Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

A2Z

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,   
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.   
Cô-Tô thành ngoại Hàn-San tự,   
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.  

Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ

PHONG KIỀU DẠ BẠC ( Đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều), ngay tựa đề đã cho ta biết khung cảnh bài thơ là một đêm ở bến sông.

Câu đầu tiên: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”  (Trời đầy sương, che mờ cả ánh trăng, vẳng tiếng quạ kêu) gợi cho ta cảm giác lạnh lẽo, cô đơn, và chỉ có vậy; tác giả chưa hé lộ nhiều ý sẽ nói trong bài thơ, có thể là dụng ý của tác giả để gây bất ngờ ở câu kết chăng??

Câu thứ hai: “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” (Hàng cây Phong, ánh lửa thuyền chài, giấc ngủ buồn phiền) đến đây ta bắt đầu thấy phong cách ẩn dụ và đối kháng thường thấy trong các bài Đường thi, chính lối dùng từ ẩn dụ đã mang lại sự súc tích: nói rất ít, nhưng ý rất rộng. Hàng cây phong trên bờ lặng lẽ, không lo nghĩ, như đang say ngủ, trong khi đêm lạnh, sương mù trời mà con người vẫn phải bươn chải, giăng câu kiếm sống, chưa được nghỉ ngơi. Hai cảnh vật đối nghịch nhau đã khiến tác giả đem theo cả sự buồn rầu vào giấc ngủ (sầu miên),

Câu tiếp theo: “Cô-Tô thành ngoại Hàn-San tự” lạ nhỉ, chả ăn nhập gì với ý của 2 câu thơ trên, tự nhiên tác giả lại phải trình bày rằng tôi đang ở chùa Hàn San (còn có thể giải thích là chuyển ý cho câu kết, nửa đêm nghe tiếng chuông chùa), chứ việc gì phải giới thiệu là ở ngoại thành Cô Tô ?? Xin thưa, không phải vậy, đây chính là câu ẩn ý, và để mở cho người đọc tự tưởng tượng. Có lẽ những ai từng đọc các tác phẩm văn học của Trung quốc thì không còn lạ gì với địa danh Cô Tô (không biết Trương tiên sinh và Lý Bạch tư tưởng lớn gặp nhau hay sao mà LB cũng có 1 bài về CÔ TÔ đài, có cả tiếng quạ kêu nữa chứ !!), kinh đô của nhà Ngô thời Xuân Thu-Chiến quốc, nó gắn với Tây Thi (một trong “ Tứ đại mỹ nhân” của Trung quốc) Phạm Lãi, với vua Ngô Phù Sai, Việt vương Câu Tiễn (các bạn có thể tìm đọc ở Đông Chu Liệt Quốc, hồi 81 đến hồi 83 - Phù Sai, Câu Tiễn, Phạm Lãi và Tây Thi), chính vì vậy, chỉ mấy từ Cô-Tô thành ngoại đủ khiến cho ta nghĩ miên man về sắc đẹp, tình yêu, lòng thù hận, mộng tranh bá đồ vương…nói chung là “CÕI ĐỜI Ô TRỌC” . Tiện đây xin mời các bạn “NHÂM NHI” một bài thơ nói về “CÔ TÔ ĐÀI”

Cô Tô Đài - Hoài Cảm

Một thời sừng sững đài Cô Tô
Phẳng lặng như gương mặt Thái Hồ
Nguyệt thẹn hoa nhường trang diễm sắc
Tây Thi người ngọc cung vua Ngô

Vui vầy yến tiệc bên quân vương
Vũ khúc lung linh điệu Nghê thường
Thấp thoáng xiêm y hòa nhịp phách
Cảnh tiên đâu lạc chốn nhân dương

Thời thế xoay vần cuộc đoạt tranh
Châu sa, ngọc vỡ, mộng tan tành
Sinh ly , tử biệt, hờn thiên cổ
Đổ nát điêu linh một mảnh thành

Hạnh ngộ bên bờ thôn chữ La
Chữ tình muôn thủa chẳng phôi pha
Tây Thi , Phạm Lãi thiên tình sử
Việc quốc chia ly nỗi nước nhà


Vết tích năm xưa dẫu xóa mòn
Ngàn thu còn vẹn mảnh tình son
Hậu nhân ngẫu hứng dòng hoài cảm
Tình sử trường tồn với nước non

NDD

; và chính cái địa danh gợi sự ô trọc này lại đối rất chặt chẽ với địa danh “Hàn San tự” (Chùa Hàn San gợi cho ta hình ảnh, suy nghĩ gì thì chắc không cần phải nói các bác nhỉ.)

Ngoài ra, câu thơ này còn khiến người đọc cảm hoài “ Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Một nơi xưa từng là kinh đô của một nước hùng mạnh , mà nay quạnh quẽ, tịch liêu,  (Tô Châu, các tên gọi cổ là Câu Ngô, Ngô, Cối Kê , Ngô Châu, Ngô Quận, Bình Giang Đẳng. Tô Châu còn có biệt danh là Ngô Đô, Ngô Hội, Ngô Môn, Đông Ngô, Ngô Trung, Ngô Hạ, Cô Tô, Trường Châu, Mậu Uyển Đẳng. Tô Châu, cái nôi của văn hóa Ngô, là một trong những đô thị cổ nhất trong lưu vực sông Dương Tử. Khoảng 2.500 năm trước, các bộ lạc bản địa, tự gọi mình là "Câu Ngô" vào cuối thời kỳ nhà Thương đã sinh sống trong khu vực mà sau này gọi là Tô Châu. Vào thời kỳ cuối của nhà Thương, Thái Bá đã đến đây để lập ra nước Ngô, đóng kinh đô tại đây và gọi nó là Ngô thành. Năm 514 TCN, trong thời kỳ Xuân Thu, vua Hạp Lư của nước Ngô đã sai Ngũ Tử Tư xây dựng "Cô Tô thành" (giới học giả cho là thuộc Tô Châu ngày nay) làm kinh đô của mình. Nước Ngô trọng dụng Tôn Vũ để phát triển quân đội, tiến đánh nước Tề ở phương bắc, xưng bá trung nguyên. Năm 473 TCN, nước Ngô bị nước Việt của Việt vương Câu Tiễn đánh bại. Cô Tô lại trở thành kinh đô của nước Việt. Năm 306 TCN, nước Việt lại bị nước Sở sáp nhập…Ôi! Thật đúng là “thương hải biến vi tang điền” bãi bể thành ruộng dâu, sự đổi thay của thế sự !!)
Câu kết: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” từ mạch chuyển ý trên, dễ dàng nhận ra tác giả đã dung hình tượng lữ khách và con thuyền để nói đến kiếp nhân sinh trầm luân trong bể khổ theo triết lý nhà Phật, và tiếng chuông như một lời cảnh tỉnh, làm con người giác ngộ; là một câu kết, nhưng câu thơ không khép mà lại mở ra cho người đọc tự suy gẫm về cuộc đời, chắc chắn mỗi người trong chúng ta sẽ có những suy tư, giác ngộ rất khác nhau về cuộc đời khi nghe tiếng chuông chùa lúc nửa đêm. Xin mời các bạn nghe ý kiến của một học giả về tiếng chuông chùa lúc nửa đêm trong PHONG KIỀU DẠ BẠC  
“…Khi chuông được đánh lên, những âm thanh vang vọng rền rĩ dội vào tường , xen lẫn với những tiếng tụng kinh gõ mõ của các nhà sư đã đem lại cho người nghe những cảm giác nghiêm trang, cung kính , tâm hồn chơi vơi vào tận cõi hư vô. Theo truyền thuyết tôn-giáo ở Trung-Quốc , mỗi năm người trần tục phải chịu đựng 108 nỗi ưu phiền, khổ lụy, và khi nghe một hồi chuông vọng lên có thể gột rửa đi được một nỗi ưu phiền trần ai . Hàn Sơn Tự trở thành một danh lam thắng cảnh của thế-giới, cứ mỗi dịp Tết, ngay đêm giao-thừa sắp sửa bước qua ngưỡng cửa năm mới, các du-khách Phật Tử thường hay ghé thăm chùa nầy để nghe chuông chùa được dánh đến 108 lần, và các thiện nam tín nữ kính dâng lòng thành cầu nguyện cho sự may mắn và hạnh phúc trên đời. Tục lệ nầy đã bắt đầu từ năm 1979.”

Riêng tác giả Trương Kế, có 2 giả thuyết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, một là trên đường về sau khi thi hỏng, hai là lúc chạy loạn An Lộc Sơn; nhưng tựu trung là tác giả đang rất buồn, có lẽ tiếng chuông chùa đã giúp ông thấy thanh thản lại chăng mà sau này ông lại dùi mài kinh sử, thi lại và đỗ đến Tiến sĩ, ra làm quan (Trương Kế , tự là Ý Tôn sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế , từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang…)chứ không thấy nói ông đi tu !!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Xing quanh bài thơ "Phong Kiều dạ bạc" hiện còn nhiều tranh về vấn đề hai chữ "ô đề" và "sầu miên" có phải là tên riêng hay không. Mình không nhớ lần đầu đọc ý kiến về vấn đề này ở đâu (có lẽ là trước đây đọc trên trang vhvn.com, nhưng nay trang domain này đã không còn nữa) và cũng không rõ ai là người đầu tiên nêu ra ý kiến này, đại ý là ở gần Cô Tô có một thôn tên là Ô Đề, và một ngọn núi tên là Sầu Miên. Tất nhiên nếu đó là tên riêng thì chắc hẳn Trương Kế không thể không biết rằng nó có thể được hiểu theo nghĩa thông thường. Tuy nhiên mình nghĩ rất có thể tồn tại khả năng hai tên Ô Đề và Sầu Miên là do người đời sau đặt ra dựa vào bài thơ này thì sao, dù sao thì Trương Kế cũng sống trước chúng ta mười mấy thế kỷ.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bình thủy

Bản dịch của Tản Đà:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nừa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn san

Hai câu đầu dịch hay quá, hai câu sau không biết có nhớ lộn không nữa

Liên quan đến tiếng chuông chùa Hàn san có bài thơ của sư trụ trì chùa như sau:( làm xong bài thơ này sư cao hứng nên mới dộng chuông lúc nửa đêm)

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bình thủy

Chẳng hiểu sao khi đọc đến đoạn Ô đề (quạ bay lên) em lại liên tưởng đến bài Xích Bích  do Tào tháo ngâm khi uống rượu trên thuyền trước trận Xích Bích. Trong đó có câu:
Nguyệt minh tinh hi
Ô thước Nam phi
cũng có trăng sáng Giang Nam, có quạ bay,
Từ thức- một mưu sĩ của Tào tháo bị đâm một giáo chết tươi vì cả gan bàn bài thơ này,( cho rằng quạ bay không chỗ đậu báo điềm gở).
lại lan man rồi - sorry
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Bạn nhớ nhầm lung tung rồi.

Thứ nhất Từ Thức là trong truyền thuyết Từ Thức gặp tiên, là truyện VN. Trong Tam Quốc có Từ Thứ trước theo Huyền Đức, sau bị Tào Tháo lập kế bắt mẹ nên phải sang Tào, là mưu sĩ nhưng thề không hiến kế nào cho quân Tào. Trong trận Xích Bích, Từ Thứ biết được cái kế của Ngô-Thục nên cao cẳng chạy trước (nói với Tào là đi giữ Hứa Xương).

Người bàn nhảm thơ Tào là Lưu Phúc, nói là trước trận chiến mà làm thơ "Ô thước nam phi, Nhiễu thụ tam tạp, Vô chi khả y" (quạ bay về nam, bay quanh cây 3 lần mà không thể đậu được) là điềm xấu. Tào Tháo đang say cầm kiếm chém luôn một nhát giết chết Lưu Phúc, sáng hôm sau dậy thấy mới hối tiếc.

Bài thơ đó chính là Đoản ca hành, hôm qua vừa mới post: http://www.thivien.net/fo...ID=45kuWNNJkh-hGfdZQe0kBg
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bình thủy

Cám ơn bác đã nhắc, Đa tạ. Chính là Lưu Phúc. Cái ấn tượng nhất là mới nói mấy câu đã bị đâm một giáo chết tươi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanggiapton

Bài thơ bất hủ và quá hay. Các dịch giả mỗi thời một khác, và mối đồng cảm cũng khác nên mỗi bản dịch đều có nét riêng. Có lẽ trước một bài thơ hay mà không tự mình dịch riêng thì thấy như mình chưa được hòa với cảm xúc của tác giả nhưng lại theo cái hoàn cảnh riêng của mình. Âu là bởi cái lẽ đó mà tôi, một kẻ hậu sinh so với các dịch giả cả hơn nửa thế kỷ, cũng thấy bứt rứt và liều mạng đem bài Phong Kiều Dạ Bạc ra mà dịch. Xin gửi lên đây, mong bạn đọc thông cảm và chỉ giáo!

Thuyền đêm đỗ bến Phong Kiều

Trăng tà, tiếng quạ kêu đêm
Đầy trời sương, nỗi sầu thêm vương dài
Hàng cây phong, ánh lửa chài
Khách thuyền ai đậu bên ngoài Cô tô
Hàn San tự phía phương chùa
Nửa đêm nghe tiếng chuông khua nỗi lòng!
                         Hoàng Giáp Tôn dịch
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Bạn Bình Thuỷ nhớ nhầm bản dịch của Tản Đà, câu 2, phải thế này mới đúng

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

Nguồn trích: Thơ Đường/Tản Đà dịch/NXB Trẻ, 1989.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Thôn Ô Đề và núi Sầu Miên thực chất là hoàn toàn không có thật. Hai cái tên này là ý kiến của một học giả Nhật Bản khi viết bài nghiên cứu về bài thơ Phong Kiều dạ bạc. Có thể tham khảo cuốn Thơ văn cổ Trung Hoa mảnh đất quen mà lạ của dịch giả Nguyễn Khắc Phi để tìm hiểu căn nguyên của hai địa danh trên.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanggiapton

Xin gửi tới chủ đề một lời dịch khác:

THUYỀN ĐÊM ĐỖ BẾN PHONG KIÊU
Trăng tà vẳng tiếng qụa kêu
Đầy trời sương phủ sầu khêu nỗi lòng
Lửa chài bên mấy cây phong
Cô Tô thuyền đỗ bến sông ngoại thành
Chùa Hàn San vẳng âm thanh
Tiếng chuông khua dạ không đành nửa đêm!
          Hoàng Giáp Tôn dịch
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối