Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] ›Trang sau »Trang cuối
Lối Gai ( Tiếp )
Một cơ ngơi được hình thành khá gọn mắt . Ngôi nhà chính với một dẫy nhà phụ nằm vuông góc . Mảnh vườn vuông vắn vừa đủ trồng cây ăn trái mỗi thứ vài gốc . Xung quanh sân và lối đi giắt đầy chậu cảnh , cây hoa đỏ xanh vàng vui mắt . Có cả một khoảng đất đào ao nho nhỏ thả cá và sen .
Mùa hè , những khi thư thái , Trung thường ngồi bậc cầu ao ngắm hoa , ngắm cá di dưỡng tinh thần .
Trải qua bao nhiêu truân chuyên , bây giờ Trung bắt đầu thấy hé lộ trước mắt một viễn cảnh khác . Cũng là lúc xuất hiện những suy nghĩ trước đây chưa hề có . Sự hướng nhàn . Công việc được giao anh vẫn hoàn thành xuất sắc . Vẫn thẳng thắn , công tâm và đầy trách nhiệm để kỳ bình bầu nào anh cũng đứng trong tốp đầu . Anh ngộ ra những nghịch lý mà khi xưa anh không chịu chấp nhận là đúng . Người ta không cần đến năng lực và sự trung thực . Biết bao kẻ xung quanh thiếu hẳn hai yếu tố ấy mà vẫn được ấn vào tay những công việc có vai trò quyết định số phận của nhiều người .
Trong cái giang sơn nho nhỏ này Trung nhận về đầy đủ niềm vui . Vợ chồng hòa thuận . Hai con kháu khỉnh với tên gọi như một bức tranh rút từ câu thơ đẹp trong Truyện Kiều . chúng đều ngoan ngoãn , học hành thông minh . Tôm cá từ sông đến , gà vịt nuôi chật chuồng . Bạn bè , anh em gần xa qua lại tâm giao , chia sẻ . Những khó khăn do tem phiếu cứ đứng xa mà nhìn cuộc sống của gia đình nhỏ bé này để thấy mình bất lực .
Trung đang tìm mấy nhành hoa có dáng đẹp để mang vào cắm trên bàn uống nước thấy có tiếng đằng hắng ngoài cổng . Ngoảnh ra thấy Phái có ý vào chơi . Anh lên tiếng :
- Ấy chết , hôm nay rồng lại đến nhà tôm kia đấy !
- Rồng rắn , tôm tép gì ! Tôi sang xin ông ít giống hoa . Chẳng
hiểu sao tôi ươm mãi cây cứ èo ọt , bông thì thưa thớt .
- Hay ông mua ít hoa giấy treo vào cho đỡ trống trải , chờ khi đất
thuần , hoa sẽ bén thổ !
- Ông cứ đùa dai ! Nhân thể tôi muốn ông hướng dẫn cách ươm
trồng . Đất hai bên cùng thửa ruộng , ông có mẹo gì mà hoa lá sum suê vậy ?
Trung và Phái còn đang lúi húi tìm tìm kiếm kiếm bỗng nghe tiếng còi xe máy ngay trước cổng . Vừa thấy Trung cả Hân và Khuyên đều lên tiếng :
- Tường cao hào sâu , kín cổng cao tường quá đấy Cụ Lý ạ !
- Cơn gió nào đưa khách quý đến thế này ?
Nói rồi Trung mở cổng mời khách vào . Tiếng xe máy ròn rã một lúc làm đàn gà chạy táo tác . Cuộc tuyển chọn hoa dừng lại , Trung mời mọi người vào nhà uống nước . Phái từ chối vì đang dở tay với cây cối trong vườn .
Câu chuyện giữa ba người nổ như bỏng rang . Vợ chồng Hân khoe mới được cấp căn nhà mặt đường giữa phố lớn đất Cảng . Chưa cạn tuần trà , Trung lại nghe có tiếng gọi cổng . Quang nắm ghi đông xe đạp kiễng chân ngó vào . Trung reo lên :
- Hôm nay là ngày gì mà lắm quý nhân đáo tệ xá thế !
- Ngày “ Bạn bè Thế giới ” ông quên rồi sao ?
Cả hai cùng cười vào nhà họp mặt . Trung giới thiệu để mọi người làm quen .
Khi nói Quang là bạn học thời để chỏm hiện đang làm công nghiệp trên tỉnh thì cả Quang và Khuyên ra hiệu khỏi cần vì họ đã gặp nhau vài lần .
Trung nhờ mọi người ra vườn bắt gà . Một cuộc rượt đuổi tức cười diễn ra . Sau chừng năm phút Hân túm được chú gà trống già nhưng bị tụt chân xuống rãnh , quần áo lấm bê bết . Vừa lúc ấy Nhạn cũng hết giờ dậy về, mọi người tíu tít làm bữa . Quang còn mang cần câu tóm thêm vài con cá . Chẳng mấy mà mâm cơm thịnh soạn ngồn ngộn thịt cá trứng được bày ra giữa chiếu hoa , thơm nức , mời gọi . Bọn trẻ đi học về đúng lúc mọi người vừa an tọa , chào hỏi ríu rít rồi cùng sà vào mâm . Trung gắp nguyên miếng mào gà to bằng nửa bàn tay vào bát Hân và tuyên dương công trạng trong việc săn đuổi ban nãy . Có hơi men , câu chuyện cứ tự nhiên lướt mọi đề tài . Từ chuyện thưở nảo thưở nào khi gia đình Quang bị trưng thu hết , Trung bớt ăn giúp vài bò gạo ở nơi trọ học . Đến chuyện Hải Cảng mở rộng , Hân vừa được thăng chức . Chuyện Quang đang cưa một cô giáo cấp ba nhưng còn một số điều lấn cấn ... Giọng nói lúc oang oang hồ hởi , lúc hạ thấp nghiêm trọng . Bọn trẻ đã lên giường ngủ say . Nhạn và Khuyên mang ghế ra gốc cây thủ thỉ . Ba cái đầu đàn ông vẫn chụm lại to nhỏ .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Lối Gai ( Tiếp )
Trung suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất đến mức mọi người ái ngại . Trong ba năm trời hai anh ruột lần lượt ra đi . Cha mẹ mất sớm , các anh Trung là điểm tựa , là niềm tự hào , là nguồn chia sẻ vui buồn hằng ngày . Mặc dù Trung có một mái ấm nho nhỏ riêng mà nhiều người ngưỡng vọng . Mặc dù bạn bè và những người thân thuộc luôn giang tay cùng anh trong cuộc sống . Mặc dù xung quanh anh là lớp lớp học sinh và đồng nghiệp cởi mở sẻ chia . Trung vẫn thấy cô đơn . Có một câu thơ anh viết như tiếng kêu xé lòng : “ Cô đơn này mới gọi là cô đơn ! ” . Khi mải mê công việc , Lúc quây quần cùng vợ con bạn bè người ta không thể nhìn thấy khoảng trống trong lòng anh . Đêm về hoặc lúc thư nhàn , trung sống trong khoảng trống ấy đến mức chống chếnh .
*
Trung nhận được công văn triệu tập về Trường Chuyên của tỉnh tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi . Trường này đã tách hẳn ra , không học nhờ bên trường Hồng Dương được hai năm . Ban đầu gọi là trường Năng Khiếu , vừa mới đổi tên là Trường Chuyên Lê Quý Đôn . Tuy nhà
trường có đủ biên chế các bộ môn nhưng khi có những cuộc thi học sinh giỏi toàn quốc vẫn triệu một số giáo viên về cùng tham gia .
Bây giờ về làm việc , trường có đủ cơ sở ăn nghỉ và dậy học , Trung không phải đi lại vất vả như trước . Vừa dừng xe trước cửa phòng ban giám hiệu bạn bè đã hỏi dồn dập khiến Trung không kịp trả lời :
- Thế nào , lần này chuyển hẳn về đây chứ ?
- Có phải cái dinh cơ ở dưới đó giữ chân ông lại không ?
- Chắc vợ bìu con díu không nỡ dời chân đây ! Ông cứ lên trước ,
việc chuyển bà xã và các cháu theo lên có khó gì ! chí khí của ông rơi đâu cả rồi ? Trung chỉ cười không trả lời một ai , vào uống nước rồi theo nhân viên văn phòng dẫn về nơi nghỉ .
Tối hôm ấy Quang tìm đến gặp Trung . Người yêu của Quang hiện đang dậy ở một trường ngoại thị cách trung tâm hàng chục cây số . Quang biết Trưởng phòng tổ chức bây giờ là Khánh thay Hòa cũng là bạn Trung nên nhờ anh xin chuyển về nội thị . Hai người rủ nhau tản bộ trên phố chuyện trò mãi khuya mới về nghỉ .
Vài hôm sau Trung sang gặp Khánh tại phòng làm việc . Vừa thấy anh , Khánh đã reo lên :
- A đây rồi ! Tôi cũng định sang gặp ông bên ấy ! Có cái này gửi ông đây !
- Gì thế ? Quà à ? Ai gửi ?
- Không , còn quý hơn quà kia ! Cứ mở ra xem đi !
Trung bóc phong bì thấy bên trong là tờ quyết định nội dung điều động anh về Lê Quý Đôn . Khánh chờ đợi sự vui mừng ở Trung nhưng thất vọng khi thấy nét mặt anh không tỏ thái độ gì .
- Sao ? còn chần chờ gì ? bao nhiêu người xin không được đấy !
- Ông cho phép tôi vài ngày suy nghĩ !
Nói xong Trung cẩn thận cất tờ giấy vào cặp rồi trình bầy với Khánh về việc của Quang . Khánh cười :
- Cái ông này ! Việc của mình chưa xong đã tính việc cho người khác !
- Tôi không tốt được như ông nghĩ đâu ! Ông làm ơn cứ coi việc bạn tôi đề xuất như là của tôi !
Sau ba tuần lễ bồi dưỡng học sinh , trước khi về , Trung đến nhà riêng thăm Khánh . Sau một hồi giãi bày Trung trao lại anh tờ quyết định :
- Ông làm ơn nhận lại giùm tôi ! Và cho tôi gửi lời cảm ơn anh Nghệ đã ưu ái !
- Tôi chẳng biết nói gì nữa ! Ông cứ giữ tờ quyết định này , về
nhà bàn bạc , suy nghĩ có thể cho tôi biết sau !
- Còn chuyện của Quang tôi nhờ hôm trước ?
- Tôi đã trình bầy với ông Nghệ chắc được thôi !
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Lối Gai ( Tiếp )
Trung trao đổi với Nhạn và những người thân thuộc về việc đi hay ở , không ai đưa ra lời khuyên rõ ràng nào . Anh biết việc này chỉ có thể do mình quyết định . Cũng giống như những việc lớn mang tính bước ngoặt trước đây : chọn ngành nghề , lấy vợ , chọn đất làm nhà ... anh đều phải như thế cả . Nói rằng đã quyết nhưng Trung vẫn rơi vào trạng thái phi trọng tính mất một thời gian . Có lẽ trong số những ý mà bạn anh khoác cho ở trường Lê Quý Đôn có điều lờ mờ đúng . Phải chăng Trung đã hết nhiệt tình cống hiến ? Hay anh là một thằng hèn không dám đương đầu với những đổi thay ? Chỉ anh mới ngấm về những cống hiến mà mình đã vắt kiệt trí tuệ và sức lực
góp cho Đời cùng những gì Đời trả lời anh . Quyết định không đi của Trung nhìn từ phía nào đó là sai nhưng nhìn từ phía anh lại đúng .
Có thể khi vào đời Trung không có được cái đích với tầm cao rộng để hướng tới , để luyện mình phải làm Câu Tiễn găm tương lai . Cũng phải thôi . Tuổi thơ nhung lụa chẳng kéo dài bao lăm thì ào ập đến cơ man khốn khó : giặc giã , ly tán , đảo lộn ... Phải can đảm lắm lắm mới giữ được thăng bằng trên đôi vai gầy của gia đình mà ôm bám quyển sách cho đến ngày ngửa mặt nhìn đời . Tránh được sự vùi dập đã là nhờ hơi ấm của hồng phúc , nói chi đến vươn cao . Chuyện huyễn hoặc ! Đến bây giờ Trung đã nhìn thấy rất rõ điều mà khi xưa anh còn mơ hồ . Không phải muốn cống hiến là được chấp nhận . Không phải tài năng và tư cách đủ làm nên giá trị một con người . Trung không quay tìm tương lai ở những miền tỏa sáng vô định nữa . Anh sống thực hơn , cho mình hơn và từ trong cuộc sống dung dị anh tìm gieo tương lai cho không phải kiếp sau mà cho đời sau .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Lối Gai ( Tiếp theo và hết )
Đặng gặp Trung trong phòng nghỉ giữa giờ . Anh ta ghé sát tai Trung :
- Chiều nay ông rảnh không ?
- Có chuyện gì vậy ?
- À , có lạng chè Thái muốn mang đến nhà ông uống cho vui !
- Xin mời ! Đã lâu lắm hai người chỉ gật gù chào hỏi khi ngẫu nhiên gặp mặt . thảng
hoặc có lúc cầm tay nhau lắc nhẹ rồi đi . Hôm nay Trung và Đặng ngồi trò chuyện khá lâu . Trung đứng dậy thay bã trà đến ba lần . Tàn thuốc lá trong đĩa vãi tràn ra mặt bàn . Trung có cảm giác không phải Đặng nói chuyện mà là tâm sự . Bắt đầu là ý định chuyển vùng của anh . Anh cho Trung biết những lo lắng và bế tắc về việc làm , sức khỏe của vợ . Về tương lai học hành và công việc của con . Về những ấm ức trong quan hệ và công việc với Phái . Và về nhiệt tình đón nhận cùng hướng tương lai mở ra do cơ sở phía Nam dành cho anh . Vừa nghe giãi bầy Trung vừa tự hỏi . Những chuyện này Đặng nói ra có mục đích gì không . Anh biết , trong cuộc sống và công việc , Đặng tỏ ra tôn trọng và e nể anh . Vì nhiều lẽ , trong đó không loại trừ việc nhìn lại con đường hai người đã đi . Thái độ ấy của Đặng trung tỏ ra nghi ngờ . Câu chuyện chuyển dần sang hướng giãi bày . Trung hạ giọng :
- Tôi biết ông nghĩ về tôi như thế nào ! Trong mắt tôi , hình ảnh của ông bao giờ cũng nguyên vẹn trong sáng .
Trung nhìn thẳng vào mắt Đặng rất lâu như để khảng định tính trung thực của câu nói vừa rồi . Đặng rì rầm tiếp :
- Hồ sơ đối tượng của ông không phải do tôi ỉm đi đâu mà cái dòng chẩy vô hình nó cuốn ra biển đấy !
- Hôm nay ông cũng dùng ngôn từ văn chương nói chuyện , chắc hẳn đất trời sắp có dông tố chi đây !
- Với ông thì không nhưng với tôi , con thuyền ra khơi lần này chắc gì mát mái !
- Hỏi thật lòng nhé ! Vậy những mũi tên oan nghiệt phía trong bóng tối nhắm vào tôi một thời được buông ra từ bàn tay nào ?
Đặng bậm môi , lặng đi một lúc , nhìn ra phía cửa :
- Điều này ông cho tôi được gói kín mang đến phương trời mới của tôi , sẽ có ngày ngỏ lại !
- Ấy là nói cho có chuyện . Tôi đã quẳng những thứ đó vào sọt rác từ lâu rồi!
Đặng về đã lâu , Trung vẫn ngồi uống nước đốt thuốc một mình nghĩ về anh ta , về những người như anh ta . Cuốn phim đời rành rọt từng hình lướt qua đầu , anh rùng mình như gặp luồng gió lạnh .
Hà nội ngày 01/10/2010.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Tản mạn : Sức sống .
Thảng hoặc ta bắt gặp một bông hoa nhỏ đỏ rực gắn trên thân một cây gai cũng nhỏ thôi giữa cồn cát trắng rực nắng . Ta thấy trào dâng nghĩ suy về sức sống . Còn kỳ diệu hơn thế nhiều lần nếu ta chứng kiến người dân vùng bão lũ làm lại cuộc sống như thế nào sau đại hồng thủy . Chỉ còn hai bàn tay trắng đúng với nghĩa đen . Thế rồi vật lộn . Thế rồi đùm bọc . Thế rồi chắt từng giọt sức còn xót ... Và làm nên một giấc mơ . Cây cối lại tươi xanh mơn mởn . gà vịt lại đầy đàn . Cá tôm lại sôi ao đầm . ... .
Có điều , nhìn những khuôn mặt còn hốc hác lo âu . Nhìn những bàn chân đi đất của em nhỏ lê trên bờ ruộng hoặc buông thõng trên mép mảng tre đến trường . Chắc chắn ta chưa thể yên lòng dù cho ta đã gửi hết trìu mến và cảm phục đến cùng người .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Bàn luận :
Ăn cháo đ... bát !
Ở một vùng quê nọ . Có lần tôi thấy một bà trò chuyện với mấy người xung quanh . Cuối cùng bà ta chép miệng hạ một câu tỏ vẻ cao thượng : “Ồi dào ! Đồ ăn cháo đái bát ấy chấp làm gì !”Câu cửa miệng này tôi không chỉ nghe thấy một lần . Có thể câu đó cũng đúng khi nói về những ai lúc nhờ vả được việc xong thì xổ toẹt tình nghĩa . Thậm chí nó còn thể hiện cao hơn , xấu hơn về hành vi bạc nghĩa . Dù sao gốc của câu tục ngữ này vẫn có vẻ văn hóa hơn . Đó là : “ Ăn cháo đá bát”
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Nhân quả ( kỳ đầu )
Ông Bằng tay cầm kéo lom khom bên chậu Bon sai ngắm nghía . Hôm qua có người tặng ông một cây thế Ngũ Phúc . Ông chưa ưng lắm với một nét cành nhưng cũng chưa tìm được ý hay để chỉnh . Trong một mảnh vườn không rộng , ông dành riêng cho vài lối hoa , dăm chậu cảnh để ngoài giờ làm việc ông thả hồn vào đấy . Dưới tán xanh của nhãn vải , na ổi , chim đi về ríu ran bốn mùa . Nghe tiếng chim luồn trong vòm lá , nhìn cánh hoa lay lay trước gió tỏa hương thơm dìu dịu , ông cất lời khẽ hát khúc tình ca của thời đã xa . Lời ca vừa đủ mình nghe mà lòng ông xao xuyến , nhẹ nhõm .
Mảnh vườn nhỏ ít mang lại lợi ích kinh tế nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với ông Bằng . Cây cối không nhiều nhưng gần như đủ loại . Đến cả những thứ cây nguồn gốc từ Phương Nam xa xôi như xoài , roi cũng góp mặt trong bộ sưu tập trong vườn . Mùa nào thức nấy , quanh năm hoa trái đủ ăn . Có điều lạ , không bao giờ nhà ông mang bán thứ gì , chỉ để ăn và cho . Mà nào có ai tự đến xin đâu , ông bà phải đi mời , có khi mang đến tận nhà như biếu vậy . Những loài quả lượm hái đồng loạt một lần như vải nhãn , mỗi khi thu hoạch phải tung tin cho bạn bè , anh em đến chơi vài hôm để cùng trèo hái ăn ngay trên cây tạo nét thú vị tự nhiên của cảnh viên dã .
Người tinh ý chỉ cần nhìn lướt qua cách xếp đặt cây cối trong vườn đủ biết tư duy thẩm mỹ của ông Bằng . Đó là sự đan xen mầu sắc , sự hài hòa tầm cao , độ dầy tán lá . Đó là luật đối xứng , luật tương đồng với từng cụm cây và tổng thể . Ngay cả việc thu xếp những cây có tán rậm ở góc xa yên tĩnh cho chim chóc làm tổ cũng được tính đến . Suốt mấy chục năm tha hương tìm ước vọng , nay đã xác định được hướng sống của chặng đường còn lại . Phía trước ông Bằng là một mô hình lâu dài khác hẳn khi xưa . Vườn cây này chính là mảnh trời nho nhỏ mà ông thường nhắc trong câu chuyện vui và trong những câu thơ ông làm . Chiều nay ông đang chia sẻ tình cảm với cỏ cây , hoa bướm trong vườn .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Nhân quả ( Tiếp )
Con Jốp thấy chủ ở ngoài vườn lâu cũng mò ra quanh quẩn dưới chân ông Bằng . Chẳng là Cậu chủ và Cô chủ đi học chưa về , nó nằm ở hiên một mình thấy buồn . Vả lại Ông chủ cũng chơi thân với nó chẳng kém , lại còn hay tắm rửa , cho nó ăn ngon nên mỗi lần ông Bằng đi đâu về Jốp đều ra tận cổng nhẩy lên ngang ngực ông cắn ngoạm vào tay , có khi còn liếm cả lên mặt . Bây giờ nó đang tha thẩn cùng ông trong vườn , lúc lấy chân bới bới đất , lúc dùng mũi hít hít gốc cây như đang tìm kiếm một cái gì . Jốp chỉ là chó lai Bécjê nhưng vóc khá to , dáng đẹp , lông vàng bò đặc trưng của loài chó thuần Đức . Chẳng biết ảnh hưởng từ đâu mà gần đây ông Bằng có vẻ “ Lệch Tây ” ít nhiều . Uống rượu Tây , nuôi chó Tây , xem phim Phương Tây ... . Mới không lâu thôi , trong sinh hoạt thường nhật rõ ràng ông có xu hướng “ Ghé Đông ” . Này nhé , thích treo tranh Tầu , hát các bài hát Tiếng Hoa theo cách phát âm Bắc Kinh , hay xem phim Trung quốc ... . Đến chó nuôi ông cũng chọn một con nửa Nhật nửa Trung , đặt tên là Coỏng . Con của nó tên là Jính , Coóng , Lẩu , Vểnh ... . Sự đổi thay sở thích này chắc có căn nguyên từ thay đổi trong suy nghĩ .
Chú mèo từ trong bếp thấy Jốp hít xịt ngoài vườn lại có cả ông chủ ở đó liền vươn vai ngáp , cất tiếng me...o rõ dài bước nhanh tới uốn lưng cọ vào chân ông Bằng . Con mèo có bộ lông tam thể Mướp – Vàng – Trắng nên được đặt tên là Khoang . Tên là vậy nhưng khi gọi nó chỉ cần míu , míu rồi chíp môi là nó tới liền . Ông Bằng mua Khoang từ một phiên chợ áp tết với giá khá đắt . Nó khôn lắm , rất hay chuột mà không có tính ăn vụng . Mấy năm trước , khi chuyển nhà về đây , ông Bằng cứ lo Khoang không biết lối theo về . Hàng tuần lễ liền ông thấp thỏm không biết nó lạc đâu . Một đêm nghe tiếng khù khù bên tai , tay sờ thấy nó , ông ôm mèo trên bụng để nó ngủ yên đến sáng mới đánh thức dậy giằm cơm cho ăn . Trong nhà , Jốp và Khoang không chỉ là vật nuôi , đôi khi chúng là “ Bạn ” nhất là đối với Ông và Cô Cậu chủ . Lúc này đây nhìn cảnh tượng ông Bằng và hai con vật quý đang hí húi với nhau trong vườn ai chẳng ước ao một niềm vui đơn giản như thế . Một con cóc to từ gốc vải nhẩy ra , Jốp và Khoang xúm lại trêu nó . Chắc chúng nhận thấy không phải đối tượng nên chỉ một lát bỏ đi . Jốp ra chỗ ông Bằng tỉa tót còn Khoang lao vút lên cành xoài ngó xuống ngoa...o ngoa...o mắt long lanh nhìn Jốp .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Nhân quả ( Tiếp theo )
Nghe tiếng sấm ầm ì phía đông và những đám mây ùn ùn kéo lên đỉnh trời ông Bằng đoán chắc đêm nay thế nào cũng mưa rào . Ông lôi cái đó to tướng từ trái nhà xuống kiểm tra lại hom và lắp giỏ vào . Cái đó này ông phải nhờ đặt tại chính nhà người đan ra nó cho vừa lòng chiếc cống lù giữa con mương trước cửa nhà ông và Ao Cả . Khi muốn ăn cá chỉ cần chập tối nhét đó vào cống , sáng hôm sau lấy ra thế nào cũng có cái ăn . Chẳng cần trời mưa rào mới có nước chẩy qua cống . Ao Cả thông với hệ thống thủy lợi ra Sông Cái , hằng ngày nước lên xuống , tôm cá tự nhiên theo nước ra vào . Những bữa nước trong nhìn mắt thường cũng thấy từng đàn lững lờ qua lại .
Vừa nhét xong chiếc đó vào lòng cống và đóng cọc giữ cho đó khỏi bị nước cuốn đi khi mưa to , nước chẩy xiết . Ông Bằng phải chạy vội tắt qua vườn vì những hạt mưa đầu tiên đã rơi lộp bộp trên lá chuối với tiếng sấm đùng đoàng và ánh chớp nhằng nhịt ngay trên đầu . Vào nhà ngồi cho khô người , ông Bằng pha tách chè nhâm nhi cho ấm bụng . Ông chọn hộp chè mốc cau Tân Cương do người bạn trên Thái mới gửi mà ông đã ngắt nhài ngoài vườn tự ướp hàng tuần nay . Hương nhài xông lên mũi làm tăng thêm vị chát đậm nơi đầu lưỡi . Ông chủ ngồi gật gù nghe mưa rơi ngoài thềm , mắt mơ màng nhìn về phía hai con ngồi học và bà chủ hí hoáy chấm bài trong gian phòng ấm cúng . Ông nghĩ về những hạt mưa ngoài vườn đang tắm mát cho cây cối của ông , nghĩ về đàn cá mừng nước đang từ Ao Cả ngược sang mương chui vào đó . Lòng ông đang trải rộng cùng cái không gian tưởng tượng ngoài kia , bỗng dưng ông muốn với cây đàn thời trai trẻ dạo khúc Rondo . Nghĩ lại thấy cần giữ sự tĩnh lặng cho cái gian phòng tràn đầy hạnh phúc này nên ông lại thôi , ngồi nhấm nháp tiếp những chén trà đang độ đậm đà .
Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ để đầu giường vừa nổi tiếng chuông đầu tiên , ông Bằng bật dậy lao ngay ra chỗ đơm đó . Trời tạnh mưa hẳn từ quá nửa đêm . Bây giờ vườn cây nhà ông chỉ còn hơi mát của trận mưa đêm qua và gió thổi nhẹ . Với tâm trạng thoải mái xen lẫn hồi hộp , ông rút đó ra khỏi cống . Ông không nhấc nổi đó lên khỏi mặt nước bằng một tay . Những tiếng lạch xạch , lạo xạo và tiếng quẫy đập từ bên trong chiếc đó làm đôi tay ông rung rung . Khi ông tha được đó về sân mới kịp nhìn vào trong . Ôi ! cá ,tôm cua ốc ... và cả rắn nữa chật cứng bên trong . Có cả một con cá chuối nặng chừng ba cân bị sặc nước suốt đêm chỉ còn giẫy yếu ớt . Ông Bằng đánh thức cả nhà dậy xem . Khi đổ ra , mọi người hoa mắt về món quà mà trận mưa đem qua ban cho . Bà Bằng và cô con gái rượu Thu nghĩ ngay đến việc lại sắp phải đem đi cho bớt vì ăn không xuể .
Ao Cả không phải của riêng nhà ông Bằng . Nó được đào để lấy đất vượt cả một khu tập thể cơ quan . Tuy vậy ao rất sâu và rộng , nước từ Sông Cái ra vào theo thủy triều nên sạch và khá trong . Ông Bằng bắc một cái cầu ao vươn xa ra ngoài để dùng nước trong mọi việc trừ ăn uống . Những chiều hè sau khi lẩn thẩn với cây cối trong vườn , ông Bằng lại lội xuống bậc thấp ngâm mình để câu thơ của Trình Quốc Công vẳng về bên tai :
“ Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao ...”
và để nhận cảm giác buồn buồn dưới chân do những con tôm , cá nhỏ đến rỉa
Ao cả cũng là nơi ông Bằng chiều chiều dẫn hai quý tử Thu và Xuân xuống tập bơi . Xuân nhỏ hơn nhưng là con trai nên chóng biết bơi hơn chị . Anh chàng chẳng những bơi được nhiều kiểu mà còn biết cả lặn ngụp . Vào những ngày bọn trẻ từ Thành Phố được các cậu các dì dẫn về chơi , hai chị em gọi cả bạn bè quanh nhà đến cùng đùa nghịch , té nhau ầm ĩ cả một góc ao đến là vui .
Xung quanh cái ao quê này có lắm chuyện trẻ con rất buồn cười . Thấy nguồn thủy sản tự nhiên phong phú , bọn trẻ tìm niềm vui đơn sơ mà hữu ích bằng cách kéo vó hay đánh rọ tôm quanh bờ ao . Kết quả tuy chẳng là bao nhưng rất vui say trong cuộc ganh đua . Thu cùng mấy bạn gái tranh nhau xí chỗ đặt vó từ sớm . Những chỗ “ ngon ăn ” có hàng chục vó nằm xin xít nên phải kéo trước tránh bị người khác đánh động . Một cuộc chiến không tuyên bố cứ ngấm ngầm diễn ra mỗi chiều mỗi tối nhất là vào những đêm trăng . Còn Xuân , lúc đầu chỉ là theo bố xem thả rọ . Sau vài lần tập làm thử cảm thấy thích thú rồi dần dần tự thay bố làm việc này . Chẳng biết Xuân có cảm xúc gì mỗi khi quẩy trên đầu sào hai bó rọ tôm đi thả dọc bờ Ao Cả mà anh chàng nghĩ ra mấy câu thơ nghe có vẻ tự hào lắm .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Nhân quả ( Tiếp )
Nhà ông Bằng cách trường một bức tường . Lúc đầu sự phân cách chỉ là một con mương , ông Bằng bắc cầu tre để qua lại rồi trồng bờ dậu vông mở cổng sang trường . Về sau bức tường bao kiên cố được xây lên , ông Bằng mở lối qua tường , có cánh cổng sắt khóa mở chỉ riêng nhà ông đi về .
Ông Bằng lấy làm thú vị về điều này . Mỗi khi có người cật vấn sao ông không nhận phần đất có mặt đường , ông chỉ cười trả lời bằng mắt .
Cái thú vị mà ông Bằng tìm thấy trên mảnh đất này có nhiều nhẽ . Phải nói đến trước hết và quan trọng nhất là sự yên tĩnh . Ông thường nói với mọi người rằng ai đã rẽ vào đây là có tình với ông không phải vì ngẫu nhiên chạm mặt rồi lên tiếng chào nhau lấy lệ . Chẳng những tránh xa được sự ồn ã vô duyên mà lại gọi mời được tiếng nói của thiên nhiên từ lời chim hót , tiếng ve ca . Cả những tiếng gọi hè của bầy cuốc trong đám lục bình nơi góc ao kín đáo cũng chỉ ở đây mới có . Bên trong cảnh yên ả khó tìm này , ông Bằng còn nhận ra sự tĩnh tại của nếp sống phù hợp với sở thích của ông . Giữa công việc , ông có thể về nhà thưởng thức một tách trà sen , nâng ngắm một bông hoa vừa nở hay chơi đùa với lũ vật quý để rồi những bề bộn có khi cả những nhạt nhẽo phía trước bớt đi phần nặng nề , vô vị .
Dưới mái hiên này có không biết bao nhiêu cuộc tương ngộ đầy tình nghĩa giữa anh em , bạn bè xa gần . Đã có lần khách khứa dăng mùng nằm kín sân ngủ dưới trăng hè . Lại có bữa đang ăn uống bị mất điện phải dùng đèn pha của xe máy chiếu sáng cho cuộc vui không bị gián đoạn . Sự khuất kín của địa dư không làm bớt đi những tiếng cười vui , những lời tâm giao thủ thỉ đến với ông Bằng .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] ›Trang sau »Trang cuối