Trang trong tổng số 10 trang (94 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Gió Đông Ngân

Thơ thông thường có hai dạng : Thơ Tỉnh và thơ Điên
Thơ Tỉnh là thơ ai cũng có thể làm được miễn là có một ít kiến thức về vần điệu.
Còn thơ Điên là thơ chỉ riêng những người trong một khoảnh khắc nào đó tâm hồn nằm ở đỉnh điểm của cuộc sống mới có thể làm nên.Một bài thơ Điên là một bài thơ mà khi đọc lên ta cảm thấy trái tim như thắt lại,một nỗi xúc động không gì cưỡng nổi dâng trào và ta như nhìn thấy tâm hồn người làm thơ còn vương vấn ở đó.
Thơ Tỉnh hay thơ Điên đều có những bài rất hay và rất dở,nhưng để đọc được những dòng tâm sự chân thật của tác giả bài thơ thì thơ Điên vẫn là thơ không bao giờ giả dối !
Ta đứng,chung quanh cồn cát trắng
Lặng mình,văng vẳng gió đông ngân...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

Nhân có diễn đàn với chủ đề: nói chuyện với thơ, tôi cũng có mấy lời nghĩ về thơ, nhất là về "đổi mới" thơ. Xin có mấy cảm nghĩ:

Người viết nhạc chỉ quẩn quanh trong 7 nốt và 4 dòng kẻ chính
Đời này, đời nọ những bản nhạc bài ca luôn được sinh ra
Không cũ, không chán. Họ có thấy mình chật chội? -Không
Vì cuộc đời này rộng lắm. Cuộc đời này dành cho tất cả
Trong đó có hội hoạ và thơ

Làm thơ
Người làm thơ thích đổi mới? "thơ trẻ""hậu hiện đại"...
Gì gì đi nữa. Nhưng đừng đi ra khỏi THƠ

Không ai cấm ai làm thơ
Nhưng theo tôi, trở thành NHÀ THƠ đâu phải dễ

Dần dần sẽ qua đi
Cái thứ văn hoá vỉa hè: ăn, ngủ, nhiều nhu cầu thiết yếu khác đều ở hè đường
Quán bún, quán lẩu đều ở trên nắp cống
Bàn ăn, ghế ngồi, có khi kê bằng tấm xốp
Khách ăn thi nhau hì hục, húp, hớp
Xoàn xoạt... nghe mà nổi da gà.

Dần dần khi vào Nhà hát lớn
Người ta sẽ ngăn lại
Những khán giả mặc quần bò, áo phông
và khách sạn không cứ ba đến bốn năm sao
Khách sẽ thấy ngượng khi đầu dày mình bùn lấm
Những kẻ to mồm, lớn tiếng, nói điện thoại oang oang sẽ dần bị đào thải khi đứng nơi công cộng
Quán cafe, quán bar ít dần và sẽ hết đi những khách để chân lên bàn, lên ghế. văng tục, chửi thề
Bởi rằng sẽ kết thúc thứ văn hoá vỉa hè, rác rưởi sẽ đưa ra bãi rác

Quay lại với thơ
Giờ đây thơ như nấm sau mưa
Bởi tâm hồn con người vốn đã có thơ
Thơ được viết ra, hoặc chỉ ngâm nga riêng mình, hoặc giữ kín trong tim
Có cái hay: hay chỉ cho một người, cho một thời, cho một hoàn cảnh
Càng hay khi cho nhiều người, mọi thời, mọi hoàn cảnh
Có cái không hay, đương nhiên là có. Tự mình chọn lọc rồi đưa ra ngoài đời. Rồi đời chọn lọc, và rác lại đưa ra bãi rác.

Từ đã rất xa xưa nhà thơ đã đưa vào thơ trăng, sao, hoa, bướm... đưa vào thơ cả thép. Nhưng không ai dám đưa vào thơ cả rác.
Ngôn từ lạ lẫm, ngôn từ tục tĩu, ngôn từ vay mượn
Đọc lên như đứng trước tranh trừ tượng.
Tôi thích nhất câu nói của một nhà thơ: thơ hay là thơ đơn giản nhưng xúc cảm
Tuyệt!
Phức tạp mà làm gì
Học đòi mà làm gì
Nhố nhăng mà làm gì
Khác người không phải là đổi mới cho THƠ

Trong thơ đã có thép
Trong thơ đã có hoa. Có gió có trăng, sương mai mỗi sớm
Thơ nói lời trái tim
Nói cái đẹp, chê cái xấu ở đời
Vẫn sỗng mãi Nguyễn Du, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Tú Xương
Tôi yêu thơ Nguyễn Bính
Tôi yêu mãi:"Hương thầm"
Tôi khâm phục Hàn Mạc Tử
Tôi thích Đồng Đức Bốn
Những vần thơ lục bát rất thần

Đất cho thơ rộng lắm
Mênh mông... và mênh mông
Khi muốn bơi trong đó
Thì đâu sợ chật lòng

Thơ cũng cần có thép
Nhưng thơ ơi
tôi không đọc đâu
thơ chứa rác.

Kính
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Cám ơn chú thantho ạ, bài thơ ở trên rất hay. Cháu thấy rất nhiều người hô hào đổi mới thơ tùm lum tùm la, lúc đầu thấy ngồ ngộ, thinh thích, nhưng về sau vẫn thấy chẳng thể nào có sức sống lâu dài như thơ truyền thống. Rốt lại vẫn quay về với thơ Đường luật, thơ lục bát hay một vài kiểu hiện đại như năm chữ, tám chữ,... thôi.

Cái gì thực sự có giá trị thì cũng luôn có sức sống vĩnh cửu.
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

Chúng ta đang sống trong cái thế giới, nói nôm na gồm hai phần: phần một có CON NGƯỜI và phần kia là THẾ GIỚI CHUNG QUANH. Mọi người dừng cười vì cái hiển nhiên và đơn giản đó. Nói thêm cái đơn giản đó đôi tí:
A/.
(1). Con người: là từng con người cụ thể một, nằm trong một gia đình, bên cạnh có bạn bè, đồng nghiệp, rộng ra là cơ quan, khối phố, làng xóm, quê hương, đất nước, khu vực, toàn cầu. Hơn 6 tỷ cá thể như thế trên cái “Quả hình giọt nước mắt, lơ lửng trong không trung và chiếm đến ¾ là nước mắt”!.
(2). Thế giới chung quanh: Là tất cả: vũ trụ, có Quả hình giọt nước mắt kia, thiên nhiên và con người ở trên nó. Nếu tôi nói chung quanh tôi thì thế giới là cái phần  (2) trừ đi 1(trừ tôi ra). Nếu bên tôi có bạn, thì thế giới chung quanh tôi và bạn sẽ là : (2)-2, (hoặc cụ thể hơn là: (Thiên nhiên+LOÀI NGƯÒI)–2.

Một con người muốn diễn đạt cái thể giới trên kia thì như bơi trong vũ trụ vậy: đa dạng, đa miền, không hề chật hẹp chút nào. Diễn đạt, phản ánh nó – nghĩa là đã tạo nên tác phẩm – tác phẩm quay lại phục vụ cho CON NGƯÒI, không ai khác nữa!. Có thể chỉ phục vụ cho 1 người thôi, hoặc tăng dần lên đạt đên tối đa là cho toàn bộ. Tác phẩm ấy của con người kia được chấp nhận đến đâu: cho chính anh ta (điều ấy thì dễ rồi: văn mình mà), cho nhiều người?, cho toàn bộ?.  Kết quả phản ảnh thế giới của anh ta được đánh giá bằng sự chấp nhận đó. Toàn bộ chấp nhận – anh ta trở thành vĩ đại. Kết quả công việc của anh ta trở thành TÁC PHẨM (viết hoa, để có ý là tác phẩm thật sự, khác với viết thường ở trên chỉ có ý: đó là kết quả của việc phản ảnh thế giới bên ngoài) lưu truyền.

Trên thế giới đã có nhiều người trở thành vĩ đại như thế. Những kết quả công việc của họ, phản ánh thế giới chung quanh, phục vụ cho con người, cho đông đảo con người
trong từng, trong nghiều lĩnh vực: chính trị, khoa học, nghệ thuật.(...tiếp B./)
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

B/. Phản ánh, và cảm nhận thế giới chung quanh  như thế nào?

Con người diễn đạt thế giới nhờ các “công cụ” của chính mình: bộ óc (trước tiên), sau đó là các giác quan, cuối cùng là chân, tay.  Con người khác với vượn người là nhờ có bộ óc phát triển, chứ các giác quan và chân tay thì vượn người cũng có. Vì vậy mà con người mới có NGHỆ THUẬT. Nhờ bộ óc, các giác quan, chây tay, con người phát triển đa dạng các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Và mỗi loại hình nghệ thuật lại thông qua các “công cụ” cụ thể, riêng, hoặc cùng hai, ba, hay nhiều hơn các “công cụ’ của giác quan. Thông tin của thế giới bên ngoài  được con người tiếp nhận thông qua bộ óc được xử lý và chế biến (diễn đạt, phản ánh thế giới) thành một tệp thông tin riêng (tác phẩm) và chuyển kết quả đo cho CON NGƯÒI (tác phẩm được giới thiệu, truyền bá, phổ biến). Tiếp tục, CON NGƯÒI nhận được tệp thông tin đó (tác phẩm) lại thông qua các giác quan để cảm nhận truyền thông tin đó vào bộ óc để cảm nhận, thưởng thức, đánh giá, để lưu lại hay không tuỳ theo chất lượng của tệp thông tin (tácphẩm) đó.

Thí dụ: Người viết nhạc thấy cảnh hoàng hôn tím biếc (thông qua giác quan là mắt), trái tim mình thổn thức hoài niệm (thông qua cảm xúc của trái tim – giác quan thứ sáu!) đến một hoàng hôn năm xưa sao mà y hệt như hoàng hôn hôm người yêu ra đi mãi mãi, mà tình yêu của chàng thì còn đọng lại … chàng từ ban công đi đên bên dương cầm và thế là các âm thanh cứ thế tuôn ra theo một giai điệu “hoàng hôn tím “, mà đau xót, biệt ly (thí dụ thế)…và các ngón tay lướt trên phím đàn. Và thế là thế giới bên ngoài, thế giới nội tâm hoà làm một,  để viết lên thành bản nhạc.
Nhà điêu khắc, hoạ sỹ cũng dùng đến đôi mắt (trước tiên), rồi sau đó là đôi bàn tay để hoà trái tim mình với tác phẩm.
Nhà thơ cũng nhờ đến đôi tai, nhưng ở một cung bậc âm thanh riêng của thơ. Có sự lồng ghép của thơ và nhạc. Trong nhạc có thơ - trong thơ có nhạc. Dễ thấy khi giai điệu hay của một bài hát sẽ không phát huy hết khi lời ca của bài hát không phải là một bài thơ, chỉ là những câu vô nghĩa, không khớp nhau, hoặc chỉ là những câu khẩu hiệu. Những câu thơ trong Truyện Kiều, khi đọc lên ta nghe được cả âm thanh, cái này ai cũng biết. Không trích dẫn thí dụ làm gì . Thơ có nhạc, tác phẩm được nâng lên cao hơn. (..tiếp C/.)
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

C. Tạo ra TÁC PHẨM phải là các “NHÀ…” (nhà thơ, nhà văn, nhà điêu khắc, nhà …vv).
Khi được gọi là NHÀ…, nghĩa là họ có bằng cấp, chuyên nghiệp, được học hành, đào tạo, đạt đến nghề, và đi theo nghiệp. Hoặc được công nhận khi kết quả của họ được đánh giá ngang với các NHÀ. Đương nhiên có nhà lớn, nhà nhỏ, nhiều người/ít người biết đến.
Người bình thường, cũng có bộ óc, có trái tim, có các giác quan và chân tay, nên họ cũng có thể phản ánh, diễn đạt thế giới chung quanh. Nhưng khác những “NHÀ…”, khác là họ tự học, tự đào tạo, việc làm đó là nghiệp dư, không chuyên. Trình độ thực hiện việc đó đương nhiên là không bằng các NHÀ…
Tuy vậy có một đối tượng thứ ba là các thần đồng. Bẩm sinh đã có tài. Có tài nên làm được những điều phi thường. Có nhiều các thần đông như vậy. Xin không kể ở đây.

(...tiếp D/.)
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

D/. Làm thơ. Ở Việt Nam (ngoài các nhà thơ ra) ai cũng có thể làm thơ. Người người làm thơ, thơ bùng nổ, như thông tin bùng nổ. Nhà khoa học làm thơ. Chính trị gia làm thơ. Người đạp xích lô làm thơ, V.V…Tuyệt. Đó là biểu hiện tốt của cuộc sống nói chung, của cuộc đời của người làm thơ, nói riêng. Nhưng làm thơ cần đến nhiều thứ lắm. Làm thơ thì làm được. Nhưng trở thành nhà thơ không dễ. Ở đây chỉ xin nói đến một thứ: đó là ngôn ngữ - tiếng Việt.
Trong kịch có kịch câm. Không có tiếng Việt cũng được. Người nước nào, nói ngôn ngữ nào cũng hiểu được. Ngoài ra có múa, balê, xiếc . Trong nhạc có nhạc cổ điển, nhạc không lời. Trong thơ thì nhất định là CÓ tiếng Việt.

Bài thơ hay nhất vẫn không lời

Câu thơ này vẫn dùng đến 7 chữ: trong 1 danh từ 2 tính từ. Cái diễn đạt thì ẩn ý, nói là không lời, nhưng câu thơ vẫn có lời!
Diễn đạt thế giới bên ngoài, thế giới của con người,  thơ cần tiếng Việt để thể hiện. Vậy tiếng Việt mà người người làm thơ ấy, như thế nào. Lại nói những điều đơn giản, xin ai đó có cười thì cười.
Tiếng Việt được cảm nhận thông qua mắt để đọc, tai để nghe.
Thể hiện qua viết (lên giấy, và các vật mang khác), qua nói nhờ hệ thống phát âm của con người ( thanh quản, lưỡi, môi). Đây là thông tin duy nhất chỉ có con người có. Giao tiếp tiếng Việt như sau: thông tin muốn diễn đạt được hình thành trong bộ óc của người muốn nói,  bằng giọng nói (phát âm) truyền qua tai người nghe, người nghe xử lý thông tin đó qua tai nghe của mình rồi đưa vào óc xử lý để hiểu/không hiểu. Nếu trong vốn từ của bộ óc người nghe (ta gọi nó là “Từ điển từ chuẩn”) không chứa những từ ngữ mà người nói dùng thì người nghe sẽ không hiểu. Tương tự,  nếu một từ mà viết khác, phát âm khác so với cách viết và phát âm chuẩn (phổ thông) thì người nghe sẽ không hiểu. Nếu làm thơ để cả ba miền đọc hiểu được, đương nhiên là phải viết tiếng Việt chuẩn, phổ thông, không dùng cách phát âm, và viết theo địa phương (đôi khí có viết theo địa phương nhưng có dấu sao (*) giải thích ở dưới). Vốn kiến thức của con người được lưu chứa trong bộ não ta gọi nó là cơ sở dữ liệu (viết tắt: CSDL). Các dữ liệu thuộc mọi lĩnh vực được đưa vào và lưu giữ ở đây. Ngôn ngữ - từ điển từ chuẩn được nằm trong CSDL đó. Kiến thức càng nhiều, càng uyên thâm thì CSDL càng lớn. Còn sự thông minh của con người thì phụ thuộc vào cấu trúc của bộ não, sức chứa của nó. Nhiều người đọc lướt một cái, học qua một lần nhưng lại đưa được thông tin vào bộ não, lưu giữ được nó; nhưng có người đọc đi đọc lại, học đến cả ngày mà vẫn không lưu được thông tin, ấy là do bộ não của họ. Cũng tương tự như 2 máy tính có dung lượng bộ xử lý, bộ nhớ khác nhau và phần mềm ứng dụng mạnh hay yếu, có chứa và lưu được CSDL lớn hay nhỏ vậy.
Con người học nói, sau đó mới học viết. Sau nữa là học giao tiếp, Tiếng Việt được hình thành trong CSDL trong não bộ lớn dần theo thời gian học tập, tích luỹ của từng người. Thật dễ hiểu khi  NHÀ THƠ làm được nhiều thơ, và thơ hay, vì CSDL tiếng Việt của họ đáp ứng được yêu cầu làm thơ của họ, chưa kể đến trái tim nhạy cảm, kinh nghiệm, .. của họ. Có nhà thơ đứng trước biển, theo cảm xúc của mình mà thơ tự trào ra, chiều tối về mới viết ra giấy, không phải sửa một chữ nào. Chúng ta, những người yêu thơ đương nhiên là không bì được, và chúng ta không phải là thần đồng.
(...tiếp E/.)
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thânthơ

E/. Bây giờ thử rà soát xem những người làm thơ không chuyên chúng ta có những loại CSDL tiếng Việt nào trong não bộ.
Nhà khoa học làm thơ. Trong CSDL của họ còn có một lượng kiến thức chuyên ngành khoa học, cũng có ích cho việc làm thơ. Thí dụ, trong đó có công thức nổi tiếng của Anhxtanh, và nhiều nhiều điều nữa, người thường chúng ta có thể có biết nhưng chưa chắc đã hiểu, chứ chưa nói là lưu nó vào trong não bộ.
Rồi người nông dân, học sinh, sinh viên, những người ra trường chưa có việc làm đang vô công rỗi nghề,… nhà kinh doanh, người làm dịch vụ ( bán hàng, quảng cáo,…). Trong cuộc sống thường ngày hoặc có ý thức, hoặc vô thức các kiến thức, trong đó có tiếng Việt, được cập nhật vào cái CSDL của từng người, người ít người nhiều, nhưng đều có cả. Sự ham học, ham hiểu biết là cái tốt nhất để làm giàu cho CSDL này. Đây là tài sản quý giá của  mỗi người, có ích cho cuộc sống, chứ không chỉ riêng về việc làm thơ. Nếu ai đó sở hữu một CSDL giàu có về mọi lĩnh vực (phổ thông thường thức thôi), thì xin cam đoan tham gia “đấu trường 100”, “chiếc nón kỳ diệu’, ‘vượt qua thử thách’,… sẽ chiếm hết giải thưởng, kiếm được hàng trăm triệu như chơi!
Những người ngoài đời, do phải kiếm sống, ít khi có điều kiện để làm giàu CSDL, họ có một vốn kiến thức riêng, sử dụng nhiều khi một thứ tiếng Việt của họ có khác đại chúng. Trong tiếng Việt có cụm từ: ‘ngôn ngữ chợ trời’, ‘ngôn ngữ hàng tôm, hàng cá’.vv…Bạn nghĩ gì khi những người này làm thơ.
Trong một gia đình có giáo dục, trường học nghiêm chỉnh, cha mẹ, thầy cô giáo đều là những tấm gương sáng, thì con cái dù ở lứa tuổi nào cũng có may mắn có được một CSDL trong sáng, lành mạnh. Ở đó không chứa những từ ngữ mà các từ điển phổ thông hiện nay không ghi. Những nơi buông lỏng giáo dục, người lớn, kể cả người lớn, thiếu trách nhiệm, hoặc vô tâm thì con cái họ có trong bộ óc một CSDL thiếu thốn, què quặt, có khi chứa đựng nhiều từ ngữ mà trong từ điển không có.

Người làm thơ, mọi từng lớp tham gia làm thơ, và đương nhiên họ không thể dùng bộ óc/CSDL của người khác mà làm thơ được. Vậy thơ của họ cũng là thể hiện một phần cái CSDL đó, cái con người họ.  Các cụ nói ”rau nào sâu nấy”. Làm thơ là diễn đạt, phản ánh thế giới (bên ngoài hay con người) thông qua cảm xúc (TRÁI TIM) của người làm thơ , nhờ não bộ xử lý (CSDL) để sử dụng hợp lý ngôn ngữ (vật liệu thể hiện: câu chữ) dựa vào thi pháp (thể thơ) và đẻ ra đứa con của mình là bài thơ. Có tất cả các thứ:  TRÁI TIM, CSDL, TỪ ĐIỂN TỪ CHUẨN, THI PHÁP thì sẽ có được một bài thơ. Thiếu đi cái nào, đứa con đó sẽ què quặt. Cái nào mạnh, cái nào cần mạnh nhất, thì tuỳ hoàn cảnh, không nhất thiết đòi hỏi cao quá.
Những người làm thơ không chuyên thiếu nhiều nhất là cái cuối: thi pháp. Không ai dạy, không được đi học, là vì không chuyên. Cảm nhận được qua tự học ở đường đời được chừng nào hay chừng đó. Nhưng đừng buồn, nhiều khi xuất thần đâm ra lại độc đáo. Thơ nhiều khi lại  có những cái quái chiêu như vậy. Học sẽ không sai, nhuần nhuyễn, nhưng có khi trả giá vì thiếu đi cái tự nhiên, kể cả sự ngây thơ, ngây ngô nữa!

NHÀ THƠ chân chính chúng ta có nhiều, CSDL của họ về mọi mặt là to lớn. Nhà thơ  đọc thơ của người không chuyên và hiểu thơ không chuyên hơn là người không chuyên hiểu thơ của các nhà thơ. Vì CSDL của họ lớn hơn chúng ta. Thật quý hoá nếu như các nhà thơ chia sẻ với chúng ta cơ sở dữ liệu của họ.
Chúng ta đã yêu thơ rồi. Chúng ta cũng có Trái tim. Để thơ nằm cao hơn hãy làm giàu, làm trong sáng CSDL của chúng ta, và học ở các nhà thơ chân chính.

24/01/2008
Thân Thơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

Bạn minh hoạ đi ạ. Cho HNhu đọc một bài thơ tỉnh, một bài thơ điên ( thơ của bạn hoặc sưu tầm đều được ạ ), để hnhu đọc mà còn biết đường phân định.
Tự dưng hnhu nghe thắc thỏm quá. Hông biết thơ mình mần ra nó tỉnh hay điên nữa.
Tự thuở giờ HNhu mới biết thơ có hai dạng: tỉnh và điên. Ngộ ha!
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

@ Để nhận xét một bài thơ được cho là điên( tỉnh )thì người đọc phải điên hay tỉnh?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 10 trang (94 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối