風の歌を聴け (
Kaze no uta o kike)
©1979
Haruki Murakami Tam Diệp Thảo dịch từ bản tiếng Indonesia
Dengarlah nyanyian angin ©2008 PT Gramedia Jakarta
(ISBN-13: 978-979-91-0137-2)
1.
« Không có câu văn hoàn chỉnh. Cũng như chẳng có nỗi tuyệt vọng hoàn hảo. »
Một nhà văn tôi tình cờ biết đến khi vẫn còn là sinh viên đã nói thế với tôi. Mãi sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói đó. Ít ra, tôi đã xem nó là một câu thú vị.
Tuy vậy tôi luôn rơi vào cảm giác tuyệt vọng mỗi lúc định viết một điều gì. Bởi phạm vi những gì tôi có thể viết rất giới hạn. Chẳng hạn, dù tôi có thể viết về voi, có sẽ tôi sẽ chẳng thể viết một điều gì về người huấn luyện voi. Đại loại vậy.
Tôi mắc kẹt mãi trong thế tiến thoái lưỡng nan đó suốt tám năm trời. Tám năm. Quả là một thời gian dài.
Miễn có thái độ ham học hỏi từ mọi điều, thì việc già đi hẳn cũng chẳng đau khổ là mấy. Mọi người vẫn thường nghĩ thế.
Kể từ khi vừa bước qua ngưỡng tuổi hai mươi, tôi cố duy trì thái độ sống như vậy. Kết quả là, vài lần bị đấm, bị lừa dối, bị hiểu lầm, và đồng thời có được những trải nghiệm lạ kỳ. Nhiều loại người đến tìm tôi tâm sự, đi qua trên tôi bằng những bước chân gây buốt nhói như thể đang vượt qua một cây cầu, rồi không bao giờ quay trở lại. Suốt thời gian điều đó diễn ra, tôi ngậm miệng, chẳng nói lấy một lời. Đó là cách tôi nhớ đến những năm cuối của tuổi hai mươi.
Giờ đây tôi muốn kể chuyện.
Vẫn chưa có bất kỳ vấn đề nào được giải quyết, và có lẽ vẫn sẽ nguyên như thế khi câu chuyện này kết thúc. Rốt lại, viết không phải là phương cách để tự chữa lành chính mình, mà chẳng hơn gì ngoài những cố gắng nhỏ nhoi trong nỗ lực tự chữa lành đó.
Tuy vậy, thật khó khăn để có thể kể hết sự thật. Tôi càng cố gắng thành thật, những câu từ chính xác lại càng lặn sâu hơn vào trong bóng tôi.
Tôi không có ý biện hộ. Ít ra, những điều tôi kể ra đây là những điều tốt nhất tồn tại trong tôi lúc này. Không thêm bớt điều gì. Cho dù thế, tôi cũng đã nghĩ như vầy. Nếu mọi chuyện đều thuận lợi, thì tương lai có lẽ tôi sẽ có thể tìm thấy một tôi đã được chữa lành, sau mấy năm hay mấy chục năm không biết nữa. Lúc đó những con voi sẽ lại quay về đồng cỏ, và có lẽ tôi sẽ bắt đầu kể về thế giới này với những ngôn từ đẹp đẽ hơn nhiều.
⃰⃰
Tôi đã học rất nhiều từ Derek Heartfield về những câu văn. Lẽ ra tôi phải nói rằng hầu như tất cả tôi đều học được từ ông. Đáng tiếc, Heartfield là một nhà văn thất bại. Nếu đã đọc tác phẩm của ông, hẳn bạn sẽ hiểu. Câu văn khó hiểu, cốt truyện rối rắm, và chủ đề ấu trĩ. Tuy nhiên ông là một trong số ít nhà văn vĩ đại có khả năng đấu tranh bằng cách biến ngôn từ thành vũ khí. Tôi nghĩ, nếu so sánh với những nhà văn cùng thời như Hemingwayd và Fitzgerald, phong cách chủ nghĩa tiền vệ của Heartfield hoàn toàn không hề thua kém. Đáng tiếc, đến cuối đời Heartfield cũng chẳng thể khẳng định chắc chắn đối thủ mình chiến đấu là ai. Cuối cùng, ông thất bại.
Ông đã tiếp tục cuộc chiến thất bại của mình suốt tám năm hai tháng trước khi tìm đến cái chết. Vào một sáng Chúa nhật trong lành của tháng Sáu năm 1938, ông nhảy từ đỉnh tòa nhà Empire State với chân dung Hitler ôm trong tay phải và chiếc ô mở bung bên tay trái. Không khác gì lúc sống, cái chết của ông cũng chẳng là vấn đề gì hệ trọng.
Quyển sách đầu tiên của Heartfield – chưa từng được tái bản – tôi có được lần đầu là vào một mùa hè oi bức khi đang học lớp 9, chính xác lúc đó tôi đang đau đớn với căn bệnh da liễu trầm trọng ngay vùng bẹn. Ba năm sau khi cho tôi quyển sách đó, cậu tôi mắc bệnh ung thư ruột, cả người như bị cắt lát. Với lỗ ra và lỗ vào trên người chèn đặc dây nhợ, ông mất trong đau đớn. Lần cuối tôi gặp ông, cơ thể ông nhăn lại có màu đỏ bầm, trông như một con khỉ tinh quái.
⃰⃰
Tôi có ba ông cậu, một người chết ở ngoại ô Thượng Hải. Ông mất vì giẫm phải địa lôi do chính mình cài hai ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Ông cậu thứ ba, người duy nhất còn sót lại, trở thành ảo thuật gia và đi biểu diễn quanh các suối nước nóng khắp nước.
⃰⃰
Heartfield từng viết về một câu văn hay như sau. « Viết văn không khác gì việc xác định khoảng cách giữa bản thân với mọi điều quanh mình. Do đó, điều cần thiết không phải cảm xúc mà là thước đo. » (What’s So Bad About Feeling Good? 1936)
Vào năm tổng thống Kennedy mất, tôi bắt đầu thận trọng trải tầm nhìn ra quanh mình với chiếc thước đo bên tay. Kể từ đó, đã mười lăm năm trôi qua. Trong mười lăm năm, tôi thật sự đã vứt hết cả mọi thứ. Chẳng khác gì chiếc máy bay hỏng máy, hàng hóa trong cabin bị vứt đi để giảm tải, kế đó là ghế ngồi, và cuối cùng là nữ tiếp viên xinh đẹp. Suốt mười lăm năm tôi đã vứt tất cả mọi thứ tồn tại trong tôi, và đổi lại là sự trống rỗng nơi đó.
Tôi không chắc hành động đó đúng hay sai. Dù thật sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tôi sợ hãi khi nghĩ đến những gì còn sót lại nơi mình khi tuổi già và cái chết đón đợi. Có lẽ đến một mẫu xương cũng chẳng còn sau khi tôi được hỏa thiêu.
« Kẻ ác tâm sẽ chỉ gặp toàn ác mộng. Nếu tâm càng thêm ác độc, đến giấc mơ cũng chẳng còn. » Ngoại tôi đã mất luôn nói vậy.
Vào đêm ngoại tôi mất, điều đầu tiên tôi làm là đưa tay chậm chạp vuốt mắt bà nhắm lại. Ngay lúc đó, cơn mộng bà mãi ôm ấp suốt bảy mươi chín năm trời cũng dần ta biến như cơn mưa mùa hạ oi nồng rơi trên con đường rải nhựa. Kế đó, chẳng còn gì sót lại.
⃰⃰⃰
Một lần nữa tôi sẽ viết về những câu văn. Lần cuối cùng.
Với tôi, viết văn là một công việc đau khổ. Tôi đã từng không viết một dòng nào suốt một tháng trời. Tôi cũng đã từng viết mê mãi suốt ba ngày ba đêm, nhưng đến cuối mọi câu chữ đều vô nghĩa.
Mặc dù vậy, viết văn cũng là một công việc hạnh phúc. Vì gán nghĩa cho những câu từ có cảm giác dễ dàng hơn nếu so với những khó khăn phải sống.
Tôi hiểu ra thực tế đó khi khoảng mười mấy tuổi. Lúc đó, tôi đã hoảng sợ đến nỗi không thể mở miệng nói câu nào trong suốt một tuần. Giả như có thái độ thông minh hơn một chút thôi, tôi đã có thể xếp đặt thế giới theo ý mình thích, tất cả mọi giá trị sẽ thay đổi, và thời gian cũng sẽ đổi dòng… Tôi có cảm giác như vậy.
Đáng tiếc, tôi chỉ mới hiểu rằng đó là một cái bẫy khi thời gian trôi đã đủ lâu. Tôi gạch một đường ngay giữa quyển sổ tay của mình, phía trái tôi ghi ra tất cả những gì mình có được vào thời điểm đó, trong khi phía phải tôi ghi ra tất cả những điều đã biến mất khỏi mình. Những thứ đã biến mất, những thứ tôi đã chà đạp, những thứ tôi chỉ vậy mà vứt bỏ, những thứ tôi đã hy sinh, những thứ tôi đã phản bội… tôi đã chẳng thể ghi ra tất cả đến hết.
Giữa một điều chúng ta nỗ lực thấu hiểu và một điều chúng ta thực tế thấu hiểu luôn được chia cách bởi cái hố thẳm sâu. Không cần biết thước đo chúng ta mang theo dài đến đâu, chúng ta cũng không thể đo được độ sâu của nó. Điều tôi viết ra đây đơn thuần chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết, không phải văn chương, cũng không phải nghệ thuật. Chỉ là một chương ghi chép với đường kẻ chia ngang trang giấy. Trong khi đó, thông điệp nó mang đến có lẽ rất ít.
Nếu hứng thú với nghệ thuật hay văn chương, tốt hơn bạn nên đọc các tác phẩm của người Hy Lạp. Vì hệ thống nô dịch rất cần thiết để tạo ra nghệ thuật chân chính. Đó là điều đã diễn ra vào thời Hy Lạp cổ, người nô lệ đóng thuế ruộng đất, chế biến thức ăn, chèo thuyền, trong khi cư dân thành phố đẫm mình trong việc sáng tác thơ ca dưới ánh dương Địa Trung Hải và chắp nối những con tính. Đó được gọi là nghệ thuật.
Những câu văn tôi có thể viết chỉ giới hạn đến đó, chẳng khác gì một người chà rửa tủ lạnh trong bếp vào lúc 03.00 sớm. Vậy đấy, người đó chính là tôi.
2.
Câu chuyện này bắt đầu ngày 8 tháng 8 năm 1970, và kết thúc 18 ngày sau đó, tức là ngày 26 tháng 8 cùng năm.
3.
« Tốt nhất là quẳng hết cả bọn nhà giàu ra biển! »
Trong lúc hai tay đặt trên quầy, Chuột quay sang phía tôi với gương mặt u ám rồi chửi rủa như vậy.
Cũng có thể Chuột đang chửi chiếc máy pha café đặt phía sau tôi. Vì tôi và Chuột đang ngồi cạnh nhau bên quầy bar, thực tế cậu ta không cần phải quay sang phía tôi để chửi rủa. Nhưng nếu đã lớn tiếng, như mọi khi Chuột sẽ lại nốc bia với nét mặt thỏa mãn.
Vả lại cũng chẳng ai quanh chúng tôi thấy phiền giọng lanh lảnh của Chuột. Cái quán bar nhỏ chật kín khách, và mọi người đều nói chuyện to tiếng. Không khí nơi đây chẳng khác gì trên một con tàu sắp sửa đắm đến nơi.
« Thứ giòi bọ! » Chuột lầm bầm lắc đầu như thể cảm thấy rất giận dữ.
« Chúng nó chẳng biết làm cái đếch gì cả. Cứ trông bộ mặt ra vẻ ta đây giàu có của chúng là đã thấy tởm. »
Tôi chỉ gật đầu trong lúc dán chặt môi vào miệng chai bia mỏng tanh. Sau đó Chuột không nói thêm gì nữa. Vừa xoay lật bàn tay đặt trên mặt quầy, như thể đang sưởi ấm những ngón tay gầy nhom của mình bên đám lửa, Chuột vừa chăm chú ngắm nhìn chúng. Còn tôi cứ để mặc và ngước nhìn lên trần nhà. Chuột sẽ chẳng tiếp tục câu chuyện nếu chưa lần lượt soi xét đủ hết mười đầu ngón tay của mình. Luôn là vậy.
Suốt mùa hè oi bức, tôi và Chuột, như bị ám, đã uống hết số bia tương đương thể tích một hồ bơi dài hai mươi mét, và vứt số vỏ đậu phộng dày đến năm xen-ti-mét trên mặt sàn quán Jay’s Bar. Mùa hè năm đó quả thật buồn chán và có lẽ sẽ chẳng trôi qua nếu như chúng tôi không làm những điều tương tự.
Bên quầy quán Jay’s Bar có treo một bức tranh khắc gỗ đã ám màu khói thuốc. Khi thấy đã quá tẻ ngắt, tôi nhìn mãi bức tranh đó suốt hàng giờ liền quên cả ăn. Trong mắt tôi, bức tranh có đường nét như những bức vẽ thường dùng trong các trắc nghiệm Rorschach đó trông như hai con khỉ màu xanh lá đang ngồi đối diện và ném hai quả bóng tennis gần như xẹp lép vào nhau.
Khi tôi nói điều đó với Jay, người pha chế, anh ta thoáng nhìn bức tranh đó một chốc rồi hờ hững bảo, « Cũng giống đấy. »
« Thế thì diễn đạt cái gì nhỉ? » tôi hỏi.
« Con khỉ bên trái là cậu, còn con khỉ bên phải là tôi. Nếu tôi ném chai bia về phía cậu, thì cậu sẽ ném tiền thanh toán cho tôi. »
Tôi uống bia của mình với cảm giác thán phục.
« Thật tởm. »
Chuột lặp lại những từ ban nãy khi đã kiểm tra xong các ngón tay của mình từng ngón một.
Đó không phải lần đầu tiên Chuột thóa mạ người giàu. Quả thật cậu ta rất ghét người giàu. Mặc dù gia đình Chuột cũng phải nói là khá giàu, mỗi lần tôi nhắc đến điều đó Chuột sẽ cãi lại, « Đó không phải lỗi của tớ. » Có lúc, ừ, phần lớn là khi đã uống quá nhiều bia, tôi bảo, « Không đâu. Đó là lỗi của cậu. » Sau khi nói vậy hiển nhiên tôi không thấy thoải mái cho lắm, vì thật ra Chuột cũng có lý.
« Theo cậu, sao tớ lại ghét người giàu đến vậy? »
Đêm đó, Chuột nói tiếp lời mình. Đó là lần đầu câu chuyện của chúng tôi đi tiếp đến tận đấy.
Tôi lắc đầu tỏ ý không biết.
« Tớ nói rõ nhá, tớ ghét bọn nhà giàu vì chúng không suy nghĩ gì cả. Giả không có đèn pin hay thước kẻ, chắc chúng cũng chẳng thể tự gãi lưng mình. »
‘Tớ nói rõ nhá.’ Đó là cách nói đặc trưng của Chuột.
« Vậy cũng được sao? »
« Ừ. Chúng chẳng bao giờ suy nghĩ điều gì quan trọng cả. Chúng chỉ giả vờ nghĩ ngợi… Theo cậu, sao chúng lại như vậy? »
« Chẳng biết. »
« Vì chúng chẳng cần phải suy nghĩ. Để làm giàu, quả thật người ta cần động não đôi chút, nhưng để tiếp tục giàu có, người ta không cần làm gì cả. Cũng như vệ tinh nhân tạo chẳng cần dùng đến nhiên liệu. Chúng chỉ cần xoay quanh mãi một chỗ là đủ. Nhưng tớ thì không như vậy, cậu cũng khác. Chúng ta cần phải tiếp tục suy nghĩ để có thể sống. Nghĩ từ việc thời tiết ngày mai thế nào cho đến kích thước nắp chặn lỗ thoát nước bồn tắm. Đúng không? »
« Ừ, » tôi nói.
« Đúng là vậy mà. »
Sau khi nói hết những gì muốn nói, Chuột mò tìm khăn giấy trong túi áo rồi xì mũi thật mạnh cứ như buồn chán lắm. Tôi chẳng thể biết được Chuột nghiêm túc đến mức nào khi nói những lời đó.
« Gì thì cuối cùng mọi người đều sẽ chết cả, » tôi nói ý dò xét.
« Cái đó thì hẳn rồi. Một lúc nào đó mọi người đều phải chết. Nhưng mà họ đã phải sống ít nhất năm mươi năm cho đến lúc đó. Tớ nói rõ nhá, sống năm mươi năm suy nghĩ đủ điều thì mệt nhọc hơn nhiều so với sống suốt năm ngàn năm chẳng nghĩ ngợi gì cả. Đúng không? »
Điều đó thì đúng thật.
4.
Tôi gặp Chuột vào mùa thu ba năm trước. Thời gian đó là năm đầu đại học, và chúng tôi đang say bí tỉ. Vì vậy, tôi hoàn toàn chẳng nhớ tình huống nào khiến chúng tôi cùng ngồi lên chiếc Fiat 500 màu đen của Chuột vào lúc 04.00 hơn buổi sớm. Có lẽ do cùng đường về.
(...)
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
(Olga F. Berggoltz)