Quang Tri đã viết:
Tôi muốn hỏi rõ về khổ độc?Những chữ nằm vị trí nào trong bài thơ được xem là khổ độc?Và cách gieo vần như thế nào để bài thơ có âm điệu?Xin giúp cho.Thân mến
Xin có vài ý kiến, nhưng không rõ, có thể làm bạn hài lòng hay không.
Các tiếng 2,4,6 là tiếng âm luật, tiếng 7 là âm vần, phải phân minh. Người làm thơ Đường luật không thể phạm ở đây được; vì phạm là khổ ngay.
Còn các tiếng 1,3,5 tuy được gọi là bất luận, nhưng không phải là thoải mái, tuỳ tiện.
Nói dễ hiểu, sẽ thường là:
1- Tiếng 5 phải đối thanh với tiếng 7. Tiếng thứ 7 của câu thứ 3, 5 và 7 là Trắc thì tiếng thứ 5 phải là Bằng.
(Đối thanh, xin hiểu là Bằng đối với Trắc; và ngược lại)
2- Tiếng 1 và 3 của cùng câu đối thanh, thì tránh Khổ độc.
3- Tiếng 1 và 3 của câu cùng cặp (Khai, Thực, Luận, Kết) cũng đối thanh, thì tránh Khổ độc.
4- Kết hợp cả ý 2 và ý 3 thì càng tránh Khổ độc, nhưng câu sẽ rất mềm.
Ví dụ:
Ngày xuân Lục thuỷ đẹp ai ngờ,
Nét vẽ xem chừng kịp tứ thơ.
Câu 1: Ngày và Xuân cùng thanh bằng
Câu 1 với câu 2: Ngày và Nét; Lục và Xem đối thanh.
vv và vv
Cuối cùng, hiệu quả vẫn do Tai nghe quyết định.
Nếu câu có ý tứ không thể thay thế, thì khổ độc vẫn có thể cho qua.
Ví dụ:
Hấp đắc dương quang tài thượng thiên
(Sơ nguyệt - Nguyễn Du)
Chữ Tài hơi khó đọc, nhưng ta vẫn phải chấp nhận, (nếu cụ ban cho chữ khác, ví dụ là Tái, dễ đọc hơn, nhưng không có chuyện ấy).
Có thể xảy ra, tác giả cố tình tạo khổ độc để nhấn mạnh, căng thẳng bắt buộc phải đọc chậm lại, thường ở câu thúc (câu 7) để chẩn bị cho kết hoàn toàn ở câu 8, tương tự như tạo âm cảm trong âm nhạc.
Tóm lại cái Khổ độc lại rơi vào Tiếng Bất luận, thế nào cũng được, chẳng sợ ai bắt bẻ.
Muốn tránh Khổ độc, bạn nên xem và phân tích, đúc kết thêm các Tiếng 1,3,5 của các bài khác nữa nhé.
(Mời xem thêm: Thơ và quan điểm về của Tào Tuyết Cần, HN giới thiệu trong Trang Thơ Đường luật - Thơ chữ Hán / Thơ tập cổ)
Thân ái.
Hà Như