chỉ đoán mơ hồ về số bạn bè từng biết đang sống tại Hà Nội . Cuộc gặp mặt để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt về những người con quê hương đang sống gửi nơi Đô Thành . Sau lời chào hỏi là một chương trình biểu diễn khá phong phú của các ca sĩ , nhạc công gốc gác xứ quê . Nhiều nghệ sĩ tầm cỡ quốc gia đến hôm nay ông Bằng mới biết họ là người trước đây đã ở ngay sát nhà mình , làng mình . Cuộc trình diễn được dàn dựng như một buổi diễn thực sự . Qua lời giới thiệu , ông Bằng cũng ngạc nhiên về số quan chức xuất thân từ quê mình . Từ ủy viên bộ chính trị đến bộ trưởng . Từ đại sứ đến tổng nọ tổng kia mà bấy nay ông không hay biết . Hỏi ra ông còn hiểu thêm mối quan hệ xâu chuỗi của một số nhân vật trong đội ngũ quan chức này . Ông Bằng gặp lại nhiều bạn bè đã lâu năm xa cách . Đối với ông ,cuộc gặp mặt này đồng nghĩa với cuộc họp đồng môn . Mọi học sinh của trường huyện năm xưa đang sống tại Hà Nội đều có mặt . Nhiều người nếu không được giới thiệu ông chẳng thể nhận ra . Thời gian đã cho họ những bờ râu mái tóc và cả dáng điệu mà thời xa xưa chưa có . Trường hợp ông Thế coi là ngoại lệ vì tuy lâu không gặp nhưng vẫn “ chạm trán ” trên màn hình nhỏ nên dẫu có đổi thay vẫn là quen mắt . Cũng từ cuộc gặp gỡ này ông Bằng tiếp cận với nhóm thơ đồng hương và đọc thơ của họ trong tập Đôi Bờ Cửu An .Tập thơ dung dị cả về hình thức lẫn nội dung nhưng cũng được đón nhận như lời thủ thỉ của những người tha hương nói với nhau . Trong một tiệc đứng khá chu đáo và vui vẻ , những đồng hương , đồng môn cùng một lớp , cùng học chui lủi trong vùng địch hậu thời chống Pháp xem chừng gắn bó hơn . Họ rủ ông Bằng tham gia các hoạt động nhưng ông chỉ nhận lời với Công sẽ sinh hoạt thơ thôi . vì đó là sở thích của ông từ khi còn đi học nhưng đã không được nuôi dưỡng đúng mức trong thời gian dài . Ông thấy nay đã có điều kiện , cần làm sống lại cả kỹ năng và tâm hồn, nâng thơ lên ngang tầm mặt bằng nơi ông đang sống cùng với bè bạn . Sau buổi gặp lại bạn cũ , ông Bằng càng nhận ra những bước đi lạc điệu của mình trước đây . Giá như ông có được một chút chữ Nhẫn thì đã không bỏ qua cơ hội nằm trong tay khi ông được giao một công việc mà ông coi là nhạt nhẽo nhất ở cơ quan Bộ . Ông không biết rằng nhiều bạn ông đã bắt đầu đi lên từ cái “ đuôi trâu ” ấy . Họ cũng nằm dưới căn số bậc cao có khi còn hơn ông , thế nhưng vùng vẫy mãi nơi biển khơi rồi cũng biết vượt sóng gió . Còn ông cứ quẩn quanh trong vũng nước nông choẹt , chật chội để mà chen chúc cọ sát , để làm ngôi sao trong sương mù .
Sau khi đăng bài viết “ Có phải ... Gà mọc đuôi tôm ? ” trên vnweblogs, tôi nhận được nhiều ý kiến bình luận . Trong đó có lời bàn của bạn Thanh Tuấn , tôi thấy cần có sự trao đổi lại một cách nghiêm túc và đầy đủ . Xin đăng lại cả ba bài viết trên để các bạn tham khảo !
Có phải “ ...Gà mọc đuôi tôm ” ? ( Lý Viễn Giao ) Thành ngữ “ Chủ vắng nhà , gà mọc đuôi tôm ” thoạt nghe chừng như vô lý . Sao gà lại mọc đuôi tôm mà lại mọc lúc chủ vắng nhà ? Vì vậy có người cho rằng câu này phải là : “ Chủ vắng nhà , gà vọc niêu tôm ” mới đúng . Có lẽ đuôi tôm ở đây nên hiểu là hình dáng giống đuôi con tôm ( Như áo đuôi tôm ) . Trong quá trình lớn lên , giai đoạn gà con chuyển từ bộ áo lông tơ sang lông ống , ở phần đuôi gà trông như có cái “ đuôi tôm” dán vào . Đây là thời kỳ gà con chưa biết sợ là gì , rất hiếu động , bới móc lung tung . Phải chăng khi chủ vắng nhà là mọi con gà lập tức “ mọc đuôi tôm ” ? Thành ngữ này hàm ý khi không có sự trông coi của người lớn ( chủ ) thì trẻ con ( các thành viên ) sẽ lộn xộn , vô kỷ luật như lũ gà đang mang đuôi tôm kia . Nếu cho rằng “ gà vọc niêu tôm” e sẽ làm hẹp đi ý nghĩa của thành ngữ tế nhị này.
Lời bình ( Thanh Tuấn ) Thân gửi bạn Lý Viễn Giao ! Theo e-cadao.com; câu số 19143 : Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm Bạn giải thích nghĩa theo ý hiểu của bạn chứ không nên khẳng định là hẹp đi nghĩa của câu ca dao. Thứ nhất : Giai đoạn "gà mọc đuôi tôm" trong khoa học tự nhiên từ ngày mẫu giáo đến giờ, trong tất cả các văn bản mà mình được biết không thấy có. Giai đoạn này có theo lý giải của bạn chứ không có cơ sở khoa học Thứ hai : Gà ở giai đoạn "mọc đuôi tôm" thì ngổ ngáo, hiếu động, phá phách, không biết sợ là không đúng. Bản năng của tất cả các loài đều biết sợ. Không chỉ riêng gà, mà tất cả các vật nuôi đều không dám vào "bếp" khi có chủ nhà. Thế nên khi không có chủ nhà, thì có thức ăn chỗ nào nó đều mò vào để giải quyết nhu cầu.. ăn Thứ ba : Theo giải thích của bạn, ý nghĩa của câu ca dao bị hẹp hẳn đi : Chỉ những người ở giai đoạn "mọc đuôi tôm" là phá phách, nghịch ngợm, vô kỷ luật khi không có chủ nhà ( bố mẹ, chủ gia đình, chủ cửa hàng.. ). Trong khi câu ca dao của các cụ bao gồm tất cả các độ tuổi, khi vắng ông bà chủ, thì vào ăn vụng hoặc làm những việc mà khi có chủ nhà họ không dám làm. Đối tượng được câu ca dao nói đến ở đây là đầy tớ, là con cái, là nhân viên.. chứ không phải chỉ gói gọn ở độ tuổi"mọc đuôi tôm, hiếu động "như bạn nói. Thân
Thư ngỏ ( Lý Viễn Giao ) Chào bạn Thanh Tuấn ! Trước hết cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của tôi . Hơn thế , bạn còn tham gia cùng bàn luận . Khi mở mục “ Bàn luận ” , mục đích của tôi không gì hơn là cùng nhau trao đổi để làm sáng tỏ những điều có vẻ như chưa thống nhất ngõ hầu mang lại cách nhìn chung . Trong lời bình luận của bạn về bài viết “ Có phải ... Gà mọc đuôi tôm ” của tôi đăng ngày 15/02/2010 trên http://nguyenbinh39.vnweblogs.com/, bạn có nêu vài nội dung mà tôi thấy cần trao đổi cùng bạn . Đầu tiên là có hay không câu thành ngữ “ Chủ vắng nhà , gà mọc đuôi tôm ” ? Đã gọi là văn chương truyền miệng không sao tránh khỏi “ Tam sao thất bản ” . Mặt khác mỗi vùng , mỗi thời những câu ấy được thay đổi do người sử dụng hoặc vô tình , hoặc hữu ý làm nó khác đi theo nhận thức của riêng mình . Trong khi những người tập hợp như Vũ Ngọc Phan hay như bạn viện dẫn e-cadao.com cũng chỉ có không gian và thời gian hữu hạn của mình sao mà ghi chép cho hết được . Tôi không hề phủ nhận không có câu “ Chủ vắng nhà gà vọc niêu tôm ” và vì vậy bạn cũng đừng nên cho rằng câu tôi đưa ra là không có mặc dù bạn chưa thấy ở đâu , kể cả sách giáo khoa mà bạn đã học từ thời để chỏm ! Phải rồi , Chỉ có con người – một động vật đặc biệt –Thượng đế mới ban cho đủ thất tình : ái , ố , hỉ , nộ , ai , cụ , dục . Những động vật khác chỉ có một số bản năng . Ở cấp phát triển càng thấp thì lượng bản năng càng ít và giản đơn . Nói riêng với gà thì sợ – tức cụ – có phần do bản năng , có phần do tập nhiễm . Gà ở độ “ Mọc đuôi tôm ” chưa trải qua nhiều tình huống phải sợ lại vừa mới – hoặc còn – được mẹ che chở nên độ sợ sệt chỉ rất thấp . Trong khi đó cơ thể ở giai đoạn phát triển , cái gì cũng muốn tò mò , khám phá – chứ không phải ngổ ngáo – chẳng những vọc niêu tôm mà bao giờ , ở đâu cũng muốn nhẩy vào mọi chỗ có thể để kiếm ăn nhưng cũng có khi chẳng để làm gì cả . Sau cùng , bạn đã bị đảo ngược tư duy về rộng , hẹp rồi đó ! Nếu “ Gà vọc niêu tôm” mới hẹp chứ ! Vì nó chỉ đề cập đến một sự việc “ vọc niêu tôm ” rất cụ thể , rất đơn chiếc . Ừ thì cố suy diễn để hiểu rằng đã vọc niêu tôm nó có thể vọc nhiều nồi niêu khác kể cả thúng gạo , lọ vừng , chậu cám ... .Suy diễn thêm để mở rộng e nhiều khiên cưỡng . Còn “ Gà mọc đuôi tôm ” chỉ ra một trạng thái , một giai đoạn của con gà với đầy đủ các yếu tố tâm sinh lý ẩn chứa , ta có thể mường tượng ra nhiều hành vi tự do , bất chấp của nó . Hình ảnh này dùng để dẫn tới một chân lý giản đơn “ Thiếu giám sát tất yếu sẽ không còn kỷ cương ” sẽ nhẹ nhàng , tự nhiên hơn nhiều . Lại xin lạm bàn thêm chút xíu : Cái hình ảnh “ Gà mọc đuôi tôm ” có vẻ như “ Trêu tức ” tư duy , nó đưa ra nhiều tầng suy nghĩ và mang tính văn chương hơn thì phải ! Nói vậy để bạn và tôi cùng tự trả lời về nội hàm của hai trường hợp một câu thành ngữ chỉ khác nhau có hai chữ “ Vọc niêu ”và “Mọc đuôi” Đúng với mục đích bàn luận , Xin một lần nữa cảm ơn bạn đã góp lời . Đặc biệt hơn , vấn đề đã nêu lên từ khá lâu mà bạn vẫn quan tâm đến . Vì vậy bên cạnh lời cảm ơn tôi còn muốn thổ lộ một trạng thái tâm lý nữa của mình là cảm động . Mong sau này chúng ta sẽ gặp nhau nhiều hơn . Chúc bạn an lạc !
Cha xứ đi qua Hải-quan. Một người đàn bà đi máy bay, nhưng có 1 viên kim-cương, nên chưa biết cách nào qua khỏi kiểm-sóat của Hải-Quan. May thay, chợt có 1 Cha cố đi ngang qua, bà bèn nhờ Cha cố đem qua Hải-Quan dùm. Đến chỗ khai báo, nhân-viên HQ hỏi - Cha có cái gì khai báo ? Cha cố định nói " Không", nhưng chợt nhớ viên kim-cương trong túi quần, và nhớ không nên cãi lời Chúa răn là là... không được nói láo, nên Cha cố nói : - Từ thắt lưng Cha trở lên, không có gì qúi giá. Còn từ thắt lưng Cha trở xuống thì có một vật mà mọi quý bà đều thích. Nhân-viên HQ cười nói : - Cha vui tính quá, mời Cha qua !!!