Thi Viện, ngày 20/10/2007.
Chúc toàn thể Chị em trên TV chúng ta luôn trẻ đẹp, vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống, thành đạt trong sự nghiệp.
CẢM ƠN!(tác giả: Phạm Thị)
Các chị cứ nói thiên chức, em chẳng hiểu thiên chức là gì, mà tại sao cùng đi làm kiệt sức ở cơ quan, cùng phải bình đẳng như nhau trong việc kiếm tiền về nhà, mà tất cả chuyện chợ búa cơm nước nuôi dạy con cái nghĩa vụ gia đình họ hàng đều đổ hết lên đầu mình, chưa nói đến chuyện làm đàn bà là phải sinh nở. Thiên chức của đàn bà là thế, thế thiên chức của đàn ông là gì? Là uống bia và xem bóng đá à?
Cô bé phòng em hôm qua mặt đầy uất hận khi nói vậy, chắc vì chồng phấn khởi bắt đầu vào Giải bóng đá ngoại hạng Anh nên tụ tập bạn bè ăn nhậu, phải nấu nướng rửa bát đến khuya. Trẻ con thật, có thế thôi cũng than thân trách phận.
Nhưng mà, như một viên sỏi ném xuống nước, câu nói của cô bé hoá ra động vào nhiều nỗi niềm. Cứ như một vòng sóng tròn loang mãi, những trái tim mềm yếu của chị em trong phòng kẻ trước người sau đột nhiên rung lên trong cùng một nỗi đau. Giải Ngoại hạng Anh quả nhiên có tác động đến nhiều gia đình, song đó không phải lý do duy nhất để hờn giận, mà có cả ngàn lý do khác tương tự. Ngoài việc cơ quan ngập ngụa, ngoài chuyện chợ búa cơm nước không tránh khỏi, ai ai cũng nặng gánh gia đình: Người mệt nhoài vì đưa đón con đi học ngày 2 buổi, chưa kể học thêm; người mỏi nhừ vì nấu nướng dọn dẹp cả ngày bên nhà chồng mà không có chỗ nằm nghỉ ngơi mấy phút; người nhọc nhằn khổ ải vì phải chạy vạy đi xin chuyển trường cho con; người lam lũ tất tưởi vì ngày hai buổi vào bệnh viện chăm sóc mẹ chồng... Có người không chỉ làm một việc mà làm hầu như tất cả các việc như vậy. Bộn phận phải thế, chẳng làm sao khác được, ai cũng khước từ bổn phận thì làm sao có được gia đình, làm sao dạy dỗ con cái, nên mệt mấy thì mệt, cứ nhắm mắt mà làm, làm đến khi nào ốm - như những con lừa chở quá nặng gục xuống - đến lúc ấy chắc gì đã có ai thương. Kinh nghiệm mỗi lần ốm là mua sẵn mì ăn liền, khi nào đói thì tự mò dậy đổ nước phích vào ăn hoá ra cũng là kinh nghiệm chung của chị em cả phòng. Trong nỗi khổ không của riêng ai ấy, nhiều người bỗng dưng trào nước mắt thương thân. Lối thoát duy nhất là giải tán gia đình tất nhiên không ai động đến, đã cam chịu thì đánh tiếp tục, nói mãi cũng chẳng ăn thua. Con mình còn nhỏ mà mình còn thấy khó bảo chúng thay đổi tính nết, chồng mình do mẹ chồng dạy từ xưa thế rồi, khác làm sao được.
Mình có thể vất vả, nếu như sự vất vả của mình được ghi nhận - một chị bảo, không phải được đền đáp đâu, mà chỉ cần một câu nói nào đó thôi, ví dụ khi mình tận tâm chăm sóc mẹ chồng, thì ít ra chồng mình cũng động viên được một câu là "em vất vả quá", vợ chồng nói câu cảm ơn thì khách sáo, nhưng bày tỏ được sự cảm ơn bằng một câu như thế cũng nhẹ lòng, đằng này vất vả là đương nhiên, hết việc này đến việc khác, làm như mình sinh ra là để làm tất cả những việc ấy... Đúng là nghĩa vụ và trách nhiệm, nhưng nghĩa vụ và trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi chứ. Quyền lợi ở đây chỉ là một lời cảm ơn, mà mình không bao giờ được nhận.
Lại một viên sỏi nữa ném xuống nước, không, lần này là một viên đá to, những vòng sóng tròn lại loang ra tức tưởi. Rất nhiều đàn ông từ bao giờ không biết cảm ơn? Giá là ở quán, có khi việc boa với họ là dễ dàng, nhưng ở nhà, họ chẳng biết làm gì để cảm ơn cả, họ không quen. Tri ân người khác là một cách sống rất ít đàn ông học được. Thậm chí họ còn nghĩ rằng mình cần cảm ơn họ vì họ đã không cờ bạc, không rượu chè..., họ có nhiều lý do để tự đánh giá cao về họ.
Thôi không ai cảm ơn mình, thì mình đành cảm ơn Trời đã cho mình một ông chồng!
Nguồn: Báo Lao động cuối tuần số 33 (Từ 24-26/8/2007)"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"